Đất Nghệ

Địa danh xứ Nghệ xưa trong dân ca Ví Giặm

Khảo sát những địa danh xứ Nghệ xưa được phản ánh trong các bài hát, làn điệu Ví, Giặm, có thể thấy được không gian địa lý – lịch sử - văn hoá của cộng đồng dân cư nơi đây.

Bài giặm vè “Buôn gạo chợ Vinh”(1)gồm 160 câu, được sưu tầm tại các xã Đức Lâm, Đức Yên và Trung Lương, huyện Đức Thọ gồm có 20 địa danh, chủ yếu là các chợ, bến đò  từ Can Lộc, Đức Thọ ra chợ Vinh. Đây cũng là hành trình làm quen, tình tự của các cặp trai gái, bạn hàng hoặc bạn đường. Bài hát Giặm này vừa có tính tự sự, vừa có tính trữ tình sâu sắc. Những địa danh được nhắc đến thường gắn liền với một nét tâm trạng riêng nên rất sinh động, hấp dẫn: “Vô chợ Nhe xáp bạn. Lại chợ Đình gặp bạn”; “Gạo đã sẵn đôi bì. Gánh xuống bến chợ Vi. Sắp cùng nhau chung chạ”; “Đò ra bến đò Trai. Đò đậu bến thảnh thơi..”; Ngay cả sông núi cũng lãng mạn, phập phồng hơi thở của tình cảm lứa đôi: “Núi Hồng Sơn cao vời. Sông Ninh thuỷ đầy vơi. Chàng với thiếp trao lời. Lúc canh khuya trò chuyện”.  Bài Giặm kết thúc bởi những lời ướm hỏi: “Chàng thấy thiếp chàng mê. Thiếp trông chừng sao đó?” và dặn dò: “Việc bán mua tuỳ chợ. Hàng đắt đỏ tuỳ duyên. Gạo trắng bán có quyền. Ta khuyên ta đừng vội”. Bài Giặm nói về chuyện buôn gạo nhưng thực chất là câu chuyện tình yêu, ở đây các địa danh thiên nhiên – hành chính – kinh tế được sử dụng để dựng nên một không gian trữ tình mang đậm màu sắc văn hoá bản địa.

Bài Giặm(2)“Đâu vui bằng đất Văn Thai”(3)là một trong số ít bài hát tương đối dài ca ngợi cảnh giàu đẹp của một vùng quê cụ thể. Làng Văn Thai, gần Lạch Thơi (nay thuộc Sơn Hải, Quỳnh Lưu) rất trù phú, dân chuyên nghề đi biển đánh cá, buôn bán. Bài Giặm gồm 58 câu lục bát, trong đó miêu tả phong cảnh làng Văn Thai và việc làm ăn buôn bán của dân làng. Phong cảnh, sinh hoạt của làng gắn với các địa danh được miêu tả rất chi tiết, sinh động. “Đâu vui bằng đất Văn Thai. Trên thời đường cái, dưới hai dãy thuyền. Người đi trên bộ miên thiên. Dưới hai dãy thuyền cột mũi chằng song”; “Thẳng buồm phất cánh cò bay. Mũi thì đè Kiến, lái nay đè Rồng…”. Hình ảnh một làng quê trù phú được khắc hoạ bằng một hệ thống ngôn từ vừa mộc mạc, vừa tinh tế. Có 6 địa danh được nhắc đến:Văn Thai, Kiến, Rồng, Cờn, Mê, Câu, tái hiện không gian văn hoá riêng của vùng quê biển. 

Văn hoá dân gian là bức tranh phản ánh đời sống vật chất và tinh thần nhân dân. Điều đó thể hiện rõ nét trong Ví Giặm. Được sinh ra từ lao động và gắn liền với các sinh hoạt của đời thường, được sáng tác trong các tình huống ứng tác, ứng khẩu, Ví Giặm thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, rất cụ thể, chi tiết, sinh động. Vì vậy, các địa danh được nhắc đến nhiều trong Ví Giặm, theo thủ pháp tức cảnh sinh tình hoặc tả cảnh ngụ tình…. Địa danh trong dân ca Ví Giặm gắn liền với không gian sinh sống, địa bàn sinh hoạt, lao động của người dân, mà chúng tôi tạm chia thành địa danh thiên nhiên và địa danh hành chính, kinh tế, xã hội. Địa danh, trước hết là một dấu ấn riêng, là một yếu tố có tính chất “định vị”, đồng thời cũng là một hình tượng mang ý nghĩa biểu đạt phong phú. Mỗi câu hát, bài hát của một cá nhân, tại một vị trí cụ thể sẽ có địa danh khác nhau; hoặc cùng một địa danh, nhưng tâm trạng, nhân vật khác thì cũng được nhìn nhận không giống nhau.   

