Những góc nhìn Văn hoá

Những thi sĩ đeo số tù

Ta đi ta nhớ Sơn La

Nhớ con hạc trắng, nhớ hoa nhạn hồng

Non cao điệp điệp trùng trùng

Suối reo hòa nhịp với lòng ta reo...

Người viết ra những câu thơ đầy xúc cảm thi vị trên ai ngờ chính là một thi sĩ đeo số tù của thực dân Pháp ở ngục Sơn La, giữa nơi "lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc" khét tiếng xưa kia!

Ngày hôm nay, nếu ai đến thành phố Sơn La sẽ gặp ngay một đại lộ thênh thang mang tên Tô Hiệu. Con đường chạy dài bên ngọn đồi Khau Cả - trên đó còn sừng sững một khu gạch đá xám đen, rêu mốc - đó chính là ngục Sơn La. Con quái vật này hiện giờ trở thành một khu di tích lịch sử độc đáo có một không hai.

Ngục Sơn La nổi bật lên bên cạnh các nhà tù đế quốc có tầm cỡ như Côn Đảo, Ban Mê Thuột, Kon Tum, Hỏa Lò vì tính chất cùng ý nghĩa quan trọng của nó trong âm mưu và chính sách cực kỳ hiểm độc của kẻ thù. Âm mưu này được lộ rõ trong một bức thư mật mà công sứ tỉnh Sơn La Xanh Pu-lốp đã gửi cho Thống sứ Bắc Kỳ vào năm 1932: "Xin ngài cứ tiếp tục gửi chính trị phạm lên Sơn La, bọn này nếu ở HỏaLò là những hạng hung hăng khó trị, thì rồi đây lên tới Sơn La, chỉ trong vòng 6 tháng thôi, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở nên hiền hòa." Lúc bấy giờ, nhà tù Sơn La được ví như "chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ những tù nhân tắc thở đem chôn" .

Nhà tù Sơn La. nguồn ảnh https://vi.wikipedia

Nhưng, có một điều rất lý thú mà việc nghiên cứu văn học sử lâu nay dường lãng quên: ngục Sơn La cũng chính là một trong những cái "nôi" quan trọng nhất sản sinh ra mảng thơ ca cách mạng; và do một sự ngẫu nhiên của lịch sử, nơi đây đã tập trung khá nhiều tác giả quen thuộc của dòng văn học yêu nước và cách mạng giai đoạn 1930-1945: Sóng Hồng, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Từ, Chu Hà, Trần Minh Tước, Nguyễn Mạnh Hoan, Vương Gia Khương, Nguyễn Văn Năng, Hồng Trang, Mộ Thanh, Đặng Việt Lâm, v.v...Hơn ở bất kỳ một địa phương nào, một nhà tù đế quốc nào trong giai đoạn này, những sáng tác thơ văn nơi đây hết sức phong phú đa dạng - về phong cách, đề tài, chủ đề, thể loại; không ít tác phẩm đạt tới trình độ nghệ thuật điêu luyện làm rạng rỡ cho bộ phận văn học "bất hợp pháp" đương thời - bộ phận văn học thực sự tiêu biểu cho những gì là tinh hoa của nền văn hóa - văn học dân tộc ngay trong lòng chế độ thực dân phong kiến!

