Đất Nghệ

Các thương cảng vùng Nghệ - Tĩnh và giao thương khu vực thế kỷ XI - XIV [1]

Sau khi phục hưng được nền độc lập dân tộc vào thế kỷ X, với sự xác lập quyền lực của vương triều Lý (1009-1225) và triều Trần (1225-1400), Đại Việt đã mau chóng vươn lên thành một quốc gia cường thịnh ở khu vực Đông Nam Á. Nằm ở vị trí trọng yếu trong hệ thống giao lưu, thương mại Đông Á, chính quyền Thăng Long đã chủ động dự nhập vào nhiều hoạt động của hệ thống giao thương khu vực. Cùng với nông nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành khai thác, thương nghiệp đã sớm được coi là ngành kinh tế quan trọng, hợp thành sức mạnh quốc gia.

Trong buổi đầu tham gia vào hệ thống giao thương châu Á, với vai trò điều phối của kinh đô Thăng Long, cùng với các Bạc dịch trường, chợ đường biên trải dọc vùng biên giới phía Bắc và trung tâm kinh tế đối ngoại ở vùng biển đảo Đông Bắc (mà trọng tâm là thương cảng Vân Đồn)[2], các cảng ven biển Bắc Trung Bộ từng đóng vai trò quan trọng trong việc nối kết các hoạt động giao thương khu vực Đông Á. Hoạt động của các thương cảng, tuyến giao thương trên vùng đất này đã thúc đẩy mối giao lưu kinh tế, khai thác tiềm năng giữa các không gian kinh tế, giữa biển và lục địa, giữa Đại Việt với Chămpa, Ai Lao, Chân Lạp cũng như một số quốc gia khác trong khu vực. Với Đại Việt, vùng Nghệ An - Hà Tĩnh được coi là phên dậu, địa bàn chiến lược trong hệ thống bảo vệ đất nước và kinh đô Thăng Long.

Dựa trên những nguồn tư liệu trong nước, quốc tế kết hợp với việc khai thác các kết quả nghiên cứu khảo cổ học và khảo sát thực tế, bài viết cố gắng phác dựng lại diện mạo, làm rõ vai trò, tầm quan trọng của các thương cảng Nghệ - Tĩnh trong hệ thống giao thương của quốc gia Đại Việt với vai trò tổ chức, điều phối của kinh đô Thăng Long. Bài viết cũng sẽ tập trung phân tích nguyên nhân, động lực dẫn đến sự hưng thịnh của vùng Nghệ - Tĩnh đồng thời trình bày một số nhận thức mới về các thương cảng Bắc Trung Bộ, cấu trúc cũng như các mối bang giao, giao lưu kinh tế giữa vùng Nghệ - Tĩnh, một trung tâm kinh tế đối ngoại quan trọng ở phương Nam của nước ta, với các quốc gia khu vực thế kỷ XI-XIV[3].

1. Vị thế và sự hưng khởi của một vùng kinh tế

Sau kháng chiến chống Minh (1407-1427) thắng lợi, với tầm nhìn của một nhà văn hóa đồng thời là nhà chiến lược quân sự, từ kinh đô Thăng Long, Nguyễn Trãi (1380-1442) đã nghĩ suy về vị thế, vai trò của Thăng Long tứ trấn và các vùng biên viễn. Trong tư duy chiến lược của ông, vùng Nghệ - Tĩnh “là phên dậu thứ ba ở phương Nam”[4]. Dõi theo những biến thiên của lịch sử, tác giả Dư địa chí viết: “Nghệ An xưa là bộ Hoài Hoan, sau đổi làm quận Nhật Nam, lại gọi là Hoan Châu; thời Đinh và thời Lê là trại, thời Lý đổi gọi là Nghệ An. Đông và bắc giáp Hải Nam, Thanh Hóa, tây và nam giáp Thuận Hóa, Ai Lao. Có 9 lộ phủ, 25 thuộc huyện, 3 châu, 479 xã”[5]. Theo đó, từ Hoan châu thời Đinh, Lê đến châu Nghệ An thời Lý Thái Tông (1030), lộ Diễn Châu, trấn Nghệ An thời Trần, thừa tuyên Nghệ An thời Lê sơ (1428-1527).... Vùng đất đó đã bao gồm địa giới cơ bản của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đó là một vùng đất cổ, có chiều sâu văn hóa, là nơi hội giao giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa... và từ thế kỷ X trở đi, là giữa văn hóa Đại Việt với các nền văn hóa khác trong khu vực[6].

Vào thời Lý - Trần (1009-1400), mặc dù có những biến động về không gian lãnh thổ nhưng Diễn Châu - Hoan Châu (Nghệ An) luôn là miền biên viễn, trọng trấn phương Nam của quốc gia Đại Việt[7]. Trong thế đối diện, đối thoại hằng xuyên với các quốc gia láng giềng khu vựcNghệ - Tĩnh là đại diện, đồng thời là tuyến đầu, địa bàn chiến lược trong việc bảo vệ an ninh; thiết lập, mở rộng quan hệ với thế giới bên ngoài. Với vị thế đó, trong nhiều thời điểm lịch sử, Nghệ - Tĩnh đã phải đương đầu trực tiếp với các thế lực phương Bắc khi đế chế này muốn liên kết với Chămpa, Chân Lạp... để tạo nên áp lực chính trị, quân sự từ phía nam Đại Việt. Trong khoảng 4 thế kỷ, Nghệ - Tĩnh vừa là địa bàn tích hợp nhiều mâu thuẫn khu vực vừa là nơi hội tụ những nhân tố phát triển mới. Vì thế, chính quyền Thăng Long luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với vùng đất này.

Trong thế đi lên của một dân tộc tự cường, Đại Việt chủ trương ứng đối khoan hòa với phương Bắc nhưng luôn tự khẳng định mình là một quốc gia cường thịnh ở phương Nam. Trải qua nhiều thế kỷ, cùng với việc không ngừng hoàn thiện bộ máy chính trị, củng cố sức mạnh của chính thể quân chủ, hun đúc tinh thần dân tộc và ý thức văn hóa, tăng cường sức mạnh kinh tế... chính quyền Thăng Long đã không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng khu vực. Chủ trương đó được đặt ra trong bối cảnh ở phương Bắc các triều đại như Tống (960-1279), Mông - Nguyên (1206-1368) đều là các đế chế lớn. Với phương Nam, các quốc gia như Chămpa, Chân Lạp, Ai Lao... cũng đang ở vào thời kỳ cường thịnh. Để phát triển, các quốc gia này cũng muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng, thiết lập các tuyến thương mại, khai thác tài nguyên khu vực. Nhu cầu về lãnh thổ, tài nguyên... của các đế chế vùng (regional empire) cũng như đế chế tiểu vùng (sub-regional empire) là rất lớn[8]. Vì thế, việc xác lập phạm vi ảnh hưởng, tiến tới làm chủ, khai thác các nguồn lợi kinh tế trên một cương vực lãnh thổ ngày càng rộng lớn là một trong những mục tiêu chủ đạo của chính quyền Thăng Long. Điều có thể thấy được là, xu thế xung đột và hợp tác luôn diễn tiến xen cài trong mối quan hệ giữa các quốc gia khu vực. Việc xử lý thành công hay không thành công các mối xung đột, hợp tác đó là một trong những nhân tố quan trọng, khẳng định vị thế của mỗi quốc gia trong bối cảnh chính trị khu vực thời bấy giờ.

Trên phương diện kinh tế đối ngoại, Nghệ - Tĩnh là nơi hội lưu của các tuyến giao thương trên đất liền và trên biển. Thời Lý - Trần, dòng chảy kinh tế của Nghệ - Tĩnh không chỉ từ bắc xuống mà còn cả từ phía nam lên, từ trên núi xuống và từ biển về. Sau khi nhà Đường (618-907) chính thức thiết lập, cùng với “Con đường tơ lụa trên đất liền” (Mainland silk road), “Con đường tơ lụa trên biển” (Maritime silk road), không chỉ được mở rộng mà còn có nhiều sự hưng khởi. Với “Con đường tơ lụa trên biển”, hoạt động của các thương nhân khu vực ngày càng mang tính quốc tế. Nhiều thuyền buôn từ các tỉnh phía nam Trung Quốc như Quảng Châu (Canton), Phúc Kiến (Fukien), Hải Nam (Hainan)... đã trực tiếp đến buôn bán với các thương cảng vùng biển Đông Bắc, Bắc Trung Bộ của nước ta để rồi từ đó, theo đường biển, nguồn hàng lại tiếp tục được luân chuyển đến Chămpa, các quốc gia hải đảo phương Nam hay theo các tuyến sông, giao lộ lên vùng thượng nguồn, đến Ai Lao, Chân Lạp...

Trong khi đó, với các quốc gia khu vực, việc thiết lập mạng lưới giao thương trên đất liền lại có nhiều diễn tiến phức tạp. Là một trong những lối thoát ra biển của mạng lưới kinh tế Trung Hoa lục địa, sau khi giành được độc lập, chính quyền Thăng Long muốn mở rộng thêm hệ thống giao thương của mình vào sâu các vùng nội địa như miền tây Nghệ An và tìm đường sang cao nguyên Korat[9]. Tuy nhiên, các quốc gia ở phía tây nam vùng Đông Nam Á bán đảo như Chămpa, Chân Lạp, Ai Lao cũng nuôi tham vọng mở những con đường tiến về phía đông đồng thời khai thông tuyến giao thương trên biển để kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc. Vì thế, trong suốt 4 thế kỷ, giữa các quốc gia khu vực đã diễn ra nhiều cuộc xung đột, chiến tranh quy mô lớn. Tuy chịu nhiều tổn thất nhưng đến khoảng thế kỷ XII-XIII “Người Khmer đã tạo dựng được một mạng lưới nội địa bao gồm cao nguyên Korat, những cao nguyên trên đất Campuchia, vùng núi ở hạ và Trung Lào, vùng phía bắc bán đảo Malacca. Đây là những trung tâm sản xuất lâm thổ sản. Sau đó hàng hóa được tập trung về Angkor. Tonlesap trở thành một cảng quan trọng. Mạng lưới này được hình thành vào nửa đầu thế kỷ XIII và nền tảng của nó là những cư dân nói tiếng Khmer với tôn giáo hỗn hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa”[10].

Phân tích mối liên hệ giữa các trung tâm kinh tế khu vực Đông Nam Á bán đảo, nhà nghiên cứu người Mỹ K.R. Hall đã rất có lý khi cho rằng, Đại Việt đã chủ động thiết lập tuyến buôn bán “xuyên lục địa” thông qua các cảng vùng Nghệ - Tĩnh lên Nam Lào và vùng đất truyền thống của Lục Chân Lạp. Dựa vào nguồn tư liệu khai thác được ở Phum Mien, K.R.Hall cho rằng, vào cuối thế kỷ X, từ Nghệ An, thương nhân Đại Việt đã qua ải Hà Trại ở dãy Khai Trướng (mà An Nam chí nguyên gọi là núi Khai Môn – có thể là cửa khẩu Cầu Treo hiện nay) theo đường sông Mekong xuống Băn Thăt để đi vào kinh đô Angkor của Chân Lạp. Các hoạt động giao thương đó đã bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa cho Chân Lạp và vùng hạ châu thổ Mekong. Điều đó cũng có nghĩa rằng, vị thế kinh tế, chính trị của Chămpa bị đe dọa nghiêm trọng[11]. Trong bối cảnh đó, Chămpa vừa thể hiện mình như một cường quốc khu vực, vừa muốn dựa vào uy lực của Trung Hoa để khẳng định vị thế, tìm kiếm các lợi ích chính trị, kinh tế vừa theo đuổi một chủ trương đối ngoại nhiều mặt với các nước láng giềng Đông Nam Á[12].

Hiểu rõ tầm quan trọng của Nghệ - Tĩnh, suốt thế kỷ XI-XII, nhà Lý đã tổ chức nhiều cuộc hành binh vào Diễn Châu, Hoan Châu để trấn áp các cuộc nổi dậy, xác lập quyền lực của chính quyền trung ương[13]. Tháng 4 năm 1036, vua Lý Thái Tông (cq: 1028-1054) đã cho dựng hành cung ở Hoan Châu nhân đó đổi tên là châu Nghệ An[14]. Tháng chạp năm 1101, vua Lý Nhân Tông (cq: 1072-1128) lại tiếp tục nâng Hoan Châu lên thành phủ Nghệ An[15]... Thực tế, hiếm có vùng đất nào mà những người đứng đầu chính quyền trung ương lại dành nhiều sự quan tâm đến như vậy. Trong suốt thời Lý và thời Trần, triều đình Thăng Long đã cử nhiều quý tộc cao cấp, võ tướng tài danh đến trực tiếp cai quản, bảo đảm an ninh vùng Hoan, Diễn[16]. Những người có công trong việc xây dựng, phát triển vùng biên viễn phương Nam, lập được công tích trong việc ngăn chặn sự xâm lấn của Chămpa, Chân Lạp... đều được ban thưởng lớn[17]. Các vua Lý, Trần cũng nhiều lần thân về kinh dinh vùng đất này.

Trên phương diện kinh tế, sau khi đổi Hoan Châu thành châu Nghệ An, năm 1037, tức 28 năm sau khi triều Lý được thiết lập, vua Lý Thái Tông đã “Xuống chiếu cho châu Nghệ An dựng các kho ở trong châu như Tư Thành, Lợi Nhân, Vĩnh Phong, tất cả 50 sở”[18]. Khảo cứu Việt sử lược, An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư,... chúng ta thấy, không có địa phương nào mà chính quyền trung ương lại cho dựng nhiều kho chứa hàng hóa và thuế đến như vậy. Điều đáng chú ý là, phải đến năm sau, tức năm 1038 nhà vua mới cho dựng Kho ngự ở kinh đô Thăng Long. Mặc dù Việt sử lượcToàn thư luôn ghi lại những thông tin về việc phát hiện được kim loại quý, mỏ vàng, mỏ bạc, ngọc trân châu ở một số vùng đất nước nhưng hầu như ít thấy có việc cho lập kho ở các địa phương.

Có thể cho rằng, vào thời Lý - Trần nguồn của cải, tiềm năng kinh tế của vùng Nghệ - Tĩnh là rất lớn. “Rõ ràng là, nếu Đại Việt không thể quản lý vùng phía Nam tuyến này thì vai trò buôn bán trung gian với nhiều lợi ích giữa Trung Quốc với các nước phương Nam khó có thể được duy trì nếu như không phải là mất tất cả... Hơn thế nữa, nếu như Nghệ - Tĩnh là điểm hội nhập thiết yếu của Chân Lạp ra khu vực Biển Đông (đặc biệt là miền Bắc Lào và Thái Lan ngày nay), thì thương nhân Trung Quốc đến Nghệ - Tĩnh buôn bán không chỉ với Đại Việt mà còn với cả Chămpa và Chân Lạp. Giả định này nếu là chính xác sẽ góp phần giải thích vì sao các vua Khmer đã cử phái bộ sang Đại Việt thường xuyên hơn (19 lần) trong khi đó chỉ đến nhà Tống 5 lần”[19].

