Góc nhìn văn hóa

Thay đổi thực hành văn hóa trong hôn nhân đa tộc người

Bản sắc văn hóa và việc thực hành văn hóa luôn tồn tại trong một cấu trúc xã hội nhất định trong những bối cảnh cụ thể. Khi cấu trúc xã hội đó thay đổi thì việc thực hành văn hóa cũng thay đổi. Hôn nhân đa tộc người là một sự thay đổi cấu trúc xã hội. Và nó ảnh hưởng nhiều đến các thực hành văn hóa của chủ thể.

 

Bản Ang, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, nơi có nhiều cặp vợ chồng quan hệ hôn nhân đa tộc người

Năm 2016, trong một chuyến điền dã ở bản Ang, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tôi được biết đến câu chuyện của vợ chồng Lương và Lý. Lương là một chàng trai người Thái còn Lý là một cô gái người Mông. Lương kể rằng: “Nhà vợ em ở một bản người Mông cách nhà em 5km, trong một lần em đi vào trong đó mua dứa thì em quen và xin số điện thoại. Sau đó tụi em hay nhắn tin cho nhau và gặp gỡ đi chơi, rồi yêu thương nhau. Khi em nói với gia đình chuyện cưới vợ là người Mông, lúc đầu gia đình em cũng không ưng lắm. Nhưng sau đó em cũng kiên quyết nên gia đình đồng ý. Khi yêu nhau, em không biết tiếng Mông, còn vợ em lúc đó cũng không biết tiếng Thái. Tụi em chỉ nói chuyện bằng tiếng Kinh. Khi quyết định cưới thì em cũng có học một số phong tục tập quán bên nhà vợ, chủ yếu qua vợ chỉ cho. Vì nghĩ như vậy sẽ làm cho gia đình bên vợ dễ chấp nhận em hơn. Thời gian đầu, mỗi lần về thăm nhà vợ em thường bị mắc một số cái không đúng với phong tục bên vợ. Mỗi lần vậy thì bố mẹ vợ nhắc nhở và bày cho em”. Còn với Lý thì tình hình phức tạp hơn. Lý chia sẻ: ““Trước khi cưới, em đã biết về làm dâu bên người Thái sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do em là người Mông, chưa biết nhiều về văn hóa nhà chồng. Em phải học tiếng Thái từ những người khác trong gia đình, khó khăn lắm, phải nói bằng tiếng Kinh trước. Rồi em phải học về văn hóa nhà chồng từ các phong tục tập quán trong các lễ cúng. Em phải hỏi mẹ chồng rất nhiều thứ và mẹ chồng cũng dạy cho em biết thêm. Có nhiều khi giận nhau, cãi nhau với chồng xong thì thấy tủi thân và muốn chạy về nhà mẹ. Nhưng nghĩ mình cũng lớn rồi, lấy chồng rồi là phải chấp nhận. Có lúc chán nản, giận dỗi lại đổ lên đầu chồng rồi cãi nhau. Nhưng dần rồi cũng quen. Sau gần 3 năm thì giờ em cảm thấy bình thường, không gặp khó khăn gì trong cuộc sống hàng ngày nữa”.

Năm 2019, khi điền dã về người Ơ Đu ở bản Văng Môn, tôi biết được thêm nhiều câu chuyện về hôn nhân đa tộc người. Như chuyện của bà Na, một phụ nữ Thái lấy chồng là người Ơ Đu chẳng hạn. Trong cuộc sống hôn nhân đa tộc người, bà Na kể: “Ở quê cũ, người Thái và người Ơ Đu sống cũng gần gũi nhau. Về cơ bản, người Ơ Đu không còn nhiều phong tục tập quán quá phức tạp. Họ tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa người Thái, nên cuộc sống cũng không khác so với văn hóa Thái nhiều lắm. Lúc tôi mới về làm dâu, bố mẹ chồng cũng bày dạy cho những điều cấm kỵ và những thứ cần thiết liên quan đến các sinh hoạt trong gia đình. Tôi tiếp nhận một cách dễ dàng bởi gia đình chồng tôi đều nói tiếng Thái. Thậm chí các bài cúng trong các nghi lễ cũng bằng tiếng Thái và họ mời các thầy mo người Thái về làm lễ. Thế nên không gặp nhiều khó khăn lắm. Có điều, sau này, khi có con thì chồng tôi vẫn muốn con cái phải biết thêm một chút về người Ơ Đu nên tôi cũng phải biết để dạy con. Khi tái định cư xuống Văng Môn thì có nhiều sinh hoạt văn hóa dân tộc Ơ Đu được khôi phục nên tôi cũng tham gia như một người Ơ Đu vậy”.