Nhưng trước hết, phải nói ngay rằng, những tác giả đó không phải là những nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp. Họ chỉ là những THI SĨ ĐEO SỐ TÙ, xuất thân từ nhiều nghề nghiệp, nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, cùng tình nguyện đứng trong một tổ chức hoạt động bất hợp pháp nhằm lật đổ chế độ thống trị đương thời, được mệnh danh là những "phần tử nguy hiểm". Song, "ở đâu có sự sống, ở đó có thơ ca" (M.Gorki). Hoạt động cách mạng để giành lại độc lập cho dân tộc và tự do cho con người, đó là sự sống cao đẹp nhất, tập trung nhất, và vì vậy, nên thơ nhất... Người chiến sĩ cách mạng trong tù làm thơ không có ý định trở thành thi sĩ, thậm chí có khi không có cả ý định làm thơ nữa! Nhưng những vần thơ lời ca họ làm ra, tuy chẳng mấy khi được gọt rũa cẩn thận lại là một thứ thơ nguyên chất chảy thẳng từ tim óc, lấp lánh ánh sáng trí tuệ và thấm đượm cảm xúc, nói như nhà bác học Lê Quý Đôn: "Để trong lòng là chí, nói ra là thơ". Nhưng đối với những tác phẩm thi ca như thế này, vốn không phải bài nào cũng hay, không dễ tìm thấy cái hay, không thể thưởng thức với một thái độ thông thường... Trong tù, người chiến sĩ không thể chỉ ngồi làm thơ! Phải tổ chức học tập chính trị, văn hóa, quân sự, tổ chức đời sống, phải đấu tranh gay gắt bền bỉ với kẻ thù có khi đổ máu để giành giật thậm chí từng giây sự sống; phải làm công tác binh vận, dân vận... Ở ngục Sơn La còn phải làm mọi công việc khổ sai, phục dịch cho bọn quan lớn bé cùng vợ con của chúng. Và ngay  cả việc làm thơ đặt lời ca cũng là một hành động cách mạng: thơ đánh địch, thơ tuyên truyền vận động, thơ động viên anh em đồng chí và tự động viên mình trước thử thách hiểm nghèo. Thơ ca ấy đã nảy sinh trong lúc oằn lưng kéo xe nước đi ngược dốc, trong một cơn đau quằn quại nằm giữa cái sống cái chết; trong lúc cần phải có một tiếng cười vui sau những giờ lao động khổ sai nặng nhọc. Nó là tiếng khóc lặng lẽ bên xác người đồng chí vừa nhắm mắt hay những phút ngậm ngùi bên mộ chí của bạn tù đã xanh cỏ, là lời thổn thức tống biệt lúc kẻ ở người đi. Nó là một thái độ khinh bỉ cần phải thốt lên một giọng cười cay độc khiến kẻ thù tức hộc máu... Công việc sáng tác ở đây mang tính chất của một sự thôi thúc nội tâm mạnh mẽ. Cần phải diễn tả, bộc lộ ra tất cả tình yêu thương, niềm căm giận, những niềm vui thoáng qua hay giây phút chạnh lòng bâng khâng, để tạo ra biết bao "lời hay điệu lạ". Điều đó lý giải sức truyền cảm lạ lùng và lâu bền của phần lớn thơ ca trong tù. Những cuộc xướng họa thơ văn sôi nổi, sự tâm đầu ý hợp giữa người làm thơ và người thưởng thức đã biến nhà tù nổi tiếng này thành một "Tao đàn ngục thất". Tập san bí mật "Suối reo" được sinh ra trong lòng ngục đá Sơn La không chỉ đăng tải tin tức, chỉ thị, tài liệu huấn luyện mà còn bay bổng rung động bởi bao vần thơ lời ca của một nghệ thuật ngôn từ đặc sắc!

    Thực dân Pháp quả không mất công để đào tạo nên những người chép sử cho chúng. Những vần thơ viết trong tù ngục ở Sơn La có tính chính xác của sử liệu và được miêu tả bằng những rung cảm nghệ thuật sâu sắc, giàu hình tượng.

    Đây là cảnh tù nhân bị áp giải trên quãng đường hàng trăm cây số thật bi hài, gây phẫn uất: "Một xích hai thằng khắp đó đây/ Ngủ, ăn, đái, ỉa, chẳng rời tay".

    Đây là cảnh sống trong tù: "Nằm trên đỉnh núi mà như bưng/ Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ/ Thăm thẳm hầm giam sâu mấy từng/ Tháng tháng cơm xôi đau cả bụng/ Đêm đêm sàn đá buốt sau lưng" - "Nằm bên nhà xác vài ba bước/  Ngửi cứt cầu tiêu đủ bốn mùa!"

