Góc nhìn văn hóa

Vài cảm xúc khi tới thắp hương cho chí sĩ Đông du Trần Đông Phong

Vợ chồng người bạn nhân chuyến công tác ở Tokyo ngỏ lời mời tôi cùng đi viếng mộ hai cụ Gaspardone và Trần Đông Phong. Tôi bảo: "Tôi đi thăm mộ cụ Trần rồi nên chỉ đi thăm mộ cụ Gaspardone thôi". Anh bạn tôi bảo:  "Vậy chị đi cùng chúng tôi đến viếng mộ cụ Gaspardone trước, sau đó chúng tôi sẽ tới mộ cụ Trần". Anh chị ấy hẹn tôi ở ga Machida vào lúc 10 giờ sáng ngày 23 tháng 7. Tôi theo lịch hẹn nhưng lại tới ga Tamachi vì cho rằng anh ấy  đã nhầm chữ Hán của ga này. Tôi chờ ở Tamachi tới 11 giờ không thấy vợ chồng anh ấy tới, lại không có cách nào liên lạc vì anh chị ấy không có điện thoại ở Nhật nên đành trở về. Tới nhà, xem lại thư của anh chị ấy mới biết tôi đã nhầm tên ga. Lúc đó thầm nghĩ, hay hôm qua mình bảo mình không đến viếng mộ cụ nên cụ làm cho "nhầm lẫn"? Tôi liền nhắn tin để anh chị khỏi lo lắng, mấy hôm sau gặp lại nghe anh kể rằng đúng lúc đang ở bên mộ cụ thì nhận được tin nhắn của tôi, mở ra đọc vài dòng liền vội đóng máy lại vì nghĩ cụ thiêng quá. Tôi hơi ân hận vì hôm đó mình đã không cùng anh chị đi thăm viếng mộ cụ. Tôi nghĩ ngay đến chuyến công tác sắp tới của hai người bạn vào đầu tháng 10 tại Tokyo nên đã đặt kế hoạch cùng hai người tới đó viếng mộ cụ. Tôi liền liên hệ với GS.Takeuchi Fusaji (Đại học Hoàng gia Gakushuin) là người bạn lâu năm của vợ chồng chúng tôi nên hôm nay mặc dù rất bận nhưng GS.Takeuchi đã nhiệt tình đưa chúng tôi đến thăm Trường, sau bữa trưa, chúng tôi đi tắc xi tới nghĩa trang Zoshigayareien. Thực ra, tôi được GS.Takeuchi đưa đến thăm mộ cụ từ năm 1993, năm đầu tiên tôi đặt chân tới Tokyo, từ đó tới nay cũng đã 35 năm nên lần này đến nghĩa trang GS.Takeuchi đã dùng định vị vệ tinh để tìm đến mộ nhưng loay hoay đến 15 phút cũng không sao tìm thấy. Còn tôi, cũng lâu quá rồi không tới thăm nên chỉ còn mang máng nhớ bia mộ nằm ở đâu đó. Trong lúc GS.Takeuchi vẫn mải miết tìm kiếm với chiếc điện thoại trên tay, tôi, hai anh Hải và Cường tỏa đi xung quanh để tìm,  15 phút sau, vẫn không sao tìm ra mộ cụ. Tôi nhìn đồng hồ đã gần 2 giờ chiều, sắp đến lúc GS.Takeuchi phải trở lại trường vì buổi chiều có giờ dạy, tôi nóng ruột vừa tìm vừa thầm khấn cụ khôn thiêng cho tìm thấy vì đã tới đây rồi, không thể không thắp nén nhang dâng lên người được. Chúng tôi vòng đi vòng lại mấy lần, khi anh Hải đang đi cùng tôi vượt lên trước tới chỗ GS. Takeuchi chỉ còn mình tôi đi sau nhìn kỹ từng tấm bia một, chợt thảng thốt, "cụ đây rồi", tôi gọi mọi người mà giọng lạc hẳn đi. Mọi người liền chạy bổ về phía tôi đang đứng trước bia mộ cụ, ai nấy bùi ngùi xúc động. Bọn tôi bỏ hương, hoa đã chuẩn bị sẵn, mấy anh em cắm hoa, thắp hương, khấn cụ rồi chụp mấy bức ảnh bên mộ người. Nhìn xung quanh có mấy người Nhật đang thay nước, thay hoa, nhổ cỏ bên phần mộ của tổ tiên gia đình, tôi chạnh lòng vì cụ nằm đây một mình, nơi đất khách quê người ít người thăm viếng mà hai mắt cay xè. Hôm nay đưa được mấy vị khách quý đến thăm, chắc cụ vui lắm. Xin người hãy thanh thản yên nghỉ trong lòng đất Nhật vì từ nay sẽ có chúng tôi và những thế hệ kế tiếp sẽ tới thăm cụ, hy vọng nơi đây sẽ thành địa chỉ để những người Việt Nam sang Nhật tìm đến.   

Vài nét về tiểu sử Trần Đông Phong

 Trần Đông Phong là một trong 9 học sinh Việt Nam đi du học đầu tiên sang Nhật trong Phong trào Đông Du (1905-1908). Vốn là con nhà giàu có, ông từng quyên nhiều tiền ủng hộ Đông Du. Khi sang Nhật, vì mong tin nhà gửi tiền sang cho Đông Du mà không thấy tới, ông đã tự tử để tỏ lòng hổ thẹn với đồng chí của mình và thể hiện ý chí quyết tâm với Đông Du, hưởng dương 25 tuổi. Cảm kích trước nghĩa khí của Trần Đông Phong, Kỳ ngoại hầu Cường Để đã đích thân xây mộ phần cho Trần Đông Phong tại nghĩa trang Zoshigaya, Tokyo và sau này chính Kỳ ngoại hầu cũng được chôn cất tại mộ phần này (Theo Wikipedia).

Nay ngôi mộ thuộc nghĩa trang Zoshigaya , khu 1, dãy 4a, hàng 5, số 1-26  ngay cạnh ga tàu điện Toden-Zoshigaya . Trên bia mộ đề: "Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ.
Sinh dĩ Giáp Thân niên. Mậu Thân niên ngũ nguyệt sơ nhị nhật tử" (Mộ đồng bào chí sĩ  Trần Đông Phong. Sinh năm Giáp Thân - 1884. Mất ngày mồng 2 tháng 5 năm Mậu Thân - 1908)

Hiện nay, Thư viện Gakushuin còn lưu trữ cuốn Trần chí sĩ truyện do Lưu học sinh ở Tokyo biên soạn vào năm Mậu Thân 1908. Phần sau có bài Võ sĩ hồn ca tịnh tự (Bài ca hồn võ sĩ) do Nishimura Seijiro  村西清次郎chấp bút, Nxb. Egawa ấn hành năm 1908.

 

Top of Form

Bottom of Form

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443911

Hôm nay

2162

Hôm qua

2307

Tuần này

21724

Tháng này

219085

Tháng qua

112676

Tất cả

114443911