Đất Nghệ

Làng Đông Thái (Lời dẫn cuốn sách Khoa bảng làng Đông Thái xưa và nay)

Cái tên Khoa bảng 科榜 đã gắn với làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ - nơi địa linh nhân kiệt, mảnh đất thiêng liêng đã sinh ra những bậc hiền tài của đất nước. Nhiều danh nhân gắn với lịch sử của dân tộc, của đất nước văn hiến đã vang vọng khắp năm châu bốn biển.

Người xưa thường nói, núi và sông hùng vĩ là địa linh, địa linh là nơi sinh ra anh hùng hào kiệt. Chính mảnh đất này, Đông Thái là nơi hội tụ của hai dòng lưu thủy trong xanh Ngàn Trươi và Ngàn Phố chạy đi từ núi Dăng Màn về đây hợp lại La Giang tươi mát, hai con sông hội long dưới chân dãy Thiên Nhẫn, đúc nên một bãi bồi Kẻ Hạ. Cái tên Đông Thái 東泰- làng khoa bảng - người xưa để lại, danh bất hư truyền.

Bước vào làng Đông Thái, nhớ cảnh xưa từ 屋瘺話 Ốc Lậu thoại của Bùi Dương Lịch,

三叉石云Tam Thoa thạch vân
江到松山出石磐-Giang đáo Tùng Sơn xuất thạch bàn,
江山萬古出詩壇-Giang sơn vạn cổ xuất thi đàn.
山圜两岸花陰密-Sơn hoàn lưỡng ngạn hoa âm mật
江會三叉水國寬-Giang hội tam thoa thủy quốc khoan.
鳥韻邀人丁縣廟-Điểu vận yêu nhân Đinh huyện miếu,
魚歌送客杜家灘-Ngư ca tống khách Đỗ gia than.
世塵不染乾坤闊-Thế trần bất nhiễm càn khôn khoát,
川上閒来挹道瀾-Xuyên thượng nhàn lai ấp đạolan.
Vịnh đá Tam Thoa
Đứng giữa dòng sâu, tảng đá trơ,
Non sông muôn thủa hiện đàn thơ.
Hai bờ núi bọc, hoa chen chúc;
Ba ngã sông giao, nước lững lờ.
Người đến miếu Đinh đàn én đón,
Khách qua bến Đỗ khúc chài đưa.
Bụi trần không bợn, trời man mác,
Nhàn tới trên sông ngẫm đạo xưa.
(Bạch Hào dịch)

Lần ngược lại trang sử quê hương, kể từ khai cơ lập địa, mảnh đất này đã gắn với lịch sử quốc gia và lịch sử làng xã từ khi cha ông đi mở nước.Tên làng Đông Thái thuộc xã Tùng Ảnh ngày nay là một địa danh có từ thời Lê Trung hưng - 1614, năm thứ 15 vua Lê Kính tông.

Theo thư tịch để lại, thì đời nhà Trần  dưới triều vua Trần Thái Tông (thế kỷ 13) đã  lập xã Quyết Viết gồm 3 làng: Tùng Ảnh, Ngải Lăng và Nguyệt Đàm.Đến đời vua Lê Thái Tổ (1428-1433) cắt hai làng Tùng Ảnh và Nguyệt Đàm lập thành xã Yên Việt. Đến đời vua Lê Kính Tông tách phần phía đông làng Trinh Liệt thành làng Đông Thái. Tên Đông Thái có từ đó. Trải qua thăng trầm của lịch sử 400 trăm năm, tên làng Đông Thái vẫn giữ và gắn với những danh nhân, những vị Khoa bảng trong lịch sử văn hóa của dân tộc.

Với truyền thống quê hương hiếu học, mảnh đất khoa bảng, đứng trong những làng có tên tuổi trong 20 làng khoa bảng - văn minh đất Việt, làng Đông Thái với những vị khoa bảng nổi tiếng.

