Góc nhìn văn hóa

Văn học nghệ thuật tiệm tiến văn hóa

Lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian”

Văn hóa nền tảng phát triển bền vững

Rõ ràng như dưới thanh thiên bạch nhật, văn hóa là một trong bốn trụ cột phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới. Tinh thần chiến lược “Văn hóa còn thì dân tộc còn” toát yếu từ Hội nghị Văn hóa toản quốc (11-2021) chính là kế tục và phát triển nguyên lý tư tưởng chiến lược “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh). Thực tiễn ngày càng chứng minh thuyết phục và sinh động văn hóa thấm nhuần vào từng chân tơ kẽ tóc của đời sống xã hội, cộng đồng, gia đình như những hạt nhân trung tâm quan trọng và từng cá nhân với ý nghĩa là “con người này” trong tính cá thể hóa cao độ. Nếu đi ra trường quốc tế hội nhập trong xu hướng toàn cầu hóa, trong một thế giới phẳng và mở, Việt Nam tất nhiên không so vai với cộng đồng quốc tế nhân loại bằng những phát minh khoa học kỹ thuật làm thay đổi thế giới, như sự ra đời của internet chẳng hạn, hay những tập đoàn kinh tế quy mô toàn cầu kiểu Microsoft của nhà đại tư bản/tài phiệt Bill Gates cũng như chinh phục khoảng không vũ trụ được coi là ngành khoa học tương lai. Vậy thì chỉ có thể “trình làng” bằng văn hóa Việt Nam giàu bản sắc dân tộc (Truyện Kiều, ca trù, ví giặm, áo dài, phở...). Nếu công nhận tột cùng của văn hóa là con người thì trong tương lai gần và xa chúng ta phải chuẩn bị kỹ càng để làm xuất hiện những cá nhân có đấy đủ phẩm cách “công dân toàn cầu” mang nhãn hiện Made in Vietnam. Cũng như văn giới đang có cái khát vọng đưa văn học Việt Nam gắn lên bản đồ văn học thế giới để xóa bỏ mặc cảm “tiếng Việt cô đơn” bởi “Văn học là nghệ thuật ngôn từ”. Muốn đạt đến những kỳ tích ấy phải có cao vọng, đã đành, lại phải có căn đế, chân tủy văn hóa đầy đặn, sâu rộng, bền chắc.

Chỉ cần nhìn vào Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt giai đoạn 2021-2025, đã thấy thấm thía tinh thần căn cơ của văn hóa trong các phạm trù văn hóa - kinh tế, văn hóa - quản trị của đất nước ở giai đoạn tăng tốc để hiện thực hóa khát vọng đổi mới toàn diện, xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Khái niệm/phạm trù “xanh” đang phủ sóng toàn bộ các lĩnh vực hoạt động xã hội, từ chiến lược quốc gia trồng 1 tỷ cây xanh đến xây dựng y tế xanh, giáo dục xanh, công nghiệp xanh nay đến cả văn học xanh. Nên mới có khát vọng “Sống mãi với cây xanh” - nhan đề một thiên truyện ngắn giàu ý nghĩa biểu tượng và tượng trưng của nhà văn xứ Nghệ tài danh Nguyễn Minh Châu.

Văn học nghệ thuật bộ phận tinh tế nhất của văn hóa

Nói văn học nghệ thuật là bộ phận quan trọng và tinh tế nhất của văn hóa, xét đến cùng không phải là mới hay phát kiến, nhưng quan trọng ở chỗ chúng ta nhận thức lại đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, triệt để hơn và vận dụng thực tiễn hơn vai trò của văn học nghệ thuật trong nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới giàu tính dân tộc và đậm đà tinh thần nhân loại. Trong phạm trù văn học nghệ thuật thì văn học có vị trí hàng đầu. Tất nhiên. Truyền thống văn hóa của Việt Nam hàng ngàn năm nếu không nói là tất cả thì văn học cũng từng chiếm vị trí thượng phong. Trong số (7) các danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO ghi danh thì tuyệt đại đa số là các văn nhân: Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Chiểu. Chỉ có một thánh y là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh đánh bại hai đế quốc lớn của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ, khi đội quân văn hóa xung trận thì chủ lực quân vẫn là các nhà văn (theo số liệu của Hội Nvăn Việt Nam thì có đến 30 phần trăm các nhà văn thời hiện đại đã và đang là nhà văn khoác áo lính). Nói đổi mới văn học nghệ thuật từ năm 1986 thì cũng bắt đầu từ văn học với sự đóng góp của các nhà văn tài năng như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Nguyên Khắc Trường, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Hướng, Bảo Ninh,...

