Yếu tố giả tưởng
Hoa cúc xanh trên đầm lầylà vở kịch độc đáo của Lưu Quang Vũ bởi yếu tố giả tưởng chi phối cốt truyện. Tác phẩm được xây dựng trên nền hiện thực nhưng có những nhân tố của truyện khoa học viễn tưởng như: phát minh ra loại robot mới chưa từng có; câu chuyện tình yêu, cuộc sống và hành trình trốn chạy của các robot đó khỏi thế giới loài người. Chuyện bắt đầu từ cảnh kỹ sư Lê Hoàng gặp Thùy Liên - người bạn gái thuở nhỏ để bày tỏ tình yêu nhưng Liên từ chối vì cô và Nguyễn Vân yêu nhau, họ đang chuẩn bị tổ chức đám cưới. Hoàng, Liên, Vân vốn là những người bạn thân thiết từ thuở nhỏ. Hoàng đề nghị Vân rút lui vì anh cho rằng mình yêu Liên và xứng đáng với Liên hơn nhưng Vân khẳng định tình yêu của anh và Vân không gì thay đổi được. Quá thất vọng, Hoàng chế tạo ra hai robot Liên B và Vân B giống y hệt Liên và Vân nhưng chỉ mang những phần tốt đẹp nhất, để điều khiển họ theo ý mình: Vân B sẽ say mê vẽ và nhường Liên B cho Hoàng, còn Liên B sẽ yêu Hoàng là người xứng đáng hơn. Nhưng các robot do Hoàng tạo ra là những phiên bản trong sáng, tốt đẹp đã không chấp nhận con người thực đầy khiếm khuyết của Hoàng, và không chịu sống trong cảnh bị Hoàng giam nhốt trong bóng tối tầng hầm, họ cùng bỏ trốn để tìm về miền quê xưa, nơi có hoa cúc xanh nở trên đầm lầy.
Vở kịch có sự chồng xếp nhiều tầng văn bản với kết cấu truyện lồng truyện: Sau Cảnh I diễn ra cuộc gặp gỡ của ba người Liên, Vân, Hoàng, đến cảnh II, Hoàng buồn bã thiếp ngủ ở cơ quan, và diễn biến chính của vở kịch vở kịch kéo dài đến cảnh XII, Hoàng tỉnh giấc. Nhân vật trong giấc mơ của Hoàng gồm 2 tầng: nhân vật đời thường và nhân vật robot (phiên bản). Khi giấc mơ kết thúc, nhân vật Liên, Vân thật xuất hiện. Như vậy có 3 cặp Liên – Vân: Liên – Vân 1 (con người - bạn của Lê Hoàng), Liên - Vân 2 (con người – xuất hiện trong giấc mơ của Lê Hoàng) và Liên - Vân B (robot - trong giấc mơ của Lê Hoàng). Điểm chung của cả 3 cặp Liên – Vân là đều có cùng tuổi thơ êm đềm, ký ức về làng quê, ngôi trường, và hoa cúc xanh trong đầm lầy. Họ đều yêu nhau và tìm đến với nhau mặc cho những nỗ lực ngăn cản của Hoàng. Nhưng họ khác nhau ở chỗ: Liên – Vân 1 đang chuẩn bị tổ chức đám cưới. Liên – Vân 2 sau khi kết hôn, sống với nhau trong một đời sống hiện thực phũ phàng, nợ tiền, cãi cọ, Liên – Vân B chạy trốn khỏi vòng kiềm tỏa của Lê Hoàng, tìm về quê cũ và bị lún ngập trong đầm lầy. Liên – Vân 2 là tưởng tượng của Hoàng, một giả thiết nhưng cũng là một cảnh báo hữu lý cho bất cứ cặp đôi nào, hôn nhân là một thực tế khác xa với mong đợi của con người. Liên – Vân B là khát vọng, ước mơ của Lê Hoàng, khát vọng có những sáng chế, phát minh vĩ đại, khát vọng tình yêu được đáp lại, và khát vọng về thế giới của những tâm hồn đẹp đẽ, thánh thiện. Dường như ba cặp Liên – Vân cũng tương ứng với cái nhìn của Hoàng về hiện tại, quá khứ và tương lai. Số lượng nhân vật không nhiều nhưng kết cấu đa tầng và sự đa dạng ở các nhân vật có cùng vẻ bề ngoài mà khác xa về tính cách tạo cho vở kịch sự hấp dẫn và triết lý nhân sinh sâu sắc.
