Diễn đàn

Về bài thơ Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc

Đền thờ Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) còn gọi là đền Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Nguồn: baothaibinh.com.vn

    Sau 30 năm bôn ba khắp nơi trên thế giới tìm đường cứu nước, năm 1941 Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Một trong những việc làm của Người là giáo dục tinh thần yêu nước, phát huy lòng tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc, động viên toàn dân đoàn kết để làm cách mạng, giành độc lập cho Tổ quốc. Tháng 8 năm 1941, Người đã viết Lịch sử nước ta. Bộ Tuyên truyền của Việt Minh xuất bản vào tháng 2 năm1942.

   Lịch sử nước ta ca là một tác phẩm viết về lịch sử nước Việt Nam từ thời Hồng Bàng dựng nước đến năm 1942 (thực ra là đến năm 1945 bởi cuối bài thơ có lời tiên tri lạ lùng:  1945 - Việt Nam độc lập”.

      Qua tác phẩm, tác giả khẳng định truyền thống yêu nước, đoàn kết quý báu của Nhân dân ta. Truyền thống đó đang được Nhân dân tiếp tục phát huy trong giai đoạn chống thực dân Pháp với những tấm gương anh hùng tiêu biểu.

     Tác phẩm được viết với thể thơ lục bát dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ cho Nhân dân lúc đó phần lớn là nông dân mù chữ.

                                LỊCH SỬ NƯỚC TA

                   1.      Dân ta phải biết sử ta,

                Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

                         Kể năm hơn bốn ngàn năm,

                        Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa.

                   5.    Hồng Bàng là tổ nước ta.

                      Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.

                           Thiếu niên ta rất vẻ vang,

                   Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời.

                           Tuổi tuy chưa đến chín mười,

                  10.    Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương.

                     An Dương Vương thế Hùng Vương,

                      Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân.

                           Triệu Đà là vị hiền quân

                   Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời.

                 15.    Nước Tàu cậy thế đông người,

                    Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam. 

                              .  .   .   .   .   .   .   .   .   .   .

        Trong bản viết tay của Bác Hồ (1), những sự kiện quan trọng, các triều đại, các thời kỳ lịch sử được Bác gạch chân đậm bằng mực: Hồng Bàng, Văn Lang, Phù - Đổng, An Dương Vương, Hùng - Vương, Âu - Lạc, Triệu - Đà, Nam - Việt...

         Sách Tổng tập Văn học Việt Nam (tập 38) NXB. Khoa học Xã hội. 2000 sau câu 12 “Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân” là dấu chấm lửng “...........” có nghĩa là thiếu.

        Trang Điện tử của Đại học Vinh đăng nguyên văn bài thơ nhưng không trích nguồn.

     Thực ra Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) không phải là người viết sử Việt Nam đầu tiên, cũng không phải là người đầu tiên viết sử bằng thơ. Trước Bác 700 năm đã có Lê Văn Hưu viết Đại Việt Sử ký (đời Trần Nhân Tông, năm Nhâm Thân 1272) “gồm 30 quyển, chép lịch sử từ Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) đến Lý Chiêu Hoàng”. Tiếp theo là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên. Cùng thời Trần còn có Việt Sử lược (khuyết danh) và có một người Việt Nam chạy theo Trần Ích Tắc phản quốc sang đầu hàng giặc Nguyên là Lê Tắc (1263 - 1342) đã viết An Nam chí lược năm 1333 và nhiều sử gia khác đều có viết về Triệu Đà và nước Nam Việt.

    Riêng lịch sử Việt Nam được viết bằng văn vần, bằng thơ trước Bác đã có nhưng đến thế kỷ XIX nổi tiếng nhất là Đại Nam quốc sử diễn ca của một tác giả vô danh ở cuối triều Lê viết vào năm Đinh Vị (1857). Sau đó các ông Lê Ngô Cát (1827 - 1875) và Phạm Đình Toái (1818-1901) sửa chữa và in vào năm 1870.

      Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc, theo Wikipedia: “tác phẩm là “Bài thơ gồm 208 câu lục bát, tiếp sau đó là niên biểu lịch sử Việt Nam, được ông đặt dưới tên gọi Những năm quan trọng, gồm 30 cột mốc, bắt đầu từ mốc trước Tây lịch “2879 - Hồng Bàng” và kết thúc là mốc: “1945 - Việt Nam độc lập”....

      “Cuốn sách được viết bằng tập giấy dó mỏng dính, khổ 9 x 15 cm. Trong đó, Hồ Chí Minh đã tường thuật cả tiến trình hơn 4.000 năm lịch sử “dựng nước và giữ nước” cho đến đầu thế kỷ 20. Tất cả chỉ 14 trang (có hai trang mục lục), có nhắc tới đủ hết các triều đại, nhân vật lịch sử Việt Nam. Khi xuất bản cuốn sách này, Hồ Chí Minh vừa là tác giả vừa là biên tập viên, vừa là người trình bày, vừa là họa sĩ minh họa, đồng thời lại là thợ in và sửa morasse. Vào thời gian xuất bản, cuốn sách được in bằng thạch bản. Bên trong sách, còn có hình minh họa (sáu bức tranh): ông Đề Thám cưỡi ngựa, Lý Thường Kiệt cầm kiếm, Hai Bà Trưng cưỡi voi xung trận... do chính tay Hồ Chí Minh vẽ.”  

1.     Về tên nước Nam Việt

      Kho tàng ca dao nước ta từ xa xưa truyền lại từ đời này qua đời khác đã có câu:

                           Tháng năm ngày Tết Đoan Dương

                   Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang.

Vậy Việt Thường ở đâu?                                               

     Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu (không rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường thị, hiến chim trĩ trắng...”.  Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi cụ thể hơn: “Phía Nam bộ Giao Chỉ có Việt Thường thị qua ba lần sứ dịch, sang dâng chim trĩ trắng”. Còn có nhiều ý kiến về Việt Thường nhưng hồi ức của tổ tiên ta về một Việt Thường xa xưa là không phải bàn cãi.

     Triệu Đà đặt tên nước ta là Nam Việt. Nam là phía Nam, Việt là Việt Thường. Tất cả những bộ sử tiêu biểu và đáng tin cậy của nước ta như: Việt sử lược, (đời Trần, khuyết danh), An Nam chí lược, Lê Tắc (đời Trần, tòng vong, phản quốc), Việt sử Yếu, Hoàng Cao Khải (cận đại, làm quan cho thực dân Pháp), Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim (hiện đại, Thủ tướng Chính phủ của Bảo Đại). Đặc biệt là Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đều thừa nhận Triệu Đà và nước Nam Việt  trong lịch sử nước ta như Nguyễn Ái Quốc đã viết trong Lịch sử nước ta.

    Tượng Triệu Đà đặt tại miếu Nam Việt Vương. Nguồn: vanvn.vn

 Bình Ngô đại cáo (1428) là Bản Tuyên ngôn độc lập của Nguyễn Trãi tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho  dân tộc:

                          “Như nước Đại Việt ta từ trước

                         Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

                               Núi sông bờ cõi đã chia,

                         Phong tục Bắc Nam cũng khác.

              Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”.

        Đại cáo bình Ngô (thế kỷ XV) đã khẳng định sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước ta, đã xác định dân tộc ở nhiều phương diện: lãnh thổ, nền văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử, chế độ, con người. Tức là nền Văn hiến, bắt đầu từ nhà Triệu.

       Lịch sử cho thấy nước ta từ thời Hồng Bàng đến Văn Lang chỉ là huyền sử. Đến Âu Lạc của An Dương Vương gần với thực tế hơn (bởi còn đó di tích Cổ Loa) nhưng vẫn nhuốm màu dã sử với Thánh Gióng, với thành Cổ Loa do thần Kim quy xây nên, cùng với nỏ thần của Cao Lỗ chỉ là thần thoại.

