Người xứ Nghệ

Hồ Phi Huyền và trước thuật Hán văn của ông

1. Vài nét về tác giả Hồ Phi Huyền (1879-1946):

Ông còn có tên khác là Hồ Phi Thống, hiệu Đạm Trai, sinh tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Di trú từ Trung Hoa sang Việt Nam, dòng họ Hồ, đến đời Hồ Phi Huyền (đời thứ 14), đã thành một tộc họ nổi danh những công lao khẩn hoang vùng đất mới và đặc biệt là nổi danh về khoa bảng. Kế thừa những truyền thống tinh thần quý báu của dòng tộc, Hồ Phi Huyền đã trở thành một nhân vật khá độc đáo và đa diện.

Khoa thi Canh tý năm Thành Thái thứ 7 (1899) Hồ Phi Huyền đậu Cử nhân (khoa này Phan Bội Châu đậu giải nguyên) nhưng sau đó không theo nghiệp khoa cử mà tham gia vào các hoạt động yêu nước ôn hòa cùng với phó bảng Đặng Nguyên Cẩn. Bị Pháp bắt giam, ra tù Hồ Phi Huyền mở trường dạy học, làm thuốc, viết sách và tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội công khai. Ông được thức giả đương thời tôn là “thạc nho”, và được coi là một trong những nhân sĩ có ảnh hưởng lớn ở Nghệ Tĩnh.

Theo gia phả dòng họ Hồ Quỳnh Đôi[1], trước tác của Hồ Phi Huyền gồm có: Nhân đạo quyền hành (chữ Hán, 1928), Đạm Trai văn tập (chữ Hán, 1904-1937), Y thư toát yếu (chữ Hán), Hồ Quỳnh y án (chữ quốc ngữ), Vần quốc ngữ tắt, Dược tính (dịch thuật), Y phương giải (dịch thuật), Ôn dịch luận (dịch thuật), trong đó Hồ Quỳnh y án Vần quốc ngữ tắt đã thất lạc. Đáng chú ý nhất trong trước tác của Hồ Phi Huyền là Nhân đạo quyền hành Đạm Trai văn tập, bởi chúng thể hiện tầm vóc tư tưởng và vị thế của Hồ Phi Huyền trong lịch trình tư tưởng Việt Nam. Dưới đây, xin được giới thiệu kỹ hơn về hiện trạng văn bản và nội dung của hai tác phẩm này. 
 
2. Nhân đạo quyền hành (人道- Mực cân của đạo người) bản chữ Hán hoàn thành năm 1928, in trên tạp chí Nam Phong từ số 146 (tháng 1-1930) đến số 151 (tháng 6-1933) - tổng cộng là 20 tiểu mục; Số 185 (tháng 6 – 1933) đăng tiếp 3 tiểu mục nữa thì dừng lại. Như vậy trên tạp chí Nam Phong chỉ có 23 tiểu mục chữ Hán, còn thiếu 15 tiểu mục (từ 24 đến 39) của “Thiên dưới”[2]. Còn bản quốc ngữ do chính tác giả thực hiện, in trên tuần báo Thanh Nghệ Tĩnh năm 1934, nhà in Vương Đình Châu (Vinh, Nghệ An) in thành sách năm 1936. Theo Lời dẫn của bản in quốc ngữ này thì năm 1935, sau khi hoàn thành phần chuyển dịch từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, tác giả Hồ Phi Huyền đã nộp cả hai bản (Hán tự và Quốc ngữ) Nhân đạo quyền hành vào Thư viện Bảo Đại. Do chưa tìm lại được trọn vẹn bản chữ Hán Nhân đạo quyền hành năm 2007 Nhà xuất bản Lý luận Chính trị đã công bố văn bản quốc ngữ trọn vẹn (theo bản in năm 1936) và toàn bộ phần Hán văn của tác phẩm này trên tạp chí Nam Phong theo dạng scan, với hy vọng trong một tương lai không xa có thể tìm lại văn bản chữ Hán đầy đủ.      
Về nội dung, Nhân đạo quyền hành gồm hai “thiên”. Thiên trên: Bàn về phàm lệ đạo người; Thiên dưới: Bàn về thực tế đạo người. Đây đó tác phẩm có chỗ chạm đến một vài khía cạnh của triết học, nhưng về căn bản có thể coi đây là chuyên luận về các vấn đề chính trị xã hội nhìn từ thế giới quan Nho giáo. Hồ Phi Huyền đề cao Nho giáo nguyên thủy song lập luận của ông là sự kết hợp chặt chẽ giữa quan niệm về âm-dương trong Kinh Dịch, trung dung của Khổng Tử với khái niệm “lý” “khí” của Tống Nho, cộng với những hiểu biết ban đầu nhưng khá cơ bản của ông về tổ chức xã hội phương Tây. Đây chính là nguyên tắc nền, là cơ sở xuất phát và bao trùm mọi phân tích của Hồ Phi Huyền từ những vấn đề chung nhất, như thể chế (tam cương ngũ thường, quân chủ-dân chủ, tôn quân-cách mệnh), đến các vấn đề chính trị xã hội cụ thể hơn, như: hội đảng, tế tự, nghệ nghiệp, giáo dục, quyền lợi-nghĩa vụ, nhân quyền (với những biểu hiện cụ thể là bình quyền nam-nữ, hôn nhân (phép ly hôn, phép lấy lẽ, lấy gả khác họ)...[3]
 
