Văn hóa và đời sống

Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Việt Nam tôn vinh là “Anh hùng dân tộc vĩ đại”, được UNESCO tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”, được những người Việt Nam yêu nước cùng thế hệ và những thế hệ sau mình coi là “Bác Hồ” thân thương. Hồ Chí Minh hiện thân cho giá trị giàu lòng bác ái, một con người lấy độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam làm hướng đích; lấy sự nghiệp giải phóng con người Việt Nam và quốc tế làm mục tiêu. Hồ Chí Minh, với cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của mình, sống mãi với bước tiến chung của nhân loại.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh - người yêu nước  

Hồ Chí Minh là người cùng với các đồng chí phái tả của mình trong Đảng Xã hội Pháp tham gia thành lập Đảng Cộng sản (ĐCS) Pháp; là người sáng lập và rèn luyện ĐCS Việt Nam; là người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trở thành nguyên thủ quốc gia trong 24 năm (1945 - 1969); là người sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; là người sáng lập mặt trận dân tộc thống nhất; là chiến sĩ tiên phong đấu tranh cho sự tiến bộ thế giới.

Có bấy nhiêu vị thế và công trạng đó nhưng trên ngực áo của Hồ Chí Minh không có một tấm huân chương nào. Có một lần Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa định tặng cho Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước, nhưng Người có ý không nhận, Người bảo bao giờ nước nhà thống nhất, lúc đó đồng bào miền Nam sẽ thay mặt đồng bào cả nước trao cho Người huân chương đó. Đúng là trên ngực áo của Hồ Chí Minh không có tấm huân chương nào của Việt Nam, nhưng bên trong làn áo mỏng đó có trái tim đập cùng nhịp phát triển của dân tộc. Hồ Chí Minh là người đã để lại cho thế kỷ XX ở Việt Nam, thế kỷ bi hùng, thế kỷ đầy chất tráng ca cũng như đầy máu và nước mắt, và để lại cho các thế kỷ tiếp theo, một di sản tinh thần to lớn, quý báu, đó là tư tưởng mang tên mình - tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh là người mang đầy ước vọng lớn lao. Ước vọng của Người không phải là nhằm cho bản thân giàu có vật chất. Ước vọng của Người, như Người nói, đó là sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho đất nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, Nhân dân được hoàn toàn tự do, hạnh phúc. Trong bức thư gửi lại cho hậu thế (sau này được ĐCS Việt Nam gọi là Di chúc), Hồ Chí Minh nêu điều mong muốn cuối cùng của mình là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh dấn thân vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, không chỉ trong phạm vi đất nước Việt Nam mà còn cho cả toàn nhân loại cần lao.

Hồ Chí Minh đã thoát khỏi mọi sự cám dỗ cá nhân, đúng như Người lấy lời Mạnh Tử khuyên đảng viên ĐCS Việt Nam là giàu sang không thể quyến rũ, nghèo đói không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục. Hồ Chí Minh dùng quyền lực của Nhân dân uỷ thác cho mình với cái chức trách là Chủ tịch nước để đưa lại lợi ích cho dân, cho nước, cho người lao động trên toàn thế giới. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết rằng, suốt đời mình hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân; nay dù phải từ biệt thế giới này, Người không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Cả cuộc đời Hồ Chí Minh vất vả, đầy lo toan cho sự nghiệp lớn lao. Hồ Chí Minh mồ côi mẹ lúc 10 tuổi, lo đám tang cho mẹ ở kinh thành Huế trong cái thời khắc tứ cố vô thân. Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm mục tiêu và con đường cứu nước mà trong túi không có một xu, phải đem sức vóc thư sinh làm những công việc nặng nhọc kiếm tiền để sống và hoạt động. Hồ Chí Minh bị cầm tù hai lần, bị một cái án tử hình vắng mặt; chịu nhiều cảnh thiếu thốn. Hồ Chí Minh chịu cảnh bị cảnh sát thực dân đế quốc săn lùng; chịu cảnh không dễ chịu khi mặc dù toàn tâm, toàn ý mưu việc lớn cho độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam, cho giải phóng nhân loại cần lao mà, oái oăm thay, vẫn bị cấp trên, bạn bè, đồng chí, học trò của mình có lúc hiểu sai là người theo dân tộc chủ nghĩa, theo quốc gia cải lương.

