Góc nhìn văn hóa

Xây dựng nhân tố con người văn hóa và bản lĩnh văn hóa thời kỳ hội nhập

Hiện nay, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với văn hóa vẫn thể hiện rõ trên 2 quan điểm: Một là, khai thác, giữ gìn, phát huy giá trị con người, văn hóa truyền thống. Hai là, chủ động hội nhập, để lựa chọn những yếu tố tích cực của văn hóa thế giới. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có bản lĩnh để hội nhập.  

Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

Bản sắc Văn hóa Việt

Ngay từ khi nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lúc đất nước chúng ta đang còn dưới ách nô lệ, Đảng ta đã coi bảo vệ, xây dựng nền văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta gắn liền với nhiệm vụ giành chính quyền; coi lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này là sứ mệnh lịch sử của Đảng (Luận cương chính trị 1930).

          Giữ vững tinh thần ấy, suốt quá trình hơn 90 năm qua, trong từng thời kỳ, Đảng ta đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ của văn hóa phù hợp và lãnh đạo Nhân dân ta giành được những thành tựu vô cùng to lớn trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao…

          Bước vào thời kỳ đổi mới, Đáng ta đã xác định rõ những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và phát triển nền văn hóa, đã có Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương về văn hóa văn nghệ (Hội nghị BCH TƯ lần thứ 4, khóa VII), Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Đảng ta nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực đồng thời là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Dưới ánh sáng đường lối văn hóa của Đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã nâng cao được nhận thức về nhiệm vụ này, nỗ lực phấn đấu giành được những thắng lợi quan trọng trên mặt trận văn hóa - văn nghệ, góp phần xứng đáng vào thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ giá trị cốt lõi, năm 2014, việc xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam đã được đặt ra tại Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết này, rất nhiều vấn đề bất cập về con người và văn hóa đã bộc lộ. Ngày 4/6/2020, Bộ Chính trị đã ra kết luận đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết này. Kết luận chỉ rõ, sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, bên cạnh những thành tựu đáng kể đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó “Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại” [1]. Đây cũng chính là lý do khiến vấn đề xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình, trong tương quan với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, được đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng. Trong nội dung thứ VII của Báo cáo chính trị “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”, Đảng ta xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới… Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam đã tồn tại trong lịch sử; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” [2].

          Tuy nhiên, vấn đề tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn, sâu sắc về tầm quan trọng lớn lao đó, sự cần thiết cấp bách, tính phức tạp và những khó khăn, thử thách của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trong hoàn cảnh diễn biến gay go của cuộc đấu tranh giai cấp trên phạm vi thế giới, trong điều kiện nước ta phát triển kinh tế thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, vẫn là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng.

          Những thành tựu trong công cuộc đổi mới của chúng ta, nhiều tiền đề cần thiết đã được tạo ra cho sự nghiệp CNH-HĐH và sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quan hệ mở rộng của nước ta với các nước đã tạo điều kiện giúp chúng ta tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho hoạt động văn hóa, giúp chúng ta học tập được nhiều kinh nghiệm quý và chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc bầu bạn trên thế giới, làm phong phú thêm đời sống tinh thần nhân dân, làm giàu có thêm vốn văn hóa nước nhà.

          Mặc dù vậy, chúng ta tuyệt đối không thể xem thường những thách thức. Bởi nếu chúng ta không lưu tâm đầy đủ, không tỉnh táo, khôn khéo, dũng cảm vượt qua những thách thức này sẽ không loại trừ khả năng có thể dẫn tới nguy cơ làm chệch hướng XHCN, mất độc lập dân tộc ngay cả trên lĩnh vực văn hóa. Những mặt yếu kém, khuyết điểm đã xuất hiện và tồn tại từ những năm qua mà chúng ta đã nhận ra và kịp thời quan tâm, đấu tranh khắc phục vẫn đang tồn tại, hơn nữa, một số biểu hiện tiêu cực lại có chiều hướng phát triển đáng lo ngại. Tình hình này cảnh báo chúng ta về những thách thức không thể xem thường đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa trong thời kỳ mới của cách mạng.

