Góc nhìn văn hóa

Nước mắt đàn ông ở Trung Quốc thời Tống (960-1279) - Kỳ IV

Tranh vẽ về biến loạn năm Tĩnh Khang - một sự kiện quan trọng trong lịch sử nhà Bắc Tống

 ...

V. Nước mắt gắn kết

Trong phần này, tôi thảo luận về việc kẻ sĩ nhìn nhận nước mắt như là sức mạnh gắn kết như thế nào để bảo vệ quyền lực của họ trong suốt cuộc khủng hoảng lãnh thổ ở thế kỷ XII. Những cuộc tranh chấp lãnh thổ liên miên làm nên một phương diện căn bản của nền chính trị thời Tống. Khác với nhà Đường, triều đại nhà Tống không còn là một đế chế rộng lớn thống trị các quốc gia lân bang trong một hệ thống liên quốc gia lấy Trung Hoa làm trung tâm nữa; mà thay vào đó, nó chiếm giữ phần lãnh thổ nhỏ hơn và là một trong nhiều thế lực quan trọng ở Đông Á[1]. Ngay từ ban đầu, triều Tống đã phải thường xuyên đối mặt với sự đe dọa về mặt quân sự từ các chính quyền trên vùng thảo nguyên thuộc địa phận Á - Âu. Năm 1127, nhà Kim của người Nữ Chân (1115-1234), nước láng giềng ghê gớm ở miền Đông Bắc, đã mở cuộc chinh phạt và chiếm được kinh đô của nhà Tống. Được biết đến với biến loạn năm Tĩnh Khang, tai họa này buộc nhà Tống phải nhường phần lãnh thổ ở phía bắc của mình cho người Nữ Chân và trở thành một thế lực cát cứ đóng đô ở phía nam. Do đó, lịch sử nhà Tống được chia thành hai giai đoạn Bắc Tống và Nam Tống. Quân Nữ Chân bắt hai vị hoàng đế cuối cùng của triều Bắc Tống là Huy Tông và Khâm Tông (trị vì từ năm 1126 đến năm 1127) và giữ họ cho đến cuối đời. Những ghi chép lịch sử đời sau đều mô tả cuộc biến loạn này như một nỗi ô nhục lớn dưới thời nhà Tống[2].

Thất bại dưới tay người Nữ Chân đã thúc đẩy một cuộc khủng hoảng không chỉ về vấn đề an ninh của một triều đại mà còn về nam tính. Như một số học giả chỉ ra, cuộc xâm lăng của những kẻ du mục đã đe dọa phẩm tính đàn ông của kẻ sĩ đời Tống, những người vẫn tự hào rằng mình là người văn minh và phủ định quân Nữ Chân xâm lược như thể đó là những kẻ mọi rợ chưa tiến hóa hết[3]. Chẳng hạn, trong miêu tả của một nam nhân đời Tống, đàn ông Nữ Chân “dũng mãnh và hung hãn” (dũng hãn 勇悍) và “thích chiến đấu” (hí chiến đấu 喜戰鬬), giỏi chịu đói khát; họ leo lên những vách đá với tốc độ phi thường và vượt sông bằng cơ bắp chứ không phải bằng tàu bè[4]. Sự tập trung vào những đặc tính của loài vật đối lập sâu sắc với chân dung tự họa của kẻ sĩ đời Tống, những người vượt trội về cả năng lực ở lĩnh vực dân sự lẫn những tinh hoa về mặt văn hóa. Nam tính của người Nữ Chân đặt ra mối đe dọa rất trái ngược[5], nó khiến đàn ông đời Tống phải bảo vệ thương hiệu nam tính riêng của mình, một cuộc chiến theo nghĩa bóng giữa văn minh và mọi rợ[6].

Bên cạnh mối đe dọa từ ngoại bang, một cuộc khủng hoảng nội bộ cũng đang lờ mờ hiện ra trên phẩm tính nam nhân của kẻ sĩ, khi địa vị của họ - với tư cách tầng lớp thống trị về mặt chính trị - đối mặt với những thách thức từ các nhóm lợi ích khác. Quyền bá chủ - thứ xác định đặc điểm nam tính của kẻ sĩ - bắt đầu sụp đổ. Sự phân hóa trong nội bộ khối trí thức và vượt ra ngoài khối đó càng lúc càng trở nên vô tiền khoáng hậu khi giao tranh giữa nhà Tống và chính quyền của người Nữ Chân leo thang. Ngay từ ban đầu, kẻ sĩ đã không thể có được một phản ứng thống nhất với cuộc chiến vì những tranh cãi dai dẳng giữa phe chủ chiến và phe chủ hòa, vấn đề này càng thêm trầm trọng khi lập trường của hoàng đế cũng dao động[7]. Sự hỗn loạn càng tồi tệ hơn khi đám hoạn quan và một số thành viên của lực lượng quân đội chiếm được lòng tin của hoàng tộc và đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với việc điều hành đất nước của kẻ sĩ[8]. Lòng tự tin và kiêu hãnh của kẻ sĩ dần dần tiêu tan khi một vài người trong số đó gặp nhiều thất bại ở những nỗ lực về mặt quân sự và những người khác thì hoảng hốt, khiếp đảm tháo chạy khỏi các chức trách dân sự của mình[9].