Là vùng đất giàu tài nguyên, chưa có nhiều sự khai phá, việc tập trung các thuyền buôn Trung Hoa đến Nghệ - Tĩnh cũng là nhân tố cuốn hút các đoàn thương thuyền, thương nhân Đông Nam Á, Tây Nam Á dồn tụ về các thương cảng Diễn Châu, Hoan Châu. Cũng cần phải nói thêm rằng, vì nhiều nguyên nhân, sự dịch chuyển trung tâm chính trị từ cố đô Hoa Lư (968-1009), một vùng kinh tế thịnh đạt của buổi đầu tự chủ, về Thăng Long đã dẫn đến việc tập trung các nguồn lực của đất nước về trung tâm châu thổ sông Hồng. Đó không phải là sự chuyển dịch giản đơn, đơn tuyến mà là sự thay đổi căn bản về quy mô và tính chất. Trong một tâm thế mới, Thăng Long không chỉ làm chủ một trung tâm nông nghiệp lớn nhất mà nguồn lực kinh tế, tài chính của đất nước còn do nhiều hoạt động kinh tế khác, trong đó có ngoại thương đem lại[20]. Nói cách khác, “Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, với kinh đô Thăng Long (mà giờ đây là Hà Nội), Đại Việt đã thực hiện những cách thức giống như Angkor và Pagan đã làm. Đại Việt đã chịu ảnh hưởng của nền thương mại Trung Hoa sớm hơn và mạnh mẽ hơn các quốc gia láng giềng phía tây”[21]. Do vậy, cùng với chủ trương mở thông các cửa ngõ biên giới để thúc đẩy hoạt động kinh tế đối ngoại với vùng Hoa Nam, nhà Lý cũng sớm chú ý đến vùng biển đảo Đông Bắc để rồi năm 1149, đức Lý Anh Tông (cq: 1138-1175) đã chính thức khai mở trang Vân Đồn. Quyết định đó thể hiện tầm nhìn khu vực, bản lĩnh vươn ra biển và chủ trương đối ngoại tích cực của Đại Việt[22].

Làm chủ một không gian lãnh thổ và vùng lãnh hải rộng lớn, một cách tự nhiên, vị thế Địa - chiến lược của Đại Việt đã sớm tạo nên những điều kiện thuận lợi cho sự hình thành những trung tâm luân chuyển hàng hóa giữa hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Với các nước Đông Nam Á, việc thiết lập mối quan hệ mật thiết với Đại Việt là nhân tố thiết yếu trong việc duy trì, mở rộng các mối giao lưu với thị trường Đông Bắc Á giàu tiềm năng. Thời bấy giờ, ngoại trừ một số tuyến giao thương đường bộ, phần lớn các sứ đoàn, thương đoàn Đông Nam Á khi đến Trung Quốc đều đi theo đường biển và đều phải tuân thủ theo một trong hai tuyến chính của hệ thống thương mại Biển Đông. Sự đan xen giữa các nhóm lợi ích trong hoạt động đối ngoại quan phương, phi quan phương cũng như tình trạng khó minh định giữa việc bảo đảm lợi ích chung (của triều đình) với tìm kiếm các nguồn lợi riêng (của sứ đoàn và cá nhân những người tham gia)... đã tạo nên sự phồn vinh cho các hoạt động bang giao, giao lưu thương mại khu vực Đông Á trong suốt nhiều thế kỷ.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong quan hệ bang giao khu vực, cùng với việc cố gắng duy trì, củng cố mối quan hệ với các triều đình phong kiến phương Bắc, đặc biệt là nhà Tống (960-1279), theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư Đại Việt sử lược, vào thời Lý - Trần, triều đình nhiều quốc gia láng giềng khu vực đã cử sứ thần sang Đại Việt để thiết lập quan hệ bang giao. Theo đó, Chămpa là 45 lần, Chân Lạp: 24 lần, các nước Ngưu Hống, Ai Lao, Xích Mã Tích đều cử sứ thần đến cống[23]. Các bộ chính sử thường hay nhấn mạnh đến tâm thế “thần phục” của các quốc gia láng giềng khi đến thiết lập quan hệ bang giao với nước ta. Trong nhãn quan khu vực, ở nhiều thời điểm, Đại Việt đã tự xác lập vị thế của mình như một “Đế chế tiểu vùng” (Sub-region empire)[24]với rất nhiều uy lực. Trên thực tế, thời Lý - Trần, Đại Việt đã trở thành một thực thể kinh tế - chính trị có nhiều ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Vì thế, khi đến Đại Việt, các quốc gia khu vực không chỉ muốn thiết lập quan hệ bang giao, thương mại với nước ta mà qua đó còn muốn duy trì mối bang giao mật thiết với Trung Quốc đồng thời theo đuổi nhiều mục tiêu chính trị, xã hội, văn hóa khác. Trong quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, với Đại Việt đó không phải là mối quan hệ một chiều. Việc thiết lập quan hệ thương mại, bang giao đa dạng với phương Nam còn xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của đất nước[25]. Khảo cứu Tống sử và các nguồn tư liệu Hán ngữ khác, học giả Nhật Bản Momoki Shiro cho rằng, trong suốt thời Tống, số lượng và giá trị cống phẩm mà Đại Việt đem đến triều đình Trung Hoa là rất lớn. Trong số đó, cùng với các kim loại quý còn có nhiều sản vật đặc thù của phương Nam như trầm hương, ngà voi, sừng tê, ngọc trai cùng nhiều loại vải lụa, hương liệu...[26]. Hẳn là, nhiều sản vật ấy là kết quả của quá trình khai thác, giao lưu thương mại với các quốc gia láng giềng khu vực[27].

Cùng với những nhân tố chính trị, kinh tế nêu trên, sự hưng khởi của các thương cảng Nghệ - Tĩnh còn là do tiềm năng kinh tế phong phú của vùng đất này. Dẫn sách Giao châu ký của Lưu Hân Kỳ, tác giả An Nam chí lược cho rằng, Nhật Nam vốn sản xuất nhiều tằm tơ: “Một năm tám lứa tằm, tằm sản xuất ở Nhật Nam, dâu thì có lớn nhỏ hai giống, giống dâu nhỏ trồng về tháng giêng, cành lá sum sê. Từ tháng ba đến tháng tám đều nuôi tằm lấy tơ dệt lụa”[28]. Ngoài ra, “Nhật Nam có nghìn mẫu rừng sinh gỗ thơm rất quý. Sách Nam Việt chí chép: Giao Châu có cây hương mộc, muốn lấy thì đốn xuống, chờ lâu năm cho vỏ mục rồi lấy ruột và mắt cây, thứ nào cứng, đen, bỏ xuống nước chìm, gọi “trầm hương”, nổi thì gọi là “kê cốt hay bán thủy”, thứ thô gọi “sạn hương”[29]. Trong lịch sử, tơ lụa, trầm hương là những sản phẩm không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn là nguồn thương phẩm xuất khẩu có giá trị cao trên thị trường thế giới.

Về tài nguyên của vùng Nghệ - Tĩnh, trong Dư địa chí, Nguyễn Trãicũng có những ghi chú rất đáng chú ý: “Ở vùng ấy đất thì mềm, hợp với cau; ruộng thì vào hạng thượng trung. Hồ tiêu, muối biển rất tốt. Nam Nhung có vải thưa. Thạch Hà có the mỏng. Ngọc Ma có răng voi, da thú. Quỳ Châu có lông chim, lông thú. Trấn Ninh có sâm, quế. Kỳ Hoa có cá thốc tử. Ai Lao có chăn sặc sỡ. Đồ cống có voi, sáp, chiêng đồng”[30]. Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch cũng cho biết thêm: Ở núi Đại Hàm, huyện Hương Sơn “Núi này có Sông Phố và Sông La vòng quanh giao lại. Trong rừng có rất nhiều chim công. Sách Thủy kinh chú chép rằng: “Đất Hàm Hoan trở vào phía Nam, hươu nai đầy núi, chúng kêu la, kéo đàn kéo lũ ầm ĩ đồng nội. Những đàn công bay lượn rợp trời, khắp núi”[31]. Trong tác phẩm Vân đài loại ngữ, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng cho biết: “Dân ở bờ biển, đầy đủ gạo, cá, muối biển ngon ngọt, lại có lợi trồng cói, lác; trai sò ngon tươi. Ấy chưa kể đến thuế hồ, ao, sông, đầm. Phía Đông phủ Kinh Môn và lộ Yên Quảng, lại có nhiều cá, muối, gỗ lạt, châu ngọc, đồi mồi; thuyền bè tụ cả ở đấy, hàng hoá ngoại dương buôn bán giao thông tiện lợi, đủ thay cho tô thuế (thuế ruộng). Phía Bắc là phủ Lạng Giang và xứ Lạng Sơn, nhiều lò nung đất, ruộng đất cũng lầy tốt. Phía tây nam là hai trấn Thanh Hoá và Nghệ An, sản xuất gỗ lim, gỗ sến, gỗ táu, quế, trầm, đàn hương, tức hương, cau, da tê, ngà voi, vàng, bạc, đồng, sắt. Phía tây trấn Nghệ An thông sang các nước Bồn Man, Lão Qua, Cao Miên. Dân các nước ấy đem trâu, bò sang bán cho ta”[32].

Cùng với những sản vật nêu trên, Nghệ An ký cũng có những mô tả sinh động về một nguồn tài nguyên quý ở một số đảo ven biển Nghệ - Tĩnh. Theo tác giả, ở đảo Quỳnh Nhai, huyện Nghi Xuân “Trên núi có giếng đá nước ngon ngọt; lưng chừng núi lại có con suốt vọt chảy xuống biển về phía tây núi. Những người đi biển thường lấy nước suối ấy để uống”[33]. Thêm vào đó, ở phía nam núi Nam Giới “có suối Hau Hau nước rất ngọt. Trong những tháng hè, dân quanh vùng ghé thuyền vào chân núi bắc máng tre, dẫn nước vào thuyền chở đi bán”[34]. Điều chắc chắn là, cùng với tơ lụa, gốm sứ, hương liệu... những nguồn nước đặc biệt đó là “thương phẩm” dồi dào, có giá trị đồng thời cũng hết sức cần thiết với các thương nhân, người đi biển trong nước, quốc tế khi đi qua vùng biển Nghệ - Tĩnh.

Như vậy, cùng với những mối tiếp giao truyền thống với phương Bắc, Đại Việt còn chủ động thiết lập quan hệ giao thương với một số quốc gia láng giềng phương Nam. Do những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên, Nghệ - Tĩnh đã nổi lên như một trung tâm kinh tế đối ngoại trọng yếu. Để mở rộng giao thương, các cảng cửa sông, tuyến buôn bán đã được thiết lập nối kết Đại Việt với các quốc gia láng giềng và một số trung tâm kinh tế lớn của khu vực. Khảo cứu các bộ cổ sử, tài liệu địa chí kết hợp với khảo sát thực tế, nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu địa danh cùng những dấu tích còn lưu lại ở vùng Nghệ An - Hà Tĩnh... cho phép chúng ta bước đầu phác dựng lại hoạt động và vai trò của một trung tâm kinh tế đối ngoại quan trọng của đất nước ta thế kỷ XI-XIV.

2. Các tuyến giao thương vùng, liên vùng

Trong lịch sử, quan hệ giao thương chủ yếu của Đại Việt cũng như của vùng Nghệ - Tĩnh là giao thương biển. Đặc điểm chung của các thương cảng ở đây đều là các cảng cửa biển hay hình thành ở vùng cửa sông. Do không có những châu thổ lớn, lãnh thổ hẹp dần về phía nam nên mạch liên kết giữa biển với núi rừng là hết sức mật thiết. Khu vực đệm, tức vùng trung du, có không gian tương đối hẹp. Với địa thế dốc và tương đối hẹp ấy, các dòng sông đều chảy xiết và có thể đổ ra đại dương bằng nhiều cửa khác nhau. Do những đặc tính kiến tạo và tác động thường xuyên của điều kiện tự nhiên, diện mạo của các dòng sông, các cảng cửa sông luôn có những biến đổi. Cấu trúc của đường bờ biển Nghệ - Tĩnh thế kỷ XI-XIV có nhiều khác biệt so với hiện nay[35]. Bên cạnh đó, nhờ có những dãy núi vươn ra đại dương mà ở Nghệ - Tĩnh có một số cảng biển nước sâu, kín gió rất thuận tiện cho việc tránh bão, neo đậu thuyền, trao đổi hàng hóa. Do vậy, sự thịnh suy của nhiều thương cảng không chỉ do các yếu tố xã hội, kinh tế mà còn do những điều kiện tự nhiên quy định.

Theo Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch (1757-1828), vùng Nghệ - Tĩnh có 12 cửa biển: 1. Cửa Cờn (còn gọi là Cần Hải, Càn Hải, Cửa Trạp) ở phía bắc giới phận huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu do sông Hoàng Mai đổ ra; 2. Cửa Quèn (Quyền Hải), huyện Quỳnh Lưu, có sông Hoàng Mai và sông Ngọc Để chảy ra; 3. Cửa Thơi (Thai Hải), giáp giới hai huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu, có sông Giát chảy ra; 4. Cửa Vạn Phần (Cửa Vạn, Bích Hải), huyện Đông Thành, là cửa của sông Bùng; 5. Cửa Hiền (Cửa Lấp), giáp hai huyện Hưng Nguyên và Đông Thành, có sông La Hoàng và Khe Nễ chảy ra; 6. Cửa Xá (Cửa Xá), giáp hai huyện Hưng Nguyên và Chân Phúc, là cửa sông Cấm; 7. Cửa Hội (Hội Hải), giáp hai huyện Nghi Xuân và Chân Phúc, do nước sông Lam tạo thành; 8. Cửa Cương Giản (Cương Gián, Động Kèn), giáp hai huyện Nghi Xuân và Thiên Lộc, do các con suối từ Khe Vực, núi Hồng Lĩnh chảy ra; 9. Cửa Sót (Nam Giới), giáp hai huyện Thiên Lộc và Thạch Hà, nước sông Hoàng Hà đổ về; 10. Cửa Nhượng Bạn (Kỳ La), huyện Kỳ Hoa, có nước sông Họ (Hộ) và sông Rác (Lạc Hạ) chảy ra; 11. Cửa Khẩu (Hải Khẩu), ở huyện Kỳ Hoa, do nước sông Trí và sông Đình tạo thành; 12. Cửa Xích Lỗ (Xích Lỗ Hải), ở phía nam huyện Kỳ Hoa, do nước của ba khe Hoành Sơn, Hạ Bồ và Du Di đổ vào[36].