Địa danh trong Ví, Giặm trước hết là địa danh tự nhiên gắn với tên núi, tên sông, cồn, bãi... “Mênh mang điệu ví câu hò. Dòng Lam dệt lụa vần thơ ân tình”; “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục…”. “Núi Hồng ai đắp mà cao. Sông Lam ai bới ai đào mà sâu?”. Địa danh sông Lam, núi Hồng trở đi trở lại nhiều lần trong các bài hát Ví Giặm, đã trở thành một hình tượng nghệ thuật, biểu tượng của quê hương xứ sở. Sông Lam có tên khác là sông Rum cũng được nhắc đến trong lời hát nói về dòng họ Nguyễn Tiên Điền: “Bao giờ Hồng Lĩnh (rú Hống) hết cây; Sông Rum hết nước, họ này hết quan”. Gắn với các tình huống ứng tác, các địa danh thiên nhiên trong Ví Giặm rất phong phú, gắn liền với địa bàn sinh tụ, quần cư của cư dân xứ Nghệ. Đó là Đèo Ngang (“Án đường rồi võ nghệ. Thông cho tới Đèo Ngang”), sông Rộ (“Bữa thời ngược Rộ. Cứ ngày mà đợi. Trường Bích Thị hai ngay”); khe Bùn (“Được một xứ Khe Bùn”); cồn Khế, cồn Khung (“Cồn Khế, cồn Khung- Buổi giừ đã được vườn trong vườn ngoài”); rú Cấm (“Trông xuống bàu Séo - Chộ đôi ngôi trường – Trông sang nam phương - Thấy hòn rú Cấm”), rồi các cánh đồng thuộc làng Hải Lệ - xã Quỳnh Lộc (“Cả Đồng Bụng, Chung Giấy. Cả Đồng Cấu, Lặt Diêng. Cả Đồng Hủng, Khe Sen. Quan sai nha khám đạc”)…

Địa danh thiên nhiên trong Ví Giặm vừa mang tính chất tự sự, vừa mang tính trữ tình. Nó không chỉ là thiên nhiên như vốn có, mà còn là hình ảnh thiên nhiên được khúc xạ qua hoàn cảnh, tâm trạng của những con người cụ thể. Người hát mượn thiên nhiên để giãi bày tâm sự, so sánh, chia sẻ tâm trạng, ý chí, khát vọng, gửi gắm thông điệp…Ví đò đưa sông La có bài: “Dưới bến Tam Soa sương trùm sóng vỗ. Trên ngọn Tùng Sơn thông rủ gió gào. Cánh buồm bạt gió lao xao. Hận chìm đáy nước hờn cao ngất trời”(4). Ở đây, bến Tam Soa, núi Tùng Lĩnh được cảm nhận trong tâm trạng đau khổ, uất ức của người dân mất nước, và trở thành biểu tượng của tâm lý, ý chí cộng đồng. Còn trong bài Giặm “Đi chợ Lứ buôn lụa”, các hình ảnh thiên nhiên “Cầu Giát nước chảy trong veo. Cầu Bùng quán Lứ dập dìu tới nơi” được miêu tả trong tâm trạng phơi phới nên rất đẹp, trong trẻo, vui tươi. Còn trong câu ca: “Hồng Sơn cao ngất mấy trùng.  Lam Giang mấy trượng thì lòng mấy nhiêu”, thì núi Hồng, sông Lam đã trở thành hình ảnh thể hiện cảm xúc say đắm, tha thiết của tình yêu đôi lứa.  

