Diễn đàn

Đền thờ Trần Hưng Đạo - Một vài vấn đề còn bỏ ngỏ

 

Đền thờ Trần Hưng Đạo

Đền thờ Trần Hưng Đạo tọa lạc tại phường Đội Cung, thành phố Vinh - một trong những khu phố sầm uất bậc nhất của thành phố. Đền được khởi dựng từ khá sớm nhưng bị hoang phế do nhiều nguyên nhân, đến năm 2017, mới phục dựng lại và đi vào hoạt động. Cùng với đền Hồng Sơn, đền thờ Hoàng đế Quang Trung, chùa Cần Linh, đền thờ Trần Hưng Đạo là một trong những địa chỉ văn hóa tâm linh thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương, góp phần phát triển kinh tế du lịch, quảng bá hình ảnh của thành phố nói riêng và tỉnh nhà nói chung.

Nhân vật thờ chính tại đền là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, ngoài ra còn phối thờ các vị thần trong hệ thống Trần Triều như Đệ Nhị Vương Cô (con gái Hưng Đạo Đại vương), Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng… Tuy nhiên, xung quanh ngôi đền này, vẫn còn một vài tồn nghi chưa được làm sáng tỏ.

Một là vị trí xây dựng đền

Ít ai biết rằng, nguyên xưa, đền được xây dựng ở vị trí khác, đến năm 1914, Tổng đốc Nghệ An Phạm Liễu mới chuyển đền về vị trí này.

Tài liệu kiểm kê (bản chép tay) năm 1964, lưu tại Ban quản lý Di tích Nghệ An có đoạn viết “Đền này khi trước ở dưới ngân hàng bây giờ (trong thành phố)”. Tuy nhiên, không một ai biết địa danh “ngân hàng” thời điểm đó hiện tại nằm ở khu vực nào? Chưa kể, tất cả các tài liệu có ghi chép về đền cũng chỉ nêu mốc từ năm 1914 trở về sau. Bởi vậy, vị trí của đền trước năm 1914 vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.

Liên quan đến vị trí xây dựng đền hiện tại, dân gian kể rằng: con gái của Tổng đốc Nghệ An Phạm Liễu bị bệnh, đã chữa nhiều nơi không khỏi. Nghe tin đền thờ Trần Hưng Đạo linh thiêng, Ngài đã sắm sửa lễ vật đến xin Đức Thánh phù trợ. Quả nhiên, con gái khỏi bệnh. Để tạ ơn Thánh, Tổng đốc đã xin xây dựng lại ngôi đền thờ tại vị trí mới do vị trí của đền lúc ấy bị ẩm thấp.

Hai là việc Đức Thánh Trần được thờ ở khu vực này

Hiện nay, việc thờ Đức Thánh Trần đã trở nên phổ biến, rất nhiều ngôi đền, đình, thậm chí cả chùa cũng rước Đức Thánh Trần vào phối thờ. Một trong những nguyên nhân, theo người dân đó là sự linh thiêng của Đức Thánh, nơi nào thờ Ngài, nơi đó có sự hiển linh. Bởi vậy, việc thờ Ngài cũng được xem như là một giải pháp để thu hút khách.

Tượng cổ Hưng Đạo Đại vương tại đền thờ Trần Hưng Đạo

Tuy nhiên, trở lại thời điểm Đức Thánh Trần được lập đền thờ tại vùng đất này, với quan niệm “Trống làng nào làng ấy đánh/Thánh làng nào làng ấy thờ”, thì việc một nhân vật được thờ ở địa phương nào cũng đều có lý do, một là liên quan đến địa phương (nơi sinh, nơi mất, nơi rơi giọt máu, nơi có hiện vật... của thần), hai là thần là người nơi khác nhưng có công lao với địa phương hoặc được nhân dân địa phương hóa....

