Những góc nhìn Văn hoá

Thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc, năm 1960. ảnh tư liệu

Trong các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh về quyền trẻ em, không chỉ chứa đựng những tư tưởng quan điểm cơ bản mà còn cả những lời chỉ bảo ân cần rất cụ thể và gần gũi với thực tế công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em về mọi mặt: Sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí và hoạt động đoàn, đội của thiếu niên, nhi đồng. Đặc biệt, Người rất quan tâm đến ý kiến, sáng kiến của chính các em và đặt niềm tin yêu vào các em. Tư tưởng đúng đắn đó của Người luôn là kim chỉ nam soi đường cho Đảng, Nhà nước ta đề ra đường lối, chính sách và pháp luật thực hiện quyền và lợi ích của trẻ em Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền trẻ em

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền trẻ em được hình thành, thể hiện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và trong thực tế cuộc sống đời thường của Người; là hệ quả của sự hình thành một nhãn quan chính trị, một tầm nhìn nhân văn sâu sắc, một nhận thức, hành động của Người đối với trẻ em Việt Nam và quốc tế. Tiếp thu tinh hoa nhân loại, kế thừa truyền thống của dân tộc, Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở lý luận và tổ chức hoạt động thực tiễn cho một xã hội mới, trong đó những quyền cơ bản của trẻ em được đảm bảo. Hồ Chí Minh đã ý thức rõ rệt rằng cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc và bảo đảm các quyền của trẻ em phải được tiến hành trong cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới văn minh, tốt đẹp.

Từ thuở ấu thơ, chứng kiến cuộc sống quanh mình, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy cảnh sống trái ngược trong xã hội giữa giàu sang với nghèo hèn; giữa trẻ em con nhà giàu với con nhà lao động. Thực tế ấy đã dần dần mang đến cho cậu bé Nguyễn Sinh Cung ý thức được về sự bất công trong xã hội và nảy nở tình cảm yêu thương cho những trẻ em đồng trang lứa với mình. Bên cạnh đó, sự giáo dục của gia đình về tình thương, nhân cách, tấm gương đạo đức của bà ngoại, bố, mẹ và anh chị đã ảnh hưởng không nhỏ đến Nguyễn Sinh Cung từ thuở ấu thơ. Khi lớn lên, trở thành thầy giáo ở trường Dục Thanh, Phan Thiết, chứng kiến sự thống trị, đàn áp của thực dân Pháp đối với nhân dân ta càng làm cho thầy Nguyễn Tất Thành nung nấu quyết tâm đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, trong đó có các em nhỏ. Những năm tháng bôn ba ở nuớc ngoài để tìm đuờng cứu nuớc, Hồ Chí Minh đã có mặt ở 22 ưuớc thuộc địa, phụ thuộc và tư bản đế quốc trên thế giới. Nguời được tiếp cận trực tiếp và hiểu rõ về chế độ xã hội của các nuớc này. Việc tận mắt chứng kiến tình cảnh của người lao động, người dân bản xứ, trong đó có trẻ em đã giúp Người củng cố thêm ý thức về sự thống trị của thực dân, nguyện vọng thiết tha về quyền sống, học tập, lao động của nhân dân lao động và trẻ em các nước. Như vậy là, từ tình cảm yêu thuơng gia đình, đồng bào, Hồ Chí Minh đã mở rộng lòng yêu thương thông cảm với nhân dân, với trẻ em thế giới. Tư tưởng giải phóng trẻ em lao khổ ở các nuớc gắn với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho các dân tộc bị áp bức đã dần hình thành rõ nét hơn trong tư tưởng của Nguời. Ở Người, quan điểm về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em sớm trở thành một bộ phận của tư tưởng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội văn minh, dân giàu, nước mạnh. Dân tộc không được giải phóng thì trẻ em không được bảo vệ, chăm sóc, không được hưởng các quyền lợi cơ bản của mình. Đất nước không được giàu mạnh thì trẻ em không đuợc ấm no, hạnh phúc.