3. Đạm Trai văn tập (文集) nguyên văn chữ Hán, được Hồ Phi Huyền khép bút vào năm 1937. Theo gia đình, bản thủ bút của tác giả được “đưa cho người con rể út là Trần Văn Vàng đem về Thủ Dầu Một vào khoảng năm 1941 – khi gia đình tổ chức hôn lễ cho con gái út là Hồ Thị Tân về làm dâu Nam Kỳ - với lời dặn: con vào đó tìm đến những nhà in của người Hoa Kiều ở chợ lớn, có thể họ có điều kiện ấn loát tập sách này”[4]. Tuy nhiên, những tao loạn liên tiếp xảy ra sau đó, cùng với sự tàn cục không thể cứu vãn của chữ nghĩa Khổng Mạnh đã khiến cho người con rể không có cơ hội thực hiện nguyện ước của nhạc phụ. Nhưng may mắn là bất chấp thời gian và lửa đạn của hai cuộc chiến liên tiếp, thủ bản này đã được người con rể hiếu nghĩa giữ gìn nguyên vẹn. Và vào dịp đất nước hòa bình trở lại, hai miền thống nhất, Đạm Trai văn tập chữ Hán đã được con cháu Hồ Phi Huyền nhận lại từ tay người trân trọng cất giữ nó trên 30 năm. Tác phẩm được viết trên một cuốn sổ nhỏ đóng bằng giấy bản, chữ viết bút lông khoáng đạt, chân phương, cùng tự dạng với Bản chi gia phả. Cho đến nay, bản thủ hút Đạm Trai văn tập vẫn được lưu giữ trong gia đình như một báu vật[5]. Công việc chuyển ngữ cho tác phẩm này đã được gia đình xúc tiến trong nhiều năm, song cũng phải đợi đến gần 10 năm sau khi bản dịch hoàn tất (1996), việc ấn hành tác phẩm này, cùng với Nhân đạo quyền hành, mới được thực hiện (2007). 
Toàn bộ Đạm Trai văn tập gồm 25 bài[6] viết cả bằng văn vần và văn xuôi với nhiều thể: thơ, phú, đối liên, tựa, khải, thư, luận... Mảng văn vần phần lớn là những sáng tác mang tính thù tạc, hơi khuôn sáo, và không có những nét thật đặc sắc về nghệ thuật chữ Hán nhưng các bài luận văn xuôi với những chủ kiến về các vấn đề xã hội tư tưởng, như: “Luận về sự ham chuộng cái cổ”, “Luận về trường nữ học”, “Luận về vấn đề mười việc trong thiên hạ có tám chín việc chẳng như ý”; đặc biệt là “Luận về nghĩa và lợi”, cùng hai lá thư trả lời con rể Đặng Thai Maihỏi về “quan niệm luân lý Âu Á giống khác như thế nào và có thể thỏa hiệp được không”, và về “triết học hiện đại và Dịch học” thật sự đáng chú ý. Chẳng hạn, cặp phạm trù: “nghĩa”-“lợi” vốn ít được nho gia truyền thống đề cập, bởi nó hàm chứa những nguy cơ phá vỡ quan niệm căn bản về đạo làm người và nguyên lý tổ chức xã hội phong kiến theo Nho là nhân và lễ. Hơn thế, đặt trong mạch canh tân tư tưởng đầu thế kỷ 20, Hồ Phi Huyền cũng là người duy nhất, trong điều kiện tư liệu được phát hiện đến hiện nay, đã dành hẳn một mục (mục 6) luận bàn thẳng thắn.
