Diễn đàn
Thầy cô ơi, đừng vô cảm thế!
Chuyện cháu bé là học sinh lớp 1 bị đứng dưới nắng, bêu trước bảng lớp ở Hải Phòng vì đi học sớm đang khiến dư luận bức xúc.
“Đầu đội trời, chân đạp đất” (nền nhựa đường) đứng đợi ở cổng trường mấy chục phút chờ đến giờ vào học giữa cái nắng gay gắt như mấy hôm nay thì ngay cả người lớn cũng khó mà trụ nổi, nói chi đến cháu bé mới hơn 6 tuổi.
Nhìn ảnh cháu được đăng tải trên mặt báo, tôi và có lẽ cũng như bao độc giả khác cầm lòng không đặng. Nghĩ mà thương, cháu nội tôi cũng trạc tuổi thế.
Sự việc đã khiến nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh, động lòng trắc ẩn và không thể không băn khoăn về cách giáo dục học sinh của nhà trường hiện nay. Tôi nghĩ đó mới là điều làm cho dư luận bức xúc. Cho nên vấn đề không phải là ai đúng ai sai hay là “vô can” trước việc học trò của mình đứng nắng như cô giáo chủ nhiệm nói, mà là ở cách ứng xử của thầy cô trong môi trường giáo dục còn nhiều những bất cập.
Sự việc có lẽ đúng như cô giáo chủ nhiệm đã trần tình: “Cháu đến sớm nhưng do sợ cô phê bình giống hôm trước nên đã tự ra cổng trường đứng. Tôi không đuổi cháu ra ngoài, cũng không bắt cháu phải đứng dưới nắng”.
Vậy là đã hiểu, vì sao cháu bé chấp nhận đứng nắng ngoài cổng trường cho dù đội Cờ đỏ đã bảo vào. Trong tâm hồn non nớt của cháu, nỗi sợ cô giáo lớn hơn cả sự an toàn cho sức khỏe, lớn hơn cả lời mẹ dặn ngồi đợi dưới gốc cây ở sân trường.
Phụ huynh của cháu bé cho biết: “Khi tôi và nhiều phụ huynh không đồng tình cách làm đó (chuyện cô giáo chụp ảnh các cháu bị phê bình gửi cho phụ huynh và đăng tải trên nhóm Zalo) và mong cô cho các con được vào lớp tránh nắng, cô giáo đã không chấp nhận”. Tôi không tin người mẹ lại dám đặt điều cho cô giáo đang dạy dỗ con mình.
Vẫn biết sau mấy tháng nghỉ học vì đại dịch Covid-19 nay học sinh trở lại trường, thầy cô giáo phải chịu những áp lực không nhỏ, nhưng không phải vì thế mà tự cho mình quyền hành xử cứng nhắc đến vô cảm.
Nếu là một nhà sư phạm thấu hiểu và yêu thương học trò như mẹ hiền thì tôi nghĩ, sau lần phạt lỗi học trò hôm trước, cô giáo sẽ có ngay biện pháp thích hợp để cân bằng cả hai việc, vừa không ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa của các bạn bán trú, vừa không để các cháu đến trường sớm phải bêu nắng. Nói biện pháp cho to tát chứ thực ra chả có gì là ghê gớm ở đây cả, chỉ cần một chút tình thương, một tí trách nhiệm là đâu vào đấy chỉ trong vòng một nốt nhạc.
Cũng cần nói thêm, trong vụ việc này, nhà trường không thể “vô can” dù cô Hiệu trưởng đã xin lỗi phụ huynh. “Sự việc đáng tiếc” như cô Hiệu trưởng nói, có phần trách nhiệm của lãnh đạo ở góc độ tổ chức quản lý. Trường có khuôn viên kín cổng cao tường, có bảo vệ 24/24, vậy thì tại sao một việc cỏn con như quản lý mấy cháu đi học sớm mươi mười lăm phút lại không quan tâm để khi xảy ra chuyện ồn ào mới lấy làm tiếc?
Lại không thể không nhắc đến tình thương và trách nhiệm. Giáo dục muốn phát triển, thầy cô giáo muốn làm tròn bổn phận của mình thì phải lấy tình thương làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Chúng ta không thể dạy trẻ lòng nhân ái, vị tha nếu hành vi ứng xử của chúng ta trái với bài học trên sách vở vẫn răn dạy học trò mỗi ngày.
Với câu chuyện trên, tôi nghĩ, cháu bé đã bị tổn thương ít nhiều bởi cách ứng xử sư phạm thiếu nhân văn của cô giáo. Làm cho trò sợ hãi tức là giáo dục đã thất bại. Lúc đó, không một danh hiệu cao quý nào mà chúng ta lo bảo vệ bằng mọi giá, bất chấp cả những biện pháp phản giáo dục, có thể tô đẹp được hình ảnh người thầy trong con mắt học trò.
Vụ việc này tuy không đáng phải ồn ào nhưng lại là một bài học sâu sắc. Bài học về cách ứng xử, về lòng nhân ái vị tha, về tình thương và trách nhiệm của người thầy đối với các thế hệ tương lai của đất nước.
Nguyễn Duy Xuân
tin tức liên quan
Videos
Cầu đường sắt Yên Xuân
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Đêm giao thừa xưa của Ức trai Nguyễn Trãi
Thống kê truy cập
114522723
2255
2325
21497
220662
121009
114522723