Góc nhìn văn hóa

“O Lịu” của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

NSND Hồng Lựu

Là người Nghệ, dù ở trong nước hay làm ăn sinh sống ở nước ngoài, ít ai không biết chị. Nhắc đến chị, người ta thường nghĩ ngay đến Ví, Giặm. Tên tuổi chị gắn với dân ca Nghệ Tĩnh. Chị là Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Hồng Lựu - Quyền Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An.

Chị là con gái thứ ba trong một gia đình có 7 chị em ở xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương. Sinh ra và lớn lên bên dòng Lam đầy thơ mộng, từ nhỏ, cô bé Lựu đã được đắm mình trong những làn điệu dân ca qua lời ru mượt mà của bà, của mẹ. Âm hưởng sâu lắng của những làn điệu dân ca Ví, Giặm đã trở thành mạch nguồn thấm đẫm vào tâm hồn Hồng Lựu, cứ thế chị và câu hát tự lúc nào quyện vào nhau. Chị nói: “Không biết tự bao giờ tôi không nhớ nữa nhưng tôi ý thức được rất rõ câu dân ca nó ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi, đến cuộc đời tôi”. Cả một đời đau đáu với câu ví quê hương và chính dân ca Ví, Giặm đã đưa chị lên đỉnh cao của sự nghiệp nghệ thuật.      

Là một người nghệ sĩ khổ luyện

Năm 1985, chị chính thức vào Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh. Cuộc đời “O Lịu” đã phải trải qua bao vất vả, hy sinh cho lao động nghệ thuật. Những năm đầu vào nghề, cuộc sống thiếu thốn, phải thường xuyên đi diễn xa, con cái còn nhỏ, hay ốm đau, phải bồng bế con theo chồng về Hà Tĩnh rồi gửi con cho ông bà ngoại từ khi con mới được 14 tháng,…Để duy trì cuộc sống, lo cho các con, Hồng Lựu phải làm đủ nghề như bán cháo, thêu may, bấm khuyên tai... Chị nhận thấy rằng khó khăn là cơ hội, khó khăn luôn là một phần tất yếu trong cuộc sống, và vượt qua những khó khăn là kỹ năng mà mỗi người cần có. Đối diện với khó khăn, chị không bao giờ than vãn, chị luôn thúc đẩy bản thân phải làm cái gì đó vượt lên khó khăn, xứng đáng với sự sẻ chia của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Bén duyên với nghệ thuật, chị được biết đến là diễn viên kịch hát. Nhờ sự học hỏi không ngừng của bản thân từ những bậc đàn anh, đàn chị, chị đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả với các vai diễn như cô Nghệ trong vở Cô gái Sông Lam, vai mẹ Hoàng Thị Loan, vai nữ anh hùng cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai… Đó là những vai diễn thành công, góp phần mang lại cho chị danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2001.

Cuộc đời gần 40 năm làm nghệ thuật với gần 70 vai diễn, chị đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung. Qua 9 kỳ hội diễn, chị đã đạt được 9 HCV. Chị chia sẻ: “Tôi không phải là người học văn giỏi nhưng tôi nghiên cứu vai diễn sâu, nghiên cứu tính cách người Nghệ trong câu hát dân ca xứ Nghệ”. Chị có sự chiêm nghiệm sâu về mảnh đất Nghệ và phẩm chất, tính cách của người Nghệ để đưa những gì đặc trưng nhất, cốt lõi nhất vào trong vai diễn.

Chị không nhận mình là người hát hay nhưng chị nhận mình là người có giọng hát Nghệ đặc biệt. Khi chị cất tiếng hát, công chúng đã nhận ra ngay “O Lịu Ví Giặm” dù không thấy mặt. Với chất giọng riêng không trộn lẫn, cái đặc biệt trong sự luyến láy, nhả chữ, chị biết cách cuốn người nghe theo câu hát của mình. Bởi vì có sự nghiên cứu chuyên sâu, chị biết được cái sức mạnh, cái nội lực trong câu hát đằng sau sự đằm thắm, cái dạt dào, mênh mang của câu hát Ví, Giặm Nghệ. Câu hát nghe mềm mại, nhẹ nhàng nhưng đằng sau là cả một sự mạnh mẽ. Chị kể: Dù nghe những câu hát của bà, của mẹ ngay từ khi còn nhỏ nhưng người dạy chị câu hát đầu tiên lại là cha của chị. Phải chăng, nội lực sau từng câu hát là có sự ảnh hưởng từ người thầy đầu tiên - người cha kính yêu. Chính vì hiểu lời bài hát nên câu hát của chị luôn gây được ấn tượng mạnh, ảnh hưởng sâu đến công chúng. Bài Giặm ru “Phụ tử tình thâm” đến nay vẫn chưa có nghệ sĩ nào thể hiện vượt qua được Hồng Lựu.

