Xứ Nghệ ngày nay

Bấp bênh làng chài ven sông

Một góc làng Đáy

Nằm cách trung tâm thành phố Vinh chừng vài cây số, có một ngôi làng bình dị nép mình bên dòng sông Lam, đây là ngôi làng duy nhất của thành phố hiện vẫn đang ở khu vực ngoài bờ đê sông Lam, đó là xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa mà người dân nơi vẫn quen gọi là làng Đáy, bởi lẽ nghề nghiệp duy nhất từ bao đời nay của họ là mưu sinh bằng nghề chài lưới.

Trong câu chuyện bên bờ sông lộng gió, cụ Trần Thị Lan năm nay đã 97 tuổi nhưng rất minh mẫn, nhanh nhẹn kể về mảnh đất quê neo bên dòng Lam giang. Cụ bảo, như dòng sông mẹ muôn đời thủy chung, dung dưỡng bao phận người thì làng Đáy vẫn gắn bó nặng sâu với dòng sông ấy, dẫu qua nhiều biến thiên của cuộc sinh tồn.

Theo lời kể, cụ vốn là dân bên làng Khánh Hậu, theo chồng về làm dâu ở đây từ những năm 50. Không biết ngôi làng có từ bao giờ, chỉ biết gốc tích dân làng Đáy vốn là dân vạn chài bao đời lênh đênh sông nước nhưng rồi họ cũng tụ cư được lên bờ. Làng Đáy cũ trước không ở vị trí này mà cách ngược sông Lam chừng một cây số, mới đầu chỉ có 7 hộ sinh sống và dần dà hình thành ngôi làng chài ven sông nhưng rồi sau một trận lụt to, cả làng bị cuốn trôi nên họ đành dạt xuống bãi đất trống (gọi là bãi Te) và định cư tại đây tạo nên làng Đáy từ đó đến nay.

Cụ nói làng Đáy là một trong những làng có dân số ít ỏi nhất của xã Hưng Hòa. Với địa giới hành chính chỉ kéo dài gần 400m dọc tả ngạn sông Lam, bề rộng tính từ chân đê ra tới bờ sông thì có nơi chưa tới 100m, cả làng chỉ vỏn vẹn 76 hộ với 242 nhân khẩu. Bởi vậy, cả làng ai cũng đều biết nhau và có thể kể vanh vách từng tên người đang sống cũng như đã mất.

Nếu như một người vùng khác đặt chân tới làng Đáy sẽ cảm nhận rõ ở đây hoàn toàn khác lạ với nhịp sống ồn ã của thành phố, đó là cuộc sống của những người chỉ mưu sinh trên sông nước. Ông Đậu Xuân Thương - xóm trưởng cho biết: “Nghề trên sông nước ở đây có bốn loại nghề là te, chài, vợt và lưới, nhưng chủ yếu vẫn là nghề chài lưới thường gọi là đặt đáy (đóng hai cọc xuống đáy sông để chăng lưới). Hằng năm chỉ làm đáy có 8 tháng, còn lại phải nghỉ khi vào mùa mưa lũ. Dân làng Đáy ai cũng rành về phán đoán các con nước (nước lên, nước xuống, nước ương) để đánh bắt các loại tôm cá theo mùa cho phù hợp”.

Ở làng Đáy có sự phân công công việc trong gia đình rất rõ rệt, đàn ông thì lo chuyện chài lưới, còn phụ nữ thì lo cơm nước và hằng ngày đi chợ bán cá. Được nhiều hay ít, to hay nhỏ đều đưa lên chợ Trụ bán. Bán xong thì mua gạo, mắm muối, thuốc lào… và có một thứ không thể thiếu đó là rượu. Hiện ở làng Đáy vẫn còn nhiều hộ duy trì nếp sống cũ là một ngày chỉ ăn hai bữa cơm (9h sáng và 3h chiều), do trước đây nghề chài lưới chỉ chủ yếu làm vào ban đêm, còn ban ngày thì họ nghỉ ngơi. Có một điều dễ nhận ra khi tới làng Đáy là nồi niêu, xong chảo nhà nào cũng sáng bóng như mới, tìm hiểu mới biết cứ ăn xong là họ đưa hết tất tần tật ra sông dùng cát để rửa (thay cho dầu rửa bát).