      Cho đến khi Triệu Đà xóa bỏ nước Âu Lạc của An Dương Vương, đặt tên nước là “Nam Việt trị dân năm đời” (Văn Vương, Minh Vương, Ai Vương, Thuật Dương Vương) (2). Bắt đầu từ năm Đinh Tỵ (184 TCN) đến năm Canh Ngọ (111 TCN) bị nhà Hán đánh bại thì lịch sử nước ta mới sang trang mới: Nhà nước dù còn sơ khai, nước Nam Việt có thời gian bị mất tên nhưng vẫn tiếp nhận một xã hội tiền phong kiến ngày càng hoàn thiện hơn.

        Đến năm 939, người anh hùng dân tộc Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng mới giành lại được độc lập cho dân tộc.

    Trong nghìn năm Bắc thuộc đau thương ấy, để phục vụ cho bộ máy nhà nước thống trị, bọn cai trị nhà Hán đã đưa chữ viết vào nước ta, dùng chữ Hán làm công cụ “tải đạo”. Họ đưa buôn bán, trao đổi hàng hóa, đưa cày cấy, trồng trọt lên thành nghề nông (Sỹ, nông, công, thương). Đặc biệt là đưa Lễ giáo, Nho giáo của Khổng, Mạnh, Đạo giáo của Lão, Trang và Phật giáo vào đời sống xã hội nước ta. Tổ chức nhà nước, quan lại các cấp, quan chế, binh chế, điền chế, học hiệu, học thuật cũng dần dần được hoàn thiện trong xã hội. Cùng với chúng là các phong tục, lễ hội... Tất cả những gì người Hán đưa vào đã được (bắt buộc) Nhân dân ta tiếp nhận và dân tộc hóa, biến thành của mình để có “một nền văn hiến”, để sánh “Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”. 

 2. Lịch sử nước ta của Bác Hồ có câu 13 và 14 không?

    Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc có bản là 208 câu, có bản là 210 câu, có bản 236 câu thơ (Báo Điện tử Đảng Cộng sản Viêt Nam, ngày 24/9/2013). Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, một cơ quan rất quan trọng, có uy tín trong xã hội đã xuất bản nhiều lần. Tôi không có điều kiện đọc hết nên có thể không biết nhưng các bản in Hồ Chí Minh - Tuyển tập. Tập 1 (1919 - 1945). Xuất bản lần thứ ba, năm 2002 ( tr. 594). Và Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 3 (1930 - 1945). Xuất bản lần thứ 3, năm 2011 (tr.259)  đều in:

                            LỊCH SỬ NƯỚC TA

                            Dân  ta phải biết sử ta,

                Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

                         Kể năm hơn bốn ngàn năm,

                        Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa.

                   5.         Hồng Bàng là tổ nước ta.

                      Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.

                           Thiếu niên ta rất vẻ vang,

                   Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời.

                           Tuổi tuy chưa đến chín mười,

                  10.    Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương .

                     An Dương Vương thế Hùng Vương,

                      Quốc danh Âu lạc cầm quyền trị dân.

                         Nước Tàu cậy thế đông người,

                    Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam,

                 15.  Quân Tàu nhiều kẻ tham lam.

                       Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?

                            ..............................

   Lịch sử nước ta trên đây không có câu thứ 13 và 14 trong bản gốc:

                                   Triệu Đà là vị hiền quân                          

                         Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời.

     Như vậy là không có nước Nam Việt và nhà Triệu như các thông sử và Đại cáo bình Ngô đã viết. Đây là một trong những câu thơ quan trọng nhất về lịch sử Việt Nam, và là nhận xét, đánh giá hay, chính xác nhất về nhân vật lịch sử Triệu Đà: “Vị hiền quân” trong Lịch sử nước ta.      

