Diễn đàn

Chùa Diệc - Diệc cổ tự - Diệc cổ Tùng lâm

              

Tam quan chùa Diệc

1. Từ bốn chữ Hán trên mặt chính cổng tam quan

Ảnh trên là mặt chính cổng tam quan của Chùa Diệc. Trên các bức tường bao quanh tam quan còn có văn khắc trên các bức hoành phi, câu đối, nhưng phần nhiều các chữ Hán không còn rõ nét. Chỉ còn 4 chữ Hán cỡ lớn, khảm sứ “亦 – Cổ Lâm Tùng Diệcở mặt trước và 4 chữ “Cổ Phật Thị Hiện” trên một bức hoành phi ở tầng giữa.

Bốn chữ khảm sứ ở mặt trước của tháp nếu đọc từ bên phải sang theo trật tự viết chữ Hán sẽ là “Diệc Tùng Lâm Cổ”. Tuy vậy, do 2 chữ “Tùng Lâm” mang nội dung chủ đạo nên để đọc thoát nghĩa sẽ là “Diệc Cổ Tùng Lâm”.

Vậy thông điệp của 4 chữ Hán này là gì? Đi tìm từ nguyên và ý nghĩa của từng chữ sẽ có kết quả như sau:

亦 diệc: cũng, lại, họ Diệc.不亦乎 bất diệc lạc hồ: vô cùng, hết sức, rất mực

古 cổ: cũ, xưa, chất phác, không xu phụ thói đời, họ Cổ; 古樸 cổ phác:  mộc mạc

叢 tùng: hợp, nhiều, rậm rạp; 林 lâm: rừng; 叢林 tùng lâm: rừng rậm, còn có nghĩa là Chùa (vì Phật tổ thuyết pháp thường ở các nơi rừng rậm nên 叢林 tùng lâm còn được sử dụng với nghĩa là ngôi chùa).

Nếu chữ “亦- Diệc” được hiểu là con chim Diệc thì phải là chữ Nôm mượn âm Hán Việt hoặc nếu là chữ Hán để chỉ con chim Diệc thì phải là chữ “易-Diệc”. Tương tự, nếu chữ “古- cổ” được dùng cũng là chữ Nôm thì lại có nghĩa là “Cỏ” (giả tá Nôm: Vốn không có chữ, nhờ thanh mà gửi sự) dù nếu viết chuẩn hơn (hài thanh) thì phải có thêm bộ thảo ở trên chữ cổ. Như vậy, nếu 2 chữ này là chữ Nôm thì sẽ không có nghĩa vì con chim Diệc và một loại cỏ nào đó chẳng ăn nhập gì với nhau, còn nếu là chữ Hán thì chữ “- diệc” chẳng liên quan gì đến con chim Diệc cả.

亦古: Khi hai chữHán đứng cạnh nhau theo trật tự này thì nghĩa của nhóm từ này chỉ có thể là sự cổ kính, cổ xưa (hay chất phác) của họ Diệc hoặc là tên của 2 dòng họ, họ Diệc và họ Cổ.

Còn nếu cả 4 chữ đều là chữ Hán và đọc 3 chữ sau theo trật tự “古叢林-Cổ Tùng Lâm” sẽ mang nghĩa là “Chùa Cổ” và 4 chữ “亦古叢林- Diệc Cổ Tùng Lâm” chỉ có thể có nghĩa là “Chùa cổ (của họ hoặc tên là) Diệc” (hoặc chùa cổ do người họ Diệc lập nên) và cũng có thể hiểu là “Chùa của họ Diệc chất phác (hoặc chùa do người họ Diệc chất phác lập nên)

 

2. Đến các công trình  khảo cứu

Theo khảo cứu của tác giả Phan Ngọc Thiện [1] vào năm 2008 thì “Đến đời vua Thành Thái (1873), đất Vinh được nhà vua ký đạo dụ thành lập thị xã. Trước đó, khi chùa Diệc được dựng vào năm 1742 (hay đúng ra là 1845?- TG), nó vẫn còn rất đơn sơ với tường gianh vách đất, nhưng lại được bao quanh bởi một khu vườn rậm rạp. Năm này qua năm khác, chim muông kéo nhau về rất đông và khách thập phương về lễ bái tấp nập”.