Bìa cuốn tiểu thuyết Hương của Nguyễn Thụy Kha

Chuyển động, bứt phá về kinh tế hay khoa học kỹ thuật chúng ta dễ nhìn ra vì có tính thực chứng và có gia tốc. Với văn hóa, văn học nghệ thuật đôi khi phải cần thiết có cái nhìn chậm và tĩnh. Cũng bởi đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật là đầu tư cho tương lai. Thậm chí đòi hỏi chúng ta kiên nhẫn chờ đợi có thể một nhịp độ thời gian một thập kỷ mới có thể hiện hình một làn sóng mới, một bước chuyển có tính bước ngoặt, mới đơm hoa kết trái những sản phẩm tinh thần tốt đẹp. Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba (11-2021) đến nay vừa tròn ba năm, đủ một ngàn ngày. Liệu văn học nghệ thuật đã kịp lưu dấu trong ký ức công chúng hay nói cách khác đủ sức “neo” lại những ấn tượng và bài học văn hóa - nhân sinh thấm thía về cuộc đời và con người trong một bối cảnh mở và phi truyền thống theo đường hướng ngày càng trở nên phức tạp hơn?! Gần đây, đâu đó vẳng lên hai chữ “lâm nguy” trong câu nói đầu cửa miệng của nhiều người có cái nhìn bi quan gán cho tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội, trong đó có văn học nghệ thuật. Tất nhiên chúng ta không phải là những người thích “tự sướng”. Nhưng có thể nói, những tiếng kêu lâm ly về cái gọi là mối lâm nguy mơ hồ có thể chỉ là những báo động giả như một động thái phì đại trên mạng xã hội khó bề kiểm soát và phân định chân lý. Theo quan sát và đánh giá của giới nghiên cứu có uy tín, văn học về đề tài truyền thống (chiến tranh cách mạng, lịch sử) đang có dấu hiệu trở lại tích cực và ngoạn mục trên văn đàn. Đó chính là tinh thần ôn cố tri tân, gìn giữ ký ức lương thiện, chống lại sự lãng quên vô tình và ích kỷ lịch sử và con người. Chúng tôi xin được dẫn chứng một vài sự kiện tiêu biểu để làm cơ sở thuyết phục thực tiễn theo lối “nói có sách mách có chứng”. Tháng 8-2022, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tiểu thuyết Hương của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Một nhà xuất bản “chính trị” in tác phẩm “văn học” với số lượng 2.500 bản sách (trong đó dành 1.000 cuốn chuyển tới bà con Việt Kiều ở Mỹ), há chẳng là xưa nay hiếm?! Hơn thế, trong lần in đầu với số lượng 2.500 bản sách, đã là một sự kiện xuất bản, khiến các nhà văn viết tiểu thuyết mơ ước (vì bình thường số lượng in 1.000 cuốn đã là khó bán hết trong vòng vài năm trừ những cuốn “hot”, dạng best-seller). Tiếp theo, Giải thưởng Hội Nvăn Việt Nam, năm 2023, trao cho tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một, trong đó chiến tranh được viết theo đúng nghĩa đen và cả nghĩa bóng của nó. Nhưng điều đáng nói hơn cả về hai cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh và hậu chiến này là ở chỗ, chúng cuốn hút người đọc vì một lẽ giản dị vì đã “chạm” đến một vấn đề cốt lõi thuộc nhân tâm thời đại - “tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc”. Nói văn học là lương tri của thời đại, trong trường hợp này, là sát hợp và thuyết phục. Con người Việt Nam hiện lên qua những cảnh ngộ và số phận khác nhau nhưng đều có một mẫu số chung - lòng vị tha, nhân ái, tinh thần khép lại quá khứ hướng tới tương lai ứng nghiệm trong mỗi gia đình bé mọn, rộng ra là một đất nước trải qua dằng dặc binh đao khói lửa.