Với kịch bản vừa xen lẫn bi và hài, Lưu Quang Vũ tưởng tượng ra một phát minh khoa học độc đáo: chế tạo loại robot giống y như người thật, có ký ức, suy nghĩ, cảm xúc và tình yêu như con người thật, là phiên bản của hai con người cụ thể - bạn thời thơ ấu của kỹ sư Hoàng. Câu chuyện giả tưởng được đẩy xa thêm khi hai robot phiên bản trốn thoát ra khỏi phòng thí nghiệm và gặp những tình huống bi hài: họ hoàn toàn không hiểu một chút nào về cuộc sống thực tế như phải trả tiền xe, vé tàu, họ buồn trước cảnh con người chen lấn, xô đẩy, bon chen ở những không gian công cộng, họ thất vọng khi gặp và trò chuyện với “bản gốc” Thùy Liên và Nguyễn Vân thực trong cuộc sống bộn bề lo toan, tính toán của đời thường,... Khả năng tưởng tượng và vốn văn hóa phong phú đã giúp nhà viết kịch tạo nên hai robot Liên B và Vân B được thổi hồn người, được “cài đặt” khả năng cảm thụ văn chương, sáng tạo nghệ thuật, và tâm hồn mơ mộng, lãng mạn. Cũng vì thế, hành trình lưu lạc giữa cuộc đời thực và trở về tìm hoa cúc xanh của các robot trở nên hấp dẫn, đầy kịch tính khi họ bị tay lái xe “cải thiện ngoài giờ” làm ầm lên bắt vạ bởi họ không có tiền trả cuốc xe “đi nhờ”, cuộc gặp gỡ giữa Liên B và Vân, Vân B và Liên khiến cho cặp vợ chồng “phiên bản gốc” hiểu lầm, nghi ngờ nhau, và nhận ra chính họ đã sống tầm thường, nhạt nhẽo, không còn như xưa nữa. Các robot còn bị đám đông ở nhà ga la ó vì lên tàu không có vé nhưng lại dám triết lý với người soát vé và hành khách về sự lầm lạc của họ, về tâm hồn thơ trẻ, tình yêu thương của con người. Sự hài hước thâm thúy của Lưu Quang Vũ ở chỗ robot thì có tâm hồn, lý tưởng cao đẹp, còn con người thực lại tầm thường, tồi tệ, trái ngược với hình dung về robot như thông thường là những cái máy vô hồn, không cảm xúc, chỉ biết hành động theo mệnh lệnh. Sự xuất hiện của những robot hoàn toàn ngây thơ, trong sáng, tốt đẹp ấy giữa cuộc đời thực như một cuộc phiêu lưu thú vị, cho thấy nghịch lý của đời sống và sự mâu thuẫn giữa con người phàm tục – lý tưởng cao đẹp.
Câu chuyện về các robot hiện đại, có cảm xúc và tình yêu, chống lại áp đặt của con người mang dáng vẻ của truyện khoa học viễn tưởng (science fiction) - thể loại dựa trên sự phát triển yếu tố khoa học công nghệ và vũ trụ với những ý tưởng sáng chế, đã rất thành công qua tác phẩm của những tên tuổi như Jules Verne, Robert A. Heinlein, H.G. Wells, Alexander Romanovich Belyaev,… Các tác phẩm văn học giả tưởng không chỉ là câu chuyện của khoa học công nghệ nhằm đưa ra những dự đoán, giả thuyết về tương lai mà còn là cách lý giải đời sống thực tại và con người. Ý tưởng trong Hoa cúc xanh trên đầm lầy tương đồng vớivở kịch R.U. R.(Các Robot toàn năng của Rossum) của Karel Čapek([1]) qua sự kiện chế tạo robot và sự nổi dậy của các robot. Mặc dù được biết đến là một trong những nhà văn hàng đầu về truyện khoa học viễn tưởng nhưng Čapek quan niệm: “Đây không phải là viễn tưởng, mà là hiện thực. Đây không phải là suy đoán về những gì trong tương lai, mà là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó”([2]). Cũng đồng quan điểm với Čapek, trong Hoa cúc xanh trên đầm lầy, dưới lớp vỏ giả tưởng, Lưu Quang Vũ xây dựng một cốt truyện đầy tính ẩn dụ về hiện thực. Hành trình chạy trốn khỏi tầng hầm bị giam nhốt đi tìm hoa cúc xanh là mơ ước trở về tuổi thơ, là khát vọng tự do sáng tạo và tình yêu trong sáng của mỗi người. Trong lịch sử văn học viễn tưởng, đã có không ít dự đoán của các nhà văn đã trở thành hiện thực và gợi ý tưởng sáng chế cho các nhà khoa học sau này. Với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay, thế giới đã tạo ra được rất nhiều robot hiện đại với các tính năng thông minh, giúp giải phóng sức lao động con người. Gần đây nhất sự kiện robot Sophia là robot đầu tiên được công nhận quyền công dân trên thế giới đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới([3]). Vở kịch của Lưu Quang Vũ với ý tưởng về robot cảm xúc có tính dự báo và cho đến nay vẫn hấp dẫn những công chúng hiện đại, năng động, yêu thích khoa học, khám phá.
