Người xứ Nghệ

Đi tìm hình bóng người đã mất

                 Nhân dịp phát biểu về một luận văn thạc sĩ viết về Kafka gần đây, gần như hoàn toàn bột phát, tôi nhắc tới tên anh Nguyễn Đức Nam. Tôi nói với sinh viên rằng ngày nay, chẳng còn ai biết Nguyễn Đức Nam là ai, nhưng mỗi lần đọc, viết hoặc chấm luận văn về Kafka, tôi lại thầm thán phục và biết ơn anh người đã đưa vào chương trình giảng dạy văn học phương Tây hiện đại hai tên tuổi đặc biệt: F.Kafka và Samuel Beckett.

Bởi muốn thấy được tầm nhìn, sự táo bạo của anh, phải trở lại bối cảnh của giảng đường và giáo trình đại học cũng như những áp lực của giới nghiên cứu chính thống trước đây hơn bốn mươi năm. Khi đó, chỉ có sáu tác giả được đưa vào chương trình văn học phương Tây hiện đại, dĩ nhiên, trọng tâm phải là những nhà hiện thực xã hội chủ nghĩa, hoặc chí ít, phải là " hiện thực tiến bộ" ( một khái niệm rất ngộ nghĩnh). Còn Kafka và Beckett, đặc biệt là Kafka, luôn nằm trong "sổ đen" của các nhà nghiên cứu " mác xít" chính thống. Vậy mà do tầm nhìn và do uy tín của một người tổ trưởng bộ môn như Nguyễn Đức Nam, hẳn là những cấp chỉ đạo giáo dục bấy giờ phải tin ở anh lắm, mới chấp nhận sự hiện diện của hai nhà văn đa đoan và lạ lẫm kia trong chương trình. Tôi nghĩ rằng phải nhấn mạnh điều này vì với sinh viên bây giờ, say mê và phát hiện Kafka, họ coi là chuyện "vô tư đi", có gì khó khăn đâu?

Thế rồi, một ngày đầu năm nay, năm 2008, gọi điện cho người một thời gian dài từng làm "phó" cho anh Nam trong việc lãnh đạo bộ môn ở khoa Văn trường Đại Học Sư Phạm   Hà Nội, nhắc tới kỷ niệm xưa tôi mới giật mình: năm nay là vừa tròn 20 năm Nguyễn Đức Nam ra đi. Cả tôi, tôi cũng đã không còn nhớ cụ thể những gì anh đã cống hiến. May mà còn tìm thấy bài báo cũ tôi đã viết ngay sau ngày anh mất và thậm chí còn đối thoại lại với một số ý kiến của anh nữa.

          Thực ra, tôi đã được gặp anh từ thời những năm 1949- 1950. Bấy giờ anh là sinh viên lớp Dự bị Văn khoa khu IV. Chỉ có bảy sinh viên, và họ tới địa điểm tản cư của thày giáo để học, thậm chí học ngay trong ngôi nhà ba tôi cùng gia đình nương náu, ở làng Yên Lộ - Thanh Hóa. Sau năm 1954, trở về Hà Nội, anh Nam vẫn hay tới gặp ba tôi. Khi được nhận về trường Đại học Sư phạm, dù tôi đã qua 10 năm dạy Văn học Việt Nam ở trường Trung học, ba tôi vẫn bảo: về đó xin vào tổ chuyên môn của anh nam mà học hỏi, học thêm ngoại ngữ và đọc sách nước ngoài thì mới nghiên cứu văn học nước mình tốt được. Thời đó, xin vào tổ văn học nước ngoài   rất khó. Người ta bảo anh Nam là người nghiêm khắc về chuyên môn và dù Bộ cử ai về, anh cũng không nể nang và có thể từ chối thẳng hoặc chuyển họ đi nếu thấy thiếu năng lực. Cũng may, không ngờ ngày xưa những lần anh tới nhà ở Thanh Hóa lại giúp tôi được anh đánh giá tốt. Một người cũ trong tổ chuyên môn bảo tôi: anh ấy bảo khi tới nhà thầy, thấy nó cầm sách tiếng Pháp, tưởng nó xem ảnh, hóa ra nó đọc chữ. Thế là, vào cuối năm 1967, khi bom Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, anh Nam dắt xe đạp đến dẫn đường cho tôi qua sông Hồng, tới địa điểm sơ tán. Còn nhớ trên đò, tôi ca ngợi lối nói hấp dẫn của một vị thầy nào đó. Anh cười bảo: " Thực ra, mình được học một ông thầy rất giỏi ở Lomonossov, nhưng nghe ông ấy nói thì chẳng có gì hùng hồn cả…". Dần dà, làm việc cùng với anh, tôi mới thấy rằng những lời nói chuyện giản dị dí dỏm nhẹ nhàng của anh, thực ra, chứa chất bao nhiêu hiểu biết, kinh nghiệm và tầm nhìn xa… Sau đây là những ý kiến mà tôi đã viết về anh, năm 1988 sau ngày anh mất.

