Đất Nghệ

Dân ca Nghệ và chất Nghệ

Thông tinvề việc dân ca Nghệ  Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật đại diện của nhân loại khiến nhiều người vui mừng. Điều này khiến nhiều người bắt đầu quan tâm một cách sâu sắc tới dân ca Nghệ Tĩnh. Điều này là công bằng vì phải hiểu tường tận mới có cách ứng xử đúng với dân ca và người hát dân ca.

Vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nhưng cũng khắc nghiệt vô cùng

Gần 40 năm trước, khi còn là sinh viên học ở một trường đại học ở châu Âu, trong giờ văn học dân gian, tôi đã được nghe giáo viên nói: “Trên thế giới có nhiều làn điệu dân ca rất có giá trị. Ở châu Âu có dân ca Nga, dân ca Ý, dân ca Anh, dân ca tây Ban Nha… có giai điệu rất ngọt ngào, ca từ có nội dung mang tính nhân văn sâu sắc. Ở châu Á cũng có nhiều nước có kho tàng dân ca phong phú, trong đó có Việt Nam. Mà ở Việt Nam, mỗi vùng miền khác nhau, có các làn điệu dân ca khác nhau như  dân ca quan họ Bắc Ninh, các điệu lý Nam bộ, hát ví giặm Nghệ Tĩnh…”.

Ngày đó, nghe vậy thì biết vậy chứ tôi chưa hiểu nhiều, chưa cảm nhận được cái hay, cái đẹp của dân ca xứ Nghệ, mặc dù tôi sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Sau này về Việt Nam đi làm, lăn lộn với nghề làm báo, viết văn, giảng dạy, tôi mới bắt đầu hiểu, cảm được những câu ca mà bà, mẹ hát ru từ thuở bé. Bây giờ, khi biết dân ca xứ Nghệ trở thành di sản văn hóa thế giới, tôi vui nhưng không bất ngờ, không ngạc nhiên.

Nói “xứ Nghệ” hay “Nghệ Tĩnh” là nói tới vùng đất kéo dài từ khe Nước Lạnh (giáp Thanh Hóa) tới đèo Ngang (giáp Quảng Bình) và những con người sinh ra và lớn lên ở vùng đất đó. Vùng đất này có rừng rậm, núi cao, sông sâu, những bãi biển đẹp, những giải đồng bằng phì nhiêu... Nhưng nơi đây cũng thường xẩy ra hạn hán, bão lụt, những trận giáo Lào bỏng rát... Những con người sống ở đây gan lì, cần cù, nhẫn nại, năng động, thông minh, trung thực, thẳng thắn, bạo liệt, cực đoan... Nói tóm lại đây là nơi “địa linh, nhân kiệt” nhưng khí hậu khắc nghiệt và đỏng đảnh.

Vùng đất này là “chủ nhân” của các điệu ví, giặm được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt. Đại đa số người Nghệ Tĩnh đều biết hát ví, dặm vì loại hình dân ca này đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của họ. Hiện nay, đã có hàng trăm câu lạc bộ dân ca ví, dặm; có hơn 803 nghệ nhân ở hai tỉnh; các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ ở Nghệ An và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh quan tâm tới việc diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm. Không gian của dân ca ví dặm Nghệ - Tĩnh đang được rộng mở.

Những đặc điểm của dân ca xứ Nghệ, chất Nghệ

Ví và giặm là hai thể hát dân ca được cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình sinh hoạt và lao động. Ví, giặm mang đậm bản sắc địa phương về làn điệu và ca từ. Theo các nhà ngiên cứu, ước tính hiện nay có khoảng 15 điệu ví và 8 điệu giặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như: Ví phường vải, ví đò đưa, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví ghẹo...; dặm ru, dặm kể, dặm giao duyên...

Ví, giặm có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được lưu truyền, kế thừa và được làm cho phong phú thêm. Nhiều bài ví, giặm được những ông đồ, anh khóa hay chữ tạo nên. Nội dung ví, giặm phản ánh xã hội, lịch sử; thể hiện những tâm tư, tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa. Bên cạnh đó, ví, giặm Nghệ Tĩnh còn giáo huấn, nâng lên tầm triết lý về lối sống, đạo đức, nghĩa tình...

