Những góc nhìn Văn hoá

Bang giao Việt - Mỹ: Tháng năm lại về...

“Hãy đập tan các ngọn núi của nghi kỵ thành những phiến đá để xây dựng con đường dẫn đến lòng tin... Chúng ta hãy biến những tiếng nói còn bất hòa thành bản giao hưởng của tình anh em...” (Mục sư Martin Luther King).

Hồi hộp? Tháng Năm sắp đến! Xem phim “Cuộc gặp gỡ lịch sử”[1], không thể không cảm nhận về tầm nhìn xa trông rộng và sự lựa chọn khôn sáng của Hồ Chí Minh vào cái thuở cách mạng còn chông chênh, trứng nước. Chủ động móc nối với “Toán Con Nai” thời ấy (từ OSS, tiền thân của CIA sau này) là một trong những nhân tố đẩy nhanh sự thành công của nền cộng hòa dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Cho dù sau đấy là cả một chuỗi nuối tiếc vì sự đứt gãy và gián đoạn mang tính duyên khởi của những giao hảo bước đầu. Nỗ lực kiến tạo thế và lực để chung sống an hòa với Trung Quốc trong bối cảnh “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng” xem ra còn quá nhiều ba-ri-e cần vượt qua. Những ngày này, hoài niệm của quá khứ, nghiệt ngã của thực tại và khát vọng ở tương lai chưa khi nào lại dồn nén làm nên bao chữ “NẾU”… Từ Biển Đông ngước lên Việt Bắc đại ngàn—Lũng Cú chốn xưa, là để tham chiếu một điểm tựa cho hành trình đi tới! Từng là bãi chiến trường qua nhiều thời đại, mang trên mình pho lịch sử oanh liệt nhưng cũng đầy bi tráng, giờ là lúc “Trăm Việt trên miền định mệnh” hãy đau đáu một câu hỏi, làm cách nào để cùng chung tay xây dựng nước Việt Nam thành một miền đất của hòa bình—thịnh vượng cho hôm nay và cho muôn đời sau?

Đối tác chiến lược

Nâng quan hệ “đối tác toàn diện” Việt—Mỹ lên tầm “đối tác chiến lược” là dự định từ nhiều năm nay của hai chính phủ, cả Hà Nội lẫn Washington. Tuy nhiên, kế sách này thiếu vắng quyết tâm và động lực đột phá. Trên thực tế, “sấm to mà mưa nhỏ”. Như nhận xét của giới học giả, trong khi Trung Quốc đang nhào lộn “rock and roll” (xác quyết và hung hăng) trên Biển Đông thì cặp đôi Mỹ—Việt vẫn đang đi bài “slow waltz” (chậm rãi và thiếu quyết tâm). Mỹ chưa cứng rắn và mạnh mẽ đủ độ. Việt Nam bắt đầu giãn khoảng cách với Trung Quốc, giãn nhưng “không nới quá xa” và tuy có biểu hiện nhích dần lại phía Mỹ, nhưng cũng “không tiến quá gần”[2]. Lỗ hổng về sách lược ấy chính là cơ hội lớn cho Trung Quốc. Thượng Nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Tiểu ban Quân lực Thượng viện Mỹ phải sốt ruột lên tiếng: “Mỹ cần hành động mạnh hơn là các cử chỉ tượng trưng tại Biển Đông”[3]. Thời gian lưu nhiệm của đương kim Tổng thống chỉ còn tính từng tháng. Dù mạnh loại bậc nhất thế giới, nhưng nước Mỹ còn nhiều vấn đề trong đối nội, đối ngoại. Cuộc khủng hoảng mang tên Trump cả nước Mỹ đang phải đối phó để mỗi đảng có thể đưa ra các ứng viên nặng ký cho cuộc bầu cử cuối năm chỉ là một. Trong khi đó, tân chính phủ của Việt Nam, với dàn lãnh đạo và đường hướng được Đại hội XII thông qua, đang khẩn trương bộn bề với bao nhiêu công việc. Tháng Năm tới, không khí chính trị tiếp tục sôi động do cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và cuộc đón tiếp Tổng thống Obama. Cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều đang có rất nhiều vấn đề ưu tiên, nhưng rõ ràng không thể có chuyện ai lo việc người nấy. Bởi một lẽ, cả hai đều đang phải đối phó với nhiều mối đe dọa chung.

