Đất Nghệ

Chùa Cực Lạc - Dấu ấn của một di tích lịch sử

Ngày 6 tháng giêng năm 1946, Ủy ban hành chính xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn đã chọn Chùa Cực Lạc là nơi tổ chức bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên. Bà con nô nức đến đây làm nhiệm vụ của công dân của một nước Việt Nam non trẻ, vừa giành được chính quyền. Tiếp đến, Ủy ban hành chính xã đã tổ chức các lớp bình dân học vụ tại sân chùa và nhà hạ, tôi còn nhớ hình ảnh thầy giáo Chuyên (người trong xã), cô giáo Quỳ (nhà ở Vinh) tận tình dạy từng mặt chữ cho bà con.

Hồi ức về một ngôi chùa

Dẫn chúng tôi ra một khu đất rộng, anh Nguyễn Quý Quang, PCT HĐND xã Hùng Tiến cho biết:  Đây là khu đất Chùa Cực Lạc trước đấy, bên hông phải là con đường liên xã, phía trước chùa là con đường bà con làng Bồ Đức đi làm ruộng đồng. Trước cổng chùa có khu đất rộng để làm lễ tế, nơi trẻ con trong làng ra thả diều, quanh chùa xưa kia nghe bảo trồng rất nhiều khế, bàng và chuối. Theo các cụ trong làng kể lại, tính đến nay chí ít Chùa phải trên 300 năm tuổi là dựa theo các hồ sơ về hệ thống đình, chùa, miếu mạo khu vực miền Trung do người Pháp biên soạn.

Được biết, sau khi dành được độc lập, ngày 6 tháng giêng năm 1946, Ủy ban hành chính xã đã chọn Chùa Cực Lạc là nơi tổ chức bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bà con nô nức đến đây làm nhiệm vụ của công dân của một nước Việt Nam non trẻ, vừa giành được chính quyền.  Ông Nguyễn Trọng Thường  một cán bộ người xã hùng Tiến nghỉ hưu tại Hà Nội cho biết: Cha tôi (ông giáo Chuyên) và bà giáo Quỳ (nhà ở Vinh) lúc đó được Ủy ban hành chính xã mời ra dạy các lớp bình dân học vụ tại sân chùa cho bà con. Cha tôi kể, ngày đó, đêm đêm bà con cầm đèn dầu nô nức gọi nhau đi học chữ theo lời kêu gọi giệt giặc dốt của Hồ Chủ tịch, không khí vui lắm. Ngôi chùa chính là lớp học đầu tiên của địa phương sau ngày giành được độc lập.

PGS.TS Nguyễn Quý Dy, nguyên giảng viên trường Đại học Vinh nay đã gần 80 tuổi kể lại: Theo các cụ trong làng, ngày trước ba cha con ông Nguyễn Sinh Sắc mỗi khi đi đàm đạo với cụ Phan Bội Châu trên thị trấn Nam Đàn, khi về cũng hay dừng chân vãn cảnh chùa, nói chuyện với các ông giáo trong làng. Trong khánh chiến cống Pháp, xưởng quân giới của Liên khu IV được di dời bí mật về đây để sản xuất vũ khí phục vụ chiến trường. Chú ruột tôi là Nguyễn Quý Quýnh (sau là Tổng giám đốc Công ty thiết bị phụ tùng Trung ương, Bộ Vật tư) và ông Nguyễn Song Tùng (Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh-xã hội) đã làm việc và tá túc trong chùa một thời gian dài để chỉ đạo việc sản xuất vũ khí, đạn dược cho chiến trường.

Trong chiến tranh phá hoại, rú Dồi thuộc xã Hùng Tiến được chọn là nơi đóng quân của cơ quan đầu não Quân khu IV, tỉnh Nghệ An và huyện ủy Nam Đàn. Có lần, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Liên khu IV ngay tại ngôi chùa này. Địa phương cũng chọn chùa Cực Lạc làm địa điểm làm việc cho Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng. Lịch sử xã Hùng Tiến còn ghi rõ: Làng Bồ Đức nói chung và Chùa Cực Lạc nói riêng là địa điểm giao liên, các đoàn quân chính quy của bộ đội dừng chân nghỉ ngơi trên hành quân vào nam.