Về tiết tấu: Ví nhẹ nhàng, mênh mang, sâu lắng, bâng khuâng, xao xuyến, thiết tha; còn giặm mạnh mẽ, dứt khóat, mạch lạc vì có phách mạnh, phách nhẹ, có nhịp nội, nhịp ngoại. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, ví, giặm Nghệ Tĩnh đã tồn tại và gắn bó với người dân xứ Nghệ như máu thịt, ăn sâu vào tính cách của họ. Đối với xứ Nghệ, ví, giặm đã làm cho cuộc đấu tranh sinh tồn và chống ngoại xâm vốn khốc liệt, đượm vẻ lãng mạng và giàu chất thi ca.Nhạc điệu và những ca từ đầu tiên của ví, giặm Nghệ Tĩnh hình thành từ lâu, cách đây khoảng 400 năm. Trải qua những thế hệ khác nhau, lại được phát triển về lượng và chất là nhờ trí tuệ uyên thâm của các nhà nho. Vì vậy ngày nay ví, giặm xứ Nghệ rất phong phú, đa dạng, nhiều cung bậc, khiến cho người nghe cảm nhận được sự đằm sâu của tình cảm và lý trí lắng đọng âm thanh và câu chữ.
Người dân xứ Nghệ dùng câu hát để thể hiện tâm tình, mượn câu hát để nói lên những tâm tư, tình cảm còn chất chứa trong lòng mà lời nói thông thường không làm được. Bây giờ tranh luận dân ca xứ Nghệ làm nên tính cách con người xứ Nghệ, hay chính tính cách của người xứ Nghệ tạo nên dân ca xư Nghệ cũng không khác gì tranh luận về quả trứng có trước hay con gà có trước. Chỉ biết rằng, tuy gian khổ nhưng con người xứ Nghệ luôn lạc quan, yêu đời, không ngừng mơ ước về những điều tốt đẹp. Người xứ Nghệ vừa có vẻ mộc mạc, quê mùa, chân chất; vừa sâu sắc, nồng nàn, tinh tế, thông minh, ham học hỏi, nhào luyện kiến thức đến độ uyên bác. Tuy nhiên, người xứ Nghệ cũng có những nhược điểm. Đó là tính bảo thủ, trì trệ, cực đoan, thái quá, cứng nhắc, địa phương chủ nghĩa… Nhiều người xứ Nghệ sẵn sàng bỏ qua những giá trị vật chất lớn, cụ thể để “nhấm nháp” những giá trị tinh thần trừu tượng. Khi những người ở vùng đất khác không lý giải được cách ứng xử của người xứ Nghệ, họ hạ một câu ngắn gọn: Nghệ “gàn” mà lại!
   

Thế nào là “gàn”? Người xứ Nghệ “gàn” không?

Nhiều người đã từng nói: Nếu không “gàn” thì không phải là người Nghệ đích thực. Vậy “gàn” là gì? “Gàn” là tốt hay là xấu?

Để trả lời đầy đủ cho những câu hỏi trên, có lẽ phải viết một chuyên đề lên tới trăm trang. Ở đây tôi chỉ xin nói ngắn gọn thế này thôi: Những người được xem là “gàn” thường có lời nói, cử chỉ, thái độ thẳng thắn, trung thực, độc đáo... Có những lúc những thứ này không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nhưng xét về tổng thể, đó là những điều có lý, những điều cần phải làm.

Ví dụ, Nhà thơ – Dịch giả Thái Bá Tân là một người thông minh, hiểu biết rộng, thẳng thắn, trung thực và được xem là “gàn”. Cách đây gần bốn chục năm, anh đưa người yêu đi dạo phố. Xe đạp non hơi nên anh đến thợ sửa xe để bơm. Giá phổ biến lúc đó là 5 xu cho việc bơm một lốp xe, nhưng vì thấy anh đi với một cô gái xinh đẹp nên ông thợ đòi 1 hào. Thái Bá Tân không chịu nên đi hàng khác. Người thứ hai cũng đòi 1 hào, Thái Bá Tân lại không chịu nên tiếp tục đi... Người yêu đi bộ mệt, bảo Thái Bá Tân chấp nhận giá 1 hào, nhưng anh quyết không chịu. Anh vào cửa hàng mua một chiếc bơm 1,2 đồng, bơm xe, đèo người yêu và mang bơm về.

