Góc nhìn văn hóa

Phát huy giá trị “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong xây dựng gia đình văn hóa, con người Nghệ An

Tháng 2/1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo. Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ có giá trị về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong việc chỉ đạo hoạt động văn hóa-xã hội ở nước ta. Việc vận dụng và phát huy giá trị về mặt thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong việc xây dựng đời sống văn hóa của đất nước trong tám mươi năm qua đã khẳng định sự đúng đắn của các nguyên tắc, quan điểm về phát triển sự nghiệp văn hóa của Đảng ta. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin giới hạn trong việc phân tích giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong thực tiễn xây dựng gia đình văn hóa và con người Nghệ An.

 

 

1.    1.  Quan điểm “Đặt con người ở vị trí trung tâm của phát triển văn hóa”

Đề cương về văn hóa Việt Nam ngay khi ra đời đã đề cập đến quan điểm “đặt con người ở vị trí trung tâm của phát triển văn hóa”, tạo cơ sở rất quan trọng để tập hợp, phát huy sức mạnh quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa ở Việt Nam từng bước trở nên hài hòa và lành mạnh hơn thông qua việc sử dụng các công cụ quản lý hiện đại và đổi mới cơ chế, phương thức quản lý.

Từ vị trí là người lãnh đạo, chỉ huy, Nhà nước đã chuyển sang thực hiện vai trò quản lý và bảo trợ. Việc phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước mà vẫn bảo đảm nguyên tắc thống nhất về hành chính quốc gia và đề cao tính tự chủ của địa phương đã được thực hiện triệt để. Sự tham gia của các nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa và người dân vào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, với tư cách là chủ thể văn hóa, đã trở nên rộng rãi hơn, nhờ các cơ chế và phương tiện mới.

Vai trò của chính sách, pháp luật, đặc biệt là pháp luật về văn hóa đã được nâng cao. Là công cụ điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa, hệ thống pháp luật chuyên ngành về văn hóa và liên quan đến văn hóa đã được xây dựng và hoàn thiện. Đó là các Luật chuyên ngành (Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện) và một số Luật liên quan đến văn hóa (Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quy hoạch, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…), cùng với một số Nghị định của Chính phủ điều chỉnh trực tiếp hoặc liên quan đến các hoạt động văn hóa chưa có Luật (Nghị định về mỹ thuật, Nghị định về triển lãm, Nghị định về nhiếp ảnh, Nghị định về lễ hội, Nghị định về kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, Nghị định về tang lễ cán bộ, công chức, Nghị định về công tác dân tộc…) và nhiều Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hệ thống pháp luật này đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hóa. Các văn bản này cũng đã góp phần thể chế hóa các quy định về bảo đảm các quyền con người tại Hiến pháp năm 2013, trong đó có quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng, tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa của người dân.

Quan điểm coi trọng yếu tố con người của Đề cương về văn hóa Việt Nam cần được áp dụng vào thực tiễn quản lý các hoạt động xây dựng văn hóa và con người của Nghệ An.

2. Quan điểm “Phẩm chất, năng lực của con người Việt Nam được phát huy, hướng tới phát triển con người toàn diện”

 Là lãnh đạo, nhà quản lý, người sáng tạo hay công chúng, người Việt Nam đều là nhân tố có sức ảnh hưởng đến quá trình phát triển văn hóa. Phát triển con người và phát triển văn hóa luôn đi song song với nhau, trong đó phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Giá trị của con người Việt Nam bao gồm cả giá trị truyền thống (yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm) lẫn giá trị hiện đại (kỷ cương, sáng tạo) từng bước được thể chế hóa trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hương ước, quy ước làng, xã. Các giá trị này được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng và hoàn thiện thông qua công tác nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, thông qua hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở (nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thể thao, thư viện, bảo tàng…), nhằm phát huy hết phẩm chất, năng lực của người dân với tư cách là chủ thể văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và văn minh, làm cho đời sống văn hóa cơ sở có diện mạo mới, phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của người dân.

Nghệ An có diện tích 22.542,6 km2, địa hình phức tạp và đa dạng, thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội. Điều đó đã tạo cho con người Nghệ An những phẩm chất, năng lực tốt đẹp rất đặc trưng: tinh thần quả cảm, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, chịu khó để vươn lên, vượt qua bao khó khăn, thách thức với tinh thần lạc quan, tin tưởng, một lòng yêu quê hương, đất nước.

