Diễn đàn

Nhất thiết phải tránh tình trạng “đánh úp” nhân dân trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật.

Để ổn định xã hội, đương nhiên phải có chế tài luật pháp. Luật pháp phải theo kịp sự vận động của đời sống xã hội và phải dự đoán được xu thế phát triển để xây dựng các chế tài luật pháp phù hợp.

Văn hóa và các hoạt động văn hóa là vô cùng phong phú, đa dạng, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thị trường hóa, đô thị hóa… rất nhanh hiện nay. Đời sống văn hóa của nước ta đang có những chuyển biến mau lẹ, thậm chí có những điều khác thường. Nhiều vấn đề mới, hiện tượng mới nảy sinh trong sự vận động phát triển đòi hỏi phải có các chế tài để đảm bảo cho xã hội ổn định và phát triển. Nghị định 75/2010/NĐ – CP về việc xử phạt hành chính trong các lĩnh vực văn hóa của Chính phủ ban hành ngày 12/7/2010 vừa qua là nhằm đáp ứng đòi hỏi cần thiết và bức thiết đó của sự vận động xã hội nói chung và đời sống văn hóa cộng đồng nói riêng. Nghị định 75/2010/NĐ – CP là sự thay thế có điều chỉnh, bổ sung Nghị định 56/2006/NĐ – CP để phù hợp và đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội trên lĩnh vực văn hóa trong thời kỳ mới.

Vấn đề đặt ra là việc tổ chức thực thi Nghị định này một cách nghiêm túc nhất, nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển của xã hội.
Thứ nhất, cần tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nội dung nghị định và các văn bản pháp luật khác về văn hóa một cách sâu rộng trong toàn xã hội mà trước hết và quan trọng nhất là các đối tượng trực tiếp tham gia tổ chức và thực hiện các hoạt động văn hóa. Phải làm cho mọi người nhận thức được tính đúng đắn và cần thiết của các chế tài được quy định trong nghị định đối với lợi ích của toàn xã hội, phát huy được tính tự giác chấp hành pháp luật của mọi người. Phải làm cho người dân biết luật, hiểu luật và tự giác chấp hành. Nhất thiết phải tránh tình trạng “đánh úp” nhân dân trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật.
Hầu hết mọi thành viên xã hội, tổ chức hay cá nhân, dù ít hay nhiều, đều liên quan đến các hoạt động văn hóa. Bởi vậy để nghị định này phát huy tác dụng tốt nhất, nhất thiết phải được thực thi một cách công bằng nhất. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Các tổ chức, các cơ quan trong và ngoài ngành văn hoá phải gương mẫu chấp hành để động viên khuyến khích toàn xã hội chấp hành.
Thứ hai, phải tổ chức được đội ngũ những công chức thực thi luật pháp công minh, có tri thức, trung thực và nhân văn để giám sát và thực thi nghị định. Luật pháp chỉ phát huy tác dụng tốt đối với xã hội nếu ở trong tay các “công bộc” chân chính, và luật pháp sẽ trở nên vô dụng, thậm chí là hại cho dân, cho nước nếu bị giao cho những kẻ ngu dốt, tham lam và tàn bạo.
Văn hóa, đời sống văn hóa là vô cùng phong phú, tinh tế và được thể hiện vô cùng đa dạng trong cuộc sống nên không tránh khỏi có một số chế tài có thể chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn sinh động và phức tạp của đời sống xã hội. Bởi vậy, cùng với việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 75/2010/NĐ – CP, rất cần phải thường xuyên nghiên cứu để bổ sung, điều chỉnh các chế tài trên lĩnh vực văn hóa. Đó là biện chứng của quy luật phát triển. Và bởi vậy trong quá trình thực thi, cùng với sự nghiêm túc, công bằng phải có tính nhân văn.
Nghị định 75/2010/NĐ-CP là cơ sở, là phương tiện pháp luật quan trọng để ổn định kỷ cương và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay. Bởi vậy, tổ chức thực hiện tốt Nghị định là một công việc quan trọng và không ít khó khăn cần tập trung nhiều nỗ lực của ngành văn hóa và các cơ quan tư pháp.
                                                              

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445847

Hôm nay

262

Hôm qua

2285

Tuần này

21456

Tháng này

212106

Tháng qua

120141

Tất cả

114445847