Đất Nghệ

Cửa biển - Thương cảng cổ Hội thống

Toàn cảnh Cửa Hội

       Cửa biển Hội Thống xưa còn có tên gọi cửa biển Đan Nhai (Đan Nhai hải môn), Chu Nhai, Đơn Hay hay Đan Thai, nằm ở tọa độ 180N45’38,8”, 450E37,7’, rìa cực Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, phía Đông là Biển Đông, phía Bắc là xã Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, phía Nam là xã Xuân Hội (Hội Thống), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Chỗ rộng nhất của Cửa Hội hiện nay là 1,58km, chỗ cửa biển ngoài cùng là 1,14km. Diện tích cửa biển Hội Thống khoảng 8km2, khá rộng thuận tiện cho tàu thuyền ra vào. Phần phía Nam có phần doi đất uốn cong vào trong kéo dài vươn ra biển tạo điều kiện cho thuyền bè cập bến, trú ẩn. Phía bờ Bắc đất ăn lấn vào trong chiếm lấy diện tích khá lớn của cửa biển Hội Thống. Khảo sát thực địa và nhìn trên ảnh vệ tinh có thể thấy dấu vết dòng chảy cũ của dòng sông Lam sát vào khu vực Đầu Cồn kéo lên phía khu vực Cồn Bơi trước đình Hội Thống, xã Xuân Hội. Như vậy, dòng chảy sông Lam trước đây khác bây giời rất nhiều.

       Cửa biển Hội Thống là nơi có phong cảnh tươi đẹp. Trong Nghi Xuân bát cảnh, cửa biển Hội Thống là có hai cảnh đẹp: Đan Nhai - Bờ Son bởi như câu thơ mở đầu bài “Đan Nhai quy phàm” (Thuyền về cửa biển Đan Nhai) miêu tả: “Tịch chiếu lưu hà vạn khoảnh đa” (Son hừng muôn dặm ráng chiều sa) và “Song Ngư hí thủy” nghĩa là đôi cá đùa trong nước. Hòn Song Ngư diện tích 2,5km2 đứng án ngữ lối ra vào như bức bình phong che chở tàu bè vào mùa mưa bão. Hòn Song Ngư được tạo thành từ hai ngọn núi, một ngọn cao 330m, ngọn còn lại cao 88m. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp khi nói về đất Nghi Xuân địa linh nhân kiệt đã trích bài thơ có đề cập đến đảo Song Ngư trong Hạnh am thi cảo:

“Hồng Lĩnh sơn cao

Song Ngư hải khoát

Nhược ngộ minh thời

Nhân tài tú phát”

Dịch là:

Hồng Lĩnh núi cao

Mênh mông Song Ngư hải

Trong sáng gặp thời

Nhân tài trỗi dậy

        Cũng miêu tả về cảnh đẹp của cửa biển Hội thống, sách Nghi Xuân địa chí có chép: “hàng năm, giữa tháng cuối Đông sang Hè, trời nắng tạnh, các loại thuyền đánh cá lớn nhỏ cùng với thuyền buôn từ Bắc đến vào cửa sông có hàng mấy trăm chiếc. Buồm thuyền no gió, dập dờn qua lại hàng đàn. Chiếc như đi ra mà chính là vào, chiếc như rẽ trái nhưng kỳ thực là lách sang phải lớp trước vào đã lách qua làn sóng, lớp đi sau còn lục tục nối theo, khác nào như đàn bướm vờn hoa, bầy cá đang giỡn nước, tiếng hò reo vang dội đôi bờ thật là một thắng cảnh hiếm có”[1].