Mười vị đại khoa như: Phó bảng Phan Văn Nhã 潘文雅, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Bùi Đình Bảo裴廷保, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Phan Nhật Tỉnh潘日省,Phó bảng Phan Đình Tuyển潘廷選, Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng潘廷逢, Phó bảng Phan Đình Vận 潘廷運, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Phan Du 潘瑜, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Phan Trọng Mưu潘仲謀, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Phan Huy Nhuận潘輝潤, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Bùi Ước裴約.

Sau các vị Khoa bảng, làng Đông Thái còn đóng góp cho lịch sử danh nhân hào kiệt đất Việt như:  Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Phan TamTỉnh潘三省, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Phan Trọng Mưu潘仲謀, Tú tài Phạm Văn Ngôn范文言, Giáo sư Hoàng Ngọc Phách,  Tiến sĩ Hoàng Quốc Tân, Luật sư Ngô Bá Thành, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Giáo sư Phạm Đức Dương...

Trên quê hương Đông Thái còn sinh ra những con người tài hoa, xuất chúng, đóng góp cho nền văn hóa nước nhà cũng như phụng sự quốc gia, có công trong sự nghiệp giành lại độc lập tự do, xây dựng đất nước, xây dựng quê hương phồn vinh. Những người con tiêu biểu đó đã làm nên chiến tích, họ đã qua đời hoặc đang sống trên quê hương và mọi miền đất nước, hoặc ở nước ngoài - Họ đang hướng về quê hương Đông Thái với những đóng góp cần được ghi công, ngày xưa có các vị như: Tri phủ Phan Đình Tuyển, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, Nghĩa sĩ Phan Cát Tưu, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Phan Huy Nhuận,Tri phủ Bùi Đình Bảo, Quốc tử giám Bùi Ước, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Phan Du,  Tri phủ Phan Văn Nhã, Tri Phủ Kiều Hữu Hỷ, Tri phủ Mai Trọng Đức, Đông Du nghĩa sĩ Phạm Đương Nhân, Nghĩa sĩ Phạm Văn Thản, Nhà báo Tường Vân, Bác sĩ Phạm Văn Huyến, Nhà Giáo Mai Trọng Nhì, Nhân sỹ Phan Quốc Lương; các cán bộ Lão thành Cách mạng như: Phan văn Định; Phan Trọng Quảng, Phan Trọng Bình, Mai Trọng Đạn, Lê Đức Chỉnh, Mai Trọng Định, Hoàng Dung, Phan Viết Bật, Kiều Ngọc Lung, Kiều Hữu Thao, Phan Huy Chữ, Mai Trọng Tín, Phan Văn Huề, Phan Trọng Thành; Nhà văn Hoàng Nguyên Cát; Giáo sư Hoàng Thị Thục; Đại tá Mai Trọng Thường; Đại tá Kiều Tam Nguyên; Nhà báo Nguyễn Hồng Lĩnh; Thầy thuốc nhân dân Võ Ngọc Thụ; Giáo sư Phan Trọng Luận;  Nhà giáo ưu tú Hoàng Hữu Thư; Giáo sư Hoàng Hữu Như; Tiến sĩ Bùi Đình Phong, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận, Giáo sư Mai Trọng Khoa, Tiến sĩ Phan Quốc Kinh, Nhà Văn Phan Văn Thẩm, Nhà thơ Duy Thảo, Đại tá Phạm Thanh Mười, Anh hùng - thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trân, Tiến sĩ Kiều Thị Xin, Nhạc sĩ Phan Trần Bảng, Nhạc sỹ Hoàng Ngọc Bội, Thầy thuốc Võ Thị Kim Liên,  Thầy giáo Võ Tất Đắc, Đại tá Mai Trọng Lương...

