Người xứ Nghệ

Tưởng niệm về cha tôi: Chí sỹ Hồ Học Lãm [vii]


CHƯƠNG VII

HINH SƠN HỒ HỌC LÃM

           Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

           Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

 

 

Xin kính dâng bài ca dao đẹp đẽ vô ngần này lên vong linh người cha kính yêu của tôi - Chí sĩ Hồ Học Lãm.

Với tôi, viết về cha thật là khó, bởi vì rất nhiều sự kiện xảy ra khi tôi chưa ra đời hoặc khi tôi còn quá nhỏ, chưa đủ trí khôn và ý thức tìm hiểu và ghi nhớ mọi việc làm của cha mình. Cha tôi hay kể chuyện quê hương, đất nước để bồi dưỡng ý thức về quê cha đất tổ, nhưng chưa một lần kể về cống hiến của mình đối với cách mạng. Ông chưa bao giờ có biểu hiện tư tưởng "công thần, địa vị". Về sau, cho dù tôi được nghe kể nhiều chuyện về công đức của cha mình, trong tâm tưởng của hai chị em tôi, đó chỉ là những hành vi giản dị, bình thường của một người yêu nước mà thôi.

Năm 1946, (sau khi ba mẹ con chúng tôi về nước) có một số cán bộ nói với chúng tôi: "Nếu cụ Hồ Học Lãm không mất, cụ sẽ làm Chủ tịch nước, còn Bác Hồ lãnh đạo từ trong hậu trường.  Đó là dự kiến của Bác Hồ...". Chị em chúng tôi thực sự sửng sốt trước ý kiến đó và cho rằng mình chưa đánh giá đúng về cha mình.

Sau đó anh Hồ Tùng Mậu - người anh họ có nói với chị tôi: "May mà chú mất, nếu chú còn sống, chắc không làm nổi Chủ tịch nước đâu...". Chị em chúng tôi cũng lại sửng sốt, một lần nữa cho rằng mình vẫn chưa đánh giá đúng con người, trình độ, năng lực của cha mình. Năm đó chị tôi hai sáu tuổi, tôi mười sáu tuổi tây, hai chị em chúng tôi sùng bái những người cộng sản, thấy họ nói thế nào cũng đúng.(1)

Năm nay 2007, tôi tròn 77 tuổi, cầm bút viết về cha mình, người đã được "đóng quan" từ lâu, tôi vô cùng tự hào về cuộc đời, và những cống hiến nhỏ nhưng thật sự không đơn giản của cha mình, đặc biệt nhân cách lớn của ông, trí tuệ minh mẫn, sáng suốt của ông. Dù ông luôn kêu gọi "đại đoàn kết", song ông phân biệt rõ trắng đen, phải trái, đã từng có sáng kiến về vấn đề chuyển địa bàn hoạt động của những người cách mạng Việt Nam từ Vân Nam về Quảng Tây vào năm 1940...

Vấn đề Bác Hồ dự kiến cha tôi làm Chủ tịch nước đó chỉ là một nước cờ của Bác Hồ khi Người nghĩ đến nếu năm 1945 cướp được chính quyền, tình thế đất nước sẽ ngàn cân treo sợi tóc. Cha tôi là chí sĩ yêu nước không đảng phái, nhưng ông biết chính nghĩa ở đâu, biết vì đại cục và sự nghiệp lớn của cách mạng giải phóng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Để đảm bảo mức độ chính xác nhất định, tôi đã tìm đọc "Sử Việt Nam" của Trần Trọng Kim, "Lịch sử Quốc dân đảng Trung Quốc ", "Lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc", hồi ký của Lê Thiết Hùng: "Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ", "Giọt nước biển cả" của Hoàng Văn Hoan...

Nếu như tôi còn trẻ, sẽ phải tìm đọc lịch sử thế giới, Nhật Bản và Trung Quốc... thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX; phải sưu tầm đầy đủ các bài luận văn đăng trong "Binh sự tạp chí" Hàng Châu từ 1916 đến 1927, hai kỳ báo Việt Thanh tháng 1 và tháng 2 năm 1936... Để tìm hiểu đầy đủ con người cha tôi, thật ra không phải dễ, nhưng nay tuổi đã quá "cổ lai hy" và với đôi mắt bắt đầu lòa, các việc đó đã vượt tầm tay của tôi...