Tài liệu [1]  còn cho biết trong chùa còn có 2 tấm bia đá ghi chép lại 2 đợt trùng tu năm Giáp Dần, Duy Tân thứ 8 (1914) và năm Canh Ngọ (1930) trên trán bia có các dòng chữ “Trùng tu Diệc Cổ tự bi ký”“Sắc tứ Diệc Cổ tự bi ký”.Cả hai tấm bia đều cho biết những người đứng ra cúng tiền trong hai lần trùng tu chùa năm 1914 và 1930 phần lớn là những vị quan đứng đầu triều đương thời như: Án sát sứ(?) Hoàng Xuân Sinh; Tri phủ phủ Diễn Châu Nguyễn Khánh Vân; Phụ chính thân thần Tôn Thất Tướng Công (3)

Như vậy, tên chùa được ghi trên 2 tấm bia đá nói trên thay vì 4 chữ “亦古叢林- Diệc Cổ Tùng Lâm” đã dùng 3 chữ “亦古寺- Diệc Cổ tự” nhưng nếu “chiết tự”  thì nghĩa của 3 chữ này vẫn chỉ có thể  là “Chùa cổ (của họ) Diệc”. Vậy thì 4 chữ trên Tam quan và 3 chữ khắc trên 2 tấm bia đá cái nào có trước?

Theo truyền thuyết dân gian địa phương thì chùa đã có từ thời Trần được xây trên gò đất chôn xác loài chim Diệc chết trong một năm hạn hán lâu ngày nên mới đặt tên chùa là Chùa Diệc. Một số tài liệu khác lại lại cho rằng chữ “- Diệc”  trích từ câu “亦步亦趨- Diệc bộ diệc xu” với ý nghĩa “cũng bước theo, cũng chạy theo, như học trò học theo những điều thầy dạy”(?).

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn [2] đã căn cứ vào văn bia cho rằng “sau khi ông Nguyễn Đăng Giai(2)trùng tu mới treo bảng đề Diệc Cổ Tự, tên của chùa bắt đầu từ đó, có Sư tăng cư trú lo việc đèn hương lâu dài” “Ông Nguyễn Đăng Giai thuộc một gia đình Nho học thành đạt nổi tiếng vào đầu triều Nguyễn, lại là một Bồ Tát tại gia uyên thâm kinh điển nhà Phật, chúng tôi nghĩ rằng ông đã chọn tên chùa theo Phật điển “DIỆC HỮU DIỆC KHÔNG MÔN” (): một trong 4 môn của 4 giáo do Thiên Thai lập ra. Là pháp môn quán các pháp nhân duyên sinh diệt cũng có, cũng không để phá trừ phiền não thiên chấp có, không tương đối mà vào pháp môn Đệ nhất nghĩa đế, tức pháp môn Song Chiếu có và không để hiển bày lý Trung đạo (Phật Quang Đại Từ điển - Thích Quảng Độ dịch)”.

Cũng theo [2] thì “Khoảng đầu TK XX, hòa thượng Thanh Hoán ở Nam Định, có nhân duyên vào xứ Nghệ, chứng kiến cảnh đồi phế của chùa cổ Diệc nên Ngài phát tâm nhận lãnh chức trú trì và kêu gọi quần chúng Phật tử góp công, của trùng tu quy mô hoàn chỉnh, chùa Diệc trở thành danh lam thắng cảnh bậc nhất ở trung tâm thành Vinh tỉnh Nghệ An. Với uy đức của bậc cao tăng, nhà chùa đã hưởng ứng, tác động mạnh mẽ việc chấn hưng Phật giáo tại địa phương”.

Tài liệu [2] còn có bản dịch toàn văn tấm bia đá “Sắc tứ Diệc Cổ tự bi ký” ra tiếng Việt nhưng rất tiếc không có thác bản chữ Hán để đối chứng. Qua bản dịch này có thể thấy ban đầu chùa chỉ là một “am tranh” và đã được tướng công Nguyễn Đức Cửu(1) “thay mái tranh và làm rộng ra”. Tiếp đó, tướng công Nguyễn Đăng Giai(2) lại sửa chữa rồi “treo bảng ghi ”Diệc Cổ Tự”. Tên chùa bắt đầu từ đó, có sư tăng cư trú lo việc đèn hương lâu dài”.

Theo bản dịch văn bia này thì sư tăng cư trú đầu tiên là Hòa thượng Thanh Hoán từ năm 1920 đã đứng ra quyên góp từ các chúng tăng, Phật tử và nhất là từ công đức của các quan lớn triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ như Thái Tử Thiếu PhóTôn Thất Hân, Tổng đốc An Tịnh Nguyễn Khoa An, Chế quân Hà tướng công, Đô Thống Phạm đại nhân…. và tổ chức tôn tạo chùa “… sửa chữa điện Phật, tiền đường, xây hai lầu chuông khánh.  Trưng bày đầy đủ tượng pháp, đồ thờ cúng. Làm thêm bảy gian nhà Tổ, kiến tạo tam quan có gác cao. Phía trước xây hồ, phía sau đào giếng, trong dựng hành lang, ngoài làm nhà khách. Tường bao hoa cỏ ngát hương, cổ thụ chen nhau từng lớp xanh ngắt; trở thành một cảnh quan to lớn của non sông…”[2].Công trình này đã được khánh thành vào dịp Lễ Phật đản mồng Tám tháng Tư, năm Canh Ngọ (1930). Và cũng vào năm đó, “… triều đình ban biển ngạch: “Sắc Tứ” cho chùa, cấp giới đao độ điệp chứng nhận trú trì…”.

