Người xứ Nghệ

Trương Đình Hòe - "Người anh em hèn mọn"

Trưa thứ năm 9 tháng 8-2018, khoảng 150-200 tu sĩ, nữ tu, tín hữu và bạn bè đã ngồi và đứng chật Nhà nguyện của Nhà hưu dưỡng Marie-Thérèse, 277 đại lộ Raspail, quận 14, Paris, tiễn đưa linh mục Samuel Trương Đình Hoè (1924-2018). Chủ tế là linh mục giám tỉnh Dòng Phanxicô Pháp (mà linh mục Hoè là thành viên từ năm 1978), với sự đồng tế của nhiều linh mục, trong đó có linh mục Stêphanô, đến từ Roma, thay mặt tu sĩ Inhaxiô Nguyễn Duy Lam, Giám tỉnh dòng Phanxicô Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã cử tham tán công sứ tới dự lễ thánh và tiễn đưa "người con của Hà Tĩnh".

Mười ngày cực nóng tạm dứt trong cơn mưa giông chiều hôm qua, 8.8.18. Sáng nay, trời Paris thêm mát trong cơn mưa nhỏ, như để tiễn đưa Linh mục Trương Đình Hoè. Nhà nguyện của Maison Marie-Thérèse đông nghẹt người khi chiếc quan tài được đưa vào trung tâm căn phòng hình tròn, đặt trước bàn thờ trắng, đơn sơ, như phương châm "thanh bần, vâng phục, trong sáng" của dòng Phanxicô, còn có tên là "Dòng Anh Em Hèn Mọn" (OFM, Ordres des Frères Mineurs).

Linh mục giám tỉnh OFM Pháp, trước khi cử hành thánh lễ, đã đọc tiểu sử "anh Samuel", mà ông tóm gọn trong mấy chữ "sáng đẹp và vĩ đại trong sự khiêm cung", vô cùng chính xác.

Là người sinh sau đẻ muộn (anh Hoè hơn tôi 16 tuổi), tôi chỉ xin kể lại đôi điều mà tôi được biết để chia sẻ với bạn đọc mà hầu hết không biết, thậm chí cả tên họ con người "khiêm cung" ấy.

"Khiêm cung" không mâu thuẫn với dí dỏm, biết tự riễu mình. Vui chuyện, anh thường khoe mình là con cháu ba bốn đời Trương Quốc Dụng, đại thần triều Nguyễn, vừa là người "đánh đông dẹp bắc" (triều Nguyễn chiếm kỷ lục các cuộc nổi loạn của nông dân), lại có tài thiên văn, đổi mới cách làm lịch ở Khâm thiên giám, con đường hoạn lộ nhiều phen "lên voi xuống chó" vì cái tội thanh liêm và cương trực. Tại sao, "con ông cháu cha" như anh lại theo đạo, làm linh mục, mà lại vào dòng "anh em hèn mọn" ? Anh cười, trả lời : tôi ra đời và theo đạo.... vì tình. Ông cụ thân sinh anh, hay ông nội anh, tôi không nhớ rõ, đã vào đạo để có thể kết hôn với người yêu theo Kitô giáo. 

Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, học trung học, đậu tú tài, học cao đẳng Việt văn, Triết học Phương Đông, vào nhà tập Dòng Anh Em Hèn Mọn, khoá I đào tạo giáo sĩ ở Tu viện Phanxicô, tất cả trong thời gian 1945-55 tại Vinh, "vùng tự do" thời Kháng chiến. Năm 1954, tu sĩ Hoè được phép chính quyền miền Bắc vào Nha Trang học thần học, và năm sau, 1956, sang Pháp (tu viện Orsay của dòng OFM) học thần học. Thụ phong linh mục năm 1958. 

Có lẽ từ sự việc tu sĩ 30 tuổi vào nam (không phải "di cư" – "theo Chúa" hay "cưỡng bức") rồi sang Pháp thụ phong linh mục, mà trong giới Công giáo Chống Cộng, anh được gọi là "linh mục cụ Hồ". Chỉ biết là, khoảng 20 năm sau, năm 1978, anh vừa được Toà Tổng giám mục Paris trao trách nhiệm phụ trách giáo xứ Việt Nam (rue de Boissonade), vừa được bổ nhiệm giảng dạy cho nhóm sinh viên được chính quyền Việt Nam gửi sang học Trường Cao đẳng phiên dịch và biên dịch (ESIT, ở cửa ô Dauphine). Và đó là lí do để người ta biểu tình phản đối. Không phải vì thiếu tài năng (anh đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ về "Thần tiên trong văn hoá Việt Nam và Trung Hoa" năm 1971, sau nhiều năm làm trợ lý cho nhà đông phương học Paul Lévy, và tham gia nhiều trung tâm nghiên cứu) hay đức độ (trong thời gian trở lại Việt Nam, đã đảm nhiệm chức vụ giám đốc Chủng viện Phanxicô Thủ Đức, 1965-67). Phản đối là vì dạy phiên dịch cho sinh viên "cộng sản Hà Nội" là một bằng chứng không thể chối cãi cho việc Trương Đình Hoè là "linh mục Cụ Hồ", trong nhãn quan hơi bị loạn thị của một nhóm Công giáo chống Cộng. Thế là sau một năm ở ESIT, anh đành từ chức giảng viên để bảo đảm mục vụ ở giáo xứ. 

