Xứ Nghệ ngày nay

Người nghệ sĩ với những vai chính khách

 

Tôi may mắn được xem nghệ sĩ Minh thông biểu diễn một số vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Tôi đặc biệt ấn tượng với vai diễn những nhà cách mạng tiền bối như Phan Đăng Lưu, Lê Hồng Phong bởi phong thái đĩnh đạc của người nghệ sĩ trẻ tuổi này. Cách đây mấy năm, xem Thông diễn, tôi không nghĩ Thông mới ngoài 30. Minh Thông tự hào về vai diễn các chính khách, danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cương Quốc công Nguyễn Xí, Nguyễn Du, Bác Hồ, Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu… Có lẽ đó là điểm mạnh của Minh Thông mà không phải nam diễn viên nào cũng có được nhờ sở hữu một giọng ca ấm, gương mặt sáng, dáng vóc thanh tao… Năm 2023, Minh Thông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú lĩnh vực sân khấu.

Minh Thông tên thật là Hồ Văn Thông, sinh năm 1982, ở xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu. Cũng như bao đứa trẻ khác, niềm đam mê ca hát của Minh Thông được nuôi dưỡng từ nhỏ, được gợi cảm hứng từ những đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên về biểu diễn tại xã. Hồi bé, Minh Thông cũng đám bạn nhỏ rất háo hức mỗi khi có các đoàn văn công: cải lương, chèo, tuồng, dân ca Nghệ Tĩnh về quê biểu diễn. Vì không có vé đi xem, Minh Thông thường phải đứng ngoài bờ rào nghe hát qua loa phóng thanh rồi hát theo các nghệ sĩ. Để thỏa mãn đam mê, có hôm cậu bé đã phải đem khoai, lạc luộc ra bãi biểu diễn đổi lấy một suất xem hát.

Minh Thông (thứ 3, từ phải sang) vai Phan Đăng Lưu trong vở “Hừng Đông”

Minh Thông sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng bố, mẹ, anh, chị ai cũng hát hay. Minh Thông thường hát theo những câu hát mà mình học lỏm được, được bà con hàng xóm tán dương, khuyến khích, cậu bé ấp ủ mơ ước trở thành nghệ sĩ sân khấu. Tuy nhiên, ước mơ được làm nghệ sĩ sân khấu chỉ xếp thứ ba trong số những mơ ước của cậu bé này. Như bao đứa trẻ khác, Thông mơ ước được làm công an, bộ đội hay thầy giáo. Thế nhưng, số phận đưa đẩy, sau một thời gian tìm hiểu về nghiệp diễn, năm 2002, Minh Thông trúng tuyển vào Khoa Dân ca - Thanh nhạc Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Trong thời gian này, Minh Thông được học với các nghệ sĩ bậc thầy của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ sau này như Tiến Dũng, Hồng Lựu, Lệ Thanh… Sau 3 năm miệt mài học tập, năm 2005, Minh Thông về công tác tại Đoàn Dân ca Nghệ An.

Nhớ lại những năm tháng mới về đoàn, bao khó khăn vất vả bủa vây người nghệ sĩ trẻ. Thời gian này, Minh Thông là một diễn viên hợp đồng, chỉ được đóng một số vai nhỏ. Với lương tháng 250 ngàn đồng, cuộc sống của Minh Thông vô cùng chật vật với chi phí ăn uống, tiền nhà trọ, áo quần… Tại thời điểm ấy, nếu thuê một phòng trọ cũng đã hết cả tháng lương. Minh Thông phải xin chú bảo vệ cơ quan cho ở cùng, cơm nước thì nhiều khi ăn qua loa cho có bữa, thậm chí nhiều bữa nhịn đói. Đã thế Minh Thông hai lần làm mất xe máy, trong đó có 1 chiếc mượn của đồng nghiệp phải đền 14 triệu đồng, một số tiền rất lớn đối với Minh Thông lúc bấy giờ. Khó khăn chồng chất khó khăn, đã có lúc chàng trai quê phần vì nhớ nhà, phần vì buồn chán mà muốn bỏ nghiệp diễn về quê “trồng rau, nuôi hươu” - những nghề chính của quê Minh Thông thời đó. Nhưng rồi cứ thế, Minh Thông gắng gượng suốt 10 năm mới được vào biên chế chính thức. Được diễn nhiều, được tiếp xúc với những nghệ sĩ lớn gần xa, nhờ nỗ lực tự học hỏi, Minh Thông không ngừng trưởng thành. Từ chỗ thi thoảng mới được giao vai diễn, Minh Thông đã dần khẳng định đươc vị trí của mình, được lãnh đạo đoàn giao diễn nhiều vai chính, thậm chí là những vai khó và rất khó. Đó vừa là thử thách, vừa là động lực để người nghệ sĩ trẻ háo hức với đam mê.

