Góc nhìn văn hóa

Phát huy vai trò tầng lớp doanh nhân Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Là người hiểu hơn ai hết về điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng tạo trong vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc. Người cho rằng hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam chính là tính dân tộc nổi trội hơn trong quan hệ giai cấp và dân tộc. Do đó, Người có những luận điểm sáng tạo so với chủ nghĩa Mác - Lênin về tầng lớp tư sản Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của đất nước.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc chính là động lực cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam, cần phải huy động tiềm năng, trí tuệ và nguồn lực từ trong mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội vào xây dựng và phát triển đất nước, trong đó có tầng lớp doanh nhân. Theo đó, việc nghiên cứu vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tầng lớp doanh nhân hiện nay là rất cần thiết, vừa khẳng định giá trị tinh thần vô giá của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với dân tộc, vừa thấy được sự phát triển lý luận của Đảng ta trong tình hình mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tầng lớp doanh nhân Việt Nam

Việt Nam, khi bọn đế quốc, bản ngoại bang sang xâm lược thì chúng không chỉ đàn áp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác mà còn chèn ép cả tư sản dân tộc “từng lớp tư sản Việt Nam đã bị kinh tế thực dân đè nén không cất đầu lên được, khiến cho kinh tế Việt Nam đã bị tiêu diệt, dân cùng, tài tận” [1]. Chính vì vậy, tư sản dân tộc cũng có nguyện vọng chống thực dân, đế quốc xâm lược. Người luôn khẳng định, giai cấp sản một lực lượng của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ với nhiệm vụ trung tâm là giải phóng dân tộc: “Một điều phải chú ý đặc biệt là vai trò của giai cấp tư sản nói chung tại các nước thuộc địa và phụ thuộc không giống vai trò của giai cấp tư sản tại các nước tư bản. Giai cấp tư sản dân tộc có thể tham gia tích cực vào cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ” [2]. Theo đó, đường lối tập hợp lực lượng của Hồ Chí Minh rất sang tạo, linh hoạt, “phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản An Nam chưa lộ mặt phản cách mạng” đều trở thành lực lượng cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Thực tiễn sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam minh chứng, nhiều nhà tư sản yêu nước đã không tiếc tiền bạc, công sức và tính mạng của mình đóng góp cho cách mạng. Với nhận thức đúng đắn tính chất giai cấp tư sản ở Việt Nam “Trong một thời kỳ và một trình độ nhất định, giai cấp tư sản dân tộc cũng là động lực cách mạng” [3], Hồ Chí Minh khẳng định “họ” không chỉ là lực lượng của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mà có thể trở thành lực lượng của công cuộc xây dựng CNXH: “Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam đã ủng hộ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Từ ngày hoà bình lập lại, họ có đóng góp một phần trong công cuộc khôi phục kinh tế. Hiện nay, chúng ta có điều kiện để cải tạo họ theo con đường xã hội chủ nghĩa” [4].

Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, giai cấp tư sản là đối tượng của cách mạng với mục tiêu xóa bỏ sự thống trị của giai cấp tư sản. Ở Việt Nam, do hoàn cảnh đặc thù là giai cấp tư sản đã tham gia vào cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản   đã được cách mạng hóa, bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Do đó, có những điều kiện khách quan để cải tạo giai cấp tư sản, trở thành lực lượng của quá trình xây dựng CNXH. Đồng thời, trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, giai cấp tư sản nhận thức rõ rằng, chỉ cùng nhân dân lao động xây dựng CNXH mới là con đường duy nhất đem lại sự phát triển và phồn vinh cho giai cấp mình “đại đa số người tư sản dân tộc đã thấy rõ rằng: Thật thà tiếp thụ cải tạo thì họ được hòa mình với nhân dân lao động để xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường duy nhất và vẻ vang của họ” [5]. Trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giai cấp tư sản đã tự nguyện thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, tư sản  dân tộc vẫn sẵn sàng khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, có nguyện vọng đi lên CNXH, do đó họ sẵn sàng tham gia vào lực lượng cách mạng xây dựng CNXH ở Việt Nam “Giai cấp tư sản dân tộc sẵn sàng tiếp thu cải tạo đ góp phần vào công cuộc xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH” [6].