Biển Đông—bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương—vốn không phải là “nút cổ chai” về địa lý, nhưng Trung Quốc đang tạo ra một “eo biển chiến lược”. Bắc Kinh đã liên tục điều dân thường, thiết bị quân sự ra các vùng đảo, rặng san hô họ bồi đắp, chiếm giữ trái phép của Việt Nam (có đảo chiếm từ 60 năm trước, có đảo họ cướp đã 40 năm nay). Nếu nay mai ông Obama từ Hà Nội về, Trung Quốc lại tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông thì thật là “oóc-giơ” ngoại giao cho nước Mỹ. Các tàu và máy bay của Mỹ sẽ phải xin phép khi đi ngang qua vùng biển này? Đối diện với các hiểm họa “sinh tử”, người Việt chịu bắt nạt quen rồi. Nhưng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh quốc, thậm chí cả châu Âu vừa qua đã phản đối Bắc Kinh khá mạnh mẽ, chẳng nhẽ bó tay? Ở đây, không phải “nhìn Trung Quốc như một nước thù địch thì sẽ biến họ thành kẻ thù” (theo quan niệm cổ hủ thời Nixon). Vấn đề là từ chỗ thả cho “con hổ” Trung Hoa về rừng (sai lầm thời ông Bush con) cho đến khi chính quyền Washington buộc phải tuyên bố “xoay trục”, liệu nước Mỹ sẽ hành động đủ độ để thay đổi quan niệm cũ? Vẫn chưa coi Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp, chỉ cho đó là vấn đề ngoại giao? Hay sẽ chuyển sang thừa nhận Trung Quốc là một cường quốc đang so tài quân sự và tranh giành ảnh hưởng trên thực địa với Mỹ? Vẫn biết ông Obama chẳng sang đây tìm câu trả lời ở Việt Nam, từ Việt Nam. Nước Mỹ không thiếu các nhà nghiên cứu chiến lược. Trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc tuy chưa phải là một siêu cường, nhưng Bắc Kinh đang muốn đòi lại vị trí trung tâm của họ ở Đông Á. Trong khi đó, Mỹ vẫn nhấn mạnh Hoa Kỳ mới là người có thể đặt ra quy tắc cho cuộc chơi chứ không phải Trung Quốc[4].

Nhưng chính những thách thức trên đây càng làm cho chuyến thăm của ông Obama mang tính thời sự. Trong bài diễn văn đầy cảm hứng của ông ởLa Habana (Cuba) có một câu thếnày: “Tôi không đến đây đkêu gi các bn lt đbt ccái gì. Tôi đến đây chđkêu gi các bn hãy kiến to lên mt cái gì đó!”Liệu Tổng thống sẽ nhắc lại tuyên bố ấy tại Hà Nội? Không chắc lắm, vì bang giao Việt—Mỹ chẳng phải bắt đầu bằng chuyến thăm này. Những đề tài trong các đàm phán Mỹ—Việt tại Hà Nội rất có thể là: 1) Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; Vấn đề nâng cấp “đối tác toàn diện” của quan hệ giữa hai nước; 2) Dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí; 3) Cụ thể hóa hóa vai trò của Việt Nam trong “Sáng kiến về Biển Đông” (vừa được Quốc hội Mỹ nâng lên thành luật trong tài khóa năm nay); 4) Khẳng định cam kết với tiến trình “Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP), đặc biệt là các nghĩa vụ đi kèm, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền; 5 ) Bạch hóa lộ trình Việt Nam và Hoa Kỳ cùng đi tới trong quá trình “tái cân bằng” của Mỹ trở lại châu Á và có thể thêm hàng loạt các vấn đề hợp tác trên các mặt khoa học-công nghệ-giáo dục. Với chương trình nghị sự này, liệu quan hệViệt—Mỹsẽcó bước ngoặt trong tháng Năm tới? Câu trả lời còn tùy thuộc vào nhiều ẩn số khác, chứ không chỉ là các thỏa thuận cụ thể. Cuộc sát hạch nghiêm khắc về đường lối đối ngoại có mang lại những chất lượng chiến lược cũng như lòng tin vững chãi cho mối bang giao song phương cũng như cho quan hệ giữa Việt Nam với phần còn lại của thế giới văn minh hay không? Câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước!