       Trong hệ thống sông ngòi đổ ra cửa biển Hội Thống, phần cuối cùng đổ ra biển gọi là sông Lam. Sông Lam hay còn gọi là Ngàn Cả, Nậm Khan, Thanh Long giang có tổng chiều dài cùng các nhánh khoảng 512km, bắt nguồn từ cao nguyên Xiêng Khoảng của nước bạn Lào chảy qua các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An khi đến địa phận huyện Nam Đàn (Nghệ An), Đức Thọ của Hà Tĩnh hợp với sông La chảy qua huyện Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ qua cửa biển Hội Thống. Diện tích lưu vực là 27.200km2. Phần sông từ nước bạn Lào chảy đến hợp lưu với sông La được gọi là sông Cả. Sông Cả sau khi hợp lưu với sông La gọi là sông Lam, tạo thành biên giới tự nhiên của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sông Cả nghĩa là “mẹ” của các con sông nhỏ Nậm Nơn,  Nậm Mộ,  sông Giăng.  Sông La  chảy  qua  huyện  Đức  Thọ dài 12,5km là hợp lưu của sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu tại bến Tam Soa, nơi giáp xã Sơn Tân, Sơn Long (huyện Hương Sơn) và xã Tùng Ảnh và Trường Sơn (huyện Đức Thọ). Sông Ngàn Phố bắt nguồn từ dãy Giăng Màn giáp biên giới Việt - Lào có độ dài khoảng 71-72km, diện tích lưu vực 1.060km2. Sông chảy theo hướng Tây - Đông gặp sông Ngàn Sâu ở bến Tam Soa. Sông Ngàn Sâu còn gọi là Thâm giang là dòng sông lớn chảy về hướng Bắc, qua các huyện Hương Khê và Vũ Quang, “phát nguyên từ núi Khai Trướng, chảy tới động Quy Hợp, động Thâm Nguyên; Phía Đông chảy đến Chu Lễ, hợp với sông Tiêm, lại chảy đến xã Bào Lăng (tức Trúc Lâm) hợp với sông Trúc, kinh qua chín khúc quanh co, chảy đến Bào Khê (tức Mỹ Thiệp), nhập với sông Trươi (tức Hương Khê), chảy thẳng tới Linh Cảm (thuộc phủ Đức Thọ), rồi hợp với sông Phố (thuộc huyện Hương Sơn)…”[2].

       Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “… sông Lam tục gọi là sông Cả, có hai nguồn: một nguồn chảy ra từ phủ Trấn Biên, xứ Nghệ (nay là đất huyện Samtay, tỉnh Hủa Phăn, Lào), phủ Trấn Ninh xứ Nghệ (nay thuộc Xiêng Khoảng, Lào), chảy về phía Đông đến phủ Chương Dương, xứ Nghệ, qua núi Thành Nam, gọi là nguồn Tương. Nguồn kia bắt đầu từ vùng núi huyện Thúy Vân, xứ Nghệ chảy về phía Đông Nam vào phủ Quỳ Châu gọi là nguồn Hiếu. Hai nguồn hợp nhau chảy về Đông đến các huyện Thanh Chương, Nam Đường (nay là Nam Đàn) gặp sông Dương và sông Vũ từ phía Tây đổ vào, sông Cương từ phía Bắc chảy vào, rồi chảy đến phía Nam núi Lam Thành thì hội với sông La thành sông Tam Chế và đổ ra Biển Đông tại cửa biển Hội Thống”.[3]

       Cùng với núi Hồng Lĩnh, sông Lam đã trở thành biểu tượng của văn hóa xứ Nghệ. Với tầm quan trọng và ảnh hưởng của mình, năm 1838, vua Minh Mệnh cho đúc cửu đỉnh, khắc hình tượng sông Lam lên Tuyên đỉnh; năm Tự Đức thứ 3 (1851) liệt sông Lam vào hàng sông lớn, chép vào điển thờ. Nằm trong lưu vực hệ thống sông ngòi đổ ra biển, cửa biển Hội Thống có những làng khoa bảng, làng văn hóa nổi tiếng của xứ Nghệ như làng Hữu Bằng, Gôi Vị, Thịnh Xá (huyện Hương Sơn), Đông Thái, Yên Hồ (huyện Đức Thọ), Trung Lương, Vân Chàng (thị xã Hồng Lĩnh), Uy Viễn, Tiên Điền (huyện Nghi Xuân), Trung Cần, Hoành Sơn, Kim Liên (Nam Đàn)… đã tạo nên một vùng văn hóa Hồng Lam với các danh nhân tên tuổi trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội như Đinh Nho Công, Đinh Nho Hoàn, Nguyễn Tử Trọng, Phan Đình Phùng, Hoàng Xuân Hãn, Hồ Chí Minh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du…