Bên cạnh đó, dù yếu tố giả tưởng chi phối cốt truyện nhưng Lưu Quang Vũ luôn lồng ghép các vấn đề của xã hội hiện đại như sự tha hóa, sự mất lòng tin của con người và lối sống thực dụng làm tha hóa con người. Tại phòng đợi của nhà ga xe lửa nhân vật “Bà sợ sệt” luôn nâng cao cảnh giác, ôm chặt cái túi đựng toàn mì nhìn “Ông gầy” đầy nghi ngờ, “Ông gầy” trốn vợ đi nghỉ mát cùng “Chị béo” nhưng thấy chị ăn nhiều “như cái máy” thì đã báo nhà chức trách bắt chị vì nghi chị là người máy. Còn Liên và Vân, sau tuần trăng mật ở quê trở lại thành phố với nỗi thất vọng vì mọi thứ quá thay đổi khác xa với ký ức của họ về thung lũng kỳ diệu nở đầy hoa cúc xanh, đã trách móc nhau vì bỏ phí quãng thời gian về quê. Cuộc sống đời thường của cặp vợ chồng trẻ đầy ước mơ, lý tưởng cũng không tránh khỏi những tính toán tủn mủn: Vân sau khi có triển lãm tranh nhỏ cũng tự bằng lòng với bản thân vì nhận được những lời tán tụng, còn Liên thì giục nhắc Vân vẽ để kiếm tiền trả nợ đám cưới, nới rộng căn nhà. Cùng với câu chuyện chế tạo robot, Lưu Quang Vũ khai thác triệt để những vấn đề đạo đức, văn hóa đương thời, từ sự ganh đua, giả tạo, thói háo danh, xu nịnh của những người làm nghiên cứu khoa học, hoạt động nghệ thuật và cán bộ nhà nước đến lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm trong cả xã hội. Đối với số đông những người ở ga tàu, sự trong sáng, lý tưởng của Vân B và Liên B bị coi là điên, không bình thường, “ngộ chữ” nên toàn nói những lời “sách vở”, dở hơi. Đó cũng là nỗi lo âu cho xã hội hiện đại khi con người đang dần bỏ quên những điều tốt đẹp trong chính bản thân mình.
Dẫu lên tiếng cảnh báo cho những gì tốt đẹp đang dần bị mai một, nhưng Lưu Quang Vũ vẫn đầy nhân văn khi bày tỏ sự cảm thông cho con người bằng xương bằng thịt với tất cả những điều chưa hoàn thiện, với cái hắt hơi, sôi bụng, cái nông nổi, tầm thường, tốt xấu đan xen. Đó mới chính là con người thực, sống trong cuộc đời thực. Bởi cái cuộc đời toàn những người tốt đẹp, “vô trùng”, là không thể có được, một xã hội không có thật như vậy “nếu có cũng chẳng thú vị gì”, như lời của nhân vật trong tác phẩm đã nhận định. Rốt cuộc, sau khi Liên B bỏ đi, Hoàng nhận ra một sự thật là anh vẫn yêu Liên – con người bình thường, hay tính toán và yếu đuối. Vân và Liên cũng không cần đến Liên, Vân nào khác dù họ đã có lúc vô cùng khắc khoải: tại sao lại cần có một Liên và Vân khác? Sự xuất hiện của hai robot Liên B và Vân B đã khiến các nhân vật ý thức về chính bản thân họ, về cái phần tốt đẹp mà mỗi người phải đạt tới, phải giữ lấy. Vở kịch mang màu sắc lãng mạn khi hướng tới vẻ đẹp lý tưởng, sự trong sáng của tâm hồn đồng thời thể hiện quan niệm nhân sinh sâu sắc của tác giả khi đi đến nhận thức rõ hơn về sự “bất toàn” của con người và của thực tại.
Quay trở lại với cấu trúc vở kịch, thực ra đây không hoàn toàn là kịch giả tưởng mà chỉ có yếu tố giả tưởng. Kết thúc truyện, hai nhân vật robot bị nhấn chìm ở đầm lầy, nhưng toàn bộ diễn biến câu chuyện lại hóa ra là giấc mơ của nhân vật Hoàng. Nếu kết thúc ở cái chết của hai nhân vật robot, vở kịch sẽ là một vở bi kịch thực sự. Đồng thời cũng là một vở kịch giả tưởng theo đúng nghĩa. Nhưng Lưu Quang Vũ, trong giới hạn của bản thân và thời đại, đã chuyển toàn bộ thành giấc mơ của Lê Hoàng và dẫn đến một cái kết có phần khuôn sáo: Hoàng tỉnh giấc, Liên và Vân đến mời dự đám cưới, họ vẫn là những người bạn thân thiết của nhau, và trong đám cưới của Liên – Vân, Hoàng nói với hai bạn, cũng là nói với khán giả như đưa ra phát ngôn của tác giả: Tự các bạn sẽ làm ra hạnh phúc, không phải tạo ra một ai khác cả, không phải tìm về đâu cả. Chỉ có chúng ta, chỉ có cuộc đời thực này thôi (…) Trong mỗi các bạn đều có một con người kỳ diệu, đừng để chúng đi, hãy để chính ta được sống ở trong ta…”([4]). Kết thúc vở kịch không đi đến chủ nghĩa bi quan cực đoan (sự ra đi, cái chết của cái tốt đẹp, và sự mất mát tuổi thơ) mà chuyển sang hướng lãng mạn, lạc quan. Mặc dù đây là cái kết thúc tươi sáng và gửi thông điệp của vở kịch đến công chúng một cách sáng rõ, nhưng tôi cho rằng cái kết đó có phần diễn giải ý tưởng tác giả khá lộ và thu hẹp ý nghĩa câu chuyện cũng như hạn chế sức tưởng tượng của thể loại kịch giả tưởng([5]). Tuy nhiên, nó cũng hướng đến sự phù hợp với công chúng Việt Nam trong bối cảnh lịch sử cụ thể những năm đầu Đổi mới, khi công chúng tiếp nhận mới trải qua một giai đoạn dài quen với mô hình phản ánh hiện thực.