          Thực tế đã cho chúng ta thấy bài học; có những quốc gia, dân tộc có những độc lập về chính trị, làm chủ chính quyền Nhà nước, tập trung làm ăn kinh tế trong quan hệ mở rộng, hợp tác, nhưng lại lãng quên công việc bảo vệ, xây dựng văn hóa, nền văn hóa dân tộc do vậy từng bước từ thấp đến cao bị chi phối, hòa tan vào thứ văn hóa ngoại lai, hạ cấp, bị mất gốc rễ, mất bản sắc, tức là văn hóa dân tộc đã bị xâm lăng. Do văn hóa mất độc lập cho nên độc lập về chính trị và kinh tế cũng không phải là độc lập trọn vẹn và rồi rốt cuộc, nền độc lập của quốc gia cũng không còn. Điều nguy hại hơn là sự xâm lăng văn hóa nhiều khi không “thô bạo”, “trắng trợn” mà từ từ dịu dàng, “mưa dầm thấm lâu” để làm cho con người ta lơ là mất cảnh giác.

Nhân tố con người trong phát triển văn hóa và bản lĩnh của chúng ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế

          Cốt lõi của văn hóa là hệ tư tưởng, nhiệm vụ trung tâm của văn hóa là xây dựng con người Việt Nam ta hiện nay kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, được rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn, trong lao động, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng CNXH, có bản lĩnh chính trị vững vàng, bản lĩnh văn hóa cao. Đó là tài sản vô giá trong hành trang của Nhân dân ta trên bước đường CNH-HĐH, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Việc giữ vững và phát huy được những phẩm chất tốt đẹp, những tiềm năng tinh thần to lớn ấy của con người Việt Nam ta, không phải hoàn toàn là điều tự nhiên, dễ dàng. Nó đòi hỏi chúng ta phải tăng cường mạnh mẽ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục tình cảm yêu nước, hướng dẫn và tổ chức mọi người tiếp tục phấn đấu, trưởng thành qua các phong trào hành động cách mạng thực hiện xây dựng nhiệm vụ và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, đồng thời tỉnh táo, kiên quyết đấu tranh chống những lệch lạc tiêu cực mới nảy sinh và ảnh hưởng độc hại từ bên ngoài thâm nhập, sẽ có khả năng chuyển biến tâm lý, tình cảm lối sống theo một chiều hướng ta không mong đợi. Công việc này đối với thanh niên, thiếu niên, lớp người chưa có dịp rèn luyện qua những thử thách ngặt nghèo trong thực tiễn lao động, chiến đấu như lớp cha ông lại càng trở nên đặc biệt cần thiết và rất quan trọng.

          Tất nhiên cơ chế thị trường và việc mở rộng quan hệ với thế giới, nhìn toàn cục, có lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội, mang lại cho chúng ta những kết quả tốt đẹp. Song về lý luận cũng như thực tiễn, nhất là thực tiễn xã hội gần bốn mươi năm qua, cho chúng ta thấy rõ mặt trái của nền kinh tế thị trường có sức công phá như thế nào thành trì văn hóa dân tộc, văn hóa XHCN mà chúng ta đã dày công xây dựng. Mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường là miếng đất màu mỡ để phát triển tâm lý đua chen, thực dụng mạnh ai nấy sống; phát triển tâm lý đồng tiền làm thước đo cho mọi giá trị, vì tiền người ta có thể làm tất cả mọi việc, bất chấp mọi luân thường đạo lý. Những thước đo chuẩn mực đạo đức xã hội đã bị con sóng kinh tế thị trường làm chao đảo, thậm chí đã tác động tiêu cực vào các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và thiên nhiên, môi trường là điều mọi người đều đã rõ.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, về các giá trị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi một trong những “nhiệm vụ trọng tâm của việc xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc” là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc” [3].

Đối với chúng ta, bài học hội nhập không phải là mới. Ngay từ thời kì phong kiến, chúng ta có 20 cuộc "đại hội nhập”, đó là mỗi chặng đường khi các triều đại phong kiến nước nhà được dựng lên. Chúng ta phải chịu 1000 năm lệ thuộc vào phong kiến phương Bắc, về mặt chính trị, và tất nhiên là cả văn hóa. Thời đó, chúng ta mất độc lập, đất nước chịu ảnh hưởng chủ yếu của văn hóa Trung Quốc, phần còn lại ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ. Tuy nhiên, các bậc tiền nhân đã rất nhạy cảm và cũng rất sáng tạo. Người xưa đã tích cực hội nhập, bên cạnh những yếu tố ảnh hưởng tích cực, chúng ta đã phát triển văn hóa Trung Quốc thành sản phẩm của chúng ta. Đó cũng chính là yếu tố bản lĩnh của con người Việt Nam.  