Con người Nghệ An, với vị trí là trung tâm của phát triển văn hóa, đã phát huy được chất lý tưởng trong tâm hồn, lý tưởng vươn tới đỉnh cao, vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn, với tinh thần lạc quan, tin tưởng. “Sự lý tưởng trong tâm hồn, sự trung kiên trong bản chất, sự khắc khổ trong sinh hoạt và sự cứng cỏi trong giao lưu”1 đã trở thành một nét đặc trưng trong tính cách và tâm hồn của con người Nghệ An. Chỉ cần các chính sách cụ thể trong phát triển đời sống văn hóa cơ sở như xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trong kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng phát huy tốt nét đặc trưng này của người dân Nghệ An, khơi dậy được sự phát triển dựa vào nét đặc trưng này thì văn hóa Nghệ An sẽ là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Bản tính quyết liệt với tính cộng đồng rất cao được hình thành trong quá trình chinh phục tự nhiên và đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc cũng là một điểm mạnh của con người Nghệ An cần được phát huy để tạo ra sự đồng lòng trong xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp tại xóm làng, khu dân cư, làm cho người dân củng cố và vun đắp tình nghĩa láng giềng, giúp đỡ, đùm bọc nhau, cùng xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, xã, quy ước của dòng họ, thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Người Nghệ An còn có đặc trưng nữa là khí khái, trong sạch, coi trọng gia phong, chắt chiu, cần cù, đoàn kết, chịu gian khổ, biết tính toán, thu xếp cuộc sống. Đặc trưng này cần được các nhà quản lý văn hóa Nghệ An đặc biệt quan tâm trong công tác xây dựng gia đình văn hóa, làm cho mỗi gia đình Nghệ An trở nên ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, là yếu tố quyết định trong tiến trình xây dựng nền văn hóa và con người Nghệ An phát triển toàn diện, trên một nền tảng bền vững là gia đình văn hóa, nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, giáo dục đạo đức, lối sống văn minh và trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp.

Một nét đặc trưng rất đáng coi trọng của con người Nghệ An là tinh thần hiếu học, đề cao việc học và truyền thống tôn sư trọng đạo. Tinh thần hiếu học đã trở thành một tài sản quý giá, một truyền thống tốt đẹp của miền đất nghèo khó này, góp phần xây dựng một xã hội học tập đúng với định hướng của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, khi tri thức đã và đang trở thành một nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Tỉnh Nghệ An tuyên dương học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia và học sinh đạt điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Các phẩm chất, năng lực nói trên không chỉ trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người Nghệ An, mà còn giúp cho những người quản lý văn hóa của Nghệ An có thêm một nguồn lực nội sinh hướng tới xây dựng một đời sống văn hóa phong phú và sôi động tạo ra một môi trường văn hóa nhân văn, lành mạnh, góp phần phát triển tỉnh nhà.

    3. Quan điểm “Văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy hiệu quả, đi cùng với việc đẩy mạnh giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế”

    Việc vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tám mươi năm qua đã giúp cho Việt Nam kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của mình. Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Di sản văn hóa đã và đang tham gia vào quá trình chuyển văn hóa thành một sức mạnh mềm thông qua việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, tạo nên sức thu hút của các điểm đến du lịch. Cộng đồng dân cư có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, được Nhà nước bảo trợ và tạo điều kiện thông qua việc ban hành cơ chế ưu đãi, khuyến khích và đãi ngộ.

    Việc bảo tồn văn hóa truyền thống song hành với việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới đang là một xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Chủ động hợp tác về văn hóa với các nước, đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, mở cửa thị trường văn hóa với nước ngoài không chỉ nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, góp phần nâng cao thương hiệu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn để du nhập nhiều giá trị tinh hoa của văn hóa thế giới vào Việt Nam, làm cho đời sống văn hóa của người dân thêm phong phú và đa dạng.