Nhìn chung, những bài luận trong tác phẩm này đều đồng mạch tư tưởng với Nhân đạo quyền hành.
Hồ Phi Huyền là người có thiên hướng về các vấn đề tư tưởng và xã hội, chuộng suy tư, ưa biện bác. “Cân bằng âm dương” và “nhất chấp trung” (“Lý và vật mà không thống nhất lại được thì cũng như cái nước chia tách lìa tan mà không thống nhất... không nhất thì không thể trung được, mà không trung cũng không thể nhất được” – Nhân đạo quyền hành, mục 12) là điểm tựa triết lý để ông nhận thức thế giới, hình dung một trật tự xã hội và nhân sinh của con người trong nhân quần, đoàn thể, gia đình. Và cũng chính trên cơ sở nhận thức luận này, ông biện biệt phải-trái, bất luận đó là cũ (cựu) hay mới (tân), là Á hay Âu - đây là cái làm nên sự riêng biệt và độc đáo trong tư tưởng của Hồ Phi Huyền. Thuộc lớp nhà nho duy tân, nhưng với Hồ Phi Huyền, Á không hoàn toàn là cũ và mới không nhất thiết thuộc Âu. Ông chủ trương một xã hội mới, tán thành canh cải tập tục, nhưng chuẩn mực không phải chỉ là theo Âu hay chọn Á, mà là hài hòa âm dương, cân bằng trên-dưới trong-ngoài: “Bên Thái Tây có một pho thần tượng, một tay cầm kiếm, một tay cầm cân, mượn tượng trưng ấy mà thích chữ khắc phục, thì rất là phân minh” (Nhân đạo quyền hành, mục 13). Hồ Phi Huyền chưa có một triết thuyết riêng hay một hệ tư tưởng hoàn toàn mới, ông là người “đem tư tưởng Khổng Mạnh áp dụng vào một thời thế mới: thời dân chủ, thời cơ khí” (Gia phả), hay nói khác đi, ông bàn các vấn đề chính trị xã hội đương đại bằng vốn tri thức và khung nhận thức Nho học. Mặc dù vậy, tinh thần canh tân, nhãn quan cởi mở, khả năng chiêm nghiệm độc lập, và tài biện bác nhờ kết hợp được chất suy lý phương Đông với logic học phương Tây đã mang lại cho Hồ Phi Huyền vị trí nhà tư tưởng hiếm hoi của nền cựu học Việt Nam. Từ góc nhìn rộng hơn, có thể coi ông - người thông đạt cổ kim, tường minh cả Hán tự lẫn chữ quốc ngữ, linh hoạt trên nhiều thể văn, am tường và cả quyết về nhiều vấn đề xã hội nhân sinh - là nhà văn, nhà tư tưởng Việt Nam độc đáo những năm đầu thế kỷ 20. Đồng thời với giá trị tư tưởng, các văn bản chữ Hán cũng như chữ quốc ngữ Nhân đạo quyền hành, Đạm Trai văn tập, Bản chi gia phả, đặc biệt là các thủ bản của hai tác phẩm sau thực sự là những di sản quý báu đối với công việc phát hiện và lưu giữ tư liệu Hán Nôm. Giá trị của các di vật này do đó không chỉ giới hạn trong riêng một dòng tộc. Với việc đi sâu tìm hiểu thêm các tác phẩm này dưới góc độ văn bản học, chắc chắn cũng sẽ hé lộ nhiều thông tin sử học, văn học và văn hóa hữu ích.