Motif tạo ra con người
Tạo ra loại robot có tâm hồn cao đẹp, để trở thành người yêu của mình là một ý tưởng độc đáo của Lưu Quang Vũ. Motif tạo ra robot nói riêng và tạo ra con người nói chung vốn xuất hiện khá sớm trong đời sống văn hóa tinh thần nhân loại. Có thể thấy mạch ngầm của dòng chảy này xuyên qua nhiều tác phẩm văn chương thế giới: trong thần thoại Hy Lạp, nhân vật Pygmalion tạc nên bức tượng người phụ nữ tuyệt đẹp và yêu say đắm bức tượng đến mức cầu xin nữ thần Aphrodite ban phép cho tượng trở thành người. Không chỉ trong thần thoại Hy Lạp, các tác phẩm sử dụng motif tạo ra con người thường gắn với sự hiện diện của tình yêu, chẳng hạn như vở kịch R.U.R của Čapek có motif tạo ra robot – con người, với các người máy được chế tạo giống hệt con người để phục vụ con người, thay thế sức lao động của con người. Các robot ban đầu được chế tạo “không có ý chí, không có hy vọng, không có tâm hồn” nhưng những phiên bản đời sau càng được tiến hóa khiến cho robot nhận thức được sự bất công đã nổi dậy tiêu diệt loài người. Người thợ xây dựng Aquist duy nhất còn sống sót dù cố gắng hết sức cũng không thể tìm được công thức chế tạo robot đã bị đốt mất, nhưng cuối cùng lóe lên một tia hy vọng cho thế giới khi hai người máy thuộc thế hệ mới nhất biết yêu nhau, sẵn sàng hy sinh cho nhau. Tình yêu đó đã cứu rỗi thế giới mang lại hy vọng sự sống của thế giới được tiếp diễn. Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ, xuất phát từ chỗ tình yêu không được hồi đáp nên mới có chuyện chế tạo người yêu robot. Kỹ sư Hoàng không chỉ tạo ra robot người yêu (Liên B) mà đồng thời còn tạo ra robot người bạn (Vân B) – phiên bản của người bạn thuở ấu thơ và đồng thời cũng là tình địch của mình. Hoàng hoàn toàn có thể chỉ tạo ra một mình robot Liên, nhưng tham vọng của anh ta lớn hơn, muốn chứng tỏ đây là “phát minh táo bạo nhất, tạo ra những con người khác, mới thực sự, những con người cao quý, đầy yêu thương, cao thượng nhân từ” và “khác xa những con người quen thuộc nhàm chán, tầm thường, lũ nô lệ của hoàn cảnh nhỏ nhen”. Bởi vậy câu chuyện đã trở nên phức tạp hơn sự sáng tạo bức tượng người nữ của Pygmalion trong thần thoại Hy Lạp và có diễn biến khác với chế tạo robot nổi loạn trong R.U.R. Mối tình tay ba của ba con người thực vốn là những người bạn thời thơ ấu lại một lần nữa diễn ra đối với kỹ sư Hoàng và các robot do anh chế tạo. Ta biết rằng, dựa theo các motif truyền thống, nhà viết kịch có thể sáng tạo những câu chuyện mang thông điệp khác nhau, chẳng hạn cũng với motif “tạo nên con người khác”, Bernard Shaw tái sử dụng hình mẫu Pygmalion trong vở kịch cùng tên của mình gửi đến thông điệp về giá trị con người và quyền lực xã hội. Trong Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lưu Quang Vũ kể một câu chuyện mới với những tình huống kịch và xung đột kịch giàu sáng tạo và có tính “đối thoại” với các văn bản trước. Kịch tích được tạo nên từ những xung đột, những đối lập và mâu thuẫn: con người – robot, quá khứ - hiện tại, thực tế - ước mơ. Lê Hoàng và Nguyễn Vân cùng yêu Liên nhưng Liên yêu Vân và kết hôn cùng Vân; Hoàng tạo ra robot Vân B chỉ yêu nghệ thuật, màu vẽ và ánh sáng nhưng bị Hoàng giam trong gian hầm tối tăm nên đã cùng Liên B thoát ra ngoài để được tự do; Liên B được Hoàng tạo ra thánh thiện, trong sáng nên cô không chấp nhận được con người thực của Hoàng - một nhà khoa học sớm thỏa mãn với những gì mình có, mang đầy thói hư tật xấu của con người; Liên và Vân đi qua những năm tháng mơ mộng, khát khao nhưng sau kết hôn là những thất vọng và trách móc chuyện tiền nong, công việc. Mâu thuẫn cũng xảy ra trong chính bản thân Hoàng: tạo ra những con người tốt đẹp, để yêu thương, nhưng rốt cuộc chính anh ta lại vẫn chỉ yêu cô Liên thật bình