Trở lại với hiện tại, tư tưởng tiếp biến văn hóa tích cực cũng được Nhà nước Việt Nam những ngày đầu giành độc lập thực hiện, kết quả là nhiều công trình kiến trúc của nước ngoài tại Việt Nam vẫn được bảo tồn và sau này trở thành dấu ấn không thể thiếu mỗi khi nhắc tới Việt Nam. Qua một quá trình hội nhập như vậy, văn hóa Việt Nam chẳng những không mất đi nguyên bản của nó mà ngày càng trở nên rất phong phú và đa dạng hơn. 

Chúng ta đang thiếu vắng tính sáng tạo trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nền kinh tế thị trường phát triển, dù là kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN, nhưng nó dễ gây nên sự thiên lệch quá đà, thiếu đi tính chủ động, nhanh chóng điều chỉnh cái quá đà, thiên lệch đó, hạn chế đến mức cao nhất tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, nhất là ở giai đoạn cơn lốc chuyển đổi mạnh mẽ như thời điểm hiện nay, thật sự là công việc cấp bách. Chúng ta đang tiếp xúc và đang ngày càng tiếp xúc nhiều hơn văn hóa từ bên ngoài chứa đựng biết bao thứ quý giá, văn minh và cũng không ít rác rưởi. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ thông tin, tiến bộ mạnh mẽ của khoa học công nghệ giao thông vận tải, văn hóa từ bên ngoài du nhập qua cánh cửa rộng mở của nước ta càng ồ ạt, hằng ngày, hằng giờ, văn hóa vào ta không chỉ qua những buổi biểu diễn nghệ thuật, những chương trình truyền hình, phát thanh, những cuộn phim, cuốn sách, tập ảnh, những băng đĩa âm nhạc mà qua cả những chiếc xe hơi hiện đại, cho đến những bộ quần áo thời trang, những thứ đồ chơi của các cháu nhỏ… Trong các cái đó, có cái là giá trị văn hóa đích thực, và cũng có cái là phản văn hóa.

          Những tinh hoa văn hóa của loài người của các dân tộc tích lũy từ bao đời nay cũng như bao thành tựu văn hóa hiện đại là vô cùng phong phú, quý báu. Đó là cái kho giá trị tinh thần khổng lồ, vô tận, mà mỗi quốc gia, mỗi dân tộc thông qua giao lưu đều có thể tiếp thu, kế thừa. Có điều, do động cơ kinh doanh trong quỹ đạo kinh tế thị trường, nhằm câu khách, chiều nịnh những thứ thị hiếu thấp kém, thực tế có tình trạng một số người đã lơ đãng với những tinh túy, tinh hoa và hăm hở đón nhận và rồi truyền bá những thứ hạ cấp, độc hại.

          Những thứ văn hóa không lành mạnh, độc hại một khi nó thâm nhập sâu rộng trong đời sống xã hội, trong điều kiện không ít người có thiên lý thiên về chạy đua làm giàu, chạy đua hưởng thụ vật chất, thì hậu quả thật tai hại, khó lường. Nó đe dọa đạo đức và làm xói mòn, băng hoại đời sống văn hóa tinh thần xã hội ta. Những cuộc điều tra xã hội học về trẻ em phạm tội đã giúp chúng ta rút ra kết luận: những cuộn băng hình và những cuốn sách bạo lực, đồi trụy và cả những đồ chơi cho trẻ em mang tính bạo lực, hình mẫu các loại vũ khí giết người đó cũng chính là một nguyên nhân có thể dẫn dắt nhiều con em chúng ta thành kẻ tội phạm, thật sự rất đau lòng.