Thời Lý - Trần, ở những mức độ khác nhau, các cảng biển - cửa sông đó đều tiến hành các hoạt động giao lưu, thương mại. Trong số đó, nổi lên 7 của biển lớn đồng thời cũng là những thương cảng chính, gồm 3 cảng thuộc Nghệ An là: Cửa Cờn (Kẻ Trào, H. Quỳnh Lưu), cửa Xá (Kẻ Gốm, H. Nghi Lộc) và cửa Hội (Hội Thống, H. Nghi Xuân); 4 cảng thuộc Hà Tĩnh là: Cửa Sót (Nam Giới, H. Thạch Hà), cửa Nhượng Bạn (Kỳ La, H. Kỳ Hoa), cửa Khẩu (Hải Khẩu, Loan Nương, H. Kỳ Hoa) và cửa Xích Lỗ (Xích Lỗ Hải, H. Kỳ Hoa). Sự khác biệt giữa các vùng thương cảng là ở chỗ, ở Nghệ An phần lớn là các cảng cửa sông trong khi đó ở Hà Tĩnh lại chủ yếu là các cảng biển. Toàn thư từng ghi nhận (năm 1349) những hoạt động nhộn nhịp của các thương cảng vùng Diễn Châu: “Trước đây, thời nhà Lý, thuyền buôn tới thì vào từ các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn”[37]. Cửa Tha chính là cửa Thơi còn cửa Viên hay Hoa Viên chính là cửa Cờn (Càn Hải). Với Hà Tĩnh, theo Bùi Dương Lịch thì cửa Sót có “cửa biển sâu rộng. Ngày trước, các thuyền buôn của người Tàu sang ta đều vào cửa ấy”[38]. Khảo tả kỹ hơn về cảng này, các tác giả Đại Nam nhất thống chí xác định: “cửa biển rộng 37 trượng, thủy triều lên sâu 8 thước, thủy triều xuống sâu 5 thước... trước kia, thuyền phương Bắc sang nước ta thường đỗ ở đây”[39]. Mặc dù đã có nhiều biến đổi nhưng đến nay cửa Sót vẫn mang nhiều dáng vẻ của một trung tâm giao thương lớn của Nghệ - Tĩnh.

Với những điều kiện xã hội, tự nhiên thuận lợi đó, từ thế kỷ XI, các thương cảng vùng Nghệ - Tĩnh đã có những phát triển trội vượt. Do quy mô và sự xuất lộ của các loại hình hiện vật mà chủ yếu là gốm sứ có thể khẳng định rằng, cảng Hội Thống ở vùng cửa sông Lam là cảng thị lớn nhất ở vùng Nghệ - Tĩnh. Trên thực tế, ở vùng cửa sông này có ba địa điểm còn xuất lộ khá nhiều dấu vết của một thời hưng thịnh. Có thể xác định vị trí của các khu vực này là: Đền Huyện, Xuân Phố, Hội Thống. Cả 3 địa điểm đều phân bố dọc theo bờ nam. Điều đáng chú ý là, các cuộc khai quật tại ba địa điểm này đều phát hiện được nhiều hiện vật gốm sứ thời Lý, Trần, Lê sơ (TK XIII-XV) cũng như gốm sứ Trung Quốc có niên đại tương đồng. Nhưng có lẽ vị trí quan trọng nhất đối với thương mại khu vực thời Lý - Trần chính là địa điểm Đền Huyện. Qua 5 lần khai quật (trong các năm 1976, 1990, 1991, 1994 và 1997) các nhà khảo cổ đã xác định được di chỉ Đền Huyện gồm có trị sở, nơi cư trú và một bến cảng lớn được thành lập từ thời Lý, “cảng sông này phát triển liên tục từ thế kỷ IX-X đến thế kỷ XIX. Gốm sứ ở đây chủ yếu là Việt Nam và sau đó là Trung Quốc. Cũng qua tài liệu gốm sứ, ta có thể thấy nhịp độ trao đổi buôn bán của cảng Đền Huyện tương tự như toàn bộ tiến trình giao thương của Việt Nam vốn được đẩy mạnh từ cuối thời Bắc thuộc, phát triển dưới thời Lý và đặc biệt phát triển từ thế kỷ XIV trở đi”[40].

Với tỷ lệ các hiện vật có cùng niên đại thu được giữa các địa điểm, có thể cho rằng vùng Đền Huyện là cảng bến chính của Hội Thống thời Trần. Đến các thế kỷ sau, vai trò của Xuân Phố và Hội Thống dường như có phần nổi trội hơn với trị sở của huyện Nghi Xuân đóng tại Xuân Phố và sự có mặt của đình Hội Thống vào thế kỷ XVI. Tuy diện mạo của Đền Huyện xưa đã có nhiều biến đổi nhưng với những hiện vật gốm sứ có niên đại thế kỷ XVI-XVIII chúng ta thấy, sau thời Lý - Trần và Lê sơ các hoạt động giao thương vẫn tiếp tục diễn ra ở vùng thương cảng này[41]. Như vậy, có thể coi Hội Thống là một phức hệ các cảng bến. Giữa 3 địa điểm vừa có hoạt động đồng thời vừa có sự chuyển dịch vị trí trung tâm theo thời gian.

Kết quả khảo sát chứng tỏ dấu ấn Lý - Trần ở các thương cảng vùng Nghệ - Tĩnh là rất sâu đậm. Sự phân bố của các sản phẩm gốm sứ từ những làng nghề thủ công vùng châu thổ sông Hồng đến các cảng thị thuộc vùng biên viễn phương Nam gợi mở nhiều suy tưởng về tầm ảnh hưởng chính trị, văn hóa của chính quyền Thăng Long, sức phát triển kinh tế cũng như đặc trưng của các sản phẩm thủ công Đại Việt thời kỳ này. Bên cạnh đó, sự hiện diện của gốm Trung Quốc thời Tống, Nguyên và gốm Đại Việt thời Trần trên cùng một khu vực là những chỉ báo quan trọng về sự tham gia tích cực của gốm men thời Trần vào các tuyến buôn bán gốm sứ quốc tế qua hệ thống thương cảng Nghệ - Tĩnh.

Hẳn là, vào thời Lý - Trần mối liên hệ bắc - nam giữa các cảng biển - cửa sông được duy trì thường xuyên với nhiều hoạt động đa dạng. Sự tương đồng giữa các hiện vật gốm sứ là cơ sở cho việc đưa ra những nhận xét đó. Sách Nghệ An ký cũng từng viết về các thương nhân vùng Nghệ - Tĩnh thường ra mua gạo vùng Sơn Nam trong những năm mất mùa, lụt lội. Đồng thời, từ các cảng bến này, có thể đã hình thành nên tuyến buôn bán nô lệ của Chămpa. Theo đó, tuyến buôn bán này đã chia làm hai nhánh: Nhánh thứ nhất vượt qua con đường phía tây sang Ai Lao, Chân Lạp trong khi đó nhánh thứ hai, có quy mô lớn và ổn định hơn đã chạy ngược lên phía bắc, qua vùng vịnh Bắc Bộ đến các thương cảng vùng Hoa Nam[42]. Như vậy, qua các thời kỳ lịch sử, các cảng biển - cửa sông Đại Việt (trong đó có Nghệ - Tĩnh), đã nhận được các nguồn hàng hóa theo cả bốn phương thức: Thu lễ cống nạp, Độc quyền thu mua hàng hóa, Đặt mua theo yêu cầuThương mại tự do[43].

Như vậy, ở Nghệ - Tĩnh, hoạt động của các cảng bến vùng cửa sông đã tạo nên một hệ thống các cảng vùng duyên hải. Các cảng này có cấu trúc theo chiều dọc, trải dài từ bắc đến nam trong đó nổi lên vị thế của một số cảng lớn, trung tâm như Hội Thống, cửa Sót, cửa Nhượng. Các cảng này đã tạo nên tuyến thứ nhất của vùng kinh tế Nghệ - Tĩnh: Tuyến các cảng biển - cửa sông. Tuyến buôn bán này có vị trí đặc biệt quan trọng, giữ vai trò kép, tức vừa giữ nhịp các quan hệ kinh tế trong nước vừa là đầu mối mở rộng giao thương quốc tế.

Song song với các hoạt động đó, các cảng biển Nghệ - Tĩnh còn được sự hỗ trợ tích cực của mạng lưới giao thông thuỷ thiết lập từ thế kỷ IX và dần hoàn thiện trong suốt thời Lý - Trần. Khảo cứu các nguồn tư liệu, học giả Đào Duy Anh viết: “Lê Hoàn đi đánh Chiêm Thành năm 892, thấy đi đường núi từ núi Đồng Cổ (trên sông Mã, thuộc làng Đan Nê huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) trở vào núi ghềnh vất vả mà đường biển thì sóng gió hiểm nghèo, bèn sai đào đường kênh đến sông Bà Hòa để có thể đi đường sông cho tiện. Xã Bà Hòa[44]nay là xã Đồng Hòa ở phía nam huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Đường kênh đây chắc là đường kênh từ sông Mã vào phía nam tỉnh Thanh Hóa để tiếp với kênh Xước (phía nam huyện Tĩnh Gia) và kênh Sắt (thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) mà vào đất Nghệ An. Năm 922, ông lại sai phụ quốc Ngô Tử Anh đem 3.000 người đắp đoạn đường bộ từ Nam Giới đến Hoành Sơn. Năm 1003, Lê Hoàn lại sai đào kênh Đa Cái (nay là xã Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) để nối đường kênh từ Thanh Hóa vào với sông Lam, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An”[45]. Năm 1231, nhà Trần tiếp tục cho đào vét kênh Trầm và kênh Hào từ phủ Thanh Hóa đến phía nam Diễn Châu[46]. Năm 1374, Trần Duệ Tông đã huy động cư dân Thanh Hóa, Nghệ An đào kênh nối với kênh Lạc ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, chảy qua nhiều địa phương đến cửa Nhượng và cửa Khẩu (Hà Hoa). Năm sau, vua Trần lại cho đào đoạn nối kênh Na (từ Cẩm Xuyên) với kênh Lạc (ở Kỳ Anh).

Như vậy, đến cuối thế kỷ XIV, trên vùng đất Nghệ - Tĩnh “đã hình thành một con đường thủy nối liền các huyện từ Hương Sơn (sông Phố) qua Đức Thọ (sông La) đến Can Lộc (sông Minh Lương) qua bến Nghèn vào sông Hà Hoàng (Thạch Hà) rồi theo sông Phủ vào Cẩm Xuyên; qua kênh Na vào kênh Lạc và ra Cửa Khẩu thuộc Kỳ Anh”[47]. Qua hệ thống kênh đào, việc giao thương giữa vùng phía nam châu thổ sông Hồng với các địa phương Thanh Hóa, vùng Diễn Châu, Hoan Châu được thông suốt. Các kênh đào này còn có vai trò nối kết giữa các trung tâm hành chính, kinh tế nội địa với các thương cảng và hệ thống giao thương diễn ra trên đại dương. Trong điều kiện thời tiết và tình hình an ninh đường biển không thuận lợi thì hoạt động của tuyến giao thông nội thủy vẫn diễn ra. Đây chính là thế mạnh, điểm đặc thù trong các hoạt động giao thương của vùng Nghệ - Tĩnh. Do có những ưu thế trội vượt, tuyến giao thương này đã tiếp tục được mở rộng, duy trì trong nhiều thế kỷ sau đó.

Dựa vào những đặc thù và yếu tố thuận lợi của điều kiện tự nhiên, sự hình thành và hoạt động của các kênh đào từ Thanh Hóa đến Diễn Châu, Hoan Châu (Nghệ An - Hà Tĩnh) đã tạo nên tuyến giao thương thứ hai cho vùng Nghệ - Tĩnh: Tuyến giao thương nội thủy. Tuyến giao thương này có ý nghĩa hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho tuyến thứ nhất được hoạt động hiệu quả, thường xuyên. Cũng như tuyến thứ nhất, Tuyến giao thương nội thủy có cấu trúc theo chiều dọc. Nhưng, chúng luôn có mối liên kết ngang với các cảng biển vùng cửa sông và các dòng sông chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điều kiện tự nhiên thuận lợi và những nỗ lực của các triều đại Lý, Trần trong việc khai mở hệ thống kênh đào, đường giao thông đã góp phần tạo nên mối liên kết này.

Cùng với sự hiện diện của hai tuyến giao thương vùng duyên hải và nội thủy, các hoạt động giao thương của vùng Nghệ - Tĩnh còn thường xuyên đón nhận những tác động nhiều mặt của quan hệ kinh tế, bang giao khu vực. Trong điều kiện đi biển thời bấy giờ, các dòng hải lưu và luồng gió chính ở vùng vịnh Bắc Bộ dường như đã phần nào hạn chế các thương thuyền Trung Quốc tiếp cận châu thổ sông Hồng từ phía đông. Thời Lý - Trần, thuyền buôn từ phương Bắc thường đến phương Nam theo một trong hai tuyến chính: Thứ nhất, là đi qua phía bắc đảo Hải Nam rồi vào vịnh Bắc Bộ. Như vậy, địa điểm thuận lợi cho việc buôn bán là thương cảng Vân Đồn; Thứ hai, là tiến xuống phía nam đảo Hải Nam để đến thẳng các cảng vùng Nghệ - Tĩnh[48]. Thời Lý - Trần, phần lớn các thuyền buôn phương Bắc đều tập trung ở cửa Diễn Châu (bắc Nghệ An) và Tha Viên (Hoa Viên, huyện Hưng Nguyên) hay Kỳ Hoa (huyện Kỳ Anh) ngày nay. Thời bấy giờ, thuyền buôn qua vùng biển Nghệ An đều lấy đảo Song Ngư ngoài khơi cửa Hội và núi Hai Vai (Kế Sơn), ở xã Nguyễn Xá, huyện Đông Thành, làm chuẩn.

Như vậy, từ thế kỷ X-XI trở đi, các cảng thị khu vực Nghệ - Tĩnh đã trở thành một trong những điểm quan trọng trong hải trình buôn bán của các thương thuyền Trung Quốc khi đi xuống vùng biển phía nam. Theo đó, việc tiếp cận của thuyền mành Trung Hoa vào khu vực này có thể nhằm hai mục đích: Thứ nhất, sử dụng các thương cảng này như một điểm dừng chân, tiếp nước ngọt và lương thực cho các cuộc hành trình dài ngày xuống phía nam. Thứ hai, trực tiếp tìm kiếm các nguồn lợi thông qua hoạt động thương mại thường xuyên với vùng lãnh thổ cực nam Đại Việt, Chămpa và xa hơn nữa, vươn về phía tây, đến các quốc gia Ai Lao, Chân Lạp[49]...

Là một trung tâm kinh tế lớn của phương Đông, trước khi nhà Minh thực hiện chính sách “cấm hải” (1371), được sự hậu thuẫn mạnh mẽ về chính trị bởi các mối quan hệ, bang giao thần thuộc, các thuyền buôn Trung Hoa đã tỏa ra, thiết lập quan hệ giao thương với nhiều quốc gia châu Á. Trên thực tế, các hoạt động giao thương đó đã đem lại một diện mạo mới cho nhiều nền kinh tế khu vực trong đó có các thương cảng vùng Nghệ - Tĩnh. Mặt khác, hoạt động của các chính quyền, thương nhân bản địa cũng đã góp phần tạo nên những sắc thái và sinh lực mới cho các mối quan hệ kinh tế, bang giao khu vực.