NSƯT Minh Thông với vai Phan Bội Châu trong vở “Những vần thơ dậy sóng”

Còn nhớ, khi đóng vai Phan Bội Châu trong vở “Những vần thơ dậy sóng” của Đạo diễn - NSND Lê Hùng tại Nhà Văn hóa Lao Động nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, Minh Thông phải đi một đôi guốc gỗ chật đến mức ứa máu chân. Thế mà người nghệ sĩ ấy vẫn không hề biết đau, anh vẫn say sưa với vai diễn cho đến hết buổi. Hôm ấy khán giả xem vở diễn còn có phái đoàn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản và nhiều lãnh đạo tỉnh. Tất cả khán giả có mặt trong khán phòng đều rất xúc động trước diễn xuất của Minh Thông.

Minh Thông vinh dự là một trong số ít những diễn viên được thể hiện và thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ. Để có thể vào vai diễn này không chỉ cần tài năng, khát vọng, bởi những yếu tố này Minh Thông sẵn có, mà cần thêm cả sự may mắn nữa. Nói đến vai Bác Hồ ở sân khấu kịch Nghệ An người ta đã mặc định với NSƯT Hồng Dương, NSND An Phúc, đây là những nghệ sĩ gắn bó và thành danh với vai Bác Hồ qua nhiều vở diễn, gặt hái được không ít thành công.

Mến mộ NSƯT Hồng Dương và khát khao thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, Minh Thông đã đóng cửa tự luyện giọng sao cho giống Bác, tập phong thái của Bác… Minh Thông tự tin mình đã có khả năng thể hiện thành công hình tượng Bác. Thế nhưng chừng ấy vẫn là chưa đủ nếu không có cơ duyên. Cơ duyên đã một lần trao vai diễn về Bác cho Minh Thông và anh đã nắm bắt lấy một cách thật trọn vẹn.

Năm 2012, trong hội diễn về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại Can Lộc - Hà Tĩnh, Bộ Văn hóa Thông tin đột ngột dời lịch diễn, lúc ấy nghệ sĩ Hồng Dương đã được giao vai chính trong vở “Đường đua trong bóng tối” không thể về kịp để biểu diễn. 1giờ sáng, NSND Nguyễn An Ninh, lúc ấy là Trưởng đoàn, gọi điện yêu cầu Minh Thông học kịch bản và lời thoại vai Bác Hồ trong vở “Lời Người lời của nước non” để kịp diễn vào hôm sau. NSƯT Hồng Dương cũng gọi về động viên và chia sẻ kinh nghiệm. Minh Thông đã học thuộc kịch bản trong vòng 30 - 40 phút, sáng hôm sau tập vài lượt với đoàn và buổi chiều cùng ngày thì diễn chính thức. Minh Thông lấy đạo cụ, râu tóc, áo quần mà NSƯT Hồng Dương vẫn thường sử dụng mỗi khi đóng vai Bác tự hóa trang rồi diễn. Minh Thông cũng không ngờ vai diễn mà anh lần đầu được thể hiện ấy lại thành công ngoài mong đợi. Cuối buổi, NSND Hồng Lựu, lúc ấy là Giám đốc Nhà hát Dân ca, người đóng vai chị Thanh, ôm chầm lấy Minh Thông rồi nói: “Dì cũng không ngờ là con có thể biểu diễn đạt đến vậy trong một thời gian chuẩn bị rất ngắn”. Sau này, Minh Thông đã được lãnh đạo đoàn tin tưởng giao đóng vai Bác trong vở “Người là niềm tin tất thắng”. Sau này, hãng phim Ngọc Quang đã mời Minh Thông lồng tiếng vai Bác Hồ trong bộ phim “Bác Hồ ở Xiêm” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.

Nói về sự “may mắn” này không thể không nói đến một phẩm chất đặc biệt của Minh Thông đó là khả năng nhớ kịch bản rất nhanh. Đây chính là chìa khóa, là điều kiện đủ để Minh Thông nắm bắt được cơ hội.

Vai diễn được xem là thành công nhất của Minh Thông, cũng là một trong những vai diễn mà anh tâm đắc nhất là vai Cương Quốc công Nguyễn Xí trong vở diễn cùng tên do đạo diễn - NSND Lê Hùng dàn dựng. Đạo diễn Lê Hùng nhận xét Minh Thông là nghệ sĩ thể hiện thành công nhất vai Cương Quốc công Nguyễn Xí, đây cũng là vai diễn khó nhất của vở diễn.

Hiện đang công tác ở Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Minh Thông đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào đối với một nghệ sĩ: Huy chương Vàng với vai Quan cận thần trong vở "Quyền uy và tội ác" tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc năm 2018; Huy chương Vàng với vai Cương quốc công Nguyễn Xí trong vở “Cương quốc công Nguyễn Xí” tại Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2019...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao danh hiệu NSƯT cho nghệ sĩ Minh Thông

Bằng niềm đam mê, bằng nỗ lực vượt bậc, NSƯT Minh Thông đã dần khẳng định tên tuổi của mình trên sân khấu kịch hát Nghệ An và cả nước. Con đường đến với thành công không có con đường nào được trải hoa hồng, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật; con đường đến với thành công của NSUT Minh Thông cũng không ít chông gai, thử thách. Có điều anh đã không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu và biết nắm bắt cơ hội, tận dụng cơ hội để tỏa sáng./. 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511552

Hôm nay

2215

Hôm qua

2336

Tuần này

21926

Tháng này

218425

Tháng qua

121356

Tất cả

114511552