Đất Nghệ

Lửa sông

Đó là những đêm hè, lũ chăn trâu chúng tôi thường rủ nhau ra nằm trên gò đất có cây đa, mồm đếm sao, tai lắng nghe tiếng vỗ oàm oạp của sóng vào những ông đá lớn như con trâu đằm dưới bến tắm của làng. Cứ ngửa mặt trong đêm đen mịn như nhung mà trông lên trong suốt thăm thẳm để đếm đến rạc mồm những ông sao, con vịt, gầu sòng, ông Thần nông, Bắc đẩu, chán miệng thì quay nghiêng xuống bến. Nước sông đêm cuối tháng đang ròng mấp mé bờ cỏ, vỗ lao xao triệu triệu đốm lân tinh. Mặt sông sáng một màu mờ ảo. Trong màu trắng huyền diệu ấy chốc chốc lại lóe đỏ những ngọn đèn thuyền chài ẩn hiện, bí hiểm như trò bịt mắt của lũ chúng tôi. Chốc chốc lại một khối đen to lớn đột ngột xuất hiện trườn trên mặt nước qua trước không một tiếng động, chỉ thấy ánh lân tinh nước mặn rạn ra vỡ vụn trong từng nhát cắt của mái chèo. Lặng lẽ, im lìm như không có người. Như ma đang chèo đò. Con thuyền đi qua, mặt sông lại chi chít hằng hà sao, lớp lớp những ngọn sóng lân tinh như ngói lợp, sông rực sáng trong đêm. Gió cứ thổi u u trên đầu, chẳng đứa nào bảo đứa nào, cả bọn thiếp đi trong rười rượi lửa sông.

Đêm càng khuya hơn, sâu hơn khi những thuyền chài rải đăng rải lưới đã xong, tiếng gõ đáy đều đều loang ra trên mặt nước. Rồi lâm râm tiếng cầu kinh của ai đó dưới thuyền ru chúng tôi ngủ. Ban đầu còn liu riu, sau thì cái ngủ theo vào tai vào mắt, lũ chăn trâu chúng tôi ngủ vùi.

Nhiều đêm hè chúng tôi đã ngủ trên bờ sông như vậy. Nhiều lần tôi đã bị cha đánh đòn. Nhưng tôi vẫn ham trốn học đầu hôm để ra sông, cũng như sau này lửa sông còn theo tôi mãi, cứ rực trong đêm khi một mình mở ngực áo đón gió trên một bờ sông xa. Dù là sông ở đâu, tên sông là gì, lúc đó tôi đang rãnh rỗi hay lo toan thì vẫn không thể nào quên được những đêm sông Nghèn ngày thơ ấu. Con sông đã chảy suốt tuổi thơ tôi.

Sông Nghèn không chỉ có tên là sông Nghèn mà còn mang nhiều tên khác. Từ đầu ngọn tới cuối nguồn, nó mang tên từng vùng đất chảy qua. Đầu Mênh cuối Sót - cái địa giới hành chính của phủ Hà Hoa, nào Minh Lương, Minh Giang, Hà Hoàng, Nghiện Thuỷ, Thuần Chân, nào Kênh Cạn, Đò Điệm, Sót... Sông chẳng của riêng ai khi đã lấy một vùng quê để đặt tên sông. Lẽ dĩ nhiên, qua Nghèn nó có tên gọi sông Nghèn. Nội chỉ một khúc Nghèn thôi cũng đã chứa biết bao buồn vui đời người, bao sự kiện từ long trời lở đất,  tới chuyện cỏn con của lũ trẻ ngủ bên bờ sông.

Năm 1995 tôi cùng các giáo sư Chương Thâu, Vũ Ngọc Khánh và các ông Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh đi khảo sát sông Nghèn để chuẩn bị cho cuốn Địa chí Can Lộc, đã ngồi thuyền máy chạy suốt sông quê. Thấy được rõ hơn, cảm được gần hơn và đồng thời cũng dài hơn trên dòng chảy của con sông yêu dấu.

Qua ngọn núi Nghèn thôi mà con sông đã phải có hơn hai chục cua lượn. Từ vực Vợn trước mặt làng tôi (Thổ Sơn) tới vực Vịt (Cồn Phượng) sông cứ ôm vào rồi thả ra như không buông không dứt, như đùa dai trêu nhả, cứ quyến luyến con người mãi mới chịu xuôi. Cái tật vòng vo của sông, trong lịch sử của mình, sông Nghèn từng đã bị một đấng quân vương trừng trị. Vua Lê (Thánh Tông?) trên đường Nam chinh đã sai Thượng trụ Hồ quốc công nắn lại sông Nghèn đoạn qua Kênh cạn; quan quân tiết kiệm được nhiều thời gian. Việc trị thủy thành công, vua ban thưởng tám mươi mốt mẫu đất (nay là đồng Mốt thị trấn Nghèn) cho Hồ Quốc Công. Khi Công lui về quê dưỡng già, tước hiệu của người xưa được đặt tên làng (Thượng trụ), nay lại được khắc bia với công đầu là nơi thành lập Tỉnh đảng bộ Hà Tĩnh đầu tiên.