Chị vừa làm diễn viên và tự chuyển thể các vai diễn và vở diễn chị vào vai. Kinh nghiệm qua những lần biễn diễn, chuyển thể khiến cho chị có ý tưởng phục hồi lại trò diễn xướng. Chị luôn tận dụng thời gian mình đang có để nghiên cứu, học hỏi. Ban đêm, chị đi biểu diễn và thời gian ban ngày sẽ tìm đến những nghệ nhân cao tuổi, những làng quê để tìm hiểu, tích lũy vốn dân ca cho mình. Từ đó chị về cùng chồng - Nghệ sĩ Ưu tú An Ninh phục hồi lại những trò diễn xướng dân ca xứ Nghệ. Trò diễn xướng Ví, Giặm đầu tiên được chị nghiên cứu, viết kịch bản phục hồi lại là Duyên phường vải. Để ra được kịch bản, chị đã cùng PGS. Ninh Viết Giao, đi về làng quê, tìm gặp các nghệ nhân lớn tuổi để tìm hiểu, ghi chép, lấy tư liệu. Sau khi được đài Truyền hình Nghệ An truyền hình trực tiếp, chiếu lần đầu tiên 1997, có nhiều luồng ý kiến trái chiều, công khai lên các tờ báo nhưng chị không nản chí. Chị đã cùng chồng lại hăm hở đi về các làng quê: Nghi Xuân - Hà Tĩnh, Đồng Văn - Thanh Chương, Phù Lưu - Thạch Việt để phục hồi trò diễn xướng phường nón; đi về Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên, Bồi Sơn - Đô Lương, Nam Đàn, Ngọc Sơn - Thanh Chương... men theo miệt sông Lam phục hồi trò diễn xướng phường chài; ra Yên Thành, Diễn Châu để phục hồi phường cấy... Người ủng hộ thì cũng nhiều, người tiếng đi tiếng lại cũng lắm nhưng không vì thế mà chị nản chí. Thành quả mang lại lớn nhất là việc phục dựng đã thành công, là sự lan tỏa diễn xướng dân ca xứ Nghệ sâu rộng trong cộng đồng.

Với sự chịu khó tìm tòi học hỏi, nghiên cứu về dân ca, cái tên Hồng Lựu đã có một chỗ đứng trong ngành biểu diễn nghệ thuật trong nước, đặc biệt là ở Nghệ An. Không chịu dừng lại ở thành công trong sự nghiệp biểu diễn, chị luôn muốn học hỏi, vươn lên, thử sức mình ở các vai trò khác nhau. Ở vai trò đạo diễn, những gì chị thể hiện qua nhiều vở diễn thành công chứng minh một người nghệ sĩ tài năng. Ngoài ra, Hồng Lựu còn tham gia sáng tác, biên tập, chuyển thể kịch bản dân ca.v.v…

Với những cống hiến lớn lao cho nghệ thuật và sự nghiệp phát triển dân ca Xứ Nghệ, năm 2012, Hồng Lựu đã vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” - một danh hiệu cao quý, một sự ghi nhận xứng đáng dành cho người nghệ sĩ khổ luyện, luôn trăn trở với những làn điệu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh quê hương.

Người nghệ sĩ truyền lửa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu là một trong những người tiên phong đề xướng chương trình phát triển dân ca rộng rãi trong cộng đồng. Chị luôn trăn trở với ước nguyện làm sao để dân ca Ví, Giặm lan tỏa và ngày càng ăn sâu, bám rễ trong cộng đồng. Chị nói: “Chỉ có sống trong cộng đồng, thì dân ca Ví, Giặm mớ́i được bảo tồn và phát triển bền vững, nhưng để làm được điều đó thì ngườ̀i nghệ sĩ phải biết cách thổi hồn đam mê cho thế hệ trẻ. Muốn thế hệ trẻ đam mê dân ca thì người truyền dạy cũng phải là ngườ̀i thật sự có niềm đam mê”. Cũng từ những trải nghiệm chị đã được đi trong dân, được các nghệ nhân từ các làng quê truyền dạy, chị quyết tâm về mở những lớp tại gia vào các kỳ nghỉ hè; tham gia dạy hát dân ca trên đài truyền hình; phối hợp với phòng Giáo dục các huyện, các trường học để ngoại khóa, đưa dân ca vào trường học; trao truyền cho các thế hệ tại gia đình,…

 

                         NSND Hồng Lựu dạy hát dân ca cho học sinh

Năm này qua năm khác, chị đã truyền dạy cho biết bao người biết hát dân ca, truyền tình yêu dân ca cho họ; rồi từ họ trao truyền lại cho biết bao người khác. Và  cũng từ đó chị phát hiện ra những năng khiếu, tài năng như Hà Quỳnh Như ở Yên Thành là quán quân The Voice Kid 2018, Nguyễn Khánh Hà ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh là quán quân Tài năng nhí Việt Nam... Nhờ quyết tâm, tâm huyết của chị, đến nay, tại nhiều địa phương, trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được một mạng lướ́i các câu lạc bộ hát dân ca rộng khắp.

