Những góc nhìn Văn hoá

Cho một Giả thuyết về Nguồn gốc Việt…

“Giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt…” của tác giả Đỗ Kiên Cường (ĐKC) là bài viết tôi chờ đợi từ khi ông úp mở trong tranh luận với nhà nghiên cứu Tạ Đức. Tuy nhiên khi được đọc nó trên báo mạng Văn hóa Nghệ An, (1 ) thú thật tôi thấy hụt hẫng và muốn đưa ra vài ý kiến, trong ý nghĩ đúng sai là thường tình nhưng nếu sai thì thông qua sự sửa sai chúng cũng ít nhiều góp phần làm vấn đề trở nên sang tỏ hơn.

Tôi chỉ nhắm vào điều tác giả ĐKC nói là “ba sự kiện chính yếu” hay “ba sự kiện quan trọng nhất thời tiền sử phía Đông lục địa Á - Âu cùng xảy ra cách đây khoảng 10.000 năm (….) và cùng vị trí địa lý Đông Nam Á và cực nam Hoa Nam.” Theo tác giả, nguồn gốc người Việt có quan hệ với ba “sự kiện chính yếu” này. Trong tương quan này tôi cũng nhắc tới một vài điểm trong “phê bình” của ông Hà Văn Thùy (2), một điều đã có trước khi tôi vào trang mạng Văn hóa Nghệ An, hôm nay (16/10-14), và thấy rằng nó bị ĐKC bác bỏ (3); do thấy không có mấy trùng lập, tôi vẫn giữ nguyên những điều đã viết.

Để tiện thảo luận, xin được nhắc lại điều được tác giả ĐKC gọi là các “sự kiện chính yếu” như sau. Thứ nhất, lúa nước được thuần hóa trước tiên ở lưu vực Tây giang, thuộc Quảng Tây, nam Trung quốc. Nhờ sự lan tỏa từ đây mà việc trồng lúa ở lưu vực sông Dương tử mới có. Thứ hai, “đại chủng Mongoloid” hay “đại chủng Á” đã xuất hiện đầu tiên ở Đông Nam Á khg. 10.000 năm trước -nói cách khác, đây là kết quả của một quá trình tiến hóa tiệm tiến, địa phương. Và thứ ba, nhóm đơn bội “cha truyền con trai”O3 với đột biến chỉ định (“dấu gien”) M122, thường viết tắt là O3-M122, có nơi hơn một nửa đàn ông Trung quốc, đã xuất hiện trong thời gian đó (khg. 10.000 năm trước) ở Đông Nam Á (ĐNA) hoặc cực nam Hoa Nam và sau đó bắc tiến mạnh mẽ.

Ba “sự kiện chính yếu” này cho thấy rõ là, sự bắc tiến của  O3-M122 giải thích hợp lí ý tưởng nông nghiệp lúa nước đã chỉ ngược bắc chứ không xuôi nam từ lưu vực Dương tử như đồng thuận mà tác giả muốn bác bỏ, hay như ông nói, “dòng gien từ phía Nam hướng lên lưu vực Dương Tử và Hoa Bắc chính là dòng thiên di của những người nông dân Mongoloid đầu tiên.” Nếu chúng đúng là sự kiện.

1.

Về điểmlúa được thuần hóa từ lúa dại ở lưu vực sông Tây, Quảng Tây, chỉ một lần duy nhất, cách đây khg. 10 nghìn năm rồi từ đó sự thuần dưỡng, lai tạo lan tỏa sang các nơi khác ở ĐNA, Ấn Độ, Đông Bắc Á (ĐBA) vv. Về điểm này, trong bài của ông, Hà Văn Thùy hơn một lần nói rõ rằng ông xem nó là một trong các chân lí mà các nhà khoa học người Việt cần biết đến. Nhưng không có gì gần chân lí nơi một ý kiến như vậy!