Nhiều trước tác về loạn Tĩnh Khang mô tả những suy tư buồn bã của kẻ sĩ về nam tính méo mó của họ và tiếng khóc trở thành một motif nổi bật trong những phản ánh trên văn bản này. Nước mắt không chỉ cho thấy nỗi sợ hãi hay đau buồn. Ngược lại, khóc là yếu tố kiên ngạnh trong cách tự vệ của đàn ông thời Tống. Nhất là với những nhà hoạt động xã hội theo chủ trương phản kháng, khóc có tác dụng phục hồi quyền thế về mặt chính trị của kẻ sĩ thông qua việc cải thiện các mối quan hệ quyền lực quan trọng, bao gồm mối quan hệ giữa vua và bề tôi, giữa tầng lớp tinh hoa và dân thường, giữa con người và những lực lượng phi thường trong vũ trụ. Trong lời kể của kẻ sĩ về cuộc khủng hoảng này, nước mắt giàn giụa chảy ở các vị thần linh, hoàng đế, quan lại và dân đen, tăng cường mối quan hệ tương hỗ của họ và củng cố cơ cấu thống trị của nam nhân tinh hoa.

Khi thành trì của nhà Tống sụp đổ, hoàng đế là người than khóc đầu tiên. Những ký lục về vua Huy Tông và vua Khâm Tông miêu tả rất nhiều nước mắt của đấng quân vương. Trong Thiết phẫn lục 竊憤 - bút ký được cho là do Tân Khí Tật 辛棄疾 (1140-1207) chấp bút, tác giả cung cấp tư liệu về việc người Nữ Chân giam hãm hai vị vua triều Tống và khắc họa số phận bất hạnh của hai đức vua như một con đường ngập tràn nước mắt. Theo tài liệu này, vua Khâm Tông và vua Huy Tông “thường nhìn nhau mà ứa lệ” (mỗi mỗi tương đối khấp hạ 每每相對泣下); đôi khi, những lúc chìm đắm trong nỗi nhớ quê hương, họ lại “ôm nhau khóc lớn” (tương trì đại khốc 相持大哭)[10]. Một tài liệu tương tự khác, Nam tẫn kỷ văn lục 南燼紀聞, thậm chí còn xác nhận rằng vua Huy Tông bị mù một bên mắt vì khóc quá nhiều[11]. Sau khi vua Huy Tông qua đời trong thời gian bị giam giữ, triều đình Nữ Chân đưa vua Khâm Tông đến nơi khác. Thiết phẫn lục miêu tả chuyến hành trình của ngài như sau:

“Ngày nào, Hoàng đế cũng than khóc không ngừng, quần áo rách tả tơi, ngài và đám người theo hầu đều trông như ma quỷ” (帝日日哭泣不止, 衣裾破敝, 隨行人及帝皆如鬼形[12].)

Chủ nghĩa hiện thực chua chát là nét đặc trưng của những mô tả này, và các bậc đế vương cũng hé lộ tình trạng dễ bị tổn thương của họ như bất cứ ai khi bị nỗi sợ hãi và căng thẳng bủa vây.