[1]. Về văn bản chữ Hán và chữ quốc ngữ của Gia phả này, xin xem “Tiểu dẫn” trong Nhân đạo quyền hành, Đạm Trai văn tập, Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2007, tr.431-432. Theo “Tiểu dẫn”, Hồ Phi Huyền là người đầu tiên bỏ công dịch Gia phả ra chữ quốc ngữ cho con cháu đọc, nhưng bản dịch này đã thất lạc từ năm 1955.
Bản dịch quốc ngữ in trong Phụ lục sách này do Hồ Phi Tường (1914-1964) – trưởng nam của Hồ Phi Huyền hoàn thành năm 1963. Tuy nhiên đây chỉ là bản lược dịch, nên toàn bộ Bản chi gia phả/phổ 本枝家谱chữ Hán chưa được giới thiệu trong lần xuất bản này.
Bản chi gia phả/phổ chữ Hán hiện do gia đình lưu giữ, gồm 130 trang sổ nhỏ giấy bản. Bên phải tiêu đề là dòng ghi năm tháng: ‘Hoàng Nguyễn Duy Tân tam niên tuế Kỷ dậu thập nhị nguyệt sóc hậu’ (Sau ngày mồng 10 tháng 12 năm Kỷ dậu, triều Nguyễn niên hiệu Duy Tân năm thứ 3, 1909). Bên trái ghi: ‘Thập tứ thế tôn cử nhân Huyền phụng biên’, nghĩa là: Cử nhân Hồ Phi Huyền, cháu 14 đời, phụng biên. Trang cuối cùng của chính văn của tộc phả này ghi: ‘Hoàng Nguyễn Bảo Đại ngũ niên tuế tại Canh ngọ bát nguyệt thập tam nhật. Trưởng tử Huyền phụng chí’ (Ngày 13 tháng 8 năm Canh ngọ, triều Nguyễn niên hiệu Bảo Đại năm thứ 5, 1931. Trưởng nam Hồ Phi Huyền phụng ghi).
Như vậy đây đúng là một thủ bút Hán văn của Hồ Phi Huyền. Ông đã làm công việc hướng về cội rễ gia tộc bằng việc sao chép lại Gia phả dòng họ Hồ do nhiều đời con cháu thực hiện để lại, và chính ông nối bút từ đời thứ X đến XIII (Hồ Phi Huyền thuộc đời thứ XIV). Bản gia phả lần lượt gồm:
- “Cùng đạt Gia huấn” (do Thượng thư Quỳnh Quận công tự thuật), dài gần 40 trang, viết năm Long Đức thứ hai (tức 1733); trong đó ghi lại cả một số thơ ca ngự chế, câu đối của con cháu họ Hồ dâng vua và thù tạc với bạn hữu.
- Bài ký tại Từ đường phu nhân (họ Chân, trắc thất của Quỳnh Quận công, do Hồ Sĩ Tuấn và Văn Đức Giai viết năm 1852)
- “Gia phả bạt” (do Giốc Quận công Hồ Sĩ Đồng – đời thứ 11 - viết năm 1783
- “Gia phả tự” (do Hồ Phi Hội – đời thứ 12 - viết năm 1852)
- Thế thứ (viết năm 1852)  
Về dòng họ Hồ Quỳnh Đôi, tại Thư viện Viện Văn học có lưu bản chữ Hán 琼堆村胡族科名(Quỳnh Đôi thôn Hồ tộc khoa danh – Gia phả khoa bảng họ Hồ thôn Quỳnh Đôi), ký hiệu HN 253. Sách do Tú tài Hồ Phi Hội - đời thứ 12 - chép tay trên giấy dó, gồm 55 tờ.  
[2] . Hồ Phi Huyền, Nhân đạo quyền hành, Đạm Trai văn tập, Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2007. tr. 253-4).
[3]. Chương Thâu đã có bài giới thiệu tác phẩm này trong Thông báo Hán Nôm học năm 2002. Năm 2004 Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin đã ấn hành Nhân đạo quyền hành, nhưng mới chỉ là bản lược dịch.
[4] Đã dẫn, tr. 285.
[5]. Xin xem bản in scan trong sách đã dẫn, từ tr.283 đến 380.