 

Phim Đào, Phở và piano dành giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (năm 2023) và được chọn đại diện Viêt Nam dự vòng sơ tuyển của giải OSCAR lần thứ 97.

Nhìn sang bộ môn nghệ thuật thứ bảy - điện ảnh - không ít người trong công chúng nghệ thuật lâu nay dường như quay lưng với phim Việt Nam, nay cảm thấy mát lòng mát dạ khi xem Đào, phở và piano của Phi Tiến Sơn (biên kịch và đạo diễn). Một bộ phim điện ảnh chiến tranh thuộc thể loại sử thi - lãng mạn Nhà nước đặt hàng (phát hành 23/02/2024). Bối cảnh câu chuyện phim tựa vào sự kiện lịch sử hùng tráng 60 ngày đêm mùa Đông năm 1946, quân và dân Hà Nội chiến đấu theo tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đượm tinh thần văn hóa Thăng long - Đông Đô - Hà Nội. Rộng lớn và thâm sâu hơn văn hóa Việt Nam hiển hiện qua những con người “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng” (Huy Cận). Bộ phim được trình chiếu trên Đài Truyền hình Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam giờ vàng. So sánh với bộ phim Sống mãi với thủ đô (từ tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng) của đạo diễn Nguyễn Thế Vĩnh sản xuất 1996 kỷ niệm 50 năm toàn quốc kháng chiến (1946-1996) trong Chương trình chấn hưng điện ảnh cấp nhà nước thì phim Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn có những sắc màu mới mẻ, hấp dẫn khán giả của thời kinh tế thị trường vốn thông minh và khó tính hơn trước. Bộ phim đã dành giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (năm 2023) và được chọn đại diện Viêt Nam dự vòng sơ tuyển của giải OSCAR lần thứ 97 ở hạng mục phim truyện quốc tế. Tác phẩm đã tạo nên một hiệu năng nghệ thuật quan trọng và to lớn có tác dụng gắn kết các thế hệ, khơi gợi ký ức lương thiện và tốt đẹp, xây đắp niềm tự hào về truyền thống lịch sử Thủ đô anh hùng hàng ngàn năm hội tụ huy hoàng rực rỡ trong một Hà Nội chiến đấu và chiến thắng. Thăng Long không phi chiến địa. Hà Nội một trái tim hồng. Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Âm nhạc cách mạng - những giai điêụ tự hào đi cùng năm tháng - vang lên những khúc khải hoàn ca, tráng ca, tình ca... trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Những giai điệu vừa trữ tình vừa hùng tráng không dứt từ Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và nhiều nhạc phm nổi tiếng khác đã đi vào lòng khán giả Thủ đô và cả nước thời gian qua. Mới nhất, Hội thảo quốc tế “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức tại Hà Nội (09/11/2024) đã định hướng nguồn chất liệu của điện ảnh, đặc biệt đề tài truyền thống, có nguồn “cung ứng” phong phú và vô tận từ các tác phẩm văn học. Tại Hội thảo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hứa hẹn lạc quan đích thân ông sẽ sang Mỹ kêu gọi tài trợ làm phim lịch sử về thành Cổ Loa (theo Vanvn.vn, 11/11/2024).

