Người xứ Nghệ
Nhớ ông Đỉnh, ông Thung
Mấy hôm rét quá, co ro cố thủ trong nhà, lục lại đống tài liệu, tôi tìm thấy mấy tấm hình chụp hai ông, ông Đỉnh (Thái Kim) và ông Thung (Trần Hữu). Đó là mùa đông, cũng rét lắm, năm 1998. Năm đó, tôi mượn xe của Trung tâm Văn hóa Hà Tĩnh, anh Bùi Khắc Hữu lái, chở vợ chồng và con gái út ông Đỉnh, ông cháu ông Nguyễn Bân, nguyên Phó ty Văn hóa Hà Tĩnh, Trưởng phòng Văn hóa quần chúng Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh, đến Vinh đón thêm họa sĩ Hải Thọ ra thăm ông Thung ở Diễn Châu. Ba ông già tríu lấy nhau hết chuyện này sang chuyện khác. Như hiểu ý, đoạn sau, mọi người giãn ra để ông Đỉnh và Thung “chuyện riêng” với nhau. Rồi mọi người dùng bữa trưa, uống với nhau ly bia “giã bạn”. Đây là cuộc gặp cuối cùng của ông Đỉnh và ông Thung. Mấy tháng sau thì ông Thung “đi”. Hôm ông “đi”, không ra được, ông Đỉnh buồn lắm, bảo tôi: Mình không ra được. Nhờ chú thắp hộ tôi cây hương cho anh Thung. Tôi, anh Xuân Hoài, cô Phước và anh Lê Anh Tuấn - họa sĩ, ra viếng. Trời nắng dữ dội. Bạn thơ văn cũng đã vãn... Tôi về kể chuyện. Ông Đỉnh lặng im. Chú uống với mình chén rượu nha. Tất nhiên rồi. Mấy lần rót, không một lời nào cả. Tôi chào ra về, ông Đỉnh thì thầm: Đời là thế. Nhưng sự im lặng của ông dù có cất giấu đến mức nào thì cũng phải có lúc phải bật ra. Năm 2010, khi sang tuổi 85,ông Đỉnh viết: “Anh Thung có câu thơ: Gíá như có thật ông Bành/Sống lâu vậy, cũng để thành vậy thôi. Ông Bành sống tám trăm năm, cuối cùng chỉ để lại cái tên Bành Tổ. Trần Hữu Thung sống chưa bằng1/10 tuổi ông Bành. Nhưng sau cái tên, anh còn có một nhân cách, một trí tuệ, một sự nghiệp. Tuy chưa là nhân cách lớn, trí tuệ lớn, sự nghiệp lớn như các bậc thầy, nhưng cũng đủ để thế hệ chúng ta quý mến anh,.. những thế hệ sau cũng không quên anh”. Phải nhớ lắm và quý trọng nhau lắm mới có những lời sâu thẳm đến vậy.
Lần gặp nhau cuối cùng của ông Thái Kim Đỉnh và ông Trần Hữu Thung (đầu năm 1999)
Ông Đỉnh kém ông Thung 3 tuổi. Ông Đỉnh Bính Thân, 1926; ông Thung Quý Mùi, 1923. Theo tôi biết thì hai ông quen biết nhau từ thời Liên khu IV. Ông Đỉnh làm công đoàn, ông Thung ở chi hội văn nghệ, chỉ biết nhau thôi, chưa thân thiết gì. Ông Đỉnh hồi đó chưa tham gia văn nghệ còn ông Thung thì đã nổi tiếng với Thăm lúa. Hòa bình, ông Thung ra Hà Nội, làm ở Hội Nhà văn, ở báo Văn Nghệ, (nghe đâu viết cả trên Nhân Văn nữa). Ông Đỉnh về Hà Tĩnh, làm cán bộ của Ty Văn hóa. Đến khoảng giữa những năm 1960 thì hai ông thân thiết vì cả hai đều chính thức làm văn nghệ. Ông Thung từ Hà nội về, cùng với ông Minh Huệ vận động thành lập Hội Văn nghệ Nghệ An, rồi làm lãnh đạo hội từ năm 1967. Trong Hà Tĩnh, ông Đỉnh và ông Hưu (Thanh Minh) được giao làm ban vận động thành lập hội Văn nghệ, rồi cùng nhau lãnh đạo hội. Đến năm 1976, nhập tỉnh, ba ông ở chung một hội Nghệ Tĩnh. Ông Hưu cả thời trai trẻ ngao du làm báo khắp trong Nam ngoài Bắc, chán cảnh cơm niêu nước lọ, chán nhiều thứ, được mấy bữa thì xin hưu về thị xã Hà Tĩnh nhỏ tí hí cho đến năm 1987 thì “đi”. Năm 1986, ông Đỉnh và ông Thung về hưu. Nhân dịp này, ông Thung làm “Bài vè gửi Thái Kim Đỉnh - Nhân dịp nhận quyết định về hưu”, có nhiều đoạn đến bây giờ đọc lại vẫn thấy cay cay. “Nửa đêm thức giấc, chong đèn/Nhớ nhau lại nghĩ phải nên thế nào?”; “Đến khi sửa soạn ra về/Nảy thêm ý, lại quay xe dặn dò/Giữa bao ngang trái, mập mờ/Anh em mình vẫn thơm tho nghĩa đời”. Họ trọng và thương nhau không chỉ vì cùng cảnh khó khăn “Ra vào chẳng mấy xa xôi/Nhưng anh cũng thiếu mà tôi cũng nghèo” mà còn chung “Nợ đời đã trót vấn vương/Tháng năm chỉ lắc yêu thương thêm đầy” và “Ruột tằm thơ nhả đến đâu/Bức tranh kia vẽ có màu gì thêm?”.
