Diễn đàn

Đền Quận xã Thanh Khê thờ ai?

                     

Đền Ba Ông Quận xã Thanh Khê được trùng tu năm Kỷ Mão  - 1999

“Dụ tượng Đặc tiến Phụ quốc Nhị triều, đắc thưởng Quận: Duệ Quận công/Chiêu dân lập ấp, bốn phương theo về phụng tự Tối linh tôn thần

Ấy là hai câu viết bằng chữ Nôm ở mặt trước hai trụ chính Tam quan Đền Ba Ông Quận (xã Thanh Khê) - nói lên công tích Đậu Duệ quận.                                             

Hai câu trên khớp với sự tích có trong chương Nhân vật chí, sách Thanh Chương huyện chí (TCHC) I: “Khi hai con ông: Thạc, Cối đã trưởng thành, Đậu Duệ quận lên tuổi 70. Dưới triều Lê Đức Long (1621-1634), Ông xin về nghỉ và khai khẩn trang Đại Bàng, cổ hiệu Cửu Trang (9 trang). Có chỉ triều đình chấp thuận, Ông mộ quân thủ hạ Bắc thành, trên 100 nhà đi theo. Họ được chia ruộng đất, cấp nông cụ lập nên 9 trang gồm: Tảo Nha, Bàu Quan, Sài Đại, Ruộng Na, Bến Lở, Bạch Thạch, Lai Nhạ, Mộ Vịnh, Chi Quân” (Nay là các xã từ Thanh Hương tới Thanh Chi, hữu ngạn Thanh Chương).

“Hai người con ông đều là võ tướng được phong tước Quận công cùng giỏi nghề dụ dỗ voi rừng. Dưới thời Lê Đức Long  - Dương Hòa (1620-1634 ), hai anh em phụng chỉ triều đình, về chốn đại ngàn Trung Lâm đào hố bẫy voi đưa về cống nạp...” (Sách TCHC II)                            .                                                                   

Tri ân công đứcngười có công lao phù quốc hộ dân mở mang cơ nghiệp, cư dân sở tại đã lập Đền thờ Đô đốc Duệ Quận công. Về Di chỉ này, Sắc chỉ có nhiều, song do biến động của lịch sử và ý thức của con người nên phần lớn những Di sản ấy ở Thanh Chương nói chung và tổng Võ Liêt cũ nói riêng hầu như đã mất gần hết. Tuy nhiên, gần đây ở Thanh Khê, ông Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh Khê, nay là Trưởng ban Quản lý Đền Ba Ông Quận Thanh Khê đang lưu giữ được 55 đạo. Trong đó, hầu hết là của các Đền Thành hoàng làng thờ các vị Thiên thần; Riêng có 2 đạo về Đền thờ Nhân thần Đô đốc Duệ Quận công, sau đây:

Đạo thứ I: Duy Tân năm thứ 3 (1909)

Sắc phong cho 5 thôn Bão Đức, Thanh Chử, Na Điền, Thịnh Đại, Lai Nhạ cùng phụng sự vị thần Lê triều Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Hữu phủ Đô đốc Hùng nghị Duệ Quận công Đậu Tướng công, nghiệm có linh ứng. Nay thừa theo Mệnh sáng nhớ tới công tích của thần, phong là vị thần Dực bảo Trung hưng Linh phù và chuẩn cho phụng sự như mấy lâu nay. Thần cùng giúp rập bảo hộ dân ta. Hãy vâng mệnh.

Duy Tân năm thứ 3 ngày 11 tháng 8. Sắc mệnh. Chi bảo

                            

Sắc phong cho 5 thôn ở tổng Võ Liệt phụng sự Đô đốc Duệ Quận công

Phiên:

Sắc Nghệ An tỉnh, Thanh Chương huyện, Võ Liệt tổng Bão Đức Thanh Chử Na Điền Thinh Đại Lai Nhạ Ngũ thôn đồng phụng sự Lê Triều đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân Hữu phủ Đô đốc Hàng nghị Duệ Quận công Đỗ Tướng công chi thần, nắm trữ linh ứng, Tứ kim phi thừa cảnh mệnh miên niệm thần hưu Trứ phong vi Dực bảo Trung hưng linh phù chi thần chuẩn kỳ phụng sự thứ kỷ. Thần kỳ tương hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai.

                              Duy Tân Tam niên Bát nguyệt Thập nhất nhật.