          Như một nhà nghiên cứu phê bình, anh Nguyễn Đức Nam xuất hiện vào những năm 60, sau khi đã có một quá trình công tác ở Bộ Giáo dục hơn 10 năm, đã bảo vệ xong văn bằng phó tiến sĩ về văn học Anh ở Liên Xô, và đang giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm I – cho tới đầu 1980, đây vẫn là công việc chính của anh. Bởi thế, nghiên cứu phê bình của anh Nam trước hết xuất phát từ nhu cầu đáp ứng cho bạn đọc ở môi trường ấy, cũng như từ sự thể nghiệm những vấn đề chuyên môn của một nhà giáo. Song càng ngày, hoạt động nghiên cứu của anh càng mở rộng do yêu cầu nâng cao công tác đào tạo ở đại học ( đào tạo nghiên cứu sinh, phó tiến sĩ), do yêu cầu cải cách sư phạm (mà anh là phó ban Cải cách từ 1980 đến 1984) và việc tổ chức thực hiện nó qua hàng loạt sách giáo khoa mới, một số sách chuyên luận, sách tuyển thơ văn ở Nhà xuất bản Giáo dục ( mà anh là giám đốc từ 1984 đến khi mất). Cuối những năm 80, do đòi hỏi cấp thiết của thời sự văn học, với cương vị ủy viên hội đồng lý luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam, anh lại lộ rõ hướng thiên về vấn đề giảng dạy tiếng Việt và văn học, về những vấn đề của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và trên thế giới đương đại.

          Có lẽ sự đóng góp, phần sáng tạo độc đáo của anh bộc lộ rõ nhất là qua các bài báo, tạp chí. Còn mảng giáo trình và giới thiệu sách in ở đầu các cuốn sách tuyển hoặc dịch từ tiếng Nga, tiếng Anh thường bị giới hạn, có thể do yêu cầu phổ cập kiến thức nhằm một đối tượng rộng rãi, hoặc do tính chất quy phạm của nhà trường. Tuy nhiên, như đã nói trên, chính hơi thở mạnh mẽ và trẻ trung của lớp bạn đọc ở nhà trường đã thổi vào các trang sách của anh không khí của những vấn đề thời sự, tươi mới của Việt Nam.

          Khi bắt đầu viết, cũng là khi anh Nam về làm tổ trưởng tổ văn học nước ngoài ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ở đó, trừ hai người có bằng đại học của Liên Xô, còn tất cả đều học hành rất thất thường trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lại chưa có ai có văn bằng trên đại học do chính sách đóng cửa với việc đào tạo ở nước ngoài về khoa học xã hội sau 1964 ( mà trong nước lại chưa có đủ điều kiện đào tạo). Thậm chí có người chưa hề được học một thứ tiếng nước ngoài nào( kể cả thứ tiếng của bộ môn người đó giảng dạy) tại một lớp học chính thức nào cả. Như đã nói trên khi mới về làm việc với anh, tôi tỏ ý khâm phục những người thầy giảng bài hấp dẫn, anh bảo: điều quan trọng đối với những người thầy ở đại học, là hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tốt. Sau này, tối mới thấm thía hết câu nói đó. Quả thật, đóng góp quan trọng của anh Nam không phải ở bài báo này hay bài báo khác( trong số trên 30 bài đã công bố) mà là ở những phương hướng lớn và phương pháp từng chi phối một đội ngũ cán bộ nghiên cứu nhiều bộ môn khác nhau: văn học phương Tây, văn học Nga Xô viết, văn học Trung Quốc( và sau này còn thêm văn học châu Mỹ Latinh, văn học Đông Nam Á, theo đề xuất của anh).