Âu đó cũng là duyên nợ của tôi đối với anh Hoè : tôi được cử giảng dạy thay anh một năm cho nhóm sinh viên Việt Nam ở ESIT, song song với công việc ở Khoa Toán trường Đại học Denis Diderot (Paris VII, thường gọi là trường Jussieu). Từ đó mới có dịp gặp anh : những năm ấý, anh ở phố Guy de la Brosse, ngay cạnh trường Jussieu, chứ trước đó, chúng tôi chỉ gặp nhau ở hành lang trường, vì anh giảng dạy ở Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á. Phải nhiều năm sau, tôi mới "thụ giáo" anh về Hán ngữ, sau khi "trả chữ" cho hai thầy Tạ Trọng Hiệp và Bùi Mộng Hùng.

Nhân đây, cũng xin mở ngoặc nói về nhóm sinh viên "Cộng sản Hà Nội" sang học phiên dịch hai năm ấy. Việt Nam vừa thống nhất, việc đào tạo phiên dịch ngoại ngữ (nhất là tiếng Pháp) đặt ra. Chính phủ Việt Nam thương lượng với chính phủ Pháp để gửi 12 sinh viên sang học ESIT. Nhưng sinh viên Pháp thi tuyển vào ESIT, ngoài tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ, đã học hai ngoại ngữ từ trung học. Vào trường, họ học lý thuyết về phiên dịch, và thực tập dịch nói và dịch viết giữa Pháp ngữ và một hay hai sinh ngữ như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, nhiều người còn học thêm cử nhân ngoại ngữ. Còn 12 cậu sinh viên của "ta", vừa tốt nghiệp trung học (cũng có người là bộ đội phục viên), mới học một ngoại ngữ duy nhất là tiếng Pháp, nhiều nhất được 4 năm. Trình độ ngoại ngữ và văn hoá chênh lệch rất lớn, các em không thể dự các lớp dạy của trường. Và giảng viên người Việt – tức là anh Hoè, sau đó là tôi – phải làm công việc bất đắc dĩ là dạy được chữ nào  hay chữ ấy, để các em có thể thực tập dịch (viết hay nói) từ tiếng Việt sang tiếng Pháp và ngược lại. Và sự chênh lệch cũng rất lớn giữa tôi và người tôi thay thế. Anh Hoè là nhà nghiên cứu lão thành về văn hoá, lịch sử và ngôn ngữ. Còn tôi chỉ có mấy năm thực hành phiên dịch ở Hội nghị Paris, như đã có dịp kể (Năm mươi năm "mắc dịch"). Năm học ấy, không biết tôi "dạy" được mấy chữ cho các em sinh viên, nhưng bản thân tôi học được khá nhiều, nhất là từ các tác phẩm của Georges Mounin, nhà lý luận về dịch thuật. Còn "học trò" 12 người của chúng tôi năm ấy, may thay hình như không có ai trở thành phiên dịch cả, phần đông trở thành cán bộ ngoại giao, có người tham tán, tổng lãnh sự, đại sứ. Có lần nghe một đại sứ phát biểu bằng tiếng Pháp, ông bạn André Menras (tức Hồ Cương Quyết) của tôi đã chê lên chê xuống, để hạ một câu : "Cũng dễ hiểu, học trò của mày mà !". Tôi chỉ tiếc không có anh Hoè đứng bên để chia sẻ vinh dự.