Mặc dù không trực tiếp đề cập đến khái niệm “quyền trẻ em”, song trong quá trình tìm hiểu những văn kiện quốc tế từ năm 1924 đến nay, chúng ta thấy có nhiều điểm của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (1990) và tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng, phù hợp với mục tiêu, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề trẻ em. Thậm chí ở một số điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền trẻ em còn đi xa hơn Công ước như: Người luôn gắn giữa quyềnvà nghĩa vụcủa trẻ em; giữa khả năngvà điều kiệnđể biến tư tưởng tiến bộ về quyền trẻ em thành hiện thực. Đó chính là giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền trẻ em. Sự quan tâm đối với trẻ em của Hồ Chí Minh gắn chặt với những trăn trở về tương lai của dân tộc và thế giới. Ngay từ những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam non trẻ, vị Chủ tịch nước trong bộn bề công việc vẫn không quên “những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”. Tết Trung thu độc lập đầu tiên năm 1945, Người gửi thiếu nhi Việt Nam hai bức thư trong vòng một tuần lễ. Hai bức thư ấy tràn đầy niềm vui, niềm tự hào vì nước nhà đã độc lập, các em thoát kiếp “bầy nô lệ trẻ con”. Vị Chủ tịch nước cùng các em hy vọng vào những Tết Trung thu sau sẽ vui hơn. Từ năm 1945-1969, gần như Tết Trung thu và ngày Quốc tế thiếu nhi l-6 nào Người cũng đều viết thư cho thiếu niên, nhi đồng. Nói với trẻ em, viết cho trẻ em, đến với trẻ em, Hồ Chí Minh nhất quán trong phong cách và văn phong: giản dị, gần gũi. Hàng trăm bức thư, bài báo, bài thơ tự tay Người viết, tặng cho các cháu. Tất cả những bức thư đó đều dạt dào tình cảm, đều chứa đựng sự yêu thương, tin tưởng cùng những lời căn dặn dễ hiểu nhưng sâu sắc. Điều ấy hiếm gặp ở bất kỳ một chính khách nào, điều ấy độc đáo và làm nên một nhân cách Hồ Chí Minh. Nhiều lời dạy của Bác đối với thiếu nhi đã được các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam khắc cốt ghi tâm. Nổi bật là năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng: “- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”1.

Thiếu niên, nhi đồng cả nước đã đón nhận năm lời dạy thiêng liêng của Người, xem đó như là mục tiêu để phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá đội viên tiêu biểu của Đội. Hiện nay, năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng được treo trang trọng ở các lớp học...

Với suy nghĩ, con người là vốn quý nhất, mà thiếu niên, nhi đồng lại là cái vốn quý nhất trong cái vốn quý nhất đó, nên bên cạnh việc đem lại quyền được sống trong hòa bình cho trẻ em, trong kho tàng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thấy nhiều lời căn dặn thể hiện những quan điểm cụ thể của Người về vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Người chỉ ra rằng, trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc về tất cả mọi mặt, từ sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí đến việc bày tỏ ý kiến và tham gia vào những hoạt động đoàn thể. Yêu quý thiếu nhi, nên Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục các cháu. Người coi thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, do vậy cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng. Bên cạnh việc coi trẻ em là những chủ thể còn non nớt về thể chất và trí tuệ, phải có sự quan tâm, dìu dắt, chăm sóc và bảo vệ đặc biệt; Người đã đặt niềm tin mạnh mẽ vào trí tuệ, phẩm chất của thế hệ trẻ. Trong bức thư gửi các cháu nhân ngày khai trường của nuớc Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có buớc tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu đuợc hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”1. Với Nguời, trẻ em là tương lai của đất nuớc, dân tộc và thế giới vì sự định hình nhân cách, lý tưởng của trẻ em hôm nay quyết định thế giới sẽ tồn tại thế nào trong tuơng lai.

Trong cuộc đời của Hồ Chí Minh, mọi suy nghĩ, hành động lúc nào cũng có thiếu niên, nhi đồng. Người không coi đây là một đối tượng trẻ con không biết gì, lúc nào Người cũng hướng đến các em với tình yêu thương chan chứa, ra sức kêu gọi mọi người, mọi nhà, cả nước hành động vì trẻ em. Năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới bắt đầu, chính Nguời với lòng yêu trẻ em vô bờ bến đã thông báo cho các cơ quan hành chính cách mạng khắp các địa phương thu thập danh sách những thiếu niên, nhi đồng, con các liệt sĩ gửi về Văn phòng Chính phủ để chứng nhận đó là những người con nuôi của mình. Đó còn là sự ghi công, biết ơn đối với những anh hùng đã ngã xuống cho độc lập dân tộc, tự do nhân dân. Người muốn toàn xã hội quan tâm chăm sóc để tất cả các cháu bé mồ côi cha mẹ cũng đuợc dạy dỗ, bảo ban, lớn thành người tốt. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các em tham gia đánh giặc cũng như các em tham gia lao động, sản xuất, làm công tác hậu phương giỏi đều nhận được thư khen ngợi, thăm hỏi kịp thời của Người.