Khi nghiên cứu bề thế, với kết luận như trên được công bố, nó lập tức tạo một làn sóng phấn khởi. Người Việt cũng mau chóng thông báo cho nhau (như ở diễn đàn viethoc.com) do thấy hệ luận quan trọng của nó, với sự bán tin bán nghi. Quả thật chỉ một tuần sau đó (thg 10/2012) một thẫm quyền lớn trong ngành, Gs Dorian Fuller, đã đưa những công kích nặng nề hiếm thấy. Kết luận dó không đáng tin, lạc dẫn, do những giả định không chứng không bàn, lầm lẫn về sự phân bố lúa dại thời tiền sử, ông nói. Từng cho rằng luận điểm lúa chỉ được thuần hóa độc nhất một lần (của Molina và cộng sự) chỉ là một trong các khả năng, (4) ông lí luận: Lúa được thuần hóa từ các giống lúa dại ở những nơi mà ngày nay chúng gần như chắc chắn là đã mất giống, chứ không thể từ giống lúa dại vẫn còn sống ở Quảng Tây như nhóm tác giả kia đã kết luận quá vội. (5)

Đánh giá bước đầu của Fuller được hỗ trợ hoàn toàn bởi các nghiên cứu di truyền sau đó: Ngay trong phạm vi Trung quốc, khả năng cao là lúa dại được thuần hóa nhiều lần, nhiều nơi. Trong một bài bình duyệt được công bố gần đây, lưu vực sông Dương tử vẫn được nghiễm nhiên xem là nơi lúa được thuần hóa trước tiên; chuyện thuần hóa lúa dại ở Quảng Tây 10 nghìn năm trước bị đánh giá là một sai lầm đáng tiếc do các kĩ thuật mạnh mẽ, có khả năng đưa đến kết luận chính xác hơn về lịch sử quần thể của lúa dại và lúa thuần hóa, dù sẵn có nhưng đã không được vận dụng.(6)

Như bài bình duyệt này đề cập, nhận thức tổng hợp, được khẳng định từ nghiên cứu di truyền học và khảo cổ học hiện nay là, sự thuần hóa lúa đã diễn ra lâu dài, nhiều giai đoạn, cho thấy nhiều yếu tố tương tác con người-môi trường, và có nhiều khả năng độc lập (như phát triển ban đầu ở Ấn độ muộn hơn nhưng trong buổi đầu không do sự lan truyền từ lưu vực Dương tử. Thế nên dù ông Hà Văn Thùy nặng lời chê bai (các nhà khoa học VN) nhưng thuyết phát triển đa vùng, độc lập vẫn chưa có vẻ gì bị đào thải.(Thuyết này áp dụng được cho trường hợp Việt Nam hay không lại là chuyện khác.)

2.

Về sự xuất hiện người châu Á với đặc trưng hình thái Mongoloid. (7) Người Mongoloid có phải vốn là người bản địa Đông Nam Á  và cực nam Hoa nam nhưng qua một quá trình tiến hóa lâu dài hàng chục nghìn năm, màu da đen và hình thái nguyên thủy của họ dần biến đổi để trở thành người nguyên Mongoloid, sau đó, khg. 10 nghìn năm trước, họ tiến hóa thành người “Mongoloid hoàn chỉnh” và bắc tiến, chiếm lĩnh một phần lớn châu Á?

Hà Văn Thùy quả quyết rằng điểm này “hoàn toàn sai”, rằng “chủng Europid da trắng, Australoid da đen và Mongoloid da vàng đã hình thành và cùng rời khỏi đất tổ [châu Phi] 85000 năm cách nay.” Nhiều năm trước, trên báo mạng Talawas có người hỏi ai là tác giả của cái thuyết này và muốn biết cộng đồng khoa học đã đánh giá ra sao về nó. Không biết ông HVT có đáp ứng đòi hỏi này hay chưa. Trong bài “phê bình” giả thuyết ĐKC, có lẽ ông chỉ cho thấy, thuyết này có từ một cách hiểu rất riêng, điển hình là qua câu này: “Không chỉ tìm thấy bộ xương Mongoloid 68000 năm tuổi mà khảo cổ học Mông Cổ còn phát hiện vô số xương cốt tổ tiên Mongoloid của họ 40.000 năm trước!”

Không như ông quả quyết, trang Wikipedia tiếng Đức mà ông dẫn ra chỉ nói, niên đại 67.000 ± 6000 năm là niên đại bị ngờ vực một cách chính đáng và có những niên đại khác hẳn được đề nghị. “Bộ xương Mongoloid 68000 năm tuổi” của ông đơn giản là “đại biểu sơ khai” hay tiền-Mongoloid theo như đề nghị của các nhà nghiên cứu liên quan. Cũng thế, “xương cốt tổ tiên Mongoloid 40.000 năm trước” của ông đơn giản không phải là “Mongoloid hoàn chỉnh” mà tác giả ĐKC nói đến. Và trang Wikipedia tiếng Anh mà ông dẫn cũng không hề nói về “cốt sọ 60000 năm tuổi” ở hồ Mungo: Di cốt LM3 được nói rõ là có khg. 40 nghìn tuổi theo đồng thuận rộng rãi nhất, còn con số 60 nghìn năm chỉ được nối kết với cuộc thiên di khỏi châu Phi của người hiện đại!