Trong nhiều tự sự thời bấy giờ, hòa chung với tiếng khóc của đức vua là nước mắt của những thần dân của ngài. Trong Tĩnh Khang kỷ văn 靖康紀聞, một bút ký khác cũng tập trung vào biến loạn năm Tĩnh Khang, Đinh Đặc Khởi 丁特起 (khoảng 1138) cung cấp tư liệu về rất nhiều dịp một nhóm người cùng cất tiếng khóc. Chẳng hạn, tháng Chạp năm 1126, quân Nữ Chân hạ được thành Biện Kinh, đẩy triều Tống đến bờ vực sụp đổ. Huy Tông hoàng đế buộc phải đến doanh trại của quân Nữ Chân để thương thảo. Rất nhiều dân chúng của nhà Tống đã tụ họp lại dọc theo đường đi của nhà vua. Bọn họ “đều than thở và khóc lóc, nước mắt giàn giụa chảy” (giai thán uyển cảm khấp, thế tứ hoành lưu 皆嘆惋感泣, 涕泗橫流). Đức vua cũng rơi lệ. Khi ngài đến cầu Châu trên sông Biện, “chiếc khăn tay của ngài đã đẫm nước mắt” và “gần như không nói nên lời” (lệ dĩ triêm ấp phách tử, đãi bất năng ngôn 已沾浥帕子, 殆不能言). Trịnh Kiến Hùng 鄭建雄 (khoảng thế kỷ XI) và Trương Thúc Dạ 張叔夜 (1065-1127), những viên quan nhà Tống đi theo ngài, đều dừng ngựa và “khóc lớn” (hào khấp 號泣). Mãi đến lúc họ tới được cửa Tuyên Đức, hoàng thượng mới gắng sức nói được vài tiếng: “Trẫm nghĩ trẫm sẽ chẳng còn được nhìn thấy vạn dân nữa” (Trẫm tương vị bất dữ vạn dân tương kiến 朕將謂不與萬民相見). Rồi ngài bật khóc, và tất cả người nghe đều “gào khóc đau đớn” (đỗng khốc)[13].

Người kể chuyện Đinh Đặc Khởi được biết đến với việc chủ động tham gia hoạch định chiến lược quân sự để chống lại người Nữ Chân[14]. Khi miêu tả thời điểm nhiều người cùng đổ lệ, ông đã thể hiện một khoảnh khắc gắn kết rất phù hợp với hình dung của một nhà hoạt động xã hội theo chủ trương phản kháng. Tự sự này phân bổ nước mắt cho tất cả mọi người với những vai trò khác nhau, thuộc nhiều thang bậc và cho thấy sự đoàn kết ở đó, một sự đoàn kết được định rõ ranh giới theo trật tự tôn ti. Quan hệ hoàng đế - thần dân giữ vị trí trung tâm của khung cảnh này. Nhà vua là người lãnh đạo thông qua việc khóc đầu tiên, và việc giao tiếp bằng nước mắt với những người dân đang xếp hàng trên đường đóng vai trò khai màn và hạ màn phân cảnh sướt mướt này. Đức vua biểu lộ nỗi đau đớn sâu sắc khi bị kéo ra khỏi “vạn dân”, và việc trao đổi nước mắt liên tục đã làm mới mối gắn kết giữa đấng cầm quyền - người đang vật lộn hoàn thành trách nhiệm của mình và các thần dân của ngài - những người tụ họp phía sau ngài trong tình cảnh thảm khốc. Trong số vạn người ấy, hai viên quan khóc lớn hiện diện một cách nổi bật. Tiếng khóc đơn độc của họ một lần nữa khẳng định mối gắn kết đặc biệt giữa quân vương và tầng lớp kẻ sĩ và công khai nhắc nhở về bản dạng đặc quyền của kẻ sĩ với tư cách người bảo vệ hoàng đế.

Trong lời tựa Tĩnh Khang kỷ văn, Đinh Đặc Khởi đã nói rõ mục đích chung của ông khi soạn tác văn bản này, mà việc ông sử dụng nước mắt đã chứng thực phát biểu ấy một cách hiệu quả. Ông bộc bạch rằng mình hướng đến việc “khích lệ tấm lòng của trung thần nghĩa sĩ” (kích trung thần nghĩa sĩ chi tâm 激忠臣義士之心), “uốn nắn tội lỗi của loạn thần tặc tử” (chính loạn thần tặc tử chi tội 正亂臣賊子之罪) và khiến mọi người biết rằng “hoàng thượng của chúng ta là người nhân từ, sáng suốt, biết quan tâm và mẫn cán” (tri ngô quân nhân thánh ưu cần  知吾君仁聖憂勤)[15].

Nhìn chung, Đinh Đặc Khởi đã phát biểu một thông điệp rõ ràng. Trong lúc khóc than về sự sụp đổ của triều đại, ông vẫn nêu bật một số nỗ lực phản kháng có sự đồng tâm nhất trí mà những trí thức tận tụy là người tiên phong thực hiện với sự ủng hộ của hoàng đế. Đinh Đặc Khởi nhấn mạnh với người đọc những mối ràng buộc chung giữa hoàng đế và thần dân, hi vọng rằng những ghi chép này sẽ khích lệ sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía người dân triều Tống để bảo vệ trật tự phong kiến. Để đạt được mục đích ấy, ông đã ấn định một vai trò hành động đặc biệt cho các viên quan - những người phải mạnh mẽ bảo vệ chế độ (bằng “trung” và “nghĩa”) và đấu tranh với những lầm lạc có hại (như “loạn” và “tặc”).

