Đất Nghệ

Đức ngài Cao Quýnh với những điểm nhìn của văn hóa dân gian

 

Bia đá tại nhà thờ Cao Quýnh

Trong tâm thức của người dân Phủ Diễn (Diễn Châu - Nghệ An), thì vùng này có hai con rồng: Thủy Long là Bùng Giang, phát tích từ tây Yên Thành, đổ ra lạch Vạn và địa long là dải Bạng cáp sa (dải gò sò Long Cương) kéo dài hơn chục cây số, từ núi Mộ Dạ (nơi thờ Đức vua An Dương Vương) đến tận cầu Bùng (gần nhà thờ phụ tử Đồng Khoa tiến sỹ Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa). Tới nơi hai con rồng gặp nhau, “hội sinh khí” rồi cùng hòa vào lòng biển mặn; để những cơn gió nồm, suốt cả nghìn năm, hun đúc, tươi tốt cho Phủ Diễn bao tài năng tầm cỡ, để thiên hạ phải ngả mũ kính chào…

Không hiểu sao, trong tôi có một suy nghĩ hơi lạ là hãy hình dung một thủa xa xưa nào đó, cách đây cả vạn năm, bỗng có một cơn địa chấn khủng khiếp, những lớp địa mảng của vỏ trái đất ép vào nhau tạo nên một trận động đất khổng lồ; và, cái vòng xoáy ấy, đã hút sâu vào rốn biển, hốt lên cả tỷ tấn ngao, sò của biển, hàng tỷ sinh linh ấy đã hóa thân thành một con đê kéo dài đến mười lăm, mười bảy cây số, chắn sóng dữ, ngăn lũ nguồn; và hóa thạch thành “dải gò sò Long Cương” vĩ đại và độc đáo nói trên. Đất đau, đất nghịch là đất phát. Nơi phát tích dải sò là bi kịch An Dương Vương phải đau lòng chém con; và ngài hóa thân xuống biển; rồi Hồ Quý Ly khi khai thông kênh nhà Lê cũng phải tàn nhẫn, giết luôn công chúa, con mình. “Hổ dữ cũng không ăn thịt con” nhưng vì đại cuộc, các ngài phải nuốt nước mắt vào trong. Nói như nhà giáo Cao Hồng Thảo là, mảnh đất Diễn Châu này, có lẽ duy nhất trên dải đất chữ S, đã phải chứng kiến bi kịch của hai vua. Mà hình như trên bản đồ địa lý Việt Nam, thì đất Diễn Châu là nơi biển ăn sâu vào, tạo thành cái vụng biển, cái rốn biển của nước Việt. Đau lòng lắm, và cảm thương sao khi cá voi trên thế giới bị truy sát, thì ở Việt Nam ta lại phụng thờ như thần; có những năm, liên tiếp 2 vị cá voi dạt vào Diễn Thịnh, gửi thân nơi mảnh đất đầu sóng; để được nhân dân thờ phụng. Nếu đứng trên dải Long Cương, nhìn về sườn phía Tây sẽ gặp đại tộc văn hóa với những tên tuổi: Hoàng Giáp - Đặng Văn Thụy; Các tiến sỹ Hoàng Kiêm, Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa; nhìn về phía sườn Đông: với Bùi Thế Đạt, Bùi Thế Toại, Cao Quýnh, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Cao Huy Đỉnh… Và trong số đó, có một bậc đại khoa chịu nhiều thiệt thòi hơn, vì tư liệu và trước tác của Ngài, sau biến thiên dâu bể đã thất lạc gần hết; mà con cháu Ngài, như trên chúng tôi đã nhắc đến, có một người là nhà giáo Cao Hoàng Thảo cứ đau đáu chuyện cha ông; và cũng theo những tâm tư của ông tôi mới chắp nối lại phần nào thân thế của Ngài, đó là Thám Hoa - Đông Các Đại Học sỹ Cao Quýnh.

 