Nhưng không vì thế mà tôi nghĩ tác giả Đỗ Kiên Cường nói đúng. ĐKC dẫn các công trình như HUGO 2009 vv., quả quyết rằng ”các bằng chứng phân tử và di truyền học cho thấy, đại chủng Mongoloid được hình thành tại Đông Nam Á.” Tôi không đủ hiểu biết để nghĩ là có chuyên gia đã xem các nghiên cứu như vậy như một chứng minh.

Từ công trình trên, có khẳng định rằng người Đông Bắc Á vv. chỉ phát sinh từ người Đông Nam Á. Không hiếm tác giả đã đánh giá hoặc chứng minh rằng nó một chiều, thiếu thuyết phục. Nhưng cứ dựa vào đó mà suy đoán thì  đúng là có thể thấy nó hỗ trợ cho ý kiến, đại khái, rằng hình thái Mongoloid là kết quả của sự thích nghi với môi trường khắc nghiệt, đầy băng tuyết ở phía bắc, tây bắc Đông Á vv. trong thời Băng hà Cực đại Cuối cùng.  Nhưng Đông Nam Á chưa bao giờ đến mức đó. Còn một chứng minh ở bình diện di truyền học phân tử (molecular genetics) – một gien hay tổ hợp gien được nhận diện như nguyên nhân, nguyên động lực làm nên đặc trưng di truyền Mongoloid? Khi một chứng minh như thế chưa có, làm thế nào dựa vào nó để nói là có bằng chứng di truyền học phân tử cho một quá trình tiến hóa tiệm tiến, địa phương ở chính Đông Nam Á?

Một phần khác của vấn đề thì có liên quan đến việc chứng minh qua đối chiếu hình thái học của kiểu răng. Tác giả nói ”Nguồn gốc Đông Nam Á của chủng Mongoloid càng được khẳng định qua nghiên cứu so sánh kiểu răng của người phía Nam và người phía Bắc vùng Đông Á,”rằng kiểu răng Sinodont phát sinh từ kiểu răng Sundadont, do đó loại hình Mongoloid phương bắc có nguồn gốc từ loại hình Mongoloid phương nam.Thuyết này đã từng bị người trong ngành phê phán. Chẳng những thế, còn có các nghiên cứu đưa ra một hình ảnh khác hẳn. Một trong số này (Matsumura and Hudson, 2005) cho thấy, giòng chảy của gien là từ người có kiểu răng Sinodont ĐBA đến người có kiểu răng Sundadont ĐNA! Đó là nói theo hai chuyên gia mà tên tuổi không xa lạ gì với người Việt,M.F. Oxenham và H. Matsumura.

Trong nghiên cứu tầm vóc, mới công bố gần đây của họ, hai chuyên gia này cho rằng mô hình tiến hóa địa phương (thuyết bản địa) có một vấn đề cơ bản, hai mặt: thứ nhất là sự nghiên cứu, so sánh kiểu răng phần nhiều được thực hiện nơi con người hiện tại, thứ hai là thiếu số đo các kiểu răng qua các thời. (8) Nhận định này rõ giống như ý của Dorian Fuller về lúa dại Quảng Tây.

Quả thật, sự so sánh chỉ số răng của người đang sống giữa hai vùng không thể đưa đến những kết quả vững chắc cho mô hình này khi không có số đo cho các kiểu răng qua nhiều thời kì từ quá khứ đến hiện tại. Ở ĐNA (lục địa và hải đảo), do những cuộc thiên di lớn từ phương bắc từ thời Đá mới đến nay, không thể giả định tiên nghiệm rằng đặc trưng Sundadont / Mongoloid hiện tại là kết quả di truyền của đặc trưng hình thái học Sundadont / Mongoloid nguyên thủy khi mà sự kiện này phải đưa đến sự pha trộn gien và hình thái. Và thiếu các kiểu răng qua các thời, từ thời tiền nông nghiệp, tiền Đá mới trở đi, rõ ràng không thể nói chắc là có hay không một quá trình tiến hóa bản địa và liên tục, ở Nam cũng như ở Bắc.