Trong những câu chuyện của những người trong quan hệ hôn nhân đa tộc người, chúng ta có thể thấy được nhiều quá trình văn hóa diễn ra trong thực hành văn hóa của họ. Trước hết đó là quá trình tiếp nhận yếu tố văn hóa mới. Hầu như mọi người có quan hệ hôn nhân đa tộc người đều tiếp nhận các yếu tố văn hóa mới khi cấu trúc xã hội của họ thay đổi, dù với những mức độ khác nhau. Lương tiếp nhận các yếu tố văn hóa Mông từ phía gia đình vợ. Lý tiếp nhận yếu tố văn hóa Thái từ gia đình chồng. Bà Na cũng tiếp nhận các yếu tố văn hóa Ơ Đu từ gia đình chồng. Nhưng mức độ khác nhau. Lương tiếp nhận một số yếu tố cần thiết của một con rể để tham gia thực hành khi cần thiết. Trong khi đó, Lý gần như phải tiếp nhận hầu hết các yếu tố văn hóa từ gia đình chồng và thực hành nó hàng ngày. Cô phải học các nghi lễ, phong tục tập quán và nhiều yếu tố văn hóa khác để ứng xử trong gia đình và sau đó còn tham gia giáo dục con cái. Còn bà Na cũng tiếp nhận các yếu tố văn hóa Ơ Đu từ phía nhà chồng nhưng ở mức độ thấp hơn vì cộng đồng Ơ Đu đã tiếp nhận các yếu tố văn hóa Thái khá phổ biến. Nhưng cơ bản thì quá trình tiếp nhận yếu tố văn hóa mới của bà Na cũng diễn ra theo những trình tự như Lý phải thực hiện.

Thứ hai là quá trình bảo tồn các yếu tố văn hóa truyền thống của tộc người mình. Trong trường hợp này, những người đàn ông có tham gia nhưng ít hơn. Vì họ có tiếp nhận một số yếu tố văn hóa mới bên nhà vợ nhưng cũng chủ yếu thực hành có đến nhà vợ. Còn với những người phụ nữ về làm dâu thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Cuộc sống hàng ngày của họ gắn với các sinh hoạt văn hóa trong gia đình chồng nên việc bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người họ lại phải thực hiện bằng những nỗ lực khác. Bà Na luôn gìn giữ những giá trị văn hóa Thái và trường hợp bà cũng thuận lợi hơn khi quanh bà việc thực hành văn hóa Thái trở nên phổ biến. Những khúc hát, điệu múa Thái được bà Na giữ gìn và thể hiện mỗi khi có cơ hội. Bà vẫn mặc trang phục truyền thống người Thái, tham gia các sinh hoạt văn hóa người Thái. Còn Lý thì gặp nhiều khó khăn hơn. Tần suất về bản Mông của Lý ngày càng ít hơn do nhiều lý do. Những sinh hoạt văn hóa truyền thống người Mông ít khi được Lý thể hiện vì ít có điều kiện. Nhưng Lý chưa từ bỏ một cái gì thuộc về người Mông mà mình đã có. Những dịp lễ tết, Lý về bản Mông tham gia các sinh hoạt văn hóa truyền thống, khi đó, Lý thể hiện hết những giá trị văn hóa của một cô gái Mông. Trong quá trình sinh sống, Lý vẫn trao đổi với chồng để cả vợ chồng cùng về bên ngoại tham gia các sinh hoạt văn hóa quan trọng của người Mông bên Lý, nhất là những nghi lễ quan trọng như làm vía. Đó là những nỗ lực rất lớn mà Lý đã thực hiện. Bởi như Lý nói: “Cái này thì không ai bắt buộc. Nhưng nếu em bỏ quên mất em là người Mông thì khi về bên nhà ngoại em sẽ không còn được tôn trọng. Dù làm dâu người Thái thì em vẫn là một người Mông”.