Ông Thung, ông Đỉnh làm chung mười năm ở Hội Văn nghệ. Ông Thung lúc làm chủ tịch, lúc làm phó còn ông Đỉnh thì suốt đời văn nghệ chỉ làm phó, có lúc cả hai cùng làm phó. Quen nhau không quá sớm, ở với nhau không nhiều, nhưng hai người là tri âm, tri kỉ cho đến chết. Ông Thung, ông Đỉnh, vừa khác nhau vừa giống nhau. Cả hai đều sinh ra trong gia đình nông dân có học, gia cảnh có phần khó khăn. Ông Đỉnh hồi nhỏ phải đi ở với người bà con, việc học hành chủ yếu do người cậu chăm lo. Ông học chỉ đến bậc tiểu học rồi thôi. Ông Thung cũng vậy. Cuộc đời các ông tự học là chính. Cả hai đều bắt đầu sự nghiệp của mình bằng thơ… tuyên truyền như các ông tự nhận. Ông Đỉnh bắt đầu làm thơ từ năm 1944, bút danh là Vũ Hoàng. Ông Thung cũng làm thơ từ khoảng ấy rồi trở thành nhà thơ chuyên nghiệp, có ngót chục tập thơ còn ông Đỉnh lúc sống chỉ in duy nhất một tập Cỏ Mật Nhịp Cầu từ năm 1975. Tôi hỏi sao ông lại “chuyển ngành” sớm vậy. Ông bảo tự thấy thơ mình không hay, sức yếu không theo kịp thơ nên tính đường khác. Vậy là nhờ tỉnh táo ngộ ra mình đúng lúc mà chúng ta có một nhà Folklore Thái Kim Đỉnh lừng lẫy với ngót trăm đầu sách các loại. Nói vậy thôi, không in nhưng ông Đỉnh không dừng làm thơ. Từ những năm 1980 một số bài thơ, câu thơ của ông bị lộ và không ít người “đặt vấn đề” như: “Giữa mùa nước sóc tháng ba/Bọt bèo thì nổi phù sa thì chìm” trong bài Sông Lam tháng ba. Người ta lại liên hệ với những câu thơ từ những năm 1960-1961của ông như “Thành phố ta tre còn nhiều hơn sắt/Trên đồng quê trâu hì hục kéo cày/Bới hạt cơm máu bẫm đầu tay”… Nói đến đây tôi lại nhớ đến bài thơ Sao sa ông Đỉnh tặng, và cũng là chia sẻ với ông Thung, năm 1981, sau Đại hội Văn nghệ tỉnh đình đám năm đó, có câu: “… Tôi nghĩ về ngôi sao/Sống vẹn đời mình giữa bao la vũ trụ/Đến phút chót, tự xé thân làm tiếng nổ/rải pháo hoa chào vĩnh biệt bầu trời” và“và những ngôi sao trên đời/Sống những ngày bình dị/Với muôn người, làm ngọn đèn tri kỷ/Đến phút cuối cùng ta bỗng nhận ra/Lửa sao trời soi mãi trong ta”. Bài thơ này chỉ có hai ông biết với nhau, mãi sau khi họ gặp nhau nơi trời thơ thì chúng ta mới biết. Nhưng cũng là không muộn vì tình bạn của các ông đã vượt khỏi khuôn khổ của riêng hai người.