Người ta cho rằng, hành động như vậy là “gàn”, tiếc mấy xu bạc để người yêu vất vả và xem anh là người ki bo. Còn anh giải thích cho người yêu: “Vấn đề không phải là anh tiếc tiền, mà là ở chỗ công sức bơm một lốp xe đạp chỉ xứng đáng 5 xu thì dù anh đi với ai, họ cũng chỉ được hưởng như vậy mà thôi. Nếu anh chấp nhận trả 1 hào là “nối giáo cho giặc”, khuyến khích thói khôn vặt để trục lợi”.

Qua ví dụ cụ thể này, chúng ta hiểu “gàn” là như vậy đó. Và có thể nói đây là một trong những đặc điểm nổi bật trong tính cách của phần lớn những người xứ Nghệ. Đặc điểm này thể hiện rõ trong dân ca Nghệ Tĩnh, đặc biệt là trong hát đố, hát đối. Khi nam nữ thanh niên tìm hiểu nhau, thông thường người ta phải tỏ ra hiền thục, chu đáo, lãng mạng, duyên dáng... để “lấy điểm”, nhưng trong những dịp này người Nghệ vẫn vặn vẹo nhau. Ví dụ, nữ hát: “Anh về chẻ lạt bó tro/Rán sành ra mỡ, em cho làm chồng; bên nam hát:Em về đục núi lòn qua/Vắt cổ chày ra nước, thì ta làm chồng; bên nữ hát: Người Kim Mã cưỡi con ngựa vàng/Đất Phù Long rồng nổi, thì chàng đối chi?; nam đối lại: Người Thanh Thuỷ gặp khách nước trong/Hoành sơn ngang núi, đã thoả lòng em chưa?. Hay khi bạn trai đến nhà chơi chẳng may trượt ngã trước sân, đáng ra phải thương cảm thì lại hát kháy: Đến đây đàn hát vui xuân/Khấu đầu bái lạy trước sân là gì?. Đến chơi nhà bạn gái, đáng ra phải tỏ ra nghiêm trang, lịch lãm nhưng chàng trai lại nghịch ngợm “đáp trả”: Đất đâu đất có lạ lùng/Bấm thì không chịu, nằm cùng thì cho!.

Thông qua việc “ăn miếng, trả miếng như vậy”, người ta hiểu rõ khả năng, tính cách của nhau, đồng thời cùng nhau rèn luyện trí tuệ, rèn luyện tính cách, phẩm chất.

Gần đây trong giới trí thức Việt Nam, khi nói về người xứ Nghệ, người ta hay nhắc đến một câu nói (được cho là của một giáo sư văn học): “Người xứ Nghệ biết đủ thứ, trừ hạnh phúc”. Tôi đã được nghe câu nói này ở nhiều nơi, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau; tôi chưa nói gì, chỉ mỉm cười im lặng. Mới đây có một cô giáo dạy văn người Bình Định (hiện đang làm luận án tiến sĩ văn học tại Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh hỏi thẳng tôi: “Thầy nghĩ gì về câu nói này? Nó đúng hay sai?”. Đã hỏi thẳng thì tôi cũng trả lời thẳng: Câu nói này rất ấn tượng; người nói câu này chắc là người ham tìm tòi, nghiên cứu; cách nói rất thông minh, có thể có ngụ ý khác. Song, xét về nội dung, cơ bản câu nói này sai. “Tại sao lại sai ạ?” – cô giáo hỏi tiếp. Tôi trả lời: Nói người Nghệ không biết thế nào là hạnh phúc là sai, bởi vì tuy xứ Nghệ còn nghèo, nhiều người xứ Nghệ chưa no đủ, chưa sung sướng nhưng người xứ Nghệ biết rõ thế nào là hạnh phúc, thậm chí họ còn đưa ra những tiêu chí hạnh phúc của riêng mình. Có điều, có thể những quan niệm về hạnh phúc của người xứ Nghệ khác với quan niệm của tác giả câu nói trên.