Có thể thấy rằng, năm 1930 là năm chùa Diệc được triều đình nhà Nguyễn chính thức công nhận.

Ths. Phạm Thị Chuyên [3] còn cho biết hiện nay còn có chiếc chuông đồng lớn của chùa Diệc đang được lưu giữ ở chùa Cần Linh (chùa Sư Nữ) với những dòng văn khắc như sau:

阮久德重修.

Tạm dịch: Chuông Chùa Cổ Diệc

Phụng mệnh ghi: chuông này là chuông của chùa Diệc.

Năm Thiệu Trị thứ 4 (1845) Phấn Dũng tướng quân nhận chức Phó Lãnh binh Nghệ An. Nguyễn Cửu Lễ cung kích đúc chuông. Năm Tự Đức thứ 11 (1859) Tổng đốc Bắc Thái(?) Nguyễn Cửu Đức(1?) trùng tu lại chuông.

Đại Nam Nhất thống chí [4] của Quốc sử quán triều Nguyễn biên khảo vào những năm trước năm 1875, trong mục chùa quán của tỉnh Nghệ An (lúc bấy giờ bao gồm cả Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Sơn và Can Lộc) đã đề cập đến hàng chục ngôi chùa nhưng không có tên chùa Diệc hay Diệc cổ tự hay Diệc cổ Tùng lâm.

Trong tác phẩm “An Tĩnh Cổ lục” [5] được viết từ 1924 -1928 bởi Hyppolite Le Breton, Hiệu trưởng trường Quốc học Vinh, tại chương II. Xứ Vinh, mục I. Những danh lam và thắng tích đã mô tả khá nhiều chùa, đền, đình miếu của Nghệ An nói chung và của Vinh nói riêng nhưng không có chùa Diệc.

“Nghệ An toàn chí”[6] xuất bản năm 2016, tập V, mục “Chùa ở Nghệ An” cho biết đã thống kê tuy chưa đầy đủ được 258 ngôi chùa thuộc 8 huyện; thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh. Tuy vậy, trong số nhiều ngôi chùa được nhắc đến trong bộ chí đồ sộ này thì cũng không có tên chùa Diệc. Trang 663 của tập V này còn cho biết “Trước năm 1945 ở xứ Nghệ theo khẩu truyền của nhân dân chỉ có một số ít chùa có sư trụ trì”và “Hiện chỉ có chùa Cần Linh ở Vinh là có sư trụ trì”. Tại trang 657 còn có nhận định “Các chùa kể trên, nhân dân đều cho rằng xuất hiện từ thời Bắc thuộc và ít nhất có liên quan đến người Tàu giấu của”. Nhận định này đã lý giải tại sao Cho đến nay dân Vinh vẫn còn lưu truyền câu chuyện trong quá trình xây dựng khu Quang Trung, chuyên gia Đức đã đào được mấy tấn vàng, hoặc bức tượng đồng đen ở khu vực Chùa Diệc và chuyển đi trong đêm” khiến nhà Vinh học Phạm Xuân Cần và Kỹ sư Chu Hòe phải lao tâm khổ tứ tìm hiểu nhân chứng, vật chứng để viết bài giải thích cặn kẽ và thuyết phục CHUYỆN “ĐÀO VÀNG, ĐỒNG ĐEN” Ở CHÙA DIỆC đăng tải lên trang Vinh xưa vào ngày 24 tháng 4 vừa qua.

3. Và một số kiến giải ban đầu

1. Truyền thuyết về đàn chim Diệc làm mưa cứu ruộng đồng bị hạn hán, rồi một ngôi chùa được xây trên gò đất chôn xác loài chim Diệc chết trong năm hạn hán từ đời nhà Trần nên ngôi chùa được đặt tên là “Chùa Diệc” vẫn chỉ là truyền thuyết dân gian của địa phương, không có cứ liệu lịch sử nào liên quan đến truyền thuyết này.

