Góc nhìn văn hóa
Phan Huỳnh Điểu - Cùng tình yêu ở lại
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
Nói đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là người ta sẽ nghĩ đến “Con chim vàng” của nền âm nhạc Việt Nam vì những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, người nhạc sĩ của “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000”.
Với tôi, một khán thính giả là một giáo viên Sử thì ông là người nhạc sĩ đã trao gửi xuất sắc niềm tin mãnh liệt và bất diệt vào chiến thắng cuối cùng của cả một dân tộc trong cuộc đấu tranh thống nhất non sông, gửi gắm một tình yêu nồng nàn về quê hương đất nước, tình yêu con người trong đạn bom của chiến tranh.
Sẽ không quá lời khi nói Phan Huỳnh Điểu là một người viết sử bằng lời ca, nốt nhạc và những ca khúc của ông đã mang lại những sắc màu riêng biệt cho dòng nhạc cách mạng và trữ tình Việt Nam.
Những ca khúc mang âm hưởng của lịch sử kháng chiến hào hùng
Phan Huỳnh Điểu là nhạc sĩ sớm trưởng thành trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta và là người nhạc sĩ kinh qua nhiều cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc.
Ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nhân dân ta đã phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp quay trở lại tái chiếm Việt Nam. Lực lượng vũ trang cách mạng non trẻ với Vệ Quốc quân, Vệ Quốc đoàn lần lượt đóng vai trò xung kích, tiên phong trong các mặt trận chống quân thù. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, bài hát “Đoàn giải phóng quân” (sau này sửa thành “Đoàn Vệ quốc quân”) của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã ra đời như một tiếng kèn xung trận, như một lời hịch cứu nước của cả một dân tộc, như một lời thề của thế hệ thanh niên lên đường ra mặt trận vì Tổ quốc theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước. Nhất định không chịu làm nô lệ”.
Với cấu trúc nhịp hành khúc 2-4 làm cho người hát, người nghe luôn thấy sự rạo rực và thôi thúc như những bước chân hành quân hối hả, hùng hồn của những người lính ra trận. “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết không lui…”
Bài hát nổi tiếng này của ông được phổ biến đầu tiên trên Quảng Nam - Đà Nẵng quê hương ông. Trong thời gian đó, trên các đoàn tàu hỏa chở những đoàn quân “Nam tiến” khi dừng lại tại ga Đà Nẵng, Đội văn nghệ tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh cùng với người chiến sĩ - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã ca vang bản hùng ca “Đoàn vệ quốc quân” như là gửi gắm một thông điệp đầy rực lửa quyết tâm của những người thanh niên yêu nước lên đường cứu nước.
“Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi
Dù có gian nguy nhưng lòng không nề…”
Đó là lời thề của giải phóng quân và cũng là lời thề đầu tiên của người nhạc sĩ mới 21 tuổi Phan Huỳnh Điểu khi dấn thân vào sự nghiệp cách mạng. Tính đến nay, 79 năm qua, bài hát “Đoàn Vệ quốc quân” là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất trong 30 năm chiến tranh cách mạng 1945-1975 qua 2 cuộc kháng chiến trường chinh chống thực dân Pháp (1946-1954) và chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Với những giai điệu hào hùng, mạnh mẽ của nhạc điệu, lời ca như những lời giục giã nhân dân cả nước cùng chiến đấu để giải phóng dân tộc, thống nhất non sông dù nhiều khó khăn, nguy hiểm, dù phải chịu nhiều mất mát đau thương. Xuyên suốt những bản anh hùng ca của ông đều gửi tới người đọc, người nghe, người hát một thông điệp là sự lạc quan, vững một niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.
Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, đạn bom là âm thanh rền vang khắp nhiều chiến trường. Trong một lần vô tình đọc trên “Tạp chí Văn nghệ Quân đội” bài thơ “Ngày và đêm” của tác giả Bùi Công Minh, ngay lập tức, ông quyết định nhanh chóng phổ nhạc bài thơ này thành ca khúc “Hành khúc ngày và đêm” nổi tiếng mà sau này chính Phan Huỳnh Điểu đã thừa nhận “đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc”. Một người lính nơi chiến trường là bộ đội công binh với cô giáo Hà Nội, yêu nhau, nhớ nhau dù phải xa nhau về không gian, khoảng cách trong “những ngày thương nhớ” nhưng “Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ”, “Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào”, “Chúng ta vẫn gần nhau”. “Đêm ngày trong chiến đấu anh với em vẫn sống gần nhau” đã vang lên và ngân xa như một tình yêu âm thầm và mãnh liệt. Trong xa cách không làm cho những người yêu nhau mềm yếu mà là tình yêu với Tổ quốc đã thổi bùng lên ngọn lửa của niềm tin bất diệt. “Hành khúc ngày và đêm” là một hành khúc vừa hào hùng vừa lãng mạn, chứa chan tình ca và một bản tình ca được hóa thân bằng một hành khúc trong những ngày đất nước đang bị dày xéo bởi đạn bom của quân thù,
Điều rất thú vị là ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của ông lại ra đời năm 1970 trong bối cảnh ngặt nghèo khi ông đang bị thương ở chiến trường. Thân thể của ông lúc đó rất gầy còm, ốm yếu. Trong thời gian nằm viện điều trị, ông đã đọc được bài thơ “Bài thơ tình yêu” của Dương Hương Ly và ngẫm thấy đúng vào hoàn cảnh của mình. Ông đã nhanh chóng viết “Cuộc đời vẫn đẹp sao” trong bệnh viện với cây đàn mandolin. Những giai điệu vui tươi, lạc quan được ra đời ngay trên giường bệnh. Sau đó, ca sĩ Quốc Hương vào viện thăm ông và chính ca sĩ Quốc Hương là người đầu tiên hát bài đó với một âm hưởng hào hùng, một tinh thần lạc quan mạnh mẽ. Cuộc sống vẫn tươi đẹp và tình yêu vẫn cứ muôn đời bất diệt.
Những bản tình ca ngọt ngào, lãng mạn chứa chan một niềm tin chiến thắng
“Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Đêm nay anh ở đâu”, “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Bóng cây Kơ nia”… là những bản tình ca ngọt ngào bởi sự hòa quyện mượt mà giữa ngôn từ thơ ca và giai điệu, bởi có ngôn từ mộc mạc nhưng không kém phần thiêng liêng đó đã gửi gắm một tình yêu của ông với non sông, đất nước.
Hơn một nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã dành trọn cả cuộc đời để viết tình ca với điểm nổi bật là những bài tình ca của ông luôn gắn vào tình yêu nam nữ với bối cảnh xã hội, với hoàn cảnh đất nước.
Theo cách nhìn nhận và cảm nhận của tôi khi nghe đi, nghe lại rất nhiều lần trong nhiều năm các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu, hầu hết các tác phẩm của ông đều được mặc định cái tài, cái riêng, cái đặc biệt của ông ở mấy điểm sau.
Thứ nhất là tài phổ thơ thành nhạc. Trong hơn 100 ca khúc thì có đến một nửa là ông phổ nhạc từ thơ người khác.
Thứ hai, dù viết về đề tài chiến tranh luôn chứa đựng nỗi buồn, đau thương, mất mát nhưng ca từ và nhạc điệu của các bài tình ca của ông đều chứa đựng một tinh thần lạc quan, tươi sáng.
Thứ ba, bằng sự tinh ý, tinh tế của đôi mắt và trái tim luôn lãng mạn, ông đã “tình ca hóa” thể loại hành khúc để đem lại cho hành khúc cách mạng Việt Nam những nét độc đáo, mới lạ. Vì vậy, tình ca của Phan Huỳnh Điểu luôn ngập tràn tình yêu.
Cái “tình” trong các bản tình ca của Phan Huỳnh Điểu là tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu cuộc sống liên tục được hiển thị rõ nét trong các tác phẩm của ông.
Cả tuổi thơ của ông lớn lên trong những làn điệu dân ca, lời ru, câu hò của vùng đất quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng phần nào có thể cắt nghĩa tại sao tình yêu cuộc sống trong âm nhạc của ông lại tự nhiên, đồi dào và lãng mạn đến như thế.
Dù xa cách, nhớ nhung trong chiến tranh nhưng luôn thấm đẫm sự đồng hành, thủy chung. Dù “Anh ở đầu sông, em cuối sông” nhưng vẫn “Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông”. Dù “Có một không gian nào đo chiều dài nỗi nhớ” thì ông vẫn “Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn”. Dù “Tình ta như dòng sông, đã qua mùa thác lũ” nhưng vẫn “Chỉ còn anh và em, còn tình yêu ở lại”. Dù “Có những đêm vô cớ, biển ào ạt xô bờ” nhưng “Như tình yêu muôn thở, có bao giờ đứng yên”…
Dù ông có viết về bất cứ đề tài nào, ông đều viết dưới dạng những bản tình ca nên ca khúc của ông đều “ghim” chặt, “đóng đinh” trong tình yêu và nỗi nhớ của khán thính giả. Sức bền, sức sống của các bản tình ca của ông có lẽ được khẳng định từ nhiều giai điệu mềm mại, lãng mạn và lắng sâu đó. Trong nhiều thập kỷ qua, trên các sân khấu lớn, nhiều chương trình nghệ thuật của quốc gia, nhiều cuộc thi tiếng hát Sao Mai, các nghệ sĩ đều chọn nhiều ca khúc của ông để thi thố, để thăng hoa. Ngay cả nhiều ca sĩ trẻ với sở trường nhạc nhẹ, nhạc trẻ vẫn thích hát các ca khúc của ông - một nhạc sĩ lão thành.