Gia phả họ Cao chép: Ngài tên Lô, sinh năm 1439, từ nhỏ đã theo cha ra học ở Quốc Tử Giám. Thân phụ ông là Cao Quang Khải, làm quan thái bảo, một chức dạy học ở Quốc Tử Giám. Cao Quýnh thông minh, mẫn tiệp hơn người. Sách Đại việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 3, tổ chức thi Hội cho các cử nhân cả nước. Bấy giờ có 3.200 người dự thi; lấy đỗ bọn Cao Quýnh; 43 người… Mùa Hạ, tháng 5 ngày 11; vua ngự điện kính thiên, thân ra bài văn sách… ban cho 3 người: Vũ Tuấn Chiêu, ông Nghĩa Đạt, Cao Quýnh đỗ tiến sỹ cập đệ”. Sách Nghệ An ký cho biết: “Ông đỗ hội nguyên thám khoa, khoa Ất Mùi, đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), ông năm đó mới 37 tuổi, vốn tên Lô, sau vua ngự sửa đổi là Quýnh. Ông làm quan đến Đông Các Đại học sỹ”. Như vậy, khoa thi này, Cao Quýnh đậu Hội Nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hội); vào thi Đình ông đỗ đệ nhất giáp tiến sỹ đệ tam danh (tức thám hoa) nhưng rất tiếc về hành tung của ông, sử cũ không ghi lại, trước tác cũng bị thất lạc hết…

Nghiên cứu về ông, thấy có mấy điểm lạ sau nữa: Chức vụ cao nhất - Đông Các Đại học sỹ; hàm tòng Tứ Phẩm. Chức trách: Phàm các bài: Chế, biểu, thơ ca, văn thư đều được phụng mệnh vua để sửa chữa. Về phẩm hàm của ông lại càng độc đáo: Từ chức quan ban đầu - Hàn lâm viện thị chế (Hàm Tòng Lục Phẩm) được thăng lên Đông Các Đại học sỹ (hàm Tòng Tứ Phẩm), tức là thăng 3 cấp (nếu bình thường phải mất 36 năm). Một vị minh quân văn dũng cái thế như Lê Thánh Tông mà chọn Cao Quýnh vào làm “trợ thủ” văn thơ, chiếu biểu cho vua chứng tỏ tài năng, văn chương phải xuất chúng đến bậc nào mới có vinh dự ấy. Vậy mà, tác phẩm nay không còn nữa. Thật đáng tiếc bao nhiêu!

Tiếp đến, về làng khoa bảng xứ Nghệ, Cao Quýnh là người học vị thứ hai, sau Trạng nguyên Bạch Liêu (đậu Trạng nguyên đời Trần, khóa thi 1260). Trong dòng họ Cao, ông có học vị, chức vụ cao nhất. Thêm một điểm nữa cần lưu ý: ông là người giỏi thuật số, có nhiều phép lạ, người đời truyền tụng ông vinh quy từ Trường An về nhà chỉ mất có 1 đêm (theo Hoan Châu phong thổ ký). Sách Nghệ Tĩnh tập ký cũng chép: “Ngày vinh quy bái tổ ông xa giá một đêm đã về tới nhà”. Liệt truyện hoa tiên đã viết: “Ngày vinh quy ông vượt biển lớn mà về chỉ trong 1 đêm”… Những ngày về quê trí sỹ, ông giúp dân khai hoang, lập ấp, mở nghề thủ công… Tương truyền, tên làng Phong Phú Trung là do ông đặt riêng; điểm này để thấy rằng giai đoạn này về sau, ảnh hưởng đạo Lão ở Diễn Châu là rất mạnh. Sử sách còn ghi chép đến Phạm Viên con tiến sỹ Phạm Chất (người xã An Bùi, này là Diễn Hùng, Diễn Châu), một tên tuổi đầy giai thoại, chán đường công danh phú quý, thích tiêu dao phóng khoáng, bỏ đi tu tiên; những chuyện kể về ông vào loại nhất nhì nước Việt. Rồi đến Nguyễn Hưởng Hàn, cùng thời, thường gọi là cố Đẹn (Cú Đẻn), tác giả của “Lưỡng kiên sơn phú” cùng với Phạm Chất tạo nên một cặp huyền thoại cho đất Phủ Diễn. Hai ông bỏ vào núi ẩn dật… Vậy Cao Quýnh cùng thời, cũng đất này những ghi chép về ông trong lĩnh vực này lại ít; có lẽ vì ông là bậc đại quan, thế là cùng với trước tác, giai thoại về ông cũng mất luôn và mấy trăm năm sau, đất này lại sinh ra một nhà “đạo học” nổi tiếng nữa, cũng ảnh hưởng đạo Lão rất sâu sắc, một người cùng họ Cao, Giáo sư Cao Xuân Huy (ở Thịnh Mỹ - Diễn Thịnh), tác giả của công trình: Tư tưởng phương Đông, gợi những điểm nhìn tham chiếu, chấn động dư luận bởi đã làm sáng tỏ thuyết chủ toàn và chủ biệt, 2 ngã rẽ Đông, Tây… khiến thiên hạ phải bái phục, như trên đã nói. Riêng điểm này cũng chưa thấy các nhà nghiên cứu để ý đến…

 