Mô hình tiến hóa địa phương đã lộ rõ nhược điểm khi có đủ dữ liệu cần thiết, theo hai chuyên gia trên. Đây là nói về khối dữ liệu khổng lồ về dấu răng của con người từ trước thời Đá mới cho đến nay, ở nhiều địa điểm từ Đông Nam Á đến Đông Bắc Á. Nó được họ sử dụng để thử thách cả hai mô hình, chủ yếu là mô hình ”hai lớp người” của họ (”thiên di-đồng hóa” theo cách gọi Tạ Đức). Mô hình này giải thích thông suốt lượng dữ liệu. Mô hình tiến hóa địa phương thì không thể, chẳng hạn nó không vẽ được một diễn trình tiên hóa giữa dấu răng Hòa Bình, Sơn Vi vv ở một phía và Mán Bạc, Đông Sơn ở phía khác.

Chưa biết người theo quan điểm tiến hóa địa phương sẽ trả lời thế nào. Điều chắn chắn là số đông chuyên gia từ nhiều năm qua đã nhìn dữ liệu Mán Bạc (và số liệu tương tự ở vài nơi khác bên ngoài Việt Nam) theo cách mà Matsumura vv. trước đây từng đề nghị: bằng chứng cho thấy loại hình Mongoloid đã đến Việt Nam vv. từ  phía bắc. Và khi chưa có một câu trả lời vững chắc từ mô hình tiến hóa địa phương, ta không thể nghiễm nhiên xem điểm 2 là một sự kiện.

3.

 Về ý tưởng nhóm O3-M122 xuất hiện khg. 10.000 năm trước ở Đông Nam Á hoặc cực nam Hoa Nam và sau đó bắc tiến. Con số 10 nghìn năm được nhóm Spencer Wells (Genographic Project) đưa ra, cùng với giả định nhóm này phát sinh từ Trung quốc rồi đến ĐNA vv. Đây là kết hợp một đồng thuận trong khảo cổ (dấu tích nông nghiệp và sự lan truyền của nó) và hiểu biết rất sơ lược về nhóm O3-M122. Thế nên một hiểu biết đầy đủ hơn đã làm “Đông Á” và “khg. 10 nghìn năm” trở thành “miền nam Đông Á”, ”khg. 25-30 nghìn năm” trong công trình năm 2005 của Hong Shi và cộng sự. (9)

”Miền nam Đông Á” là tính từ bờ nam sông Dương tử, và theo bối cảnh nghiên cứu, không bao gồm ĐNA. Nhưng suy đoán ”nam Hoa Nam hay Đông Nam Á” có cái hợp lí của riêng nó, theo hiểu biết cho đến năm 2011. Từ năm này, một nghiên cứu của Shi Yan và cộng sự (Yan et al 2011) đưa đến sự việc phả hệ di truyền của O3-M122 được sửa đổi và bổ sung với hiếu biết mới. Nhưng nó vẫn chưa đủ để họ nói cụ thể và chính xác hơn về địa điểm phát sinh và niên đại của nhóm này. Điều này không nằm ngoài dự đoán của những người không tin nhóm O3-M122 có nguồn gốc phương nam.

Quan điểm này không mấy khi thấy xuất hiện, và chỉ mới đây nó mới có được một chiến thắng rõ rệt, nổi trội -do chính Yan và những nhà nghiên cứu có quan điểm đối nghịch cung cấp. Được lưu truyền rộng rãi trong dạng preprint từ năm 2013, công trình này được đánh giá cao và tạo nên những thảo luận tích cực. Với rất nhiều phát hiện mới về O3 và các nhóm liên quan, Yan và đồng sự trình bày một cây phả hệ chi chít những cành nhánh và thứ bậc mới, và họ đưa ra một niên đại ít dao động nhất cho đến nay, cùng một khu vực rõ rệt, cụ thể cho sự thành hình và sinh tụ nhóm này: O3-M122 khởi đầu khg. 23,0 – 26,5 nghìn năm trước ở phía bắc sông Dương tử và quần tụ ở khu vực được tin là khg. 20 nghìn năm về sau sẽ trở thành chỗ phát sinh ngữ hệ Hoa-Tạng. (10)

Hình dưới đây, với các niên đại ước tính được cho ba phân nhóm thuộc hàng chít chắt xa tít của nhóm O3-M122, giúp hình dung được một diễn biến nhanh chóng, đột ngột và, nếu muốn, gần như có tính cách thiên tai: các tộc người nói tiếng Hoa-Tạng sinh ra từ ba người đàn ông có gốc O3 khg. 6 nghìn năm trước, trong một thời gian ngắn ngũi bỗng trở nên thật đông đảo với gần 30 chi hệ; từ ba cá nhân ban đầu ở lưu vực Hoàng hà, 6 nghìn năm sau thế giới có được 300 triệu đàn ông Trung quốc!