          Phương hướng lớn thứ nhất anh đã đề ra, đó là: nghiên cứu văn học theo quan điểm dân tộc. Thoạt nghe, có vẻ là một định lý, một thông lệ dễ dãi và bất biến. Song thực ra, điều này là một thể nghiệm thực tế chỉ có thể rút ra trong khi vật lộn với điều kiện nghiên cứu bấy giờ. Nhất là khi làm văn học phương Tây, theo anh " song song với việc tiếp thu tác phẩm, chúng ta dễ dàng nhập cảng luôn cách đánh giá của nền phê bình tư sản". Nhưng cũng cần nói thêm rằng: do lười suy nghĩ, đã có những người sao chép lại những ý kiến tư liệu nước ngoài, đặc biệt là của nước bạn- như tư liệu của Nga chẳng hạn- chỉ may cho họ là người đọc không thấy chán chỉ vì không được đọc " bản gốc" mà thôi! Sự lặp lại bao giờ cũng là sự thu hẹp; người ta đã nói đùa là những người này còn " ốp, ếp" hơn cả các ông " ốp. ếp, xki" và v.v…

          Có lẽ phần đóng góp nhiều nhất của anh Nam khi vận dụng quan điểm dân tộc không phải là ở các bài viết về văn học phương Tây các thế kỷ trước, kể cả văn học Phục Hưng- phần anh rất chuyên sâu- mà là ở văn học phương Tây hiện đại. Việc đầu tiên đối với cái mảng cực kỳ đồ sộ và phức tạp về chất lượng ấy là phải tìm ra tiêu chí để phân chia, đánh giá. Theo anh, phải đối chiếu với chân lý lớn nhất của thời đại, dân tộc ta là: " độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội" để từ đó phân ra bốn khuynh hướng lớn: văn học phản động, văn học suy đồi hiện đại chủ nghĩa, văn học hiện thực tiến bộ, văn học cách mạng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Có thể là cho tới nay, ta thấy xuất hiện những điều bất tiện: tiêu chí phân loại có phần bất nhất hoặc khập khiễng( khuynh hướng tư tưởng hay phương pháp sáng tác, hay luồng tư duy nghệ thuật?), các tên gọi lúc nhằm cái này, lúc nhằm cái khác, và có chỗ chưa thật khoa học(" văn học hiện thực tiến bộ"…). Tuy nhiên, " một miếng khi đói bằng một gói khi no", đối với một thế hệ cán bộ nghiên cứu không được đào tạo chính quy từ thời niên thiếu đến lúc cánh cửa mở ra thì đã… hết tuổi đi học, cách tiếp cận của anh Nam đã giúp đỡ chúng tôi trên một chặng đường dài.

          Cũng từ quan điển dân tộc, ngay từ đầu những năm 70, anh đã chú ý tới văn học so sánh. Giá trị của một bài như bài Về việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các nền văn học ( Tạp chí Văn học- số 2- 1972) không chỉ ở chỗ chỉ ra những mối giao lưu văn hóa của Việt Nam, và tầm quan trọng của những đề tài kiểu " Văn học Việt Nam trên thế giới", " Đề tài Việt Nam trên thế giới"… mà là đánh giá lại tình hình khảo sát mối quan hệ giao lưu văn hóa ở Việt Nam lâu nay.

          Từ nhu cầu thời sự của dân tộc, vào những năm 80 anh đặc biệt chú ý đến những vấn đề của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ở đây, chúng tôi sẽ không dừng lại ở bốn bài về Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay( Nghiên cứu nghệ thuật 1980- 1981) bởi đó là những bài viết chung. Tuy nhiên, những vấn đề này đã xuất hiện như một bè trầm ngay từ trước, đằng sau những tác giả không thuộc trào lưu này, như Máckét và A. Cácpenchiê ( Tạp chí Văn học số 1- 1975) chẳng hạn. Có thể, nhìn chung, anh đã hơi tuyệt đối hóa phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, khi cho rằng một tài năng như Máckét bị hạn chế là do ông chưa sử dụng " phương pháp sáng tác tốt nhất của thời đại này". Theo sự thể nghiệm của chúng tôi, một tác phẩm còn lại với thời gian có lẽ không phải nhờ phương pháp sáng tác. Có nhà văn mà tác phẩm viết theo một phương pháp khác lại hay hơn khi ông ta chuyển sang phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vả chăng, nhìn toàn bộ, với tư cách là một trào lưu, một phương pháp, nó cũng chỉ là một hiện tượng lịch sử, và lịch sử đã chứng kiến   những sự thay thế. Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng sự phát hiện của anh Nam trong những bài như Mấy vấn đề của lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa, Truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc những năm 20 ( Tạp chí Văn học số 3-1978) nhiều hơn. Từ sự phê phán phương pháp luận của một số nhà nghiên cứu trước đây, anh đã đề xuất việc gắn sáng tác của Bác với không khí lịch sử và trào lưu   nghệ thuật  của Pháp những năm 20, tìm ra  những nét độc đáo trong phong cách của Bác, và khẳng định một vấn đề lý luận của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa: một " hệ thống mở" ( những từ mà sau này anh sẽ mượn của Máckốp).