Nói cách khác, Đinh Đặc Khởi định củng cố - nếu không phải là phục hồi - sự thống trị của kẻ sĩ - thứ mà ông không còn có thể mặc nhiên sở hữu được nữa ở thời điểm sáng tác. Những năm tháng dẫn đến tai họa năm Tĩnh Khang đã chứng kiến sự phân hóa về mặt chính trị ngày một sâu sắc hơn. Tranh cãi giữa phe chủ chiến và phe chủ hòa lên đến đỉnh điểm khi người Nữ Chân áp sát kinh đô nhà Tống. Trong khi một số trí thức - như Trương Thúc Dạ (một trong hai người gào khóc) - đã kịch liệt chiến đấu để ngăn quân Nữ Chân xâm nhập sâu hơn, thì những người khác, chẳng hạn Thượng thư Đường Khác 唐恪 (?-1127), vẫn hướng đến việc thương lượng với hi vọng hòa nghị với nhà Kim[16]. Những người nắm quyền lực nhưng lại thỏa hiệp vô nguyên tắc này nhìn chung đã làm dấy lên mối ngờ vực sâu sắc trong lòng những người dân nhà Tống theo khuynh hướng phản đối[17]. Sự tín nhiệm đối với kẻ sĩ càng sụt giảm khi một số viên quan ở kinh đô công khai bỏ nhiệm sở, và một vị đại thần ngày trước, Trương Bang Xương張邦昌 (1081-1127), thậm chí trở thành vị vua bù nhìn của chính quyền con rối mà người Nữ Chân thiết lập ở vùng đất của nhà Tống khi xưa[18].

Những bối cảnh đó cũng khiến sự thống nhất không thể chia tách giữa hoàng đế - trí thức là một ước vọng hơn là một thực tế. Trước hết, Khâm Tông hoàng đế chưa bao giờ quyết định dứt khoát giữa hai quan điểm thỏa hiệp và bạo động đối với người Nữ Chân. Thêm vào đó, những căng thẳng giữa triều đình của vua Huy Tông và triều đình của vua Khâm Tông gia tăng sau khi vua Khâm Tông lên nắm quyền, và việc các quan lại trong bộ máy chính quyền của vua Huy Tông bị ngược đãi khi ấy đã tác động đến những cuộc chiến quyền lực vốn dĩ đã phức tạp[19]. Ghi chép của Đinh Đặc Khởi về mối gắn kết giữa vua - tôi vừa là một mong ước nhìn lại quá vãng, vừa mang tính thuyết giáo; ông đang hình dung về một sự thống nhất tư tưởng sẽ sửa chữa mối quan hệ giữa kẻ sĩ và hoàng đế và theo đó, phục hồi vị thế đặc quyền của họ. Ông khiến nước mắt trở thành một motif đáng chú ý khi nhiều lần lựa chọn nhấn mạnh mục tiêu cốt yếu này bằng những từ ngữ liên quan đến việc khóc.

Bên cạnh việc hướng đến mối quan hệ vua - tôi, ghi chép của Đinh Đặc Khởi cũng chứa đựng một vấn đề phụ. Những thuật ngữ đạo đức được sử dụng rất nhiều hàm ý rằng nam nhân lý tưởng thời Tống - người đứng dậy chống lại đám ngoại bang hung hãn - được biết đến với phẩm tính đặc biệt của anh ấy: trung, nghĩa, và bậc nam tử hán đích thực nổi bật với sự tuyệt vời về mặt đạo đức. Theo những tiêu chuẩn thời Tống, sức mạnh đạo đức kỳ thực là một đặc điểm nam tính - điều mà tôi sẽ nói rõ trong phần tiếp theo.

