Đất Nghệ

Người Ơ - đu ở Nghệ An [Kỳ 2]

 ...

VẪN CÒN ĐÓ, DÁNG NÉT VĂN HÓA Ơ - ĐU                                           

I. VĂN HÓA VẬT THỂ

 1. Ăn

 Trước đây, người Ơ - đu ăn cơm nếp là chính, cơm tẻ chỉ thỉnh thoảng ăn. Gạo được ngâm 2- 3 tiếng (tùy từng độ dẻo của gạo) mới đồ, khi nồi xôi bốc hơi nhiều, nước bên trong vung tạo thành giọt, thơm phức là xôi chín, xới ra mẹt và lấy quạt cho bay hết hơi, cho xôi vào các giỏ. Khi ăn, bốc tay nắm thành nắm, bấu thành từng miếng, chấm với các loại chéo. Vào mùa thu hoạch, đồng bào thường không ăn độn. Đến khi giáp hạt, nguồn gạo cạn dần, phải trộn ngô hoặc sắn. Sắn được bóc vỏ, ngâm vào nước nửa ngày cho hết hăng rồi nạo nhỏ, rửa qua để ráo nước, trộn với gạo nếp và đồ lên.

Thực phẩm của người Ơ - đu chủ yếu là các loại rau, măng rừng; các loại côn trùng (bọ xít, ve sầu…), các loại cá đánh bắt ở sông suối. Ngoài ra còn có các loại thú rừng (sóc, nhím, hươu nai, lợn rừng). Thịt gà vịt hoặc lợn thường chỉ có trong các có dịp cầu cúng.      

Cách chế biến thức ăn của người Ơ - đu không cầu kỳ. Các loại rau thường luộc hoặc nấu canh. Các loại măng đắng, măng tre, măng giang chỉ luộc chấm muối; khi có nhiều thì đem ngâm chua để ăn dần, thường nấu với cá, ốc.

Các loại thịt gia cầm (già, vịt, ngan, ngỗng) sau khi chặt thành miếng, cho đủ muối đun gần chín cho một ít bột gạo nếp quấy đều và đun tiếp thành món cháo hoặc xúp để chấm với xôi. Các loại thú rừng khác như hươu, nai, chuột ... thì nướng lên than hồng hoặc phơi khô nơi bếp lửa và trộn với muối làm thức ăn dài ngày. Thịt lợn chủ yếu luộc và nướng.

Thứ gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn và món ăn hàng ngày là ớt cay. Mỗi nhà thường có một ống ớt khô dự trữ.

Người Ơ - đu có một số món ăn riêng, được người Thái và người Khơ - mú trong vùng công nhận.

- Món lạp được chế biến khá công phu: 

+ Cá chép, cá trôi, trắm cỏ, rô phi (loại to), cá đầm, mổ sạch, đánh hết vảy, lọc hết xương, lấy thịt thái nhỏ

+ Lấy lá dâu xoan tây rửa sạch, để ráo nước, giã nhỏ, ngâm vào nước xôi để nguội trong 30 phút, gạn lấy nước trong, dùng một phần để bóp thịt cá khử hết chất tanh.

+ Băm nhỏ thịt cá, trộn với các loại gia vị (lá chanh và các loại rau thơm, muối - ngày nay có thêm mì chính; song không cho nước mắm vì tạo mùi khác).

+ Lấy nước chua còn lại đổ vào thịt cá đã được ướp gia vị, cho thính gạo rang hòa lẫn.

Thông thường, một kg cá cho 6 bát tô canh. Canh lạp cho vị mát, phù hợp với những ngày nắng nóng, đi làm nương vất vả.

Món mọc

Thịt gà, cá, thịt lợn thái nhỏ, trộn với bột tấm gạo (tấm gạo sống ngâm nước giã nhỏ), các loại gia vị (không cho nước mắm), sả, ướp trong 30 phút. Sau đó, lấy lá dong hoặc lá chuối (hơ qua lửa cho mềm), gói thành từng túm, cho vào hông xôi đồ trong một tiếng trở lên.

Món lán nhọc

Một số bâc cao niên người Ơ - đu và người Thái cho rằng, món này vốn của người Ơ - đu; song các nhà nghiên cứu Vi Văn An, Trần Bình lại cho rằng, đây là món ăn chung của cả vùng dọc Đường 7 ở tỉnh Nghệ An.