Hình như các bậc danh nhân thường hay trải qua không ít quãng đời gian truân, long đong lận đận. Hồ Chí Minh kiên trì cho cái đúng, bảo vệ cái đúng và đầy lòng vị tha. Từ thuở xưa, lúc hàn vi, Hồ Chí Minh đã được các bậc chí sĩ hoặc các bậc cao niên đánh giá cao, đầy khích lệ và tin tưởng. Có người nói xấu bản thân Người. Tờ báo La Dépêche Coloniale đã có những bài viết phê bình gay gắt về những bài báo của Nguyễn Ái Quốc khi Nguyễn Ái Quốc tố cáo chủ nghĩa thực dân. Tờ báo này cho rằng, Nguyễn Ái Quốc là người đầy tham vọng cá nhân và còn cho rằng, Nguyễn Ái Quốc chẳng có sứ mệnh gì do Nhân dân Việt Nam giao phó cho cả. Trong lúc đó, có một người Việt Nam yêu nước ở Pháp, đã viết bài “Un bolsévick jaune” đăng trên báo Pháp Le Paria, số 9, ngày 1-12-1922, nêu rằng: “Anh Nguyễn đầy tham vọng ư? Đúng. Nhưng anh Nguyễn tham vọng cái gì? Tham vọng giải phóng anh em của anh bị rơi vào vòng bóc lột hết sức dã man. Có tham vọng nào cao quý hơn thế không?... Ngực anh không có huân chương. Túi anh không có ngân phiếu chính phủ. Nhưng anh mang nguyện vọng của một dân tộc bị áp bức”[1]. “Nguyễn Ái Quốc có tham vọng giải phóng đồng bào thoát khỏi cùm kẹp của thực dân Pháp, đem lại tự do, hạnh phúc cho dân Việt Nam…Nguyễn Ái Quốc không được chính quyền Đông Dương ủy nhiệm bày tỏ ý kiến trên báo Le Paria. Nhưng tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc phản ánh khát vọng của dân Việt Nam muốn được cơm no áo ấm, được tự do, không bị áp bức. Tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc là tiếng nói của toàn dân Việt Nam. Vậy các ông ở báo La Dépêche Coloniale hãy im mồm đi, đừng vu khống”[2].

Phan Châu Trinh lúc sống ở Pháp đã có nhiều lần tranh luận với Hồ Chí Minh. Phan Châu Trinh không đồng tình với phương pháp cách mạng của Hồ Chí Minh, cho rằng: “Bấy lâu nay, tôi cùng anh và Phan (Phan Văn Trường - MQT chú giải) đàm đạo nhiều việc, mãi tới bây giờ, anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn tôi thời lại không thích cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội của anh, và cả cái lý thuyết thâu nhân tâm của Phan”[3]. Phan Châu Trinh khuyên Nguyễn Ái Quốc: “Tôi khuyên anh nên thu xếp mà về, đưa tài năng của mình khích động Nhân dân, hô hào đồng bào ba kỳ đồng tâm hiệp lực để mà đánh đổ cường quyền áp chế ắt là thành công”[4].

Tuy không tán thành phương pháp đó, nhưng Phan Châu Trinh, vốn là người rất kiệm lời khen, viết trong một bức thư ngày 28-2-1922 gửi Nguyễn Ái Quốc: “Thực tình, từ trước tới nay, tôi không khinh thị anh mà ngược lại, tôi còn cảm phục anh nữa là đằng khác”[5]. Phan Châu Trinh còn viết: “Anh Nguyễn, tôi tường tâm với anh đã rõ nguồn cơn. Bây giờ thân tôi tựa chim lồng cá chậu. Vả lại cây già thì có rễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả giận, may ra có tỉnh giấc hồn mê. Còn anh như cây dương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông…Tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở”[6].

