Xứ Nghệ ngày nay
Đền Hữu trong đời sống tâm linh của người dân địa phương
Đền Hữu
Đền Hữu thờ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, một di tích lịch sử văn hóa quốc gia với nhiều giá trị. Đền tọa lạc tại làng Xuân Bảng, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương và có vai trò rất quan trọng đối với đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương.
Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) là một nhân vật lịch sử có nhiều công lao to lớn trong việc giữ gìn bờ cõi và bảo vệ cuộc sống người dân vùng Nghệ An. Sau khi ông mất, nhân dân nhiều nơi đã lập đền, thờ cúng ông như là một sự ghi nhận những công lao to lớn của ông. Đền Hữu là một trong số các đền thờ nổi tiếng về vị danh tướng này. Đối với người dân thuộc các xã như Thanh Yên, Thanh Lương, Thanh Khai (thuộc huyện Thanh Chương) và vùng xung quanh thì đền Hữu giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh. Nó thể hiện trên cả hai phương diện văn hóa cộng đồng và văn hóa gia đình.
Trên phương diện sinh hoạt văn hóa tâm linh của cả cộng đồng, đền Hữu có hai ngày lễ lớn. Lễ chính của đền là ngày giỗ Tấn Quốc công vào 15/9 (âm lịch) hàng năm. Theo sử sách, ông hi sinh vào ngày 16/9/1576 trong một trận đánh khi ông cầm quân đi chinh phạt quân Mạc ở Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay). Trong quan niệm dân gian, lễ giỗ được làm vào ngày trước ngày người đó qua đời. Vậy nên, ngày 15/9 trở thành một ngày lễ trang trọng của người dân địa phương. Ngoài việc tổ chức tế lễ Tấn Quốc công của chính quyền xã Thanh Yên thì người dân các vùng lân cận cũng đưa lễ về đền cúng tế. Ngày giỗ Tấn Quốc công trở thành ngày hội của làng để mọi người ghi nhớ công lao của ông, cũng như nâng cao tinh thần yêu nước của người dân. Lễ lớn thứ hai tại đền là lễ cầu an cho nhân dân địa phương vào ngày 16/2 (âm lịch). Đây là ngày lễ mà chính quyền địa phương đứng ra tổ chức với mục đích cầu mong Đức Thánh Tấn Quốc công phù hộ cho người dân trong địa phương có một năm bình an, hạnh phúc và may mắn. Nhiều người dân cũng mang lễ đến tham gia lễ cúng và đi rước kiệu. Dù tổ chức với quy mô nhỏ để tiết kiệm nhưng ý nghĩa tâm linh và giá trị văn hóa mà các hoạt động này mang lại cũng được người dân ghi nhận và hưởng ứng.
Trên phương diện văn hóa gia đình, thì đền Hữu như là một địa điểm quan trọng. Nhiều hoạt động quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của các gia đình có gắn với đền. Hầu hết người dân các địa phương xung quanh đền đều đến thắp hương lễ Thánh vào ngày mồng 1 và ngày rằm hàng tháng. Cũng có nhiều hộ gia đình đi lễ đền vào chiều ngày 14 và chiều ngày 30 để khỏi chen chúc đông người. Lễ thường là một chai rượu, trầu cau và vàng mã. Ở đền luôn có ba bốn người thầy cúng là dân trong vùng chờ sẵn để làm lễ giúp cho người dân khi họ có nhu cầu. Đến đền, họ gặp thầy để đăng ký làm lễ, ghi họ tên gia chủ cùng các thành viên trong gia đình, địa chỉ để khi cúng lễ thầy xướng lên cho đúng. Thầy cúng sẽ hướng dẫn cho họ cách đặt lễ cho đúng vị trí và đốt hương để hành lễ. Khi thầy cúng thì gia chủ phải quỳ bên cạnh để vái lạy. Tùy theo sự việc và yêu cầu của gia chủ nhưng thường thì từ 5-10 phút thầy sẽ làm lễ xong cho một người. Những dịp đặc biệt như tết Nguyên đán, rằm tháng bảy hay những ngày đầu năm, người dân đến làm lễ rất đông nên các thầy nhiều khi túc trực và hành lễ ở đền cả ngày lẫn đêm, dịp Tết có khi hai ba ngày liền. Ngoài ngày rằm, mồng một hàng tháng thì các gia đình khi có việc gì quan trọng liên quan đến tâm linh cũng làm lễ xin Đức Thánh ở đền trước rồi mới về làm lễ ở nhà. Từ lễ cầu an giải hạn cho gia đình, lễ đầy tháng một đứa trẻ, lễ cưới hỏi,… hay những sự việc quan trọng, nhiều người dân thường mang lễ qua thắp hương báo cáo và xin Đức Thánh phù hộ cho được may mắn.
Là một ngôi đền có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương như vậy, nên nhiều năm qua, cùng với sự biến đổi của đời sống văn hóa xã hội, các hoạt động văn hóa liên quan đến đền cũng có những thay đổi nhất định qua các giai đoạn. Từ giữa thế kỷ XX trở về trước, gần như phụ nữ không được vào đền. Thực hành các nghi lễ trong nhà đền đều do đàn ông chủ trì và thực hiện. Từ những năm 1950 đến 1980, do nhiều vấn đề nên các hoạt động văn hóa tâm linh ở đền khá hạn chế. Khi có việc quan trọng thì người dân có vào đền làm lễ cầu mong Đức Thánh phù hộ, nhưng không quá phổ biến. Khoảng hai thập kỷ gần đây, đời sống văn hóa tâm linh trở thành nhu cầu thiết yếu nên người dân đến đền làm lễ ngày càng đông hơn. Đền được tu bổ lại, và từ năm 2009 được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia nên càng được người dân quan tâm hơn. Cùng với sự biến đổi về mặt xã hội, đối tượng đến lễ ở đền cũng thay đổi, càng ngày, phụ nữ đến làm lễ càng nhiều hơn. Các hoạt động văn hóa tâm linh trong nhà đền ngày càng gần gũi và gắn liền với cuộc sống người dân địa phương hơn.
Hiện nay, đang có dự án xây dựng một ngôi chùa nằm trong khuôn viên của đền Hữu và cách điện chính không xa. Chưa biết khi nhà chùa đi vào hoạt động sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương do đền và chùa là hai thực thể của hai tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Chính vì vậy mà việc này cũng đang được nhiều người dân quan tâm và lo lắng. Có lẽ cần phải xem xét lại vấn đề này một cách kỹ lưỡng hơn trên nhiều phương diện, nhằm vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân, vừa bảo vệ một Di tích Lịch sử Văn hóa Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia vốn gắn liền với cuộc sống người dân hàng trăm năm qua./.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511656
2319
2336
22030
218529
121356
114511656