*
*      *

Nhìn lại chiều dài lịch sử hàng trăm năm với biết bao biến đổi đã diễn ra trên mảnh đất Đông Thái, chúng ta càng ngưỡng vọng và biết ơn công đức các bậc tiền bối, các thế hệ đi trước đã để lại cho chúng ta hôm nay và mai sau một bề dày lịch sử đã ghi đậm truyền thống  về: hiếu học - yêu nước -đoàn kết, ba đặc tính đó của con người Đông Thái xưa; và nay - nó ra đời, phát triển, hòa quyện vào nhau, làm nên tính cách và hồn cốt của LÀNG KHOA BẢNG  ĐÔNG THÁI ngày xưa,  và hôm nay là những kẻ sĩ đa tài, túc trí đã xây đắp lên truyền thống một làng quê; mà tập trung những điểm nổi bật là:

Thứ nhất là truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, ngày xưa học đỗ đạt để tham gia chốn quan trường, đem trí tuệ và tài đức của mình phò Vua giúp nước, góp sức mình giữ vững cương thường đạo lý, rường mối quốc gia. Ngày nay học để lập than lập nghiệp vươn lên nắm giữ những đỉnh cao trí tuệ đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm vẻ vang cho quê hương, gia đình, dòng họ.
Thứ hai là lòng yêu nước, yêu quê hương, ý chí kiên cường bất khuất “Xã tắc lâm nguy, thất phu hữu trách” sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa, vì sự tồn vong của giang sơn, của dân tộc và giống nòi - Đó là biểu tượng của cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19 cuả Phan Đình Phùng cùng nhiều sỹ phu yêu nước. Tiếp nối là thế hệ những người con ưu tú đã đóng góp vào cao trào Xô Viết (1930 - 1931) và cách mạng tháng Tám trên quê nhà. Trong các cuộc chiến tranh, nhiều thế hệ nối tiếp nhau lên đường ra trận vì Tổ quốc thân yêu.

Thứ ba là truyền thống đoàn kết, đoàn kết trong anh em họ tộc, đoàn kết giữa dòng họ này với dòng họ khác, đoàn kết vì tình làng nghĩa xóm sâu đậm, ấm áp – Sự đoàn kết đó, nó đã gắn bó và lan toả trong tình yêu con người, từ những người con đang sống tại quê nhà cũng như người con xa quê - mọi người luôn hướng về quê cha đất tổ - xưa và nay - họ đã dành cho quê hương Đông Thái những tình cảm gắn bó sâu nặng, họ  đã đóng góp về tinh thần và vật chất để xây dựng quê nhà như ngày nay và mãi mãi về sau cho Đông Thái ngày càng giàu đẹp hơn.
Một điều hết sức đặc biệt là trong sự đoàn kết với nhau, với quê hương;  con người Đông Thái với phẩm chất sống cương cực thẳng thắn, thanh liêm, chính trực, không nhân nhượng trước những điều sai trái đã tạo ra một nhân cách đặc trưng để có con người Đông Thái ngày xưa và nay.

Nghiên cứu về các nhà Khoa bảng, chúng ta có điều kiện để hiểu thêm con người Phan Đình Phùng - Là một học giả lớn, một đại quan tiền triều – nhà chí sĩ cầm đầu trong phong trào Cần Vương yêu nước, Nhà Khoa bảng - Đình nguyên Tiến sĩ. Trước lúc lâm chung, Người còn để lại một thời tác:

臨終時作-LÂM CHUNG THỜI TÁC
戎場奉命十更冬,Nhung trường phụng mệnh thập canh đông,
武略依然未奏功。Võ lược y nhiên vị tấu công.
窮戶嗷天難宅雁,Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn,
匪徒遍地尚屯蜂。Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong.
九重車駕關山外,Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại,
四海人民水火中。Tứ hải nhân dân thủy hỏa trung.
責望愈隆憂愈重,Trách vọng dũ long ưu dũ trọng,
將門深自愧英雄。Tướng  môn thâm tự quý anh hùng.
Dịch thơ: LÀM LÚC SẮP MẤT
Việc quân vâng mệnh trải mười đông,
Chiến sự nay còn tính chửa xong.
Dân đói kêu trời tan ổ nhạn,
Quân thù chật đất dậy đàn ong.
Chín trùng thánh chúa nơi quê lạ,
Bốn bể nhân dân chốn lửa nồng.
Trách vọng càng cao, lo lại nặng,
Tướng môn những thẹn với anh hùng.