Tháng Năm này, nếu chưa đến được Khe Sanh, địa danh Tổng thống Obama từng nhắc tới trong diễn văn nhậm chức, thì nên mời ông lên thăm sân bay “quốc tế” đầu tiên của Việt Nam—sân bay Lũng Cú. Từ đây, 17 phi công Mỹ đã được chuyển về hậu phương sau khi được giải cứu nhờ vào cái thuở “bộ đội Mỹ là bạn ta, cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”. Thăm chiến trường xưa, không chỉ để ôn lại các hoài niệm của bang giao, mà còn góp phần hòa giải các bên trong cuộc chiến; bởi lẽ, mọi vết thương thế nào cũng cần được hàn gắn. Biết đâu Tổng thống Obama lại chẳng kể về những lời cầu nguyện của ông tại Nghĩa trang chungArlingtoncho cả kẻ thắng lẫn người thua từ cuộc nội chiến khốc liệt và máu lửa Nam—Bắc Mỹ. Ông Obama sẽ nói về quá trình chấp nhận và tôn trọng bên chiến bại như những người anh hùng. Và hẳn nhiên, ông cũng không quên những đúc kết về cách hành xử văn minh của “bên thắng cuộc” đối với người anh em, về bài học để tránh được cảnh nồi da nấu thịt. Nước Mỹ sở dĩ hùng cường, bởi vì nó biết cách tôn trọng giá trị của những người bên kia chiến tuyến[5]. Mới đây, truyền thông Nhật Bản cũng rất chú ý đến câu chuyện Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đặt vòng hoa tưởng niệm ở Hiroshima. Quả bom nguyên tử đầu tiên thả xuống ngày 6/8/1945 làm 23 vạn người Nhật chết. Nếu không bị hai trái bom ấy, chiến tranh chắc sẽ còn tiếp diễn hàng năm nữa, hàng triệu người Nhật và quân Mỹ sẽ chết. Trước đài tưởng niệm Hiroshima, người Nhật và người Mỹ đã cùng nhìn lại và cùng suy ngẫm về nghiệp chướng cả hai bên trải qua, để đưa ra thông điệp hòa giải và hữu nghị cho các thế hệ mai sau.

Thông điệp hòa bình

TTP là hiệp định thương mại tự do (FTA) của thế kỷ 21. Nhưng TPP còn là xương sống của chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên, khi chỉ mới ngỏ ý tham gia với quy chế “quan sát viên”, Việt Nam đã được mời dự các cuộc đàm phán chính thức. Không nước nào sau Việt Nam được thụ hưởng cái quy chế đặc biệt ấy. Với TPP, các chuyên gia đều cho rằng[6], từ nay cho tới năm 2030, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 10%, còn xuất khẩu sẽ tăng thêm 30%. Sự mong đợi chung của mỗi bên không phải không có cơ sở. Các nhà nghiên cứu còn có xu hướng muốn so sánh TPP với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ và Hiệp định Pa-ri, chỉ đơn thuần về ý nghĩa tạo bước ngoặt cho các vận động tự thân trong lòng xã hội Việt Nam. Vấn đề là phải HÀNH ĐỘNG! Nếu không hành động một cách triệt để theo lời văn và tinh thần các hiệp định quốc tế đã cam kết, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội. Không phải ngẫu nhiên, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã đưa ra lời kêu gọi được đánh giá là ông vung “cái gậy” khá đúng lúc: “Là một người bạn của Việt Nam, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận ra những khả năng được—mất trong tình hình hiện nay. Tuy TPP chủ yếu là một hiệp định thương mại, một số thành viên Quốc hội Hoa Kỳ cho biết, họ sẽ cân nhắc những thông tin ghi nhận về tình hình nhân quyền của Việt Nam khi họ bỏ phiếu, và kết quả bỏ phiếu có thể là sít sao. Những tiến bộ có ý nghĩa về nhân quyền ở Việt Nam sẽ giúp tạo điều kiện để TPP được phê chuẩn nhanh chóng hơn”[7].

