Người xứ Nghệ

Thầy Hưu - Người truyền lòng yêu nước rạo rực cho tôi

Tôi không được biết mối quan hệ giữa ông nội tôi: Mai Đình Hòe (Mai Khắc Nhượng) và cha tôi : Mai Đỉnh với gia đình thầy Hưu như thế nào. Nhưng ngay từ những ngày đầu khi thầy Hưu mới về trường Tổng tại xã Hồng Sơn nay là Hồng Lộc, thầy đã tìm hỏi tôi. Tôi nhớ mãi một người thầy rất trẻ, mắt mang kính gọng to, nước da mai mái gần như bủng với giọng nói nhỏ nhẹ nhưng ấm áp.

Trước ngày thầy Hưu về, trường Tổng chỉ có một lớp của thầy Mai Trọng Chuyên. Thầy Chuyên là cháu Cố Tiến sĩ Mai Thế Quý. Những ngày thầy Hưu mới về hình như dạy chung với thầy Chuyên.  Hồi ấy trường Tổng mới khai giảng. Học trò không kể tuổi nên lớn bé còn láo nháo. Tôi nhớ lơ mơ vừa học thầy Chuyên vừa học thầy Hưu. Hai thầy như hai vị hộ pháp trước cửa chùa. Thầy Chuyên thấp mập hay ăn trầu. Nhiều bạn lớn tuổi nói là “ông nhịn mặc mà ăn”. Thầy Hưu trẻ trung mãnh dẻ hơn. Có bạn nói là “ông nhịn ăn mà mặc”. Điều đáng nhớ nhất là thây Chuyên hay bắt học trò cúi đầu xuống phía dưới mép bảng cho mông nhô lên rồi dùng thước kẻ đánh học trò tàn bạo không thương xót. Thầy Hưu chưa bao giờ như thế. Học trò coi thầy Hưu là “Ông Thiện”. Từ tình cảm thầy trò như thế những năm ở Hà Nội tôi với Nguyễn Giai con trai thầy là bạn thân của nhau.

Dễ chừng đã 70 năm kể từ ngày đầu tôi được nhìn thầy Hưu nên trí nhớ chỉ còn lờ mờ đôi nét qua cặp kính cận và dáng dấp thư sinh ở thầy. Nhưng điều không quên là những buổi thầy Hưu đọc thơ cho cả trường nghe. Trong số thơ thầy Hưu đọc tôi nhớ nhất và có lẽ rạo rực nhất là bài: Hịch Đánh Giặc Pháp.

Hầu như tuần nào cũng có giờ dành riêng để thầy Hưu đọc thơ. Bài “Hịch Đánh Giặc Pháp” với giọng đọc khan khan nhưng khúc chiết đã gieo vào tâm hồn trẻ thơ chúng tôi niềm tự hào và tình yêu non sông đất nước.

“Làm dân nước hiến thân cho nước, nước có còn dân mới được vinh.

“Giận quân thù lấy máu rửa thù, thù phải diệt máu dù có chảy.

“Nước Việt Nam chúng ta,

“Lập quốc bốn ngàn năm,

“Tính dân hâm lăm triệu,

“Con dòng cháu giống, nòi Lạc Long nào phải bọn tầm thường.

“Bể bạc rừng vàng, của Đất Nước vào riêng tay tư hữu.

“Nào thuở trước đánh đông dẹp bắc, gái Trưng Vương, trai Hưng Đạo, khí hào hùng sử sách vẫn ghi tên.

“Tám mươi năm nước mất nhà tan, trước Pháp tặc, sau Phù Tang, nỗi thống khổ giấy tờ không kể xiết.

“Máu Bắc Sơn chưa ráo, Đội Cung nổi dậy dẫn khố xanh mà diệt bọn hung tàn.

“Khói Nam Kỳ vừa tan, Hồ Hảo đứng lên đem lòng đỏ mà thề cùng non nước.

Thế rồi xã Nhật Tân của tôi có “Trường Cơ Bản Nhật Tân”. Tôi về trường mới làm học trò thầy Bích (quê ở xã Châu Phong). Lúc ấy làng Yên Tập của thầy Hưu vừa mang tên mới là Hàm Anh. Hàm Anh nhập với Kim Trì thành xã Kim Anh. Hồi đó xã Kim Anh chưa có trường riêng nên các bạn ở làng Yên Tập như Nguyễn Cao Đệ, Nguyễn Mông, Nguyễn Thái cũng về Trường Cơ Bản Nhật Tân học với tôi. Yên Tập của thầy Hưu cũng là Yên Tập của bạn bè nên ngày nghỉ học lùa bò lên rú Mã, Đồng Chợ là tôi vào làng thầy Hưu để cùng bạn đi kiếm ổi, táo (keo), bứa...

