Người xứ Nghệ

Lâm Quang Mỹ - Một nhà thơ nước Nam

 

Lâm Quang Mỹ(1) (tiếng Việt có nghĩa là Một khu rừng Đẹp và tràn đầy Ánh sáng) đã có chỗ đứng vững chắc trong văn hóa văn học Ba Lan, thường xuyên tham gia các hội thảo, các liên hoan thơ quan trọng, đăng thơ trên các báo, hiện diện trong các nhà văn hóa, các thư viện.

Ông là vị khách đầy vẻ hấp dẫn, bởi vì ông giới thiệu thơ mình với một trái tim đầy nhiệt huyết, với hình thức hát thơ khiến nhiều người ngẩn ngơ. Các buổi biểu diễn của ông luôn thu hút rất đông người xem, người nghe và trở thành ngày hội thật sự của thơ trữ tình, của nét lạ phương Đông xa xôi và của sự kết nối không gian nằm bên ngoài khu vực ảnh hưởng của văn hóa châu Âu.

Tất nhiên trên lục địa châu Âu của chúng ta từ lâu tồn tại truyền thống quan hệ tốt đẹp với các dân tộc châu Á, trước hết là với Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Các nhà du lịch nổi tiếng và các thương gia đã mang về nước từ các quốc gia vừa nêu những trang phục, vật trang trí, vàng bạc, đồ sứ, hàng mây tre tuyệt đẹp, nhưng đặc biệt hơn là họ đã miêu tả tỉ mỉ những vùng đất mình từng qua và đánh thức trí tưởng tượng của mọi người. Mối quan tâm đặc biệt dành cho phương Đông xuất hiện trong thời kỳ chủ nghĩa lãng mạn, mặc dù thời kỳ cách tân cũng đã ghi được những trang đẹp trong lĩnh vực này, để chứng minh, xin lấy các bức tranh và phác thảo dựa theo phong cách Nhật Bản của Gustav Klimt, Wojciech Weiss hay Olga Boznańska làm ví dụ, ngoài ra còn rất nhiều các tác phẩm thơ theo khuôn mẫu tankahaiku, những trích dẫn từ các tác phẩm nhà Phật, Lạt ma hay Khổng tử. Từ thế kỷ XIX, trong thế giới phương Tây bắt đầu có sự quan tâm, ngưỡng mộ khu vực văn hóa Viễn Đông. Thế kỷ XX – thời đại phổ biến sự nhất thể toàn cầu – đã đem đến sự hiện diện ổn định điều mới lạ trong cuộc sống của chúng ta, tạo ra những cảm hứng lớn lao, xuất hiện những sự vay mượn và phóng tác. Đó cũng là thời điểm của cuộc di dân lớn và „những người mắt xếch” không còn gây ngạc nhiên ở châu Âu nữa, ngược lại đại diện của giống người da trắng càng ngày càng thường xuyên ghé thăm những vùng đất phương Đông xa xôi.            
Lâm Quang Mỹ có đóng góp rất lớn trong việc làm sinh động hơn các mối quan hệ Ba Lan – Việt Nam, thông qua hình thức giúp đỡ các tác giả Ba Lan để họ có chuyến đi đến Tổ quốc của ông, nhưng trước hết là thông qua việc đưa văn học Ba Lan gần lại Việt Nam. Trong năm 2010, cùng với Paweł Kubiak, ông đã cho xuất bản Tuyển tập thơ Việt Nam rất có giá trị, trong đó có các bài thơ từ thế kỷ XI đến thời hiện đại, được dịch ra tiếng Ba Lan. Đây thật sự là một kho báu được lồng trong cái khung bắt đầu bằng Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) và kết thúc bằng Tú Xương (1870 – 1907). Nhà thơ thứ nhất là tác giả bài thơ được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Nhà nước Việt Nam có chủ quyền: Sông núi Nước Nam, vua Nam ở/Rõ ràng đã định ở Sách Trời/Giặc dữ hễ còn sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời! Ở đây chúng ta có thể thấy nét đặc trưng của thơ Việt Nam là giản dị và có chiều sâu triết lý về sứ mệnh, cũng có sự hiện diện của nỗi nhớ nhung, nỗi buồn cao thượng và sự suy ngẫm trong hoàn cảnh bị xâm lược thường xuyên. Các tác giả tuyển tập đã viết trong lời nói đầu rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ đặc biệt dùng để chuyển tải những nội dung mang tính cảm xúc và trữ tình do nó là ngôn ngữ đơn âm nhưng đa thanh điệu (6 thanh so với 5 thanh của tiếng Trung Quốc). Nhưng vì thơ nước Nam – trong những thế kỷ đầu tồn tại – được sáng tác theo những khuôn mẫu Trung Quốc trình độ cao khó lòng vươn tới trên toàn phương Đông, được đặc trưng bởi sự nghiêm ngặt đáng khâm phục. Qua nhiều thế kỷ, đó là những thể loại thơ tứ tuyệt hay bát cú, với những dòng thơ chia thành cung bậc, được làm giàu có thêm nhờ gieo vần nội tại. Hình thức thơ đòi hỏi sự công phu này tự bản thân nó đã là một bài ca rất du dương. Đọc những bài thơ in trong tuyển tập thơ rất giá trị này, chúng ta như được chắp cánh để bay đến một hiện thực địa lý và văn hóa khác, nhưng trước hết nó cho chúng ta trí tưởng tượng về những nỗi nhớ và khát vọng, về niềm tin và tình yêu của những người sống giữa hiện tượng thiên nhiên, những người tôn trọng tự do và biết chiến đấu giành tự do. Có thể đọc lần lượt các tác phẩm với niềm tin vững chắc rằng chúng ta đang tiếp xúc với nghệ thuật ngôn từ đích thực, điều đó không thể tìm thấytrong những văn bản mang tính thử nghiệm, rằng chúng ta đã cảm nhận được sự tinh tế, sự lay động hay một gam màu đặc biệt. Bởi vì tất cả những cái đó tự thân chúng tồn tại trong tâm hồn sâu lắng của người Việt, bởi vì tất cả những cái đó là câu chuyện về những con người nhậy cảm và thế giới của họ, đó là sự tiếp cận với triết lý tồn tại Việt Nam đầy bí ẩn.