Trước lúc đi xa, trẻ em và thế hệ trẻ vẫn luôn ở trong trái tim và tâm trí Hồ Chí Minh. Một trong những bài báo cuối cùng đăng trên báo Nhân Dân ngày 01-6-1969, Người viết về việc nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Trong Di chúc,Người khẳng định: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[1][2]. Người để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng và đặc biệt cho “toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Trong mỗi giai đoạn cách mạng cũng như cuộc đời đầy cống hiến và hy sinh của mình, trẻ em luôn là lớp “công dân đặc biệt” được Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt, cụ thể, sâu sát. Chăm lo cho thế hệ trẻ, cho trẻ em thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Hồ Chí Minh. Tất cả những lời dạy của Người mang tầm nhìn rộng lớn, sâu sắc về giáo dục trẻ em cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn đang phấn đấu hoàn thiện. Trẻ em có vai trò đặc biệt quan trọng đối với gia đình và xã hội. Người Việt Nam vốn có truyền thống yêu thương gắn bó với con cháu, con cháu không chỉ là nguồn hạnh phúc mà còn là niềm mơ ước, là nơi gửi gắm những ước mơ, niềm tin và sự hãnh diện.

 

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo tốt nhất cho quyền và lợi ích của trẻ em Việt Nam

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và gắn với điều kiện thực tiễn, trong thời kỳ đất nước đổi mới, cùng với nhiều chính sách kinh tế, xã hội được ban hành, Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này (vào ngày 20-2-1990). Điều đó đã làm thay đổi khá nhanh nhận thức, hành động đối với trẻ em và thực hiện quyền trẻ em Việt Nam. Với nỗ lực cao nhất, dành những gì tốt nhất cho trẻ em, Nhà nước Việt Nam đã không ngừng làm hài hòa pháp luật quốc gia với Công ước quyền trẻ em. Hiến pháp của Việt Nam quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” (khoản 1, Điều 37, Hiến pháp năm 2013).

Pháp luật về quyền trẻ em, từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần đầu được Quốc hội thông qua năm 1991 - ngay sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước, tiếp tục được sửa đổi năm 2004, cho đến Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn các quyền và bổn phận của trẻ em, trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân. Luật Trẻ em năm 2016 quy định đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế của trẻ em phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và chuẩn mực quốc tế khác về quyền con người, quyền trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em cũng quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em và quyền được tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Trong suốt 35 đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã thể chế hóa cụ thể các quan điểm về sự cam kết và chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bằng việc ban hành các văn bản luật và dưới luật: Luật Trẻ em - đạo luật cơ bản về quyền trẻ em, các bộ luật, luật khác trong quá trình sửa đổi, bổ sung cũng luôn cập nhật, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn các thông lệ và chuẩn mực quốc tế có liên quan đến quyền trẻ em, như: Luật Giáo dục (quy định giáo dục trẻ thơ là một phần của hệ thống giáo dục quốc gia); Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Lao động, Luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Luật Quốc tịch,Xử lý vi phạm hành chính, Lao động, Tổ chức tòa án nhân dân; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; các Chiến lược liên quan về dân số; chăm sóc sức khỏe sinh sản; dinh dưỡng; Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em; Quyết định của Thủ tướng về giáo dục tiền học đường chủ yếu là giáo dục và chăm sóc trẻ thơ ở các vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt từ ngày 01-6-2005 đã tiến hành cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế công lập... Các nguyên tắc và yêu cầu về bảo vệ người chưa thành niên trong quá trình tư pháp của các bộ luật, luật này cũng đồng thời chuẩn bị cho một hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên dần định hình.

Cùng với hệ thống pháp luật về quyền trẻ em không ngừng được xây dựng theo hướng ngày càng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện để bảo đảm các quyền của trẻ em được đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn và giải quyết các vấn đề trẻ em phát sinh. Điều này cho thấy đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam đặt trẻ em vào trọng tâm ưu tiên của đầu tư cho xã hội, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển bền vững và chuẩn bị tốt nhất cho nguồn nhân lực.

Chỉ thị số 20/CT-TW, ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới đã nhấn mạnh: Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt các cấp địa phương, cơ sở đã nâng cao nhận thức và quan tâm về công tác trẻ em; thực hiện 25 quyền trẻ em theo quy định của pháp luật và chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em; hướng dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; thực hiện trách nhiệm phát hiện thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; giáo dục của nhà trường thực hiện việc cung cấp kiến thức pháp lý về chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ trẻ em; công viên, cây xanh, sân chơi cho trẻ em, các thiết chế văn hóa cho trẻ em đã được quan tâm hơn.