Nguyên liệu để làm lán nhọc là hoa chuối rừng (lấy các “áo” non ở bên trong) xé nhỏ, cùng ngọn dây mây, củ sả, ớt, tấm gạo, thịt sóc (hoặc chuột). Tất cả làm sạch rồi cho vào ống nứa tươi, đổ nước săm sắp, cho lên bếp, đặt hơi nghiêng, lam (đun). Khi ống nứa đã sôi mạnh, dùng đũa bằng nứa chọc vào các nguyên liệu bên trong cho nát đều, đổ ra bát to hoặc nồi, rắc mắc khén (ngày nay là hạt tiêu). Món lán nhọc là thứ nước chấm dùng để ăn với xôi.

Một số món ăn khác đồng bào ưa dùng là pút hùm làm từ các loại rau rừng mùi hăng, ngâm chua; món nhút làm từ hoa chuối, quả sung, gừng, riềng, kiệu, muối ớt cho vào ống nứa ủ chua 3 - 5 ngày.

Cũng như các tộc người thiểu số khác ở vùng Tây Bắc và Tây Thanh Nghệ, người Ơ - đu tạo ra nhiều món “chéo” để làm món chấm với xôi hoặc với các món ăn khác.

- Chéo pá pình: cá đánh vảy sạch, nướng chín, lọc bỏ xương, giã nhỏ phần thịt cá, trộn với hành nướng, ớt tươi, muối, rồi đổ nước sôi vào vừa với lượng nguyên liệu. Chéo này dùng để chấm măng đắng vào tháng Hai, tháng Ba.

-Chéo hành lá: hành lá rửa sạch, bọc lá chuối tươi và nướng vừa chín, đem ra thái nhỏ, trộn gia vị (ớt xanh nướng, các gia vị khác giã nhỏ) và lá chanh.

Người Ơ - đu cùng các tộc cộng cư trong vùng còn có một số món độc đáo, có tác dụng bồi bổ sức khỏa sản phụ. Điển hình là món canh hủa sán (một cây giống cây mây, nhưng mọc thẳng, cứng hơn). Lấy ngọn và ruột non của thân nấu với thịt nạc. Ngọn hủa sán tiết ra chất nhựa và chất đắng, cho sản phụ ăn ngay sau khi sinh sẽ ra nhiều sữa.

Về các bữa ăn trong ngày: vào mùa phát rẫy, gieo trỉa và gặt hái, người Ơ - đu ăn ba bữa; vào các dịp khác chỉ ăn hai bữa (trưa và tối). Do các ăn tiêu không hợp lý nên trong những tháng sau thu hoạch, đồng bào thường ăn cơm không, đến khi giáp hạt, nguồn gạo cạn dần, phải ăn cơm trộn sắn với tỷ lệ ngày càng gia tăng đến khi thu được lúa vụ mới.

 

2. Uống

Người Ơ - đu uống nước đun với một số loại cây rừng hoặc lá cây trong nhà có tác dụng giải nhiệt, giải mệt. Thứ nước uống được ưa dùng nhất là nước ngọn cây hủa sán. Đun nước với ngọn cây này có tác dụng mát, giải nhiệt, đặc biệt cho sản phụ uống ngay sau khi sinh, sữa sẽ ra ngay và ra rất nhiều.

Cây hủa sán được trồng làm cảnh

Rượu cần cũng được người Ơ - đu ưa dùng. Sau một ngày làm việc vất vả hoặc khi có việc vui (cưới hỏi, làm nhà mới), các gia đình thường tụ tập uống rượu cần nói chuyện, lúc vui có thể múa hát thâu đêm. Để khoe tài nấu rượu, các gia đình thường tổ chức uống rượu luân phiên nhà nhau. Rượu cần hay rượu siêu được dùng tiếp khách.

Trước giải phóng 1954, một số it nam giới Ơ - đu hút thuốc phiện. Do thuốc được trồng được ít, người hút phải đi mua hoặc trao đổi với người Hmông thông qua “trung gian” là người Thái. Muốn mua thuốc phiện phải đổi thóc lấy bạc trắng. Thường phải đổi 3 tạ thóc cho người Thái để lấy 01 nén bạc, rồi đi đổi được một kg thuốc phiện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo khổ của người Ơ- đu. Sau 1954, nạn hút thuốc phiện bị đẩy lùi.

 

3. Mặc

Đồ mặc của nam nữ giới Ơ - đu ngày nay không có nét đặc trưng riêng, thường mặc bộ quần áo của người Thái hoặc âu phục.

Phụ nữ thường mặc váy áo theo kiểu trang phục của phụ nữ Thái hoặc Khơ - mú. Đàn ông mặc các đồ âu phục hoặc theo quần áo của người Thái.