   Còn đây là những cảnh lao động khổ sai cực nhọc nguy hiểm: "Đập đá tha hồ phơi dưới nắng/ Phá rừng nhân thể gội trời mưa/ Bạn cùng cát bụi, sương, gai, vắt/ đèo núi đi về, tối sớm trưa..." 

    Bản cáo trạng đanh thép của thơ ca nhà tù Sơn Lacòn chỉ đích danh, điểm mặt những đại diện của chính quyền thống trị- từ tên quan bé đến tên chóp bu- như các bài "Chửi Ga-bô-ri", "Văn tế sống Cút-xô", v.v...

Nếu như ai đó những năm ấy đến Sơn Lachỉ nhìn thấy sự chết chóc thê lương rùng rợn, thì trong con mắt của người tù thi sĩ đeo số vuông(1) lại chứa chan thi vị - xuất phát từ tâm hồn trong trẻo lạc quan, tràn đầy cảm xúc lãng mạn: "Ai đưa mình đến Châu Yên/ Hoa rừng một đóa càng nhìn càng tươi"... Ngắm nhìn một cô gái Thái duyên dáng chưa búi tóc lên đầu (chưa có chồng) bên suối nước trong vắt, người ở thân phận tù đày đã "Bâng khuâng ta tưởng nàng tiên hạ trần" (Bâng khuâng).

Sống trong lòng con quái vật, giữa "đêm sâu bóng ngục đường", người tù thi sĩ không bỏ qua giây phút xuân về qua song sắt với cánh hoa ban trắng muốt, và cất tiếng hỏi ngục - cũng là hỏi cả chế độ hắc ám đương thời: "Đêm rung rinh, ngươi đứng được bao lâu?/ Đời ngươi tan như một lớp tro dày/ Bên nát vụn của một thời vụt tắt !"

 Có chúc tết nào lạ hơn lối chúc tết: "Chúc mừng năm mới năm mau hết/ Có đái thì đừng đái máu ra"... Có hiểu rõ cái chết đột ngột và khủng khiếp sau những trận sốt rét rừng đái ra máu thì mới thấy sự bình thản, thách thức, bỡn cợt của người tù khi trần tình: "Vậy mà mình chẳng chi chi cả/ Gốc Ổi không thèm ném xác ra!", và kêu gọi:"Ai ơi sốt rét đừng ra máu/ Non nước chờ xem ta vẫy vùng!"

Việc đi đày đã được một thi sĩ ngục Sơn Ladiễn đạt hóm hỉnh là: "Anh em ta quyết đi du lịch/ Chả đi mà hái mấy vần thơ/ Trong lúc năm châu khói lửa tràn..."

 Kẻ thù khi cho xây ngục tối ở SL và khắp nơi, đâu có lường trước được điều này: "Lòng ta rộng mà lòng ngươi quá hẹp/ Thì giam sao được hết mảnh hồn sâu!"

Sau khi đứng lặng xót thương bên nấm mộ của bạn tù tại nghĩa địa Gốc Ổi: "Rừng sâu núi thẳm nấm mồ trơ/ Khóc bạn đầm đìa giọt lệ mưa", người tù đã gạt lệ để thầm hứa những điều thiêng liêng với người bạn xấu số, và hò hẹn: "Rồi một ngày kia xã hội thay/ Vườn đời tươi tốt cỏ hoa đầy/ Nơi đây ghi lại bao thương nhớ/ Bạn sẽ cười vang dưới gốc cây..."

Giữa hai cảnh ngộ trái ngược, gặp hoa đào của "rừng nặng sương chiều" hiện tại nhớ đến hoa đào sông Tô năm ngoái khi còn tự do, người tù thi sĩ đã thốt lên: "Giữa chốn bụi hồng tuy lận đận/ Lòng đào ta vẫn đỏ không phai"... Thơ ca trong ngục Sơn Lakhông hiếm những "bụi hồng" cổ điển và tấm "lòng son" hiện đại như thế của vẻ đẹp tâm hồn cũng như vẻ đẹp của văn chương!