Phan Bội Châu là người cùng quê và cùng trang lứa với cha của Hồ Chí Minh. Cụ là nhà yêu nước đầy nhiệt huyết muốn cứu nước theo vũ trang bạo động để lập nhà nước cộng hòa đại nghị tư sản nhưng không thành, bị thực dân Pháp bắt, quản thúc tại Huế. Phan Bội Châu khẳng định rằng, có người khác giỏi hơn lớp của cụ đứng ra làm được việc là giành độc lập dân tộc mà lớp của các cụ không làm xong - người đó là Nguyễn Ái Quốc.

Hồ Chí Minh hoá thân vào dân tộc với những giá trị đạo đức tốt đẹp nhất. Hồ Chí Minh hiện thân cho những giá trị tốt đẹp nhất mà bất cứ ai có lương tri đều mong muốn đạt được. Cuộc đời Hồ Chí Minh đã trở thành cuốn sách giáo khoa về đạo đức mới cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Đạo đức của Hồ Chí Minh có sức lay động, đi vào tận tâm khảm của những người chân chính, biến thành sức mạnh làm cho con người ta luôn luôn vươn lên các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Hồ Chí Minh - con người của nhân loại cần lao đấu tranh cho sự tiến bộ

Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật tiêu biểu trong lịch sử nhân loại có tác động mãnh liệt vào tiến trình phát triển văn minh, tiến bộ trên thế giới. Hồ Chí Minh là chiến sĩ tiên phong trong thế kỷ XX - thế kỷ phi thực dân hóa. Hồ Chí Minh là người lĩnh ấn tiên phong của dân tộc Việt Nam và của nhân loại cần lao tiến công vào chủ nghĩa thực dân để đưa lại độc lập, tự do cho mỗi dân tộc, mỗi con người. Chủ nghĩa thực dân là một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử của loài người. Thực dân xâm chiếm thuộc địa nhưng lại được che dấu bằng những lời lẽ mỹ miều là đi “khai hóa văn minh”.

Hồ Chí Minh chọn chủ nghĩa thực dân là mục tiêu lớn nhất để công phá. Người tố cáo mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân ở tất cả mọi diễn đàn và sử dụng tất cả mọi vũ khí mà Người có. Hồ Chí Minh là chiến sĩ quốc tế hoạt động mẫn cán trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc. Ở Hồ Chí Minh có một tư chất đặc biệt nào đó tương thích với yêu cầu của Quốc tế Cộng sản cho nên mới được Quốc tế Cộng sản chú ý để điều động đến hoạt động ở môi trường rộng lớn hơn, với chức nhiệm của một người giúp cho Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa ở tầm quốc tế chứ không chỉ bó hẹp trong bản thân ĐCS Pháp. Hồ Chí Minh chính thức trở thành cán bộ của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản từ năm 1924.

Hồ Chí Minh dũng cảm và tích cực tố cáo chủ nghĩa thực dân. Hồ Chí Minh đã dành cả một tác phẩm bằng tiếng Pháp, đặt đầu đề là Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản tại Pháp năm 1925) để kết tội thực dân Pháp bằng những chứng cớ, lời lẽ xác thực, thức tỉnh nhiều người hiểu rõ thực chất của chế độ thực dân. Trong quãng thời gian đó, Hồ Chí Minh phát biểu nhiều lần tại các cuộc sinh hoạt của ĐCS Pháp, tại các câu lạc bộ tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh cả những người dân thuộc địa đang có mặt tại Pháp. Hồ Chí Minh sử dụng các diễn đàn báo chí để đăng những bài báo sắc sảo mà Người lấy số liệu và các thông tin khác từ chính ngay ở Pháp để tố cáo chủ nghĩa thực dân. Tên tác giả Nguyễn Ái Quốc về loại bài này đã xuất hiện nhiều và đều đặn trên các báo La Revue Communiste, Inprecorr, l’Humanité, Le Paria, La vie Ouvrière, Le Journal du Peule, Le Libertaire, v.v…