Gần đây, theo gợi ý của các bậc cao niên người Ơ - đu, một số phụ nữ đã phục hồi bộ nữ phục truyền thống theo trí nhớ của các cụ.

Chiếc áo được may bằng vải đen, cổ trái tim, ống tay bó sát, hai vạt áo không để thẳng xuống bụng và mông, mà chỉ dài đến eo rồi vắt chéo nhau, vạt bên phải đè lên vạt bên trái và được cố định bằng khuy bấm. Khoảng bụng hở ra được che kín bởi cạp váy.

Một kiểu áo khác, hai vạt để dài đển rốn rồi vắt chéo (vạt bên phải cũng đè lên vạt bên trái) và có hàng khuy cài.

Chiếc váy được cải tiến từ chiếc váy của người Thái. Phần thân váy là toàn bộ vải màu trơn, màu đen, không thêu hoa văn; chỉ có phần gấu váy (cao từ 20 -25 cm.

Trong dịp hội đón tiếng sấm đầu năm năm 2014, nhiều phụ nữ đã mặc bộ quần áo này với niềm phấn khởi, tự hào.                

Chiếc áo của phụ nữ Ơ - đu mới được phục dựng

 

4. Ở                                           

Người Ơ - đu ở nhà sàn (dinh hay bua dinh). Theo các bậc cao niên, xưa kia, đầu nhà quay vào núi, gọi là xiên tồng. Kiểu nhà này không còn duy trì từ lâu, thay bằng kiểu nhà của người Thái; song vẫn còn giữ được một số nét truyền thống.

Khi làm nhà mới phải tiến hành chọn đất. Chủ nhà đem đến khu đất nơi định dựng nhà một mâm lễ gồm một ép xôi, một con gà luộc, hai chén rượu. Đào một cái hố rộng khoảng 30 x 30 cm, sâu 20cm, đặt 01 cái bát xuống hố đó, trong lòng bát để 3 hạt gạo chụm lại với nhau, lấy một cái bát khác úp lên. Xong xuôi, chủ nhà khấn xin ma nhà cho được ở đất đó. Ba ngày sau đến xem, nếu thấy 3 hạt gạo còn chụm lại với nhau trong lòng bát coi như ma nhà đã thuận cho ở đất đó. Nếu 3 hạt gạo không chụm lại là không ở được, phải đi tìm đất khác.

Trước đây do sống du canh du cư nên loại nhà phổ biến của người Ơ - đu thường bé, thấp và chật hẹp. Kết cấu nhà đơn giản, chỉ có một vì kèo ở giữa, không có kỹ thuật đục đẽo, bào trơn đóng bén mà chỉ gá buộc bằng các loại dây rừng. Sàn nhà lát bằng loại nứa to hoặc bương, xung quanh che chắn bằng phên nứa sơ sài. Mái nhà lợp bằng lá cọ, không được lợp bằng tranh nứa, vì loại tranh này chỉ để lợp nhà mồ cho người chết.

Ngôi nhà của ông Lo Bún Chắn ở bản Văng Môn hiện nay mang các yếu tố truyền thống của người Ơ - đu, thể hiện ở những nét sau:

 - Nhà nhìn theo chiều dọc (một đầu hồi làm “mặt tiền” cho ngôi nhà, phía ngoài có cá cơi là gian ngồi chơi, hóng gió.

- Nhà có hai cầu thang. Một cầu thang chính ở cá cơi, ở phía trái nhìn vào (hay bên phải theo hướng nhà); khác với người Thái /nhóm Hàng Tổng, cá cơi không phổ biến mà có cầu thang đi thẳng lên nhà. Cầu thang này dành cho nam giới và khách; một cầu thang ở kẹ (lối đi lên sàn phơi ở cuối nhà, dành cho nữ giới).

 - Nhà có hai cửa ra vào. Cửa chính ở khoảng giữa của cá cơi và phần trống để làm cầu thang lên (trong khi người Thái, người Khơ - mú cầu thang lên và cửa vào nhà ở góc bên phải nhà). Một cửa khác thẳng diện với cửa này ở gian kẹ.

- Ngoài cá cơi, nhà có 3 gian (01 gian khách, 01 gian ngủ và một gian bếp.