Theo Hồ Chí Minh, để giai cấp tư sản trở thành lực lượng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa cần có những hình thức cải tạo sau:

Thứ nhất, giai cấp tư sản phải hoạt động dưới sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Giai cấp tư sản phải hoạt động theo kế hoạch kinh tế và chính sách kinh tế của nhà nước “Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước” [7]; “Các nhà công thương thì thi đua kinh doanh, thi hành đúng chính sách kinh tế, tài chính của Chính phủ, góp phần vào việc khôi phục kinh tế nước nhà” [8]. Người khẳng định, trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất của họ, vẫn thừa nhận sự tồn tại của thành phần kinh tế tư nhân, đặc biệt là tư nhân tư bản chủ nghĩa, vì vậy vẫn luôn tạo điều kiện cho giai cấp tư sản tồn tại và phát triển. Người cũng khẳng định vai trò của giai cấp tư sản đối với quá trình xây dựng CNXH chính là “làm lợi cho quốc kế dân sinh” góp phần vào việc thúc đẩy lực lượng sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, để giai cấp tư sản đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng CNXH thì giai cấp tư sản phải hoạt động theo chính sách và sự quản lý của nhà nước. Trong chính sách của nhà nước đã đảm bảo sự hài hòa giữa lợi nhuận của nhà tư bản và lợi ích của người lao động, của cộng đồng và xã hội. Vì vậy, khi giai cấp tư sản hoạt động sản xuất kinh doanh theo chính sách của nhà nước là đã đóng góp cho đất nước theo đúng định hướng, mục tiêu của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những nhà tư sản tìm cách trốn khỏi các chính sách và sự quản lý của nhà nước như gian lận thương mại, trốn thuế, làm hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo những quyền lợi chính đáng của người lao động thì rõ ràng không có đóng góp gì đối với quá trình xây dựng CNXH mà thậm chí còn phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta.

Thứ hai, giai cấp tư sản có thể đóng góp vào quá trình xây dựng CNXH bằng hình thức liên doanh liên kết với kinh tế nhà nước “Đồng thời Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo CNXH bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác” [9]. Trong hình thức liên doanh, liên kết, các nhà tư sản vẫn có điều kiện để gia tăng lợi nhuận của mình nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh được dẫn dắt, chỉ đạo của kinh tế nhà nước – thành phần kinh tế mang tính xã hội chủ nghĩa. Điều này làm cho giai cấp tư sản không vì chạy theo lợi nhuận mà chà đạp lên những mục tiêu, nguyên tắc của nền kinh tế tính hội chủ nghĩa.

Phát huy vai trò   của tầng lớp doanh nhân Việt Nam hiện nay dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Kế thừa tưởng Hồ Chí Minh về tầng lớp doanh nhân, khắc phục sai lầm trước đây đã tìm cách xóa bỏ tầng lớp doanh nhân với chính sách chỉ thừa nhận duy nhất một chế độ là công hữu về tư liệu sản xuất với hai hình thức sở hữu là toàn dân và tập thể, từ đổi mới đến nay, Đảng ta đã thừa nhận và tạo điều kiện cho tầng lớp doanh nhân Việt Nam phát triển với chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, thừa nhận kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định kinh tế tư nhân đã “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế [10], cùng với đó khẳng định vai trò của tầng lớp doanh        nhân đối với quá trình đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Tại Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh:Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi[11], và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%..

Như vậy, Đảng ta vừa kỳ vọng và vừa khẳng định những đóng góp to lớn của tầng lớp doanh nhân cho sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay chính là phát triển sản xuất để tạo việc làm cho người lao động, tạo ra nhiều hàng hóa phục vụ đời sống và phát triển kinh tế, lực lượng sản xuất, đóng góp vào ngân sách nhà nước… Để làm được điều này, tầng lớp doanh nhân Việt Nam không chỉ cần có trí tuệ cao, tìm tòi sáng tạo đưa ra quyết định đúng phát huy mọi nguồn lực nhằm đem lại năng suất cao, chất lượng tốt nhưng vẫn bảo đảm tiết kiệm để mang lại lợi nhuận tối đa mà còn phải có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội để biết kết hợp hài hòa lợi ích của cá nhân và cộng đồng. Tầng lớp doanh nhân Việt Nam phải có khả năng làm giàu mới có điều kiện để đóng góp cho đất nước nhưng đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là họ phải biết làm giàu chính đáng, làm giàu cho bản thân song cũng biết làm giàu cho đất nước và Nhân dân, không thể vì sự giàu có của bản thân mà chà đạp lên lợi ích của cộng đồng và đất nước. Thực tế Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới vừa qua đã khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ doanh nhân. Đội ngũ doanh nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã trưởng thành về lực lượng và tổ chức, trở thành 1 chủ thể tích cực trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam chủ thể tiêu biểu của khu vực kinh tế tư nhân đã có đóng góp quan trọng đối với việc tăng thu nhập quốc dân và giải quyết công ăn việc làm, kinh tế dân doanh đóng góp phần đắc lực vào ngân sách nhà nước, là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho người lao động.