Tiếc thay, éo le thay, cuộc sống vốn không đơn giản. Hồ Chí Minh bị hiểu sai bởi những quan điểm không đúng của Quốc tế Cộng sản trên một số vấn đề chủ yếu nhất của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Sự hiểu sai đáng buồn nhất lại là từ các học trò của Hồ Chí Minh vì họ đem những quan điểm của Hồ Chí Minh trong các văn kiện thành lập ĐCS Việt Nam đầu năm 1930 ra để đối chiếu, so sánh với những nội dung, quan điểm về tập hợp lực lượng cách mạng của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (năm 1928). Hồ Chí Minh không tranh luận với những ý kiến đó, mà tiếp tục dấn thân vào hoạt động thực tế.

Hồ Chí Minh đi tới tận cùng của tư duy về chủ nghĩa thực dân và những biện pháp cách mạng trong thực tế. Hồ Chí Minh chấp nhận, đương đầu, lúc nhu, giữ mình để hoạt động và chờ có dịp, khởi phát và thực thi có hiệu quả những quan điểm của mình. Thời cuộc, thời thế sản sinh ra bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh vững tâm và tỏ rõ bản lĩnh ấy, nhất là trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời mình và trong những lúc vận mệnh của dân tộc rất hiểm nghèo.

Thời cuộc cần một con người, đúng như C.Mác đã nêu: “Mỗi thời đại xã hội đều cần có những con người vĩ đại của nó và nếu không có những con người vĩ đại như thế thì thời đại sẽ sáng tạo ra những con người như thế”[7]. Và thời cuộc đã chọn nhân vật chính cho mình, đó là Hồ Chí Minh. Lịch sử luôn đi theo những bước riêng của nó, có khi khúc khuỷu, gập ghềnh, nhưng rồi cuối cùng nó vẫn cứ theo một quy luật. Bắt đầu một thời kỳ đắc chí của Hồ Chí Minh khi về Việt Nam đầu năm 1941, nhưng trước mắt còn nhiều chông gai, hiểm trở. Chính điều này càng làm thấm và đã đọng lại trong Hồ Chí Minh một cảm xúc vui sướng khôn cùng khi viết bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để khai sinh chế độ chính trị mới, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào, với toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy"[8].

Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969. Thế giới tỏ lòng thương tiếc, đánh giá cao cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và đối với sự phát triển tiến bộ của nhân loại. Đọc những bức điện, những bức thư chia buồn của nhiều nguyên thủ quốc gia, của những chính khách nổi tiếng trên thế giới, của các tổ chức chính trị nước ngoài gửi đến cho Việt Nam những ngày tháng 9 lịch sử ấy, liệu có bao nhiêu phần trăm là lời ngoại giao thuần tuý? Tôi cho là không có cái lối ấy khi người ta đánh giá Hồ Chí Minh, một nhân vật suốt đời hy sinh cái riêng cho sự tiến bộ của Việt Nam cũng như của nhân loại.

Hồ Chí Minh sống một cuộc sống dâng hiến cho dân tộc, cho nhân loại cần lao. Hồ Chí Minh là một chiến sĩ văn hóa, là một hiệp sĩ của UNESCO tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Vấn đề lớn nhất mà Hồ Chí Minh nêu lên và hướng cả cuộc đời của mình cũng như hướng cả dân tộc Việt Nam cùng những dân tộc khác trên thế giới vào giải quyết là đấu tranh giải phóng con người. Đối với Hồ Chí Minh, mọi hoạt động, mọi cuộc đấu tranh đều hướng đích đó. Hồ Chí Minh tập hợp cả một véctơ lực vào cái đó. Từ cái chung nhất đó, Hồ Chí Minh nêu lên và hướng vào giải quyết vấn đề hòa bình, hòa bình cho dân tộc Việt Nam và hòa bình cho thế giới, một nền hòa bình thật sự, hòa bình bền vững mà trên đó bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nguyên tắc đó trở thành cái khung cho mọi hiệp định chính trị, mà nó đã thể hiện ở Hiệp định Geneva về Đông Dương ngày 21-7-1954 và Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-01-1973. Hồ Chí Minh là con người của hòa bình. Hồ Chí Minh coi đó là nguyên tắc hành xử giữa con người với con người, giữa dân tộc này với dân tộc khác. Nhưng, cái chốt của Hồ Chí Minh là ở chỗ: Đó phải là một nền hòa bình chân chính. Trước kẻ xâm lược, nhiều lúc Hồ Chí Minh nhân nhượng, nhưng kẻ cướp càng lấn tới thì Người kêu gọi cả dân tộc vùng lên đấu tranh gìn giữ hòa bình chứ không phải có hòa bình bằng mọi giá, hòa bình trong cái thế hèn kém của một kẻ nô lệ.