Hình A) Một phần của cây phả hệ di truyền O3. B) Bùng nổ dân số trong thời Đá mới và quan hệ có-thể-có của chúng với các nhóm ngôn ngữ ngày nay.(11)

 

Niên đại và vùng sinh tụ O3-M122 nêu trên đưa đến một hệ quả trùng khít với hiểu biết khảo cổ: Sự bùng nổ dân số nói trên rõ ràng rơi đúng vào thời kì nông nghiệp phát triển mạnh ở khu vực đó. Cũng thế, địa phương sinh tụ của nhóm O-F78 (một nhóm thuộc hàng cháu chắt của O1, mới nhận biết, ”F” là Fudan University) và thời khoảng bùng phát dân số của nhóm này, cách đây khg. 5 nghìn năm, cũng trùng khít với văn hóa nông nghiệp Lương Chử.

Nhóm Shi Yan cho thấy họ bị hấp dẫn bởi điều này và cho rằng sự bùng nổ dân số có do lúc đó nông nghiệp đã phát triển hoàn chỉnh. Họ cũng mạnh dạn suy đoán, ba tổ tiên Hoa-Tạng kia có lẽ là các vị vua trong truyền thuyết của tộc Hán. Nhưng nếu niên đại O3-M122 bị sửa đổi, trở nên lớn hơn một ít, sự phân nhánh như thấy trong hình A và sự gia tăng dân số sẽ không quá nhanh và dồn dập, diễn ra từ cách đây khg. 10-6 nghìn năm, trong một liên hệ tương tác hỗ tương với phát triển tiệm tiến của nông nghiệp – nói cách khác, theo hiểu biết khảo cổ đã nhắc ở phần đầu bài này, giải thích này có vẻ uyển chuyển, xác thực hơn dù như thế nhiều người sẽ mừng hụt, như chuyện đã xảy ra với “Long An, Quảng Tây – vùng khai sinh nông nghiệp lúa nước”.

Việc thay thế niên đại khg. 24,7 nghìn năm bằng một niên đại lớn hơn một ít, là điều có thể xảy ra. Yan và cộng sự nói, nhờ vào các SNP (single nucleotide polymorphism, ”đa hình đơn phân tử”) mới được phát hiện nên niên đại nêu trên được lượng định vững chắc, chính xác hơn các niên đại được đề nghị trước đây, nhưng theo dự đoán của họ niên đại này có thể sớm bị thay thế. Từ một nghiên cứu mới hơn, có thể đoán hướng đi của nhóm NO (sinh ra nhóm N và O, “nhóm cha” của O3, O2 và O1) có lẽ từ ĐNA/Tây Bắc Ấn đi lên chứ không như Yan và cộng sự phác họa.

Nhưng nói chung, nếu có những thay đổi như thế thì nhóm O3-M122 vẫn khó quay lại với ”niên đại 10 nghìn năm” và ”quê hương ĐNA hay cực nam Trung quốc”.

4.

Những tài liệu mà tôi đề cập trong bài này phần nhiều mới công bố. Tôi nghĩ tác giả Đỗ Kiên Cường không có thời gian tiếp cận, thẫm định chúng khi đề ra giả thuyết của ông về nguồn gốc người Việt dựa trên di truyền học phân tử. Điều này thường tình thôi nhưng việc góp ý là cần thiết để có thể đi đến một phác họa vững chắc hơn, điều mà tôi đoán, có lẽ ít nhiều làm được từ hiểu biết và sự đón bắt xu thế phát triển hiện tại. Nhưng đây là chuyện lần khác, của người khác.