Những ai từng sống khu vực ngoài đê mới thấu hiểu nỗi sợ lớn nhất đó là mưa lũ. Lũ ở sông Lam dữ dội vô cùng. Làng Đáy không có một cái nhà hai tầng nào là vì thế, thay vào đó nhà nào cũng có từ một đến hai cái thuyền. Thuyền là để mưu sinh và thuyền cũng là ngôi nhà nổi khi nước lũ về. Nếu lũ to thì phải di chuyển tài sản và con cái lánh nạn lên trên đê nhưng có một tài sản khá lớn phải khẩn trương thu dọn đó là đáy (một cái đáy giá trị từ 7 - 12 triệu đồng) nếu không sẽ bị lũ cuốn trôi như chơi. Nhiều hộ đã mất đáy vì lũ về quá nhanh không kịp trở tay.

Cảnh sinh hoạt của người dân làng Đáy

“Sinh ư nghệ, tử ư nghệ” (sinh nghề, tử nghiệp) là câu chuyện dân làng Đáy vẫn hàng ngày phải đối diện, âu cũng vì sự mưu sinh trên sông nước. Nguy hiểm, rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào với họ. Ông Thương kể, ở làng này và ở các xóm lân cận khác không ít trường hợp đã tử vong khi đánh bắt trên sông, người thì bị mắc lưới, dây cuốn thậm chí có người chết do kích điện…, ở làng này gần như năm nào cũng vớt được xác người chết trôi. Làng Đáy có một điều kiêng kị khi phát hiện người chết đuối thì họ không vớt ngay mà đợi xác trôi hẳn qua làng thì mới vớt và thông báo cho chính quyền địa phương.

Rồi ông Thương thở dài, trước đây sông nhiều tôm cá lắm, bởi dòng sông Lam qua đoạn này pha trộn nhiều con nước ngọt, nước mặn và nước lợ nên rất đa dạng về sinh thái. Có nhiều loại cá rất ngon như cá đuối, cá hanh, cá ngần, lệch cơm, tôm càng xanh… Thế nhưng, mấy năm gần đây lượng tôm cá ít hẳn, nhiều hôm dỡ đáy chẳng được gì chỉ thấy toàn rác bao ni lông, có lẽ do nguồn nước bị ô nhiễm vì nước thải cộng thêm người dân sử dụng kích điện bằng máy nổ nên đã tận diệt hết các loại thủy sinh, chưa hết hiện nay họ còn sử dụng loại đó rồng (đó bát quái của Trung Quốc) nên các loại tôm cá to nhỏ bị bắt sạch…Không biết sông Lam có còn nuôi nổi dân làng Đáy được nữa không?

Có lẽ chính vì cuộc sống quá nhiều vất vả, bấp bênh, một số người dân làng Đáy phải tìm thêm cho mình công việc khác như đi phụ hồ, làm cốt pha, sắt thép, thậm chí có người vào tận miền Nam làm công nhân hoặc đi xuất khẩu lao động.

Câu chuyện mưu sinh bấp bênh của người dân làng Đáy ngoài đê vẫn chưa hết. Nỗi lo sạt lở bờ sông hàng năm khiến làng Đáy cứ mất dần đất. Trước đây, đất bờ sông cách bờ kè của làng khoảng 30 - 40m. Hiện tại, do sông Lam đoạn qua làng nước chảy xiết, lưu lượng tàu bè qua lại lớn kết hợp với mưa bão nhiều đã khiến nhiều diện tích đất của bà con trong xóm không còn. Năm 2007, chính quyền hỗ trợ  xi măng, đá, dân góp thêm tiền mua cát, góp ngày công đã xây được hơn 250m kè chạy dọc mép sông của làng nhưng do không có bản vẽ thiết kế, nguồn vốn ít ỏi, kè chỉ xây được tạm bợ nên mấy đợt lũ năm trước đã cuốn trôi mất 1/3 chiều dài bờ kè.

Năm 2013, UBND tỉnh đã có chủ trương di dời toàn bộ làng vào trong đê, tuy nhiên từ đó tới nay vẫn chưa thể thực hiện vì thiếu vốn và vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Hiện nay, hàng chục hộ dân làng Đáy vẫn đang sống trong cảnh thấp thỏm lo âu khi mùa mưa lũ đang về. Ông Trần Cao Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết: “Chúng tôi rất nóng ruột về tình hình sạt lở đất dọc bờ sông Lam đoạn qua làng Đáy (xóm Hòa Lam). Chính quyền địa phương đã có ý kiến đề xuất cấp trên và cố gắng hoàn thành mặt bằng khu tái định cư cho làng Đáy trong năm nay”.

Chia tay làng Đáy, ông Thương khẳng định dù sau này có được di chuyển vào ở trong đê thì dân làng Đáy vẫn phải bám trụ với nghề chài lưới bởi họ chẳng biết làm gì ngoài nghề này, dẫu biết, tương lai phía trước vẫn mịt mù, bấp bênh.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434786

Hôm nay

257

Hôm qua

2349

Tuần này

21436

Tháng này

211834

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434786