2. Theo văn khắc trên chuông chùa Diệc [3] và văn khắc trên tấm bia “Sắc tứ Diệc Cổ tự bi ký”[2] thì vào năm 1845 đã có chùa Diệc với tên gọi bằng chữ Hán “Cổ Diệc Tự” và 14 năm sau, năm 1859 là năm chuông chùa Diệc được trùng tu thì vẫn không có thông tin gì khác, kể cả  về quy mô của ngôi chùa và ngôi chùa đã được tạo dựng từ lúc nào. Thông tin “chùa Diệc được dựng vào năm 1742”[1] không rõ đã căn cứ vào nguồn sử liệu nào? Văn bia [2] còn cho biết sư tăng cư trú đầu tiên của chùa Diệc là hòa thượng Thanh Hoán và từ năm 1920 đã tiến hành tu tạo chùa Diệc từ một ngôi chùa trước đó chỉ là một am tranh, chưa có sư trụ trì.

3. Tên gọi “亦古寺- Diệc Cổ tự” - Chùa Diệc cổ có từ trước khi tu tạo vào năm 1930, còn tên gọi Diệc cổ Tùng Lâm khắc trên tam quan mới xuất hiện vào năm 1930 cùng với quy mô của chùa như đã tồn tại về sau này. Chính vì đến năm 1930 chùa mới được tôn tạo quy mô nên trong “An Tĩnh cổ lục”được viết từ 1924 -1928, tác giả Hyppolite Le Breton đã không thể biết để đưa vào tác phẩm của ông dù rằng ngôi chùa nằm cách trường Quốc học Vinh không xa và sau này, Giáo sư Lê Thước đã tìm thấy bản chép “Văn chiêu hồn” của Đại thi hào Nguyễn Du được cất giấu trong ngôi chùa này.

4. Như đã “chiết tự” ở mục 1 và nhận định của Nghệ An toàn chí cũng như lời đồn đồng đen, vàng được chôn giấu ở chùa Diệc, rất có thể chùa Diệc đã “xuất hiện từ thời Bắc thuộc và ít nhất có liên quan đến người Tàu giấu của” và tên gọi 亦古寺- Diệc Cổ tự”rất có thể chỉ là một ngôi chùa (cổ) do một gia đình họ Diệc (hoặc ngôi chùa do một gia đình họ Diệc chất phác) là người phương Bắc tạo dựng nên từ thời Bắc thuộc.

 

Ghi chú

(1) Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ Phò Quang Hầu Tôn Thất tướng công: Là ông Tôn Thất Hân,1903 Tổng đốc An Tĩnh; 1906 Thượng thư Hình bộ, Cơ mật viện Đại thần; 1907 Phụ chính đại thần;1908 Hiệp Biện Đại học sĩ;1917 Đông Các Đại học sĩ, Thái tử Thiếu bảo; 1920 Võ Hiệp điện Đại học sĩ.

(2) Nguyễn Đăng Giai: 1850 Tổng đốc An Tịnh, sau thăng Thượng thư bộ Hình, Tổng tài Quốc Sử quán; 1854 Kinh lược Bắc Kỳ; chủ trì xây dựng chùa Báo Ân (Hà Nội), chùa Diệc (Nghệ An), viết văn bia chùa Từ Hiếu (Huế).Chùa Báo Ân được ông xây dựng còn gọi là chùa Quan Thượng, vì ông mang hàm Thượng thư, rộng gần 100 mẫu,180 gian với 36 nóc nhà. Năm 1888, Pháp phá xây Bưu điện, chỉ còn tháp Hòa Phong (tháp Ông Thượng) nay nằm sát bờ hồ Hoàn Kiếm. Việc xây chùa Báo Ân tốn kém nên lúc bấy giờ ở Hà thành lưu truyền bài thơ tứ tuyệt như sau:

Phúc đức gì mày bố đĩ Giai?

Làm cho tổn Bắc lại hao Đoài!

Kìa gương Vũ đế còn soi đó,

Ngã tử Đài thành, Phật cứu ai?

(3) Nguyễn Đức Cửu: 1847 Tổng đốc An Tịnh sau thăng Thượng thư Bộ Hộ.

Tài liệu đã dẫn

[1] Phan Ngọc Thiện: Nỗi buồn Diệc Cổ Tùng lâm giữa lòng thành Vinh (giacngo.vn/)

[2]. Trần Đình Sơn: Tìm hiểu lịch sử, văn hóa Phật giáo Nghệ An qua di tích "Diệc Cổ Tùng Lâm" (tunglamdiecco.vn/2016/02)

[3] Ths. Phạm Thị Chuyên: Nhìn nhận lại di sản văn hóa Hán Nôm tại chùa Cần Linh (Chùa Sư Nữ) hiện nay (chuaxaloi.vn)

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Thuận Hóa.1992

[5] “An Tĩnh Cổ lục” Hyppolite Le Breton. NXB Văn hóa Thông tin 2014

[6] Nghệ An toàn chí do Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo biên soạn, Tập V, NXB Nghệ An 2016

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434888

Hôm nay

2159

Hôm qua

2349

Tuần này

21538

Tháng này

211936

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434888