[6].Gồm:            1. Bài phú về chiếc quạt lông trắng (Bạch vũ phiến phú)                                                       2. Phú hòn Vọng Phu (Vọng phu thạch phú)                                                                                3. Lời tựa tập Ngâm thiền tạp hưởng (Ngâm thiền tạp hưởng tập tự)          
4. Thơ ngẫu thành trong lúc ốm (Bệnh trung ngẫu cảm thi)              
5. Thơ gửi em rể Nguyễn Thức Độ (Ký muội phu Nguyễn Thức Độ thi)     
6. Luận về nghĩa và lợi (Nghĩa lợi luận)                                                        
7. Luận về sự ương gàn của Vương Lăng (Vương Lăng tráng luận)
8. Luận về sự ham chuộng cái cổ (Hiếu cổ luận)                                           
9. Mừng phó bảng Nguyễn Thúc Hiên (Hạ phó bảng Nguyễn Thúc Hiên văn)
10. Tờ khải cảm tạ án sát tỉnh Hải Dương Từ Đạm (Tạ Hải Dương tỉnh án sát Từ Đạm khải)                                                                                                                     11. Mừng em rể Phan Duy Huệ đậu cử nhân (Hạ muội phu cử nhân Phan Duy Huệ)                                                                                                             
12. Bài ca về các dòng sông ở Bắc Kỳ (Bắc Kỳ hà lưu ca)                           
13. Không có đầu đề                                                                                      
14. Luận về con cự hư cõng con quệ (Cự hư phụ quệ luận)              
15. Ngẫu nhiên làm hai câu đối (Ngẫu thành đối liên)                                   
16. Thay mặt môn sinh mừng thọ thầy (Đại môn sinh hạ tiên sinh thọ văn)
17. Luận về trường nữ học (Nữ học trường luận)                                         
18. Luận về vấn đề mười việc trong thiên hạ tám có chín việc chẳng như ý      
      (Thiên hạ sự thập thường bát cửu bất như ý luận)                                               19. Luận về cây cam đường của Thiệu Bá (Thiệu Bá đường luận)      
20. Họa thơ Nguyễn Đỉnh Ngọc (Mộng Quế) nguyên giáo thụ xã Bình Lăng huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên (Họa Hưng Yên tỉnh Ân Thi huyện Bình Lăng xã nguyên giáo thụ Nguyễn Đỉnh Ngọc (Mộng Quế)                        
* Phụ chép bài nguyên vận của Nguyễn Đỉnh Ngọc                         
21. Ngẫu nhiên làm câu đối (Ngẫu thành đối liên)                                        
22. Ghi chép về việc mở rộng chợ Nhuế (Phụ lục tăng quảng Nhuế thị ký)
23. Thư trả lời con rể Đặng Thai Mai hỏi về quan niệm luân lý Âu Á giống khác nhau thế nào và có thể thỏa hiệp hay không (Thư đáp tế tử Đặng Thai Mai Âu Á luân lý quan niệm đồng dị như hà cập năng phủ thỏa hiệp chi vấn)
24. Thơ ngẫu thành (Ngẫu thành thi)                                                            
25. Thư trả lời con rể Đặng Thai Mai hỏi về triết học hiện đại và Dịch học
(Thư đáp tế tử Đặng Thai Mai hiện đại triết học cập Dịch học chi vấn)
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445424

Hôm nay

2161

Hôm qua

2296

Tuần này

21033

Tháng này

211683

Tháng qua

120141

Tất cả

114445424