Gian khách là gian liền kề cá cơi và một nửa gian giữa. Nửa này là khu vực dành cho chủ nhà, khách và các thành viên là nam giới, có ban thờ tổ tiên(bàn thờ đặt ở góc cột trong cùng của vì kèo đầu tiên tạo ra gian này, tức ở góc nhà, phía cầu thang lên). Tại đây có một bếp, chỉ để cho khách sưởi và đun nước tiếp khách, không nấu nướng. Con trai và con gái chưa chồng được ngủ ở đây, song cấm tuyệt đối đối với con dâu, con gái có chồng, khách nữ có chồng. Khi ngủ phải quay đầu về phía bàn thờ. Khu vực thờ cũng cấm để lá xanh, thịt sống, dao, cuốc và túi cá nhân của người lạ. 

Nửa còn lại phía trong ngôi nhà, có kẹ (sàn ở gian cuối ngoài cùng gắn với cầu thang lên), dành cho các sinh hoạt chung của gia đình, trong đó có một phần bên trên của gian giữa (quây liếp) dành cho vợ chồng chủ nhà; phần lại của gian giữa là chỗ ngủ của các con trai, con gái; phần bên trên của gian cuối là chỗ ngủ của vợ chồng con trai lớn. Các phần còn lại là nơi để nấu ăn cho cả nhà (một bếp ở phía dưới của gian trong cùng, có nhà còn có thêm một bếp ở gian giữa để khi có công việc), nơi ăn uống.  

Chia theo chiều dọc, nhà người Ơ - đu gồm hai nửa. Nửa trên (roóng), dành cho người cao tuổi, nơi để làm buồng ngủ. Nửa dưới dành cho người thấp tuổi hơn, cho các sinh hoạt khác của gia đình.

- Nhà có hai cộtquan trọng, gọi theo tiếng Thái là sáu lăng, song tiếng Ơ - đu phân biệt rõ rệt: một ở cửa ra (bên phải) vào tiếp giáp với cá cơi, gọi là droọng sau vắn hay au vắn), một ở gian cuối cùng. Cả hai cột nằm theo một đường thẳng, cùng chống đỡ đòn nóc nhà. Cột phía ngoài có khắc thành các nấc thang, cách nhau 40 cm, để tổ tiên “có đường đi xuống ban thờ”.

- Nhà có 3 bếp: một bếp ở gian khách (bếp này chỉ để đun nước, khách sưởi; một bếp ở gian trong cùng để nấu ăn thường ngày; một bếp ở gian giữa, chỉ để sưởi hoặc nấu ăn khi nhà có nhiều việc. Tất cả các bếp này đều nằm ở nửa dưới của nhà (Đặng Nghiêm Vạn cho rằng chỉ có hai bếp: bếp khách ở nửa trên, bếp nấu ăn ở nửa dưới).

Ngày làm nhà phải chọn ngày tốt. Từ mờ sáng, chủ nhà dậy sớm đốt một đống lửa to cách khu dựng nhà khoảng 5 mét, rồi dựng cột drọong ău vắn (ở cạnh bếp nấu nướng của gia đình), tiếp đến dựng cột drọong săn táu (nơi đặt bàn thờ ma nhà), rồi dựng tiếp các cột khác còn lại. Chủ nhà phải tự tay đặt đòn nóc, đặt tranh lên mái nhà.

Nhà sàn truyền thống Ơ - đu: đầu hồi làm mặt tiền, “cá cơi” ở phía trước (để hóng mát, tiếp khách mùa Hè), cầu thang lên ở bên phải theo hướng nhà

 

Một ngôi nhà dựng theo kiểu truyền thống

 

Tuy nhiên, theo ông Lo Bún Chắn, trình tự dựng nhà lại khác:

- Đầu tiên dựng cột ma nhà và cột liền kề (cùng vì kéo với cột ma nhà),

- Dựng cột bếp và cột liền kề phía ngoài cùng vì kèo,

- Lần lượt dựng vì có cột ma nhà, vì có cột bếp và vì ngoài cơi.

- Dựng vì ngoài rồi dựng các cột của vì kèo này và dựng các vì khác.

- Lắp xà ngang từ vì ngoài vào, sau đó lắp các xà dọc từ trong ra.

- Dựng cột sáu lăng.

- Đặt các đòn tay, rui, mè và lợp mái, che kín nhà bằng các phên liếp.

- Dựng cầu thang (thường có 7 bậc, ít nhà có 9 bậc).

Sự khác biệt này có thể do xa xưa, tập quán từng vùng khác nhau; hoặc có thể do trí nhớ của các bậc cao niên về ngôi nhà không còn rõ nét.

