Người xứ Nghệ

Tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành

Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành

Trong suy nghĩ của tôi, Tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành (1825-1887) là danh nhân số một của huyện Đô Lương và của cả phủ Anh Sơn thế kỷ XIX. Ông là nhà khoa bảng, một vị quan đáng kính, một thủ lĩnh chống Pháp, một nhà thơ.

Nguyễn Nguyên Thành người làng Cẩm Ngọc, xã Đô Lương, nay là xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng có tiếng tăm thời ấy. Cha ông là Cụ Hàn lâm Trực học sĩ Nguyễn Nguyên Hữu Tố, đậu Cử nhân khoa Kỷ Mão 1819, từng làm quan Án sát, Bố chính hai tỉnh Sơn Tây và Hưng Yên. Cụ cũng nổi tiếng là người hay chữ, từng dạy nhiều học trò thành tài. Bức trướng mừng thọ Cụ Học sĩ năm 1846 ký tên 300 học trò, đứng đầu là 3 vị tiến sĩ danh tiếng: Đinh Nhật Thận (nguyên Tri phủ Phủ Anh Sơn, tác giả Thu dạ lữ hoài ngâm), Phạm Phú Thứ (Đại học sĩ, Tham tri bộ Lại, tác giả Trúc Đường thi văn tập...) và Nguyễn Bá Trạc... Anh trai ông là Tú tài Nguyễn Nguyên Đẩu. Em trai là Cử nhân Nguyễn Đình Giác.

Nguyễn Nguyên Thành tự là Uẩn Phủ, hiệu là Sơn Đường, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh học giỏi. Hai mươi mốt tuổi đậu Tú tài khoa thi Bính Ngọ thời Thiệu Trị 1846. Hai mươi ba tuổi, đậu Cử nhân khoa Mậu Thân 1848. Ba năm sau, khoa thi Tân Hợi 1851, đỗ đầu Đệ tam giáp tiến sĩ khi mới 26 tuổi. Làm quan đến bậc Tam phẩm, Hồng lô tự thiếu khanh sung Tham biện nội các, có nhiều công trạng được nhà vua ban tặng nhiều bảo vật. Ông cũng nổi tiếng hay chữ, là một trong ba danh sĩ hàng đầu của Xứ Nghệ thời ấy: “Văn Giao, phú Tạo, thi Thành”. Giỏi văn nhất là Thám hoa Nguyễn Văn Giao, giỏi phú nhất là Hồ Sĩ Tạo (có bản chép “phú Đạt” - thám hoa Nguyễn Đức Đạt), còn thơ, không ai hơn được Nguyễn Nguyên Thành. Rất tiếc đến nay thơ ông hầu hết đã thất lạc, chỉ còn lại vài ba bài...

Khi Pháp xâm lược nước ta, chán ghét sự bất lực của triều đình, năm 1875, viện cớ ốm bệnh, ông cáo quan về quê “Lắm bệnh tôi lui về ở ẩn/Há e chỉ trích thấp hay cao” (gửi Thám hoa Nguyễn Đức Đạt). Trong khoảng thời gian chỉ mươi năm,  nhằm phát huy sự học ở một vùng quê nghèo khó, hoạt động của ông đã để lại nhiều dấu ấn ở Đô Lương như: Xây Văn chỉ huyện ở Thanh Lưu, hỗ trợ xây Nhà Thánh ở các xã, tổng (tiêu biểu như Nhà Thánh Mỹ Trung - xã Thuần Trung nay vẫn còn bài văn bia của ông đề năm Tân Tỵ 1881); lập Thư phòng ở làng Thuận Lạc làm nơi nghỉ ngơi, đọc sách cùng bạn bè và sĩ tử...

Cuộc xâm lược của thực dân Pháp càng lan rộng. Hà Thành thất thủ (1882) rồi Kinh thành Huế thất thủ (1885). Hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông tập hợp nghĩa sĩ dựng cờ khởi nghĩa ở Phủ Anh Sơn quê hương. Sau khi sáp nhập với nghĩa quân của Nguyễn Xuân Ôn, ông được cử làm Tán tương quân vụ, phụ trách tuyến đường 7. Cuộc khởi nghĩa đã tập hợp được nhiều nho sĩ trí thức yêu nước, lôi kéo được một lực lượng đông đảo Nhân dân tham gia, trong đó có nhiều người là người dân tộc thiểu số từ Phủ Quỳ, Phủ Bọn kéo về. Nghĩa quân tràn đầy dũng khí, răm rắp theo lệnh ông, đã đánh thực dân Pháp nhiều trận lớn ở Phù Trù (nay thuộc Nghĩa Khánh), Chùa Vườn (Đô Lương). Vè “Kể chuyện Nguyễn Nguyên Thành đánh Tây” còn ghi lại sự kiện này: “Ông Cai kêu thì dạ/Ông Đội kêu thì vâng/Tất cả nghe lệnh quan Hường/Kéo quân về đánh trận Cồn Vườn/Có quân Xá, quân Mường/Hiệp tâm hiệp sức ... (Vè Nghệ Tĩnh, Tập 14 , NXB Nghệ An. 2004, trang 324 ).