Cùng với các đoàn thương thuyền từ phương Bắc (mà chủ yếu là từ các thương cảng miền nam Trung Quốc), điều chắc chắn là, trong lịch sử, các thương cảng vùng Nghệ - Tĩnh còn là điểm đến thường xuyên của các sứ đoàn, thương đoàn từ các quốc gia Đông Nam Á như Chămpa, Chân Lạp, Xiêm La, Chà Và (Java).... Hẳn là, trong tầm nhìn của Chămpa và Chân Lạp, các cảng vùng Nghệ - Tĩnh có vai trò hết sức quan trọng. Điều có thể thấy được là, khi các tuyến đường từ Nghệ - Tĩnh chạy về phía tây, băng qua bắc Chân Lạp, đã đe doạ nghiêm trọng vị thế kinh tế, chính trị của vương quốc này. Điều đó lý giải vì sao, các cuộc cướp phá của những toán “giặc gió sóng”Toàn thư từng ghi lại (chắc hẳn nhằm để chỉ cướp biển Chămpa, Chân Lạp) vào khu vực Nghệ - Tĩnh trong những năm 1120-1130 và sau đó cuối thời Trần, đã diễn ra thường xuyên và ngày càng có mức độ nghiêm trọng[50]. Nhận xét về Xiêm La, Nguyễn Trãi từng cho rằng “Tục nước ấy thích cướp bóc”. Với Chămpa, Ức Trai nhận xét: “Đất nước ấy có ít ruộng, tham đất màu mỡ ở Nhật Nam của ta, muốn cướp lấy, cho nên thường xâm lấn, quấy nhiễu”[51]. Một cách tự nhiên, sự phồn thịnh của trung tâm kinh tế Nghệ - Tĩnh đã kích thích tham vọng của các quốc gia khu vực muốn chiếm đoạt, làm chủ các thương cảng, nguồn của cải ở vùng biên viễn giàu có này. Mặt khác, hẳn là Chămpa, Chân Lạp cũng muốn phá bỏ rào cản Đại Việt để khai thông tuyến giao thương “Tây dương châm lộ” trực tiếp với Trung Hoa.

Trong suốt thế kỷ XI-XIV, các cảng biển - cửa sông vùng Nghệ - Tĩnh đã trở thành điểm hội giao của các tuyến giao thương khu vực. Đây chính là điều kiện, đồng thời là tiền đề cho việc hình thành một tuyến giao thương thứ ba ở vùng Nghệ - Tĩnh: Tuyến giao thương biển hay Tuyến giao thương đại dương. Tuyến giao thương này đến Nghệ - Tĩnh từ phía đông bắc và đông nam, giao hòa với các cảng biển - cửa sông, nối kết với các trung tâm giao lưu, luân chuyển hàng hóa của Tuyến giao thương nội thủy rồi từ đó, theo hướng chảy của các dòng sông, tiếp tục ngược lên phía tây, đến vùng núi cao và các quốc gia láng giềng khu vực.

Khảo cứu các mạch sông núi, có thể phác dựng hướng chảy của các dòng sông trên đất Nghệ - Tĩnh. Theo đó, mối liên hệ giữa vùng duyên hải với các vùng núi cao và giữa vùng núi Nghệ - Tĩnh với các quốc gia láng giềng là hết sức mật thiết. Phía tây Nghệ - Tĩnh là các dãy núi lớn, phía đông giáp biển cả. Kiến tạo của các dãy núi và hướng chảy của các dòng sông đều theo hướng tây bắc - đông nam. Theo học giả Bùi Dương Lịch, núi Quỳnh Lâm ở phía bắc kéo dài đến Đảo Biện; núi Trụ Hải chạy về nam làm thành các núi Lân Sơn, Phượng Sơn, Quy Sơn, Ngưu Sơn tạo nên cửa Quèn; dãy Đại Hoạch với núi Đầu Rồng (Long Thủ) ở phía nam làm nên cửa Xá; núi Hoành Sơn với Đèo Ngang ở xã Hoàng Lễ, huyện Kỳ Hoa “là núi đứng trấn trong huyện. Một dải từ phía tây lại, chặn ngang đường biển, cây cối um tùm, ngày trước là nơi xung yếu giữa Giao Châu với Chiêm Thành”[52]. Dãy Hoành Sơn chạy về Đông tạo nên Đảo Én, cửa Khẩu; núi Vọng Liệu chạy về phía bắc tạo nên núi An Tâm với cửa Nhượng; núi Kình Thốc chạy xuống đồng bằng tạo núi Nam Giới với cửa Sót; núi Đại Huệ với mạch Quỳ Châu, chạy ra biển thành đảo Song Ngư, phía bắc có sông Gang (Cương Giang) đổ vào sông Lam; núi Trà Sơn chạy về phía đông tạo nên dãy Hồng Lĩnh, đảo Quỳnh Nhai. Tương truyền, Hồng Lĩnh có 99 ngọn có sông Lam, sông Hoàng bao quanh, án ngữ cửa Hội, cửa Cương Gián, cửa Sót, “Phía tây ngược đến tận nguồn, phía đông chạy đến tận cửa biển, phía bắc thông với phủ Diễn Châu, là nơi thuyền bè xe ngựa, đường thủy đường bộ nhóm họp. Thực là một cảnh đô hội của tỉnh Nghệ An”[53].

Theo Nghệ An ký thì phía trước núi Lam Thành, nơi sông La ở huyện Thiên Lộc chảy vào, chỗ ngã ba sông Minh Lương hòa với sông Lam có bến Phù Thạch. Vào cuối thế kỷ XIV, bến Phù Thạch là nơi trao đổi, buôn bán nổi tiếng của đất La Sơn (Đức Thọ). Sang các thế kỷ sau, Phù Thạch đã thành phố, với nhiều Hoa thương lưu trú, buôn bán[54]. “Ở đầu bến có người Tầu cư trú buôn bán, nhà ngói san sát, thuyền bè tụ tập, gọi là phố Phù Thạch”[55]. Thêm vào đó, ở núi Nghèn xã Trảo Nha có chợ Nghèn; núi Cảm xã Đại Nại, huyện Thạch Hà có chợ Nài; núi Hội xã Vân Phong, huyện Kỳ Hoa, có chợ Hội. Các vùng này đều là những nơi đô hội, tập trung nhiều sản vật trên rừng, dưới biển[56].

Trong các dãy núi ở miền tây Nghệ - Tĩnh, núi Giăng Màn (Khai Trướng) thuộc địa giới hai phủ Ngọc Ma và Lâm An (phía tây huyện Hương Sơn) là dãy núi nổi tiếng bởi sự trùng điệp, huyền nhiệm đồng thời là cửa ngõ lưu thông giữa Đại Việt với các quốc gia láng giềng khu vực. Phía bắc dãy Khai Trướng là nơi bắt nguồn sông Phố, phía Tây có đường thông đến phủ Trà Lân, phủ Trấn Ninh và các mường của vương quốc Ai Lao “Nước Ai Lao sang cống nước ta vẫn đi đường này”[57]. Phía đông núi có sông Tiêm, phía tây có đường thông sang mường Lạc Hòn (Ai Lao). Theo Bùi Dương Lịch thì đây cũng là con đường mà triều đình Ai Lao vẫn hay cử sứ thần sang cống[58]. Cư dân châu Quỳ Hợp cũng theo đường này đem trâu, lợn đến chợ phiên trao đổi. Từ Khai Trướng, phía tây sông Ngàn Phố có đường thông sang phủ Lạc Biên. “Phủ này có núi Vụ Thấp (Vụ Quang - TG). Sử chép rằng, người Chân Lạp do núi Vụ Thấp vào cướp Nghệ An tức là núi này, trước có đồn Quy Hợp phòng thủ”[59].

Viết về 5 phủ kimi của tỉnh Nghệ An, Đại Nam nhất thống chí cho rằng, từ phủ Trấn Ninh đi 3 ngày thì đến nước Nam Chưởng, đi 10 ngày thì đến Vạn Tượng. Khảo cứu sách Ngũ Nam phong thổ ký của Ngô Cao Lãng, các sử gia triều Nguyễn viết: Cư dân phủ Trấn Ninh “sùng đạo Phật, tin ma quỷ... tìm được sa nhân, tê giác hoặc ngà voi thì đem nộp phủ, không phải nộp thuế khác nữa... Súc vật có nhiều ngựa, thả trong rừng, kể có hàng trăm; nuôi nhiều trâu và lợn, giá rất rẻ. Thổ sản thì có sắt sống, chì, diêm tiêu, lưu hoàng, cánh kiến, sa nhân, mật ong, sáp vàng”[60]. Bên cạnh đó, phủ Lạc Biên của Nghệ An “phía tây đến địa giới Xây Nha Bô Ly nước Vạn Tượng, phía nam đến địa giới man Ca San nước Xiêm La, phía bắc đến bờ sông Khung địa giới huyện Cam Linh, phủ Trấn Định, phía tây bắc đến thành Vạn Tượng đường đi 20 ngày, phía đông nam đến địa giới nước Xiêm La đường đi 1 ngày... đi về phía đông qua chùa Chuyên Nam, qua Mục Đa Hán và Nga Mãng Ô Pha Nga (tức Dã Mang) đến thẳng Cao Miên”[61]. Cũng theo các sử gia triều Nguyễn thì ở đây đất rộng, người thưa, cư dân nuôi nhiều trâu và voi, làm nghề nấu muối thu được nguồn lợi lớn[62].

Trong tác phẩm Dư địa chí, Nguyễn Trãi cũng cho biết: “Nước Chiêm, nước Xiêm, nước Chân Lạp có nhung phục. Đồ cống có đồi mồi, voi trắng, hoa chi, kiến chín tấc”[63]. Đó là ba linh vật, các triều thường dùng vào việc tế “Giao”. Trong nhận thức của ông, “Bây giờ, bộ lạc rất nhiều, ở đâu cũng có, đều gọi là “Lào”. Nhưng lấy vải sặc sỡ quấn mình, gọi cá kêu chim, canh rắn cơm voi, lánh mình ở chùa, phong tục tập đại khái giống nhau. Nước này có tê, voi, sáp trắng, vải lông, chiêng đồng tốt nhất”[64]. Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch từng ghi nhận: “Trong chân rừng lại có loại người Lạo, họ (không có nhà cửa), chỉ ở các bãi cỏ, nằm sương, không biết trồng trọt cày cấy, nhưng biết lấy củ nâu (vũ dư lương), bắt cá khe, bắn thú rừng làm thức ăn. Họ có vợ con, người khỏe mạnh, sống lâu và giỏi nghề bắn nỏ bằng tên tẩm thuốc độc. Họ thường đem các thứ trầm hương, sừng tê, ngà voi, gạc hươu đổi cho người dân thường của ta lấy các thứ đồ dùng”[65]. Các sản vật đó cũng thường được các sứ đoàn Chămpa, Chân Lạp, Ai Lao đem sang nước ta triều cống[66]. Việt sử lược cũng cho biết một thông tin quý diễn ra năm 1072 khi vua Lý Nhân Tông quyết định “Tha thuế vải sợi trắng của Chiêm Thành”[67]. Các nguồn tư liệu trích dẫn trên cũng cho thấy, cùng với ngà voi, răng voi, sừng tê, trầm hương, các loại hương liệu..., chắc chắn Đại Việt còn nhập về vải hoa, da thú, chiêng đồng từ Lào, Chân Lạp... Như vậy, có thể khẳng định rằng, song song với quan hệ bang giao - triều cống, giữa Đại Việt với các quốc gia khu vực còn thường xuyên có trao đổi, buôn bán. Thông qua các mối quan hệ đa dạng đó, nhiều sản phẩm đặc thù đã được đưa đến nước ta. Các hoạt động giao thương đó đã tạo thành tuyến giao thương thứ tư ở Nghệ - Tĩnh: Tuyến giao thương lục địa hayTuyến giao thương đông - tây. Tuyến giao thương này hình thành và trở nên thịnh đạt nhờ việc khai thác các nguồn tài nguyên của rừng núi, chạy xuyên qua các dãy núi miền tây, nối kết với các quốc gia láng giềng khu vực.

Như vậy, cùng với Tuyến giao thương cảng biển - cửa sôngTuyến giao thương nội thủy, Tuyến giao thương đại dương, hoạt động kinh tế của vùng Nghệ - Tĩnh còn có vai trò quan trọng của Tuyến giao thương lục địa, tạo nên mạch nối liên kết giữa biển với các vùng núi cao phía tây và các quốc gia láng giềng khu vực. Cùng với hoạt động của các tuyến giao thương nói trên, hoạt động của Tuyến giao thương lục địa đã tạo nên 3 đặc trưng cơ bản của trung tâm kinh tế Nghệ - Tĩnh thế kỷ XI-XIV là: Rộng lớn về quy mô; Đa dạng về nguồn hàng và có Tính chất khu vực nổi bật.

Trên một bình diện rộng lớn hơn, đặt trung tâm kinh tế Nghệ - Tĩnh trong mối liên hệ với các trung tâm kinh tế, cửa ngõ giao lưu quốc tế khác của quốc gia Đại Việt thời Lý - Trần chúng ta thấy, thời bấy giờ bằng nhiều con đường, cách thức khác nhau, chính quyền Thăng Long đã thiết lập được các Tuyến thương mại đường dài (Long distant trades) với nhiều quốc gia, khu vực ở châu Á[68] . Với vai trò điều tiết của kinh đô Thăng Long, trên cả nước đã thực sự hình thành một Hệ thống kinh tế đối ngoại gồm: 1. Vùng kinh tế biên giới phía bắc (giáp Trung Quốc với các chợ đường biên, bạc dịch trường); 2. Vùng kinh tế biển đảo đông bắc (mà trọng tâm là thương cảng Vân Đồn); 3. Hệ thống cảng biển – cửa sông vùng Nghệ - Tĩnh; và 4.Vùng kinh tế biên giới phía tây nam (giáp Lào, Chân Lạp, Chiêm Thành). Như vậy, Nghệ - Tĩnh là nơi gặp gỡ đồng thời cũng là địa bàn thường xuyên diễn ra các hoạt động của hai trong số bốn trung tâm hay tứ giác kinh tế đối ngoại của Đại Việt. Đó chính là điều kiện đồng thời là động lực để tạo nên một Chu trình hay Vòng luân chuyển hàng hóa vừa có tính chất vùng vừa mang tính chất khu vực rõ rệt. Có thể gọi đó là “Vòng luân chuyển thương mại Nghệ - Tĩnh” (Nghệ - Tĩnh commercial circle). Trên thực tế, Vòng luân chuyển này đã đem lại nhiều nhân tố mới, sinh lực phát triển trội vượt cho quốc gia Đại Việt.