Hồ Chí Minh nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Độc lập, tự do đó là độc lập, tự do trong một nền hòa bình chân chính, trong sự hợp tác, hữu nghị của tất cả các dân tộc trên thế giới - dù dân tộc lớn hay dân tộc nhỏ. Hồ Chí Minh phấn đấu cho các dân tộc xích lại gần nhau, giao lưu, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Cuộc đời của Hồ Chí Minh chính là một biểu tượng, hiện thân về cái đó.

Có thể ai đó trong người Việt Nam cảm thấy bình thường, nhưng đối với thế giới, xét trong các vấn đề toàn cầu thì thấy rất thú vị, thú vị ở chỗ Hồ Chí Minh chính là người nêu ra và thực hành tích cực nhất cho việc bảo vệ môi trường, sinh thái. Thế giới đang trở nên bất an hơn bao giờ hết. Sự xâm hại tự nhiên chính là hành vi phản văn hóa. Chinh phục tự nhiên không như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác. Bản thân con người là một thực thể của tự nhiên. Con người sẽ đánh mất khả năng chủ thể văn hóa khi thoát ra khỏi hệ thống điều chỉnh của tự nhiên - đó là sự cân bằng sinh thái. Chính con người hiện đại, mặc dù nắm được khoa học và công nghệ, nhưng nhiều lúc, nhiều nơi lại là yếu tố phá vỡ một cách tệ hại nhất sự cân bằng sinh thái. Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây từ cuối năm 1959. Lạ thay và thật thú vị biết bao, đọc trong Di chúc, tôi thấy quan điểm của Hồ Chí Minh về môi trường sinh thái - vấn đề toàn cầu - rất rõ. Hồ Chí Minh đề cập trực tiếp vào vấn đề xử lý thi hài của mình khi qua đời. Thật xúc động khi thấy rằng, đến cái chết của mình mà Hồ Chí Minh còn nghĩ đến giữ vệ sinh và để khỏi tốn đất nông nghiệp, nghĩ đến trồng cây, nghĩ đến môi trường sinh thái.

Hồ Chí Minh là con người đặc biệt vì toàn dân tộc Việt Nam nhiều thế hệ đã tôn vinh Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu. Đã từ lâu, và ở nhiều thế hệ kế tiếp nhau, những người Việt Nam chân chính đều coi Hồ Chí Minh là bậc danh nhân, là anh hùng dân tộc vĩ đại như­ những vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, v.v… Và, giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian folklore tự nhiên truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, như­ nguồn sữa mẹ nuôi dưỡng cuộc sống, tâm hồn của người Việt Nam yêu nước, như­ lớp lớp phù sa bồi đắp cho sự phì nhiêu của đời sống văn hóa dân tộc. Đây quyết không phải là kết quả từ sự sùng bái cá nhân mà chính là sự tôn vinh từ tâm khảm một cách tự giác của người Việt Nam yêu nước.