Khi Cao Quýnh mất, dân lập đền thờ, các triều đại đánh giá ông rất cao; trong đền thờ còn có bức đại tự được phong tặng: “Văn Đàn nguyên soái”, hội tao đàn suy tôn ông bức đại tự: “Trạc linh Trạc” nghĩa là “Giỏi và rất giỏi”’. Vua Tự Đức phong sắc cho ông là:

“Tuấn hưng Thần” sắc phong vua Thành Thái (ngày 15/11) Giáp Thìn (1904) ghi rõ “Thám hoa đông các đại học sĩ Cao tướng công tôn thần hộ quốc tỉ dân niệm trước linh ứng hướng lai vị mông ban cấp sắc văn tứ kim phi thừa cảnh mệnh diến, niệm thần lưu tước phong vị trác vĩ hựu bảo trung hưng thượng đẳng thần, đặc chuẩn nhung cựu phong thần kỳ trung hữu bảo ngũ lê dân khâm tai…”

Trước Cách mạng Tháng Tám, ngày giỗ ông quan phủ và chức sắc đồng hương đều thân chinh dự lễ; hội văn tổng huyện lấy ngày Đông Chí hàng năm tổ chức lễ tế gọi là khoa trường; nhân dân tôn ông là Thành hoàng làng…

Khi khánh thành nhà thờ họ Cao (1890); cụ Thượng thư Đông các Cao Xuân Dục có câu đối kính mừng:

“Hồng Đức lục niên tam khôi tiến sĩ

Hoàng triều vạn cổ thượng đẳng phúc thần”

(Đề chú: Thành Thái Canh Dần niên, Đông các Thượng thư Cao Xuân Dục bái phụng…)

Nhưng rồi, thân thế ông sau mấy trăm năm được tôn kính bỗng chịu tai họa. Cải cách ruộng đất, cùng với công cuộc chống Pháp, sau đó là Mỹ ném bom miền Bắc… đã gây ra hệ lụy tâm linh cả một vùng. Còn nhớ, trong hồi ức của mình, Giáo sư Nguyễn Đình Chú có kể về thầy mình là cụ Phó bảng Phan Võ (thân phụ Giáo sư Phan Ngọc), khi được Hồ Chủ tịch mời lên, đã xin cụ Hồ lưu ý về tình trạng “Vĩ bất trạo” “đuôi to khó quay đầu”… ở một số địa phương, nhất là xứ Nghệ, một số thành phần quá tả đã gây ra nhiều điều trái đạo… Cụ Hồ ngạc nhiên và nói “Tôi đi làm cách mạng cũng chỉ mong để nhân dân ấm no, công bằng… có tình trạng này thì thực lòng tôi xin lỗi cụ… và hứa sẽ sửa sai…”. Cụ Phan Võ đã khóc, xin về… Và đúng thực, lúc đó ở Nghệ An, “Long cương tàng thư” của cụ Cao Xuân Dục - thư viện tư nhân vào loại lớn nhất Việt Nam bị mọi người lôi ra đốt, nhà thơ Trần Hữu Thung, trong sự lo lắng đến kinh hoàng đã nhảy vào lửa, lôi sách vở ra… và mấy chuyến xe ở Hà Nội cùng cụ Cao Xuân Huy kịp về để đưa ra thủ đô, hiện số sách quý ấy có trong Viện Hán Nôm. Người ta kể lại, sinh thời, có hai lần nhà thơ Trần Hữu Thung chua xót, sau lần đốt sách là đến chuyện người ta đào kênh Vách Bắc, dời luôn lăng mộ Tiến sĩ Trần Đình Phong - tế tửu Quốc Tử Giám triều Nguyễn (ở vùng Mã Thành), nhà thơ đứng nhìn mà đành chịu… Nhà văn Nguyễn Trọng Bản còn kể, khi người ta dời đền miếu ở xã Diễn Hạnh tập trung về một chỗ thì bà con đã chạy theo khóc… Nói thế để biết rằng, trong bối cảnh ấy, thân phận lăng mộ, nhà thờ ngài Cao Quýnh không tránh khỏi hệ lụy…