Lớp hậu sinh chúng tôi ở quê bảy, tám chục năm sau đó tập tễnh vào học cấp I, giờ học lịch sử địa phương vẫn còn được thầy cô kể cho nghe về “Cuộc khởi nghĩa của Quan lớn Hường”. Sao lại là Quan lớn Hường? Sau này tôi mới biết là vì kỵ húy tên của vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) mà gọi chệch chữ HỒNG trong phẩm hàm Hồng lô tự thiếu khanh của ông thành HƯỜNG. Đó là một giờ học chẳng có trong sách vở nào cả. Nhưng cô giáo đã kể rất hấp dẫn khiến cho cả lớp chúng tôi lặng phắc ngồi nghe. Như thấy lại hình ảnh của phủ Anh Sơn một thời náo động. Từng đoàn nghĩa binh rầm rập kéo đi. Gươm giáo sáng lòe. Hình ảnh Quan lớn Hường cưỡi ngựa oai phong lẫm liệt. Bài học vỡ lòng môn lịch sử địa phương (tiếc rằng sau này không thấy nữa?) đã khiến chúng tôi rất đỗi phấn khích, tự hào. Tôi đã thức đến khuya làm một “bài thơ” diễn tả lại cuộc khởi nghĩa ấy: “Ôi tự Cây Chanh rền vang vó ngựa/Dậy đất Đô Lương trống trận Quan Hường”! Lời lẽ bắt chước, sáo rỗng nhưng tinh thần thì khâm phục, tự hào thay!

Nhưng rồi phong trào Cần Vương chống Pháp của cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng thời ấy bị đàn áp khốc liệt. Năm 1887, trong một trận tập kích, Nguyễn Xuân Ôn bị giặc Pháp bắt và mất mấy năm sau đó. Trước lực lượng và phương tiện vũ khí quá mạnh của quân xâm lược, nghĩa quân của Nguyễn Nguyên Thành phải lùi dần lên miền Tây Nghệ An, hội quân với nghĩa quân của Đinh Công Tráng (từ Thanh Hóa vào) ở vùng Cây Chanh, Ngũ Vó, định lập căn cứ dựa vào núi rừng hiểm yếu tiếp tục kháng chiến. Nhưng rồi Nguyễn Trung Trực bị phục kích và hy sinh. Nghĩa quân của Nguyễn Nguyên Thành cũng bị đánh úp ở Lãng Điền. Ông bị giặc bắt giải về Nhà lao Vinh và mất trong tù, giữa tháng 11-1887.

Đã 136 năm kể từ ngày ông mất. Lịch sử đã trải qua bao thăng trầm biến đổi. Nhưng quê hương và Nhân dân không quên ông, bậc danh sĩ yêu nước đã can trường hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc. Nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành ở xã Đông Sơn đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Một con đường ở thị trấn Đô Lương đã được mang tên ông. Đó là con đường đẹp và dài nhất ở trung tâm thị trấn, phía Bắc tiếp giáp đường 7 cũ đoạn đối diện ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phía Nam tiếp giáp với đường 7 mới cạnh Trung tâm thương mại và chợ truyền thống huyện. Thiển nghĩ, huyện Đô Lương cũng nên chọn một trường THPT để mang tên ông. Như huyện Diễn Châu có THPT Nguyễn Xuân Ôn, huyện Yên Thành có THPT Lê Doãn Nhã. Cùng với Nguyễn Nguyên Thành, họ là ba bậc trí thức tiêu biểu, ba lãnh tụ kiệt xuất của phong trào Cần Vương ở Nghệ An thế kỷ XIX. Xứng đáng thay!

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số 11 - Tháng 11/2023)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114517265

Hôm nay

2215

Hôm qua

2397

Tuần này

2612

Tháng này

215204

Tháng qua

121009

Tất cả

114517265