Tột cùng của văn hóa là con người

Ở tuổi 82, nhà thơ Hữu Thỉnh ra mắt trường ca Giao hưởng Điện Biên (2024) đúng vào dịp Nhân dân cả nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng “, “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” (Tố Hữu). Cách nói “Điện Biên Phủ một danh từ Việt Nam” (nhan đề một tác phẩm bút ký của nhà báo - nhà văn Thép Mới) đã neo giữ trong tâm thức cộng đồng, trở thành ký ức lương thiện. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và tỉnh Điện biên phối hợp tổ chức Hội thào khoa học “Điện Biên Phủ - Thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học, nghệ thuật” (tổ chức tại thành phố Điện Biên Phủ, ngày 19/4/2024) với nhiều (35) tham luận có giá trị học thuật của các văn nghệ sĩ, các học giả uy tín từ mọi miền đất nước quy tụ. Cũng đúng dịp này, nhà văn Châu La Việt  từ Thành phố Hồ Chí Minh mang theo tiểu thuyết Vầng trăng Him Lam tham dự Hội thảo như món quà quý trân trọng kính tặng quân và dân Điện Biên Phủ. Cả hai tác phẩm đều đề cao sức mạnh và chiến thắng của văn hóa Việt Nam trước văn hóa của ngoại bang xâm lược như tuyên bố hào sảng của nhà văn hóa Nguyễn Trãi “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Bình Ngô đại cáo). Cả hai tác phẩm đều đề cao sức mạnh vô song của văn hóa, đội quân văn hóa thấm nhuần tư tưởng “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh).

 Một vấn đề có tính căn cơ chiến lược phát triển bền vững văn học nghệ thuật là xây dựng lực lượng, gọi là nhân lực. Vì thế, nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ kế cận là tối quan trọng, có tính quyết định thành bại. Người xưa đã nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (Thân Nhân Trung). Tre già măng mọc là một quy luật. Nhưng gừng càng già càng cay. Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X (tại thành phố Đà Nẵng, tháng 6/2022) với khẩu hiện “Vì sao chúng ta viết?” được hiểu bao hàm câu trả lời xác thực và đích đáng “Vì sự chiến thắng của văn hóa. Vì con người viết hoa!”. Thực trạng già hóa lực lượng sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam (gần ba phần tư số nhà văn cao tuổi trên 60) là một thực tế khách quan cần tập trung giải quyết. Nếu nói “Văn hóa là ứng xử” (cách sống cùng nhau) thì việc điều hòa thế hệ già/trẻ đang là một nhiệm vụ có tính chiến lược văn hóa căn cơ đặt ra cho lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam nói riêng và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nói chung. Rộng ra là toàn xã hội và giới hoạt động văn hóa, văn nghệ. Một sự kiện đáng quan tâm ngày 12/11/2024, tại Hà Nội  diễn ra Hội thảo khoa học “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (thuộc Bộ VH, TT & DL) đăng cai tổ chức (có 32 tham luận của các văn nghệ sĩ, nhà khoa học cả nước tham gia). Ngoài nhiệm vụ xây dựng không gian văn hóa nhân văn và những nhân cách văn hóa như là tiền đề quan trọng cho chiến lược phát triển văn hóa thì vấn đề chính sách văn hóa cũng được thấu triệt và quan tâm đặc biệt trong các ý kiến tham luận. Một chính sách tốt (khoa học và thực tiễn, như Khoán 10 trong nông nghiệp cách nay 4 thập kỷ đã làm thay đổi cán cân kinh tế đất nước) sẽ kích hoạt nhân lực và vật lực, kích hoạt năng lượng sáng tạo văn học nghệ thuật của các cá nhân giàu tiềm năng. Chúng ta đang nói nhiều về các “điểm nghẽn” hạn chế sự phát triển bền vững, do vậy xây dựng chính sách văn hóa hợp lý tối ưu đồng nghĩa với tháo gỡ các “điểm nghẽn” có nguy cơ gây “ùn tắc” trong hoạt động sáng tạo.

Nói văn học nghệ thuật tiệm tiến văn hóa là nói đến mục tiêu chiến lược của một lĩnh vực sáng tạo có ý nghĩa vừa là động lực phát triển vừa là mục tiêu phấn đấu của một xã hội văn minh, văn hiến và nhân văn lý tưởng. Thời gian ba năm chưa phải là dài rộng nhưng đây là thời đại của không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và quyền thụ hưởng, trong đó có quyền thụ hưởng văn hóa của người dân. Những tín hiệu lạc quan đang ló rạng, phát tỏa một nền văn học nghệ thuật đậm đà bẳn sắc dân tộc và giàu có tình hữu ái nhân loại như là biểu trưng của văn hóa tương lai./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 15 - Tháng 11/2024)

 

                                                                                                           

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114532058

Hôm nay

2152

Hôm qua

2244

Tuần này

2152

Tháng này

218754

Tháng qua

0

Tất cả

114532058