Diễn đàn

Thêm một vụ tự tử để “thức tỉnh nền tư pháp”

Dư luận lại rúng động bởi vụ nhảy lầu tự tử sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm vào sáng 29/5, tại trụ sở Tòa án tỉnh Bình Phước.

Nạn nhân là ông Lương Hữu Phước, ngụ tại phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Cái chết của ông Phước đã được báo trước khi ông viết trên fb cá nhân: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”.

Được biết, khi mới có bản án sơ thẩm, ông Phước đã từng tâm sự với nhiều người: “Nếu bản án gây bất công, ông sẽ tự tử”. Nhưng khi được nhiều người khuyên can phải bình tĩnh vì tòa án luôn xem công lý là có thật, nên ông Phước vẫn chờ đợi sự công minh từ các phiên xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước.

Sau khi vụ tự tử của ông Phước xảy ra, báo chí phản ánh thêm thông tin đáng chú ý. Đó là việc ông Lê Viết Hòa có mặt trong Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm lần 2 này của TAND tỉnh Bình Phước lại chính là người đã từng ngồi xét xử phiên tòa phúc thẩm vụ tranh chấp 39,5m2 đất của ông Võ Chánh, tại tổ 5 KP.Tân Bình, P.Tân Bình, TP.Đồng Xoài, khiến ông này cũng… tự sát. Về vụ án này, người dân địa phương cho rằng, bản án sơ thẩm và phúc thẩm không khách quan, không đúng với thực tế sử dụng đất của nguyên đơn lẫn bị đơn. Đoàn thanh tra cũng đã từng kết luận, diện tích đất mà tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm tuyên buộc vợ chồng ông Võ Chánh trả cho vợ chồng ông Lê Quang Dinh thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Chánh mua của ông Bùi Lũy từ năm 1999.[1]

Trường hợp như ông Lương Hữu Phước không phải là hy hữu

Ngày 16/6/2001, tại phiên tòa phúc thẩm ở Ninh Thuận, bà Lê Thị Thúy Loan 27 tuổi, đã uống thuốc sâu tự tử. Trước khi chết, bà Loan nói “Tôi đã uống thuốc sâu để bảo vệ danh dự của tôi”. Đợi khi phiên tòa kết thúc gia đình mới được phép đưa bà Loan đi cứu chữa nhưng đã muộn.[2]

Sau cái chết của bà Lê Thị Thúy Loan, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã liệt kê ra 12 sai phạm lớn của Tòa án Ninh Thuận. Ông thẩm phán Nguyễn Đức Sáu cho rằng cái chết của bà Lê Thị Thúy Loan “là bài học xương máu cho ngành tòa án”.

Cựu cán bộ công an, ông Huỳnh Văn Tới (SN 1944, ngụ TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đi kêu oan suốt hơn 20 năm sau khi đã thụ án tù. Tại phiên tòa do TAND tối cao TP.HCM xét xử lưu động tại Bạc Liêu, ông Tới cũng đã đứng trước vành móng ngựa mổ bụng kêu oan. Tôi nghĩ “nếu chỉ kêu oan thì chẳng có ai tin, mình phải lấy tính mạng ra đánh đổi mới còn chút tia hy vọng lấy lại được danh dự, sự công bằng”, ông Tới nói.[3]

Ngày 02/7/2018 ông Bùi Hữu Tuấn 58 tuổi, cựu trưởng thôn Đạo Ngạn (Hợp Đồng, Chương Mỹ, Hà Nội) đã tự thiêu tại cổng trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, Quang Trung, Hà Đông) để phản đối bản án phúc thẩm số 98-2018/HSPT ngày 07/3/2018 của TAND TP Hà Nội.[4]

Còn đây là những cái tên đã từng rất quen thuộc với dư luận: Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Bùi Minh Hải (Đồng Nai), Nguyễn Minh Hùng (Tây Ninh), Trần Văn Chiến (Tiền Giang), ... Họ đã không chọn lấy cái chết oan ức mà chấp nhận ngồi tù hàng chục năm dù không phạm tội, với niềm tin công lý rồi sẽ đứng về phía mình, dẫu có muộn màng.

Ông Lương Hữu Phước có bị oan?

Vấn đề đặt ra và đang đẩy dư luận thành hai phía đối lập nhau là: Ông Phước có bị tòa xử oan không?

Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017: “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác".

Đối chiếu với nội dung nêu trong bản án, ông Phước sang đường thiếu quan sát, trong người có nồng độ cồn vượt mức cho phép, nên có thể bị truy tố ở khung 3 đến 10 năm tù nhưng tòa xử mức thấp nhất 3 năm tù. Như vậy có thể nói ông Phước không bị xử oan.