*

*     *

Khoảng cuối năm 1937 cha tôi và anh Văn đi qua Vu Hồ. Sau khi ăn bữa cơm chia tay ở khách sạn tầm tầm ở thị trấn này, cả nhà chụp ảnh kỷ niệm, đây là tấm ảnh kỷ niệm thứ hai của cả nhà. Cha và mẹ ngồi, tôi đứng ở giữa, đằng sau từ trái sang phải là Lê Tân Dân, Hồ Diệc Lan, Lê Quốc Trụ và anh Văn. Trong ảnh cha tôi trông gầy gò với đôi mắt mệt mỏi. Khi đó cha đã mắc bệnh tim to. Mẹ tôi cho rằng cha bị tim to vì một lần từ mặt trận về phép, trong túi không có tiền, ông đã phải đi lậu vé xe lửa. Đến khi người soát vé xuất hiện, ông liền chuồn ra cửa toa, đang lúc tầu chạy, ông nhảy xuống và bị ngã đau. Nay nghĩ lại, nguyên nhân tim to chắc là do cha tôi bị hen suyễn lâu năm. Thời gian làm "Lưu thủ chủ nhiệm" phần vì thu dọn cơ quan Tổng Hành dinh Quốc dân Đảng lên Trùng Khánh, công việc hết sức bề bộn và bận rộn, phần vì Nhật đêm ngày bắn phá thành phố Nam Kinh, tinh thần bị mệt mỏi ức chế, phần vì suy nghĩ về cách đối xử của Quốc dân đảng Trung Quốc đã lộ ra điều gì đó không bình thường...

1- Cha tôi hẳn đã chủ yếu tư duy về mặt quân sự khi viết "Bức thư hiến kế". Bức thư đã bộc lộ tư tưởng “đồng sàng dị mộng” với bọn Tưởng. Tôi cho rằng những năm 1930 - 1933, khi Quốc dân đảng Trung Quốc nghi Lê Quốc Vọng làm gián điệp cho cộng sản, anh lại là người thân thích với cha tôi, tất nhiên họ cũng đặt dấu hỏi về cha tôi. Nhưng vì không tìm được chứng cớ, họ đành để yên.

2- Nhiều lần Quốc dân đảng Trung Quốc tình nghi những hoạt động của cha tôi và những người Việt Nam được ông bảo trợ có liên quan đến cộng sản, cho nên năm 1936, tuy họ cho thành lập Mặt trận Việt Minh song không trợ cấp một khoản kinh phí nào để ông hoạt động. Hơn nữa, bọn Nghiêm Kế Tổ chắc có báo cáo gì đó với Quốc dân đảng Trung Quốc (tham khảo hồi ký Lê Tân Dân, đoạn gặp Nghiêm Kế Tổ) và bọn Quốc dân đảng Việt Nam tìm cách phá sự hoạt động của Việt Minh (Cao Hồng Lĩnh kể với tôi). Do đó cuối cùng tổ chức Việt Minh không hoạt động gì đáng kể, còn báo Việt Thanh ra được hai kỳ thì đình bản.

3- Hiến kế thư của ông kêu gọi đoàn kết mọi đảng phái yêu nước chống Nhật, hàm ý đoàn kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (tất không hợp với quan điểm của Tưởng). Qua đó, hẳn Tưởng nhận thấy xu hướng tư tưởng của cha tôi khác với họ.

4- Khi một số đồng liêu khuyên cha tôi vào Quốc dân đảng Trung Quốc, thấy cha tôi từ chối khéo, chắc họ đặt dấu hỏi về độ tin cậy của cha tôi.

Bốn điều trên dẫn đến khi Tổng hành dinh của Quốc dân đảng Trung Quốc dời về Trùng Khánh, họ loại cha tôi ra.

Cha tôi về quân khu Trường Sa do Trương Trị Trung làm Tư lệnh. Ở đó, họ để cha tôi ngồi lĩnh lương, không giao công việc gì quan trọng. Sức khỏe của ông ngày càng kém, cho nên ông cũng buông xuôi. Ông nghĩ những gì đáng làm - tham gia cách mạng phản phong phản đế ở Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tôn Trung Sơn thì ông đã làm; Viết những luận văn quân sự, tham mưu một số công việc tác chiến ở Bộ Tổng tham mưu Nam Kinh mà không gây hại cho việc chống quân phiệt, ông cũng đã làm. Ngoài ra những việc vận chuyển, cung cấp khí tài quân sự do trên chỉ đạo, ông buộc phải làm (nhưng chắc ông cũng có phần an tâm vì đã kịp chuyển những tin mật này cho Đảng cộng sản Trung Quốc); những việc làm cho cách mạng Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam, ông cũng làm đầy đủ. Tự xét mình không xu thời, không hám danh lợi nịnh bợ bọn đồng liêu, cấp trên... ông thấy mình không có điều gì phải hổ thẹn với mình, với anh em đồng chí. Tuy ngoài Đảng, lòng ông khi nào cũng nghĩ về các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên... nghĩ đến cuộc cách mạng giải phóng dân tộc phải do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo mới thành công. Ông nhấn mạnh đại đoàn kết, phát huy mọi lực lượng trong nước... Cho nên có thể nói "Bản hiến kế thư" của ông viết cho Tưởng Giới Thạch là suy nghĩ, là tâm tư, nguyện vọng của ông đối với đất nước mình. Ông nói với gia đình:

"Giờ mình cũng già yếu, sự nghiệp cứu nước chỉ trông chờ các anh em cộng sản trẻ. Nay bọn Tưởng đối xử mình như vậy cũng được, cái gì đáng làm thì cũng đã làm rồi...".

Nay đọc hồi ký của Lê Thiết Hùng, tôi sực hiểu ra câu nói "Cái gì đáng làm thì cũng đã làm rồi". Chúng tôi vẫn nghĩ ông ngụ ý sự cưu mang và nuôi dưỡng anh em cách mạng, nay mới hiểu điều ông muốn nói sâu xa nhiều.

Cả gia đình tôi lại gặp nhau vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1938. Sau đó mẹ tôi ở lại Trường Sa, tôi theo chị về Ích Dương, nơi đóng quân của Lê Tân Dân. Từ Trường Sa về Ích Dương chỉ khoảng 100 cây số, cho nên tiện xe quân sự, hai chị em vài tuần lại về Trường Sa thăm cha một lần. Bây giờ nhớ lại, Tôi mới hiểu rằng chị Lan hay qua lại Trường Sa không chỉ thăm cha, mà còn đến liên hệ với cơ sở Đảng cộng sản Trung Quốc ở Trường Sa, để chuẩn bị đi học ở khu xô viết Thiểm Bắc.

Có một câu chuyện vui:

Hôm đó, sau khi ăn cơm trưa ở Trường Sa với cha mẹ tôi, anh Lê Thiết Hùng lái chiếc xe con đưa hai chị em về Ích Dương ngay giữa trưa. Có lẽ vì anh uống một chén rượu, lái xe lâu buồn ngủ, cuối cùng cái xe bốn vó chổng lên trời giữa ruộng. Khi đó chị và tôi ngồi đằng sau, tôi ôm hộp ruốc trứng tôm đang gà gật ngủ, bỗng thấy uỳnh một cái, không hiểu chuyện gì, một lúc sau mới định thần thấy hai chị em nằm lộn ngược trong xe. Anh Tân Dân mở cửa xe, chị và tôi lồm cồm bò ra mới biết xe bị lộn ngược... Nhưng ba người không việc gì, tôi chỉ mất một chiếc răng.

Người đời, những người yêu cách mạng họ quý trọng cha tôi. Họ đánh giá cao nghĩa cử của cha tôi, họ tôn cha tôi là tướng Quốc dân đảng, bất chấp việc tôi thanh minh cha tôi chỉ là trung tá (họ không tin điều đó). Tôi không thích bất cứ một loại hào quang nào khoác lên gia đình tôi và ngay cả bản thân tôi, vì đó là loại hào quang hữu danh vô thực. Tôi tự hào sinh trưởng trong một gia đình nhiều thế hệ hoạt động cách mạng: bà nội, cụ Lụa, can trường vì nước, được cụ Phan Bội Châu tôn vinh danh hiệu "Tiểu Trưng", cha nuôi hàng chục người cách mạng, chủ yếu là những đảng viên cộng sản; hơn nữa cha từng cứu một số người (cộng sản) bị Quốc dân đảng tình nghi là cộng sản.

Hồ Tùng Mậu, Lê Tản Anh là hai thanh niên cách mạng đến với gia đình tôi sớm nhất. Năm 1921, Lê Tản Anh theo hoàng thân Nguyễn Cường Để xử tử tên mật thám Pháp Phan Bá Ngọc. Hai anh từng giác ngộ cha tôi tham gia tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Sau khi cha tôi làm tình báo ba năm với Lê Thiết Hùng (1930 - 1933), Lê Tân Dân - Lê Thiết Hùng, hồi đó lấy tên là Lê Quốc Vọng, từng giác ngộ cha tôi tham gia Đảng cộng sản Đông Dương, cha tôi từ chối: "Tôi đã tuổi già sức yếu, vào Đảng nhỡ có khi vì sức khỏe không đáp ứng được với yêu cầu của Đảng thì hóa ra có lỗi. Mặc dù tôi không phải đảng viên, Đảng cần gì, tôi sẽ làm hết lòng thì có sao đâu chứ. Diệc Lan sẽ noi gương Hoa Mộc Lan đời nhà Tống thay cha đi đánh giặc, nó sẽ thay tôi. Tôi giao Diệc Lan cho các anh đó...".

