Diễn đàn
Hội nghị, nghị quyết, quyết làm và xét lại nghị quyết
Bốn điều đó liên quan mật thiết với nhau. Mỗi việc có tầm quan trọng riêng. Không có cái trước thì không có cái sau. Xét đến cùng, cái sau cùng là quan trọng nhất.
1. Hội nghị. Tất cả các nước, các chế độ chính trị khác nhau trên thế giới, xưa và nay, ít hay nhiều, đều phải có hội nghị. Hội nghị là bước đi đầu tiên, có ý nghĩa đột phá. Không có hội nghị thì không có nghị quyết, quyết sách, chỉ thị. Có nhiều kiểu hội nghị. Hội nghị toàn thể. Hội nghị đại biểu. Hội nghị thường trực. Hội nghị trực tiếp. Hội nghị trực tuyến. Có nước hội nghị nhiều. Có nước hội nghị ít. Nước ta thuộc loại hội nghị, hội họp nhiều. Nhiều hay ít cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chất lượng, hiệu quả của hội nghị. Chất lượng đó thể hiện qua nghị quyết, chỉ thị, thông báo.
2. Nghị quyết, chỉ thị. Nghị quyết, chỉ thị là kết tinh trí tuệ, bản lĩnh, dân chủ của hội nghị. Trí tuệ, bản lĩnh cao, dân chủ thật sự trong hội nghị sẽ có chất lượng tốt của nghị quyết. Ngược lại, hội nghị không dân chủ, kém trí tuệ và bản lĩnh thì chất lượng nghị quyết thấp. Lịch sử phong trào cách mạng thế giới và Việt Nam từ trước tới nay cho thấy rõ điều này.
Chất lượng chỉ thị, nghị quyết kém thì triển khai trong thực tiễn khó khăn, dẫm chân tại chỗ, có khi thất bại. Điều đó không phải bàn cãi. Ra được nghị quyết, chỉ thị có chất lượng sẽ có cơ hội thực hiện tốt trong thực tiễn.
3. Quyết làm. Nghị quyết phải đi liền với quyết tâm, đồng tâm và tín tâm. Nghị quyết, chỉ thị là bước khởi đầu rất quan trọng. Nhưng không có biện pháp tốt, quyết tâm cao, đồng tâm nhất trí và tín tâm thì nghị quyết, chỉ thị hay đến đâu cũng chỉ là tờ giấy. Bác Hồ nói nhiều về mối quan hệ giữa chỉ tiêu 1 - biện pháp 10 - quyết tâm 20. Chỉ tiêu là những gì nêu trong nghị quyết, chỉ thị. Nhưng không có biện pháp, cách thức làm việc khoa học thì không thể đạt được chỉ tiêu. Có biện pháp hay nhưng thiếu quyết tâm thì khi thực hiện gặp khó khăn dễ chùn bước, thụt lùi. Bác cũng đề cập mối quan hệ giữa chỉ tiêu - quyết tâm - đồng tâm - tín tâm.
Tóm lại, kết quả, hiệu quả, chất lượng công việc tùy thuộc vào mối quan hệ mật thiết giữa các khâu mắt xích với nhau. Thiếu và yếu một khâu nào thì không những không có kết quả, hiệu quả, chất lượng mà còn thất bại. Thực tế 90 năm qua, đặc biệt gần 35 đổi mới, cho ta thấy rõ cả ba phương diện: 1. Không ra được nghị quyết, chỉ thị có chất lương khoa học, cách mạng thì không nói gì đến thành công; 2. Nghị quyết, chỉ thị chỉ đem lại kết quả có chất lượng tốt, hiệu quả cao khi được triển khai bằng quyết tâm, đồng tâm, tín tâm và phương cách khoa học; 3. Nghị quyết hay, cần thiết, nhưng không có quyết tâm, đồng tâm, tín tâm và giải pháp khoa học thì khó thành công hoặc không thành công.
Chúng ta đã làm được nhiều việc, đạt được những thành tựu to lớn là nhờ sự kết hợp chặt chẽ các khâu. Những sai lầm, khuyết điểm có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến các khâu nêu trên thiếu, hoặc yếu.
4. Xét lại nghị quyết, chỉ thị. Ý này là trong di sản của Bác Hồ. Năm 1947, khi viết về sửa đổi lối làm việc, bàn về 12 điều của một đảng chân chính cách mạng, Người viết về điều 12, đại ý: Đảng, Chính phủ phải thường xuyên xét lại nghị quyết, chỉ thị của mình đã thi hành thế nào, nếu không thế thì chỉ là lời nói suông, không những không có kết quả, mà còn hại đến lòng tin của dân chúng. Một đảng chân chính cách mạng muốn được vững bền thì 12 điều không được quên điều nào.