Tuy nhiên, ông Phước lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Người tông vào xe ông Phước là anh Lâm Tươi không có giấy phép lái xe, nồng độ cồn rất cao, và có khả năng tốc độ cũng vượt quá mức cho phép nên cú tông mạnh khiến người ngồi sau xe ông Phước là ông Quý tử vong tại bệnh viện hai ngày sau vụ tai nạn. Điều đáng quan tâm ở đây là, Lâm Tươi không bị khởi tố mà chỉ bị tòa xử phạt hành chính 4,5 triệu đồng.

Báo chí đã mổ xẻ những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của tòa cấp sơ thẩm. TAND tỉnh cũng từng tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại do "có nhiều thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng tố tụng". (Mời xem thông tin tại đây: - https://vnexpress.net/lat-lai-vu-an-vi-pham-giao-thong-cua-ong-luong-huu-phuoc-4107754.html; - https://phunuvietnam.vn/bi-cao-nhay-lau-tu-tu-tai-toa-cap-so-tham-tung-vi-pham-nghiem-trong-thu-tuc-to-tung-20200530162327898.htm?fbclid=IwAR2aau-qV-xnpNyg_U01C6iQUFodV5ZGPO-49MtCQgVZsJGFpPRXpCh5cFQ; - https://nld.com.vn/ban-doc/vu-nhay-lau-tu-tu-sau-khi-nghe-tuyen-an-o-binh-phuoc-nhieu-cau-hoi-can-loi-giai-dap-20200530133219657.htm).

Có thể ông Lương Hữu Phước tự tử không phải vì án tù 3 năm. Ông tự tử vì lẽ khác. Nếu các quan tòa từ bậc sơ thẩm đến phúc thẩm đều công tâm, xét xử có lý có tình thì có thể áp dụng mức dưới khung, hoặc án treo đối với ông Phước là thỏa đáng. Tai nạn xảy ra không chỉ ông Phước có lỗi, anh Lâm Tươi cũng phải được chia sẻ trách nhiệm. Và như thế thì bản án sẽ có sức thuyết phục hơn, chắc chắn không gây bức xúc dẫn đến cái chết đau xót của nạn nhân.

Tai nạn giao thông xảy ra, người trong cuộc không ai mong muốn. Nó chỉ là một phút lỡ lầm, rủi ro; không phải là hành vi chủ động, tàn ác, nham hiểm; không có tính toán, động cơ gì, nhưng phải trả giá bằng 3 năm tù là nặng nề.

Trong dư luận có người đặt vấn đề, hoàn cảnh bị cáo quá khó khăn, cùng kiệt. Phải chăng vì thế mà ông Phước không có gì để mà "thưa chuyện", 'trình bày"; cũng không thể cậy ai "a lô” giúp? Nghi vấn của dư luận không phải không có lý bởi mâu thuẫn từ việc tòa phúc thẩm lần 1 hủy án sơ thẩm, yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại do "có nhiều thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng tố tụng" nhưng rồi phúc thẩm lần 2, TAND tỉnh Bình Phước lại tuyên y án sơ thẩm.

Ông Lương Hữu Phước đã luôn kêu oan nhưng ở tòa nào ông cũng rơi vào vô vọng, chỉ có cái chết mới minh oan được cho ông.

Nhưng liệu cái chết đau xót ấy có “thức tỉnh được nền tư pháp” như ông hy vọng, khi mà ngành Tòa án đã từng phải “vơ vét” để có đủ thẩm phán khiến cácđại biểu QH nghi ngờ: Chất lượng thẩm phán như vậy thì làm sao tránh khỏi án oan sai?[5]

31-5-2020

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1]. https://thanhnien.vn/thoi-su/tham-phan-tham-gia-xet-xu-2-vu-an-2-nguoi-deu-tu-sat-noi-gi-1231403.html

[2]. https://vnexpress.net/12-sai-pham-trong-vu-bi-cao-tu-tu-tai-toa-2011810.html

[3]. https://baophapluat.vn/phap-luat/cuu-can-bo-ca-mo-bung-keu-oan-giua-phien-toa-234618.html?fbclid=IwAR1Buxbe_0y5H-Tn_VlYLD0PKvSCxEGtEnqykPj1aUdhceH_dXel5JTeJbE

[4]. https://plo.vn/thoi-su/cong-an-ha-noi-thong-tin-vu-nguyen-truong-thon-tu-thieu-779928.html

[5]. https://tuoitre.vn/vo-vet-de-co-du-tham-phan-174877.htm

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450165

Hôm nay

2197

Hôm qua

2274

Tuần này

21710

Tháng này

216424

Tháng qua

120141

Tất cả

114450165