       Dưới thời phong kiến, phương tiện giao thông phục vụ thương mại, buôn bán, chuyên chở người và hàng hóa chủ yếu bằng đường thủy. Hệ thống các con sông đổ ra biển qua cửa biển Hội Thống giữ vai trò rất quan trọng trong quan hệ giao thương buôn bán của xứ Nghệ. Vì vậy, dọc các bờ sông, người xưa đã có xây dựng nhiều chợ quê, là trung tâm thương mại trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền ngược và miền xuôi với nhau tiêu biểu có các chợ: chợ Nền Rạp (Sơn Trung), chợ Trùa (ở thôn Kẻ Trúa), chợ Mới Tàng (ở xóm Tàng Hạ), chợ Trâu, chợ Bè, chợ Cơn Bàng (Thịnh Xá), chợ Choi (ở Kẻ Choi), chợ Gôi (Gôi Vị) dọc sông Ngàn Phố; chợ Sơn (Hương Khê), chợ Bộng (Vũ Quang) dọc sông Ngàn Sâu; chợ Giấy (Đức Dũng), chợ Trổ (Yên Hồ), chợ Bàu (Đức Long), chợ Thượng (Trường Sơn) dọc sông La; chợ Sa Nam (Nam Đàn), chợ Tràng (Hưng Nguyên), chợ Nghi Thiết (Nghi Lộc), chợ Giang Đình (Nghi Xuân), chợ Chế (xã Quả Phẩm), chợ Đò (xã Tam Đăng thượng), chợ Mới (Thượng Châu), chợ Lách (Da Lách), chợ Cầu Bồng (Cầu Đôi), chợ Tiên (xã Tiên Điền), chợ Mới (Mỹ Dương), chợ Ang (xã Xuân Viên), chợ Bơ (xã Đan Trường), chợ Hội -chợ Hôm (xã Hội Thống), chợ Trảo - chợ Đồn (Xuân An) dọc bờ sông Lam… Trong số đó, chợ Giang Đình, trước gọi là chợ Văn, chợ do Đặng Thái Bàng ở thôn Văn Liêu, đỗ Cử nhân năm Mậu Thìn, đời Cảnh Thịnh làm Hiến sát phó Sơn Nam lập ra. Năm Tân Mão thời Cảnh Hưng.

       Thậm chí, vào thế kỷ 16-17, phố cổ Phù Thạch thuộc xã Vĩnh Đại, huyện La Sơn (nay là xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ) được hình thành và phát triển là nơi đô hội không chỉ người dân địa phương mà là nơi giao lưu, buôn bán quốc tế sau khi đi qua cửa biển Hội Thống. Người Minh Hương là những người Hoa chối bỏ nhà Thanh (Trung Quốc) đã đến đây sinh cơ lập nghiệp. Ở đây, cũng có người Nhật Bản đến đây làm ăn buôn bán. Đối diện với Phù Thạch qua dòng sông Lam, phía Bắc là chợ Tràng, xã Triều Khẩu, phía dưới Lam Thành (nay thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cũng là nơi buôn bán tấp nập thời bấy giờ.

       Cửa biển - thương cảng cổ Hội Thống có lịch sử hình thành từ lâu đời. Dưới thời Trần đặt trấn Đan Nhai để phòng quân Lam Ấp vào đánh phá. Năm Minh Vĩnh Lạc thứ 6 (1409) đặt tuần kiểm ty coi cửa biển này. Thời Lê Sơ, vua Lê Thánh Tông tả trong bài thơ “Đan Nhai hải môn”: “Thanh Long triều nhợn nước liền trời”[4]. Về ngoại thương thời Trần, nước ta đã có quan hệ với các nước Trung Quốc, Chiêm Thành, Chân Lạp, Chà Và …. Ban đầu chỉ được phép buôn bán ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Dần dần, do nhu cầu phát triển kinh tế, hàng hóa mà các thuyền buôn được cập bến Vân Đồn, Xích Đằng (Khoái Lộ), Hội Triều (Thanh Hóa), Càn Hải và Hội Thống (Nghệ An)…[5]. Khảo cổ học năm 2016 đã phát hiện tại khu vực Đồng Sú, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân ở tọa độ 180N44’13” và 1050E46’04” phát hiện được một lớp dày, gồm nhiều loại hình di vật có niên đại từ thế kỷ 13-15 và xung quanh đó: xứ Đầu Cồn, Quang Phòng, Phần Long, Phần Ly, Phần Quy, Phần Phượng… đều có rãi rác gốm sứ, sành thế kỷ 13-18. Nhiều mảnh gốm men ngọc, men nâu, men trắng vẽ lam và có lò sành, gạch ngói đặc trưng thời Trần. Vào thời kỳ này, nơi đây không chỉ là nơi diễn ra quá trình giao thương buôn bán mà có thể đã có kiến trúc sử dụng gạch và ngói mũi lá. Những kiến trúc này có thể là nhà ở của thương nhân, hay dinh thự của chính quyền nhà nước và cũng được thể hiện bằng địa danh Quang Phòng ở khu vực này[6]. Như vậy, thương cảng cổ Hội Thống xuất hiện ít nhất vào thế kỷ 13 (thời Trần).