Đạo thứ II: Khải Định 9 (1924)

Sắc phong cho thôn Bão Đức, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An theo như trước thờ vị thần: Nguyên tặng Dực bảo Trung hưng Linh phù Bản cảnh Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến phụ quốc Thượng Tướng quân Hữu phủ Đô đốc Duệ Quận công Thượng trụ quốc Đậu Tướng công đã có công lao hộ quốc giúp dân nghiệm có linh ứng, từng được ban cấp Sắc phong chuẩn cho phụng sự. Nhân Trẫm Tứ tuần đại khánh, dịp ban bảo chiếu đàm ân, lễ long trọng nâng bậc, nay gia tăng là vi thần Đoan túc, đặc chuẩn phụng sự để nhớ ngày quốc khánh, thờ theo điển lễ.                                                                  

                           

                                                      Sắc phong thôn Bão Đức phụng sự thần Đô đốc Duệ Quận công

 Phiên:

Sắc Nghệ An tỉnh, Thanh Chương huyện, Bão Đức thôn tùng tiền phụng sự Nguyên tặng Dực bảo Trung hưng Linh phù Bản cảnh Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến phụ quốc Thượng Tướng quân Hữu phủ Đô đốc Duệ Quận công Thượng trụ quốc Đậu Tướng quân tôn thần hộ quốc tỷ dân nắm trữ linh ứng Tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban Bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật trứ gia tăng Đoan túc tôn thần đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển Khâm tai.

       Khải Định Cửu niên Thất nguyệt Thập ngũ nhật.

                                                                          (BVC phiên và dịch)

                  

Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh Đền thờ Quận công Đậu Bá Toàn, tại xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương

Sử sách, Sắc chỉ ghi nhận thế; Câu đối cổng Đền nêu rõ thế; Sự thực hiển nhiên như thế. Thế mà, Bằng Công nhận là Di tích LSVH cấp tỉnh (một ở xã Thanh Hà và một ở xã Thanh Khê huyện Thanh Chương) lại không phải vậy, mà cả hai Đền đều thờ Ngài Đậu Bá Toàn, con cụ Đậu Bá Tuấn, người xã Như Kinh, huyện Gia Lâm, xứ Kinh Bắc, dưới triều Lê Dụ Tông (1706-1727)  sinh năm Canh Tý (1720) với công tích đã đóng góp quân lương cho Hoàng đế Quang Trung tiến ra Bắc đánh đuổi quân Nhà Thanh và chiêu dân lập nên vùng Cửu Trang ở huyện Thanh Chương.

(Nguồn tư liệu: 1. Đền Đậu (xã Thanh Hà Thanh Chương) - “btxvnt.org.vn ngày 26/8/2018” và 2. Đền thờ Quận công Đậu Bá Toàn ở xã Thanh Khê - Trang báo Điện tử Truyền hình Nghệ An ngày 16/4/2011).

Và theo Tư liệu Khảo sát của Hội Dân gian Đông Dương thuộc Bộ Giao dục - Chính phủ Hoàng gia An Nam tiến hành vào năm 1937, bản viết bằng Tiếng Pháp,(1) mang Mã: FQ4048/ML ở Mục 4, do thầy giáo Nguyễn Trọng Viêng - Hiệu trưởng Trường Bích Thị ghi nhận: Làng Quảng Xá tổng Võ Liệt (nay thuộc xã Thanh Hà) thờ vị Nhân thần Đậu Văn Toàn và Mục 5, do thầy Phan Văn Chính ở Chi Nê ghi nhận: Làng Bảo Đức, tổng Võ Liệt (nay thuộc xã Thanh Khê) thờ vị Nhân thần Đậu Toàn (2) (Tư liệu do Trung tâm KHXHNV Nghệ An sưu tầm và tổ chức biên dịch).                                                        

Còn có tư liệu ghi rằng: Khoảng đầu TKXV, một số người họ Đậu từ Thanh Hóa kéo vào Nghệ An lấy vùng Chung Cự, Hồ Liễu ở Nam Đàn sinh sống. Sau rồi vì lý do nào đó, họ lại kéo lên vùng đất nay thuộc các xã Thanh Khê, Thanh An, Thanh Chi… khai hoang lập trại, an cư lạc nghiệp... Mộ tổ họ Đậu hiện ở Rú Lâm, làng Chi Nê (xã Thanh Chi). Đó là mộ ông Đậu Tuấn (tr323), người có công chiêu dân lập ấp để con cháu mình khai phá lập ra nhiều xóm ở vùng này…(3)                

Một vùng đất, ba thời kỳ, mang đậm ba dấu ấn lịch sử của triều Nhà Lê (1428-1789), gắn với tên tuổi và sự nghiệp ba nhóm nhân vật có công với nước và lập nên cơ nghiệp ở vùng đất trù phú này. Ấy là niềm vinh hạnh lớn và là niềm tự hào của dòng họ Đậu đậm tố chất võ dũng trên đất Thanh Chương..