Sự hợp nhất mà hành vi khóc đã hiện thực hóa không giới hạn trong những trật tự tôn ti của con người, mà nó còn vươn đến các tồn tại siêu nhiên và đơn giản hóa mối liên hệ giữa cõi phàm và cõi thiêng. Trong một câu chuyện về Giả Công Vọng 賈公望 (khoảng những năm 1120), khóc trở thành một phương thức quan trọng để thu được sự ủng hộ từ phía các vị thần. Lục Du đưa cả giai thoại vào Lão Học am bút ký 老學庵筆記, một luận thuyết được ông hoàn thành từ những năm 1170 đến những năm 1190[20]. Ở thời điểm của câu chuyện, Giả Công Vọng là Tri huyện Tứ Châu (ở giữa An Huy và Giang Tô ngày nay), vùng đất biên giới với nhiều cuộc kháng cự lại quân Nữ Chân của nhà Tống. Theo Lục Du, Giả Công Vọng là một tướng tài và theo phe chủ chiến. Vốn là người kịch liệt phản đối quân Nữ Chân, Lục Du đã ghi lại câu chuyện về Giả Công Vọng với lòng ngưỡng mộ rõ rệt[21].

Sau biến loạn năm Tĩnh Khang, Giả Công Vọng đối mặt với một thách thức mới khi khu vực mà ông cai quản lại nằm ngay cạnh chính quyền con rối do Trương Bang Xương là người đứng đầu trên danh nghĩa. Khi lệnh ân xá lúc đăng cơ của Trương Bang Xương đến tay Giả Công Vọng, quan tri huyện đã gọi tất cả quan lại trong huyện tới, tập hợp ở Thiên Khánh Quán天慶觀, điện thờ chính thức của Đạo giáo mà triều đình nhà Tống lập ra ở mỗi huyện. Đám người “gào khóc” trước “Thánh tổ聖祖”, ông tổ linh thiêng của hoàng tộc, là hiện thân cho vị hoàng đế lập nên triều Tống[22]. Trước mặt mọi người, Giả Công Vọng đốt cháy lệnh ân xá trong nước mắt. Cuối cùng, Trương Bang Xương và chính quyền con rối của ông ấy không thể khuất phục được Tứ Châu, mà theo hàm ý của Lục Du, đây có lẽ là kết quả của hành vi chống đối trong nước mắt ấy[23].

Địa điểm diễn ra sự kiện này cho thấy Giả Công Vọng có ý định kêu gọi sự hỗ trợ linh thiêng từ các thế lực siêu nhiên. Thiên Khánh Quán là một cơ sở được nhà nước bảo trợ, là nơi quan lại thời phong kiến đều đặn cúng tế thần linh và tham dự những lễ hội/cuộc họp công khai[24]. Chiến dịch khóc lóc của Giả Công Vọng rõ ràng hướng đến Thánh tổ, người đại diện cho nguồn gốc thiên giới của hoàng tộc nắm quyền trị vì và xác nhận tính hợp pháp trong việc cai trị của họ. Nước mắt của Giả Công Vọng và những người ủng hộ ông vừa là biểu hiện của lòng trung thành vừa là lời khẩn cầu thần linh can thiệp vào cảnh ngộ khổ ải hiện tại của họ.

Lời khẩn cầu bằng nước mắt của Giả Công Vọng có lẽ là sự mô phỏng một thực hành cổ xưa nhưng có một thay đổi mới mẻ. Ghi chép trong các kinh điển cung cấp tư liệu về một nghi lễ mà ở đó, người cầm quyền tổ chức một nhóm người gào khóc để khẩn cầu ân huệ từ một số tồn tại cao hơn, chẳng hạn “trời và đất, núi và sông, cùng các vị thần cổ xưa” (thiên địa sơn xuyên xã tắc 天地山川社稷)[25]. Một ví dụ cụ thể về nghi lễ này có chung những điểm tương đồng ấn tượng với chiến dịch của Giả Công Vọng. Vương Mãng 王莽 (45 TCN - 23), bậc cầm quyền của triều Tân (9-23), đã tổ chức một đại lễ mà ở đó, ông và thần dân thể hiện một màn khóc dài hướng đến Ông Trời (thiên ) với hi vọng rằng vị thần này sẽ cứu vớt chính quyền ngắn ngủi của ông khỏi sự tàn lụi sắp xảy đến[26]. Trong trường hợp của Giả Công Vọng, ông đã tiếp tục truyền thống thỉnh cầu bằng nước mắt này, nhưng hướng lời thỉnh cầu ấy tới đấng thần linh giữ vị thế quan trọng nhất đối với vận mệnh của nhà Tống - cũng chính là vị tổ tiên linh thiêng.