Những vị thần liên quan đến lý do thứ nhất có thể kể đến như: Vua Mai được thờ ở vùng đất Nam Đàn - là nơi sinh, nơi mất của thần; Phan Đà được thờ ở Thanh Chương - là quê hương của thần; Phan Thắng, một vị tướng dưới trướng của Phan Đà - mảnh đất lập đền thờ là nơi rơi ba giọt máu của thần trên đường chạy giặc. Hay như thần Tống Tất Thắng, dù được thờ khá phổ biến ở vùng Chín Nam cũ nhưng tích mỗi nơi một khác. Tích làng Trung Cần nói rằng: Tống Tất Thắng đi đánh trận, chết trên đường trở về ở chân núi Ngũ Nhạc, được nhân dân an táng ở làng Trung Cần và thờ tại đình làng (đình Trung Cần). Còn truyền ngôn của dân làng Dương Liễu lại cho rằng: thần chết ở Vạn Lộc, xác trôi về làng Trung Cần, còn chiếc mũ dạt vào bờ sông Lam, thuộc địa phận làng Dương Liễu nên dân làng Dương Liễu lập đền thờ thần (đền Giáp Bắc). Như vậy, cùng một nhân vật thờ nhưng việc lập đền đã có sự giải thích khác nhau. Tất cả nhằm mục đích tạo cho vị thần có sợi dây liên kết với làng.

Liên quan đến lý do thứ hai, phải kể đến Phùng Hưng - vị thần được thờ nhiều ở vùng Quỳnh Lưu cũ (nay là huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai). Sử sách đều ghi chép: thần quê ở Đường Lâm (nay thuộc Hà Nội), gây dựng sự nghiệp ở Đường Lâm và cũng mất tại vùng đất này, nhưng thần tích ở vùng Quỳnh Lưu lại kể rằng: trong một lầnvào kinh lý ở Hoan Diễn, đến khu vực vùng Kẻ Hà, Kẻ Vân, Kẻ Dòi... thuộc khu vực núi Tùng Lĩnh thấy nhiều thú dữ, nhất là hổ hay bắt gia súc và người, ông đã dừng lại để diệt hổ. Khi đang đánh nhau với một con hổ chưa phân thắng bại thì có 3 con hổ khác xuất hiện. Bấy giờ, sức ông đã kiệt, ông hi sinh khi vật lộn cùng lúc với 4 con hổ, máu ông đã đổ xuống. Bốn con hổ đem thi thể ông đặt tại đỉnh núi Tùng Lĩnh. Nhân dân trong vùng nhớ ơn đã lập đền thờ. Hay như hai vị tướng Đinh Lễ, Đinh Liệt (quê ở Thanh Hóa), được thờ ở một số xã thuộc huyện Quỳnh Lưu là bởi hai ông từng đóng quân, đánh đuổi giặc Minh xâm lược ở khu vực này vào thế kỷ XV. Hoặc thần Triệu Thị Trinh - (cũng là người xứ Thanh) được thờ ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu (đền Phú Phong), bởi thần đã âm phù cho một dân binh trong làng Phú Phong đi đánh giặc, thắng trận trở về, người dân binh đó và dân làng đã lập đền thờ. Một điển hình nữa không thể không nhắc đến, đó là thần Tứ Vị Thánh Nương. Dân làng Phương Cần đã địa phương hóa nhân vật ở phương Nam xa xôi thành Tứ Vị Thánh Nương linh thiêng của mảnh đất này. Dù về sau, thần Tứ Vị Thánh Nương được thờ ở nhiều nơi khác nhưng mảnh đất Phương Cần luôn được xem là nơi phát tích của thần.

Như vậy, rõ ràng, Đức Thánh Trần được thờ ở vùng đất này không phải vì những lý do kể trên. Phải chăng, lúc bấy giờ, tiếng tăm và uy đức của Thần khi còn sống đã lay động được lòng dân cả nước, để người dân gạt đi quan niệm xưa cũ, tôn thờ Thánh như một vị thành hoàng làng. Cũng không loại trừ trường hợp còn có một lý do khác, được ghi chép trong thần tích của đền. Tiếc rằng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thần tích đã bị thất lạc. Bởi vậy, việc Đức Thánh Trần được thờ ở nơi này, vẫn còn là một ẩn số đối với giới chuyên môn và những người quan tâm đến lĩnh vực văn hóa tâm linh./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434748

Hôm nay

219

Hôm qua

2349

Tuần này

21398

Tháng này

211796

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434748