   

 Án Đậu thị phụ tử huynh đệ đồng thời hiển đạt Tr 62 b, TCHC bản chữ Hán

Trong đó, người đầu tiên đặt chân tới vùng này lập nghiệp phải kể đến là cha con cụ Đậu Tuấn từ đầu TK15, đã cùng Nghĩa quân Lam Sơn từ Thanh Hoa  vào Thanh Chương lập cứ địa. Khi đất nước đại định, cha con Cụ lại về đây dựng chốn sinh cơ. Từ ấy về sau, con cháu càng ngày phát triển. Song, do  tác động của thiên nhiên cùng mọi diễn biến của lịch sử, nơi đây đã trở thành hoang phế, cư dân tụ tán thất thường. Gần hai thế kỷ sau, tương ứng với 10 thế hệ, miêu duệ của cụ Đậu Tuấn, những chồi rễ trường tồn đã thành cư dân bản địa, nổi lên ba cha con Duệ Quận cùng công tích đã được ghi vào sử sách (Chương: Nhân vật chí, mục Võ quận, sách TCHC). Phải tới hơn một trăm năm sau đó, từ Kinh Bắc, cha con cụ Đậu Bá Toàn, vốn là võ quan của triều đình Lê - Trịnh vào Nghệ An dẹp giặc, được giao trấn thủ đất Thanh Chương. Đậu Bá tiên sinh cũng chiêu dân kiến ấp ở miền sơn cước, hữu ngạn Thanh Chương. Khi Hoàng đế Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh tiên sinh đã ủng hộ lương thảo cho quân đội Tây Sơn… Khi các vị qua đời được lập đền thờ phụng. Vậy:

(1) Đền Đậu ở Thanh Hà thờ Đậu Quận công Đậu Bá Toàn thuộc dòng Võ quan từ Kinh Bắc tới;  

(2) Đền Quận ở Thanh Khê phải tính đến việc phụng thờ Ba Ông Quận có nguồn gốc từ Thanh Hoa tới, từ hàng trăm năm trước!

 Việc dựng đền thờ phụng các vị có công, các vị thần linh, là thiên thần hay nhân thần đều có thể, một vị được thờ ở nhiều đền trên nhiều sở và nhiều vị thần linh thờ chung trong một đền. Đó là hiện tượng phổ biến vốn có ở vùng này 

Và, khi truy nguyên được công tích của đấng Tiền nhân từ thuở Lê Sơ, đã về đây lập cứ thì việc tôn ba anh em cụ Đậu Tuấn, nguyên thủy Tổ họ Đậu trên đất Thanh Chương về thờ chung tại ngôi Đền này là điều hợp đạo lý xưa nạy. Và từ đó nâng vị thế, lưu giữ được hồn cốt của di sản.  

          Muôn thuở lưu danh Tiên Tổ Đậu    

           Chiêu dân lập ấp Cửu Trang xưa  

Sau đây là một số tư liệu lịch sử và ‘Dã sử’ trong Gia tàng họ Đậu Thanh Khê, xin được nêu lên, nhằm cung cấp thêm một số thông tin để bạn đọc tham khảo tìm hiểu rõ thêm công tích các Đậu Quận công đã được tôn thờ trên đất  Thanh Khê, Thanh Chương.

1. Minh Quả Đậu Duệ quận

Minh Quả xã Đậu Duệ quận, tr 60b, bản chữ Hán TCHC

Đậu Duệ quận, tên: Khuê - Truyện rằng: mẹ ông góa bụa từ thời còn trẻ, lấy nghề bán củi kiếm ăn. Một hôm gánh củi qua bờ Bắc, tới chợ Ngọc Sơn, ra giữa dòng thuyền bị chìm. Bà dạt vào bến chùa Anh Minh ở núi Long Lĩnh, Bích Triều. Vị sãi chùa vớt lên, giao cho người khiêng củi trông coi, chưa kịp mai táng, kiến đã đùn lên vùi thành mộ, ngày càng to cao(4). Thời ấy, Đậu Khuê còn nhỏ, chưa biết gì. Ông cậu đưa về nuôi vừa lớn lên, đi chăn trâu cho nhà ông cậu. Mỗi lần ra đồng cỏ, Khuê thường bày trò chơi đánh trận. Cưỡi trâu làm voi, bẻ cành lá làm tán, chia chúng bạn mục đồng làm tả hữu hai cánh, kéo quân dong ruổi. Ông cậu biết chuyện ra roi. Đau vì roi vọt, Khuê bèn xin cậu sang bờ Bắc làm con nuôi, lo củi nước cho một bà già. Thấy linh lợi, những lúc rỗi, bà cho ra bãi tập để xem. Thích quá, Khuê về xin tiền ra điếm cắt tóc, theo đô quân học võ. Nổi tiếng giỏi võ, quan cai đội hỏi: Xin mời thử một trận được chăng? - Vâng!