       Danh xưng Hội Thống có lẽ xuất hiện vào thời Lê Sơ và tồn tại suốt thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Vào thời Lê Sơ, triều đình hạn chế buôn bán với ngoại quốc, một phần xuất phát từ nhu cầu tự vệ và thực hiện chính sách trọng nông việc buôn bán hàng hóa với ngoại quốc chỉ dừng lại ở các cửa biển, không cho vào nội trấn. Lúc bấy giờ, cửa biển Hội Thống cũng là thương cảng nằm trong số đó. Nguyễn Trãi trong “Dư địa chí” được biên soạn vào năm 1435 có ghi: Tất cả người ngoại quốc không được tự tiện vào trong nội trấn, tất cả đều phải ở Vân Đồn, Vạn Ninh (Quảng Ninh), Cần Hải, Hội Thống (Nghệ An), Hội Triều (Thanh Hóa), Thông Lĩnh, Phú Lương (Thái Nguyên), Tam Kỳ (Tuyên Quang), Trúc Hoa. Ở Nghi Xuân có câu “Ló (lúa) Xuân Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống”. Hội Thống đã trở thành thương cảng phát triển khá thịnh đạt vào thế kỷ 16-18. Hội Thống trở thành điểm trung chuyển hàng hóa từ các địa phương khác và từ các tàu buôn khác của Trung Quốc, Nhật Bản vào nội địa dọc bờ sông Lam đến phố cổ Phù Thạch (Hà Tĩnh), Lam Thành (Nghệ An) nơi tập trung nhiều Hoa kiều và người Nhật Bản làm ăn buôn bán và tỏa đi các chợ quê. Như vây, lúc bấy giờ, kinh tế hàng hóa và trao đổi tiền tệ tương đối phát triển và diễn ra khá sôi nổi.

       Hàng hóa giao thương ở thương cảng Hội Thống cũng khá phong phú và đa dạng. Riêng chỉ đồ gốm đã tìm thấy nhiều đồ gốm men ngọc, men nâu, men trắng vẽ lam, gốm Trung Quốc, gốm Việt Nam, gốm Hizen của Nhật Bản. Trong gốm Việt Nam có gốm men thương mại Chu Đậu của huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) thời Lê Sơ là gốm men trắng vẽ lam, trang trí hoa dây, cánh sen, chữ Phúc (福), chân đế cao, lòng đế tô màu nâu. Loại hình gốm dân dụng gồm bát, đĩa, nồi, vò, bình, nắp… Ngoài đồ gốm bình dân còn có đồ gốm cao cấp như đồ ngự dụng vốn là lò quan ở Thăng Long làm, theo sông Hồng qua phố Hiến đi dọc theo bờ Biển Đông rồi đến Hội Thống[7] phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân.

       Ngoài đồ gốm, các mặt hàng như nước mắm Hội Thống loại thượng hạng, nón viên cơ (nón Nghệ), trầm hương, xạ hương, sa nhân, quế Quỳ… của xứ Nghệ cũng các thuyền buôn qua các thương cảng sông Lam xuất đi phố Hiến, Kẻ Chợ. Ngược lại, họ mang về các thứ thuốc Lào, thuốc Bắc, gạo Tám thơm, nếp thơm, giấy bút tàu, thuốc nhuộm Tàu, quạt tàu…[8]

       Cũng như ở các thương cảng cổ phố Hiến có đền Mẫu, Càn Hải có đền Cờn, Phù Thạch có đền Nhà Bà, Hội Thống có đền Cả đều thờ Dương Thái Hậu, Hoàng hậu và hai công chúa nhà Nam Tống, Trung Quốc. Các bà thường hiển linh là vị thần của những người đi biển và được vua Trần Anh Tông phong làm Đại càn Quốc gia Nam hải Tứ Vị Thánh nương. Hiện đền Cả còn lưu giữ 46 đạo sắc thuộc các triều vua Lê, Nguyễn. Đạo sắc sớm nhất niên đại đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), muộn nhất niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924). Như vậy, đền Cả được xây dựng trước năm 1783 phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho người dân địa phương hoặc có thể cho khách Trung Quốc qua thương cảng Hội Thống buôn bán. Gần đền Cả có đình Hội Thống được xây dựng vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659) năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660), đời vua Lê Thần Tông hoàn thành. Đình gồm có đại đình và hậu cung thờ Thái úy Tô Hiến Thành (1102-1179), là quan đại thần phụ chính nhà Lý, trải qua hai triều vua: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông nổi tiếng là cương trực, được phong tước vương. Vào thế kỷ 17, dòng sông Lam chảy qua trước đình. Trước đình là Cồn Bơi, khảo cổ học năm 2016 đã phát hiện nhiều gốm sành ở độ sâu  từ 10 - 50cm, bao gồm bình, vò, nồi, nắp sành Việt Nam thế kỷ 17-18 và gốm Hizen thế kỷ 17. Tại đình hiện phát hiện nhiều gốm, đặc biệt là gốm hoa lam Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản thế kỷ 16-19 ở độ sâu 5-70cm. Điều này chứng tỏ, thời bấy giờ khu vực xung quanh đình Hội Thống là nơi tập trung buôn bán khá sầm uất, quan cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp kẻ mua người bán.