Khi dựng nhà mới hay sửa nhà, gia chủ được anh em họ hàng và cả bản đến giúp, chủ nhà không phải trả công, chỉ phải lo việc ăn uống, có gì ăn nấy, người làm giúp không đòi hỏi. Đến nay tập quán tương trợ giúp công vẫn được duy trì, nhưng một số người đến làm giúp đã mang theo phần cơm của mình đến ăn, chủ nhà chỉ lo phần thực phẩm. Bố mẹ dựng nhà mới, con rể phải có nghĩa vụ đóng góp, tùy theo khả năng kinh tế của mình.

Khi nhà đã hoàn tất, tổ chức lên nhà mới. Phải chọn ngày tốt, giờ tốt. Ngày lên nhà tốt nhất là ngày 2, 12, 22 ( các ngày khác cũng được nhưng kiêng ngày bố mẹ mất). Về giờ lên nhà, nếu là các ngày 2, 9, 10 thì lên vào lúc mặt trời lặn; ngày 3, 7 lên vào lúc mặt trời sắp lặn; ngày 1, 8 lên vào lúc giữa buổi chiều; ngày 5 lên trước lúc bữa cơm chiều; ngày 4, 6 lên vào lúc sau bữa cơm chiều ... Chủ nhà mang theo túi ma nhà và các đồ quý báu nhất (bạc nén, tiền…) đặt lên bàn thờ ma nhà. Tiếp theobê một mâm cơm, có con gà luộc, 2 chén rượu và mấy chiếc đũa (tùy theo số lượng thành viên trong gia đình) dụng ý nhờ ma nhà che chở bảo vệ cho người trong nhà. Vợ chủ nhà theo sau, tay cầm một nắm tranh cọ của nhà cũ, một bao diêm mới; tiếp đó người vợ chuyển niễng (hông xôi) vào bếp (trường hợp phụ nữ là chủ nhà, con trai chưa lấy vợ thì đích thân người phụ nữ đưa các đồ lên; nếu có con trai đã lấy vợ, con trai đảm nhiệm thay). Mọi người trong nhà theo sau. Chủ nhà đặt mâm cơm xuống chỗ thờ tổ tiên (ma nhà), vợ chủ nhà (có khi là bà mẹ già) cầm diêm bật lửa nhóm bếp, miệng khấn xin “lửa trong nhà không ra ngoài, lửa bên ngoài không vào trong”, cầu cho gia đình được yên ổn, không bị hỏa hoạn. Sau lời khấn, dẫn lễ vật gồm gà (hoặc trống, hoặc mái; song không phải là gà trắng), cá nướng, một giỏ xôi, một vò rượu cần (có thể 2 vò) đặt ở nơi thờ ma bếp cầu xin ma bếp đừng làm cháy nhà; thắp nến cầu xin ma nhà phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, yên ổn, làm ăn thuận lợi. Làm lễ xong mọi người đưa đồ cúng xuống cùng ăn uống.

Từ năm 1960 trở đi, người Ơ - đu được vận động định cư, nhà cửa làm kiên cố vững chắc hơn, kiến trúc giống nhà sàn của người Thái.

Việc kiêng kị xung quanh ngôi nhà của người Ơ - đu cũng giống một số tộc người khác trong vùng:

+ Ngày thường kiêng đốt lửa và mài dao ở chân cầu thang nhà, vì chỉ khi trong nhà có người chết mới làm việc đó (việc mài dao do con rể đảm nhiệm).

+ Kiêng mắc màn trắng trong nhà, vì chỉ khi có người chết mới phủ vải xô trắng. Các màn trắng mua về đều phải nhuộm xanh.

+ Kiêng đặt quai nồi và kiêng nằm ngủ dọc theo hướng đòn nóc vì đó là hướng để thi hài người chết .

 

5. Phương tiện đi lại, vận chuyển

Trước đây, người Ơ - đu chủ yếu đi bộ. Khi có việc đi Cửa Rào (huyện lỵ Tương Dương) thường đi bộ hoặc đi bằng bè. Một số gia đình ở các bản ven sông Nậm Nơn (bản Kim Hòa, bản Mà, bản Com) đóng thuyền độc mộc chèo tay để đi đến các điểm xa. Từ năm 1992, một hai gia đình ở ven sông Nậm Nơn có điều kiện đã sắm thuyền gắn máy để chuyên chở.

[Kỳ 3: Văn hóa phi vật thể]

Ảnh trong bài: Bùi Xuân Đính

 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434743

Hôm nay

214

Hôm qua

2349

Tuần này

21393

Tháng này

211791

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434743