Người xứ Nghệ

Cô Nhẫn, một ngôi sao trong làng hát ví Hà Tĩnh

Hà-tĩnh có núi Hồng sông Lam, có Nguyễn-Du với Truyện Kiều, Nguyễn-huy-Tự với Hoa-tiên, lại có hát dặm, hát ví nữa. Quyển “Hát dặm Nghệ-Tĩnh” trước đây của bạn Nguyễn Đổng chi, và quyển “Hát ví Nghệ-Tĩnh” của bạn Chung Anh gần đây, đã giới thiệu được một phần hình thức và nội dung của bộ môn dân ca ấy.

Riêng trong kho tàng hát ví: “Ví đò đưa” đã làm cho con sông La trăng nước êm đềm, có thêm một hồn sống lành mạnh”. “Ví phường vải” đã quyện hòa tình cảm của gái lịch trai thanh, của các tài tử văn nho, với các tài tử lao động đưa thoi mười đầu ngón tay trắng muốt.

Trong lịch sử hát ví Hà-tĩnh, cô Nhẫn sáng lên như một ngôi sao. Hôm nay tôi muốn giới thiệu một vài nét về cô.

*

- Chữ rằng nhân kiệt địa linh,

Có Hoành-sơn Bàn-độ mới dĩnh sinh ra nhân tài.

- Giăng giăng nguyệt dọi sân đình,

                     Gió phong phanh thổi, sao linh tinh tàn.

Nghe những câu trên, người ta tưởng đó là của một nhà nho có học, hay ít nhất cũng là một anh chàng lãng du phiêu dật nào đó xúc cảnh sinh tình. Chứ có ai ngờ đâu những câu đầy chữ nghĩa, sáng đẹp và trau chuốt ấy lại là tác phẩm ứng khẩu của cô Nhẫn, một cô gái nghèo không được học hành.

Cô Nhẫn (tôi muốn gọi cô, cái tên trong thời xuân xanh ví hát, còn theo niên kỷ, tôi chỉ đáng là bậc cháu), quê ở xã Kỳ-Thư huyện Kỳ-Anh, là con một nhà bần nông, không một thước ruộng, phải cày thuê cấy mướn mà sống. Thuở tóc còn bỏ trái đào, đáng cái tuổi chơi “làm đình”, “đánh thẻ”, cô Nhẫn đã phải giang thải tấm than bé bỏng, đi ở kiếm cơm tại một nhà phú hộ. Nhà phú hộ kia có nuôi thầy dạy học trong nhà. Nhẫn được chọn hầu hạ phòng học, quét trước nhà trong nhà ngoài, hầu tăm hầu nước. Nhưng công việc không phải chỉ có ngần ấy, nên hàng ngày Nhẫn còn phải cáng đáng thêm việc bếp nước, băm bèo, chăn trâu, giã gạo, nghĩa là không còn một phút ngơi tay.

Mặc dầu làm việc lam lũ, cô Nhẫn càng lớn lên càng có duyên, và càng linh hoạt. Nhiều chàng trai trẻ trong làng trong xã đã đặt ước mơ. Sự trao gưởi yêu đương của tuổi xuân lành mạnh giữa cái thời “tôn ty trật tự”, giữa cái thời “nam nữ thụ thụ bất thân” này cũng chỉ được gói gắm trong những câu hát ví xa xôi. Càng ví hát, Nhẫn càng tỏ ra biệt tài. Tiếng tăm từ đó được truyền đi, lôi cuốn cả những kẻ văn nho tài tử, xuất thân từ các tầng lớp khoa danh.

Lời hay, giọng trong, lại có khuôn mặt bồ dục, đôi má lúm đồng tiền, qua các câu hát ví, Nhẫn đã làm cho bao giai nhân tài tử trong vùng bị cuốn hút tới như sắt gần nam châm.

