Đất Nghệ
Dấu ấn làng quê Ân Phú (lời dẫn cho cuốn sách về lịch sủ văn hóa làng quê Ân Phú)
Ân Phú, mảnh đất được ghi tên đầu tiên là Trại Đầu vào thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XV, khi cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy về đây cắm TRẠI và xây cơ lập nghiệp, ngót 600 năm. Nếu đem so với lịch sử 4.000 năm của lịch sử Việt thì thật ít ỏi; nhưng thời gian và chính thế hệ sau đã làm xóa nhòa đi vết tích của con người thế hệ trước. Tổ tiên của họ đã sống ở đây hàng ngàn năm trước đó; qua thiên tai, địch họa; chính sự vô tình và ích kỷ đã xóa đi nhiều vết tích vinh hoa cũng như sự khổ đau của con người ngày trước. Tuy vậy, sự tồn tại của tự nhiên cũng còn dấu vết để lại của một miền quê trải qua sáu trăm năm thăng trầm của lịch sử, mặc dầu ít ỏi. Tên Kẻ Boòng không còn ấn tích trong các trang sử bằng bút mực, nhưng nó vẫn tồn tại trong dấu ấn truyền khẩu làng quê mình của người dân Ân Phú.
Trong dòng chảy của lịch sử văn hóa, bao người đi qua mảnh đất này. Ngắm địa hình từ Bắc vào Nam; quay mặt về hướng Đông thấy dòng Ngàn Sâu xanh mát ôm lấy Ân Phú yêu thương cả ba mặt Bắc - Đông - Nam, buổi sáng mùa hạ nhìn xa xăm ánh mặt trời đỏ rực từ chân trời; quay đầu lại hướng Tây dựa lưng vào núi Mồng Gà - gặp buổi “nắng chia nửa bãi, chiều rồi”[1] - ở đây, 3 giờ chiều mặt trời đã xuống núi. Luồn sâu vào lịch sử, thì không khỏi ngậm ngùi, dốc sức tìm lại trang sách của nhân quần để đi tìm vết tích văn hóa con người đã sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này như thế nào? Tại sao lại có cảm hứng cho Huy Cận - thi sĩ tài năng tầm thế giới đã gửi gắm vào đời bằng Tràng Giang, khi chàng: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài; để rồi: thốt ra ngôn từ rất đỗi quê hương, nơi sinh ra ông thật nồng nàn - sâu thẳm: “Lòng quê dợn dợn vời con nước,/Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”[2]
Nền văn hóa cốt cách làng quê, trên mảnh đất Ân Phú này không những chỉ sinh ra “chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm”[3] với ngôn ngữ tinh hoa tài ba; mà trước đó, đã có những tài nhân: Trạng nguyên Trần Thành Đốn, Trạng nguyên Trần Tiết Việt, Tiến sĩ - Hiệu sinh phủ Trần Xuân Hòa, Tiến sĩ - Tri phủ Trần Khắc Nhượng, Binh bộ thượng thư Cù Ngọc Xán, Hộ bộ Thượng thư Trần Hữu Kiệm, Quốc tử giám giám sinh Nguyễn Xuân Vi, Quốc tử giám giám sinh Trần Uy Đức, Tri phủ Cù Văn Nghiễm, Hiệu sinh phủ Trần Công Cái, Huyện thừa Trần Văn Hành, Huyện thừa Cù Thân Vạn, Hiệu sinh phủ Nguyễn Sĩ Lan, Hiệu sinh phủ Nguyễn Sĩ Ưu; Hiệu sinh phủ Nguyễn Sĩ Kiệm, Hiệu sinh phủ Trần Văn Sách ... đã sinh ra trên mảnh đất này. Thế thì cốt cách nào đã sinh ra họ.?
Lần lại lịch sử văn hóa làng quê, nhiều người nói rằng - địa linh, sinh nhân kiệt; nhưng nhân kiệt đó phải được “trồng” trên một nền truyền thống - đó phải là truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, thì mới “đơm hoa kết quả” tốt. Tôn sư trọng đạo - muôn đời không nói hết và không thể diễn tả hết được bằng ngôn ngữ. Trên mỗi quê hương xứ sở, nó là dòng chảy chủ lực trong cuộc sống, một dòng chảy âm thầm bền bỉ, sâu lắng, nhạy cảm; nó là sợi chỉ đỏ trong triết lý sống khoa học xã hội, hệ thống đó luôn chứa đựng tinh hoa lòng người trên mảnh đất Ân Phú này. Nó đã được duy trì, nhưng cũng thăng trầm trong chiều dài lịch sử, có những khúc khuỷu trong lối sống, có khi cũng làm tha hóa lòng người trong hai từ danh - lợi; để lại hậu quả đáng tiếc; không ít người không quay đầu trở lại với những thiện cảm hai chữ Ân Phú quê hương - qua cải cách ruộng đất, qua hợp tác hóa nông nghiệp, qua những đợt làm nghĩa vụ của thời cận đại.
Cả một lịch sử dài hành mấy trăm năm, những tên trong danh sách tiên hiền, hậu hiền ngày xưa còn sót lại, họ là một thành phần quan trọng trong trí thức làng và cũng là niềm kiêu hãnh của người dân Ân Phú khi đi ra “với làng, với nước, với thiên hạ” [4] , nhưng, ngày nay ít người biết đến. Sau thời kỳ tân học của những năm hai mươi của thế kỷ trước, tình trạng trí thức làng của xã bị khủng hoảng đến ngày nay, và còn có người nghĩ rằng không còn cái gọi là trí thức làng nữa [5].