Học Georges Mounin thì ít, nhưng sau đó tôi học anh Hoè rất nhiều. Viện cớ hỏi anh một chữ hán nào đó, tôi thường ghé qua studio của anh ở phố Caillaux, quận 13 (anh ở đó cho đến năm 2006 mới vào nhà dưỡng lão Marie-Thérèse), tất nhiên vào những thời gian anh ở Paris. Vì "đảng" anh (anh thường gọi đùa Giáo hội hay Dòng Phan sinh của anh như vậy) thường cử anh đi hàng mấy tháng ròng, khi thì ở Nhật Bản, Hồng Kông, khi thì Trung Quốc, Ấn Độ. Là một học giả uyên bác về triết lý và văn hoá phương Đông (cả Đông Á lẫn Ấn Độ), nhưng anh viết rất ít, thật là một điều đáng tiếc. Tôi thường chỉ trích "đảng" anh đã bóc lột anh quá mức (từ ngày về ở nhà dưỡng lão, sáng chiều anh vẫn phải cử hành thánh lễ), khiến cho văn học và văn hoá Việt Nam thiếu vắng những tác phẩm của Trương Đình Hoè. Anh chỉ cười. Tôi hiểu, một phần vì anh luôn luôn "sẵn sàng ra đi bất cứ nơi đâu" mỗi khi "anh em cần", phần nữa, anh là con người nghiêm cẩn, khi viết thì đắn đo từng câu từng chữ.

Nhiều lần, tôi không nhắc, nhưng anh vẫn chủ động thừa nhận : "Tôi còn nợ anh một bài". Đó là bài về Võ Thành Minh. Bạn đọc cao tuổi chắc còn nhớ nhân vật Võ Thành Minh, người dựng lều bên bờ hồ Léman tháng 7 năm 1954, thổi sáo "Hận Sông Gianh", phản đối Hội nghị Genève chia cắt đất nước. Qua lời kể của anh Hoè, tôi mới biết thêm về nhân vật "đồ Nghệ" hiếm có ấy. Rời Paris về miền Nam giữa thập niên 1960, Võ Thành Minh đã trao cho anh Hoè toàn bộ hồ sơ cá nhân và những trước tác, thi ca. Năm 1968, Võ Thành Minh đã chết ở Huế, đến nay chưa biết trong hoàn cảnh cụ thể ra sao (Nhã Ca đã dành nhiều trang viết về Võ Thành Minh, ca hát và thổi sáo "đòi hoà bình" trong những ngày bom đạn cầy xới cố đô).  Anh Hoè tự coi có nhiệm vụ viết về con người ấy. Tôi hiểu là anh đã tập hợp đầy đủ tài liệu và chuẩn bị viết. Nhưng việc ấy chưa thành.

Một kho tư liệu khác, đồ sộ, mà học giả họ Trương đã thu thập trong những năm 60 là những... bài chửi, chuẩn bị cho một công trình nghiên cứu dân tộc học, ngôn ngữ học và xã hội học. Chuyện này lan truyền, thành một tin đồn là anh đã hoàn thành luận án tiến sĩ về đề tài này (Võ Phiến đã khẳng định trong một bút ký !). Tôi ngẩn ngơ khi anh cho biết anh đã để lại tập hồ sơ này ở chủng viện Thủ Đức. Gần đây, một anh bạn Sài Gòn ghé qua Pháp cho biết anh em đã lục lọi ở chủng viện mà tìm không ra. Tiếc thật là tiếc.

Hình ảnh mà tôi ghi nhớ mỗi khi nghĩ tới anh Hoè là bức hoạ và bức tượng Phật Bà Quan Âm ở căn hộ phố Caillaux những năm ấy. Căn hộ, phải nói chính xác : thư viện. Nhà anh là một kho sách. Khi dọn nhà, tới ở viện Marie-Thérèse, anh đã gửi toàn bộ tủ sách về cơ sở Dòng Phanxicô ở Hồng Kông, nơi những người "anh em hèn mọn" tiếp tục nghiên cứu về văn hoá và triết lý phương Đông. Tôi không biết hình tượng Phật Bà Quan Âm nay ở đâu. Một lần tôi hỏi anh : "Sao nhà anh không thấy tượng Đức Mẹ Maria, chỉ thấy Phật Bà ?". Anh cười, nụ cười trên miệng và trong ánh mắt : "Đức Mẹ chỉ có một chức năng Bà Mẹ, còn Phật Bà có tất cả mọi chức năng". Câu nói dí dỏm, rất Trương Đình Hoè. Nhưng sâu xa ý nghĩa, và rất thiền, của một nhà thần học thấm nhuần đạo lý của Francesco d'Assisi. 

Giờ này, anh ở đâu ? Sáng nay, linh mục Giám tỉnh Dòng anh nói : "Trong vòng tay Chúa". Có thể lắm. Nhưng biết đâu anh đang ngồi bậu cửa ngôi nhà nơi làng quê Hà Tĩnh, nhâm nhi món nhút mít mà chỉ còn bà chị anh biết làm. Hay trong vòng tay một người nữ, sáng loà. Nhìn từ hạ giới, làm sao biết được là Đức Mẹ Maria hay Phật Bà Quan Âm ?

9.8.2018

Nguồn:Diễn đàn

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114496445

Hôm nay

2227

Hôm qua

2310

Tuần này

21226

Tháng này

213838

Tháng qua

120308

Tất cả

114496445