3. Những dấu tích lịch sử và văn hóa

Vị trí biên viễn, nơi thường xuyên có những tiếp giao và xung đột chính trị, quân sự; giao lưu xã hội và văn hóa với các quốc gia khu vực đã để lại nhiều dấu tích trên vùng đất Nghệ - Tĩnh. Quá trình hình thành, phát triển của một trung tâm kinh tế trong suốt nhiều thế kỷ cũng để lại nhiều dấu ấn trên các phương diện: Lịch sử, Văn hóa, Khảo cổ học, Dân tộc học...

Để làm sáng tỏ hoạt động của các thương cảng vùng Bắc Trung Bộ, cùng với việc khảo cứu các tư liệu lịch sử thì công tác điều tra, khảo sát thực địa, khai quật khảo cổ học... luôn có vai trò quan trọng. Dấu vết gốm sứ khai quật được ở các vùng cửa sông Nghệ - Tĩnh cho thấy, ngay từ thế kỷ IX-X, các cảng vùng Bắc Trung Bộ đã tham gia vào mạng lưới thương mại khu vực[69]. Ở cảng Kẻ Gốm (cửa sông Cấm, huyện Nghi Lộc), vẫn xuất lộ những hiện vật gốm sứ men thời Lý - Trần và gốm men ngọc Trung Quốc thế kỷ XIV. Ở cảng Kỳ Hoa, địa điểm Khe Trong dưới chân núi Cao Vọng (được coi là cảng chính) cũng xuất lộ nhiều hiện vật gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc. “Kỳ Hoa thời Trần không phải chỉ là một cảng tiền tiêu của Đại Việt - bởi bên kia là đất Chămpa, mà còn là một thương cảng sầm uất cho tới thời Lê. Cồn Sành ở Tam Hải cũng giống Cồn Sành ở Bàn Hải, trên mặt cát trắng có vô vàn gốm sành, gốm men của thời Trần, thời Lê và cả gốm men ngọc của lò gốm Long Tuyền (Trung Quốc) nổi tiếng...”[70].

Tại một số địa điểm ở cảng Kỳ La, đặc biệt là di tích gò Thần Nông (nơi vua Chămpa là Bố Trì tức Suravarmandeva) từng trá hàng[71] vẫn thấy xuất lộ những hiện vật gốm sứ trong nước, khu vực có đặc tính tương tự. Những dấu tích còn lại cho thấy sự hiện diện với độ trù mật cao của của các hiện vật gốm thế kỷ XIII-XIV. Đó chính là những sản phẩm được sản xuất từ nhiều lò gốm sứ danh tiếng trong và ngoài nước như: Chu Đậu, Hợp Lễ, Tam Thọ… (Đại Việt); Long Tuyền, Cảnh Đức trấn, Đức Hoá, Hạc Sơn…[72]. Sự có mặt của các loại gốm men vàng xanh được sản xuất từ các lò nam Trung Hoa, gốm men trắng thời Tống, gốm men ngọc thời Nguyên; men ngọc, men lam thời Minh (1368-1644)... là những bằng chứng về một thời sôi động của hệ thống thương mại châu Á diễn ra trên vùng đất Nghệ - Tĩnh. Qua nghiên cứu khảo cổ học, có thể khẳng định rằng, các thương cảng vùng Nghệ - Tĩnh không chỉ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn mà còn là địa bàn trung chuyển hàng hóa của mạng lưới giao thương khu vực.

Cùng với gốm sứ, sự hiện diện của các loại tiền cổ trên khắp các địa phương đặc biệt là những vùng từng là lỵ sở của Diễn Châu, Hoan Châu (Nghệ An) cũng giúp chúng ta hiểu thêm về quy mô và mức độ hoạt động của trung tâm kinh tế đối ngoại Nghệ - Tĩnh. Tiền cổ đã được phát hiện ở Bụt Đà (Anh Sơn), Phủ Diễn (Diễn Châu), Lam Thành - Phù Thạch (Hưng Nguyên), Vĩnh Yên - Yên Trường (thành phố Vinh), khu vực thành Vạn An (xã Vân Diễn, huyện Nam Đàn - vốn là đế đô của Mai Hắc Đế); các vùng từng là trung tâm của các châu, phủ hay các khu thương mại, buôn bán như: Chợ Phủ (Hưng Nguyên), chợ Sa Nam (Nam Đàn), chợ Cồn, chợ Rộ, chợ Phuống, chợ Chùa (Thanh Chương), chợ Lường, chợ Trù (Đô Lương), chợ Bông, chợ Ú (Yên Thành) cùng nhiều địa điểm dọc lưu vực sông Lam. Tại các địa điểm này, các nhà nghiên cứu và cư dân địa phương đã tìm được một lượng lớn các loại tiền cổ của Đại Việt, Trung Quốc.

Ở Nghệ - Tĩnh, tiền “Thái Bình thông bảo” thời vua Đinh Tiên Hoàng (970-979) được tìm thấy ở nhiều địa phương từ Quỳnh Lưu đến Diễn Châu, Nam Đàn, Anh Sơn. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm được 5 loại tiền thuộc 4 đời vua triều Lý từ Lý Thái Tông (1042-1044) đến Lý Cao Tông (1205-1210) như “Minh Đạo nguyên bảo”, “Đại Định thông bảo”, “Chính Long nguyên bảo”... được phát hiện ở các huyện: Tân Kỳ, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn. Ba loại tiền “Nguyên Phong thông bảo” thời Trần Thái Tông (1225-1258) cũng đã được tìm thấy.

Các loại tiền cổ của Trung Quốc có niên đại sớm từ đồng “Ngũ Thù” triều Quang Vũ Đế (25-56) đến “Khai Nguyên thông bảo” thời Đường Cao Tổ (618-627), “Càn Nguyên trọng bảo” thời Ngũ Đại (907-960). Các đồng tiền đời Đường và thời Ngũ Đại được phát hiện chủ yếu trên địa bàn xã Hồng Long, Khánh Sơn (Nam Đàn) đến vùng chợ Rộ, Ngọc Sơn, chợ Phướng (Thanh Chương). Kết quả khai quật và khảo sát đã tìm được các loại tiền thời Tống từ đồng “Tống Nguyên thông bảo” đời Tống Thái Tổ (960-963) cho đến đồng “Gia Định thông bảo” đời Tống Minh Tông (1028-1225) được phát hiện trên địa bàn từ Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ với một số lượng lớn 26 loại tiền Tống còn khá nguyên vẹn. Ngoài ra, tiền đời Tống còn tìm được ở bãi đất bồi dọc sông Lam thuộc huyện Nam Đàn, Thanh Chương và Hưng Nguyên. Ở Lam Thành - Phù Thạch là nơi phát hiện được nhiều loại tiền thời Minh từ đồng “Hồng Vũ thông bảo” đời Minh Thái Tổ (1368-1399), đến “Vĩnh Lạc thông bảo” thời Minh Thành Tổ (1403-1425), “Tuyên Đức thông bảo” thời Minh Tuyên Tông (1426-1435)[73]. Gần đây, những loại tiền này được nhân dân phát hiện ngày một nhiều, có niên đại khá liên tục[74]. Sự hiện diện của các loại tiền cổ cho thấy sự thịnh đạt của kinh tế Đại Việt cũng như mối liên hệ rộng lớn, mật thiết giữa vùng Nghệ - Tĩnh với các cảng thị Trung Hoa và khu vực.

Đặc điểm của sự phân bố các loại tiền cổ Trung Hoa ở Nghệ - Tĩnh là tương đối rộng lớn nhưng có mức độ tập trung cao ở những địa bàn trọng yếu. Có thể cho rằng, song song với việc sử dụng tiền đúc trong nước, tiền nước ngoài cũng được lưu thông rộng rãi. Việc xuất lộ các loại tiền với số lượng lớn cho phép đoán định về khả năng nhiều thương nhân ngoại quốc từng đến Nghệ - Tĩnh buôn bán, lưu trú trong một thời gian dài. Hẳn là, họ đã trở nên giàu có và có nguồn vốn lớn[75]. Do có vai trò tích cực trong liên kết mạng lưới giao thương khu vực cũng như kỹ năng lựa chọn, lưu giữ hàng hóa và các thuật buôn bán... hoạt động của giới thương nhân ngoại quốc đã góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối nội, đối ngoại của Nghệ - Tĩnh. Kinh nghiệm và kỹ năng buôn bán đó vẫn được tiếp tục duy trì trong nhiều thế kỷ sau. Theo Đại Nam nhất thống chí, đến thế kỷ XIX, hoạt động giao lưu, buôn bán ở Nghệ - Tĩnh vẫn còn khá sôi động. Ở Nghệ An vẫn còn 59 chợ, 21 quán, 65 cầu đò hoạt động. Tỉnh Hà Tĩnh có 14 chợ, 15 quán, 31 cầu đò[76].

Trong các hoạt động giao thương trên vùng đất Nghệ - Tĩnh, giới Hoa thương từng đóng vai trò quan trọng. Vào thế kỷ XI-XIV, hẳn là nhiều thương nhân, thương đoàn đã thường xuyên qua lại tuyến thương mại vùng Hoa Nam - Đại Việt - Nghệ Tĩnh để rồi từ đó, cùng với thương nhân Việt và khu vực, thương nhân Trung Hoa lại tiếp tục luân chuyển hàng hóa đến các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Điều chắc chắn là, cùng với hàng hóa, họ cũng đã đem theo nhiều loại tiền Trung Quốc và các loại tiền đó cũng đồng thời được sử dụng trong trao đổi, buôn bán. Tuy chính sử không có nhiều ghi chép nhưng điều chắc chắn là, các hoạt động giao thương ở Nghệ - Tĩnh luôn được đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ của chính quyền trung ương cũng như địa phương.

Cùng với giới Hoa thương, các thương nhân khu vực Đông Nam Á cũng để lại những dấu ấn sâu đậm trong các hoạt động kinh tế, văn hóa Đại Việt - Nghệ Tĩnh. Sự hiện diện của Phan Ma Lôi (gia nô của Nguyễn Nộn), xuất hiện cuối thời Lý, đầu thời Trần là một hiện tượng rất đáng chú ý. Toàn thư chép: “Ma Lôi người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như thần”[77]. Phải chăng, nhờ có những “gia nô” tài giỏi, có tài dùng binh, chuyên buôn bán quốc tế như Ma Lôi mà Nguyễn Nộn có thể thao túng cả một vùng rộng lớn ở châu thổ sông Hồng? Thế lực của ông, khiến ngay cả danh tướng Trần Thủ Độ cũng hết sức lo ngại. Khi Nguyễn Nộn chết, Phan Ma Lôi ngầm phóng ngựa chạy trốn, không ai biết đi đâu. Có thể cho rằng, do chuyên qua lại buôn bán giữa các nước nên Ma Lôi đã rất thông thạo các tuyến giao thông khu vực. Cũng có quan điểm cho rằng, loại nón Ma Lôi mà Trần Khánh Dư yêu cầu cư dân, thương nhân ở Vân Đồn đội để phân biệt với người phương Bắc chính là loại nón có nguồn gốc từ Chămpa đưa tới.

Trên phương diện kinh tế - xã hội, nhìn chung Lý - Trần là những triều đại giàu thịnh. Toàn thư nhiều lần nhấn mạnh đến sự trù phú, nguồn lực dồi dào của ngân khố quốc gia. Nhờ đó, nhà nước đã có thể đầu tư những nguồn kinh phí lớn để phát triển hệ thống thủy nông, xây chùa, đúc chuông, tạc tượng. Thắng lợi của nhà Lý trong kháng chiến chống Tống và nhà Trần trong ba cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên cũng cho thấy tiềm năng kinh tế mạnh mẽ của các triều đại này. Mặt khác, phải thấy rằng, sự tăng trưởng vượt bậc của quan hệ giao thương quốc tế vào thời Trần, đặc biệt là sau khi những bão táp của lịch sử qua đi, là một trong những liệu pháp để chính quyền Thăng Long xoa dịu nỗi đau nhân thế, chấn hưng nền kinh tế dân tộc[78].

Mối quan hệ và tầm ảnh hưởng của các thương cảng Nghệ - Tĩnh nhất là với vùng hải cảng phía nam Hà Tĩnh thời Lý - Trần là rất mạnh mẽ. Sau thời kỳ khởi dựng Đinh, Lê, Lý đến thời Trần, Phật giáo càng phát triển, thể hiện sâu sắc tinh thần dân tộc. Là những triều đại tôn sùng Phật giáo, với vùng biên viễn, chính quyền Thăng Long đã tích cực truyền bá Phật giáo, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, các triều đại anh hùng muốn xây dựng, khẳng định bản sắc văn hóa riêng đồng thời tôi rèn ý thức dân tộc[79]. Theo truyền thuyết, vào thời Lý hai nhà sư nổi tiếng là Không Lộ và Giác Hải đã đến Diễn Châu, Hoan Châu truyền đạo[80]. Dấu ấn về một thời hưng thịnh của vùng Nghệ - Tĩnh còn được biểu hiện thông qua sự hiện diện của các địa danh, di tích, đền miếu... thời Lý - Trần được xây dựng ở hầu hết các vùng cửa biển, trị sở, danh thắng.

Ở Nghệ - Tĩnh, vẫn còn dấu tích của nhiều đền miếu thờ thần linh và những người có công chống giặc ngoại xâm, mở mang đất đai, bờ cõi. Đại Nam nhất thống chí viết về đền Uy Minh Vương (ở núi Quả, xã Bạch Đường, H. Lương Sơn): “Vương là con thứ tám của Lý Thái Tổ, tên là Nhật Quang, được phong Uy Minh Vương coi phủ Nghệ An, nhân dân và Man di đều tin phục, nước Chiêm Thành dâng cống”[81]. Nghệ An ký từng có những mô tả sinh động về đài Trang Vương, am Thánh Mẫu trên ngọn Hương Tích, núi Hồng Lĩnh, xây dựng vào thời Trần. Núi Bàn Độ ở xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Hoa còn sự tích vua Trần Duệ Tông trên đường bình Chiêm đã dâng cung nhân ngồi trên mâm vàng cho thủy thần. Hiện trên núi còn đền thờ “Chế thắng phu nhân” hay còn gọi là đền Bích Châu; về vùng núi Quy Lĩnh có núi Long, Lân, Phượng, Ngưu chầu lại. Đây chính là nơi vua Trần Anh Tông trên đường bình Chiêm đã đóng quân. Ở bến cửa Cờn, đức vua đã nằm mơ thấy Thần nữ. Nghệ An ký cũng viết về Đảo Áng hay vụng Hòn Én có núi vây ba mặt, khách đi biển gặp gió bão thường hay cho thuyền vào trú ẩn; về ngọn suối thiêng ở dãy Nam Giới nơi ghi lại huyền tích về Chử Đồng Tử - Tiên Dung lên đảo gặp tiên, tu hành đắc đạo và trại Định Phiên dựng thời vua Lý Thái Tổ[82]v.v...