   Tại sao có hiện tượng này? Thật không hiểu nổi. Hy vọng là vì lý do “Tác phẩm được in và tái bản nhiều lần. Tuy nhiên ngay trong bản in tái bản lần thứ hai (gồm 20 trang) đã có những chữ in sai so với bản in lần thứ nhất ở các trang 11, 14, 16,18,20... Bản in này bổ sung 16 câu lục bát nhưng chưa xác định được là của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay của tác giả khác” (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - Tác phẩm Lịch sử nước ta năm 1942 lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia).

    Còn nhớ cách nay hơn một giáp, tháng 7 năm 2011 đã xẩy ra hiện tượng người ta đòi đục bỏ những câu thơ của Bác Hồ trong Lịch sử nước ta:              

                                      “Nguyễn Huệ là kẻ phi thường

                              Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu

                                            Ông đà chí cả mưu cao

                                  Dân ta lại biết cùng nhau một lòng

                                       Cho nên Tàu dẫu làm hung

                               Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà”.

     Những câu thơ này được khắc trên bia đá đặt ở Đền thờ Quang Trung trên Núi Dũng Quyết (TP.Vinh, Nghệ An) từ năm 2008 khi khánh thành công trình. Vào cổng đền, qua bình phong tứ trụ, là hai nhà bia đối diện nhau. Nhà bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung”. Nhà bia bên phải khắc “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung” (đoạn thơ trên).

        Người ta định thay tấm bia “Công trạng vua Quang Trung” bằng bài “Tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung” của ông Vũ Khiêu. Còn ở tấm bia bên phải, những lời của Hồ Chí Minh bị thay bằng đoạn “Trích chiếu của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô”.

       Chẳng có cơ sở pháp lý hay khoa học của cơ quan nào cả. Chỉ vì “Dư luận” cho rằng  gọi “Nguyễn Huệ là kẻ...” là xếch mé, là coi thường người anh hùng dân tộc, gọi Tàu là giặc Tàu... đủ lý do để bào chữa cho một thái độ nào đó.

       Người ta không biết tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, thơ Hồ Xuân Hương: Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng. Truyện Kiều Nguyễn Du 27 lần viết chữ kẻ: Đã không kẻ đoái người hoài, Người lên ngựa kẻ chia bào. Có dung kẻ dưới mới là lượng trên, Bây giờ kẻ ngược người xuôi, Đau lòng kẻ ở người đi,...đâu có xếch mé, coi thường ai.

      Một cơn sóng phản đối dữ dội đã xẩy ra ở Nghệ An lúc đó. May mà người ta cũng nghe ra, khôi phục lại hai tấm bia và những câu thơ Lịch sử nước ta của Bác Hồ.

     Thời gian hơn 80 năm qua, từ năm 1942 đến nay, chiến tranh kết thúc đã nửa thế kỷ, không biết các cơ quan nghiên cứu lịch sử, văn học... đã chỉnh sửa, trả lại đầy đủ và công bố Lịch sử nước ta của Bác Hồ hoàn chỉnh như Đảng và Nhà nước đã làm với Di Chúc của Bác?.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số 14 - Tháng 9/2024)

...................

Chú thích:

 1. “Nguyên văn câu thơ của Hồ Chí Minh” trong Họ Triệu mấy vấn đề lịch sử. Nxb. Hội Nhà văn. 2000, tr. 14.

2. Năm đời nhà Triệu gồm Vũ Đế ở ngôi 71 năm, Văn Vương ở ngôi 12 năm, Minh Vương ở ngôi 12 năm, Ai Vương ở ngôi 1 năm, Thuật Dương Vương ở ngôi 1 năm.

                                             -------------------------                           

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114523267

Hôm nay

2253

Hôm qua

2264

Tuần này

22041

Tháng này

221206

Tháng qua

121009

Tất cả

114523267