 

Những người phụ nữ Thái về làm dâu người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, Tương Dương cũng đẩy mạnh giao lưu, tiếp xúc văn hóa tộc người

Thứ ba là quá trình kiến tạo những giá trị văn hóa mới. Về cơ bản, quá trình kiến tạo giá trị văn hóa mới này được thực hiện chủ yếu khi cấu trúc gia đình thay đổi tiếp, tức là giai đoạn vợ chồng chuyển ra ở riêng và họ kiến tạo những giá trị văn hóa mới cho gia đình mình, đặc biệt là trong giáo dục con cái. Con của Lương và Lý sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hai nền văn hóa đến từ bố và mẹ, nên một mặt được thừa hưởng cả hai giá trị văn hóa, mặt khác lại được tiếp nhận những giá trị văn hóa mới. Lý vẫn dạy con những giá trị văn hóa người Thái, nhưng bên cạnh đó, cô cũng dạy con thêm về văn hóa Mông. Con lớn lên vừa biết tiếng Thái, vừa biết tiếng Mông do mẹ dạy (và tiếng Kinh khi đi học). Lý cũng dạy con nhiều điều về văn hóa Mông, nhất là cho con thực hành mỗi khi về bên nhà ngoại. Ngoài ra, trong quá trình sinh sống với nhau, vợ chồng cũng tích hợp các giá trị phù hợp để giáo dục con cái, sao cho phù hợp với cả hai nền văn hóa nội ngoại, và cả quá trình hiện đại hóa rộng lớn hơn. Ví dụ như người Thái có những quy định chặt chẽ trong việc ngồi ăn cơm trong gia đình, nhất là trong sự phân biệt nam nữ, nhưng người Mông có thể cởi mở hơn, và trong gia đình Lương với Lý thì cũng sẽ cởi mở hơn đối với con cái. Tương tự vợ chồng Lương thì gia đình bà Na cũng vậy. Con của bà Na vừa có các giá trị văn hóa Ơ Đu, vừa học được những giá trị văn hóa Thái. Con gái bà có thể hát múa những bản truyền thống của người Thái, biết dệt may thêu thổ cẩm theo cách của người Thái. Ngoài ra còn có những giá trị văn hóa được cha mẹ tích hợp từ hai nền văn hóa. Quá trình kiến tạo văn hóa mới cũng là quá trình tích hợp văn hóa trong cấu trúc gia đình mới.

Tóm lại, trong những câu chuyện cụ thể phía trên, nỗ lực của những người trong cuộc là nhân tố giúp họ tiếp nhận, bảo tồn và kiến tạo các giá trị văn hóa trong các cấu trúc xã hội của họ. Lương hay bà Na đã rất nỗ lực để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng mình trong những điều kiện mà họ có thể. Quan trọng nhất, họ giữ tâm thức về một nền văn hóa mình được sinh ra, đó là một cô gái Mông, một phụ nữ Thái, và dù đi làm dâu một gia đình thuộc một tộc người khác thì họ vẫn luôn giữ được tâm thức đó. Họ không từ chối những giá trị văn hóa từ cấu trúc gia đình chồng, nhưng cũng không muốn đánh mất các yếu tố văn hóa mà mình thuộc về. Không những vậy, họ còn góp phần kiến tạo ra những giá trị văn hóa mới. Qua những câu chuyện như vậy, chúng ta cũng cần thấy rằng, bảo tồn di sản văn hóa của một cộng đồng, sẽ liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, nhưng phải đặt chủ thể văn hóa vào vị trí trung tâm và vai trò quyết định./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446318

Hôm nay

2249

Hôm qua

2284

Tuần này

21927

Tháng này

212577

Tháng qua

120141

Tất cả

114446318