Và, cũng sống về nghĩa cả của quê hương, cụ đã trả lời Diên Mậu Quận công Hoàng Cao Khải - một người bên kia chiến tuyến.

覆答黃高啓  PHÚC ĐÁP HOÀNG CAO KHẢI
忠孝由來幾得全,Trung hiếu do lai kỷ đắc tuyền,
風塵回首淚孱然。Phong trần hồi thủ lệ sàn nhiên.
未能一死酬君父,Vị năng nhất tử thù quân phụ,
空費三生學聖賢。Không phí tam sinh học thánh hiền.
十載魂遊青瑣地,Thập tải hồn du thanh tỏa địa,
萬行血淚白雲天。Vạn hành huyết lệ bạch vân thiên.
苦心寥向同心話,Khổ tâm liêu hướng đồng tâm thoại,
昨夜殘燈獨自憐。Tạc dạ tàn đăng độc tự liên.
Dịch nghĩa
Từ trước tới nay trung hiếu mấy ai giữ được toàn vẹn cả
Trải phong trần quay đầu nghĩ lại nước mắt đầm đìa
Chưa thể đem một cái chết báo đền ơn vua
Uổng phí công ba sinh học đạo thánh hiền
Mười năm hồn mơ chơi ở nơi cung khuyết
Muôn hàng huyết lệ trông theo mây trắng lên trời
Nỗi khổ tâm muốn nói nhưng vắng bạn đồng tâm
Đêm qua dưới ánh đèn tàn, mình lại thương mình.

Khi đọc hai bài thơ và thông qua tập sách này, chúng tôi - những người làm sách muốn tỏ thêm về Làng khoa bảng Đông Thái với những nhân vật khoa bảng ngày xưa ấy, với tinh thần yêu nước cao độ, giám hy sinh công danh, sự nghiệp và cả tính mạng của mình -  Phan Đình Phùng là tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giành độc lập ở một xã hội phong kiến trên nền sản xuất và quan hệ sản xuất còn sơ khai, lạc hậu, thiết chế chính trị lỗi thời, quan hệ quân - thần thời quân chủ chuyên chế, còn nhiêu khiếm khuyết.

*
*     *

Ngày nay, xã hội phát triển theo thời đại mới - thời đại xã hội loài người đã xuyên suốt qua sự phát triển trong nền văn minh công nghiệp từ mấy trăm năm; những thập kỷ vừa phát triển như vũ bão trong nền sản xuất dựa vào công nghệ và kỹ thuật thời 4.0; với nhiều đóng góp lớn của hàng vạn “nhà khoa bảng mới” - họ học hành đỗ đạt - là những nhà khoa học, những nhà trí thức lớn, đóng góp vào nền khoa học xã hội, khoa học tự nhiên cũng như quản trị quốc gia. Đó là tám vị danh nhân của Đông Thái trong danh sách danh nhân tiêu biểu của đất nước. Đó là 50 vị con em Đông Thái đã đóng góp không nhỏ công lao của họ đối với xã hội và quê hương.
Với những lời mộc mạc nơi quê nhà; với tư liệu và diện kiến trong thực tại mấy chục năm nơi làng Đông Thái - từ cảnh bom rơi đạn lạc, cảnh sản xuất đình trệ, cảnh đổi mới và phát triển... để gom góp lại. Chúng tôi hy vọng làm cuốn kỷ yếu này để làm kỷ niệm với người dân Đông Thái và bạn bè thân hữu gần xa  đã và đang quan tâm đến quê hương Đông Thái xưa và nay.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434599

Hôm nay

2219

Hôm qua

2310

Tuần này

21249

Tháng này

211647

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434599