Diễn đàn

Truyện Kiều đã được dịch ra bao nhiêu ngôn ngữ và có bao nhiêu bản dịch?

 

Một lần, đọc bài viết của một đồng nghiệp có đoạn: “Truyện Kiều đã được dịch ra hàng chục ngôn ngữ trên thế giới”, tôi nhắn tin hỏi: “Có thể biết được hàng chục ngôn ngữ đó là bao nhiêu và là những ngôn ngữ nào không?” Câu trả lời tôi nhận được là “Thấy người ta bảo thế”. 

Năm nay, nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) có nhiều bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều với những thông tin mới nhất, tôi lại băn khoăn về con số liên quan đến chuyện dịch Truyện Kiều. Thử tìm trên mạng, tôi thấy có những con số không thống nhất, như trong bảng dưới đây:

Nguồn:

- 1 https://baohatinh.vn/van-hoc/truyen-kieu-va-hanh-trinh-lan-toa-den-the-gioi/195921.htm

- 2 https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/truyen-kieu-trong-tam-thuc-nguoi-xa-xu/183796.htm

- 3 https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/truyen-kieu-lap-ky-luc-the-gioi-20151202221323297.htm

- 4 http://ictvietnam.vn/73-ban-chuyen-ngu-truyen-kieu-duoc-trien-lam-tai-phap-20201001090645001.htm

- 5 https://baoquangbinh.vn/van-hoa-van-nghe/201511/truyen-kieu-hanh-trinh-vuot-quoc-gia-buoc-ra-thi-dan-the-gioi-2130532/

- 6 https://baoquocte.vn/nguyen-du-va-tam-cao-moi-sau-hai-the-ky-121585.html

- 7 https://plo.vn/van-hoa/ban-dich-truyen-kieu-nao-hay-nhat-223928.html

- https://www.sggp.org.vn/suc-song-bat-tan-cua-truyen-kieu-670169.html? fbclid=IwAR1rHhCO5Og0cADVt5AAUcU8jbvtUJueVyAmzJaiFmSL3jBJj1405qGuZHg

Nhìn vào các con số trong bảng trên, ta thấy có vài điểm đáng chú ý sau:

1. Về số ngôn ngữ

- Con số giao động từ 16-70 ngôn ngữ. Trong đó 20 là con số được nói đến nhiều nhất. Đáng chú ý có bài viết trên báo Người Lao động (link 3) cho biết: “Truyện Kiều dịch ra 20 thứ tiếng và được cấp kỉ lục Thế giới về tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất của Việt Nam.” Bài viết này nói thêm “Trong “Chứng nhận” của Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới có ghi: ‘Truyện Kiều đã được dịch sang 20 thứ tiếng với 35 bản dịch.’”

- 21 ngôn ngữ. Đây là con số có từ thông tin gần đây nhất, được đăng trên trang “Thông tin và Truyền thông” của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 01/10/2020 (link 4). Bài viết ở trang này cho biết “…triển lãm "Truyện Kiều và các bản dịch" với 73 bản dịch bằng 21 ngôn ngữ khác nhau đã được tổ chức từ 12-29/9 tại Paris, Cộng hòa Pháp. Đây là kết quả sưu tầm của nhà nghiên cứu văn học phương Đông Nguyễn Thị Sông Hương, Việt kiều Pháp, một người con Hà Tĩnh - quê hương của đại thi hào Nguyễn Du.”[1]

- Thông tin “hơn 70 thứ tiếng” (link 8) có thể do nhầm (70 “bản dịch” chứ không phải “thứ tiếng”), vì câu tiếp theo trong bài viết là “Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, đối với một tác phẩm viết bằng tiếng Việt mà có hơn 70 bản dịch là chuyện chưa từng có”. Nhưng cho đến nay thông tin đó vẫn chưa được sửa.

- Hầu hết các thông tin đều chỉ đưa ra số lượng mà không liệt kê các ngôn ngữ mà Truyện Kiều được dịch ra. Hiện tôi chỉ thấy một nguồn từ Báo Quảng Bình (link 5) kể tên 18 ngôn ngữ (trong số 20 ngôn ngữ) được dịch là: “Pháp, Anh, Nhật, Trung, Nga, Hàn Quốc, Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc, Phần Lan, Arab, Đức, Bulgaria, Romania, Tây Ban Nha, Mongolina, Lào, Thái Lan...” Thế nhưng trên thực tế, cho đến nay Truyện Kiều chưa được dịch ra tiếng Phần Lan.

 

2. Về số bản dịch

Có 8/11 nguồn dẫn ở trên đưa ra số lượng bản dịch Truyện Kiều bằng các thứ tiếng, song con số khác nhau, xê dịch từ 35- 80 bản. Điều này cũng có thể hiểu được, vì các con số đó được đưa ra vào các thời điểm khác nhau. Nhưng có điều đáng băn khoăn là thông tin gần đây nhất về số bản dịch mà chị Nguyễn Thị Sông Hương sưu tầm được, được đưa ra không giống nhau: 73 (link 4), 80 (link 2) và 90 (chú thích 1). Thấy vậy, tôi đem thắc mắc này hỏi một người bạn là nhà nghiên cứu văn học và nghiên cứu Truyện Kiều đồng thời cũng là thành viên của Hội Kiều học. Anh trả lời rằng “con số tương đối!