Cô Nhẫn có tài xuất khẩu thành thơ. Không được học hành, nhưng nhờ trí óc thông minh, lại được sống gần nhà học, nên trong các câu hát ví của cô, lối dùng chữ nho rất là dí dỏm, tài tình. Và cũng do thuật chơi chữ “học mép” , cô đã làm cho thanh niên tuấn tú say vì nết trọng vì tài. Câu ví của cô Nhẫn có rất nhiều. Vì không biết chữ, cô không ghi chép lại được, hơn nữa đương thời người đời còn khinh cô là phận nghèo hèn, sợ cô là hữu tài bất hạnh, nên qua sự tàn phá của thời gian, câu hát câu ví của cô đã mất mát đi hầu hết. Ngày nay một số bà già chỉ còn nhớ được  một đôi câu.  Và việc phát hiện sưu tầm của tôi cũng chưa có điều kiện làm được đầy đủ. Ở đây tôi chỉ ghi chép được một ít, hy vọng giới thiệu lên được phần nào cái tài năng bạt thiệp, duyên dáng của một cô gái quê mùa, nhân vật hát ví nổi tiếng của đất Hoành-sơn, Bàn-độ, “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”.

*

Cả Trạch con quan phủ Triệu là người đã mê tài cô Nhẫn, và cũng đã nhiều lần cùng nhau thi thố tài năng. Một lần gặp cả Trạch, Nhẫn ví trước một câu, không quên ghép tên “cúng cơm” của cu cậu vào:

Chữ rằng Mạnh-mẫu trạch lân,

Cớ sao quan phủ Triệu lại ở gần chợ Voi?

Cậu cả bí thế, về nhà mách lại với ông cụ, và đã được ông gà cho một câu, tuy cuộc ví đối đáp đã kết thúc từ những đêm trước:

Chữ rằng vương thổ vương dân

Cho nên quan phủ Triệu mới ở gần chợ Voi.

Câu đáp này tuy là của một nhà nho, nhưng so với câu của cô Nhẫn thì thật tình mà nói là còn thua xa, không bù với câu sau này của cô Nhẫn đáp lại cau hỏi của cả Trạch.

Trạch ví:

Từ ngày gặp bạn lương tri

Đường kia nỗi nọ, chưa có chi là tình

Cô Nhân ứng khẩu đáp lại:

Chưa chi mới gọi là tình

Có chi chi đã gọi mình bằng chi.

Một lần, cả Trạch đang còn tang mẹ, nhưng nhớ, hát ví nhớ sắc nhớ tài, nhớ cô Nhẫn duyên dáng, nên đã quên nghĩa vụ làm con của mình, ba năm tang chế. Trong tối hát ví này, mở đầu Nhẫn lấy lẽ hiếu mà nhắc bạn mình:

Núi Hoành-sơn mây đang phủ bạc đầu,

Lẽ ra anh thảm em sầu mới nên!

 

Đang buổi “giồi mài kinh sử để chờ kịp khoa” mấy cậu học trò thi, gặp đêm hứng khởi, đã bỏ sách bỏ đèn, tìm đi hát ví với cô Nhẫn. Gặp các cậu, Nhẫn ví phủ đầu ngay:

Chữ rằng mục bất khuy viên,

Cớ sao quân tử lưu liên dạ hành?

Các cậu cụt hứng, không dám bỡn cợt nữa.

 

Phó bảng Kỷ, sính chơi chữ, đã ghép tên cô Nhẫn vào một câu ví:

Nước lên nhẫn nhẫn bờ rào,

Người ta sang cả, em cắm sào đợi ai?

Hồi này, cô Nhẫn đã quá tuần cập kê, nhưng vẫn chưa có ai sánh lứa. Không phải suy nghĩ lâu, Nhẫn đáp ngay lại một câu duyên dáng kín đáo và cũng rất khinh đời:

Nước lên nhẫn nhẫn bờ rào

Em đợi người tri kỷ cầm sào em sang.

Tên ông Kỷ đã được lồng vào câu đáp, rất là chính xác.

 

Ba chàng trai: cả Chu, cậu Biên, cu Hải cũng rủ nhau đi ví. Vừa thấy  bóng, cô Nhẫn đã chủ động trước:

Gặp dây em hỏi thật anh hào

Biên chu hải ngoại, ngộ ba đào thì tính răng?