Trước đây cả chục năm, Washington đánh dấu việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO bằng chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống George Bush, tháng 11/2006. Đó là thời điểm Việt Nam được Mỹ “nhấc ra khỏi” danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tự do tôn giáo (CPC). Thế rồi một kỷ nguyên được coi là “nồng ấm” trong quan hệ Việt—Mỹ trôi qua nhưng “đối tác chiến lược” vẫn chưa thấy xuất hiện. Ngay cả tiến trình dân chủ hóa, một tiêu chí được chính thức đưa vào các Nghị quyết Đại hội của ĐCSVN, điều mà các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã hứa hẹn với Tổng thống Bill Clinton khi ông thăm Hà Nội tháng 11/2000, vẫn được cho là niềm đón đợi đơn phương. Nhưng nếu ai đó còn tiếp tục bi quan đối với bang giao Việt—Mỹ, những ngày này nên ôn lại chặng khởi đầu cách đây hơn bảy thập kỷ. Sau đó, hãy hướng về các thách thức chung hiện nay, chúng ta sẽ cảm nhận được “không có gì là không thể trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam”[8]. Cái nhìn khá lạc quan và có ý khích lệ này của đương kim đại sứ Mỹ tại Hà Nội có bao nhiêu cơ sở khi ông nhận xét:“Đánh cược vào người Việt Nam, bạn luôn luôn thắng, vì Việt Nam thường quật cường trước khó khăn. Khi ký Thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ (BTA), Việt Nam đã thực hiện được cam kết. Khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng thực hiện được cam kết. Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện được các cam kết trong TPP. Điều này không dễ dàng, nhưng tôi đã thấy sự quyết tâm lớn đến từ phía các bạn để tận dụng các lợi ích của TPP và các FTA khác”[9]?

Nước Mỹ ngày nay luôn cổ võ cho việc xây dựng dân chủ và nhân quyền trên toàn cầu. Tuy nhiên, Washington cũng đủ linh hoạt để chấp nhận các khoảng cách biệt và sự khác biệt để ưu tiên cho những vấn nạn cấp bách trong từng giai đoạn nhất định.  Vìvậy, cho dù ngày 13/4/2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa cho công bố “Báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam”, chúng ta tin rằng, đấy có thể là một nghị trình trong quan hệ song phương, nhưng quyết không phải là trở lực mà hai nước không thể vượt qua. Chiến tranh Lạnh đã lùi về dĩ vãng, tuy vẫn có nước đang lăm le sẽ mang “bầu không khí” chiến tranh Lạnh trở lại! Nhưng Hoa Kỳ không phải là quốc gia dễ bắt nạt. Và nước Mỹ không dấu diếm quyết tâm phải duy trì bằng được cái trật tự hiện hữu. Trong Thông điệp liên bang đầu năm nay, Tổng thống Obama đã khẳng định như thế. Tương tự, nhân chuyến thăm Hà Nội được coi là để tiền trạm cho chuyến công du của Tổng thống Obama sắp tới, ngày 21/4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tái đã khẳng định sẽ mở rộng sự hiện diện, đẩy mạnh sự hợp tác với các bạn bè của Mỹ trong khu vực châu Á—Thái Bình Dương. Ông Thứ trưởng cho biết Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh, đối tác truyền thống (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines) và các đối tác đang nổi lên (như Việt Nam).