          Một phương hướng lớn thứ hai mà anh đã là người nhìn thấy rất sớm và tổng kết nó, đó là: cải tiến việc giảng dạy bộ môn văn theo phương hướng chương trình hóa và cá thể hóa. Đây không phải là vần đề thuần túy sư phạm: Trong một bài viết như Hãy trả lại bản chất kỳ diệu cho bộ môn văn trong nhà trường( Đại học và trung học chuyên nghiệp số 9, 10-1979) ta có thể hoàn toàn thay thế những chữ " giảng dạy" bằng " phân tích" hoặc " phê bình" văn học. Là nhà giáo, anh là một trong những người đầu tiên dám đưa ra nhận định về " tình trạng thảm hại" của việc dạy văn học. Từ đặc trưng của văn học, anh đòi hỏi nhà giáo ( nhà phê bình nghiên cứu) chú ý tới việc gợi ra " những trường liên tưởng bất tận", việc " đồng sáng tạo", chú ý đến " những dị bản của tác phẩm" trong người đọc. Về lý luận, có thể không có gì là mới: Bakhtin đã nói đến tính chất đối thoại, đa âm của văn chương từ những năm 30 cũng như hướng nhấn mạnh chủ thể sáng tạo của tác phẩm, " một cá nhân đơn nhất, độc đáo, không lặp lại" rất phát triển gần đây trong phê bình văn học của thế giới. Song điều mới mẻ   là qua đây ta thấy sự phản ứng đối với một lối dạy, một lối phê bình áp đặt chủ quan ( cho nhà văn và đối với bạn đọc), làm thui chột tất cả những gì là cảm nhận hồn nhiên và đa dạng ở thế hệ trẻ! Người ta muốn nhìn thấy muôn vàn hình ảnh méo mó của mình, hơn là nhìn thấy những bộ mặt thông minh mà không giống họ!

          Tôi muốn dừng ở một bài viết về Giêmx Giôix ( Tạp chí Văn học số 5- 1978) để minh họa phương pháp phê bình   của anh. Đó là một tác giả rất phức tạp và khó đọc, ngay cả với giới sành văn. Trong một bài viết như vậy, anh đã buộc phải đơn giản hóa, song không hề dung tục hóa, anh vẫn vẽ lên được sắc diện độc đáo của nhà văn. Việc đánh giá những tư tưởng của Giôix được dựa trên sự đồng nhất, đối chiếu và so sánh với nhân vật Xtivỏn Điđơlơx trong hai cuốn tiểu thuyết rất khác xa nhau của Giôix. Phương pháp này thường được các nhà phê bình sử dụng khi phân tích tác phẩm tự sự. Có khi ta tìm thấy một vài ý kiến của Gơt qua miệng của cả Mêphixtôphêlex trong Phaoxtơ! Thậm chí, trước đây, một nhà phê bình truyện ngắn Vàng lửa, có thể đột nhiên cho rằng " Phơrăngxoa Pơriê chính là nhân vật Nguyễn Huy Thiệp xây dựng ra để nói hộ mình những suy ngẫm về mọi chuyện". Từ chỗ đó đến chỗ khẳng định rằng tác giả ca ngợi Gia Long, bôi nhọ dân tộc chỉ có một bước.