Việt điện u linhcũng viết về đền thờ ba mẹ con phu nhân họ Triệu, là công chúa nước Nam Tống, trôi dạt đến cửa Càn Hải được cư dân lập đề thờ. Tương truyền, đền thờ rất hiển linh “Phàm những thuyền đi bể, gặp khi sóng gió nguy hiểm, kêu cầu đều được thoát nạn. Sau các nơi cửa bể đều lập đền thờ, đền nào cũng có tiếng thiêng”[83]. Khảo cứu các hiện tượng văn hóa đó chúng ta thấy, các đức tin, tôn giáo luôn là điểm tựa tâm linh nhiệm màu cho con người và các hoạt động kinh tế, văn hóa. Mặt khác, khi làm ăn phát đạt, người ta cũng có điều kiện hơn để tạ ơn các thần linh, xây dựng, trùng tu, tôn tạo các đền miếu. Do vậy, “có thể nói, thời Trần ở đâu có các cảng là ở đấy có chùa tháp - gần như đó là một quy luật. Ví dụ, ở các cảng thị ven biển Nghệ - Tĩnh, chùa được xây dựng ở Hòn Ngư (chùa Đảo Ngư), Kỳ Hoa, cửa Sót… Chùa tháp thời Trần không chỉ đóng vai trò hoằng dương Phật pháp, truyền bá văn hoá mà chắc chắn còn đóng vai trò như những vọng gác tiền tiêu cho các vùng cửa ngõ hướng biển của đất nước”[84].

Vào thời Lý, đặc biệt là thời Trần, sau khi những cơn bão táp của lịch sử qua đi, “tinh thần dân tộc được nâng cao trong thế kỷ XIII đã thổi một luồng sinh khí mới cho Phật giáo”[85]. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm là biểu tượng thiêng liêng của những giá trị phát triển mới về tư tưởng, chủ nghĩa yêu nước và những triết luận giàu đậm chất nhân văn về cuộc đời, thế sự. Trong suốt nhiều thế kỷ, nhiều thách thức khắc nghiệt của lịch sử, không ít những thăng trầm của dân tộc đã diễn ra trên vùng biên viễn phương Nam của Tổ quốc. Với cư dân Nghệ - Tĩnh, vùng đất quê hương là nơi trao truyền các sắc thái, đặc trưng văn hóa từ nhiều địa phương đồng thời là không gian hợp luyện các giá trị văn hóa dân tộc với văn hóa khu vực. Một số nhà nghiên cứu thường hay nhấn mạnh đến tính chất đặc thù, “thuần khiết” của không gian văn hóa Nghệ - Tĩnh với sông Lam - núi Hồng, Hoành Sơn - Nam Giới... Nhưng thực tế, bằng nhãn quan lịch sử và quan điểm Khu vực học (Area studies), chúng ta có thể hướng tới một cách tiếp cận đa diện và cũng thực tế hơn về tính lưỡng nguyên, đa nguyên; đan xen và chồng lớp của không gian văn hóa này[86].

Như đã trình bày ở trên, thời Lý - Trần, những người đứng đầu chính thể quân chủ thường xuyên đi kinh lý phương Nam. Trong một cuộc tuần du như vậy, vua Trần Duệ Tông đã kết hôn với bà Trần Thị Hào, con gái thổ hào Trần Công Thiệu ở Thổ Hoàng, Hương Khê. Vào thời Lý, đặc biệt là thời Trần, dấu ấn Thăng Long đã để lại sâu đậm trên nhiều miền đất xứ Nghệ. Toàn thư từng viết: “Trần Quốc Khang từng cai trị Diễn Châu, chọn con gái đẹp trong châu làm vợ lẽ, nàng hầu, nên các con thứ như Huệ Nghĩa, Quốc Trinh đều do các bà Diễn Châu sinh ra. Về sau, chức tri châu Diễn Châu đều do con cháu Quốc Khang làm cả. Đến khi dòng giống thiếu người nối dõi, mới dùng người trong châu làm chức ấy”[87].

Lịch sử nhà Trần cũng ghi lại một số quý tộc như Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải... có vốn tri thức và văn hóa sâu rộng về các quốc gia láng giềng khu vực. Các vị đó đều có thể thấu hiểu phong tục, thành thạo tiếng nói các “phiên”. Với Thượng tướng Trần Quang Khải, hẳn ông đã học ngôn ngữ của các quốc gia láng giềng khi được cử về trấn nhậm nhiều vùng đất trong đó có Nghệ An?[88]. Do vậy, không phải không có lý khi cho rằng: “Phong tục Nghệ An thuần hậu, tuy vốn nhờ ở sự tốt đẹp của khí chất con người nhưng cũng do chính thể của triều đình tạo nên”[89].

Cùng với các dòng di cư tự nhiên, quan hệ hôn nhân, trao đổi, buôn bán giữa cư dân vùng biên giới, trong các bước thăng trầm của quan hệ khu vực, đặc biệt là sau các cuộc chiến tranh, Đại Việt đã trở thành địa bàn định cư của nhiều lớp cư dân ngoại quốc. Toàn thư cho biết, chỉ riêng cuộc xung đột Việt - Chăm năm 1044, nhà Lý đã bắt hơn 5.000 tù binh, vua Lý Thái Tông đã “Xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang đến Đăng Châu (nay là Quy Hóa), đặt hương ấp phỏng theo tên gọi cũ của Chiêm Thành”[90]. Năm 1045, vua Lý Thái Tông cho chế xe Thái Bình lấy vàng trang sức “Bồng la nga” tức là cái bành voi của Chiêm Thành đóng voi để kéo. Năm 1046, vua Lý Thánh Tông còn dựng cung riêng cho các cung nữ Chiêm Thành[91]. Năm 1060, nhà vua còn “thân phiên dịch nhạc khúc và tiết cổ âm của Chiêm Thành, sai nhạc công ca hát”[92]. Thời Lý Cao Tông, đêm nào nhà vua “cũng sai nhạc công gảy đàn Bà lỗ, hát khúc hát theo điệu Chiêm Thành, tiếng nghe ai oán thảm thiết, tả hữu nghe hát đều rơi nước mắt”[93]. Cũng cần phải nói thêm rằng, vào thời Trần Dụ Tông (cq: 1341-1369) kinh thành Thăng Long còn chứng kiến một hiện tượng Hà Ô Lôi. Ô Lôi có nước da ngăm đen, vẻ đẹp dị thường, có tài ca hát, dẫn dụ... đã mê hoặc nhà vua đồng thời làm nao lòng biết bao vương phi, công chúa[94].

Đến thời Trần, văn hóa của các quốc gia láng giềng đã có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ đến Đại Việt. Năm 1374, vua Trần Duệ Tông phải “Xuống chiếu cho quân và dân không được mặc áo, chải đầu theo người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm, Lào”[95]. Vào đầu thế kỷ XV, sau kháng chiến chống Minh, hẳn là những ảnh hưởng văn hóa của các quốc gia láng giềng đến Đại Việt vẫn hết sức mạnh mẽ. Nguyễn Trãi từng cảnh báo: “Người trong nước không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước”[96]. Hiện nay, ở Nghệ - Tĩnh còn có nhiều ngôi chùa, đền miếu lưu giữ những dấu tích của văn hóa Chămpa, Lào[97]. Dọc theo các vùng ven biển, đặc biệt như các vùng cửa biển Nam Giới, Kỳ La... vẫn còn nhiều lớp cư dân gốc Bồ Lô sinh sống. Biển là môi trường sống đồng thời tạo nên dáng nét văn hóa của riêng họ. Trong lịch sử, cư dân Bồ Lô đã từ các quốc gia hải đảo tới, từ Chămpa sang, họ có tài làm muối, đánh cá, đi biển. Trải bao đời, người Bồ Lô đã giao hòa giòng máu, sinh hoạt kinh tế, văn hóa với người Việt và thực sự đã gắn bó với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đó là sự thực lịch sử và sự thực lịch sử đó đều có sự tham gia, đóng góp công sức đồng thời thể hiện tinh thần khoan dung, sáng tạo văn hóa của cư dân Nghệ - Tĩnh. Bằng nhiều nguồn tư liệu, có thể khẳng định rằng, vào thời Lý - Trần (và cả các triều đại sau đó), đã có một dòng chảy văn hóa từ châu thổ sông Hồng, kinh đô Thăng Long tràn về xứ Nghệ. Dòng chảy văn hóa đó đã hợp luyện với các giá trị văn hóa bản địa, văn hóa khu vực để tạo nên những sắc thái văn hóa riêng, điển hình của một truyền thống và không gian văn hóa Nghệ - Tĩnh.

4. Kết luận

- Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong nhiều thế kỷ chính quyền trung ương luôn có ý thức sâu sắc trong việc bảo vệ cương vực lãnh thổ, mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài. Là vùng biên viễn phía nam, Diễn Châu - Hoan Châu (Nghệ An) luôn dành được sự quan tâm cao độ của chính quyền Thăng Long. Là địa bàn tiền tiêu, giàu tiềm năng kinh tế đồng thời là một trong những điểm hội lưu của các tuyến giao thương trong nước, quốc tế, thời Lý - Trần vùng Nghệ - Tĩnh đã trở thành trung tâm kinh tế lớn, thịnh đạt. Trung tâm đó được tạo thành bởi nhiều nhân tố nhưng có vai trò hết sức quan trọng của các tuyến giao thương được thiết lập trên vùng đất Nghệ - Tĩnh. Các tuyến giao thương đó, mà trọng tâm là các cảng biển - cửa sông, đã tạo nên những trụ điểm trong tứ giác kinh tế đối ngoại của quốc gia Đại Việt đồng thời là đầu mối quan trọng trong hệ thống giao thương khu vực. Sự hiện diện của một hệ thống các cảng biển - cửa sông, các tuyến giao thương nội thủy, các tuyến đường vượt núi đến những quốc gia láng giềng... tất cả là những dấu tích lịch sử để có thể phác dựng lại quy mô, tầm mức hoạt động, vai trò của một trung tâm kinh tế lớn. Sự xuất hiện với mức độ cao thông tin trong các nguồn sử liệu, độ trù mật của các địa danh, kết quả của các cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học... là những chỉ báo quan trọng về lịch sử phát triển của một trung tâm kinh tế đối ngoại trọng yếu của quốc gia Đại Việt.

- Trước nay, khi nghĩ về Nghệ - Tĩnh, nhiều người thường cho rằng, đây là một vùng đất nghèo. Với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, đất dốc, châu thổ hẹp, cư dân chủ yếu canh tác trong môi trường nông nghiệp vùng khô. Nhưng qua các nguồn sử liệu, có thể hình dung về sự phồn thịnh của một vùng Diễn Châu, Hoan Châu xưa với những hoạt động giao thương trong nước, quốc tế sôi động. Với một hệ thống các cảng biển - cửa sông, các cảng Càn Hải, Hội Thống, cửa Sót (Nam Giới), Kỳ La đã nổi lên như là các thương cảng trung tâm, giữ vai trò điều phối, liên kết vùng, liên vùng. Vị thế địa chiến lược và tiềm năng của Nghệ - Tĩnh đã đem lại sự phồn vinh cho khu vực này. Bên cạnh đó, sự quan tâm và chính sách của chính quyền Thăng Long đã tiếp sức và nhân lên các tiềm năng của Nghệ - Tĩnh. Thời Lý - Trần, Nghệ - Tĩnh không chỉ là vùng đất kiên trung trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà còn là địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế đối ngoại, mở rộng cương vực lãnh thổ, thúc đẩy giao lưu văn hóa. Các thương cảng, tuyến giao thương đã tạo nên một phần diện mạo cho Nghệ - Tĩnh mà tiêu biểu là “Nền văn hoá cảng thị sông Lam”. Những dấu tích của vùng văn hoá sông Cả - sông La, Hoành Sơn – Nam Giới vừa mang đậm sắc thái văn hoá, kinh tế xứ Nghệ vừa biểu đạt quá trình, đặc trưng tiếp giao kinh tế, văn hóa của Đại Việt - Nghệ Tĩnh trong suốt dặm dài lịch sử[98].

- Về yếu tố xã hội, quan hệ giao thương diễn ra trên vùng đất Nghệ - Tĩnh là những hoạt động mang tính đa chiều, với nhiều nguồn hàng, nhiều thành phần xã hội tham gia. Tuy chưa có nhiều bằng chứng xác thực để khẳng định về sự xuất hiện của các tổ chức buôn bán lớn cũng như sự điều phối của giới cầm quyền, thương nhân chuyên nghiệp, có thế lực trong các hoạt động kinh tế nhưng qua những phân tích ở trên, vai trò và những hoạt động của họ là một khả năng thực tế. Hiện tượng giàu có như Trần Quốc Khang và gia tộc đã được lịch sử ghi nhận[99]. Uy lực của những thế lực cát cứ như Nguyễn Nộn - Phan Ma Lôi cũng đã một thời làm rung chuyển đời sống chính trị của kinh đô Thăng Long. Điều chắc chắn là, ở các cảng cửa sông, nơi đầu nguồn biên giới, qua mạng lưới các chợ, giới cầm quyền và doanh thương Việt đã có nhiều mối giao tiếp với các thương nhân Trung Hoa, Chămpa, Ai Lao, Chân Lạp... Các hoạt động kinh tế đó đã đem lại nguồn thu cho quốc khố, sự giàu sang cho giới chức cầm quyền cũng như một bộ phận cư dân sở tại. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các hoạt động giao thương ở Nghệ - Tĩnh cũng thấy xuất hiện độ chênh và sự không tương thích giữa các tộc người tham gia vào hoạt động kinh tế đối ngoại. Nhưng, vượt qua những bất đồng về ngôn ngữ, sự khác biệt về thành phần dân tộc, sắc tộc và thang bậc phát triển..., vì những mối lợi kinh tế và cũng vì nguồn sống, tất cả đều tự nguyện và bị cuốn hút vào “Vòng luân chuyển hàng hóa Nghệ - Tĩnh”. Vòng luân chuyển đó đã hoạt động, điều tiết theo những quy luật, cơ chế riêng của thời đại bấy giờ.