Địa chỉ tín ngưỡng

Chùa Cực Lạc gồm 2 cổ tự nhưng bao chùa của làng quê miền Trung. Nhà hạ làm bằng ngói ba gian, hai hồi có 3 vì cột lim, được chạm trổ trang trí cây, cảnh và các linh vật tinh vị, đẹp mắt. Nhà thượng (hay còn gọi là thượng điện) gồm 2 gian, chiều rộng đúng gian giữa của nhà hạ, trong đặt bàn thờ Phật 3 cấp, gian còn lại để đồ thờ cúng (hương đèn). Phía trước sân chùa có bể nước mưa rất lớn, quanh năm không mấy khi cạn. Ông Cu Ngợi là người được các cụ trong làng tín nhiệm cắt cử việc trông coi hương đèn, tế lễ của ngôi chùa cho biết: Vào ngày mồng một, ngày rằm bà con trong xã và một số vùng xung quang thường hẹn nhau đến chùa để hương khói, cầu cho mưa thuận, gió hòa, việc gia đình, làng xã được trôi chảy. Đặc biệt những cặp vợ chồng hiếm muộn con cái đến đây cầu xin khi về thường dễ thụ thai nên khắp nơi xa, gần đổ về khá đông. Những năm thời tiết nắng hạn kéo dài, các cụ cao tuổi trong làng thường ra chùa lập đàn cầu mưa và thường thì nửa tháng sau là có mưa.

Trong chiến tranh,  pháo từ hạm đội 7 Mỹ, máy bay hàng ngày điên cường bắn phá khu vực cơ quan đầu não Trung ương, tỉnh, huyện nhưng hầu như không có ai bị thương vong. Theo thống kê, hơn 10 năm xã liên tục bị máy bay, tàu chiến Pháp và Mỹ bắn phá thì chỉ có vào tháng 5/1950 một trận bom khiến cho 1 người dân địa phương bị thương và 1 người dân thành phố Vinh tản cư (ông Ky) bị thương.

Khôi phục chùa Cực Lạc?

Với nhiều lý do khác nhau, sau khi tiến hành xây dựng HTX nông nghiệp, chính quyền địa phương đã phá dỡ chùa Cực Lạc. Đây được coi là quyết định phù hợp với chủ trương chung lúc bấy giờ để tập trung cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Gần nửa thế kỷ qua, nhân dân địa phương tôn trọng di tích tín ngưỡng tôn giáo vẫn để nguyên không xây dựng nhà cửa, các công trình kiên cố trên đất chùa. Thực tế, có một số gia đình có ý định xây cất nhà cửa đều gặp người về “trách quở” nên dừng lại không tiếp tục thực hiện. Hiện nay, các cụ cao tuổi trong xã và một số con em xã Hùng Tiến đi làm ăn xa có điều kiện đang có ý định xin phép được xây dựng lại Chùa ngay trên nền đất cũ. GS.TS Hoàng Văn Châu (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương) cho biết: Chùa Cực Lạc, vừa là địa chỉ tín ngưỡng tâm linh, vừa là địa điểm ghi dấu ấn lịch sử qua 2 cuộc kháng chiến. Theo tôi, việc khôi phục ngôi chùa là điều nên làm và nếu chính quyền đồng ý thì con em Hùng Tiến sẽ đứng ra quyên góp xây chùa.

Với một địa phương hiếu học và có truyền thống cách mạng như Hùng Tiến, Nam Đàn thì việc phục hồi, xây dựng lại chùa Cực Lạc là điều nên làm. Điều này còn phù hợp với chủ trương chung về chủ trương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Đảng và nhà nước.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522559

Hôm nay

291

Hôm qua

2325

Tuần này

21333

Tháng này

220498

Tháng qua

121009

Tất cả

114522559