Thế giới có luật chơi chung, vốn đã được soạn không lấy gì làm công bằng, nhưng lại bị không ít người hiểu và làm theo ý riêng của họ. Vẫn còn đó cảnh kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, cảnh kẻ giàu áp chế kẻ nghèo. Vẫn còn đó cái cảnh kẻ yếu, kẻ nghèo lại kèm theo cái hèn, lòng tự ty, cam chịu khuất phục trước các thế lực khác, tự chịu đi sau trong một thế giới đầy năng động, phát triển. Thế giới hiện tràn ngập những mùi vị ngọt bùi, những điều thánh thiện. Thế giới đầy những người anh minh. Nhưng, thế giới còn ngập ngụa cả những mùi vị đắng cay, chua chát. Thế giới đang có cả những ông kễnh. Và, thế giới có cả những điều xấu xa mà những người lương thiện không thể chấp nhận.

Hồ Chí Minh là người đằm mình trong các sự kiện trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam và của các biến cố trên thế giới mà Người sống. Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dấu ấn tích cực, quan trọng cho quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam và quá trình phát triển văn minh tiến bộ của nhân loại; không những cho thời kỳ Người sống mà cả quá trình về sau, khi Người đã qua đời. Hồ Chí Minh là một phần phát triển của lịch sử Việt Nam thời hiện đại và cũng là một phần trong lịch sử tiến hóa xã hội loài người từ thế kỷ XX trở đi. Người ta hay gọi những người đó là những vĩ nhân hay danh nhân - những con người của thời cuộc, những người còn lại mãi mãi với thời gian. Gương phản chiếu trong cuộc đời của Hồ Chí Minh có cả những điều đó. Và hình như Hồ Chí Minh thường đi trước, đi trong, hoặc song hành, chứ không đi sau các sự kiện lớn trên thế giới bao giờ. Hồ Chí Minh tác động mạnh mẽ vào chúng cũng như các biến cố của nhân loại có một chiều khác, ngược trở lại, tác động vào bản thân Người.

Mỗi người cảm nhận về những giá trị trong cuộc đời của Hồ Chí Minh với tâm trạng khác nhau và cũng có thể những sự cảm nhận ấy được đổi thay vì nhiều lý do. Điều này chứng tỏ rằng, những giá trị của cuộc đời Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng của Người, rất sống động, chúng luôn luôn đồng hành với thế giới hiện đại và luôn luôn được phát triển, nghĩa là khi vận và phổ vào thực tế, những giá trị đó lại tự làm mới mình, được nạp thêm năng lượng mới từ cuộc sống, từ bao nhiêu con người mà dù ít dù nhiều, dù có ý thức chủ quan hay ngẫu nhiên, nhắc đến tư tưởng của Người, làm theo tư tưởng của Người.

Năm 2023, nhân dân Việt Nam sẽ kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Hồ Chí Minh, một con người mà “thác là thể phách, còn là tinh anh” (Kiều - Nguyễn Du). Thế giới cần lao cũng sẽ hướng về Người như hướng tới giá trị văn hóa, giá trị hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc. Sự nhân lên và lan tỏa các giá trị cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm có ý nghĩa nhất trong thế giới hiện nay khi tình hình phức tạp và nhiều yếu tố khó lường. Và, như thế cũng có nghĩa là tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn đồng hành cùng bước tiến của dân tộc Việt Nam và nhân loại cần lao.

( Bài đăng trong Đặc san Văn hóa Nghệ An số 09/ 2023)

[1] Theo Đặng Hòa: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Một nhân cách lớn, http://www.tiasang.com.vn, 14:23:23, ngày 5-9-2007.

[2] Theo Ngô Đăng Lợi: “Nguyễn Thế Truyền - Một nhà trí thức đáng kính”, Tạp chí Xưa và Nay, số 312, tháng 7-2008, tr. 19.

[3] , 4, 5, 6 Đây là trong bức thư của Phan Châu Trinh gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18-2-1922. Xem tác phẩm của Thu Trang: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp (1911-1925), Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr.176-181. Xem thêm báo Nhân Dân, số 10553, ngày 19-5-1983.

7 C.Mác - Ph. Ăngghen: Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962, T. 1, tr. 284.

8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528488

Hôm nay

2144

Hôm qua

2291

Tuần này

2761

Tháng này

215184

Tháng qua

0

Tất cả

114528488