Như vậy, cho đến nay đã gần 150 năm kể từ khi hai bản Kiều in sớm nhất hiện còn là bản của Liễu Văn Đường (1871) và bản của Duy Minh Thị (1872), chúng ta vẫn chưa biết được chính xác Truyện Kiều đã được dịch sang bao nhiêu ngôn ngữ nước ngoài và có tất cả bao nhiêu bản dịch. Mà không chỉ Truyện Kiều, một số tác phẩm văn học Việt Nam khác được dịch ra tiếng nước ngoài cũng không có được con số chính xác.

Cùng khoảng thời gian ra đời với hai bản in Truyện Kiều cổ nhất trên, năm 1870 cuốn tiểu thuyết Bảy anh em của nhà văn Aleksis Kivi được xuất bản, khai sinh nền văn học viết tiếng Phần Lan[2]. Vì vậy, năm nay Phần Lan kỷ niệm 150 năm Bảy anh em ra đời. Hôm 10/10/2020, tại Hội thảo kỷ niệm đúng vào ngày sinh của A. Kivi và cũng là ngày Văn học Phần Lan, báo cáo của Chủ tịch Hội Aleksis Kivi cho biết: đến hết năm 2017, Seitsemän veljestä đã được dịch ra 37 thứ tiếng với 61 bản dịch. Danh mục dưới đây (trích từ báo cáo đó) cho biết cụ thể năm xuất bản của từng bản dịch, trong đó có tiếng Việt.

Không chỉ riêng với tiểu thuyết Bảy anh em, Hội Văn học Phần Lan (một Hội nghề nghiệp) được thành lập năm 1831, có một ngân hàng dữ liệu về tất cả các tác phẩm văn học Phần Lan (viết bằng các tiếng Phần Lan, Thụy Điển, Sami) được dịch ra tiếng nước ngoài kể từ năm 1839 đến nay, được cập nhật trên mạng tại địa chỉ  (http://dbgw.finlit.fi/kaannokset/index.php?lang=ENG). Từ đây có thể tìm tên các tác giả, tác phẩm gốc được dịch ra các tiếng nước ngoài với các thông số: tên tác phẩm dịch, ngôn ngữ dịch, nhà xuất bản, năm xuất bản, hoặc tìm theo tên dịch giả và tác phẩm dịch. Chẳng hạn, tôi thử tìm tên tác giả Elias Lönnrot và tác phẩm Kalevala, dữ liệu này cho biết có 60 ngôn ngữ dịch và 234 bản dịch (kể cả những bản biên soạn dựa trên Kalevala), trong đó tiếng Việt có các bản Calêvala do Cao Xuân Nghiệp dịch, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau xuất bản năm 1986, Kalêvala, Bùi Việt Hoa dịch, Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1994; Cối xay thần Xampo. Bùi Việt Hoa (biên soạn dựa trên Kalevala), Nhà xuất bản Mỹ thuật xuất bản 1999.

Từ cơ sở dữ liệu văn học dịch của Hội Văn học Phần Lan, tôi nghĩ về một sơ sở dữ liệu như vậy của văn học dịch Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam đã có Ban Văn học dịch và Hội đã tổ chức 4 Hội nghị Quảng bá và giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài (2002, 2010, 2015 và 2019). Về Nguyễn Du và Truyện Kiều đã có Hội Kiều học. Liệu đến bao giờ chúng ta có được một dữ liệu như của Văn học dịch Phần Lan với Truyện Kiều nói riêng và các tác phẩm văn học Việt Nam khác được dịch sang tiếng nước ngoài. Chẳng lẽ năm năm tới, vào dịp kỷ niệm 260 năm sinh và 205 năm mất của Nguyễn Du và sau đó nữa, chúng ta vẫn chỉ có thể nói về số lượng Truyện Kiều được dịch ra tiếng nước ngoài và số lượng bản dịch với “con số tương đối”, “hàng chục” với “gần”, “hơn”, “khoảng” trước các con số? Với sự phổ biến của công nghệ như ngày nay, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu cho Truyện Kiều nói riêng và Văn học dịch Việt Nam nói chung không phải không làm được.

 

 

 


[1] Đáng chú ý, liên quan đến sưu tầm này, tháng 2/2020 một người có viết trên facebook rằng: “Để chuẩn bị cho Trưng bày về Truyện Kiều tại trụ sở UNESCO (Paris) vào cuối tháng 3 năm nay nhân Tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820-2020), chị Sông Hương, quê Hà Tĩnh hiện định cư tại Pháp đã cùng anh em chúng tôi lặng lẽ, kiên trì sưu tầm các bản Kiều đã được dịch và xuất bản ở các quốc gia. Đến nay, đã có trong tay 90 ấn phẩm, dịch ra 20 thứ tiếng.” Ngoài ra một bài viết trên báo Hà Tĩnh ngày 16/12/2019 viết: “Ngoài 9 cuốn sách là các bản dịch Truyện Kiều cùng các hiện vật khác được chị Sông Hương trao tặng Ban Quản lý Khu di tích Nguyễn Du vào tháng 5/2018, đến nay, chị đã sưu tập được 80 bản dịch Truyện Kiều bằng 20 thứ tiếng và hơn 250 đầu sách nghiên cứu về Truyện Kiều ở nhiều nước trên thế giới (link 2 ở nguồn dưới bảng trên).

[2] Bản tiếng Việt Bảy anh em do Bùi Việt Hoa dịch, được Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản năm 2019, sẽ tái bản tháng 12/2020

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443654

Hôm nay

2212

Hôm qua

2333

Tuần này

21467

Tháng này

218828

Tháng qua

112676

Tất cả

114443654