Riêng trong tâm hồn tôi đánh giá rất cao nhân cách, phẩm chất và đức độ của cha tôi. Thái độ khiêm nhường, lời lẽ ôn tồn, cử chỉ, đi đứng khoan hoà là phong độ của cha tôi. Mẹ tôi tính thẳng, nóng nảy, suy cho cùng cũng không tránh khỏi hẹp hòi do phải lo toan việc nội trợ của gia đình lớn. Do đó cha tôi có căn dặn các chú:

"Vợ tôi nóng tính, hay nói linh tinh, lèm bèm, dù sao cũng là đàn bà, các anh đừng có chấp. Cứ hãy nhìn vào tôi ... Chuyện này về sau Hoàng Văn Hoan kể lại với tôi.

Có một đảng viên cộng sản từng xúc phạm sau lưng cha tôi, ông vẫn bỏ qua, hết lòng cộng tác công việc cách mạng với anh ta, không mảy may tỏ một thái độ gì với anh. Ông vẫn nói, thanh niên tính khí cương cường hăng hái, bồng bột … nhưng được việc, nóng nảy là nhược điểm không tránh khỏi, đừng chấp họ, mà hãy vì việc lớn.

Ông chủ trương đoàn kết rộng rãi để tranh thủ mọi khả năng cứu nước. Tuy nhiên ông chẳng hề hồ đồ chút nào. Ví dụ ông nói: "Nguyễn Hải Thần có tinh thần yêu nước, cũng là thế hệ Đông Du. Sau này cụ Phan mất, bầy tôi như rắn mất đầu, nên Thần cũng đành lấy vợ Trung Quốc, và vì sinh kế phải đi làm thầy bói. Nhưng nếu có dịp hoạt động, ông ta cũng sốt sắng, chỉ có mỗi tính tham lợi nhỏ, ngại cộng sản. Tôi mời ông ta tham gia "Việt Minh" chỉ có lợi cho chúng ta, không nên ngại. Đã gọi là "Việt Nam độc lập vận động đồng minh hội", càng nhiều phe, đảng, càng là lá chắn tốt cho chúng ta, bọn Tưởng sẽ bớt nghi ngờ sự hoạt động của chúng ta".

Như trên đã kể, cha tôi đau yếu, nhưng ông vẫn làm việc tích cực ngày đêm, luôn theo dõi thời cuộc thế giới cũng như Trung Quốc. Tình hình cứu nước ông nắm được chủ yếu dựa vào các đảng viên cộng sản. Cha tôi rất khâm phục Nguyễn Ái Quốc có tầm nhìn xa và sâu sắc, rất mến phục những thanh niên như Lê Tản Anh, Thái Lai (Hà Huy Tập), Mạnh Văn Liễu (Phùng Chí Kiên), Lê Hồng Phong, chị Duy (Nguyễn Thị Minh Khai) ... Ông đánh giá cao tài năng và nghị lực của họ.

Tôi vẫn suy nghĩ và thắc mắc, từng hỏi chị Lan và mẹ tôi, tại sao ông không chịu vào Đảng. Chị Lan vẫn nghĩ là vì cha tôi sức khỏe yếu, còn mẹ tôi nói: "Cha con theo chủ nghĩa Quốc gia của Phan Bội Châu (tức chủ nghĩa dân tộc)". Tân Tam dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn được cha tôi tin tưởng. Vậy tư tưởng của cha tôi là gì? Phải chăng là dân tộc dân chủ? Các đảng viên cộng sản vẫn cho Tam Dân chủ nghĩa của Tôn rất hạn chế, không có tầm tư tưởng cao như chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là khoảng cách về quan điểm giữa ông với các đảng viên cộng sản.