 

Tả cảnh trăng trong gió mát của một cuộc hát ví, đêm đã hầu khuya, cô Nhẫn lanh lảnh cao giọng:

Giăng giăng nguyệt giọi sân đình

Gió phong phanh thổi, sao linh tinh tàn.

Trong câu ví này, cô đã dùng lối chơi chữ thần diệu của mình: giăng: nguyệt, sân: đình, gió: phong, sao: tinh… Phe văn nhân không thể đối lại được. Cuộc hát ví kết thúc bằng sự đắc thắng của cô Nhẫn.

 

Đối bọn vô lễ, dùng lời trắng trợn xỏ xiên, thì cô Nhẫn lại dùng những hình ảnh tao nhã đập lại không kém phần chua chát.

Phe trai ví:

Nhất cao là núi Hoành-sơn

Lắm hươu Bàn-độ, to lườn chợ Voi.

Cô Nhẫn bình tĩnh đáp lại:

Chữ rằng nhân kiệt địa linh

Có Hoành-sơn Bàn-độ mới dỉnh sinh ra nhân tài.

Rõ ràng, anh hùng, hào kiệt, cũng như các anh tất nhiên là đều do ở đó mà sinh ra cả.

 

Đối những người quân tử, có tâm huyết. Nhẫn có con mắt biệt đãi hơn, tỏ ra biết người biết của. Cậu cả Canh, một thanh niên tuấn tú, có chí hướng lấp biển dời non, đã từng đi đây đi đó, một hôm dự cuộc hát ví, Nhẫn hỏi:

                       Kẻ đi câu ngồi lầu tướng phủ

                      Ông Lương Vũ chết đói bên thành

Tựa hồ quân tử đã rành nguồn cơn

Chàng đi vạn thuỷ thiên sơn

Vương dân vương thổ, hỏi nơi mô hơn rứa chàng?

Cả Canh ví lại:

Hàn cửa Khẩu, hạ rú Hoành

Trông giang sơn mà tức tối nghĩ cho mình trượng phu.

Hiểu ý cả Canh muốn nêu chuyện chống Tây để rèn dũa chí căm phẫn của mình, cô Nhẫn động viên thêm một câu, chứa chan cảm tình và dũng khí:

Quyết tâm mà xây dựng cơ đồ

Chàng ra tay báo phục, thiếp xin chăm lo trị bình.

*

*   *

Qua một số câu ví ứng khẩu trên, chúng ta càng thấy khả năng văn nghệ của người dân lao động thật dồi dào.

Cô Nhẫn của đất Hoành-sơn Bàn-độ, giá mà được học hành, có chữ nghĩa, thì biết đâu tiếp sau tên hai nhà nữ thi hào Xuân-Hương và bà huyện Thanh-quan, còn có tên cô Nhẫn của Hà-tĩnh nữa.

Trong cuộc sống, kẻ hữu tài thường phải chịu vô duyên. Bà huyện Thanh-quan yêu đương lở dở, Hồ- xuân-hương chat chua cay đắng vì tình duyên, thì cô Nhẫn cũng lận đận nhiều phen, mà cuối cùng hạnh phúc ái ân vẫn không tròn trặn. Người ta đến với cô, mê tài của cô, say thanh sắc của cô, ước hẹn trăng vờn hoa lả với cô, nhưng nếu đặt vấn đề xây dựng hạnh phúc, thì người ta còn phải nghĩ đến thứ bậc trong xã hội. Cô Nhẫn chỉ là một cô gái quê mùa, nghèo hèn. Cuối cùng, khi đã luống tuổi, cô Nhẫn lại trở về đúng với ngôi thứ của mình bên một chàng trai quê đất chợ Cầu.

Hôm nay, nhắc đến cô Nhẫn không còn là “sao linh tinh tàn” nữa, mà chúng ta thấy cô như một ngôi sao sáng ẩn trong một làn mây mỏng phớt qua.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441840

Hôm nay

2240

Hôm qua

2317

Tuần này

21744

Tháng này

217014

Tháng qua

112676

Tất cả

114441840