thường, hay tính toán, cũng yếu đuối như anh ta. Kịch của Lưu Quang Vũ đã đề cập đến những xung đột tất yếu, không thể giải quyết, đó là mâu thuẫn giữa hiện thực và lý tưởng, giữa quá khứ và hiện tại. Robot Vân B và Liên B khi gặp mẫu gốc Nguyễn Vân và Thùy Liên sống tầm thường, yếu ớt, buồn bã thì cho rằng “chúng ta mới là người thực. Họ chỉ là những cái bóng mờ nhạt” nhưng rốt cuộc những băn khoăn về lẽ sống, về bản gốc của con người vẫn là những câu hỏi không lời đáp: Đâu mới là phần có thực của con người: cái phần cao quý đẹp đẽ hay cái sự thực tầm thường?. Hai người máy là phần đẹp đẽ nhất của con người Vân và Liên, là cái phần tốt đẹp của con người được kết tinh, nâng lên: Liên B trong sáng, mơ mộng và nhạy cảm… Vân B là họa sĩ tài năng với những bức vẽ tuyệt tác nhưng phải chăng “Họ là sản phẩm của mơ ước chứ không phải của thực tại”. Kết thúc tác phẩm, cảnh hai người máy phiên bản chới với trong đầm lầy, cất tiếng gọi vang để tìm hoa cúc xanh gây tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của người tiếp nhận, như tiếng vọng về xa xăm của quá khứ tươi đẹp, như lời kêu cứu của cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống thực đầy nghiệt ngã. Lưu Quang Vũ đã tạo nên những xung đột kịch đặc sắc bằng sự nhạy bén và khả năng bao quát những mâu thuẫn của đời sống. Đó cũng là lý do vì sao nhiều vở kịch của ông chạm đến ngưỡng bi kịch như Nguồn sáng trong đời, Hồn Trương Ba, da hàng thịt,...
Trong vở kịch này, tạo ra con người không chỉ là sáng chế, phát minh khoa học mà còn là sáng tạo nghệ thuật khi các robot được kết tinh từ những gì tốt đẹp nhất của con người, hoàn toàn chỉ có tình yêu và tâm hồn trong sáng và thánh thiện, biết yêu cái đẹp và nghệ thuật. Câu chuyện tạo ra robot của Lưu Quang Vũ cũng chính là những trăn trở của ông về sáng tạo nghệ thuật. Con người được tạo nên với vẻ đẹp nguyên sơ ấy mang ước mơ cháy bỏng vươn tới con người tuyệt mỹ. Vân B được tạo ra để thành một họa sĩ chỉ đam mê vẽ, nhưng chưa đủ, sáng tạo nghệ thuật cần có tự do, ánh sáng và tình yêu. Cũng như họa sĩ Nguyễn Vân, khao khát sáng tạo nhưng lại sớm bằng lòng với những lời ca ngợi, tự đánh mất chính mình với cuộc sống tầm thường, tù túng. Thông qua những chi tiết và hình tượng nghệ thuật, Lưu Quang Vũ đã cho thấy người nghệ sĩ cần ý thức rất rõ về sáng tạo, hướng đến những tác phẩm nghệ thuật đích thực chứ không phải chỉ nhằm mục đích mưu sinh.
Toàn bộ câu chuyện sáng tạo robot là giấc mơ, là mong muốn của Hoàng khi yêu Liên mà không đạt được. Trong giấc mơ, những ẩn ức của Hoàng đã được giải tỏa. Hoàng là một kỹ sư tài năng, say mê khoa học, giấc mơ đã thỏa mãn Hoàng ở cả hai phương diện: chế tạo robot và được một cô Liên trong sáng, tốt đẹp yêu Hoàng bởi anh là người yêu Liên nhất và xứng đáng với Liên hơn. Bản thân Hoàng là người đầy mâu thuẫn: anh nhận thấy Liên đã khác Liên của thời thơ ấu và nói toàn chuyện tầm thường, thực dụng nhưng Hoàng lại không thể quên Liên. Giấc mơ chế tạo robot chính là kết quả của sự dồn nén cảm xúc đó và khiến cho Hoàng nhận rõ hơn những khiếm khuyết của bản thân và những người xung quanh. Cuộc đối thoại giữa Vân và Liên B, giữa Liên và Vân B cũng có thể được ngầm hiểu chính là sự phân thân của mỗi con người, phần người thực đời thường và phần tốt đẹp nhất trong mỗi người. Vân B và Liên B cũng là những con người lý tưởng mà loài người hướng tới,g là phần tốt đẹp bị lãng quên trong đời sống sẽ luôn nhắc gọi, đối thoại với phần trần tục của mỗi chúng ta. Chính cái phần tốt đẹp ấy đã đánh thức Liên, Vân và cả Hoàng nữa. Từ motif tạo ra con người của Lưu Quang Vũ cũng có thể thấy mỗi người đều cần vươn tới phần cao quý đẹp đẽ, nhưng cũng vẫn có cả một con người thực trần tục đời thường, đó mới là con người theo đúng nghĩa.
