Góc nhìn văn hóa
Vài cảm nghĩ về đêm nhạc Hoàng Nguyên trên quê hương Diễn Châu
Tháng 10 năm 1983, từ Viện Toán học Hà Nội, tôi vào thỉnh giảng tại Đại học Tổng hợp Đà Lạt. Đó là cơ duyên đầu tiên tôi được nghe bài hát “Ai lên xứ hoa đào”, và được biết đến tên nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Năm 1989, trong một lần dự sinh hoạt với các bạn Việt kiều ở Tây Berlin, tôi được nghe bài hát “Cho người tình lỡ”. Một lần nữa, tên của nhạc sĩ Hoàng Nguyên lại được nhắc đến. Thời kinh tế mở cửa, tôi thi thoảng nghe những bài hát dạng bolero của các ca sĩ trong nước và hải ngoại. Những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên vọng về nhiều hơn. Nhưng cuộc sống bôn ba trong “cơm áo gạo tiền” làm mờ đi tất cả.
Khi không còn phải vất vả mưu sinh, tôi lại hay nhớ về quê hương, tuổi trẻ. Xứ Nghệ và đất Phủ Diễn hiện về trong tôi nhiều hơn. Và trong sự ngạc nhiên, với niềm vui thầm khi biết nhạc sĩ Hoàng Nguyên (Cao Cự Phúc) là người dòng họ Cao ở Diễn Bình rẽ ra từ dòng họ Cao miền đất Nho Lâm danh tiếng. Nên khi được biết Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Diễn Châu (Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An) gửi lời mời về dự Đêm nhạc Hoàng Nguyên trên quê hương Phủ Diễn, tôi đã thu xếp để về.
Điều làm tôi khá bất ngờ là Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Diễn Châu đã biết “mở rộng” biên giới của “Văn học Nghệ thuật”. Ban tổ chức đã mời những người, nằm ngoài khái niệm “Văn học Nghệ thuật” thông thường cùng tham dự. Trong số đó có GS Toán học Lê Hùng Sơn của miền Nho Lâm, GS Toán học Nguyễn Tố Như của làng Mỹ Quan, Nhà ngoại giao Đại sứ Ngô Quang Xuân của làng Đông Phái, Chủ tịch Hội đồng hương Diễn Châu tại Hà Nội - Hoàng Lương quê Diễn Mỹ, và một số nhân sĩ khác. Không phải tất cả mọi người có điều kiện về tham dự, nhưng nó thể hiện cách nhìn về giá trị tác phẩm và con người nhạc sĩ Hoàng Nguyên không giới hạn trong phạm trù “Văn học Nghệ thuật” thường nghĩ.
Ca sĩ Thanh Hải với ca khúc "Cho người tình lỡ". Ảnh: Anh Tuấn
Ca sĩ Đan Phượng với ca khúc "Em chờ anh trở lại". Ảnh: Anh Tuấn
Đêm nhạc tưởng nhớ Hoàng Nguyên (1930-1973) kỷ niệm năm 50 ngày mất (21/8/1973-21/8/2023) của người nhạc sĩ tài hoa đất Phủ Diễn ngày 20/8/2023 đã để lại nhiều ấn tượng đẹp. Các ca sĩ chuyên nghiệp của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã đưa đến cho người nghe những cảm xúc thăng hoa qua các tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Ca sĩ Quế Thương du dương với “Anh đi về đâu”. Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Hà và ca sĩ Minh Tâm đê mê với “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào”. Ca sĩ Bảo Phương trải lòng với “Thuở ấy bên nhau”. Ca sĩ Đan Phượng thả mình trong “Em chờ anh trở lại”. Đặc biệt, kết thúc phần trình diễn là sự phiêu diêu mộng mị như rút từ tâm can của ca sĩ Thanh Hải trong tuyệt phẩm “Cho người tình lỡ”. Nhân dân quê hương xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng được thấm thêm tài năng của người con quê Diễn Bình, làm rạng danh cho đất Phủ Diễn.