Một người con ưu tú của Quảng Nam - Đà Nẵng yêu thương
Sinh thời, bên cạnh rất nhiều ca khúc nổi tiếng viết về quê hương đất nước, nhac sĩ Phan Huỳnh Điểu đã giành cho quê hương nhiều ca khúc viết về Quảng Nam Đà Nẵng như “Bài ca núi Thành”, “Đà Nẵng là nỗi nhớ”, “Đà Nẵng ơi chúng con đã về”, “Ngày Đà Nẵng tôi xa”, “Ôi sông Hàn”, “Về với sông Hàn”, “Thành phố em yêu”, “Hát về thành phố tôi yêu”, “Phố xanh”, “Quảng Nam yêu thương”, “Quê tôi ở miền Nam”.
Vào lúc 10 giờ 15 phút ngày 29/6/2015, trái tim của Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã ngừng đập. Kể từ ca khúc đầu tay ông sáng tác năm 1940 là “Trầu cau” đến khi ông giã từ cỗi tạm, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác hơn 100 ca khúc, trong đó hơn một nửa là phổ thơ và nhiều bài hát được phổ từ thơ của Xuân Quỳnh. Đó là một sự nghiệp đồ sộ của một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.
Qua trao đổi, chuyện trò với nhạc sĩ Phan Hồng Hà - con trai nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, tôi được biết và hiểu thêm về ông, một con người sống đôn hậu, hiền hòa, luôn đối nhân xử thế bằng sự độ lượng, nhân ái trong việc nhìn nhận con người và cuộc đời.
Với những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sỹ (11/11/1924 -11/11/2024), Hội Nhạc sỹ Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng - quê hương ông sẽ tổ chức chuỗi hoạt động về ông như làm Lễ đặt tên đường Phan Huỳnh Điểu, Tọa đàm khoa học về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu; Triễn lãm Phan Huỳnh Điểu với tiêu đề “Cánh chim bay về” và đặc biệt là Chương trình nghệ thuật “Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Cùng tình yêu ở lại”. Đây không chỉ là một lời tri sâu sắc tới người nhạc sĩ tài hoa mà còn là dịp để công chúng cùng nhau tôn vinh những cống hiến xuất sắc của ông đối với nền nghệ thuật nước nhà.
Trong cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật chân chính, một giải thưởng hay một danh hiệu nào đó là quan trọng. Nhưng cao quý nhất, giá trị nhất và thiêng liêng nhất mà người nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu để lại cho đời nhiều ca khúc bất hủ và tác phẩm và cuộc đời ông luôn sống mãi trong tâm khảm, trái tim hàng triệu khán thính giả.
Với tôi, một thế hệ quá xa ông về tuổi tác và thời gian, tôi chỉ là một khán, thính giả đã và đang thụ hưởng các tác phẩm của ông, mê mẩn và đắm say các bản tình ca của ông gần nửa thể kỷ qua.
Tôi không phải là một nhà phê bình âm nhạc, cũng chẳng phải là một nghệ sĩ biểu diễn và càng không phải là người am hiểu nghệ thuật.
Với góc nhìn của một giáo viên Sử, tôi chỉ muốn nói một điều là, để có thắng lợi cuối cùng trong các cuộc kháng chiến trường chinh để giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông của Nhân dân ta, âm nhạc cách mạng luôn góp một phần rất quan trọng. Các nhạc sĩ tài danh bằng những tác phẩm bất hủ chính là những người chép sử bằng lời ca, nốt nhạc. Chính các ca khúc bất hủ đó như là một phương cách truyền cảm hứng, tạo động lực cho quân và dân ta lấy “tiếng hát át tiếng bom” để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, để vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, để chiến đấu và chiến thắng mọi sức mạnh bạo tàn, để giải phóng non sông, thống nhất đất nước.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người con ưu tú của đất Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những người nhạc sĩ hoàn thành sứ mệnh đó một cách xuất sắc - một nhạc sĩ và là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
30/10/2024.
tin tức liên quan
Videos
Bế giảng Lớp truyền dạy năng khiếu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cộng đồng tại thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên năm 2024
Thơ tượng trưng và thơ siêu thực (Qua cảm nhận của Chế Lan Viên về thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê)
Liệt sĩ Phạm Hồng Thái và tiếng bom Sa Diện - cánh én báo hiệu mùa Xuân
Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ - 20 năm xây dựng và phát triển
Giao lưu nghệ thuật Fashion show “Nhịp sống trẻ”
Thống kê truy cập
114517259
2209
2397
2606
215198
121009
114517259