Xuất hiện nhiều nhất trong Ví Giặm là các địa danh gắn liền với đời sống lao động, sinh hoạt hàng ngày của người dân như chợ, bến đò, cầu, đình, chùa, xóm, làng, phủ, xã, huyện, tổng, xứ, kẻ…Bài Giặm “Hàng xáo Trung Lương” nhắc đến nhiều địa danh: “Em đi buôn len lỏi. Em đi bán lá lèo. Hết kẻ Vọt, kẻ Treo. Lên chợ Cầu, chợ Trổ. Về chợ Chế, chợ Trai. Trông cho rạng ngày mai. Em đi liền chợ Huyện” …Các chợ được nhắc đến nhiều lần trong các bài Ví Giặm, bởi vì chợ có vị trí đặc biệt trong đời sống cộng đồng ngày xưa, không chỉ là nơi làm ăn, buôn bán, trao đổi hàng hoá mà con là nơi giao tiếp cộng đồng, thử thách tài năng, là địa chỉ kết bạn, xe duyên (Trai khôn kén vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân), vừa là địa chỉ sinh hoạt, kinh tế, vừa là địa chỉ văn hoá.

Tên làng, xứ, kẻ cũng xuất hiện nhiều trong Ví Giặm, gắn với tình yêu, niềm tự hào hay nỗi cay đắng trong cuộc sống: “Ai về Hà Tịnh thì về. Mặc lụa xứ Hạ uống chè Hương Sơn”; “Đất Đồng Môn dệt vải. Đất Cổ Đạm vắt nồi. Đất Xuân Liệu bầy tui. Bắt một nạm cáy hôi. Về đâm đam phơi phơi”; “Tiếng lành đồn xa. Cái nghề thợ mộc nhất là Thái Yên”… Mỗi vùng đất có những nghề nghiệp, đặc trưng riêng, đặc biệt là gắn với tính cách, khí chất con người của vùng đất ấy: “Em con gái Trung Lương. Cũng tay già, tay sọi”; “Muốn ăn cơm nếp đỗ chà. Muốn lấy vợ đẹp thì ra Yên Hồ”; Trai Lạc Thiện khôn ngoan – Vẫn tay già tay sọi”; “Đi gặp quân Dốc Liễn. Là quân không vừa”…

Các địa danh cổ được phản ánh trong Ví Giặm lưu giữ nhiều nét đặc sắc trong kí ức cộng đồng, có thể khai thác ở nhiều khía cạnh như địa lý, văn hoá - ngôn ngữ, lịch sử. Trong kho tàng Ví Giặm, có nhiều bài cũng xuất hiện ở các địa phương khác trên cả nước, không rõ xuất xứ, được coi như tài sản chung của cộng đồng. Bên cạnh đó, những bài gắn với địa danh cổ xứ Nghệ chứng minh đó là những bài hát do người dân bản địa sáng tạo và được lưu truyền trong cộng đồng Nghệ Tĩnh. Qua các địa danh xứ Nghệ xưa trong Ví Giặm, có thể tái hiện được không gian địa lý – lịch sử của cộng đồng dân cư, đồng thời là không gian văn hoá thể hiện truyền thống văn hoá, quan niệm thẩm mỹ của một vùng văn hoá. Và đặc sắc hơn cả là một không gian nghệ thuật đa sắc, đa thanh, rất độc đáo và hấp dẫn. Điều đó góp phần tạo nên giá trị, bản sắc của Ví Giặm, một di sản làm phong phú thêm kho tàng văn hoá dân tộc và nhân loại.  

Chú thích:

(1). Kho tàng Vè xứ Nghệ. Tập II. Ninh Viết Giao chủ biên. NXB Nghệ An 199, trang 372, gồm 9 tập. Các dẫn chứng trong bài trích từ sách này và một số tài liệu khác.        

(2). Theo nhạc sỹ Lê Hàm và một số nhà nghiên cứu khác, Vè là một thể của hát Giặm (giặm vè), nên chúng tôi gọi là bài Giặm.

(3). Tài liệu đã dẫn, trang 599.

(4). Theo sách Âm nhạc dân gian xứ Nghệ. Lê Hàm chủ biên. Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An. 2000.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522561

Hôm nay

293

Hôm qua

2325

Tuần này

21335

Tháng này

220500

Tháng qua

121009

Tất cả

114522561