Về văn hóa tâm linh, ngày nay cũng là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, do một khoảng trống lịch sử bị xua đuổi, bài trừ. Một chuỗi văn hóa đứt gãy. Một làng quê như Ân Phú không rõ một tôn giáo nào để nó góp chung vào sự điều chỉnh nhằm giúp con người dễ dàng hướng thiện; có những năm, người ta không sợ gì cả, rồi 12 ngôi đền bị phá tan tành; tượng, linh tự khí đưa làm đồ chơi cho trẻ chăn trâu, người ta còn ngang nhiên đào mồ mả của người xưa để tìm vàng [6] (!); Rồi, bây giờ lại sợ. Sợ cả hòn đá trong đền Vại, sợ hồn đứa trẻ chết lên ba tuổi, sợ nhà có tang không được sờ tay vào đồ cúng, sợ dòng họ có tang không được làm nhà, cất mả... rồi sợ cả ma thuốc độc (!).Một sự hủy hoại đáng tiếc, đó là sách vở chữ Hán, một giai đoạn dài, cái gì của “đế quốc và phong kiến” đều bị đốt bỏ. Gia phả nhiều dòng tộc ghi chép tên tuổi tổ tiên, mối liên hệ dòng giống, huyết thống với nhau không được giữ gìn; thơ, văn, chuyện kể truyền tục không được truyền giữ; những bài văn tế tuyệt từ cũng không còn lưu lại.
Ngày nay, chúng ta xây dựng xã nông thôn mới trên nền đất Ân Phú xa xưa, một xã hội nhỏ - con người có dòng dòng tổ tiên 600 năm về trước, thế nhưng một tiêu chí về văn hóa cội nguồn gần như bị bỏ ngỏ; hay nói cách khác là đang bị hỏng chân, không có điểm tựa và kết nối; những trò chơi thể thao truyền thống cổ xưa đặc sắc như chơi khăng, ô ăn quan, bài tổ tôm...; những vở diễn giáo dục đạo lý như “Tống Trân - Cúc Hoa, Nhị độ mai, Lưu Bình - Dương Lễ, Tấm Cám, Quan Âm Thị Kính... gần như không được đếm xỉa đến; những dụng cụ sáo, đàn cổ, trống đất, nhị... không có người học; một đám tang vắng tiếng khóc thân thương, thay vào đó là loa đài ồn ào...với bài “phụ tử tình thâm”..., đã nhắc đi, nhắc lại, phát ầm ỷ trên loa suốt ngày đêm cùng với vài ông “thầy cúng” chạy xô - chữ Hán không hiểu chữ Hán, chữ quốc ngữ không hiểu chữ quốc ngữ; Nho không ra Nho, Phật không ra Phật. Thật đáng tiếc!
*
* *
Với những người con của quê hương như thế hệ 1940x, 1950x, 1960x và đa phần của thế hệ 1970x đã chôn rau cắt rốn trên mảnh đất này hàng chục thế hệ, tổ tiên là sự hôn kết dòng máu giữa các dòng họ; Nay cũng là lớp người năm, sáu mươi, bảy mươi của kỷ “cổ lai hy”. Đa số đã theo thời đại, đi ra rồi định cư trên đất mới, kể cả ở nước ngoài. Những người ở lại quê hương cũng đang miệt mài với ruộng đồng trên một sở hữu mới - sở hữu toàn dân. Lớp người này tất cả đều có con, cháu và ít nhất là anh em ruột đã đi ra. Gốc rễ phải được hiểu như thế nào?.
Thế thì làm gì cho quê hương; không thể quay lại cảnh nông cư vi hạnh, cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau làm hạnh phúc; không thể trở lại “quan phụ mẫu” quan trên bảo sao thì dân nghe vậy ... Ngày nay, thiết chế xã hội trên nền sản xuất hậu công nghiệp, nền tự do dân chủ đặt trên quyền tự do con người là trên hết - người Ân Phú vẫn lam lũ với những mảnh ruộng chia lẻ, với vài con trâu/bò cày; không có lấy một xưởng chế biến lương thực, thực phẩm; thậm chí không có lấy một cái máy cày nên hồn. Thế thì văn hóa dân tộc và văn hóa quê hương mang tính đặc trưng sẽ được duy trì, phát triển như thế nào ?, để con người được hưởng “độc lập - tự do - hạnh phúc” trong “độc lập - tự do - hạnh phúc” của đất nước, của thời đại. Thiết nghĩ: nông thôn mới, văn hóa mới không thể xây dựng trên bãi cát với những tộc người xa lạ, từ sao Hỏa, sao Kim tới... mà nó phải được tô thắm trên một quê hương Trại Đầu - Ân Phú có lịch sử 600 năm; trên dòng giống tổ tiên của các dòng tộc đã về đây sinh cơ lập nghiệp từ hàng trăm năm về trước.
Vì vậy, chúng ta nên tìm lại cội nguồn, soi rọi bóng hình mỗi cá nhân trong đó; để rồi - một tiếng nói chân tình, một buổi về thăm quê, một đóng góp về vật chất vào công trình phúc lợi, về bảo vệ môi trường... của mỗi con người yêu Ân Phú, mang một chút máu Ân Phú cũng là lòng tự hào với quê hương với dòng chữ trên một trang sử.
tin tức liên quan
Videos
Khai mạc Giải Bóng bàn lứa tuổi trẻ các Câu lạc bộ tỉnh Nghệ An năm 2023
Thay đổi tư duy, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học, nghệ thuật và công nghệ để nâng cao chất lượng trưng bày bảo tàng
Uy Minh vương Lý Nhật Quang với mảnh đất Cự Đồn
Chủ nghĩa hậu hiện đại như một hệ hình thế giới quan
Vận dụng phong cách nghiên cứu, học tập lý luận Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên của Đảng hiện nay
Thống kê truy cập
114489193
270
2310
21003
216505
120271
114489193