Nhà thờ của ông được làm từ năm Thành Thái thứ 2 (1890), kiến trúc kiểu chữ nhị theo hướng Đông, cách khoảng 500 mét là khu lăng mộ của Ngài, kiến trúc hình bán nguyệt, theo nghệ thuật triều Nguyễn trên diện tích 300 m2, tọa lạc trong khuôn viên trên 2 mẫu đất triều đình nhà Lê cấp trước đó. Gần đó, sát eo biển, nhân dân trước đó đã lập đền Phúc Sơn (để thờ ngài), cạnh đó là đền thờ Sát hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, sau đó 2 ngôi đền thờ hai vị thượng đẳng thần đều bị tháo dỡ. Long ngai, đồ tế khí của Ngài phải đưa về nhà thờ họ, trận oanh tạc của bom Mỹ ngày 01/02/1966 làm hư hại một phần hậu cung và một phần lăng mộ. Chưa hết, việc dời làng lấy đồng bãi làm cánh đồng lạc cao sản theo chủ trương hợp tác xã đã xóa luôn mấy ngôi làng cổ, nhà thờ của Ngài cùng chung số phận, bị di dời về khu đất của anh Cao Hoa (tộc trưởng); cùng lúc khu lăng mộ của vị đại khoa cũng bị san ủi phải dời xuống nghĩa trang Cồn Bình, đất ruộng 4 mẫu bị sung công.

 

Bi kịch ấy đã đi qua, rất may người ta sớm nhận thức lại. Năm 2002, chính quyền địa phương đã làm một việc rất có ý nghĩa, cho phép dựng lại ngôi nhà thờ ngài trên bãi đất trống 500m2 tại xóm 8 xã Diễn Thành, bà con, họ hàng đã xúm tay phục dựng lại di tích, nhưng đồ tế khí, câu đối… mất mát quá nhiều, nay còn lại mấy câu sau: “Thiên niên hách trạc cao thần tổ/Vạn thế lưu truyền đức thánh nhân” (Cụ thần tổ họ Cao ngàn năm oai phong tài giỏi/Vạn thế vẫn lưu truyền như vị thánh). Nhà Hán học Đặng Quang Liễn cung tiến câu đối: “Thiên niên chiêm ngưỡng linh thần điệu/Vạn đại tôn vinh hiển tổ từ” (ngàn năm chiêm ngưỡng điện thờ linh thiêng/muôn đời tôn vinh từ đường cụ tổ).

Hai cột bóng trước nhà, có câu đối: “Lê triều phong tặng cao minh thánh/Quốc sắc gia ban thượng đẳng thần”. Trên thượng điện còn có câu: “Kính hạ thương truyền lăng hổ bảng/Vân gia sơ giáng phượng hoàng thư” (gương rọi xuống truyền lên bảng vàng rồng, hổ/Mây trên không gian sa xuống sánh phượng hoàng) và câu đối màu đen, chữ vàng, có ghi chú “Khải Định canh thân niên, bản thân sỹ phổ đồng bái phụng” (khoa hoạn phân phương triều phật lục/linh thanh hách trạc hiển tiên lương”) (đường thi cử, quan lộ chia tiếng thơm, truyền phật lục/tiếng linh thiêng, oai phong, tài giỏi hiện lên trước quê hương)…

 

Một ngày cuối xuân vừa qua, nhóm chúng tôi gồm Lê Văn Loan, Cao Hoàng Thảo, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Văn Bình và tôi,  đã có mặt tại nhà thờ Ngài. Sau khi dâng hương, chúng tôi kính cẩn vái chào văn bia tiến sĩ, mà ông Cao Hoàng Thảo đã quyên tiền nhờ thợ đá đục theo mẫu bia từ Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội); trên văn bia ấy có tên cụ Cao Quýnh (cùng 43 người đậu trong khoa ấy - 1475). Văn bia do Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Lê Ngạn Tuấn soạn thảo… Nội dung văn bia rất dài, nhưng tôi nhớ nhất có câu: “Hiền tài đối với quốc gia, cũng như nguyên khí con người ta không thể một ngày không có”, hoặc: “tất cả đều lo nung nấu lòng ngay/ trau dồi tiết lớn, nêu cao thanh danh lừng lẫy, công nghiệp lỗi lạc ngõ hầu trên không phụ ơn triều đình cất nhắc/dưới không phụ chí khí hoài bão trong đời”… Sau đó với đề xuất của ông Cao Hoàng Thảo “nhà Cao Quýnh học”, con cháu họ Cao đã phục dựng lại nhà thờ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… Điều ông Thảo và con cháu họ Cao còn trăn trở là làm thế nào để có một cuộc hội thảo về cụ, để tìm lại trước tác cũng như tư liệu thất lạc…nhằm giúp hậu thế hiểu rõ hơn về con người, sự nghiệp và những đóng góp của cụ cho quê hương, đát nước. Nhà thờ cụ với thân thế như cụ xứng đáng được xếp hạng di tích. Mới đây, được biết, Ban Quản lý Di tích Nghệ An đang làm hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh cho di tích Thám hoa Cao Quýnh.Thật là một tin vui!

.

 

 

    

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476