Trên thực tế đây là điều có ý nghĩa quyết định. Bởi vì, theo quan điểm của Bác, ra được nghị quyết có chất lượng là việc làm có ý nghĩ quan trọng hàng đầu, nhưng điều có ý nghĩa quyết định nhất là đưa được nghị quyết, chỉ thị vào cuộc sống, vào thực tiễn.
Đưa nghị quyết, chỉ thị vào thực tiễn thì phải kiểm tra, xem xét, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thi hành nghị quyết, chỉ thị đó kết quả thế nào, có thuận lợi, khó khăn gì? Nghị quyết, chỉ thị đó có hợp thực tế không? Có phản ánh đúng nguyện vọng chính đáng của dân chúng không? Có được dân chúng đồng lòng, ủng hộ không? Cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh, giải pháp để triển khai nghị quyết không? Kết quả, chất lượng, hiệu quả đó thi hành đến đâu? Được bao nhiêu phần trăm? Những gì không thực hiện được? Nguyên nhân không thực hiện được? Ai chịu trách nhiệm? Xử lý thế nào? v.v... Không làm tốt các điều đó thì đúng như Bác nói các chỉ thị, nghị quyết đó chỉ là lời nói suông, không những không có kết quả, mà còn hại đến lòng tin của dân chúng. Cái sai cứ lặp đi lặp lại.
Thực tiễn vừa qua bên cạnh những gì chúng ta làm được, làm tốt, còn khá nhiều việc ta chưa hiểu thấu và không làm đúng lời Bác. Xin nêu một vài ví dụ:
- Ta có nghị quyết, chỉ thị, thông báo về nghỉ hè của học sinh từ ngày 15-7 và khai giảng năm học mới 2020-2021 từ ngày 5-9. Trong thời gian nghỉ hè tuyệt đối không được dạy thêm, học thêm dưới bất cứ hình thức gì. Chỉ thị như vậy nhưng nhiều nơi cứ dạy thêm, học thêm, có sao đâu. Đúng là chỉ thị không được kiểm tra, xem xét, đánh giá nên chỉ là lời nói suông, ai muốn làm gì thì làm. Chỉ thị không có kết quả, lại gây mất lòng tin của nhân dân. Vấn đề là ai chịu trách nhiệm? Không có ai. Đã có quyết định (QĐ 2084/QĐ-BGDĐT) năm học 2020-2021 nghỉ hè ba tháng, mà tình trang này lại cứ tiếp diễn như nhiều năm qua thì nguy quá.
- Ta có chỉ thị, thông báo về việc đảm bảo vận tải đường hàng không đúng giờ, không trễ, không bỏ, không dồn chuyến. Nhưng rồi chuyện bỏ chuyến, dồn chuyến, không đúng giờ diễn ra như cơm bữa. Không ai kiểm tra, xem xét, đánh giá. “Thượng đế” đi tàu bay chịu hậu quả. Mất lòng tin quá. Không ai chịu trách nhiệm. Cứ thế, chuyện xảy ra hết ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.
- Ta có nghị quyết, chỉ thị về bảo đảm môi trường trong sạch. Nhưng rồi rác chồng rác, nước thải chảy ra sông vô tư. Nước máy bẩn. Nhiều năm như vậy. Không xem xét việc sai đó ai làm, ai chịu trách nhiệm?Không ai chịu trách nhiệm, nhưng người dân chịu hậu quả nặng nề.
- Ta có chỉ thị, quyết định về cấm khai thác cát ở các dòng sông, nhưng rồi câu chuyện khai thác cát cứ diễn ra năm này qua năm khác như không có chuyện gì xảy ra. Người dân hỏi: hệ thống chính (Đảng, chính quyền, các bộ phận chức năng chịu trách nhiệm về việc này) nằm ở đâu? Vậy là các chỉ thị chỉ là lời nói suông.
Còn nhiều vấn đề khác như công tác cán bộ, thực hành dân chủ cơ sở, chống quan liêu, lãng phí, v.v... không thể nêu hết trong một bài viết.
Xem thế mới thấy hội nghị, nghị quyết, quyết làm đều cần thiết, nhưng quan trọng nhất là xét lại nghị quyết, chỉ thị qua việc đánh giá, xem xét, kiểm tra, kiểm điểm, rút kinh nghiệm những việc làm theo nghị quyết, chỉ thị như thế nào, để thành công thì phát huy, khuyết điểm thì khắc phục; xem xét xử lý kỷ luật những người, cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm. Không làm được như thế nên nhiều chuyện hàng chục năm vẫn tiếp diễn mà cứ vô tư tồn tại. Và dân chúng là người chịu hậu quả.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528564
2220
2291
2837
215260
0
114528564