Như vậy, trong lời kể của kẻ sĩ về cuộc khủng hoảng của triều đại, hành động khóc diễn ra ở mọi cấp độ nhằm củng cố những mối quan hệ định rõ tôn ti thời Tống: giữa hoàng đế và các loại thứ dân, giữa bậc cầm quyền và kẻ bề tôi, giữa con người và thần thánh. Sự mở rộng cuối cùng đến tận địa hạt của đấng siêu nhiên là một cách mở rộng hợp lý theo lối hình dung phổ biến có từ thuở xa xưa về vũ trụ, trong lối hình dung ấy, con người và những tồn tại siêu nhiên (chẳng hạn, Trời) cùng hiện hữu trong một thể thống nhất có sự phụ thuộc lẫn nhau chứ không phải những lĩnh vực tách biệt về mặt bản thể luận. Sự gắn kết trong cộng đồng loài người, vì vậy, vẫn dựa trên và bao hàm cả mối liên kết hài hòa với các lực lượng trong vũ trụ[27]. Chiến dịch khóc lóc của Giả Công Vọng là ví dụ minh họa cho nỗ lực của kẻ sĩ trong việc tiếp cận nền tảng mang tính vũ trụ của chế độ, chẳng hạn, vị trí cao nhất trong hệ thống thứ bậc mà ở đó, những nam nhân tinh hoa thiết lập quyền lực của mình.

Khóc không phải là hành vi được lựa chọn một cách ngẫu nhiên trong nỗ lực của Giả Công Vọng nhằm thức tỉnh cõi thiêng; nước mắt kỳ thực có khả năng lan truyền đặc biệt căn cứ vào cách hiểu cảm xúc là sự vận hành xét theo vũ trụ học. Cảm xúc - sự vận động do khí trong vũ trụ điều khiển, được cho là truyền từ thực thể này sang thực thể khác trong một vũ trụ có sự tương thuộc và tương liên[28]. Nó lưu chuyển nhờ “sự cảm ứng” (cảm ), cơ chế chính trong vũ trụ học có trách nhiệm trong mọi vận động ở mọi thực thể, bao gồm con người, động vật, tĩnh vật và những tồn tại trên cõi thiêng[29]. Vậy nên vạn vật đều có thể có cảm xúc và vạn vật, từ một bông hoa nhỏ bé cho đến Thiên công uy nghiêm đều có thể rơi nước mắt vì xúc động bởi có sự cộng hưởng.

Như nhiều ví dụ cho thấy, người Tống không coi việc khóc là hành xử độc quyền của riêng loài người mà là một lối biểu hiện cảm xúc chung của động vật, thực vật và những tồn tại siêu nhiên. Chẳng hạn, Di kiên chí ghi lại 29 trường hợp thần và ma khóc; trước tác này cũng bàn về nhiều trường hợp mà khỉ, lợn và rắn chảy nước mắt vì những nguyên nhân xúc động (xem Hình 1). Trong loạn Tĩnh Khang, không chỉ có rất nhiều người bật khóc, mà thần linh cũng rơi lệ. Theo Nam tẫn kỷ văn lục, nước mắt của một vị thần đã báo trước tai họa sắp xảy đến: Thần Câu Mang khóc và nước mắt giàn giụa trên mặt ngài khi chiến tranh Tống - Kim nổ ra[30].

Sự vận hành của cảm xúc theo quan điểm của vũ trụ học khiến khóc trở thành một ngôn ngữ của vũ trụ, thứ kết nối cõi phàm và cõi thần. Theo đó, khóc tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ việc giao tiếp của con người mà cả việc kết nối giữa con người và thần thánh. Từ thường dân cho đến giới tinh hoa, từ kẻ bề tôi cho đến đấng cầm quyền, từ con người cho đến những thực thể cao hơn, nước mắt lan tỏa toàn bộ chiều kích của hệ thống thứ bậc đã kiến thiết nên sự tồn tại của nhà Tống. Khóc có thể đương nhiên là một phản ứng với cuộc khủng hoảng ở thời điểm bị tổn thương; tuy vậy, kẻ sĩ đã vũ trang nước mắt thành một thứ mang tính chủ động hơn là một cách phản ứng lại. Với các nam nhân thuộc giới tinh hoa ở thời Tống, rơi lệ là một nước đi tích cực mà với nó, họ sửa chữa các mối quan hệ quyền lực, phục hồi quyền điều hành, và về cơ bản là bảo vệ nền văn minh, chống lại man di.

(Còn nữa)

 

 

Mai Thu Huyền dịch

(Nguồn: Ya Zuo, “Male Tears in Song China (960-1279)”, Journal of Chinese Studies, No. 73 (July 2021), pp.33-79)

 



[1] Xem thảo luận của Nicolas Tackett về “trật tự thế giới Đông Á” trong The Origins of the Chinese Nation: Song China and the Forging of an East Asian World Order (Cambridge: Đại học Cambridge ấn hành, 2017), tr.16-23.