 

NSND Hồng Lựu biểu diễn cùng Hà Quỳnh Như - quán quân The Voice Kid 2018

Trong bối cảnh hiện nay, muốn dân ca Ví, Giặm có thể tồn tại và phát triển một cách tự nhiên và dần đưa dân ca Ví, Giặm về với cộng đồng thì việc phục hồi không gian diễn xướng là việc làm cần thiết. Đây là niềm mong mỏi, quyết tâm của Hồng Lựu cũng như lãnh đạo ngành Văn hóa. Chị đã cùng với anh em bắt tay vào việc tái hiện không gian diễn xướng và giao lưu dân ca Ví, Giặm. Chương trình được diễn ra vào mỗi tối thứ 6 hàng tuần tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thu hút được đông đảo nhân dân tới thưởng thức, giao lưu, trải nghiệm. Trong thời gian tới không gian diễn xướng sẽ được nhân rộng ở nhiều địa điểm khác trong tỉnh. “Muốn bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ thì phải huy động được các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Phải làm cho người dân, nhất là người xứ Nghệ ít hay nhiều cũng phải biết dân ca Ví, Giặm. Người dân yêu câu hát dân ca mới làm lan tỏa tình yêu đó đến bạn bè trong nước và quốc tế” - Hồng Lựu chia sẻ. Chị vỡ òa hạnh phúc khi Ví, Giặm đã chính thức được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh

Người phụ nữ chỉnh chu, trách nhiệm.

Chị là người phụ nữ có một trái tim, một tâm hồn nhạy cảm, yêu cái đẹp, cái cao cả. Điều đó được thể hiện qua đa phần các chương trình, vở diễn của chị luôn hướng khán giả đến với những giá trị tốt đẹp, tiếp cận với thông điệp sống có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Với tư tưởng nghệ thuật giống như cách mạng, sống trên mảnh đất cách mạng thì sân khấu cũng là cách mạng, bám vào chính sách hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước, chị đã cùng đơn vị xây dựng nhiều chương trình, vở diễn mang tính định hướng, dự báo và tất cả đều được Nhân dân đón nhận nồng nhiệt.

Khi hợp nhất 2 đơn vị nghệ thuật thành Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, với vai trò là nữ thủ lĩnh của Trung tâm, lãnh đạo đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tài năng, nhiều cá tính, chị hiểu rằng cần phải có sự uyển chuyển trong quản lý, điều hành, lấy công tâm thu phục nhân tâm. Chị trở thành đầu mối, trung tâm đoàn kết trong đơn vị, luôn vô tư và hết lòng vì tập thể, vì anh em. Chị luôn tìm mọi cách để đời sống của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên được nâng lên; xây dựng Trung tâm thành khối đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng. Trung tâm Nghệ thuật truyền thống dưới sự điều hành, quản lý của NSND Hồng Lựu là một trong những đơn vị nghệ thuật truyền thống thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Số lượng các chương trình, vở diễn hàng năm đều vượt kế hoạch, nguồn thu tăng và đời sống của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Chất lượng nghệ thuật ngày càng cao nhờ sự làm việc, học hỏi nghiêm túc của các nghệ sĩ, diễn viên; nhờ các nguồn xã hội hóa, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp.

NSND Hồng Lựu tại Buổi gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp Xuân Quý Mão 2023

 Là người phụ nữ cương trực trong tính cách; với bản thân và với chồng con, chị tự nhận mình là “khắt khe đến đáng ghét”. NSUT An Ninh đã phải thừa nhận “Tôi viết thành công được là nhờ có người kiểm duyệt rất khắt khe đó là vợ tôi”. Nhờ sự chuẩn chỉnh, khắt khe đó mà hàm lượng nghệ thuật trong các chương trình, vở diễn được nâng cao và luôn được khẳng định đạt tốp đầu trong các hội thi, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, khu vực.

Có khổ luyện, có cương trực, có uyển chuyển, có chuẩn chỉnh, có khắt khe trong con người đầy đam mê, nhiệt huyết và vô cùng nhân văn mới có một NSND Hồng Lựu, một “O Lịu của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” ngày hôm nay; mới có những bảng vàng thành tích của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, mới có một gia đình nghệ sĩ thành công, hạnh phúc mà mọi người đều biết.

Điều tích cực ấy tự thân có sức lan tỏa diệu kỳ, lấp lánh như tấm gương soi. “O Lịu (hay Chắt Lịu) của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” là niềm tự hào của cả tập thể Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống và ngành Văn hóa & thể thao Nghệ An nói riêng cũng như mảnh đất xứ Nghệ nói chung./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 10 - Tháng 8/2023)

 

                      

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446628

Hôm nay

2266

Hôm qua

2293

Tuần này

2266

Tháng này

212887

Tháng qua

120141

Tất cả

114446628