Hồi đó việc chia nhập làng xã như là chuyện tất nhiên của cách mạng, tôi còn nhỏ nên háo hức với người lớn sướng lắm. Giờ về già nghĩ lại, hình như sau ngày giành được chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, việc nước chưa quen mà người ta lại sính chữ nghĩa bởi nhận thức: “Cách mạng là thay cũ đổi mới” nên việc xóa tên làng cũ đặt tên làng xóm mới như là trào lưu, như là sứ mệnh cao cả. Yên Tập, Chi Nê, Kim Trì, Đĩnh Lữ, Đại Lữ, Hạ Yến, Văn Thai, Phù Lưu…bị xóa để làm nên Kim Anh, Nhật Tân, Hồng Sơn. Thế rồi hình như vẫn còn áy náy chưa yên nên người ta gom ba xã Kim Anh, Nhật Tân, Hồng Sơn lập thành xã Hồng Yến. Hồng là núi Hồng Lĩnh, Yến là Yến Giang, một chi lưu của sông Nghèn phát nguyên từ khe Hao Hao trên làng thầy Hưu. Tên cao như núi, dài như sông ai ai cũng hồ hởi nên không kịp nghĩ rằng quá khứ của chính mình đang bị xóa, đang bị băm ra từng khúc. Lâu là biến. Thế rồi! Vâng thế rồi, Hồng Yến mới êm được vài năm lại chia. Nếu mà thiện tâm thì chia ba để trả về nguyên vị ba xã Hồng Sơn, Nhật Tân, Kim Anh lúc đầu. Đằng này ba nhập làm một lại đè ra chia hai. Đĩnh Lữ của Nhật Tân giao cho Kim Anh làm xã Tân Lộc, Đại Lữ của Nhật Tân giao cho Hồng Sơn làm xã Hồng Lộc.

Đĩnh Lữ, Kim Trì vốn đã bất hòa với nhau từ thời Xô Viết Nghệ Tĩnh. Thuở đó Tây dựa vào Kim Trì để tróc nã Đĩnh Lữ. Nhà cha mẹ tôi bị dỡ đưa lên làm đồn Kim Trì. Lập xã Tân Lộc coi như trao Đĩnh Lữ cho Kim Trì cai quản. Vụ biến xã đồng Lòi Ma năm 1952, tiếp theo triệt phá khu rừng nguyên sinh dự trữ gỗ ở Lòi Nậy kế đến là sự phá tan cánh đồng “Biền Làng Sau” thuộc hạng nhất đẳng điền hai vụ lúa chính của làng Đĩnh Lữ để làm đường đi chợ cho người Kim Trì là hậu quả của việc sáp nhập này.

Tôi còn nhớ mấy vụ xả đồng năm 1952, người Kim Trì đều có mặt khắp mọi biền bàu của Hồng Sơn, Nhật Tân, Tiên Bằng, Kiến An… Nhưng khi đến lượt xả bàu Lòi Ma của Kim Trì thì họ tổ chức một đội du côn có trang bị gậy gộc gươm giáo chủ động đánh đuổi không cho người làng khác tham dự. Nhiều người làng tôi bất ngờ nên đã bị Kim Trì đánh trở thành nạn nhân phải nhập viện mang tật rồi mang hận suốt đời. Ngày đó tôi cũng tham gia xã đồng như lệ các làng vốn có, thấy người Kim Trì dữ tợn quá lại chặn mất đường về nên phải chạy ngược lên nhà thầy Hưu trên Yên Tập ẩn náu. Chiếu tối êm rồi lần theo đường phía sau rú Mã vòng qua xóm Nam Quan xã Hồng Lộc ra Cồn Nồi.

Kim Trì với Đĩnh Lữ chúng tôi từ đó có thêm nỗi bất hòa dai dẳng lắm. Thầy Hưu với các bạn tôi tuy là người ở xóm Một trước thuộc xã Kim Anh với Kim Trì sau thuộc xã Tân Lộc thường chia sẻ với chúng tôi những điều như thế. Và, cứ mỗi lần ở trên tỉnh trên huyện về thày Hưu thường xuống thăm ông nội tôi để đàm đạo để xướng họa thơ văn.

*

*  *

Thầy Hưu về trường Tổng không lâu thì tôi về trường Cơ Bản Nhật Tân và hình như sau đó thầy lên tỉnh làm việc khác. Tuy vậy, bài Hịch Đánh Giặc Pháp mà thầy gieo vào lòng tôi thì đã trở thành vốn riêng của tôi trong những ngày tôi được tham gia Đội Võ Trang Tuyên Truyền của Huyện Can Lộc do ông Hồ Tiếu ở xã Hồng Phúc (Thuần Thiện) chỉ huy, ông Hoành phó Chỉ huy. Đội Võ trang về từng làng kêu gọi ủng hộ kháng chiến chống Pháp. Đến mỗi nơi sau khi dân chúng đã tề tựu đông đủ trên một bãi đất, một ô sân rộng,  người ta cho tôi đứng lên một cái bàn cao để tôi “Thưa tất thảy đồng bào!”, rồi đọc thuộc lòng bài diễn thuyết do cậu Nguyễn Cận của tôi viết cho tiếp theo là bài Hịch Đánh Giặc Pháp mà thấy Hưu đã dạy tôi.

Tuy chỉ là hót lên như một con vẹt nhưng hồi đó mọi người coi tôi là “ngôi sao nhỏ” của Đội Võ Trang Tuyên Truyền huyện Can Lộc.

Nếu như ai đó, từng có mặt trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp hào hùng ở quê ta (1947) còn lay lắt đến hôm nay xin cho tôi được nhắn gửi một lời rằng: Mai Ưng, thằng  đọc Hịch Đánh Giặc Pháp do thầy Nguyễn Hưu dạy vẫn còn rạo rực lòng yêu nước như thuở nào. 

“Làm dân nước hiến thân cho nước, nước có còn dân mới được vinh.

“Giận quân thù lấy máu rửa thù, thù phải diệt máu dù có chảy!

Ngày trước đã thế.

Nay càng cần hơn thế!

Montreal, 04/3/2014

______________

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441381

Hôm nay

298

Hôm qua

2283

Tuần này

21285

Tháng này

216555

Tháng qua

112676

Tất cả

114441381