Diễn đàn

Ngày khai trường đọc lại "Thư gửi các học sinh" của Hồ Chí Minh 75 năm trước

Bác Hồ với các em học sinh. ảnh tư liệu

75 năm trước, sau Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9, trong bộn bề nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư gửi các học sinh (9-1945).

Trước đó, ngày 3-9, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ của nước Việt Nam mới, trong 6 nhiệm vụ cấp bách, vấn đề thứ hai là nạn dốt. Người tố cáo tội ác của thực dân Pháp làm cho hơn 90% đồng bào ta mù chữ. Người khẳng định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Theo Người, chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ.

Luận điểm “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” vẹn nguyên giá trị đến hôm nay và mai sau!

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước nhà sau khi giành được độc lập. ảnh tư liệu

Cuối Thư gửi các học sinh có dòng chữ Chào các em thân yêu và ký tên HỒ CHÍ MINH. Người xưng TÔI - NGƯỜI ANH LỚN với CÁC EM với một thái độ THÀNH THỰC KHUYÊN NHỦ. Cách xưng hô đó phản ánh văn hóa trường học, văn hóa giáo dục; cho thấy sự bình đẳng “tôi - các em”. Dù cấp học nào, các học sinh cũng như nhau và tuy là “các em” nhưng rất “người lớn”, vì Chủ tịch Chính phủ chỉ xưng là “tôi”. Cách xưng hô đó xóa nhòa sự ngăn cách lãnh đạo - lãnh tụ với học sinh, vì “từ giờ phút này trở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Nền giáo dục đó hoàn toàn đối lập với nền học vấn nô lệ, đào tạo những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho thực dân Pháp. Các em là “người lớn”, bình đẳng, vì từ nay trở đi được “hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam”.

“Bình đẳng”, “người lớn” vì các em sẽ trở nên “những người CÔNG DÂN HỮU ÍCH cho nước Việt Nam”, chứ không phải thần dân, nô lệ như dưới thời phong kiến, thực dân. Từ Chủ tịch nước đến các em, tất cả đều là công dân của nước Việt Nam độc lập.

Một điểm nhấn rất quan trọng trong thư là Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò của giáo dục của nước độc lập, đó là “làm phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các em”. Là người từng trải 44 năm từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến ngày nước nhà độc lập (1911-1945), Hồ Chí Minh hiểu rõ năng lực sẵn có của con người. Đặc biệt, sau 80 năm trời nô lệ, năng lực của con người Việt Nam, sức trẻ Việt Nam sẽ bật dậy. Vấn đề còn lại nằm ở phương pháp giáo dục làm cho năng lực đó phát triển, chứ không phải ngược lại, kìm hãm sự phát triển tư duy của con người; không phải học vẹt, nhồi sọ, áp đặt, thuộc lòng từng câu từng chữ.

Từ một phương pháp giáo dục làm phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của người học, nền giáo dục đó sẽ đóng một vai trò hết sức to lớn, quan trọng trong việc xây dựng lại cơ đồ tổ tiên ta để lại, làm cho chúng ta theo kịp các nước trên hoàn cầu.

Một triết lý, chiến lược giáo dục sáng tạo, làm cho con người phát triển tư duy sẽ tạo ra một nền giáo dục hiện đại, thực tế, làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp; làm cho dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.

2/3 thế kỷ trước, khi nước nhà vừa giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã có khát vọng cháy bỏng đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường bằng giáo dục. 75 năm sau, tư tưởng đó vẹn nguyên giá trị. Trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay, trước hết là ngành giáo dục, phải biến khát vọng, mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực.

Tôi kiến nghị ngày khai trường hàng năm, nên đọc lại Thư gửi các học sinh của Hồ Chí Minh; chọn một số câu, đoạn đặc biệt trong thư, khảm chữ vàng, treo, đặt trong các trường học chỗ trang trọng nhất.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528564

Hôm nay

2220

Hôm qua

2291

Tuần này

2837

Tháng này

215260

Tháng qua

0

Tất cả

114528564