Ca sĩ Quế Thương với ca khúc "Anh đi về đâu". Ảnh: Anh Tuấn
NSƯT Ngọc Hà và ca sĩ Minh Tâm với ca khúc "Ai lên xứ hoa đào". Ảnh: Anh Tuấn
Phần trình diễn của các ca sĩ hàn lâm phản ánh một phương diện tài hoa của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Nhưng sức sống các tác phẩm của Hoàng Nguyên còn có cội nguồn từ một phương diện khác: từ các ca sĩ dân gian. Các tác phẩm của Hoàng Nguyên sống hầu như trong mỗi người dân đất Việt. Và có lẽ, điều mong muốn cần bổ sung cho các đêm nhạc sau này về nhạc sĩ Hoàng Nguyên trên quê hương ông, là dành một sự kiện riêng để các ca sĩ dân gian thể hiện. Những người nông dân, những người công nhân, những giáo viên, bác sĩ… hầu như ai cũng có thể đắm chìm trong các ca khúc “Ai lên xứ hoa đào”, “Cho người tình lỡ”…Khi đã “nhập hồn” thì “ca sĩ dân gian” hóa mình thành ca sĩ chuyên nghiệp, khoác cho tác phẩm một không gian mới lạ. Hiển nhiên, phải là các “ca sĩ dân gian” có năng khiếu thanh nhạc bẩm sinh.
Nhân thế mà mạo muội đưa ra mấy nhận xét sau.
1. Sống qua thời gian, sống qua thể chế, thuộc về Nhân dân - là thành công nhất của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.
2. Bởi thế, các nghiên cứu về Hoàng Nguyên nên tập trung vào các sáng tác của ông, nhất là các tác phẩm chưa được biết.
3. Các nhạc phẩm của Hoàng Nguyên thăng hoa nhờ các ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng sức sống của nhạc phẩm Hoàng Nguyên phụ thuộc vào ca sĩ dân gian. Quần chúng mới là cái nôi nuôi dưỡng các nhạc phẩm của Hoàng Nguyên.
4. Tương tự như vậy, khi bàn đến thân thế và sự nghiệp của Hoàng Nguyên thì không hạn chế trong giới ‘Văn học Nghệ thuật’. Hoàng Nguyên thuộc vào biên giới rộng hơn phạm trù “Nhạc sĩ”.
5. Các đêm nhạc tưởng nhớ Hoàng Nguyên ở quê hương ông, ngoài các ca sĩ chuyên nghiệp, nên dành một phần thể hiện cho ca sĩ quần chúng địa phương. Để chứng tỏ sức sống các nhạc phẩm của ông chính trên quê hương ông. Nhưng nên tổ chức như một sự kiện đi kèm, riêng biệt.
Là người ngoại đạo, thuộc thế hệ sau, lại được thơm lây là người cùng quê Phủ Diễn, xin bày tỏ lời cảm ơn đến Ban Tổ chức Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Sự thành công của Đêm nhạc, trước hết là nhờ chủ trương của lãnh đạo địa phương đã nhìn nhận đúng về thân thế và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Sự hiện diện của đại diện lãnh đạo huyện Diễn Châu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội VHNT Nghệ An và chính quyền xã Minh Châu là nền tảng cho sự lan tỏa của Đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Hoàng Nguyên trên quê hương ông. Cùng với Chi hội VHNT huyện Diễn Châu, không thể không nhắc đến “vai trò động lực” của chị Võ Thị Hồng, em gái nhạc sĩ Hoàng Nguyên, cũng là người từng nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật.
Những nhận xét của một người ngoại đạo, chắc chắn không tránh khỏi những mảng hổng. Nhưng cho dù là không đúng ở điểm này hay điểm kia, cho dù là ngu ngơ, ấu trĩ… thì dầu sao nó cũng phản ánh suy nghĩ của một “thảo dân” về Hoàng Nguyên và các tác phẩm của ông. Chính hàng triệu mảnh ghép đúng sai, mờ tỏ của muôn “thảo dân” mới vẽ đúng chân dung Hoàng Nguyên, mới phản ánh đúng giá trị các tác phẩm của ông.
Nhạc sĩ của một một thể chế, dù có nhận được nhiều giải thưởng trong không gian và thời gian của thể chế, cuối cùng cũng chỉ là “nhạc sĩ thể chế”. Phải vượt qua biên giới của các thể chế để biến thành “nhạc sĩ của Nhân dân”. Hoàng Nguyên là một “nhạc sĩ nhân dân”.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528656
237
2275
2929
215352
0
114528656