       Trong mối quan hệ giao thương với Nhật Bản, đặc biệt là thời kỳ Châu Ấn thuyền (1603-1635). Các châu ấn thuyền (Shuinsen) được chính quyền Mạc phủ Tokugawa cấp giấy phép, đóng dấu đỏ cho đi buôn bán với các nước Đông Nam Á. Trong thời kỳ này có đến 350 châu ấn thuyền của Nhật Bản ra nước ngoài buôn bán trong đó có đến Việt Nam qua các thương cảng cố như phố Hiến, cửa biển Hội Thống… (ở Đàng Ngoài),  phố cổ Hội An (ở Đàng Trong). Rõ ràng chính sách mở cửa giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản được cũng cố tạo điều kiện cho thương mại phát triển. Theo nguồn thư tịch hiện lưu trữ tại Nhật Bản, vào thời kỳ Châu ấn thuyền, tháng 6 năm 1610, có một còn tàu của Nhật Bản đang trên đường vào buôn bán đã bị đắm chìm tại của biển Đan Nhai (Hội Thống), được quan Phò mã Quảng Phú hầu, Văn Lý hầu Trần Tịnh, bỏ gia sản góp phần cứu trợ cho 105 người trên thuyền, giúp đỡ họ đóng thuyền để trở về Nhật Bản. Khảo cổ học cũng phát hiện tại Hội Thống một số mảnh gốm Hizen của Nhật Bản được sản xuất trong khoảng từ năm 1660-1670 có thể do thương nhân Trung Quốc và Hà Lan mang đến đây để bán cho nhân dân trong vùng.

       Tài liệu tham khảo:

1. Tiến sĩ Đặng Hồng Sơn, ThS Nguyễn Văn Anh (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), TS Yuriko Kikuchi (Viện nghiên cứu Văn hóa Con người thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục Nhật Bản), ThS Trần Phi Công, CN Nguyễn Thị Thương Hiền (Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh), Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thám sát khảo cổ học địa điểm Hội Thống năm 2016.

  1. Thái Kim Đỉnh (2000), Làng cổ Hà Tĩnh, Tập 1, Sở Văn hóa Thông tin và Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh.
  2. UBND tỉnh Hải Hưng - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (1994), Phố Hiến, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Sở Văn hóa, Thông tin - Thể thao Hải Hưng.
  3. Lê Văn Diễn (2001), Nghi Xuân địa chí, UBND huyện Nghi Xuân.
  4. (2001), Phong thổ ký các huyện tỉnh Hà Tĩnh, Sở Văn hóa, Thông tin Hà Tĩnh.
  5. Wikipedia.
  6.  
  7. Chú thích:

 

[1]Đông hồ Lê Văn Diễn (2001), Nghi Xuân địa chí, Quyển I và II, Tr. 66,67.

       [2]Phong thổ ký các huyện tỉnh Hà Tĩnh, Sở Văn hóa, Thông tin Hà Tĩnh năm 2001, Tr.140.

       [3]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí, quyển 26, Tr.254-255.

       [4]Thái Kim Đỉnh (chủ biên), Làng cổ Hà Tĩnh, tập 1, tr.153.

       [5]Phố Hiến, kỷ yếu hội thảo khoa học, Sở Văn hóa, Thông tin - Thể thao tỉnh Hải Hưng - 1994, Tr. 210, 211.

       [6]TS. Đặng Hồng Sơn, ThS Nguyễn Văn Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS.Kikuchi Yriko (Viện Nghiên cứu Văn hóa con người thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục Nhật Bản), ThS Trần Phi Công, CN Nguyễn Thị Thương Hiền (Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh), Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thám sát khảo cổ học địa điểm Hội Thống năm 2016.

       [7]Sđd.

       [8]Sđd.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522561

Hôm nay

293

Hôm qua

2325

Tuần này

21335

Tháng này

220500

Tháng qua

121009

Tất cả

114522561