Đất Nghệ

Tục cúng thần cây thuốc của người Thái Nghệ An

Ông Vi Đình Văn, một trong những thầy lang ở Bản Chiếng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong vẫn duy trì tục cúng thần cây thuốc. (Trong ảnh: Ông Văn đang giới thiệu quy trình làm thuốc với cán bộ Ban Quản lý Di tích của tỉnh. Ảnh: Ngô Lâm)                                          

1.

Môi trường sinh sống của người Thái là núi rừng, thung lũng, sông suối… Để chữa bệnh, người Thái đã dựa vào “đặc tính” của cây cỏ xung quanh mà “thu hái” chúng về làm thuốc. Quá trình nhận ra “đặc tính” quý đó của “cây cỏ” (thân, lá, vỏ, rễ, chồi, giây, nhựa…) ấy phải trải qua hàng ngàn năm. Và người ta “lưu truyền” tri thức về chúng (các loại cây thuốc) bằng “truyền khẩu”, nhớ nhập tâm, đúc kết thành tục ngữ, v.v... Trong mỗi bản, thế nào cũng có vài người biết thuốc chữa các bệnh đơn giản (cảm mạo, nhức đầu, sổ mũi, đau bụng, v.v...). Vài bản thì có người biết chữa các bệnh “nan y” (gẫy xương, cổ trướng, vàng da, v.v...). Ta hãy hình dung ngày xưa chưa có bệnh viện thì “tất cả các bệnh” của con người đều phải “dựa” vào thuốc cỏ cả! Người “học nghề thuốc” bài bản, có ghi chép, có tích lũy là ông/bà Mo. Thầy Mo Thái không chỉ “khài cúng” mà còn “lấy thuốc chữa bệnh” cho người (con bệnh). Khi già yếu, “thầy” muốn “truyền lại” nghề thuốc cho ai thì còn phải “xem” người đó có “phí tư” (thần nhập) hay không. Có khi “thầy” không “truyền” cho con trai, cháu trai, mà lại “truyền” cho con dâu! Tôi không biết nói gì ở đây, vì đó là “điều bí ẩn” (tôi đã cố gắng nhiều năm tìm hiểu nhưng các thầy Mo không tiết lộ).

2.

Núi rừng, cây cỏ nước ta hết sức đa dạng, phong phú. Cây cỏ có đặc tính “thuốc” cũng không phải là ít. Đây, thầy thuốc “Chộp lấy thuổng lưỡi dài ‘bố yêu’ lại đào/Dao lưỡi trơn lưỡi thẳng lại chặt/Đi kiếm 30 giống thuốc cỏ/50 giống thuốc lá/22 giống thuốc cây” (Chặp âu xiềm côm nhạo pỏ kinh ma dẳng/Pạ côm kiềng côm thẳng ma phăn/Páy to âu xám xíp phăn hặc nhà/Hà xíp phăn hặc tóng/Xao xóng phăn hặc mạy)(1).

Phải trèo đèo, lội suối… mới tìm được cây thuốc. Phải tốn sức, tốn công mới lấy được “vật quý”. Tục ngữ Thái có câu: “Cây thuốc ở chỗ dốc/Bạc vàng ở nơi sâu” (Hặc mạy dủ tỉ chăn/Ngân căm dủ tỉ lậc). Hoặc: “Bạc vàng ở chỗ khó/Cây thuốc ở chỗ dốc” (Ngân căm dủ tỉ nhạc/Hặc mạy dủ tỉ chăn). Mỗi lần vào rừng hái thuốc, người đi phải làm lễ xin lấy thuốc trước bàn thờ, mong gia tiên và Thần cây thuốc cho phép vào rừng hái được cây thuốc tốt. Khi vào rừng, gặp cây thuốc, người hái phải đi 3 bước chân về phía cây, đọc lời khấn xin, sau đó mới được lấy thuốc. Thuốc chỉ được hái với số lượng vừa đủ, không hái quá nhiều, không được dự trữ, để ai cũng được hưởng lộc của rừng và cũng để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng. Nếu người hái ‘không nghe lời’ (vi phạm luật trời) sẽ bị thần (núi, rừng) quở trách (làm hại)”(2).