Tái sử dụng motif tạo ra con người nhưng kịch bản của Lưu Quang Vũ không hề mất đi tính thời sự bởi sự gắn kết với thời đại. Cũng giống như vở kịch R.U.R cách đây gần một thế kỷ đã nhận thấy con người với trí tuệ tuyệt vời đã tạo nên những bước tiến vượt bậc trong sự phát triển khoa học kỹ thuật và những phát minh vĩ đại để phục vụ chính mình. Nhưng sự vị kỷ, tham lam và tha hóa của con người cũng sẽ khiến cho nó bị hủy diệt bởi chính những phát minh ấy. Chỉ có tình yêu, lòng cao thượng, và cái đẹp mới cứu rỗi thế giới. Đó cũng là triết lý mà Lưu Quang Vũ gửi gắm trong vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy.
Biểu tượng hoa cúc xanh
Từ tên của vở kịch đến hình ảnh hoa cúc xanh trong đầm lầy xuyên suốt tác phẩm đã tạo nên một biểu tượng nổi bật: hoa cúc xanh. Trong cảnh đầu, khi Hoàng đợi gặp Liên để ngỏ lời, anh đã nhắc nhớ cô về tuổi thơ êm đềm có hoa cúc xanh của họ, hồi đó anh từng hẹn sau này lớn lên sẽ cưới cô làm vợ. Hoa cúc xanh gắn với quê hương, với tình bạn trong sáng, và những giấc mơ tuổi thơ. Nhân vật Liên B được Hoàng “tạo ra bằng cái phần đẹp đẽ nhất của con người: tuổi thơ, và tình yêu, quá khứ và ước mơ”, chính vì vậy khi Hoàng hỏi Liên B: “em nhớ tuổi thơ của em chứ” thì cô trả lời: “Sao lại nhớ? Em luôn sống trong tuổi thơ của em đây… Những bông cúc xanh, em, anh…”. Hoa cúc xanh là hiện tại của Liên B và có sự đồng nhất Liên B – tuổi thơ hoa cúc xanh.
Hoa cúc vốn là hình ảnh xuất hiện khá nhiều trong thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, cả hai nhà thơ dường như có sự đồng cảm lớn với loài hoa nhỏ bé giản dị này. Thơ Lưu Quang Vũ đầy những cung bậc cảm xúc với hoa cúc: “Biết ơn em, em từ miền gió cát/Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng” (Và anh tồn tại); “Những cánh đồng hoa cúc mọc rưng rưng/ Chùm nắng lạ tươi vàng trên cỏ dại” (Những đêm hoa vàng); “Mai em đi mùa hạ cũng qua rồi/ Tôi ở lại một mình trên phố vắng/ Hoa cúc rối chiều xuân nào tôi đến/ Chẳng gặp em – chỉ màu hoa vàng rực/ Đêm nay về đốt lửa giữ hồn tôi” (Lá thu). Với Xuân Quỳnh cũng vậy, hoa cúc vàng nở cùng mùa thu, nở cùng tình yêu nồng nàn, lặng lẽ mà cháy bỏng: “Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em/ Cùng mùa thu ở lại” (Thơ tình cuối mùa thu); “Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế/ Chỉ em là đã khác với em thôi (…) Nhưng màu hoa đâu dễ quên nguôi/ Thành phố ngợp ngày nao chiều gió dậy/ Gương mặt ấy lời yêu thuở ấy/ Màu hoa vàng vẫn cháy ở trong em” (Hoa cúc). Có một sự đồng cảm giữa Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ trong hình ảnh hoa cúc vàng buồn da diết và ám ảnh khôn nguôi về một thời đã qua, khiến con người ý thức sâu hơn về sự chảy trôi của thời gian. Hoa cúc xanh đã từng xuất hiện trong thơ của Lưu Quang Vũ với nỗi xót xa của tình yêu mất mát: hoa cúc xanh tuổi nhỏ chết từ lâu/ những hòm xiểng chất đầy khu phố chật/ những bãi rác những thùng xe cũ hỏng/ những bạn bè thơ trẻ đã già nua… (Em – tình yêu những năm đau xót và hy vọng). Cũng như Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ có nhiều cảm xúc với những loài hoa, thậm chí, hoa thường mang ý nghĩa của sự bất diệt không thể lụi tàn: “Những bạn bè đã chết/ Cũng sẽ trở về như những bông hoa/ Cắt xuân trước, tháng giêng sau lại mọc/ Những bông hoa không chết bao giờ” (Những bông hoa không chết); “Nhưng nếu bông hoa của tôi đã chết/ Tôi làm sao sống được/ Trước đầm lầy mù mịt khói bay/ Cuốn sách tuổi thơ những hình vẽ rợn người…” (Hoa cẩm chướng trong mưa). Nhưng hoa cúc xanh, khác với cúc vàng và khác với các loài hoa khác, là biểu tượng của tuổi thơ trong trắng và khát vọng, mộng ước buổi nguyên sơ. Hoa cúc xanh làm cho tuổi thơ của họ trở nên lung linh kỳ diệu bởi sắc xanh hiếm thấy của loài hoa và bởi không phải ai cũng dễ dàng nhìn thấy hoa cúc, chỉ lũ trẻ mới có thể đi qua cỏ gianh trên đầm lầy mà không sợ bị lún chìm. Hoa cúc xanh cũng mang biểu tượng của sức sống mạnh mẽ khi vươn lên giữa đầm lầy, là những gì tinh túy đẹp đẽ mà con người phải lội qua bùn lầy mới có thể hái được([6]). Hoa