Nhiều doanh nhân trở thành tấm gương trước cộng đồng trong hoạt động từ thiện, xây dựng nhà tình nghĩa, góp gũy ủng hộ người nghèo như tham gia chương trình “Nối vòng tay lớn”, “Quỹ tấm lòng vàng”. Nhiều doanh nhân tạo nên kiểu kinh doanh có tính đạo lý, kết hợp việc làm giàu với các giá trị chân, thiện mỹ, đang cố gắng gắn lợi ích cá nhân với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân.

  Để phát huy vai trò của đội ngũ này trong quá trình xây dựng CNXH, Đảng ta cho rằng cần phải “Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng” [12]. Trước tiên phải chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh những doanh nhân vừa có đức, vừa có tầm, vừa có tài “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài[13]. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã lấy ngày 13-10 hàng năm (từ năm 2004) làm ngày Doanh nhân Việt Nam, thường kỳ trao giải Sao đỏ, Sao vàng Đất Việt, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhằm tôn vinh những doanh nhân tiêu biểu cho trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong kinh doanh, có đóng góp xứng đáng cho cộng đồng và xã hội, tôn vinh và đề cao tinh thần trách nhiệm của doanh nhân cũng như phát động tinh thần kinh doanh, khơi dậy tinh thần đoàn kết để làm giàu cho toàn dân. Chúng ta đã thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dưới sự bảo trợ của Nhà nước nhằm phát triển, bảo vệ và hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, đại diện và bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nhân, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, hỗ trợ kiến thức thông tin cho doanh nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Xác định tầm quan trọng của tầng lớp doanh nhân hiện nay, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới bắt đầu cho những sự khởi đầu mới trong tình hình mới.

Nắm vững quan điểm Hồ Chí Minh và của Đảng ta về tầng lớp doanh nhân, để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hùng cường, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nhân hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là tạo hành lang pháp luật thông suốt hơn cho doanh nhân hoạt động lao động sản xuất kinh doanh. Môi trường kinh doanh ở nước ta       hiện nay, những di sản của chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp thể hiện cơ chế xin cho vẫn còn tồn tại trong nhiều thông tư, nghị định. Doanh nghiệp nhà nước   vẫn còn nhiều ưu ái, doanh nghiệp tư nhân vẫn tồn tại những biểu hiện phân biệt đối xử, bộ máy hành chính cồng kềnh là một trong những yếu tố kìm hãm sự vận động phát triển của cộng đồng doanh nhân từ giấy tờ, thủ tục đến thanh tra, kiểm tra. Vì vậy,  việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính, làm trong sạch bộ máy hành chính nhà nước để giảm bớt sự phiền hà và sách nhiễu cho hoạt động doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh  tranh của doanh nghiệp chính tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam phát triển.

Thứ hai, đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, doanh nhân. Tổ chức quản lý Doanh nhân phải thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật thông tin về pháp luật, văn bản pháp quy, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, phải có những khóa học bắt buộc để họ được quán triệt về tư tưởng chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm hạn chế, ngăn ngừa sự chệch hướng trong tư tưởng và hành động của doanh nhân.

Thứ ba, Nhà nước phải thiết lập được nhiều kênh để lắng nghe, giải quyết những kiến nghị chính đáng của doanh nhân đồng thời có cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nhân. Xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo lực lượng doanh nhân có tầm nhìn, trí tuệ, có tinh thần tiên phong, đổi mới sáng tạo, có đạo đức và văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội; từng bước đưa đội ngũ doanh nhân Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước, Đảng, hiệp hội doanh nhân, người lao động và Nhân dân thường xuyên giám sát về quá trình hoạt động của doanh nhân, đưa ra và kiên quyết thực hiện những chế tài xử lý nghiêm khắc với những doanh nhân có những biểu hiện và hành vi trái quy định của Đảng, nhà nước, của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân chẳng hạn như gian lận thương mại, phân biệt, đối xử không chính đáng với người lao động… Sở dĩ như vậy vì các nhà tư sản chỉ đóng góp cho sự phát triển của xã hội khi họ là những công dân gương mẫu, chấp hành tốt sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Đường lối đổi mới của Đảng ta với việc đề cao vai trò và tạo điều kiện cho tầng lớp doanh nhân phát triển, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng và ngày càng có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thời gian qua. Sự thay đổi trong đường lối của Đảng đối với tầng lớp doanh nhân thời kỳ đổi mới chính là sự trở về, nhận thức và vận dụng ngày càng đúng đắn hơn tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn đang soi đường cho sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

          Chú thích:

* Học viện Chính trị - Bộ QP

          [1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.199.

          [2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.171.

          [3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 255.

          [4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 371.

          [5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 414.

          [6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 371

          [7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 373.

          [8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 504.

          [9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 373.

          [10] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.240.

          [11] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.167.

          [12] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.167.

          [13] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.54.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114499312

Hôm nay

2191

Hôm qua

2307

Tuần này

21601

Tháng này

216705

Tháng qua

120308

Tất cả

114499312