Để chấm dứt tôi muốn nói sơ về một huyền thoại có vẻ phổ biến, rằng sự đa dạng di truyền nơi người Việt cao hơn người các nước láng giềng khiến có thể khẳng định, chúng ta có gốc gác từ những cư dân đầu tiên của ĐNA. Một tin tưởng như thế, nếu không nói rõ đó là nói về phía các nhóm giòng mẹ hay cha, vv. dễ đưa đến những suy đoán sai lầm. Tự thân nó cũng không theo kịp hiểu biết mới, vì chẳng hạn sự đa dạng di truyền theo giòng mẹ nơi người  Việt thật ra thấp hơn các quần thể thiểu số ở Campuchea, một phần do đó mà ngay từ giòng mẹ chúng ta đã không gần gũi mấy với những cư dân đầu tiên của ĐNA, đó là chưa nói, trễ nhất từ thời kì Mán Bạc ta đã có một ít dấu vết di truyền theo giòng mẹ giống người Đông Bắc Á!

Và sự đa dạng di truyền cao độ tự nó cũng chưa nói lên được gì. Theo các ước tính di truyền học hiện có, từ thời con người hiện đại đặt chân đến ĐNA đến nay, có không ít lần phần đất nay là Việt Nam chứng kiến những nhóm dân ngược bắc, xuôi nam, qua núi, xuống biển... Sự ”hòa huyết”, ”trao đổi gien” do đó phải có, và ở một mức độ điều này sẽ làm nên sự đa dạng di truyền đáng kể. Thế nên, như đã được nhắc gián tiếp (phần 2), và cũng giống với chuyện quần tụ và phát tán Việt-Mường mà Tạ Đức đã lí giải, (12)  không thể đơn giản xem đa dạng di truyền cao độ tự nó là cái cho thấy người Việt có gốc gác cư dân bản địa lâu đời hay, tệ hơn, nguồn gốc của tộc này tộc kia, người Việt cung cấp tiếng nói, con người (và cây lúa) cho thế giới vv…

 • 14-16/10-2014

Ghi chú:

  1. ĐK. Cường (2014). http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/những-góc-nhìn-văn-hóa/mot-gia-thuyet-ve-nguon-goc-nguoi-viet-dua-tren-bang-chung-nhan-chung-hoc-phan-tu
  2. HV Thùy (2014). http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/những-góc-nhìn-văn-hóa/phe-binh-bai-mot-gia-thuyet-ve-nguon-goc-nguoi-viet-dua-tren-bang-chung-nhan-chung-hoc-phan-tu-cua-tien-sy-do-kien-cuong
  3. ĐK Cường (2014). http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/những-góc-nhìn-văn-hóa/tra-loi-ong-ha-van-thuy
  4. Fuller D (2011). http://archaeobotanist.blogspot.dk/2011/12/concatenating-rice-and-language.html
  5. Fuller D (2012) http://archaeobotanist.blogspot.dk/2012_10_01_archive.html
  6. Nguyên văn: “…although the dataset is very impressive, the authors did not take advantage of powerful coalescent or other model-based techniques that could yield more precise of the population history of the domesticated and wild species (e.g., population size and timing of domestication).” Gross BL, Zhao Zh (2013). http://www.pnas.org/content/111/17/6190.full.pdf+html
  7. ”Chủng Mongoloid” không phải là từ tôi dùng do muốn học theo các nhà khoa học xem “chủng tộc” có những hàm ngụ chính trị tiêu cực và chưa hề được chứng minh như một khái niệm có cơ sở sinh học.
  8. MatsumuraH,OxenhamMF (2014). “Demographic transitions and migration in prehistoric East/Southeast Asia through the lens of nonmetric dental traits.” American Journal of Physical Anthropology, Vol. 155-1, 46-65.  Tóm lược:   http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/ajpa.22537/abstract. Nếu có yêu cầu, tôi sẽ chia sẻ bản pdf của nghiên cứu này. Xin liên hệ qua địa chỉ k_nguyen.horizon@it.dk
  9. Shi H et al (2005). http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1226206/
  10. Yan Sh et al (2014). http://www.plosone.org/article/info%3Adoi%2F10.1371%2Fjournal.pone.0105691
  11. Hình được cắt, ghép từ hình gốc, Figure_S1, _S2, trong Yan et al (2014), đd.
  12. Tạ Đức (2014). Nguồn gốc Người Việt-Người Mường. Nxb Tri Thức, Hà Nội. Phụ lục 1Đ, tr. 439-50. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530211

Hôm nay

283

Hôm qua

2297

Tuần này

2380

Tháng này

216907

Tháng qua

0

Tất cả

114530211