Diễn đàn

Báo động từ công việc lập hồ sơ xếp hạng di tích

Gần đây, Đoàn công tác của Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khoá XII đã có kiến nghị Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch thu hồi Bằng công nhận di tích Lịch sử - Văn hoá quốc gia đối với cái gọi là đền thờ và mộ vua Trần Quý Khoáng ở xã Hưng Lộc(TP Vinh). Cách đây vài năm, Bộ Văn hoá - Thông tin cũng đã có quyết định thu hồi Bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá quốc gia đối với di tích về nhân vật Phan Vân ở huyện Yên Thành. Lý do để Bộ Văn hoá – Thông tin thu hồi và Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng kiến nghị thu hồi là vì hồ sơ đề nghị  xếp hạng của các cơ quan chuyên môn lập không đúng với sự thật lịch sử và hiện trạng của di tích.

Nếu hoàn toàn không cố tình làm sai thì qua hai vụ việc trên cũng đã cảnh báo nhiều vấn đề về công tác quản lý và hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu,  bảo tồn và phát huy di sản văn hoá. Thứ nhất, báo động về trình độ và năng lực nghiên cứu của các cán bộ nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn thuộc ngành văn hoá. Thật không thể hiểu được một cán bộ nghiên cứu lại có thể nhầm lẫn niên đại di tích từ thế kỷ XX đến tận thời Trần rồi lại thời Lê. Sáu trăm năm(nếu là thời Trần), ba trăm năm(nếu là thời Lê).  Thứ hai, báo động về tinh thần trách nhiệm đối với công việc của các cán bộ/nhà khoa học này. Chỉ có thể vô trách nhiệm mới dẫn đến tình trạng sai lầm và bảo thủ, không dám chịu trách nhiệm như đã biết. Chắc chắn là các nhà khoa học này không hề có một chút yêu nghề, đam mê với công việc. Thứ ba, báo động về chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học và vai trò của các hội đồng khoa học chuyên ngành, và của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Tại sao  hội đồng khoa học bảo tồn, bảo tàng của ngành, phòng quản lý chuyên ngành của sở, cơ quan chuyên môn của Cục Di sản văn hoá lại thẩm định  hồ sơ một cách thiếu chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác để dẫn đến tình huống phải thu hồi lại bằng công nhận? Thứ tư, báo động về tình trạng nhà nhà kiến nghị xếp hạng di tích, người người làm cán bộ khoa học nghiên cứu và lập hồ sơ xếp hạng di tích. Thứ năm, vì Nhà nước có chính sách đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích nên với kiểu xếp hạng này rất dễ dẫn đến nguy cơ đầu tư tiền thuế của dân sai địa chỉ. Thứ sáu, với kiểu làm việc, chất lượng hoạt động chuyên môn như đã bộc lộ qua các vụ việc trên, báo động nguy cơ giảm sút lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan chuyên môn và quản lý của ngành văn hoá.

Trên đây chỉ mới là hai vụ việc đã được xử lý. Trong thực tế,  có thể còn có những sai phạm khác tương tự chưa được cáo giác.

Nâng cao chất lượng khoa học các công trình khoa học nói chung, các hồ sơ đăng ký xếp hạng di tích nói riêng; Tăng cường năng lực, trình độ và trách nhiệm của các cơ quan tư vấn và tham mưu quản lý chuyên môn thuộc lĩnh vực di sản là việc cần làm ngay của chúng ta!

                                                              


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434870

Hôm nay

2141

Hôm qua

2349

Tuần này

21520

Tháng này

211918

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434870