     Với 47 dân tộc cùng nhau sinh sống trên địa bàn và nằm trong hành lang kinh tế Đông-Tây nối liền Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam theo quốc lộ 7 đến cảng Cửa Lò, nằm trên các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, Nghệ An đóng vai trò quan trọng trong giao lưu văn hóa, kinh tế, thương mại, du lịch và vận chuyển hàng hóa với cả nước và các nước trong khu vực. Nghệ An hoàn toàn có đầy đủ điều kiện để giới thiệu và quảng bá văn hóa Nghệ An và Việt Nam, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của riêng Nghệ An (dân ca Ví, Giặm, ẩm thực, lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa…) như một phương tiện để gia tăng giá trị kinh tế của văn hóa và quảng bá hình ảnh của địa phương và của đất nước.

    4. Quan điểm “Gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội có chuyển dịch tích cực về nhận thức và hành động”

     Quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam về mặt trận văn hóa tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với mặt trận chính trị và kinh tế đã được Đảng ta coi trọng và liên tục phát triển. Xây dựng văn hóa trong kinh tế là một bước tiến bộ về tư duy lý luận của Đảng trong việc tổ chức thực hiện, tạo sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa văn hóa và kinh tế, để phát triển kinh tế một cách bền vững.

   Ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đánh dấu một bước tiến mới trong việc xây dựng môi trường thể chế thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa khai thác và chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ có sức hấp dẫn, thể chế hóa quan điểm văn hóa ngang hàng với kinh tế tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

    Thay đổi này về thể chế, chính sách, nhất là chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư nguồn vốn trong và ngoài nước vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những tiến bộ, phấn đấu đạt 7% GDP vào năm 2030. Các ngành công nghiệp văn hóa bước đầu phát huy hiệu quả của tài nguyên văn hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

     Là mảnh đất địa linh nhân kiệt, Nghệ An mang trong mình những giá trị truyền thống riêng có về văn hóa và con người, cả về di sản văn hóa vật thể và đặc biệt về di sản văn hóa phi vật thể, vốn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX đã chỉ rõ: “…Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên; chủ động đổi mới sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững…”. Truyền thống lịch sử, văn hóa, con người, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên chính là những giá trị quý báu, lâu đời, cốt lõi trong cốt cách, văn hóa của con người xứ Nghệ.

Nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người, khắc phục những mặt hạn chế, phát huy những yếu tố đặc trưng để văn hóa thực sự là nguồn lực nội sinh và động lực đột phá về kinh tế, những người làm văn hóa Nghệ An cần phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa và con người xứ Nghệ, xây dựng một môi trường văn hóa nhân văn, lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cách tiếp cận mới dựa vào hội nhập toàn cầu, hiện đại, công nghệ cao và bản sắc văn hóa sẽ giúp Nghệ An phát triển dựa vào lợi thế, nét đặc trưng và sự khác biệt về văn hóa.

Tiếp tục xây dựng con người Nghệ An phát triển toàn diện, hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ, tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, thấm nhuần tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa xứ Nghệ gắn với việc hoàn thiện các chuẩn mực gia đình văn hóa Nghệ An không chỉ là mục tiêu của những người làm công tác văn hóa, mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Nghệ An. Sự nghiệp này không chỉ huy động tiềm năng văn hóa đặc trưng của Nghệ An, mà còn cả sức mạnh kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế rừng, kinh tế cửa khẩu của mảnh đất văn vật này.

*

*     *

Các quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam được khởi thảo từ 80 năm qua đã đưa nền văn hóa Việt Nam đạt được những bước tiến quan trọng, làm cho bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và lan tỏa, đời sống văn hóa của Nhân dân được nâng cao, các hình thức sinh hoạt văn hóa, các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, giao lưu văn hóa quốc tế được mở rộng. Sự phát triển của văn hóa dân tộc Việt Nam đã khẳng định tư tưởng, tính khoa học và tính thực tiễn cao trong quan điểm và đường lối văn hóa của Đảng, thể hiện trong Đề cương về văn hóa Việt Nam. Trong sức mạnh to lớn và bền vững của văn hóa và con người Việt Nam vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước trong tám thập kỷ qua,  có một phần đóng góp không nhỏ của văn hóa và con người Nghệ An./.

 

* Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

 

1.     Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An (1977), Văn hóa truyền thống các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 118.

         

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528473

Hôm nay

2129

Hôm qua

2291

Tuần này

2746

Tháng này

215169

Tháng qua

0

Tất cả

114528473