 - Với cặp thứ 3 của ta? - Không!

 - Với cặp thứ 2 của ta? - Không!

 - Với cặp thứ 1 của ta? - Không!

- Đấu với ta chăng? Không dám, chỉ xin thử sức.

 Mới vào hiệp đầu đã thắng áp đảo, người xem reo mừng, tiếng thấu vào ngự sở. Ông được đặc cách giao giữ chức Quản đô quân sự.

 Dạo ấy, có dịp nghỉ ngơi, voi sổng phá phách quán xá phố chợ, mang cáo móc “phong thụ”, tục gọi “bảng vàng”, đi lại ngang nhiên, phố phường khổ vì nó. Triều đình đã cho người chế dụ nhưng không được. Ông bèn tự nhận việc về mình. Khi ông mang dao, búa, “phong thụ” đứng đón, voi tiến lại. Ông ngồi lên lưng voi, búa chạm lên đầu, dao dí lên lưng, tiến thắng vào cửa phủ. Ông được ban tước hầu, trực thuộc Thái úy Trưởng quốc công Trịnh Tùng, đánh Mạc.

Lại có lần, trong hàng quân, voi sổng chạy. Quân Mạc bắt được. Ông phải trá hàng, sang dụ voi về. Ông được phong Hữu phủ đô đốc Duệ quận công, ở lại kinh thành, theo chức tước vào chầu.

Khi hai con ông: Thạc, Cối đã trưởng thành, ông lên tuổi 70. Dưới triều Lê Đức Long (1621 - 1634), ông xin về nghỉ và khai khẩn trang Đại Bàng (cổ hiệu Cửu Trang), lập trại khai hoang - có chỉ của triều đình chấp chuẩn, ban thưởng vàng 100 cân. Về nghỉ hưu với tước Quận công, lưu hai chữ “phụng thị” (về hưu nhưng vẫn được phép vào chầu).

Ông về mộ quân thủ hạ Bắc thành đi theo trên 100 nhà, chia ruộng, cấp nông cụ, trâu bò cày, lập nên 9 trang: Tảo Nha, Bàu Quan, Sài Đại, Ruộng Na, Bến Lở, Bạch Thạch, Lai Nhạ, Mộ Vịnh, Chi Quân. Hàng ngày cưỡi voi đi xem xét gia nhân canh tác.

Hưởng thọ 80 tuổi.

Thạc Quận công và Cối Quận công, hai con trai của ông đều là quản tượng, là hai vai gánh vác, phụng sự sơn hà, rất được mến chuộng.

Thời Lê Đức Long - Dương Hòa (1629 - 1643), phụng chỉ về dụ voi rừng, cho đào hố bẫy, đem về cống nộp.

Cả hai đều là võ thần, được phong tước Quận công.

Thạc Quận sinh: Tả tướng cơ Kiên Dũng hầu, Đức Nhuận;

Cối Quận sinh: Hoan Võ hầu, Ngọc Quỳnh. Cha con, anh em họ Đậu đồng thời hiển đạt, sự nghiệp kỳ trác. Người ta bảo, họ được ngôi mộ thiên táng ở núi Long Lĩnh Duệ quận đã có công lập nên 9 trang nhưng không có quan tịch. Ấy là cái lỗi hiếu dũng mà bất học vậy.(5)

II. Dã sử

Tương tự như TCHC đã ghi, con cháu họ Đậu Thanh Khê còn truyền tụng câu chuyện mang đậm tính dã sử:

“...Ở vùng Thanh Khê, một gia đình họ Đậu có3 anh em, mồ côi cả cha lẫn mẹ, cả 3 anh em đều rất khỏe và thương yêu nhau. Người anh cả thời đó đã sang tuổi 18, làm nghề vặt vãnh ở chợ và gánh hàng cho một nhà buôn. Một hôm, sau khi xong việc, anh đi xem đấu vật do nhà Vua tổ chức để chọn người khỏe, người tài ra giúp nước. Khi anh đến thì cuộc đấu đã đi đến hồi kết vì đã chọn được người vô địch. Chủ khảo hô có ai giám đấu với đô vật này không, nếu thắng sẽ được giải nhất và được phong tước         Quận Công. Vốn rất khỏe, tự tin và có phần hơi liều, người anh cả quyết đấu. Sau vài ba hiệp đấu, nhằm khi đối phương chủ quan sơ hở, anh đã quật ngã, bẻ gãy cổ đô vật đó và thế là anh chiến thắng, trước sự ngượng mộ của dân làng. Sau khi nhận tước phong anh được bổ nhiệm trấn thủ ở một vùng biên ải xa xôi, lập được nhiều chiến công hiển hách.

Một lần,Vua có con voi trắng một ngà xổ chuồng, rất hung dữ. Nó đã quật chết rất nhiều người nhưng không ai quản được. Vua ban chiếu nếu ai quản được voi dữ này phong cho 3 đời làm Quận công. Nhiều người đã thử vận may nhưng chỉ nhận về cái chết thê thảm. Dân làng vô cùng lo sợ vì số người chết càng ngày càng nhiều. Trước tình thế đó, Vua cho gọi anh chàng Quận Công trẻ tuổi đang trấn ải biên cương về.

Từ biên cương trở về lòng đầy lo âu, chưa kịp chào hỏi dân làng anh đã phải đến hiện trường nơi con voi dữ đang hoành hành, phá phách, gây chết chóc...Khi anh đến, như có phép màu, con voi ngoan ngoãn cúi đầu quì xuống để anh dẫn về chuồng, trước sự kinh ngạc của mọi người.

 Thực hiện lời hứa, Vua vời đến ban thưởng và phong cho 3 đời con cháu làm Quận Công. Người Anh đã cúi đầu cảm tạ nhưng lại xin được phong cho cả 3 anh em cùng nhận tước Quận Công cùng một lần. Nhà vua chấp thuận.

 Khi cả 3 anh em nhận tước phong, mỗi người được giao trấn giữ những vùng hiểm yếu. Sức mạnh của dòng họ, của ba anh em được nhân lên gấp bội. Họ mở lò rèn khí giới, đúc tiền ở xã Thanh Thịnh, lò luyện sắt thép chế biến nông cụ vật dụng tại Bến Quan xã Thanh Chi, xưởng kéo vàng tại xã Thanh Khê. Dân làng no đủ, thanh thế lừng lẫy. Một số quan trong triều đố kỵ, ghen ghét dèm pha tâu Vua là 3 anh em có ý làm phản. Vua giáng chỉ khép tội, anh em họ Đậu tan tác mỗi người mỗi ngả, rời bỏ quê hương bản quán để tránh nạn.Hai mươi năm sau họ được giải oan, nhưng con cháu họ Đậu đã di tán khắp nơi, đến nay người gốc tại đấy chỉ còn gia đình ông Đậu Đức Loan.

Về Đền thờ:…Ông cụ cònkể, trên con đường ven sông Rỗ từ Bàn Thạch xuống Mô Vĩnh, có một ngôi đền nhỏ không biết thờ ai, nhưng nghe nói rất linh thiêng, ai đi qua đều phải ngả nón mũ chào. Có một lần, một người chức sắc to nhất vùng cưỡi ngựa đi qua không thèm xuống ngựa và ngay lập tức cả người ngựa đều bị ngã gãy chân…(Theo Hồi ký trong Gia tàng của Đậu Quang Hải).

 

 

 

 

1 & 2: Bão Đức (抱德), trong các thư tịch Sắc chỉ của Đền chưa thấy ghi là Bảo Đức (保德) (ND)

3. Bài Bước đầu tìm hiểu về dòng văn hóa họ Đậu ở Thanh Chương Nghệ An của Họa sĩ Trần Nghiên, Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An - Tháng 2/1997 (tư liệu do Đậu Quang Hải, hậu duệ của họ Đậu Thanh Chương, quán xã Thanh Khê sưu tầm cung cấp)...

4. Thời gian gần đây, dân sở tại tìm thấy một Gò Cao, các cụ truyền nhau: Đó là Ngội Mộ kết của Bà Mẹ Ông Quận.

5. Sách Thanh Chương huyện chí (bản chữ Hán) do Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Đốc học Nghệ An, chủ biên.

 

                                 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450190

Hôm nay

2222

Hôm qua

2274

Tuần này

21735

Tháng này

216449

Tháng qua

120141

Tất cả

114450190