[2] Xem giới thiệu về biến loạn năm Tĩnh Khang trong Ari D. Levine, “The Reigns of Hui-tsung (1100-1126) and Chin-tsung (1126-1127) and the Fall of the Northern Sung”, trong Twitchett và Smith (Biên soạn), The Cambridge History of China, Tập 5, Phần 1, tr.639-643.

[3] Xem Patricia B. Ebrey, The Inner Quarters: Marriage and the Lives of Chinese Woman in the Sung Period (Berkeley và Los Angeles: Đại học California ấn hành, 1993), tr.32-33; Hinsch, Masculinities in Chinese History, tr.9; Song, The Fragile Scholar, tr.66; Harriet Zurndorfer, “Polygyny and Changing Masculinity among the Elite in Mid-Imperial China”, tham luận trình bày tại Hội thảo The Second Middle-Period China Humanities, 14-17/9/2017; đã được tác giả cho phép trích dẫn vào ngày 26/11/2017.

[4] Vũ Văn Mậu Chiêu 宇文懋昭 (khoảng thế kỷ XIII) được cho là người soạn tác, Thôi Văn Ấn 崔文印 hiệu chứng, Đại Kim quốc chí hiệu chứng 大金國志校證 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1986), Quyển 39, tr.551.

[5] Mặc dù nam tính của người Nữ Chân có vẻ võ biền, nhưng nó không thuộc kiểu nam tính vì cả văn đều dành cho những nam nhân Trung Quốc “văn minh”. Xem Louie, Theorising Chinese Masculinity, tr.12-13.

[6] Cặp nhị nguyên văn minh/mọi rợ là một khung khổ có từ lâu đời, định rõ mối quan hệ liên quốc gia giữa Trung Quốc và và những chính quyền khác từ điểm nhìn Trung Quốc. Về một nhìn nhận mang tính phê phán gần đây về lịch sử của khung khổ này, xem Shao-yun Yang, The Way of the Barbarians: Redrawing Ethnic Boundaries in Tang and Song China (Seattle, WA: Đại học Washington ấn hành, 2019), tr.7-15.

[7] Về một ghi chép cụ thể liên quan đến sự phân hóa trong suốt thời kỳ chiến tranh giữa nhà Tống và chính quyền của người Nữ Chân, xem Cố Hoành Nghĩa 顧宏義, Thiên liệt: Thập nhị thế kỷ Tống Kim hòa chiến thực lục 天裂:十二世紀宋金和戰實錄 (Thượng Hải: Thượng Hải thư điếm xuất bản xã, 2000).

[8] Về một phân tích cuộc cạnh tranh giữa kẻ sĩ và hoạn quan, xem Patricia B. Ebrey, Emperor Huizong (Cambridge, MA: Đại học Harvard ấn hành, 2014), tr.339-341.

[9] Về một loạt thất bại của nhà Tống dẫn đến loạn Tĩnh Khang, xem Cố Hoành Nghĩa, Thiên liệt: Thập nhị thế kỷ Tống Kim hòa chiến thực lục, tr.145-173. Việc quan chức tháo chạy khỏi nhiệm sở ngày càng trở thành một hiện tượng phổ biến kể từ cuộc khởi nghĩa của Phương Lạp (1120) và tiếp diễn cho đến tận cuối thời Bắc Tống. Xem Ebrey, Emperor Huizong, tr.399 và Levine, “The Reigns of Hui-tsung and Ch’in-tsung”, tr.624.

[10] Tân Khí Tật, Thiết phẫn lục, trong Chu Dịch An, Phó Tuyền Tông và Chu Thường Lâm (Biên soạn), Toàn Tống bút ký, Series 4, Tập 4, tr.60.

[11] Tân Khí Tật, Nam tẫn kỷ văn lục, trong Chu Dịch An, Phó Tuyền Tông và Chu Thường Lâm (Biên soạn), Toàn Tống bút ký, Series 4, Tập 4, tr.54.

[12] Tân Khí Tật, Thiết phẫn lục, tr.71.

[13] Xem năm trích dẫn trên trong Đinh Đặc Khởi, Tĩnh Khang kỷ văn靖康紀聞, trong Chu Dịch An, Phó Tuyền Tông và Chu Thường Lâm (Biên soạn), Toàn Tống bút ký, Series 4, Tập 4, tr.107.

[14] Chẳng hạn, xem Từ Mộng Tân徐夢莘 (1124-1207), Tam triều bắc minh hội biên三朝北盟會編 (Đài Bắc: Đại Hóa thư cục, 1978), Tập 2, Quyển 41, tr.91.