Bởi vì, không đẩy mạnh hợp tác trong khu vực sẽ là quá muộn. Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Trung Quốc gia tăng chủ yếu trong những thập niên Mỹ lơ là chiến lược đối với Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc tranh thủ xây dựng lực lượng hải quân nhanh chóng mà không bị Mỹ ngăn cản[10]. Mấy năm gần đây, Bắc Kinh gia tăng cả tần suất lẫn cường độxâm lấn đối với các nước có tranh chấp, ép buộc các nước phải đàm phán song phương, gạt Mỹ, Nhật và các nước lớn khác ra ngoài. Trung Quốc đặt vấn đềtheo một luận điệu phi pháp: “Những gì tôi chiếm được đều là của tôi rồi, không bàn đến; những gì anh còn giữđược, chúng ta sẽthảo luận đểchia phần!” Bắc Kinh sửdụng các đòn hành chính, công bốlập huyện Tam Sa, công khai sát nhập Hoàng Sa và Trường Sa của ta vào đảo Hải Nam. Họtừchối công nhận thẩm quyền của các tòa án trọng tài. Các nước Ðông Nam Á khác cũng bịđè nén và lâm vào thếthụđộng, không thểphản ứng kịp thời. Gần đây, tình thế đangthay đổi, Philippines, Malaysia, Indonesia ngày càng phản ứng mạnh hơn. Thếgiới được đánh thức, thấy rõ tầm mức nguy hiểm của Trung Quốc; các nước lớn lần lượt tỏthái độcứng rắn hơn. Mọi người bắt đầu nhìn nhận Biển Đông đang trởthành một vùng tranh chấp quyền lợi của tất cảcác nước trong thếkỷ21, không còn là xung đột riêng giữa các nước nhỏ trong vùng và Trung Quốc nữa. Ngay đến châu Âu cũng vào cuộc, như hội nghị G7 vừa qua đã thể hiện. Ai cũng thấy phải cùng nhau bảo vệ “trật tựtoàn cầu” mà Trung Quốc muốn phế bỏ. Ðây là một cơhội cho nước Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam!

*

Hẳn nhiên, chỉ có thể tận dụng cơ hội nói trên, nếu biết cách phát huy tối đa sức mạnh đồng thuận trong nước với các nhân tố mới của thời đại. Trung Quốc cưỡng chiếm biển đảo của ta hơn bốn mươi năm có lẻ. Chỉ còn mấy năm nữa là hết thời gian sử dụng công cụ pháp lý. Khi có tranh chấp lãnh thổ mà giữa các kháng nghị có khoảng gián đoạn 50 năm thì những đòi hỏi sau đó sẽ trở nên vô hiệu. Tới đây là cơ hội để Việt Nam đưa tranh chấp ở Biển Đông ra hệ thống toà án quốc tế. Cách hành xử này chứng minh rằng Việt Nam là nước tôn trọng luật pháp và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng thế giới. Nâng quan hệ với Hoa Kỳ từ mức “đối tác toàn diện” lên tầm “đối tác chiến lược” là đòi hỏi cấp bách của tình hình, trước mắt cũng như lâu dài. Bổ sung bang giao này vào hệ thống “đối tác chiến lược” của Việt Nam là bước gia cố vững chắc hơn vị thế quân bình của ta trong các cấu trúc an ninh khu vực và toàn cầu. Và nhờ vào vị thế quân bình này mà chúng ta sẽ tối ưu hóa các mục tiêu chiến lược qua việc giải bài toàn “cân bằng động”, xử lý quá trình tương tác giữa nhiều lợi ích đan xen liên quan đến các vấn đề địa-chính trị của Việt Nam và khu vực. Đấy là một trong những cơ sở để có thể vô hiệu hóa “kinh lược hải dương” của Trung Quốc! Các nhà lãnh đạo quốc gia, đặc biệt là từ các nước vừa và nhỏ, phải luôn luôn tiên liệu, luôn luôn cố gắng để đoán trước được thời thế, chuẩn bị nhiều kịch bản trong gói giải pháp toàn thể nhằm tránh được mọi tai họa ập đến nay mai từ các phía, cả trong lẫn ngoài. Trên thế liên lập của một thế giới “phẳng, nóng và chật”, khi cần buộc phải nhu. Nhu nhưng quyết không nhược, thậm chí khi buộc phải lùi thì phải ý thức cho được nhân nhượng là để tiến lên!


[1] “Cuộc gặp gỡ lịch sử”là phim của VTTH Việt Nam, nhắc lại giai đoạn khi Đội Con Nai (Deer Team) gồm một toán sĩ quan OSS nhảy dù xuống Cao Bằng mùa hè năm 1945 để thực hiện một số trợ giúp về quân sự cho Việt Minh theo yêu cầu của Hồ Chí Minh. Nhiều người Việt khi xem bộ phim này đã thừa nhận, có những chuyện thuộc về quan hệ Việt—Mỹ trong lịch sử mà giờ đây khi xem phim mới được tỏ tường ngọn ngành. VTV:  http://vtv.vn/video/phim-tai-lieu-cuoc-gap-go-lich-su-83010.htm

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114495181

Hôm nay

2302

Hôm qua

2290

Tuần này

22580

Tháng này

212574

Tháng qua

120308

Tất cả

114495181