Cô giáo dạy văn nghe xong im lặng. Rất có thể cô lẩm bẩm trong đầu: “Đúng là người xứ Nghệ gàn thật!”.

Việc bảo tồn và phát triển dân ca xứ Nghệ hiện nay

Khi dân ca xứ Nghệ là di sản văn hóa của nhân loại thì việc bảo tồn và phát triển được đặt ra rất nghiêm chỉnh. Rất may là việc bảo tồn dân ca xứ Nghệ gần đây được làm khá tốt. Nhiều tư liệu quý về văn hoá văn nghệ dân gian - dân tộc đã được sưu tập khai thác và sử dụng; nhiều công trình nghiên cứu và thực nghiệm đã được công bố bằng sách và băng đĩa; được công diễn trên sân khấu, trên sóng phát thanh truyền hình. Ở Nghệ An,có Đoàn Dân ca mà hầu hết các diễn viên và nhạc công được phân ra từng tốp để sưu tầm các làn điệu vì dặm trong nhân dân. Ngoài ra, còn có Trung tâm Bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. NSND Hồng Lựu là Phó Giám đốc Trung tâm này. Bà từng nói: “Trung tâm chúng tôi đang tìm hướng phục hồi phong trào hát dân ca, nhằm từng bước xây dựng dân ca xứ Nghệ trở thành di sản văn hóa thế giới, nhưng cơ chế chính sách đối với các nghệ sĩ lại quá bạc bẽo”.
Thu nhập của các nghệ sĩ hát dân ca Nghệ Tĩnh rất thấp. Năm trước, người ta đưa ra số liệu cụ thể. Người vào nghề từ năm 2005, lương hiện tại là 1.850.000 đồng; người có thâm niên 23 năm, lương là 3.500.000 đồng/tháng. Có thể nghệ sĩ sống bằng tiền thù lao, tiền bồi dưỡng là chính. Thì đây: Diễn viên phụ được 2.000 đồng, diễn viên chính được 10.000 đồng tiền hóa trang/đêm. Mỗi đêm diễn ở miền núi (không bán vé) được cấp 5 triệu đồng, nhưng đoàn chỉ được trích 40%, chia cho 30 diễn viên; 60% còn lại chi tiền xăng xe, nơi ăn, chốn ngủ. Như vậy, mỗi diễn viên chỉ được hơn 60.000 đồng/đêm tiền bồi dưỡng. Bà Lựu cho biết thêm, một đêm diễn của 170 nghệ sĩ phục vụ mục đích chính trị tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh) chỉ được bồi dưỡng 2 triệu đồng.
Ở đây, ngay trong việc bảo tồn và phát triển dân ca, người xứ Nghệ hình như cũng bộc lộ tính cách của mình: vẫn có hơi hướng của sự cực đoan, lấy ý chí lấn át sự hợp lý của cuộc sống. Hát thì bằng giọng, bằng hơi, nhưng khó sống được chỉ bằng lời nói và không khí. Ấy vậy mà mọi thứ vẫn tồn tại và phát triển... Nghệ là vậy, “gàn” mà!                                                

Những giá trị mà dân ca xứ Nghệ mang lại là rất lớn. Ngoài việc tồn tại tự thân, dân ca xứ Nghệ còn tạo cảm hứng cho các nhạc sĩ như Đỗ Nhuận, Trần Hoàn, Nguyễn Tài Tuệ, An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo, Ngọc Thịnh... làm nên những ca khúc có sức sống mãnh liệt. Và điều quan trọng nhất: dân ca xứ Nghệ đã, đang và sẽ góp phần hoàn thiện chất Nghệ - phẩm chất tuy chưa hoàn thiện, nhưng rất cần thiết trong cuộc sống, nhất là khi đất nước gặp khó khăn, có biến động lớn, chiến tranh…

                                                         

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522555

Hôm nay

287

Hôm qua

2325

Tuần này

21329

Tháng này

220494

Tháng qua

121009

Tất cả

114522555