Đến năm 2018, trong tuyển tập Thái Kim Đỉnh, ấn hành sau khi ông “đi”, đã lộ diện ra cùng lúc thêm các tập Độc Thoại, Ký họa năm tháng, Nhật kí người đi bộ thì tôi tin ông Đỉnh là một nhà thơ đích thực. Chưa hết, ông Đỉnh còn là dịch giả chữ Hán với hàng trăm bài thơ, văn bia… mà sinh thời GS Trương Chính - nhà Hán Nôm nổi tiếng đã nhận xét là chuẩn và hay.
Ông Thung thì khác, ông vẫn kiên trì với thơ nhưng càng ngày ông càng lấn sân sang văn, sang điện ảnh, thậm chí bước chân sang cả địa hạt folklore của ông Đỉnh. Rồi cao hứng, hai ông rủ nhau nhảy rào sang từ điển học sang trọng và khó nhọc của giới ngôn ngữ học hàn lâm. Năm 1998, hai ông in chung cuốn Từ điển Tiếng Nghệ. Dạo chơi, như kiểu cầu thủ cầu lông chơi thử quần vợt, nhưng không phải là không ghi điểm, sách này là cái vốn dữ liệu quý, cần thiết cho nhiều người muốn biết và hiểu tiếng quê “choa”. Mấy vị hàn lâm làm từ điển về tiếng Nghệ về sau có ý chê hai ông không biết làm từ điển nhưng cũng “thu hoạch” ở sách này khối thứ. Lại nói chuyện ông Thung với Folklore, chắc là ông có nhiều “vốn” nên đã được PGS Ninh Viết Giao dẫn dụ rồi chơi chung hẳn một cuốn Địa chí văn hóa Diễn Châu. Chẳng hiểu sao sách này đến năm 2008 tái bản (ruột) thì tên tác giả Trần Hữu Thung cũng đi theo ông luôn…
Cuối năm ngoái (2020), Nhà Xuất bản Nghệ An kỉ niệm 40 năm thành lập, ông Nguyễn Trung Hiền, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản rủ rỉ với tôi: Ông Đỉnh và ông Thung là kho vàng, kho tiền của nhà xuất bản suốt hơn mười năm từ khi thành lập cho đến những năm 1990 vì họ là hai cây bút chủ lực sáng tác câu đối. Hồi đó câu đối là mặt hàng Tết ăn tiền nhất, chỉ sau thịt mỡ thôi. (Tôi nghĩ, giá như bây giờ mà có một tuyển tập câu đối của Nhà Xuất bản đã phát hành biết đâu lại ăn khách!).
Lại nói chuyện câu đối, ông Thung và ông Khánh (Trần) về hưu, ông Đỉnh đều có câu đối tặng. Câu tặng ông Thung là: “Trăm năm trong cõi người/Đã hẳn có “bầu” thì có bạn”, câu tặng ông Khánh là: “Một cuộc bể dâu trải/Dễ chi cùng hội lại cùng thuyền”. Cái câu tặng ông Khánh không ít người bàn ra tán vào mãi, họ bảo ông ám chỉ chuyện cơm không lành canh không ngọt của hội. Nhưng ông Khánh thì khoái lắm. Không biết ông Đỉnh được hậu tạ thế nào chứ bọn tôi thì được mấy chầu liền tù tì.
Chuyện hai ông thì nhiều lắm. Sau Đại hội Hội Văn nghệ năm 1981, là Phó hội nhưng hai ông chủ yếu dạt về với vợ con, có họp hành mới ra/vô Vinh. Ông Thung về với bà Phương ở Diễn Châu còn ông Đỉnh về với con ở thị xã Hà Tĩnh rồi đến năm 1986 thì được con dâu dạm hỏi cho bà Miên làm vợ kế.
Hồi đó, tỉnh thoảng ông Thung vào Vinh họp hành tý chút rồi ngao du với bạn bè là chính. Nhà ông Khánh là “trụ sở” chính vì tiện đường và nhất là ông Khánh độc thân, không bị ai la phiền. Cũng có vài lần ông lên chỗ tôi và ông Châu “bà ba” ở nhà C1 Quang Trung. “Gặp nhau lần nào cũng rượu” nhưng ông uống không nhiều, rủ rải nói chuyện. Về sau, những năm cuối đời, ông ít khi uống rượu. Mấy lần tôi ra thăm, ông chỉ uống bia nhưng vẫn cái cách rủ rải vừa uống vừa nói chuyện như là cho khách nhắm chuyện hơn là món lòng lợn khoái khẩu của ông. Ông Đỉnh thì ngược lại, lúc nào cũng điều độ, không thích tụ tập đông người nhậu nhẹt. Tôi gần ông ba mươi năm mà chưa một thấy ông quá chén. Cái hôm tôi chuyển công tác khỏi Hà Tĩnh, ông, và ông Võ Hồng Huy, gọi tôi đến uống rượu chia tay. Bao nhiêu là cảm xúc lẫn lộn mà ông vẫn dừng lại đúng vạch, không quá 4 li nhỏ.