cúc xanh trong ký ức của các nhân vật đẹp diệu kỳ nhưng như một ảo ảnh, vừa như thực mà vừa như mơ. Nhân vật Liên khi được Hoàng nhắc về loài hoa cúc xanh đã phải thú thật: “Không nhớ rõ nhưng anh nhắc lại thì nhớ hết. Ừ, chẳng ở đâu mình thấy thứ cúc xanh như thế”. Liên và Vân dành thời gian của tuần trăng mật trở về quê tìm hoa cúc xanh, nhưng họ không vào đầm lầy được vì mưa ngập nước, họ tiếc nuối; “Hoa cúc xanh, bây giờ đâu rồi”. Hai robot Liên B và Vân B khi nhận ra họ bị Lê Hoàng giam giữ đã cùng nhau bỏ trốn để trở về miền quê xưa, và bị lún trong đầm lầy khi tìm kiếm những bông hoa cúc xanh. Hoa cúc xanh, dù tồn tại trong ký ức của cả ba người nhưng luôn thấp thoáng ẩn hiện như một giấc mơ, như không có thật khiến bản thân họ cũng tự hỏi nó có thực hay không. Đây cũng là tứ thơ trong bài Hoa cúc xanh mà Xuân Quỳnh ấp ủ từ năm 1964 nhưng mãi đến khi vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy được Đoàn kịch Hải Phòng dàn dựng và biểu diễn năm 1987 mới hoàn thành để gửi tặng Lưu Quang Vũ([7]). Trong Thư gửi Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh viết: “Em đã sửa bài thơ Hoa cúc xanh, em chép lại tặng anh ngày sinh nhật. Anh xem có cần sửa thì sửa cho em…”([8]). Hoa cúc xanh của Xuân Quỳnh là niềm tiếc nuối tuổi thơ và câu hỏi về sự tồn tại của loài hoa ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài thơ: “Hoa cúc xanh có hay là không có/ Trong đầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa/ Một dòng sông lặng chảy từ xa/ Thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ/ (…) Hoa cúc xanh có hay là không có/ Tháng năm nào ấp ủ thuở thơ ngây/ Có hay không thung lũng của ngày xưa/ Anh đã ở và em thường tới đó/ (…) Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có/ Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa”. Trong vở kịch, hoa cúc xanh từ ký ức tuổi thơ đã đi theo cuộc đời nhân vật ở những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời. Không chỉ là biểu tượng của tuổi thơ, hoa cúc xanh còn mang ý nghĩa biểu trưng cho cái đẹp, tình yêu và nghệ thuật. Cái đẹp ấy không có sẵn trong cuộc đời, không dễ kiếm mà ở trong tự nhiên, trong ký ức tuổi thơ, và để có được, phải băng qua đầm lầy tìm kiếm bằng tình cảm vô tư, trong sáng chứ không phải bằng sự mưu toan, tính toán, cưỡng đoạt. Bởi vậy, hoa cúc xanh là cái đẹp vừa thực mà vừa ảo, nhưng đã tồn tại và sẽ mãi tồn tại với những ai biết trân trọng, tìm kiếm. Biểu tượng hoa cúc xanh – tuổi thơ, hoa cúc xanh – giấc mơ trong cả kịch Lưu Quang Vũ và thơ Xuân Quỳnh đều có sự gặp gỡ với hoa cúc xanh trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Karel Čapek([9]). Biểu tượng hoa cúc xanh tạo nên chất thơ của vở kịch và bài thơ của Xuân Quỳnh như một sự hồi đáp, lời đồng vọng về loài hoa mà để tìm nó phải vượt qua đầm lầy bùn nhão kiếm tìm và chỉ trẻ nhỏ - những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ không bị vật chất trì níu mới tìm được. Hoa cúc xanh là tuổi thơ đẹp đẽ đã qua, không trở lại. Từ biểu tượng hoa cúc xanh, Lưu Quang Vũ cũng nhìn thấy mối quan hệ nghệ sĩ và sáng tạo: sáng tạo cần có tự do như hít thở khí trời. Robot Vân B có màu, bút, giấy vẽ nhưng chỉ khi được tự do, có ánh sáng, và có gương mặt thánh thiện của Liên mới thắp lên những ước vọng vẽ được những tác phẩm nghệ thuật. Còn con người lý tưởng, như lời Liên B nói với Hoàng, “phải cao thượng, phong phú hoàn hảo như các nhà thơ đã viết”. “Phải đẹp từ quần áo đến tâm hồn, Sekhov đã nói như vậy”. Chính vì vậy, Hoa cúc xanh trên đầm lầy là một trong những vở kịch đậm chất thơ và giàu sức gợi nhất của Lưu Quang Vũ. Không chỉ có tính “liên văn bản” với thơ Xuân Quỳnh, với tác phẩm của Karel Čapek, vở kịch còn cho thấy những kết nối với những sáng tác của chính Lưu Quang Vũ ở các thể loại khác nhau.Truyện ngắn và thơ Lưu Quang Vũ đều có những trăn trở về sự tồn tại, tình yêu, hạnh phúc, và sáng tạo nghệ thuật. Dù ở thể loại nào (thơ, kịch, hay truyện ngắn) Lưu Quang Vũ cũng không ngừng phản tư như một sự tự ý thức của người nghệ sĩ có tầm vóc tư tưởng lớn.