          Để vừa khắc phục tình trạng khép kín, vừa tiếp thu được những giá trị văn hóa đích thực, gạt bỏ được những rác rưởi và xây dựng nền văn hóa cao đẹp của chúng ta, thật sự phải triển khai, hướng dẫn, giáo dục và tổ chức sâu rộng trong toàn dân, tiến hành cuộc đấu tranh, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phải thực hiện công việc quản lý văn hóa thật sự công phu, khoa học.

          Những điều trên đây tỏ rõ rằng, chúng ta đang đứng trước thử thách rất to lớn về phương diện xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc, đứng trước những vấn đề nổi cộm, bức xúc về văn hóa phải giải quyết. Những thời kỳ cách mạng trước đây, chúng ta đã vượt qua được những thử thách dữ dội, gay gắt để bảo vệ vững chắc văn hóa dân tộc, phát triển mạnh mẽ văn hóa cách mạng. Chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta đứng trước những thử thách phức tạp như giai đoạn hiện nay. Vì vậy, phải quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng, nhận thức cho thấu đáo tình hình, ý thức đầy đủ thời cơ, thuận lợi, điều cốt yếu giữ vững vai trò quyết định để chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, tiến bước vững chắc, giành thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giữ vững độc lập về văn hóa, xây dựng và phát triển thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tạo ra nền tảng văn minh tinh thần ở trình độ cao, thấm nhuần sâu chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chứa đựng đầy đủ những giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc hài hòa với tinh hoa văn hóa của nhân loại và trên thế giới.

Ngày nay, tiếp nối những truyền thống giáo dục đạo đức của dân tộc mà cha ông chúng ta đã để lại, chúng ta nên đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức và văn hóa gia đình. Coi gia giáo là nền tảng của quốc gia bởi lẽ “nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân”. Gắn bó khắng khít hai phạm trù nước và nhà (quốc gia). Người xưa đề cao gia giáo (giáo dục gia đình) đòi hỏi mỗi nhà phải có gia giáo, gia lễ, gia phong, để rồi từ cái nôi đầu tiên nhưng lại vô cùng quan trọng là gia đình mà đặt nền móng cho việc rèn luyện đạo đức, hình thành nên những phẩm chất, giá trị của con người Việt Nam chân chính… Thông qua giáo dục gia đình, mỗi thành viên tiếp theo, vận dụng những hành vi ứng xử đạo đức, phong cách, lối sống, nếp nghĩ trong từng bước xã hội hóa, hòa nhập vào cộng đồng người. Gia lễ, gia giáo, gia phong là những yếu tố cơ bản giúp mỗi cá nhân tu nhân, tự biết sửa mình, hoàn thiện dần nhân cách, trở thành những con người thực thụ giúp ích cho đời.

Trong giai đoạn hiện nay rất cần những con người biết làm chủ xã hội, làm chủ bản thân, có khả năng sáng tạo dồi dào, biết phát huy những mặt tích cực, hạn chế đẩy lùi những mặt tiêu cực nảy sinh trong cơ chế thị trường. Việc kế thừa và phát huy truyền thống giáo dục đạo đức tốt đẹp của cha ông trong gia giáo và quốc gia sẽ tạo ra “chất đề kháng” giúp cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình đủ bản lĩnh triệt tiêu mọi độc tố, đẩy lùi mọi thói hư, tật xấu vững vàng vượt qua mọi trở ngại, khó khăn xây dựng một nền văn hóa tâm hồn trong sáng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Như vậy, chuẩn mực con người Việt Nam nếu được xây dựng một cách hợp lý thì cũng mới chỉ là những nguyên tắc kỳ vọng có tính chất lý tưởng, chủ yếu về phương diện đạo đức hay nhân sinh quan. Điều đáng suy nghĩ là ở chỗ, nếu chỉ mang tính quy ước, chỉ là những nguyên tắc lý tưởng, giống như những lời khuyên về phương diện đạo đức, thì tính chuẩn mực của các chuẩn mực xã hội đối với con người sẽ có ý nghĩa như thế nào.

Tóm lại, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại, thực hiện thành công mục tiêu kỳ vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

Tài liệu tham khảo:

(1) Kết luận 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H, 2021, t.I, tr.143.

(3) Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021.

 



 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528675

Hôm nay

256

Hôm qua

2275

Tuần này

2948

Tháng này

215371

Tháng qua

0

Tất cả

114528675