- Trải qua 4 thế kỷ, đến thế kỷ XV vì nhiều nguyên nhân, các thương cảng vùng Nghệ - Tĩnh có những biểu hiện suy thoái nhất định. Trước hết, do chủ yếu khai thác tiềm năng tự nhiên, không được xây dựng trên cơ sở nền kinh tế sản xuất thực sự vững chắc nên hoạt động giao thương của Nghệ - Tĩnh thiếu ổn định, bền vững. Trong khi đó, các nguồn lợi tự nhiên, lâm thổ sản ngày càng bị khai thác cạn kiệt và lệ thuộc vào thị trường cung cấp bên ngoài. Sự suy giảm của hệ thống thương cảng Nghệ - Tĩnh đã tác động không nhỏ đến các tuyến thương mại truyền thống. Theo đó, nhiều nguồn lợi từ biển, đặc biệt là mối quan hệ thương mại với Trung Quốc bị hạn chế do chính sách “cấm hải” của nhà Minh (1371-1567), đã khiến nhiều thuyền buôn Trung Hoa không thể đến vùng biển Nghệ - Tĩnh. Con đường ra biển trở nên không còn là nhu cầu bức thiết đối với các vương triều và giới thương nhân khu vực. Thêm vào đó, từ thế kỷ XIII, các vương triều Chân Lạp có xu hướng quay trở lại với nền tảng kinh tế nông nghiệp, không có những tham vọng mạnh mẽ mở rộng và duy trì mạng lưới thương mại như thời Suryavarman I (1002-1049) và một số vương triều sau đó[100]. Mối quan hệ với Chămpa, Chân Lạp ở vùng Nghệ - Tĩnh không còn được ghi chép nhiều trong chính sử. Hơn thế nữa, sự trỗi dậy của đế chế Majapahit (với tư cách là một cường quốc kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á thế kỷ XIV), đã làm suy yếu nhiều quốc gia khu vực như Miến Điện, Angkor, Đại Việt[101]. Tình trạng suy thoái của Chămpa sau sự kiện năm 1471 và đế chế Angkor đầu thế kỷ XV cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của hệ thống giao thương khu vực. Mặt khác, với Nghệ - Tĩnh, những điều kiện thuận lợi của vùng biên viễn cũng không còn nữa. Tất cả các nhân tố trong nước, quốc tế đó đã chi phối mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế đối ngoại của Đại Việt và Nghệ - Tĩnh. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVI-XVII, trong Thời đại hoàng kim của hệ thống giao thương châu Á, các thương cảng vùng Nghệ - Tĩnh lại có sự phục hưng và đóng vai trò tích cực trong các mối quan hệ khu vực[102].

Nhìn lại dòng chảy phát triển của lịch sử dân tộc, khảo cứu các hoạt động bang giao, giao lưu kinh tế, văn hóa... diễn ra trên cả nước cũng như ở các địa phương như Nghệ - Tĩnh, thật khó có thể cho rằng, Đại Việt là một quốc gia nông nghiệp hướng nội và trước sau các chính thể quân chủ Việt Nam chỉ theo đuổi tư duy nông nghiệp hướng nội. Lịch sử Việt Nam cần phải được tiếp cận, nhìn nhận đa diện hơn ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Là một thành viên của xã hội Đông Á, những cuộc chuyển mình lớn trong lịch sử Việt Nam đều gắn với những bước chuyển chung của các xã hội khu vực.


[1]  Bài viết tham gia Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ tư: “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển”, Hà Nội, tháng 11-2012.

[2]  Có thể xem các chuyên khảo về thương cảng Vân Đồn và quan hệ thương mại Đại Việt thời Lý - Trần trong: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG HN: Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb. Thế Giới, H., 2007; Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh: Di tích lịch sử - văn hóa thương cảng Vân Đồn, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2010.

[3]  Trong các chuyến khảo sát thương cảng vùng Bắc Trung Bộ những năm 1997-2003, các nhà nghiên cứu của Đại học nữ thục Chiêu Hòa (Nhật Bản), Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam (nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) và Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HN đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền các địa phương; các vị lãnh đạo, chuyên viên Sở Văn hóa - Thông tin, Ban Quản lý di tích, Bảo tàng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

[4]  Nguyễn Trãi: Dư địa chí; trong: Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Tập 2, Nxb, Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, H., 2001, tr.471. Tác giả cho rằng, vùng Hải Dương (Đông Bắc) là trọng trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn, đứng đầu phên dậu phía Đông; Sơn Tây là trấn thứ hai, đứng đầu phên dậu phía Tây; Sơn Nam là trấn thứ ba, đứng đầu phên dậu phía Nam. Trong đó, Thanh Hóa là phên dậu thứ hai và Nghệ An là phên dậu thứ ba ở phương Nam; Kinh Bắc là trấn thứ tư, đứng đầu phên dậu phía Bắc.

>[5]  Nguyễn Trãi: Dư địa chí, Sđd, tr.471. Xem thêm phần hiệu đính và chú thích của GS. Hà Văn Tấn, tr.553-559.

[6]  Xem Hà Văn Tấn (Cb.): Khảo cổ học Việt Nam, 3 Tập, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1998, 1999 & 2002; Đặng Duy Báu (Cb.) - Đinh Xuân Lâm - Phan Huy Lê - Hà Văn Tấn...: Lịch sử Hà Tĩnh , Tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000; Nguyễn Mạnh Thắng - Lê Ngọc Hùng - Chu Mạnh Quyền: Kết quả khai quật di chỉ Bãi Cọi lần 2 năm 2009-2010, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thông báo Khoa học năm 2011, H., 2011, tr.47-70.

[7] Năm 1069, sau khi Chiêm Thành dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính tương ứng với Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay cho nhà Lý và sau đó năm 1306, tiếp tục dâng 2 châu Ô, Lý cho nhà Trần, tuy biên giới phía nam của Đại Việt không còn là đất Nghệ - Tĩnh nữa nhưng đây vẫn là địa bàn chiến lược, nơi dự trữ, cung cấp quân lương đồng thời vẫn là mục tiêu tấn công chủ yếu của các thế lực khu vực.

[8] Kenneth R. Hall: Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, University of Hawaii Press, Honolulu, 1985, pp.169-193.

[9] Sakurai Yumio: Thử phác dựng cấu trúc lịch sử của khu vực Đông Nam Á (Thông qua mối liên hệ giữa biển và lục địa), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, 1996, tr.44.

[10]Sakurai Yumio: Thử phác dựng cấu trúc lịch sử của khu vực Đông Nam Á..., TL đã dẫn, tr.47.

[11]Kenneth R. Hall: Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, 1985, pp.184; Nguyễn Văn Kim: Văn minh và đế chế - Nhìn lại con đường phát triển của các quốc gia Đông Á, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2 (406), tr.3-19.

[12]Có thể xem các nguồn tư liệu Trung Quốc như: Tống sử, Nguyên sử, Minh sử lược, hay Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, 3 Tập, Nxb. Hà Nội, H., 2010; và các bộ sử Việt Nam như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư...

[13]Việt sử lược cho biết, chỉ 2 năm sau định đô ở Thăng Long, đích thân Lý Thái Tổ đã phải thân chinh đi đánh Diễn Châu, năm 1026 sai Thái tử Khai Thiên Vương (tức vua Lý Thái Tông) vào giữ yên châu Diễn. Năm 1031, vua Lý Thái Tông lại thân đi bảo vệ an ninh vùng Hoan Châu. Xem Việt sử lược (bản dịch của GS. Trần Quốc Vượng), Nxb. Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H., 2005, tr.76-77 & 80.

[14]Ngô Sỹ Liên và sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, Tập 1, H., 1993, tr.258. Hành dinh do trấn thủ Nghệ An là Uy Minh hầu Nhật Quang thiết lập, trông giữ. Đây chính là căn cứ hết sức quan trọng của nhà Lý trong các cuộc hành binh và bảo vệ biên giới phía nam. Do có công lao trong cuộc bình Chiêm năm 1044, mở mang đất đai, thiết lập các đơn vị hành chính, Nhật Quang được phong tước vương và được vua Lý Thái Tông hết sức sủng ái, tin dùng. Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.266.

[15]Việt sử lược, Sđd, tr.109.

[16]Tháng 4-1069, thời Lý Thánh Tông nhà vua sai Nguyên soái Lý Thường Kiệt đi chinh phạt phương Nam, bắt được Đệ Củ (Rudravarman III) ở biên giới Chân Lạp. Tháng 8-1131 khi Chân Lạp, Chiêm Thành đến cướp châu Nghệ An, vua Lý Thần Tông đã sai Thái úy Dương Anh Nhĩ đi đánh. Năm 1136, khi quân Chân Lạp lại đến cướp châu Nghệ An nhà vua đã sai Thái phó Nguyễn Công Bình đi chinh phạt. Mùa đông, tháng 11-1041 vua Lý Thái Tông cử Minh Uy hầu Nhật Quang đi coi châu Nghệ An. Năm 1073, nhà Lý lại cử thía sư Lý Đạo Thành vào làm tri châu Nghệ An. Năm 1131 vua Lý Thần Tông cử gián nghị đại phu Mậu Du Đô đến trấn nhậm châu Nghệ An. Đầu thế kỷ XIII cử người họ Lý là Lý Bất Nhiễm giữ chức châu bá Nghệ An. Tháng 11-1161 khi sai Tô Hiến Thành và Đõ An Di đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển tây nam, vua Lý Anh Tông thân đi tiễn đến cửa Thần Phù mới quay về. Năm 1203, thời vua Lý Cao Tông, Điện tiền chỉ huy sứ Đỗ Thanh đã được cử đi coi châu Nghệ An. Thời Trần, các quý tộc thân vương như Trần Quang Khải, Trần Quốc Khang đều được cử đến coi châu Nghệ An. Xem Việt sử lượcToàn thư, Sđd, ở các triều vua và niên đại nói trên.

[17]Tiêu biểu là trường hợp Lý Thường Kiệt. Ông không chỉ có công kháng Tống mà còn bình Chiêm. Do có nhiều công lao, ông được phong đến Phụ quốc thái phó, Thượng trụ quốc, Thiên tử nghĩa đệ, Thái úy. Thời Lý Huệ Tông, sau hai lần đánh tan quân Chiêm Thành, Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, châu bá là Lý Bất Nhiễm đánh tan được, tặng tước hầu, ban thực ấp 7.500 hộ, thực phong 1.500 hộ. Toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.337.

[18]Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.258.

[19]Momoki Shiro: Đại Việt và thương mại Biển Đông từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Tham luận trình bày tại Hội thảo lần thứ XIII của Hiệp hội Quốc tế các Nhà sử học châu Á, Đại học Sophia, Tokyo, 1994. In trong: Crossroads: An Interdisciplinary Journal of Southeast Asian Studies, Illinos University, 1998. Xem: Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN: Đông Á – Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử và hiện tại, Nxb. Thế Giới, H., 2004, tr.318.

[20]Có thể tham khảo nhiều công trình khảo cứu có giá trị trong: Ủy ban Nhân dân Tp. Hà Nội: Kỷ yếu Hội thảo khoa học “1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long”, Nxb. Thế Giới, H., 2009.

[21]John K. Whitmore: The Rise of the Coast: Trade, State and Culture in Early Đại Việt, Journal of Southeast Asian Studies, 37 (1), February 2006, pp.103.

[22]Nguyễn Văn Kim: Thương cảng Vân Đồn và quan hệ ngoại thương thời Lý, trong Nguyễn Quang Ngọc (Cb.): Vương triều Lý (1009-1225), Nxb. Hà Nội, H., 2010, tr.918-958; Tính hệ thống và quy mô của thương cảng Vân Đồn - Nhận thức về vai trò và vị thế của một thương cảng, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9 (401), 2009, tr.3-19.

[23]Theo Việt sử lược, có tất cả 45 lần Chămpa sang triều cống Đại Việt hoặc đi sứ sang Đại Việt, trong khi đó Đại Việt không một lần nào sang Chămpa. Nhưng theo Toàn thư, có tất cả 41 lần diễn ra quan hệ giữa Đại Việt và Chămpa. Trong đó, có 6 lần Đại Việt sang Chămpa. Không chỉ các sứ thần mà cả Thượng hoàng của nhà Trần cũng sang nước này. Như vậy, số lần Đại Việt sang Chămpa chiếm 14,6%. Trong khi đó Chămpa sang triều cống Đại Việt tới 35 lần, chiếm 85,4%. Thời Lý, Đại Việt sang Chămpa 2 lần, Chămpa sang Đại Việt 18 lần, chiếm tỷ lệ là 90%. Thời Trần, Chămpa sang Đại Việt 17 lần (chiếm 80,9%), số lần Đại Việt sang Chămpa nhiều hơn hẳn thời Lý, chiếm 19,1% và chiếm tới 66,7% trong suốt thời Lý - Trần.

[24]Nguyễn Văn Kim: Văn minh và đế chế - Nhìn lại con đường phát triển của các quốc gia Đông Á, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2 (406), tr.3-19.

[25]Nguyễn Thị Phương Chi - Nguyễn Tiến Dũng: Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần (thế kỷ XI-XIV); trong: Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb. Thế Giới, H., 2007, tr.433-452.

[26]Momoki Shiro: Đại Việt và thương mại Biển Đông từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, Sđd, tr.314-321.

[27]Trong công trình nghiên cứu của mình, học giả Wang Gungwu cho rằng: “Vào thế kỷ II sau Công nguyên, trong nỗ lực đầu tiên của người La Mã nhằm thiết lập các mối quan hệ hàng hải với Trung Quốc, hoàng đế Marcus Aurelius Antonius đã cử một phái đoàn sang Trung Hoa. Cống vật dân lên vua triều Hán gồm có ngà voi, sừng tê, đồi mồi. Tất cả những vật phẩm ấy đều là sản vật điển hình của miền Trung Việt Nam thời kỳ đó”, Xem G.Wang: The Nanhai Trade – The Early History of Chinese Trade in the South China Sea, Singapore – Times Academic Press, 1998, pp.2.

[28]Lê Tắc: An Nam chí lược, Nxb. Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H., 2002, tr.278.

[29]Lê Tắc: An Nam chí lược, Sđd, tr.280.

[30]Nguyễn Trãi: Dư địa chí, Sđd, tr.472.

[31]Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1993, tr.66.

[32]Lê Quý Đôn: Vân đài loại ngữ, Tập I, Nxb. Văn hóa, H., 1962, tr.156. Toàn thư cho biết, năm 1048 vua Lý Thái Tông sai tướng quân là Phùng Trí Năng đi đánh Ai Lao, bắt được người và gia súc rất nhiều đem về. Tiếp đó, năm 1159 “Ngưu Hống và Ai Lao làm phản, (Lý Anh Tông) sai Tô Hiến Thành đi đánh, bắt được người và trâu, ngựa, voi cùng vàng bạc châu báu rất nhiều”. Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.268 & 323. Theo GS. Nguyễn Đức Nghinh, giữa Đại Việt với Ai Lao có truyền thống buôn bán gia súc quy mô lớn. “Hầu hết các trung tâm buôn bán gia súc lớn đều tập trung ở Nghệ An và thị trường lớn nhất khu vực này là huyện Nghi Lộc. Gia súc có thể đã được vận chuyển bằng các loại bè từ Lào, dọc theo sông Cả để tới các thị trường nằm trên vùng duyên hải trước khi đưa đến châu thổ sông Hồng. Sau đó, bè lại đưa về những bình gốm cỡ lớn – sản phẩm đặc trưng được sản xuất ở châu thổ”. Xem Nguyễn Đức Nghinh: Markets and Villages, in “The Traditional village in Vietnam”, Prof. Phan Huy Le (Ed.) World Publisher, H., 1993, pp.324-325.

[33]Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.158.

[34]Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.156.

[35]Hồ Trung Dũng: Vị trí của Nghệ - Tĩnh trong hệ thống thương mại khu vực thời Lý - Trần, Khóa luận tốt nghiệp ngành Lịch sử, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN, H., 2008, tr.14.

[36]Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.196-207.

[37]Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1993, tr.131.

[38]Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.199.

[39]Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb. Thuận Hóa - Huế, 1997, tr.181.

[40]Hà Văn Tấn (Cb.): Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2002, tr.116.