Nhiều tổ chức và bạn bè quốc tế đánh giá cao về những cố gắng và kết quả chăm sóc, bảo vệ trẻ em của Việt Nam trong 35 năm qua.

Đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm vào cuộc tích cực, kịp thời, trách nhiệm của các cơ quan, ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tư pháp, các cơ quan báo chí, các tổ chức xã hội, đội ngũ cán bộ, công tác viên làm công tác trẻ em trong cả nước.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành kế hoạch hành động để thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10-5-2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4-6-2019 về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030), trong đó có 13 mục tiêu và 40 chỉ tiêu về hoặc liên quan đến trẻ em.

Như vậy, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về quyền trẻ em mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm của Người về quyền trẻ em giờ đây và mãi về sau vẫn giữ nguyên giá trị và hoàn toàn phù hợp với quan điểm của thời đại: “Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai”. Đó là cơ sở cho Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.

Để thực hiện tốt chủ trương trên, phải phân tích, dự báo và có ngay giải pháp đối với những vấn đề sẽ làm hạn chế hoặc làm mất đi các quyền của trẻ em:

Thứ nhất, kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế một mặt thúc đẩy các cam kết, chuẩn mực chung về quyền con người và quyền trẻ em thông qua các hiệp định thương mại tự do. Mặt khác, đa dạng hóa các thành phần kinh tế, nới lỏng di cư, xuất nhập cảnh, đăng ký hộ tịch, quốc tịch, thúc đẩy du lịch... làm gia tăng các nguy cơ sử dụng lao động trẻ em, mua bán trẻ em, xâm hại, bóc lột trẻ em, trẻ em lánh nạn, tị nạn không có người lớn đi cùng... Đặc biệt, làm gia tăng bất bình đẳng về cơ hội phát triển đối với trẻ em miền núi, thiểu số, vùng nghèo.

Thứ hai, trẻ em là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên và dai dẳng của biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường khắc nghiệt, suy giảm nguồn tài nguyên; bị mất và hạn chế việc bảo đảm các quyền từ nhiều góc độ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ.

Thứ ba, đô thị hóa và di cư dẫn đến tình trạng trẻ em nông thôn thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ. Trẻ em cùng cha mẹ đến đô thị, khu công nghiệp khó tiếp cận dịch vụ cơ bản có chất lượng; giáo dục, đặc biệt giáo dục mầm non thiếu và không đảm bảo tiêu chuẩn; không được khai sinh; không tiếp cận được bảo hiểm y tế; gia tăng tai nạn thương tích do thiếu giám sát của gia đình... Trong khi đó, trẻ em ở đô thị cũng chịu áp lực do thiếu hạ tầng dịch vụ giáo dục, y tế, vui chơi giải trí; môi trường sống thiếu an toàn (tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường…).

Thứ tư, cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển Internet, mạng xã hội một mặt tạo môi trường để trẻ em phát triển trí tuệ, giao tiếp xã hội nhanh hơn thì cũng đồng thời làm gia tăng các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc, thiếu chuẩn mực; bị bạo lực, xâm hại trên và thông qua môi trường mạng.

Truyền thống của dân tộc Việt Nam là “kính già, yêu trẻ - trên kính, dưới nhường”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Chúng ta hy sinh phấn đấu, đều nhằm mục đích xây dựng đời sống hạnh phúc cho nhi đồng ta”[3]. 30 năm Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam cần nhìn lại những bài học quá khứ và hướng về tương lai phát triển bền vững mà ở đó trẻ em chính là những người kiến tạo. Trẻ em vừa thuộc về hiện tại vừa thuộc về tương lai nên phải làm mọi cách để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Và hơn bao giờ hết, chúng ta cần biến tất cả cam kết thành hành động khẩn trương, mạnh mẽ, cụ thể ngay từ bây giờ vì mỗi trẻ em bị bỏ lại phía sau thì nguy cơ tụt hậu của quốc gia sẽ lại càng lớn hơn.

“Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”, Việt Nam sẽ tiếp tục hành động thiết thực để mọi trẻ em của chúng ta đều được hạnh phúc

 

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr.35.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.612.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.337.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528941

Hôm nay

2322

Hôm qua

2275

Tuần này

21214

Tháng này

215637

Tháng qua

0

Tất cả

114528941