Trong tập thơ được giới thiệu ở đây (tập „Tháng ngày...” của LQM mới xuất bản bằng song ngữ Ba Lan – Anh – Lời người dịch), chúng ta bắt gặp bài thơ trữ tình của nhà thơ đang sống cùng thời đại chúng ta, nhà thơ hiểu biết tuyệt vời về truyền thống thơ ca phương Đông xa xôi, nhưng lại sống hàng chục năm giữa châu Âu và tận dụng thành công những thành tựu của thơ tự do hiện đại. Nhưng còn đó một nét buồn không thay đổi, một nét ưu tư thường trực khi nhìn về những chân trời không sao thấy hết. Sự quan sát thế giới ở đây rất tinh tế và nó giúp phân biệt những chi tiết mà những người thiếu nhậy cảm sẽ không nhìn ra. Chính từ những chi tiết ấy nhà thơ xây dựng nên thế giới của riêng mình, tạo ra những kết cấu sẽ tồn tại qua nhiều năm và mang đến cho thời đại mới câu chuyện về những gì chứa đựng bên trong của thế giới đó. Nhìn vào thực tế, nhà thơ vẫn luôn ngạc nhiên, say đắm tự nhiên và những con người anh ta gặp, nhưng sẽ không bao giờ anh dừng lại trên con đường đến với cốt lõi vạn vật. Tất cả đối với anh là điều bí mật lớn lao, chỉ có một đầu óc khao khát tìm hiểu, phát hiện mới có thể phân biệt từ mớ hỗn độn thông tin cái gì là bí mật và sắp xếp nó vào giữa trung tâm sự trải nghiệm của con người. Đó là sự pha trộn đầy tính sáng tạo những biến thái thiên nhiên khách quan và sự quan sát về phương diện vật lý học của các hiện tượng, với sự nhậy cảm thường xuyên đầy tính trữ tình. Đó là việc liên tục đưa ra các câu hỏi mang tính tu từ, những câu hỏi đồng thời là sự đào sâu về mặt triết lý và sự cố gắng đi tìm ý nghĩa của cuộc sống sinh động. Nhà thơ luôn cảm thấy mình được giao phó sứ mệnh quan trọng phải hoàn thành – phải diễn tả được trong những bài thơ của mình câu chuyện về lịch sử thế giới với nhận thức nhậy cảm những biến cố, phải gìn giữ trong từ ngữ nguồn năng lượng từ đầu đến cuối, gìn giữ những gốc dừa và những chùm hoa phượng, cảnh bình minh trên biển Ban tích và hoàng hôn trên Biển Đông. Trong sức mạnh này, sức mạnh trường cửu và nền tảng, quan trọng nhất lại chính là tình yêu, nó luôn luôn chiến thắng và vẫn tỏa sáng ngay cả khi cận kề cái chết. Thế giới đang tắt dần trong con mắt hàng triệu sinh linh, nhưng đồng thời nó lại sáng bừng trong hàng tỷ những đôi mắt khác – nó soi sáng trí tuệ của những người bắt đầu vươn tới và bắt đầu đi tìm chỗ đứng của mình trên trái đất. Không ai có được sự bất tử về mặt thể xác, nhưng khả năng cứu rỗi ý thức của thơ ca, sự khắc sâu trong thơ cái mã số mang tính bản thể học của chính mình, gìn giữ nó cho những người sẽ sinh ra sau này và sẽ đọc các tác phẩm thơ ấy, lại hoàn toàn là hiện thực. Đây là những vần thơ đẹp, đầy nhiệt huyết, là nghệ thuật ngôn từ to lớn và là s u y n g h ĩ sâu sắc, đầy tính cứu rỗi, đó chính là những tiêu chí xác định điều mà bạn đọc sẽ được cảm nhận khi cầm trên tay tác phẩm. Tình yêu được ghi đậm bởi những cử chỉ và những đức tin, những tình cảm được phản ánh trên cơ sở suy ngẫm tinh tế, sẽ không bao giờ qua đi, một niềm hy vọng chắc chắn rằng đến lúc nào đó, nhất định những ngày sáng tươi sẽ đến, và niềm tin vào con người,  đối lập với cái ác và sự vô cảm. Niềm tin, hy vọng, tình yêu ...
                                                         Nguyễn Chí Thuật dịch          
 
(*): Nhà Thơ, giáo sư tiến sĩ và nhà phê bình văn học, Tổng biên tập tạp chí triết học và văn nghệ Temat”, Giám đốc nhà xuất bản văn học Temat”.
(1): Tên thật là Nguyễn Đình Dũng, tiến sỹ vật lý, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà văn Ba lan, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An.
                          
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521378

Hôm nay

2152

Hôm qua

2303

Tuần này

2152

Tháng này

219317

Tháng qua

121009

Tất cả

114521378