Giặc Pháp muốn bằng núi cao rừng thẳm và sự bất đồng ngôn ngữ để thực hiện âm mưu chống phá cách mạng, thì người chiến sĩ bị cầm tù đã tìm đến quần chúng qua lời ăn tiếng nói của chính họ. Đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La đã thuộc và truyền khẩu rộng rãi nhiều lời ca cách mạng làm bằng tiếng địa phương do thi sĩ đeo số tù làm ra - tiêu biểu như bài "Pọm căn tứn khửn" (Đồng bào hãy đứng lên đấu tranh) của đồng chí Nguyễn Văn Trân. Không một lời đánh giá nào cao hơn đối với một tác phẩm thi ca khi đã tìm thấy sự đồng vọng tin yêu trong lòng quần chúng lao khổ, hơn thế còn góp phần vun đắp nên bao cơ sở quần chúng tích cực. Như thế là, trong bóng tối xà lim, những thi sĩ đeo số tù vẫn âm thầm đào móng lật đổ chế độ thống trị bằng cả sức mạnh của ngôn ngữ- "những cánh hoa hồng của trái tim"!

Điều khiến chúng ta hôm nay xúc động và sẽ mãi mãi trân trọng là, những người tù số vuôngtrong hoàn cảnh hiểm nguy não lòng vẫn giữ vẹn nguyên cốt cách trong sạch như cánh hoa mơ trắng ngần của rừng Tây Bắc ("Cốt cách giãi bày thanh bạch quá/ Mảnh ngọc phơi đầy khí tiết trong"). Đó là tính người cao thượng, là thái độ bất khuất cương trực trước kẻ thù, và đặc biệt là tình thương sâu nặng đối với nhân dân nghèo khổ bất hạnh... Đồng bào quanh thị xã Sơn La trước đây, thành phố Sơn La hôm nay vẫn còn lưu giữ biết bao câu chuyện cảm động gần như truyền thuyết về người tù chính trị mà họ gọi một cách thân mật là "người tù áo sạch"- bởi những tấm áo tù luôn luôn được giữ gìn sạch sẽ, được vá víu cẩn thận khi đi làm khổ sai, và chính bởi cái tấm lòng trong sạch, giản dị, thương quý đồng bào một cách sâu sắc, chân thật bên trong những tấm áo tù... Cái tâm niệm của một người tù Sơn Lađeo số vuông khi đứng bên dòng suối năm nào: "Dù cho sông núi bạc đầu/ Lòng ta giữ trọn một màu nước trong" cho đến hôm nay vẫn là một bài học thấm thía, và có ý nghĩa thời sự cấp bách đối với nhiều người trong sự chao đảo đến chóng mặt của các giá trị, giữa cơn lốc xoáy thị trường...

Khi vào thăm khu nhà ngục cũ, chúng ta hãy tạm để lại bên ngoài những lo toan, tính toán, những nỗi niềm riêng tư để có thể sống trọn vẹn với những cảm xúc lịch sử bi tráng được gợi ra bởi lỗ châu mai, tường đá xám, dây thép gai, chiếc cùm tập thể, chấn song sắt mà thời gian không làm chúng sờn đi mảy may sự trơ tráo, lì lợm, độc ác... Và Ngục Sơn La sẽ mãi mãi còn là một cội nguồn tinh thần quý báu để dinh dưỡng cho tâm hồn nhiều thế hệ niềm tin yêu nhân hậu về lẽ sống tốt đẹp, về tình thương, về khát vọng tự do, về sức mạnh của chính nghĩa mà không một sức mạnh đen tối nào có thể vùi dập nổi, bởi một lý do cũng không kém phần quan trọng: ở nơi đó đã từng hun đúc nên những áng thơ văn giàu tình người chân thật nhất...

___________________

1. Tù chính trị đeo số vuông, phân biệt với tù thường phạm đeo số chéo.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528855

Hôm nay

2236

Hôm qua

2275

Tuần này

21128

Tháng này

215551

Tháng qua

0

Tất cả

114528855