Người Thái quan niệm có thần núi (phí pu), thần rừng (phí pả), thần cây (phí mạy)… Cho nên, trước khi hái thuốc phải “khấn xin” là “nghi thức bắt buộc”. Còn ở nhà, trước khi đi, “phải làm lễ xin lấy thuốc trước bàn thờ, mong gia tiên và thần cây thuốc cho phép vào rừng hái được cây thuốc tốt”(3). “Việc thờ cúng thần cây thuốc được thực hiện trong phạm vi từng gia đình. Thần được thờ trang trọng trên bàn thờ chung với gia tiên. Dù không có ngày cúng riêng nhưng vào các dịp lễ, tết, hay buộc vía, mừng nhà mới, v.v… bên cạnh mâm cúng tổ tiên, bắt buộc phải có mâm cúng thần cây thuốc”(4). Đó là trường hợp những thầy thuốc “bình thường”, chứ đối với thầy Mo thì phải lập một bàn thờ riêng, thường là ở gian ngoài của nhà sàn, bên trên, góc phía trong (tiếp giáp với buồng chủ nhà), góc phía ngoài là bàn thờ gia tiên. Người ta đan một liếp nứa, quây lại hình ống, trang trí bằng “hoa” (làm bằng những kén tằm nhuộm đủ màu sắc) rất đẹp. Bàn thờ/nhà thờ ấy gọi là “lầu vàng” (hó căm). Thần cây thuốc [tiếng Thái gọi là “phí hặc mạy”; từ “hặc mạy” (cây thuốc) đừng nhầm với từ “hạc mạy” (rễ cây)] có nhiều, như: Nhả tá đanh (bà mắt đỏ), Nhả tá bè (bà mắt dê), Nhả chưa mươi (bà dây đười ươi), Nhả chưa lẹ (bà dây “mạc lẹ”), Nhả chưa đưa khả (bà dây cựa gà), v.v… Thần cụ thể ở đây là “nữ thần” (bà). Những “nữ thần” này lại có chung một “thủy tổ” ở Mường Trời là “Then mênh dây” (dịch ra là “Then ong bắp cày”; “Then” đối với người Thái như “ông trời/ngọc hoàng” đối với người Kinh). Then mênh dây có nhiệm vụ/chức năng “cấp thuốc” cho người ở dưới trần gian (trong lễ cầu tự): “Hãy gọi Then mênh dây là người thầy thuốc/Lấy được nước thuốc phép nhà Then/Nước thuốc ‘số mệnh’ nhà bố chủ (Then)/Nước 9 ống nhà trời, thuốc làm người đẹp/Đem đổ 3 hớp vào miệng (bé con)/Đổ 3 giọt vào mồm” (Họng há thén mênh dây pến xay hặc mạy/Âu đày nặm giá lọc hươn thén/Nặm giá nen pỏ chầu/Nặm cầu bằng hươn hạ giá lực côn ngam/Ma nhừa xám dách xở pạc/Nhừa xám dạt xở xốp)(5). “Lễ vật của mâm cúng gồm: gà, bánh chưng, váy, áo, khăn, bạc. Mâm lễ đặt ngay ngắn trên bàn thờ, chủ nhà - cũng là người hành nghề bốc thuốc bắt đầu làm lễ cúng. Nội dung lời cúng như sau: “Hôm nay là ngày lành tháng tốt, tổ tiên gia chủ đã thụ hưởng lễ vật. Đến lượt  để tưởng nhớ công ơn của thần thuốc, gia đình có mâm cơm gồm có gà, bánh, áo váy, tiền bạc, xin tạ ơn các vị thần thuốc, mong các vị về hưởng lễ vật và phù hộ cho nghề thuốc của gia đình”(6). Trong lễ chẵn tháng của đứa trẻ thì mâm cúng nhất thiết phải có cá nướng và phải có nồi thuốc cỏ rót ra để mời bà con đến “mừng cháu nhỏ” cùng uống với gia đình: “Đem dọn ra bữa ‘cơm chay’ thết ‘khách vàng’ (thần thuốc)/Mo mường đến giữa nhà cúng cơm/Mo già đến giữa gian cúng mâm trưa/Đến mời ‘quý khách’ (thần thuốc) ăn đủ mặt/Đến mời các ‘con trời’ (thần thuốc) ai cũng được ăn/Ra uống 30 giống thuốc cỏ/50 giống thuốc lá/22 giống thuốc cây” (Ma tảnh khầu cánh hạnh hờ khạch lướng căm/Mó mương ma cáng hông xảnh khầu/Mó thầu hầu cáng quàn xảnh mủ pa ngai/Ma hỉnh pít hỉnh pái ky củ húa nà/Xía hỉnh tiềng lực phạ ky củ húa côn/Ọc ky xám xíp phăn hặc nhà/Hà xíp phăn hặc tóng/Xao xóng phăn hặc mạy)(7).   

3.

Cúng thần cây thuốc trước hết là thể hiện lòng biết ơn của con người đối với cây. Đó là cách ứng xử văn hóa đối với môi trường sinh thái. Cúng thần cây thuốc còn chứng tỏ con người “cần sự trợ giúp của thần linh” trong việc chữa bệnh (để làm tăng hiệu quả chữa bệnh). Nó “thần bí hóa” phần nào việc hái thuốc của thầy thuốc Thái (trong đó có thầy Mo) ở miền núi. Đó là một nét tín ngưỡng “xưa” còn lại trong thời hiện đại này, một nét “văn hóa dân tộc” độc đáo. 

 

Chú thích

(1) La Quán Miên (2010), Hày xổng phí (Khóc tiễn hồn), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 79 và 257.           

(2) Lâm Thy - Linh Nhâm, Tục cúng thần cây thuốc của người Thái ở Hạnh Dịch (Quế Phong)/ https://tapchisonglam.vn/tuc-cung-than-cay-thuoc-cua-nguoi-thai-o-hanh-dich/ Truy cập ngày 13/7/2023

(3) Lâm Thy - Linh Nhâm, Bđd (nt).

(4) Lâm Thy - Linh Nhâm, Bđd (nt).

(5) Quán Vi Miên (2010), Mường Bôn huyền thoại, Nxb Lao động, Hà Nội, tr. 39 và 98.

(6) Lâm Thy - Linh Nhâm, Bđd (nt).

(7) La Quán Miên, Hày xổng phí, Sđd, tr. 80, 81 và 258, 259.

Tài liệu tham khảo

(1) Lương Thị Đại, Lò Xuân Hinh (2006), Khi đứa trẻ dân tộc Thái ra đời, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

(2) Nhiều tác giả (1992), Kỷ yếu Hội thảo Thái học lần I (1991), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

(3) Nhiều tác giả (1998), Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

(4) Cầm Trọng - Phan Hữu Dật (1995), Văn hóa Thái Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

(5) Đặng Nghiêm Vạn (2001), Dân tộc Văn hóa Tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

(*) Huyện Con Cuông, Nghệ An

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476