          Phương pháp mà anh Nam đã sử dụng có điểm khác: anh đặt việc đối chiếu của mình trong toàn bộ chỉnh thể của tác phẩm, và trong cả hệ thống sáng tác của nhà văn. Bởi lẽ ngay cả nhân vật chính diện, ngay cả người kể chuyện trong những thiên tự truyện cũng không thể lúc nào cũng là những cái loa phát ngôn của tác giả. Tiếng nói của nhân vật( ngôn từ trực tiếp) và ngay cả lời nửa trực tiếp( có sự đan cài   giữa giọng nói nhân vật và người kể chuyện) ở những nhà văn có tài bao giờ cũng phức tạp, đa âm. Nếu một lời mỉa mai mà bị hiểu là một lời khẳng định( trường hợp này có thể xảy ra nếu tách nó ra khỏi hình tượng và các câu văn khác) thì cực kỳ nguy hiểm. Ở bài viết của anh Nam về Giôix( dù một trong hai tác phẩm là tự truyện_ Chân dung của người nghệ sĩ thời trẻ) anh vẫn tính đến những khoảng cách giữa Điđơlơx và Giôx. Đó là một cách phân tích không rơi vào áp đặt, chủ quan, thể hiện một cách nhìn khoa học, cởi mở.

          Tôi đã cố hình dung lại một hình ảnh không lý tưởng hóa về anh. Khi anh đã ốm nặng, tôi vào thăm anh, nhắc tới bức biếm họa nhằm vào sách cải cách- mà anh là người chịu trách nhiệm - vừa đăng trên báo Văn nghệ. Anh cười nửa miệng, cái cười vui vui của con người biết đùa và vốn không thiếu chất uy- mua. Người ta còn có thể trách anh nhiều điều, ví dụ như sao không viết được một công trình lớn, dài hơi?

          Từ rạng sáng ngày 27-6-1988, đối với anh những tiếng vọng của cuộc đời đã tắt hẳn. " Còn lại… chỉ là im lặng vĩnh cửu" – nói như Hămlét, người bạn thời trẻ của anh. Và tôi nghĩ: chỉ còn lại lời đối thoại với những văn bản của người đã ra đi.

*    *

*

          Trên đây là bài báo tôi đã viết trước đây hai mươi năm với tinh thần đối thoại, vì biết anh khi sống vốn là con người cởi mở, dân chủ. Giờ đây tôi càng thấm thía niềm mong mỏi có được những người lãnh đạo chuyên môn như anh ở các trường đại học. Anh không để lại những công trình lớn, không hẳn do tác phong tài tử, như một số người đã nghĩ- hẳn một phần vì bị tác động bởi vẻ bên ngoài tài hoa, phong lưu của anh. Nguyên nhân chính, theo tôi nghĩ, trước hết, đó là do điều kiện làm việc thời chiến bận rộn mà anh lại rất chú ý tới việc nâng cao trình độ chuyên môn   cho tất cả anh em trong tổ. Việc bồi dưỡng chuyên môn dưới hình thức thuyết trình, báo cáo khoa học được giữ đều đặn hàng tháng. Tôi còn nhớ hồi đó một cuốn sách của Máckốp được coi là có tính cập nhật . Chúng tôi ngồi ở một góc sân, nghe anh vừa nhìn trực tiếp vào sách, vừa lược dịch những ý quan trọng. Ngoài ra, việc anh viết ít, còn do một nét tính cách riêng: anh rất thận trọng và nghiêm túc trong chuyên môn. Thời xưa, tôi thấy ba tôi cũng đọc rất nhiều, mà viết lại khó khăn. Vậy mà ba tôi đâu có phải dân tài tử… Sau này, có những người viết văn chương rông rổng, làm nhanh, làm nhiều, nhưng có những cái sai thật… kinh hoàng, bởi họ coi chuyện chữ nghĩa quá nhẹ.

          Và cuối cùng, điều quan trọng của người lãnh đạo mà tôi tìm thấy qua hình bóng  của người đã mất, đó là: biết đánh giá người cộng tác với mình một cách nghiêm túc, thẳng thắn, dựa trên công việc. Còn những chuyện khác, anh dễ dãi, coi là chuyện vặt. Vì thế, làm việc với anh, mọi người luôn cảm thấy thoải mái, mà vẫn phải hết sức nỗ lực.

          Viết về anh, không chỉ nuối tiếc mà còn đối thoại với những gì tự cho là chưa đầy đủ ở đóng góp của anh, tôi coi đó là một nén hương trầm mặc thắp lên để tìm hình bóng của người đã mất.

ĐẶNG ANH ĐÀO

5-7 tháng Giêng năm 2008

 

 

         

 


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443290

Hôm nay

2181

Hôm qua

2305

Tuần này

21103

Tháng này

218464

Tháng qua

112676

Tất cả

114443290