[41]Trịnh Cao Tưởng: Nghiên cứu khảo cổ học một số thương cảng cổ vùng biển miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ IX – XVII, Đề tài khoa học cấp Uỷ ban, Viện Khảo cổ học, 2002.

[42]Li Tana: A View from the sea: Perspectives on the Northern and CentralVietnamese Coast, in Journal of Southeast Asian Studies’, 37 (1), pp.86-87.

[43]Xem Sakurai Yumio: Thử phác dựng cấu trúc lịch sử của khu vực Đông Nam Á (Thông qua mối liên hệ giữa biển và lục địa), TL đã dẫn, tr.41.

[44]Việt điện u linh viết: “Khi đó, Thái Tông muốn đánh Chiêm Thành sai Vương (Lý Hoảng, con thứ tám của Lý Thánh Tông - TG) làm một hành doanh gọi là trại Bà Hòa, cốt sao cho được hiểm trở, kiên cố, bốn mặt đào hầm sâu đắp lũy cao, ở trong trại đất rộng có thể chứa được ba bốn vạn quân, kho tàng tiền lương đủ dùng ba năm.Đến khi vua đi đánh phương Nam quả nhiên thắng to”. Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh, Nxb. Văn học, H., 2001, tr.60.

[45]Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hóa - Huế, 1997, tr.114. Xem thêm Hà Mạnh Khoa: Sông đào ở Thanh Hóa (thế kỷ X - thế kỷ XIX), Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2002.

[46]Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr.13.

[47]Đặng Duy Báu (Cb.)...: Lịch sử Hà Tĩnh, Sđd, tr.135.

[48]Momoki Shiro: Đại Việt và thương mại Biển Đông từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, Sđd, tr.316.

[49]Nguyễn Văn Kim - Nguyễn Mạnh Dũng: Truyền thống và hoạt động thương mại của người Việt – Thực tế lịch sử và nhận thức; trong: Người Việt với biển, Nxb. Thế Giới, H., 2011, tr.116.

[50]Cùng với sự cướp bóc thường xuyên của Chiêm Thành, tháng 1-1128 Chân Lạp đã huy động 2 vạn quân đến cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Tiếp đó, tháng 8 Chân Lạp lại huy động 700 chiếc thuyền đến cướp hương Đỗ Gia (Hương Sơn), Nghệ An. Tháng 8-1132, Chămpa và Chân Lạp lại cùng đến cướp châu Nghệ An... Đó là những cuộc tấn công quy mô lớn. Xem Toàn thư, Tập 1, Sđd, tr. 264, 299-301 & 306.

[51] Nguyễn Trãi: Dư địa chí, Sđd, tr.476.

[52] Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.84-85.

[53] Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.100.

>[54] Đặng Duy Báu (Cb.)...: Lịch sử Hà Tĩnh, Sđd, tr.133-134.

[55] Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.119-120.

>[56] Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.134-135.

[57]Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.65.

[58]Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.65.

[59]Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.153-154.

[60]Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.132.

[61] Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.142-143.

[62] Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.144.

[63] Nguyễn Trãi: Dư địa chí, Sđd, tr.476.

[64] Nguyễn Trãi: Dư địa chí, Sđd, tr.472.

[65] Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.66.

[66] Toàn thư chép: Mùa xuân, tháng 2 năm Đinh Mùi (1067) “các nước Ngưu Hống, Ai Lao dâng vàng bạc, trầm hương, sừng tê, ngà voi và các thứ sản vật địa phương”. Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.274.

[67]  Việt sử lược, Sđd, tr.99.

[68]  John Stevenson and John Guy: Vietnamese Ceramics in International Trade; in: Vietjnamese Ceramics – A Separate Tradition, Art Media Resources with Avery Press, pp.47-60.

[69]  Đương nhiên, gốm sứ không phải là mặt hàng duy nhất trong các sản phẩm giao thương. Các sản phẩm khác như sừng tê, ngà voi, trầm hương, hương liệu, tơ lụa… rất khó duy tồn trong các di chỉ khảo cổ học. Do vậy, gốm sứ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu các thương cảng, quy mô và tính chất của nó.

[70]  Trịnh Cao Tưởng: Trở lại Kỳ Ninh; trong: Một chặng đường tìm về quá khứ, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2007, tr.701.

[71]  Thời Lý Cao Tông, vua Chămpa là Bố Trì (Suryavarmadeva) lấy cớ bị chú là Văn Bố Điền (tức Ong Dhanapatigrama) đuổi, đã đem vợ con đến ngụ ở cửa biển Cơ La (Kỳ La). Mặc dù đã được Đàm Dĩ Mông và Đỗ An (do vua Lý cử về) khuyến cáo nhưng do chủ quan, thiếu phòng bị, các tướng cầm quân ở Nghệ An là Thanh và Diên đã bị trúng kế giặc. “Quân Nghệ An tan vỡ, chết không kể xiết. Bố Trì thả sức cướp bóc rồi về”, Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.331-332.

[72]  Trịnh Cao Tưởng: Nghiên cứu khảo cổ học một số thương cảng cổ vùng biển miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ IX - XVII, TL đã dẫn, 2002. Tham khảo thêm John S. Guy: Vietnamese Ceramics and Cultural Indentity: Evidence from the Ly and Tran Dynasties in: Precious Metal in the later Medival and Early Modern Worlds, J.F. Richards, Carolina Academic Press, 1998.

[73]  Nguyễn Quang Hồng - Đào Tam Tĩnh: Những phát hiện bước đầu về các loại tiền cổ ở lưu vực sông Lam; trong: Những phát hiện mới về Khảo cổ học, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2000, tr.693-694.

[74]  Vũ Kim Anh: Sưu tập tiền cổ ở Bảo tàng Nghệ An; Hoàng Văn Khoán: Sưu tập tiền trong mộ thuyền Can Lộc (Hà Tĩnh); Nguyễn Thị Ánh Hòa: Những cổ vật phát hiện ở xóm Chuyền (Nghệ An); trong: Những phát hiện mới về Khảo cổ học, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2004, tr.724-726., tr.727 & 726-727.

[75]  Nghệ An ký cho biết một thông tin: ở núi Lam Thành, xã Phú Điền, huyện Hưng Nguyên, ở lưng chừng núi có miếu Tuyên Nghĩa, “Cạnh miếu có một cái ao. Tương truyền đó là chỗ người Tàu giấu của. Trâu đầm bùn ở ao ấy thỉnh thoảng có những đồng tiền dính ở lông”, Nghệ An ký, Sđd, tr.118-119.

[76]  Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.183-187 & 102-104.

[77]  Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr.11-12.

[78]  Có thể xem Trương Hữu Quýnh: Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI-XVIII, 2 tập (Tập 1, thế kỷ XI-XV), Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1982; Nguyễn Thị Phương Chi: Thái ấp - điền trang thời Trần thế kỷ XIII-XIV, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2002; Kinh tế, xã hội thời Trần (Thế kỷ XIII-XIV), Nxb. Giáo Dục, H.,2010.

[79]  Viện Sử học: Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1981.

[80]  Đặng Duy Báu (Cb.)...: Lịch sử Hà Tĩnh , Sđd, tr.125.

[81]  Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.189. NNC Đoàn Anh Tuấn, Bảo tàng Nghệ An cho biết, cùng với tượng Mai Hắc Đế và Lê Khôi, tượng Uy Minh Vương được coi là một trong ba pho tượng quý của Nghệ An. Đó là một pho tượng đẹp, có dáng vóc uy nghi của một vị Thánh. Pho tượng được làm bằng gỗ trầm hương, có niên đại khá sớm. Xem: Những phát hiện mới về Khảo cổ học, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2004, tr.487.

[82]  Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.93, 148, 152, 160 & 184. Đền Cờn ở Nghệ An được xây bên bờ biển, tiện giao thông thủy bộ. Đền là chứng tích lịch sử quan trọng, là nơi hai vua Trần Anh Tông và Lê Thánh Tông trên đường Nam chinh đã dừng chân. “Nhà ca vũ” của đền là một công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo. Đến nay, dân gian vẫn truyền tụng câu ca: “Nhất đền Cờn, nhì đền Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trung”. Bảo tàng Nghệ An đã sưu tầm được 3 đạo sắc thời Lê Trung Hưng tại đền. Xem Lê Phương Thìn: Các đạo sắc và lệnh chỉ tại đền Cờn (Nghệ An); trong: Những phát hiện mới về KCH, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2003, tr.636-637.

[83]  Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh, Sđd, tr.132-133.

[84]  Trịnh Cao Tưởng: Nghiên cứu khảo cổ học một số thương cảng cổ vùng biển miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ IX- XVII, Đề tài khoa học cấp Uỷ ban - Viện Khảo cổ học, 2002.

[85]  Hà Văn Tấn: Đến với Lịch sử, văn hóa Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2005, tr.290.

[86]  Nguyễn Đổng Chi: Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb. Nghệ An, 1995. Nguyễn Thừa Hỷ: Văn hóa Việt Nam truyền thống - Một góc nhìn, Nxb. Thông tin và Truyền thông, H., 2011. Dẫn lại nhận xét của GS. Đặng Thai Mai, trong cuộc song thoại với GS. Ninh Viết Giao, GS. Trần Quốc Vượng từng ghi lại những khác biệt nhất định trong tính cách của người Nghệ An và Hà Tĩnh: “Nghệ đậm chất “ông đồ” hơn, Tĩnh đậm chất “quan” hơn. Nghệ đậm chất “nông dân” hơn, Tĩnh đậm chất “buôn bán” hơn. Mà nói cho anh biết, dân Nghệ Tĩnh biết buôn bán lắm đấy, rất dễ thích nghi với cơ chế thị trường hôm nay”. Xem Trần Quốc Vượng: Hà Tĩnh từ xa xưa và nhìn từ Hà Nội; trong: Theo dòng lịch sử - Những vùng đất, thần và tâm thức người Việt, Nxb. Văn hóa, H., 1996, tr.422.

[87]Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr.78.

[88]Nguyễn Văn Kim: Thế ứng đối văn hóa với các quốc gia khu vực qua hành trạng, tâm thức của một số quý tộc thời Trần; trong: Việt Nam trong thế giới Đông Á – Một cách tiếp cận liên ngành và khu vực học, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2011, tr.107-155.

[89]Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.215.

[90]Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.267. Trấn Vĩnh Khang thuộc địa giới huyện Tương Dương (Nghệ An), còn Đăng Châu thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái hiện nay. Một số các hương ấp này liên quan đến “Những nhóm tộc người gốc Chămpa tại An - Tĩnh” đã được nhà nghiên cứu người Pháp Hippolyte Le Breton khảo cứu . Xem Hippolyte Le Breton: An - Tĩnh cổ lục (Le Vieux An – Tĩnh), Nxb. Nghệ An - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H., 2005, tr.191-192.

[91]Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.267-268. Thời vua Lý Thái Tông, trong trận bình Chiêm năm 1044, trên đường trở về, “Khi đến hành điện Ly Nhân, sai nội nhân thị nữ gọi My Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. My Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong làm Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân”. Về sau, tháng 10-1154 vua Chămpa là Chế Bì La Bút dâng con gái, vua Lý Anh Tông đã tiếp nhận, Toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.267 & 321.

[92]Việt sử lược, Sđd, tr.93.

[93]Việt sử lược, Sđd, tr.165.

[94]Viện Văn học: Truyện Hà Ô Lôi; trong: Thơ văn Lý - Trần, Tập 3, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1978, tr.618-622. Có thể xem thêm các bài khảo cứu của Tạ Chí Đại Trường, Kiều Thu Hoạch, Chu Xuân Giao... về câu truyện - điển tích đặc biệt này.

 [95]  Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr.158.

[96]  Nguyễn Trãi: Dư địa chí, Sđd, tr.481.

[97]  Các dấu tích văn hóa Chămpa có thể thấy ở tượng “Thần chiến tranh” (Skanda) ở chùa đền Đức Ông, Phường Hồng Sơn, Tp. Vinh và chùa Phong Nhạn, H. Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Văn hóa Lào có thể tìm thấy ở chùa Bản Nhẫn, xã Thạc Giám, H. Tương Dương hay tháp Xốp Lợt, xã Mỹ Lý, H. Kỳ Sơn, Nghệ An... Xem: Những phát hiện mới về KCH, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1995, tr.288; 2001, tr.815-816; 2003, tr.458-459.

[98]  Nhà Khảo cổ học Trịnh Cao Tưởng từng khẳng định: “văn hoá cảng thị Hà Tĩnh có hai đặc điểm lớn: một là sự hình thành một sắc thái văn hoá mang đặc điểm riêng của xứ Nghệ, thể hiện khá rõ ở Nghi Xuân trên nền tảng một nền kinh tế cảng thị đã tạo ra nhiều giá trị vật chất và tinh thần đặc sắc bên bờ của nó và các làng nghề như gốm Cổ Đạm, bán buôn Giang Đình; hai là văn hóa cảng thị Hà Tĩnh là sự giao thoa của các nền văn hoá khác nhau: Việt - Chăm (cửa Nhượng), Việt - Hoa (Phù Thạch) và cả Việt - Nhật (Triều Khẩu). Xem Nghiên cứu khảo cổ học một số thương cảng cổ vùng biển miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ IX – XVII, TL đã dẫn, 2002.

[99]  Trần Quốc Khang là em ruột vua Trần Thái Tông, tước Tĩnh Quốc đại vương. Năm 1269, làm Vọng Giang phiêu kỵ đại tướng quân, có lẽ cũng năm này được cử vào làm trấn thủ Diễn Châu.Ông đã cho xây dựng nhiều phủ đệ lộng lẫy quá mức, sợ vua nghi, phải tô tượng Phật để thờ.

100]. Về sự hưng thịnh và suy vong của mạng lưới thương mại của quốc gia Chân Lạp từ sau đời vua Suryavarman I, có thể xem phần Suryavarman I and Khmer Commercial Expansion; trong: Eleventh Century Conmercial Developments in Angkor and Champa (in Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, Kenneth R.Hall, University of Hawaii Press, 1985.

[101]. Victor Lieberman: Maritime influences in Southeast Asia, c.900-1300: Some further thoughts, Journal of Southeast Asian Studies, 41 (3), 2010, pp.531.

[102]Một số cảng lớn vùng Nghệ - Tĩnh đã phục hưng trở lại trên một số địa điểm như cảng Hội Thống trên địa điểm Xuân Giang, Xuân Phố, Phục Lễ... Cùng với thuyền buôn Trung Hoa, các đoàn thương thuyền Nhật Bản cũng đến đây buôn bán. Tuy nhiên, sự phục hưng này cũng chỉ mang tính tương đối, vì đến thế kỷ XVI-XVII, trung tâm thương mại Đại Việt đã được thiết lập ổn định trên vùng duyên hải châu thổ sông Hồng với sự thịnh đạt của Vân Đồn, Hải Ninh, Phố Hiến và trung tâm Thăng Long nổi tiếng.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528481

Hôm nay

2137

Hôm qua

2291

Tuần này

2754

Tháng này

215177

Tháng qua

0

Tất cả

114528481