Cha tôi hoàn toàn không ủng hộ đường lối tư tưởng phản động tàn bạo của Tưởng. Cho nên khi xảy ra "Sự biến Tây An" (Trương Học Lương, Dương Hổ Thành mời Tưởng lên Tây An bàn kế chống Nhật hay hòa đàm với Nhật. Tưởng lên Tây An, vùng căn cứ quân sự của Trương và Hổ, nơi giáp ranh với vùng của Đảng cộng sản Trung Quốc, Tưởng bị Trương cầm giữ vì lý do: nếu Tưởng không hợp tác với Đảng Cộng sản cùng nhau chống Nhật sẽ không thả Tưởng về Nam Kinh). Cha tôi kể lại câu chuyện đó với thái độ rất thú vị. Và trong "thư hiến kế" ông không nói rõ nên đoàn kết với cộng sản. Nhưng ông đề nghị đoàn kết các đảng phái tiến bộ, đồng lòng kháng Nhật...

Không hiểu đây có phải là sự gặp nhau về tư tưởng giữa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Hồ Học Lãm hay không. Bác Hồ có chỗ đứng là chủ nghĩa cộng sản, chỗ dựa là Đảng Cộng sản và quần chúng cách mạng. Còn Hồ Học Lãm chỉ có chỗ đứng là chủ nghĩa Dân tộc. Chỗ dựa của ông là sự giúp đỡ và sự tin tưởng ở lực lượng cộng sản là những người thực sự yêu nước, làm cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đối với người cộng sản, họ chưa thể hài lòng với cha tôi vì họ cho ông không có quan điểm giai cấp, lập trường giai cấp. Điều này ở thời điểm đó là một mất một còn.

Có những tài liệu nói Trùng Khánh là nơi Bác Hồ gặp Hồ Học Lãm năm 1939. E rằng không chính xác về địa điểm.

Hồ Học Lãm đến Trùng Khánh cuối tháng 10 năm 1937 (từ Nam Kinh đến Trùng Khánh chờ lệnh nhận công tác khoảng gần một tháng). Theo các nguồn, thời kỳ đó Bác Hồ không ở Trung Quốc.

Chắc hai người gặp nhau năm 1939 ở Quý Dương. Đây là lúc chú Quốc Trụ đưa mẹ tôi, và tôi đi Côn Minh tìm gặp chị Diệc Lan.

Trước đó, cuối năm 1939, Phùng Chí Kiên hai lần từ Côn Minh về Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu để đón Bác Hồ nhưng đều không gặp. Lần thứ hai, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp (hồi đó gọi là Thược) gặp cha mẹ tôi. Tôi phỏng đoán: Phùng Chí Kiên có lấy địa chỉ của gia đình chúng tôi ở nhà ông Đỗ và để lại địa chỉ ở "Biện sự xứ Bát lộ quân" hoặc "Tân Hoa thư điếm" là trụ sở bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (thành phố nào cũng có Tân Hoa thư điếm, nghĩa là đều có trụ sở bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc), đồng thời để lại chỗ hai ông bà địa chỉ của Trịnh Đông Hải (Vũ Anh) ...

Qua chuyện hoạt động tình báo, chứng tỏ tinh thần giữ bí mật của cha tôi cũng rất cao. Ông rất hiểu tính bép xép của vợ. Những gì ông nói với mẹ tôi đều thuộc loại không đáng bảo mật.

Sau khi Phùng Chí Kiên nhận được thư cha tôi, một thời gian sau (chắc cũng khoảng nửa tháng hay một tháng), Bác Hồ với các anh Phùng Chí Kiên mới gặp mặt ở Côn Minh và anh Kiên có đưa bức thư của ông Lãm cho Bác xem.

Trở về chủ đề chính, cha tôi theo chủ nghĩa dân tộc, dân chủ, nó là đúng hay sai, hậu thế sẽ phán xét.

Cha tôi chủ trương đại đoàn kết. Ông nói đã gọi là làm cách mạng giải phóng đất nước, phải tranh thủ mọi thời cơ, mọi lực lượng, mọi khả năng. Cha tôi có khả năng đoàn kết rộng rãi nên bọn Vũ Hồng Khanh hết sức nể ông cụ. Nguyễn Hải Thần tuy cùng lứa tuổi với cha tôi, ông cũng rất quý cha tôi. Về thái độ quan điểm cha tôi khác họ, nhưng họ không có chứng cớ gì kết luận ông là theo cộng sản. Bởi như ông đã nói với Nguyễn Hải Thần: "Bọn mình xuất dương Đông Du vì mục đích cứu nước. Kết cục bọn mình chẳng làm được gì và bây giờ chúng mình đều già rồi. Bọn thanh niên chúng nó hăng hái, xông xáo, làm được việc, hãy để họ làm thay chúng ta. Đừng gây khó khăn cho họ...".

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441809

Hôm nay

2209

Hôm qua

2317

Tuần này

21713

Tháng này

216983

Tháng qua

112676

Tất cả

114441809