Thay lời kết
Những kịch bản của Lưu Quang Vũ đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong lòng công chúng ở những năm 80 của thế kỷ trước nhưng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật và tính thời sự. Cùng với những vở kịch nhìn trực diện vào đời sống xã hội đương thời, Hoa cúc xanh trên đầm lầy là sự kết hợp giữa yếu tố giả tưởng và lãng mạn, thể hiện cảm quan nhạy bén, tinh tế và chiều sâu văn hóa của chủ thể sáng tạo Lưu Quang Vũ. Chính vì vậy, những vấn đề đặt ra từ vở kịch không chỉ là những đối thoại với xã hội đương thời mà còn đối thoại với những tư tưởng trước và sau đó, trong cả văn chương nghệ thuật Việt Nam và thế giới. Sự tái tạo và sáng tạo yếu tố giả tưởng, motif tạo ra con người cũng như biểu tượng hoa cúc xanh với những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn cho thấy tài năng và tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại của Lưu Quang Vũ khiến cho tác phẩm còn lại mãi với thời gian.
.......................................................................................................................................
[1]Đây cũng là tác giả đầu tiên sử dụng thuật ngữ robot trong tác phẩm văn chương.
[2]Karel Čapek:R.U. R. Các Robot toàn năng của Rossum (Phạm Công Tú dịch), Tao Đàn & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2017, trang bìa gấp.
[3]Robot Sophia là một trong những robot được thiết kế cử động giống con người và có trí tuệ thông minh nhân tạo, Sophia có thể nhận ra con người và học hỏi từ những gì cô nhìn thấy và có khả năng tương tác trực tiếp với nét mặt và ánh mắt biểu cảm. Mới đây, ngày 13/7, Sophia đã có mặt tại Hà Nội để chia sẻ những nhận định cá nhân liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với Việt Nam.
[4]Lưu Quang Vũ: Tác phẩm chọn lọc, Nxb. Sân khấu, H,, 2017, tr 479. Các trích dẫn khác trong kịch bản Hoa cúc xanh trên đầm lầy đều lấy từ sách này.
[5]Để phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi dàn dựng lại vở diễn Hoa cúc xanh trên đầm lầy, đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến đã cắt bỏ chi tiết “giấc mơ” này.
[6]Có lẽ đó là lý do Lưu Quang Vũ đặt tên vở kịch là Hoa cúc xanh trên đầm lầy chứ không phảiHoa cúc xanh trong đầm lầy, như một khẳng định về sự “ngoi lên”, “vượt lên” trên đầm lầy bùn nhão bí ẩn và đầy hiểm họa.
[7]Theo tác giả Vũ Hà (xem Vũ Hà - Ngô Thảo: Lưu Quang Vũ một tài năng, một đời người. Nxb. Thông tin, H., 1988, tr.40).
[8]Thư gửi Lưu Quang Vũ ngày 14/4/1987 [Di cảo], đã in trong Xuân Quỳnh - Cuộc đời và tác phẩm, Nxb. Phụ nữ, H., 2003
[9]Tập truyện Hoa cúc xanh của Karel Čapek được dịch ở Việt Nam năm 1962, và rất có khả năng cả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đều được đọc tác phẩm này. Truyện ngắn Hoa cúc xanh kể về hành trình đi tìm hoa cúc xanh của ông Fulinus để làm đẹp cho công viên của một vị Công tước, những bông cúc xanh mà cô bé Klára “dở người, câm điếc”, luôn “nhảy nhót vui vẻ” thường mang về mỗi buổi tối. Cho dù lùng sục khắp vùng vẫn không thấy nơi trồng cây hoa cúc xanh, ông Fulinus đành bỏ cuộc, nhưng đúng lúc con tàu chuyển bánh rời ga và ông bật khóc thì lại nhìn thấy hoa cúc xanh mọc ở góc vườn của người coi ga vốn chỉ có thể vào được bằng cách đi dọc đường tàu đề biển cấm. Ông đã đào trộm khóm khoa cúc xanh đó về chăm sóc mười lăm năm và vẫn mong đợi ngày nó nở hoa. Trong truyện ngắn này, chỉ cô bé Klára hồn nhiên, không biết chữ mới tìm được hoa cúc xanh, và kể cả khi ông già Fulinus đã sở hữu được cả cụm hoa cúc xanh nhưng hoa vẫn chẳng nở.