Những mốc nối thời gian với dòng sông cũng đang còn như trụ chân cầu năm 1951 người Trảo Nha ra cưa đổ cầu Nghèn để tiêu thổ kháng chiến. Đêm 30 Tết năm ấy, làng Yên Vinh đã tiễn đưa người con đã hy sinh khi đang cưa sập cầu Nghèn: ông chắt Vệ. Trụ cầu sập hãy còn đứng bên cạnh chân cầu mới bắc, xe, người nườm nượp hôm nay.

Cũng tại khúc sông này, theo sách xưa của một ông Cử nhân Tri huyện viết: có một nàng công chúa theo vua cha Nam chinh chẳng may rơi xuống sông Nghèn. Quan quân triều đình từ thuỷ binh đến cấm vệ đã ra công bơi lặn mà không tìm được công chúa nơi đâu. Chỉ có một chàng trai bản địa (người Thổ vượng) có tài bơi lặn tìm ra. Anh vớt được Công chúa lên. Không biết người đẹp sống chết ra sao, cuốn địa chí người xưa không chép, chỉ có truyền ngôn trong vùng rằng, cảm phục tài bơi lặn của anh mà vua cho theo hộ giá trên đường Nam chinh; rồi được phong là Thám hoa Võ; dân gian quen gọi Thám Mò (mò được công chúa).

Tôi cũng đã theo nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian Võ Hồng Huy - Chủ biên cuốn Địa chí Can Lộc thời nay, bỏ công hàng ngày trời ngồi bên ngôi mộ hàu táng trên đường làng Thổ vượng, tương truyền của ngài Thám Mò. Lại cũng theo truyền ngôn rằng Ngài vốn là thuỷ tổ của dòng họ Trần (Khánh Lộc). Không rõ thực hư. Chỉ sông Nghèn biết mà lặng chảy. Hết khúc lở lại đến khúc bồi.

Nơi lở thành vực, nơi bồi thành bãi. Bên lở nuôi bên bồi.

Bãi sông trước vực Vợn làng tôi chính là nơi trung đội nữ dân quân gái 12 li 7 của o Nguyễn Thị Bính làm Trung đội trưởng năm 1965. Hơn bốn mươi năm qua, chưa ai quên những ngày sông rực lửa. Đạn pháo các cỡ từ bãi trước làng, từ phía dòng sông đan dày đặc lên trời dăng bắt tàu bay Mỹ. Có chiếc nào rơi do dính đạn các o gái làng tôi? Không ai biết. Đánh Mỹ xong các o đi lấy chồng. Mỗi o một ngả. Bính theo chồng ra tận ngoài Thanh. Rồi đẻ con, rồi già lão. Không biết khai thành tích thế nào, và cũng chẳng mấy bận tâm.

Sông biết nhưng sông lặng chảy xuôi dòng. Như vẫn thế bao đời nay sông cứ chảy.

Tôi lớn lên thấy sông đã như thế rồi. Cả cha tôi, ông tôi và các bậc sinh thành ra các vị, ai cũng thấy dòng sông chảy như thế về cuối trời.

Những năm tha phương cầu thực, tôi đã qua những dòng sông nổi danh trong lịch sử, những khúc sông không tên, rồi qua những vùng miền từng một thời là sông, là biển, có nơi sông xưa rày đã nên đồng... nhưng sông Nghèn, con sông nước mặn thắp lửa lân tinh hằng đêm, con sông của cua cáy, bần lác, sú vẹt, của những ngày lặn hụp đêm ngủ vùi trẻ thơ thì vẫn vẹn nguyên hình hài. Cứ là đêm đêm lửa sông lấp loáng, dẫu buổi mai thức dậy, thấy sông nhỏ hẹp hơn, vóc dáng cạn hẹp hơn và những con thuyền máy có rõ ràng hơn, máy nổ to hơn thì cũng chẳng thể xoá đi trong tôi một một dòng sông lặng chảy giữa lòng mình. Hằng đêm lấp lánh.

Hai tuần sau ngày nhà thơ Huy Cận mất, tôi và đoàn làm phim của Đài Truyền hình Hà Tĩnh đã về Ân Phú quê ông. Anh Dương Thế Đạt, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Xã đã dẫn tôi ra tận mép con sông quê của Nhà thơ - Viện sỹ tài hoa. Sông bé nhỏ như một con ngòi lặng chảy dưới chân núi Mồng Ga hiu hắt. Có thể gọi đó là sông chăng khi hòn sỏi chưa kịp thia lia đã nẩy lên bờ? Có gợi hứng được không cho kiệt tác Tràng giang với sông dài trời rộng? Tôi không biết bởi chưa bao giờ có dịp hỏi nhà thơ, nhưng tôi lại biết rằng những sợi buồn, buồn điệp điệp tới sầu vạn kỷ lại được khơi nguồn tại đây. Và thơ ông sẽ phải chịu ơn con sông quê vắng lặng đến liêu này.

Biển bao la ngàn trùng của người ra khơi hôm nay biết đâu lại chẳng được bắt đầu từ chậu nước bé nhỏ và con thuyền giấy dập dềnh từ đôi tay trẻ thơ. Và từ những đêm ngủ vùi trong sóng lửa sông.

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522555

Hôm nay

287

Hôm qua

2325

Tuần này

21329

Tháng này

220494

Tháng qua

121009

Tất cả

114522555