Lại nói tiếp, hồi đó các ông không ở Vinh, cách nhau chẵn trăm cây số, điện thoại không có, “Thư từ dễ gửi dễ trao/Nhưng mà giấy trắng làm sao tỏ bày” (Trần Hữu Thung - Bài vè gửi Thái Kim Đỉnh). Vậy mà có người vẫn đinh ninh các ông là thủ lĩnh gì đó và chỉ đạo từ xa (!). Chuyện rất mùi trinh thám. Hôm đi đám tang ông Thung về, tôi hỏi anh Xuân Hoài có chuyện đó không. Anh Hoài bảo làm chi có. Chỉ là tưởng tượng ra thôi! Ra thế. Tôi không gần ông Thung nhiều nhưng rất gần ông Đỉnh, thấy ông chẳng thù ghét gì ai. Ông có bạn bè khắp nơi. Văn nghệ có. Không văn nghệ cũng nhiều. Riêng dân văn nghệ thì tôi thấy chẳng ai nói xấu hay than phiền về ông bao giờ. Nhiều người không ưa nhau, thậm chí ghét nhau nhưng lại có bạn chung là ông Đỉnh.
Nhớ chuyện ông Đỉnh, ông Thung, tôi lại nhớ ông Hưu, tức ông Thanh Minh, nguyên là Hội trưởng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh trước khi nhập tỉnh. Ông Hưu sớm rút khỏi văn trường, lui về vườn nên ít người biết. Thực ra, ông Hưu mới là tay chơi cự phách. Ông cùng thời với Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Chung Anh.. Ông đi làm báo viết văn suốt trong Nam ngoài Bắc từ những năm 1930s rồi hoạt động cách mạng, bị tù. Ông nổi tiếng về chuyện được một người phụ nữ rất đẹp, con nhà giàu có nổi tiếng, đi nuôi chồng là tù cộng sản, gặp rồi yêu ông, rồi thành vợ chồng. Sau cách mạng, ông dạy học rồi hoạt động văn hóa ở Hà Tĩnh. Theo ông Đỉnh nói thì ông Hưu được học nhiều hơn, ông giỏi chữ Hán và là người dịch thơ chữ Hán rất hay. Mình - ông Đỉnh nói, chỉ là học trò của anh Hưu thôi.
Mặc dù quen biết từ trước khi đứng đầu hội văn nghệ hai tỉnh nhưng ông Thung với ông Hưu chỉ làm việc mấy ngày hồi chuẩn bị nhập tỉnh. Có ngần ấy thôi nhưng cũng đủ để họ trở thành tri âm tri kỉ. Không vậy làm chi có chuyện Trần Hữu Thung làm văn tế, vô tận Hà Tĩnh đọc cho ông Hưu nghe trước khi ông đi có mấy ngày. “…Than ôi!/Bút ấy đã sành ngọn bút, nước sông Lam cuồn cuộn, chảy xiết không ngừng/văn này riêng giữ lối văn, mây Ngàn Hống ùn ùn, tỏ mờ đòi trận/Chết mà lại sống, sống ở văn chương/Mất như còn, còn là nhân bản…”. (Thái Kim Đỉnh dịch từ Hán văn). Các ông đúng là Mất như còn, còn là nhân bản!
Còn đây là câu đối ông Hưu dành cho ông Đỉnh năm 60 tuổi: “Cựu thức tân tri, tọa thượng đồ thư mãn/Âu văn Á kiến, hung trung phong vũ tang” [Hiểu biết xưa nay, sách vở đầy trên giá/Thấy nghe Âu, Á, mưa gió giấu trong lòng]. Hiểu và khen bạn, khen “đệ tử” đến vậy cũng là hiếm.
Chuyện ông Đỉnh, ông Thung, và ông Hưu thì nhiều lắm. Giá như có ai đó ghi chép lại thành sách thì cũng thật đáng lắm. Còn hôm nay, trời rét, nhìn lại mấy tấm ảnh, nghĩ về sự ấm áp tình bạn, tình nghề của các ông mà thèm./.
tin tức liên quan
Videos
Thế giới đã thay đổi thế nào trước đại dịch Covid - 19?
Nhớ lần gặp Đại tướng Chu Huy Mân
Xứ Nghệ - Điểm đến thú vị của những cuộc du xuân
Có hay không một tầng lớp quý tộc Việt
“Cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết …”
Thống kê truy cập
114503476
2198
2332
2946
220869
120308
114503476