[15] Đinh Đặc Khởi, Tĩnh Khang kỷ văn, tr.94.

[16] Cố Hoành Nghĩa, Thiên liệt: Thập nhị thế kỷ Tống Kim hòa chiến thực lục, tr.161-163.

[17] Như trên, tr.170.

[18] Về một phân tích về Trương Bang Xương và việc lúc bấy giờ, ông bị nhìn nhận như một kẻ vi phạm lòng trung thành của bề tôi, xem Lộ Dục Tùng路育松, “Thí luận Bắc Tống trung tiết quan kiến thiết đích thành hiệu - Dĩ sở chính quyền hòa Nam Tống kiến lập vi trung tâm đích khảo sát試論北宋忠節觀建設的成效——以楚政權和南宋建立為中心的考察”, Cầu thị học san 求是學36.6 (12/2009), tr.142-147.

[19] Về một thảo luận kỹ lưỡng liên quan đến những cuộc chiến giữa hai triều đình này, xem Ebrey, Emperor Huizong, tr.442-226.

[20] Lục Du, Lão Học am bút ký, trong Chu Dịch An, Phó Tuyền Tông và Chu Thường Lâm (Biên soạn), Toàn Tống bút ký, Series 5, Tập 8, tr.3.

[21] Về lập trường phản đối Nữ Chân của Lục Du, xem Khâu Minh Cao 邱鳴皋, Lục Du bình truyện 陆游評傳 (Nam Kinh: Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2002), tr.64-83, 116-166, 218-224, và 245-259.

[22] Xem tóm lược về những nghiên cứu liên quan đến “Thánh tổ” và mối quan hệ giữa ngài và dòng họ Triệu trong Chu Vĩnh Thanh 朱永清, “Thần cách dữ chính trị: Triệu Tống Thánh tổ sùng bái tân luận 神格與政治: 趙宋聖祖崇拜新論”, Ninh Hạ sư phạm học viện học báo寧夏師範學院學 40.8 (2019), tr.73.

[23] Lục Du, Lão Học am bút ký, Quyển 2, tr.26.

[24] Nhận sự bảo trợ của nhà nước, Thiên Khánh Quán chủ trì nhiều cuộc họp nói đến tầm quan trọng của nhà nước trong khuôn khổ nghi lễ của Đạo giáo. Xem Kristofer Schipper, “Taoism: The Story of the Way”, trong Stephen Little và những người khác (Biên soạn), Taoism and the Arts of China (Berkeley và Los Angeles: Đại học California ấn hành, 2000), tr.49.

[25] Chu lễ chú sớ 周禮注疏, trong Nguyễn Nguyên (Biên soạn), Thập tam kinh chú sớ, Quyển 19, tr.129.

[26] Ban Cố 班固 (32-92), Hán thư 漢書 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1962), Quyển 69, tr.4187-4188.

[27] Các học giả đã tìm hiểu thể thống nhất này từ nhiều góc độ khác nhau, một trong số đó có liên quan đến sự tương ứng giữa con người và thế lực siêu nhiên. Chẳng hạn, xem John B. Henderson, The Development and Decline of Chinese Cosmology (New York: Đại học Columbia ấn hành, 1984), tr.1-53.

[28] Mọi thứ đều được xem là do khí trong vũ trụ tạo nên, và trong diễn ngôn y học, cảm xúc được miêu tả một cách đặc biệt như là sự vận động của khí trong mối liên hệ với hệ thống nội tạng. Xem Angelika C. Messner, “Making Sense of Signs: Emotions in Chinese Medical Texts”, trong Paolo Santangelo và Donatella Guida (Biên soạn), Love, Hatred, and Other Passions: Questions and Themes on Emotions in Chinese Civilization (Leiden: Brill, 2006), tr.96. Để có một phân tích toàn diện về hiện tượng học của cảm xúc liên quan đến khí, xem Ya Zuo, “Collecting Tears”.

[29] Cũng được biết đến như “sự cảm ứng giữa [những thứ] thuộc cùng một loại” (đồng loại cảm ứng同類感應). Xem giới thiệu về cơ chế cảm ứng này trong Robin R. Wang, Yinyang: The Way of Heaven and Earth in Chinese Thought and Culture (Cambridge: Đại học Cambridge ấn hành, 2012), tr.83-96.

[30] Tân Khí Tật, Nam tẫn kỷ văn lục, tr.18.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443626

Hôm nay

2184

Hôm qua

2333

Tuần này

21439

Tháng này

218800

Tháng qua

112676

Tất cả

114443626